Wednesday, August 26, 2009

Cây sầu riêng vườn cũ

Võ-Kỳ-Điền

Tôi rề lại cái băng cây, ngồi xuống ở đằng đầu. Cái băng được làm bằng tấm ván dầy, các chưn được đóng dính luôn xuống đất. Tấm ván được cưa cắt rất thô nhưng vì nhiều người ngồi tới ngồi lui nên nó trở thành trơn láng. Ở trại chuyển tiếp để đi định cư, ai cũng thích đến đây, vì ít ra tại vị trí nầy, người ta có thể nhìn ra ngoài thấy được một khoảng trời nhỏ và ở dưới kia, cái sườn đồi thoai thoải có vài mãnh vườn, cây cối xanh mát.

Ngồi kế bên tôi là chú hai thợ bạc, quê ở Sóc Trăng. Mỗi lần ra đây, tôi đều gặp chú. Khí hậu Mã Lai thiệt là kỳ cục. Ban đêm, trời lạnh teo ruột teo gan, ngủ phải đắp mền. Ban ngày trời nóng như đổ lửa, hơi nóng hừng hực từ sáng tới chiều, mồ hôi tươm ra đầy người. Ở tại lều không cách gì chịu nổi nên ai cũng tìm nơi để trốn nóng. Còn chỗ nào lý tưởng hơn chỗ nầy. Cái băng núp dưới bóng mát một bụi tre um tùm, ngoài kia dưới sườn đồi là phong cảnh kỳ thú. Thiệt ra ở vùng nầy còn nhiều nơi cảnh vật đẹp hơn nhiều nhưng dân tỵ nạn bị giới hạn trong vòng rào kẽm gai nên đâu có được ra ngoài mà đi đó đi đây. Có mấy người đi chữa bịnh về kể lại rằng ở ngoài kia, thành phố đẹp đẽ, sang trọng, sạch sẽ, tiện nghi. Riêng tôi và chú hai thợ bạc thì chỉ biết xứ Mã Lai qua cái khung trời nhỏ xíu nầy.

Tôi ngồi ở đây mà đầu óc ở đâu đâu. Cái vùng đất mới mà tôi sẽ đến thì xa lạ quá, nơi đó có vẽ hấp dẫn lắm. Có nhà lầu chọc trời, có xa lộ thênh thang, có tuyết rơi trắng xoá, có đủ mọi thứ vui. Tôi tưởng tượng ra bao cảnh kỳ lạ mà tôi sẽ được mắt thấp, tai nghe trong một ngày rất gần. Nhưng có anh bạn đi trước, gởi thơ về trại, trong có đoạn viết " ...vừa bước ra khỏi máy bay như đi vào cái tủ lạnh, mũi thở ra khói, tay chưn tê cóng..", tôi chợt thấy ghê quá, quay qua chú hai thợ bạc:

-Mai mốt qua bển, chú sợ lạnh hông chú hai?

-Sợ chớ thầy tư, Ở nhà tôi lúc nào cũng tắm bằng nước nóng như mấy ông ghiền thuốc phiện. Tại không nước nào nhận nên tôi đành phải chịu đi Canada. Tuổi già xương cốt chịu lạnh dở lắm. Người ta nói ở bển, xin lỗi thầy tư nghen, đi tiểu ngoài đường, nó đóng lại thành cây nước đá. Nghe nói sợ quá. Mấy đứa nhỏ thì khoái chí. Tối tối tụi nó rủ nhau đi đến hội trường coi chiếu phim. Thấy tây tà trượt tuyết với nhảy đầm, coi bộ tụi nhỏ chịu dữ.

Tôi nhìn chú hai thợ bạc. Chú ốm người, da xanh mét, mặt xương xương, dáng khắc khổ. Muốn gợi chuyện cho vui, tôi nói:

-Thì lần hồi rồi cũng quen. Người ta chịu được thì mình chịu được, có gì mà lo. Tôi với chú qua bển, mình học một khoá nhảy đầm với tập trượt tuyết là xong hết. Người ta tới đâu mình tới đó. Vượt biên nguy hiểm, chết sống vầy mà mình còn làm được, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó!

-Ý thôi thầy tư, thầy tuổi trẻ thì còn được, tôi trên năm mươi rồi, tiếng Tây tiếng Mỹ một chữ cũng không biết, nói chi tới việc ôm đầm mà nhảy nhót.

-Vậy chú chịu cực, chịu khổ lặn lội qua đây để làm chi?

