Tác giả : Katsuji Nakazawa Biên dịch : Tuệ Minh | Nguồn: Đại Kỷ Nguyên | Ngày đăng: 2020-03-30 |
Ảnh: Tumisu/Pixabay.
Chính quyền Trung Quốc đang phải đối mặt với sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế trong việc che giấu thông tin làm bùng phát dịch Covid-19. Điều đáng nói là, nhằm giảm bớt áp lực, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây cáo buộc quân đội Mỹ đã mang virus đến Vũ Hán, trong khi đại sứ Trung Quốc tại Mỹ lại uốn lưỡi nói rằng thuyết âm mưu này là “điên khùng”.
Triệu Lập Kiên |
Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đăng trên Twitter ngày 12/03 rằng: “Bệnh nhân số 0 bắt đầu ở Mỹ khi nào? Có bao nhiêu người bị nhiễm bệnh? Tên của các bệnh viện là gì? Có thể là quân đội Hoa Kỳ đã mang dịch bệnh đến Vũ Hán. Hãy minh bạch! Hãy công bố số liệu! Mỹ nợ chúng ta một lời giải thích”.
Đó là một phát ngôn đã đổ thêm dầu vào cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Thuyết âm mưu của chính quyền Trung Quốc ngay lập tức nhận được phản ứng mạnh mẽ từ Washington. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng hành động che giấu thông tin của Trung Quốc đã khiến thế giới phải trả giá rất đắt khi dịch viêm phổi Vũ Hán đang bùng phát khắp nơi. Ông gọi virus gây ra đại dịch này là “virus Trung Quốc”.
“Trung Quốc lúc đầu ở trong tình thế khó khăn khi virus bắt đầu lan rộng, vì vậy họ đã phát động cuộc tấn công phủ đầu vào Hoa Kỳ”, một nguồn tin Trung Quốc có hiểu biết về chính trị của Bắc Kinh tiết lộ.
Bắc Kinh sợ rằng chính quyền Trump sẽ buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho sự lan rộng của dịch bệnh và đã che giấu thông tin quan trọng về virus corona. Trung Quốc cũng sợ rằng Washington thậm chí có thể yêu cầu Bắc Kinh xin lỗi thế giới.
Nếu Trung Quốc ở trong thế bị động, hình ảnh của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế sẽ mờ nhạt đi. Chính quyền ĐCSTQ ngay tại nước nhà cũng sẽ bị lung lay. Do đó, những nhà cầm quyền cần một số công cụ để phát động một cuộc tấn công phủ đầu Hoa Kỳ để ngăn chặn những lời chỉ trích hướng đến Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tuyên truyền luôn là yếu tố rất quan trọng đối với ĐCSTQ, và chiến dịch tuyên truyền lần này là chối bỏ trách nhiệm với lập luận “Nguồn gốc của virus corona không phải ở Trung Quốc”.
Nếu điều này được cộng đồng quốc tế chấp nhận, thì chính quyền Trung Quốc cơ bản sẽ thoát khỏi tình thế khó khăn mặc dù đã thất bại trong phản ứng ban đầu về dịch bệnh.
Bản thân Tập Cận Bình đã ra lệnh điều tra kỹ lưỡng virus “đến từ đâu” và lây lan như thế nào. Ông đã nêu ra những câu hỏi đó trong một bài báo đăng trên tạp chí đảng Cầu Thị (Qiushi) ngày 16/3.
Các bộ phận liên quan của chính quyền được cho là đang nỗ lực hết sức để nghiên cứu và đưa ra các học thuyết khác nhau liên quan đến nguồn gốc của virus corona chủng mới.
Lập luận nCov có nguồn gốc bên ngoài Trung Quốc hoàn toàn phù hợp với điều chính quyền Trung Quốc muốn, và điều này dẫn đến thuyết âm mưu của Hoa Kỳ mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc, song chính ông cũng không đưa ra được chứng cứ.
Ông Triệu cáo buộc các binh sĩ Mỹ tham gia Thế vận hội quân sự ở Vũ Hán vào tháng 10/2019 có thể đã đưa virus corona vào Trung Quốc
Thôi Thiên Khải |
Tuy nhiên, cuộc tranh cãi về thuyết âm mưu đã có một bước ngoặt mới trong tuần qua khi ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ có mối quan hệ mật thiết với Tập, đã trả lời phỏng vấn Axios, trong đó ông khẳng định lại quan điểm của mình rằng những thuyết âm mưu quân sự như vậy là “điên khùng”.