Chú hai nhìn ra xa trả lời ngập ngừng:

-Tại bên mình khó sống quá, vừa nhức đầu, vừa nghẹt thở, nên phải đi. Chớ vui vẻ gì. Tôi đâu có muốn nhưng hoàn cảnh bắt buộc. Thầy tư nghĩ coi, cái tiệm thợ bạc nhỏ xíu cũng bị tịch thâu. Thôâi đành dẹp kềm, dẹp búa. Tôi làm đơn xin về quê làm ruộng. Nhà nước cũng không cho, bắt phải đi xây dựng kinh tế mới. Cái chế độ gì có mắt không được nhìn, có tai không được nghe, có miệng không được nói, thì ở lại làm gì. Nói thiệt với thầy tư, tôi ngồi đây mà đầu óc vẫn nhớ Bãi Xàu. Trước nhà tôi có cái rạch nhỏ, chiều chiều ra đằng trước câu cá, cũng đủ vui. Lớn tuổi rồi, đâu còn ham muốn gì nữa!

Nói xong, chú ngó mênh ngó mông. Chợt chú đưa tay chỉ xuống phía dưới sườn đồi, hỏi:
-Cái vườn ở dưới đó trồng cây gì mà cành lá xanh um?

Tôi nhìn theo, trả lời ngay:
-Cây sầu riêng đó. Mấy cây nầy mới trồng chừng ba bốn năm, còn nhỏ chưa có trái. Nếu lớn hơn một chút thì mùa nầy đã có bông rồi.

Tôi nhìn cây sầu riêng Mã Lai lá nhỏ nhưng tàn rậm hơn sầu riêng ở Việt Nam. Thấy khu vườn nầy lòng tôi đâm ngẩn ngơ. Quê tôi là xứ của sầu riêng, măng cụt, bây giờ nó ra sao?

Tôi quay qua hỏi chú hai:
-Ủa, chú chưa bao giờ thấy cây sầu riêng sao? Chú có ăn được sầu riêng không? Có nhiều người hễ nghe tới mùi là chạy mất, họ nói hôi không chịu nổi.
-Tôi khoái lắm chớ. Cứ tới mùa trái cây là mua mỗi lần cả chục kí, ăn tới mờ con mắt... Nhưng tiếc quá, tôi chưa có dịp đi vườn để thấy cây của nó...

Tôi bèn mô tả cây sầu riêng cho chú hai biết:
-Thông thường thì ở bên mình, cây trung bình có thân lớn cỡ cột nhà, cao hơn cột đèn đường chút xíu, tàn thưa mà rộng, mùa có trái nhìn thấy mê lắm. Trái nó treo lủng lẳng đầy cành, gai đâm tua tủa. Những trái còn non nhỏ cở trái cau, trái quít, thường bị rụng rải rác quanh gốc. Hồi nhỏ tụi tôi lượm lấy, bẻ mấy cái gai nhọn, cắm lên càm... để làm ông già râu!
-Trái nó to quá mà đầy gai, rủi nó rụng trúng đầu thì chắc chết!
-Vậy mà hình như chưa có ai bị rớt bể đầu vì sầu riêng. Chỉ có mấy anh đi ăn trộm mới sợ thôi vì trái nó chỉ rụng vào nửa đêm về sáng. Trái sầu riêng chín rụng ăn mới ngon. Nếu cắt cuống sớm, còn non ăn lạt nhách, nhiều khi bị sượng. Người sành điệu họ lựa chọn kỹ càng khi mua. Phải là thứ vỏ mỏng, nhỏ hột, cơm dầy màu mỡ gà, ăn cái vị nó beo béo, đăng đắng mới đã. Chớ ăn sầu riêng mà lựa thứ cơm ngọt ngay, thì ăn chừng vài múi là ngán ngược. Ăn buổi sáng, buổi chiều còn nghe mùi thơm.
-Mà chú hai ơi, ăn sầu riêng mà ăn một mình cũng chưa đủ ngon. Phải đi vào vườn với một cô bạn gái dễ thương, lựa một nơi im mát, gom cỏ khô lại làm đệm, khui trái sầu riêng chín thơm nực nồng, cầm từng múi bằng năm ngón tay, ăn hết rồi còn liếm cơm còn dính trên các ngón tay, mút chùn chụt, nhìn nhau mà cười... mới đã thèm.
-Sao tả cảnh nghe mê quá vậy. Chắc thầy tư ăn sầu riêng kiểu đó hoài?
-Phải được như chú nói, cũng đỡ. Nhiều khi tôi nghĩ tới còn tức mình. Hồi đó tới giờ, ngồi dưới gốc cây sầu riêng thì nhiều, còn ăn như vậy thì chưa bao nhiêu. Bây giờ ngồi đây, nhớ tới kỷ niệm mà trong lòng nao nao. Lúc đó tôi vừa được hai mươi tuổi...

Tôi gặp lại Phương do một sự tình cờ. buổi chiều hôm đó, trời vừa sẩm tối. tôi ở lớp học ra, đi ngay đến ngả tư đầu đường, để đón xe về tỉnh nhà. Chiếc xe lô ngừng lại. Tôi nhìn vào xe, thất vọng, trong khoang không còn một chỗ trống. Người ta ngồi đen nghẹt, chen chúc nhau. Anh lơ xe mở cửa, nhảy xuống kéo tay tôi, đẩy vào. Tôi cố chen vào trong. Có vài tiếng cằn nhằn nho nhỏ:
-Xe chật cứng, chỗ đâu mà chứa nữa!

Tôi vừa ngồi xuống vừa nghe bác tài xế trả lời:
-Bà con cô bác thông cảm. Chuyến chót hổng rước, người ta phải ngủ lại Sài Gòn sao? Thế là đâu vào đó. Ai nấy đành chịu chật. Tôi bị kẹt cứng tư bề. Phía trước, phía trong, phía sau là người ta, còn bên phải là cánh cửa xe bằng sắt. Tôi không có cách gì để đặt chưn cho gọn. day qua, trở lại, sửa tới, sửa lui, cũng không ổn thoả chút nào. Nhờ xe chạy có được chút ít gió mát. Ánh sáng về đêm của thành phó lấp loáng qua cửa xe. Đèn quảng cáo xanh xanh, đỏ đỏ. Đèn đường sáng trắng nhợt nhạt. Bầu trời lấp lánh đầy sao. Chiếc xe còn chạy loanh quanh chưa ra khỏi thành phố. Tôi yên chí nó sẽ chạy một mạch về tới tỉnh. Chật quá rồi làm sao chứa được nữa. Nào ngờ, qua một góc phố, chiếc xe từ từ ngừng lại. Có tiếng ồn ào:
- Trời đất ơi, cái xe nhỏ xíu như vậy, bác tài tính chứa bao nhiêu mạng ?

Tôi thất vọng. Nếu có thêm người, tôi sẽ bị dồn vào trong. Còn đâu mà nhìn thấy phong cảnh bên đường với gió mát trăng sáng. Chưa kịp phản ứng gì, thì cửa xe đã mở, anh lơ nhảy xuống, đẩy người khách mới lên chỗ tôi. Tôi bắt buộc ở cái thế phải ép sát vào bên trong để nhường chỗ. Đúng là hộp cá mòi. Hành khách bị ép như mấy con cá nằm sắp lớp, hết cục cựa. Bác tài vừa cho xe chạy, vừa cam kết:
-Thôi đủ rồi, không rước nữa. Bây giờ thì xe hơi chật. Xe chạy một hồi, nó lắc xuống đâu vào đó. Bà con cô bác thông cảm!

Không thông cảm với bác tài cũng không được. Trời tối rồi, không lẽ bước xuống xe để ở lại Sài gòn đêm nay. Mà bây giờ thì tôi đâu còn muốn bước xuống nữa. Người hành khách vừa mới lên là một cô gái còn trẻ, trong ánh sáng mờ mờ, tôi không thấy rõ nhưng có lẽ nàng đẹp lắm. Tà aó vàng được vén khéo qua bên, nàng cố thu mình cho nhỏ gọn lại, dáng khép nép. Riêng tôi vì đụng chạm bên người nàng nên loay hoay, xoay ngang người lại cho thư thả. Ở cái thế nầy tôi thấy thoải mái hơn nhưng đồng thời cánh tay phải như ôm lấy người nàng. Tôi mắc cỡ quá, đâu có dám đụng, đành phải vói tay qua gác trên cửa xe cho đỡ mõi. Trọn nửa người bên phải tôi ép sát nửa người bên trái của nàng. Tôi nghe một cảm giác êm ái bềnh bồng. Tôi đâu có ngờ hoàn cảnh trái ngang như vậy. Lần đầu tiên ngồi gần một cô gái lạ, tôi bối rối quá. Tôi thử nghĩ hằng chục câu hỏi để mong làm quen với nàng, nhưng thấy câu nào cũng vô duyên. Thôi đành ngồi im, làm ra vẻ đứng đắn nghiêm nghị. Bỗng chiếc xe quẹo gắt ở một khúc quanh, người nàng đè hẳn lên tôi. Như để đỡ mắc cở, nói nói bâng quơ:
-Chiều thứ bảy nào xe cũng chật nứt!

Tôi bèn bắt chuyện:
-Dạ, dạ, cũng hơi đông.
-Chút xíu nữa là tôi đón hụt rồi. Từ trường ra tới đây kẹt xe quá!
-Chắc cô học trường Luật?

Cô ta hơi nghiêng đầu qua tôi, hỏi lại:
-Sao anh biết?

Tôi thấy vui trong bụng, có dịp để nàng thấy tôi thông minh:
-Đa số sinh viên luật thường đón xe chỗ cô vừa lên.
Nàng cười nhẹ nhàng, hàm răng trắng bóng đều đặn:
-Dạ không phải, tôi học ở Văn Khoa.