Ông từng nói như vậy vào tháng 2 trong một cuộc phỏng vấn khác, trước khi ông Triệu cáo buộc trên Twitter.
Khi được hỏi liệu ông hay ông Triệu là đại diện cho lập trường chính thức của Trung Quốc, ông Thôi đáp: “Tôi ở đây đại diện cho người đứng đầu nhà nước và chính phủ của tôi… Tôi là đại diện của Trung Quốc tại Hoa Kỳ”.
Ông Thôi cũng nói rằng sẽ “rất nguy hiểm” khi các nhà báo và nhà ngoại giao “suy đoán” về nguồn gốc của virus, và điều này nên để lại cho các nhà khoa học.
Khi được người phỏng vấn hỏi liệu ông Triệu có bất kỳ bằng chứng nào về việc quân đội Hoa Kỳ mang virus đến Vũ Hán không, đại sứ Thôi trả lời: “Các vị có thể đi hỏi anh ta”.
Hơn nữa, nội dung cuộc phỏng vấn đã được công bố trên các trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ.
Hai quan chức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói những điều khác nhau – một người sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ, người còn lại dùng ngôn ngữ mềm mỏng – dường như là một phần trong chiến lược ngoại giao hai mặt của Bắc Kinh trong việc điều hướng “trò chơi” đổ lỗi nguồn gốc virus cho Hoa Kỳ.
Với việc ông Thôi nói dứt khoát rằng, ông đại diện cho Tập, người đứng đầu nhà nước Trung Quốc, có thể đoán rằng ông Thôi đã nhận được một mệnh lệnh ngay từ đầu là thể hiện thiện chí của Trung Quốc đối với chính quyền Trump và người dân Mỹ.
Còn phát ngôn viên Triệu gây tranh cãi giống như một cây thương cấp thấp, chỉ có thể tiến lên và dùng một lần. Mặt khác, nếu một cây thương được giữ, nó có thể hữu ích trong tương lai. Nếu quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc ngày càng xấu đi, Triệu có thể một lần nữa đứng ở vị trí hàng đầu trong cuộc đối đầu song phương.
Trong khi chính sách ngoại giao hai mặt của Trung Quốc khó hiểu đối với cộng đồng quốc tế, điều đó không có nghĩa là việc hoạch định chính sách của Trung Quốc rơi vào hỗn loạn. Theo logic của Trung Quốc, nó có nghĩa ngược lại.
Giới lãnh đạo Trung Quốc, đứng đầu là ông Tập, nghĩ rằng đây là một cơ hội vàng trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng quốc tế của đất nước.
Một bước ngoặt đến vào giữa tháng 3, khi số người nhiễm nCov bên ngoài Trung Quốc vượt quá số ca mắc bệnh trong nước, dựa trên số liệu mà giới chức trách Trung Quốc công bố. Ngoài sự đảo ngược này, số người nhiễm bệnh ở Hoa Kỳ đã tăng lên nhanh chóng.
Dường như đỉnh điểm của nCov đã qua ở Trung Quốc và bước quan trọng tiếp theo của chính quyền Trung Quốc là đảm bảo tình cảm chống Trung Quốc không tăng lên ở châu Âu, nơi chứng kiến lượng lớn số người chết vì nCov.
Theo chiến lược này, ông Tập đã gửi thông điệp chia sẻ và hỗ trợ tới Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Quốc vương Tây Ban Nha Felipe VI vào ngày 21/3.
Hai ngày sau, ông Tập cũng đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson.
Cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng toàn cầu đang làm thay đổi mạnh mẽ chính trị và kinh tế, và nó cũng có thể thay đổi tương lai.
Chưa thể nói trước loại trật tự toàn cầu nào có thể sẽ xuất hiện sau khi virus bị tiêu diệt. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn trong nhiều năm nay là: Cuộc giằng co mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về “một trật tự mới hậu virus” sẽ tiếp tục.
Theo Katsuji Nakazawa / Nikkei Asian Review
Tuệ Minh dịch và biên tập
No comments:
Post a Comment