Tôi đoán trật lất. Nhưng không hề gì. Miễn nói chuyện được với nàng là vui rồi. Tôi tuy không học ở đó, nhưng cũng biết chút ít:
- Xin lỗi, tôi hơi tò mò, cô đang theo chứng chỉ nào ?
-Dạ, tôi học lớp dự bị…
-Vậy là cô được học với ông giáo sư Vương Hồng Sển. Tôi khoái được nghe ổng nói chuyện. Hễ sách nào có bài ổng viết, tôi đều kiếm mua. Ổng rành về đồ cổ... Chắc cô cũng thích các giờ ông ấy dạy?
Lại một lần nữa tôi bị hố:
-Dạ, tôi sợ các giờ đó lắm. Kỳ rồi, tôi bị rớt vì môn Văn Chương Quốc Âm, nên kỳ nhì phải thi lại môn nầy.

Tôi không dám hỏi thêm. Tôi suy nghĩ hoài cũng không hiểu tại sao cô ta lại rớt môn Quốc Âm, cái môn được coi là dễ hơn các môn khác. Vốn ít nói và hay rụt rè, tôi lại đành ngồi im. Thoang thoảng, tôi ngửi thấy tóc nàng có mùi thơm nhè nhẹ. Tự nhiên tôi cảm thấy trong lòng một xúc động bất ngờ. Trời đất nào xui khiến cho tôi gặp nàng như vậy. Bây giờ tôi phải nói câu nào nữa ?
-Chắc cô về tới bến xe ?
-Dạ không, tôi xuống Cầu Ngang.

Tôi lại tìm được câu đối đáp:
-Cô ở gần cái nhà ngói đỏ, có cổng sắt sơn xanh không? đằng trước có bụi tre ngà ?
Cô ta nghiêng đầu qua nhìn tôi:
-Chắc anh là bạn học của anh Bình! căn nhà đó của tôi.
Đoạn nàng chăm chú nhìn tôi, thoáng do dự, nàng tiếp:
-Phải anh là anh Hưng không, em là Phương đây !
Tôi vừa xác nhận thì nàng líu lo:
-Trời ơi, sao lâu quá không thấy anh xuống nhà chơi. Ba má em với anh Bình thường nhắc tới anh hoài.

Tôi ngạc nhiên sung sướng. Không dè con nhỏ Phương ngày nào nhỏ xíu, đen thui, mới có mấy năm mà lớn đẹp như vậy. Những chuyện năm trước bây giờ được tôi và Phương nhắc lại. Nàng nói chuyện lanh lợi, duyên dáng. Tôi lần lần bình tĩnh hơn. Tôi hỏi thăm tin tức Bình, sau cùng tôi thắc mắc:
-Ông Sển dễ lắm má! Tại sao Phương lại bị kẹt môn Quốc Âm?

Phương phân trần:
-Anh Hưng thử nghĩ coi, em vào vấn đáp, ổng đưa em quyển " Truyện Đời Xưa " của Trương Vĩnh Ký, biểu em đọc bài " Anh chàng sợ vợ ". Cái chuyện anh chàng lùi khoai lang trong tro nóng cho chín để ăn vụng, nào ngờ chị vợ về nửa chừng, anh ta sợ quá bèn cột túm ống quần lại, bỏ củ khoai lang vào trong đó để dấu, nóng quá bèn nhẩy cà tưng. Đọc đến đây, ổng bảo ngừng lại và hỏi em:
-Nhẩy cà tưng là nhảy làm sao

Em còn đang suy nghĩ chưa kịp trả lời, thì ổng hỏi tiếp:
- Đâu cô nhảy cà tưng cho tôi coi!
- Anh Hưng thử nghĩ cả cái phòng thi rộng mênh mông. Ở dưới cả mấy chục người ngó lên, em mắc cở quá, làm sao dám nhảy. Chờ hồi lâu không được, ổng nghĩ là em không biết, nên cho dưới điểm trung bình. Em đành phải thi lại kỳ hai.

Tôi an ủi nàng:
-Gặp tôi mà ổng biểu nhảy thì cũng rớt. Ai lại nhảy cà tưng trước mắt mọi người, kỳ thấy mồ.

Phương cười nhẹ:
-Lạy trời cho mai mốt đừng gặp cái "Anh chàng sợ vợ " nữa.

Tôi chớp ngay lấy cái câu nói hớ đó, hỏi lại:
-Vậy chớ Phương muốn gặp anh chàng như thế nào, cho tôi biết các điều kiện đòi hỏi.... để kiếm cái đầu heo.
Phương chống chế:
- Ơ Anh Hưng, không phải vậy ! Mấy năm rồi gặp lại, anh vẫn y như hồi xưa, cứ phá em hoài.

Từ đó tôi thường xuống Cầu Ngang thăm gia đình nàng. Bình thì đã vào quân đội, ít khi có nhà. Má nàng lần nào thấy tôi, cũng nói:
-Khi nào rảnh rỗi cháu xuống đây chơi, đừng ngại gì hết, thằng Bình đi lính, hai Bác nhớ nó quá. Nhà đơn chiếc không có ai.!

Còn Ba nàng thì ít nói, thường dẫn tôi ra sau vườn, bẻ trái cây cả đống bắt ăn. Phương xinh xắn, dễ thương, lăng xăng làm các món ngon để đãi khách. Chúng tôi thường ăn dưới gốc cây sầu riêng lớn. Vườn nhà Phương rất rộng, các mương nước nhỏ đầy rong. Nước trong vắt, thấy được những con cá bãi trầu, cá lia thia, cá lìm kìm, lội nhởn nhơ dưới đó. Đất đen mầu mỡ, cây dâu, cây măng cụt, cây sầu riêng, có những tàn lá xanh um, mát rượi...

Tôi ngồi mà nghe lòng khoan khoái, mắt nhìn ánh nắng lấp lánh qua các khoảng lá thưa. Đâu đây có con chim hót trên cành, tiếng nghe trong trẻo quá. Phương cũng như chim líu lo:
-Trên nhà anh Hưng có vườn không? có trồng nhiều bông không? đôi khi lên tỉnh, em muốn ghé chơi cho biết mà sợ... anh Hưng không thèm tiếp.
Má Phương mắng yêu con gái:
-Cái con nhỏ nầy, mầy làm như cậu Hưng là người dưng!
Phương vừa ngó xéo tôi, vừa trả lời mẹ:
-Thì má thấy đó, hôm con gặp anh Hưng trên xe, ngồi gần cả giờ đồng hồ, ảnh đâu có thèm nhìn... bà con!

Tôi không biết trả lời ra sao, đành cười trừ! Ôi! những buổi trưa ấm cúng, lòng vui như mở hội. Tôi vẫn đắn đo, rụt rè, chưa dám ngỏ ý với Phương. Học hành chưa thành, công danh chưa toại, bây giờ còn quá sớm để nói chuyện yêu đương....

Những ngày tháng kế tiếp qua mau. Ba má Phương sẵn có vốn, mở thêm căn tiệm cầm đồ ngoài chợ. Ngoài những giờ học, Phương còn phụ mẹ buôn bán, trông nom công việc sổ sách. Tôi lại có dịp gặp gỡ nàng nhiều hơn. Chúng tôi trao đổi chuyện trời mưa, trời nắng, chuyện học hành, thi cử. Toàn là chuyện đâu đâu, vậy mà cũng có để nói hoài, không chán. Có lần Phương hỏi tôi:
-Anh Hưng ơi, hiện thời anh thương ai nhứt ?
Tôi trả lời, cười cười:
-Thì Phương biết rồi, tôi nói hoài! Đời tôi chỉ thương có chú lùn bán hủ tiếu dưới gốc me...
Mặt Phương hơi phụng phịu:
-Vậy chớ mấy người đẹp của anh, không ai bằng chú lùn sao ?
Tôi giảng nghiã:
-Đẹp đâu có ăn được. Còn hủ tiếu cây me ăn ngon, cho nên tôi thương... chú lùn.
Phương nín thinh, bậm môi tức tối. Tôi muốn giải hoà cho khuây khoả:
-Phương ơi, mấy ngày ở nhà không có buôn bán, em làm gì ?
-Em đi chợ, mua cá mua cua.
-Rồi sau đó Phương làm gì nữa ?
Nàng trả thù tôi, trả lời tỉnh rụi:
-Thì em làm cá làm cua.
-Vậy chớ không lúc nào Phương nhớ tới bạn bè chút xíu nào sao ?
Phương bật cười, tươi như đoá hoa buổi sáng:
-Có chớ, lúc ghé ăn hủ tiếu cây me thì nhớ tới anh!

Tôi vừa làm điệu bộ thất vọng, vừa nhìn sững mặt nàng. Phương cười, khuôn mặt vuông vuông, rạng rỡ, làn da trắng mịn màng. Tóc cắt ngắn gọn, cái mũi thẳng cao, xinh xắn. Cặp môi trề trề. Hèn chi nàng nói chuyện tía lia. Ông trời sao thiệt bất công. Mặt Phương không một khuyết điểm. Tất cả đường nét đều hoà hợp, thêm vào đó là cái duyên dáng nữa. Còn tôi thì vừa xấu, vừa đen, được quen với nàng, đời tôi còn hạnh phúc nào hơn. Do câu chuyện đẩy đưa, bất chợt tôi thấy Phương dễ thương làm sao.

Trong một thoáng ngẩn ngơ, tôi nói đại:
-Cô chủ tiệm cầm đồ ơi, sao cô đẹp quá vậy ? Tiệm cô cầm vàng bạc, châu báu ngọc ngà mà có cầm "người ta" không ?

Phương trố mắt nhìn tôi. Hình như nàng chưa hiểu câu nói. Cặp mắt nàng tròn to, đen bóng, ngây thơ. Tôi nói tiếp:
-Có một sinh viên nghèo, học hành dang dở, hoàn cảnh túng bấn, cần cầm tạm để đủ tiền ăn học, miễn có cơm canh ngày hai bữa, mai sau có nghề nghiệp vững chắc, nguyện sẽ làm "tôi mọi" để trả công lẫn lời.

Phương hiểu ra, cười nho nhỏ, thủ thỉ bên tai tôi;
-Anh Hưng muốn cầm thiệt không đó ? Tiệm của em không khó khăn như mấy tiệm khác đâu. Miễn là sòng phẳng, siêng năng, trả nợ suốt đời...

Từ đó, tôi và Phương thương nhau. Rồi chiến tranh ngày một tàn khốc. Tôi phải vào quân ngũ, trôi nổi ngược xuôi. Những cánh thơ nồng nàn thay thế những lần gặp gỡ. Phương thường viết cho tôi biết, nàng đã phải nhiều lần từ chối những mối mai xung quanh. Tôi run trong bụng. Làm sao nàng có thể chờ đợi và nếu chờ thì đến bao giờ. Thân tôi, tôi còn lo chưa xong. Cưới Phương bây giờ, chỉ làm khổ cho nàng, điều mà tôi không muốn. Yêu Phương, tôi muốn nàng được hoàn toàn sung sướng. Phương xinh xắn và dễ thương quá, nàng đâu thể vì tôi mà chịu khổ cực. Rốt cuộc rồi thì tôi cũng phải chịu thua định mạng. Một buổi sáng mùa thu, tôi nhận được thơ cuối cùng của Phương. Vào phòng riêng, tôi xé thơ ra đọc. Nét chữ quen thuộc dễ thương ngày nào, quay cuồng trước mắt tôi:
" ...ba má bắt em phải lập gia đình với một người không quen. Giữa tình yêu và gia đình, em phải chọn một. Gởi đến anh bức ảnh cuối cùng em chụp bên gốc sầu riêng ngày nào... như nỗi lòng em.."

Nước mắt tôi tự nhiên ứa ra, ràn rụa. Những chữ còn lại, mờ nhạt. Cuối thơ Phương không ký tên, tôi đọc được câu ca dao ở hàng dưới cùng:

Đêm khuya thắp chút dầu dư
Tim loang cháy lụn, sầu tư một mình.

Câu chuyện đã trên hai mươi năm rồi, bây giờ tôi còn nhớ lại như in. Cái kỷ niệm ngày xưa sao mà êm ái nhẹ nhàng quá. Tôi với chú hai thợ bạc, ngồi im lặng bên nhau. Mỗi người một ý nghĩ vụn vặt, tản mác. Xa quê hương là xa hết những cảnh, những vật, những người thân yêu. Trước mắt tôi, bây giờ cũng có cây sầu riêng. Nhưng đâu phải là cây sầu riêng vườn cũ. Phương bây giờ đã có chồng, có con. biết được nàng hạnh phúc, tôi mừng lắm. Nhưng rồi vận nước đổi thay. Hiện giờ vợ chồng con cái nàng vẫn còn ở nguyên nơi quê xưa. Liệu nàng có đủ sức khoẻ và nghị lực để vượt qua những khổ nhục mà chế độ mới đưa tới hay không ?

Nhớ tới giờ phút nầy hình ảnh của hằng triệu người đang phải lam lũ, chân lấm tay bùn, cuốc xới trên vùng đất khô cằn miền kinh tế mới để phục vụ một thứ chủ nghiã ngoại lai, tim tôi như muốn nghẹn lại:
-Chú hai ơi! mấy người còn ở lại làm sao mà sống nổi với tụi nó ?
-Rồi cũng phải sống chớ thầy tư, hổng lẽ... tự tử chết ! Con ngựa đua bắt đem đi kéo cày thì cũng như con bò, con trâu vậy !
Nghe chú hai thợ bạc nói, tôi nghĩ ngay đến Phương ngày nào. Trời đất ơi! cái sự thật sao mà chua xót. Tôi đứng dậy hết muốn nổi:
- Vậy thì chừng nào dân mình hết khổ, chú hai ? Hổng lẽ phải chịu như vậy hoài !
Chú hai thợ bạc vừa đi vừa trả lời:
- Thầy tư đừng có lo! Luật tạo hoá tuần hoàn hết bĩ cực rối tới thới lai. Như trái sầu riêng chín thì phải rụng. Ngày đó tôi với thầy tư trở về, gầy dựng lại quê hương cũ. Cầu trời cho nó đừng quá tang thương, đổ nát...

Tuesday, August 25, 2009

VIÊN ĐẠN CUỐI CÙNG
(Trần Như Xuyên)

Tháng 8- 1974, một trận đánh lớn xẩy ra tại Thường Đức giữa hai Lữ đoàn Nhẩy Dù của Quân lực VNCH và 3 Sư Đoàn quân Bắc Việt, trận chiến rất khốc liệt, sau 3 tháng quần thảo, số tổn thất cả hai bên rất to lớn. Tháng 8 năm nay 2009, trận chiến đã trôi qua 35 năm, nhưng những người lính Nhẩy Dù năm xưa vẫn không quên âm vang của trận đánh và những đồng đội đã nằm xuống.

( Xin mời đọc câu chuyện của một người Đại Đội Trưởng Nhẩy Dù tham dự trong trận đánh này tại Thường Đức.)
Tâm Anh bước những bước nhẹ trên hè đường Tự Do, cơn gió lạnh cuối năm khiến nàng khoanh hai tay lại suýt xoa, những chiếc lá me khô lăn tròn như điệu nhạc luân vũ dưới chân nàng, Sài gòn năm nay được hưởng một cái lạnh khác thường, gần Noel rồi còn gì, ngang qua Brodard, nhiều cặp mắt trong đó nhìn nàng, còn anh trong đó nữa đâu, vậy là anh vĩnh viễn xa em rồi, phải chi anh đừng mê đời lính, phải chi anh đừng mê súng đạn thì giờ này em đâu có cô đơn như thế này. Tâm Anh nhớ lại, cũng là Broadard này một ngày nào đó, ngày hai người còn quấn quýt bên nhau, khi đang ngồi uống nước, ngắm thiên hạ qua lại, bất chợt Chương nắm tay nàng:
- Em, anh đã suy nghĩ kỹ rồi, anh sẽ nhập ngũ, vào Võ Bị Đà Lạt.

Cái ống hút rời khỏi đôi môi xinh xắn, nàng không ngạc nhiên nhưng có bàng hoàng, Tâm Anh chờ đợi ngày này sẽ đến và bây giờ nó đến, vậy mà vẫn không tránh được, nàng hiểu tính Chương, thời gian gần đây, Chương luôn than phiền về một cái gì đó, không rõ ràng, có lúc Chương bảo sao chàng thấy thành phố này ngột ngạt quá, chỉ muốn xa khỏi đây, có lúc Chương đứng sững nhìn một người lính phía bên kia đường, lẩm bẩm: " vậy mà Trung nó chết cũng được nửa năm rồi", Trung là một trong ba người bạn thân của chàng, cùng đang học Đại học, rồi cả ba bỏ đi lính, khi mãn khóa, Trung chọn binh chủng Nhẩy dù, hai người kia chọn bộ binh và đổi đi xa, chỉ có Trung thỉnh thoảng về phép, rủ Chương và nàng đi chơi như ngày xưa, ngày mấy người còn vui chơi với nhau chung một nhóm, Trung đen hơn nhưng rắn rỏi, mỗi lần về, Trung say sưa kể về một trận đánh nào đó mà anh tham dự, nàng bắt gặp ánh mắt Chương rực sáng khi nghe Trung nói chuyện, thế rồi Trung không còn dịp về nữa để kể chuyện chiến trường cho Chương nghe, anh đã hy sinh trong một trận đánh ở đâu đó, nàng không nghĩ Chương lại nối gót theo mấy người kia sớm tới như thế.

Nàng bất chợt hỏi Chương:
- Anh bỏ đi như vậy, còn tình yêu chúng mình, còn em thì sao?
- Thì tình yêu mình cũng vẫn còn đấy chứ em, biết đâu sự xa cách này chẳng là một thử thách cho đôi ta, nếu mình vẫn giữ vững được, nếu mình vẫn chỉ nghĩ đến nhau thì cuộc hôn nhân mới thực bền vững.

Chương gặp Tâm Anh trong dịp sinh nhật đứa em họ tên Dung, Tâm Anh và Dung học chung một lớp, Première ở Marie Curie, mấy năm trước hồi còn lớp dưới, Dung học cũng thường thường thôi, nhưng năm lên đệ nhị, Dung khá hẳn lên, Tâm Anh hỏi lý do, Dung cho biết nhờ ông anh họ kèm toán, ông đang học ở Kiến Trúc.

- À, Kiến Trúc thì giỏi toán rồi, mày nói ông ấy dạy kèm tao với được không!
- Được, để tao nói xem sao, nhưng đẹp như mày thì chẳng phải nhờ mà khối người tình nguyện dạy cho mày, sinh nhật tao sắp tới, tao sẽ mời ông ấy cho mày làm quen, à quên, để ông ấy quen mày

Tâm Anh là hoa khôi của lớp nhưng trong buổi tiệc Chương chú ý nhất là nụ cười của nàng, chàng thấy chung quanh như rực sáng lên theo cùng nụ cười, sau này, khi hai người đã yêu nhau Chương mới nói:
- Em đẹp, ai cũng biết, nhưng hôm đó anh chú ý đến em không phải vì cái bộ mặt kiêu căng thấy ghét, anh chỉ thích nụ cười của em, mỗi lần em cười, anh thấy cái ly trong tay em nó cũng cười, cái bàn trước mặt em nó cũng cười, thế rồi anh biết là đến mê em mất thôi.
- Chỉ khéo nịnh, hôm đó anh thấy ghét , cứ nhìn người ta chằm chằm, em bị nhiều người nhìn em như thế rồi nhưng sao ánh mắt anh làm em luống cuống, em đã phải la thầm em: cái con nhỏ này, sao vậy, rồi em bảo cái ông này mà dạy kèm mình, thế nào ông ấy cũng dê mình thôi.
- Không phải dê, em nói tiếng Việt lộn xộn quá, phải nói là ông ấy thế nào cũng mê mình thôi, em vẫn học thêm chương trình Việt văn đấy chứ.
- Vẫn, anh có muốn em đọc Chinh phụ ngâm cho anh nghe không.

Câu nói vô tình thế mà giờ lại là sự thật, tại sao mình lại chỉ thuộc cuốn Chinh phụ Ngâm thôi, đấy, cho đáng, giờ ráng mà: lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi. Ôi cô Tiểu thư khuê các giờ vò võ tấm thân theo mãi bóng ai đi.

Tâm Anh là con nhà giầu, bố mẹ có cửa hàng xuất nhập cảng len sợi ở đường Gia Long, xét theo vậy, nàng có cả một tương lai tươi sáng trước mặt, nàng còn có một giọng hát rất hay, luôn được mời gọi trong các buổi party, bao kẻ theo đuổi nhưng nàng dửng dưng trước những lời tán tỉnh, cho đến khi gặp Chương, cái tánh tàng tàng lạ lùng của chàng khiến Tâm Anh chú ý, khi Chương kèm toán cho nàng một thời gian, một hôm Tâm Anh hỏi Chương về việc gửi chàng học phí, Chương không trả lời, nhìn nàng bằng một ánh mắt khó hiểu, Dung hốt hoảng khi nghe Tâm Anh nói điều đó, đợi Chương về, Dung nói như gắt:
- Con gà tồ này, sao không hỏi tao mà tự nhiên phát ngôn bừa bãi!
- Gà tồ là cái gì, tao nhờ ông ấy dạy kèm thì tao phải trả tiền cho ông ấy chứ.
- Thật là gà tồ, mày không biết rằng mày là ưu tiên số một, trên hết mọi người khác không!

Nào Tâm Anh hiểu được mình là ưu tiên số một như Dung nói, rồi những lần đi chơi, cử chỉ của Chương săn sóc nàng thì Tâm Anh hiểu thế nào là ưu tiên số một, tình yêu đến nhẹ nhàng như sương, như khói, và bây giờ, khi đang ngụp lặn trong đắm say thì Chương đòi bỏ đi Đà Lạt.

Ngày mai Chương đi, tối đó, hai người đi chơi với nhau lần cuối, Chương đưa nàng vào Tự Do, phòng trà mà nhiều lần họ từng vào đây, bước qua cửa vừa lúc Strawberry Four đang hát bài Hey Jude, một bản nhạc nổi tiếng của Beetles, tới khuya, Chương đưa nàng về, cả hai đi bộ về nhà nàng ở đường Gia Long, cũng gần đấy, nhiều lần trong những lúc đi chơi khuya về, dưới bóng tối cây me che khuất ánh đèn đường, Tâm Anh kiễng chân hôn Chương trước cửa nhà với lời thì thầm: " bonne nuit" rồi quay vào.

Tối nay thì khác, vẫn là yên lặng, vẫn dưới bóng cây me, Tâm Anh không kiễng chân hôn Chương như mọi lần, nàng ôm Chương thật lâu, khi Chương nói: thôi vào đi em, anh về, thì Tâm Anh lắc đầu, nàng ôm chặt Chương hơn, một lúc, Tâm Anh nói trong nước mắt:
- Em không vào, tối nay em muốn đi với anh, còn lâu lắm chúng ta mới gặp lại nhau, anh tập cho em quen có anh ở bên cạnh, anh dạy cho em thế nào là nỗi nhớ thương, giờ anh đùng đùng bỏ em đi, đi anh, hãy đưa em đi bất cứ đâu, miễn là có anh bên em, bố mẹ em đi vắng không có nhà, có phải bề trên đã sắp xếp cho chúng ta được bên nhau tối cuối cùng này không.

Tối đó, Tâm Anh đã cho Chương tất cả, tình yêu không làm nàng suy tính thiệt hơn, sự tuyệt vời của đụng chạm xác thịt nam, nữ mà lần đầu nàng được biết càng làm nàng yêu Chương nhiều hơn.

Chương nhập học khóa 25 Võ Bị Đà Lạt cuối năm 1968, thời gian đầu hết sức vất vả, nhất là tám tuần sơ khởi:" Ai có dí súng sau lưng các anh bắt các anh vô đây đâu, giờ than than thở thở, kêu ca cả với thợ giặt, bộ họ cứu các anh được hả."

Đúng thế, chẳng có ai bắt mình vô đây cả, tự mình thôi, ngay cả Tâm Anh khóc lóc nhưng giọt nước mắt ấy có giữ được chân mình đâu, khi con đại bàng đã muốn tung bay, giọt nước mắt đó chỉ là những sợi tơ trời, tơ trời cùng lắm giữ được con ruồi, con muỗi chứ sao giữ được cánh chim khao khát gió mưa.

Bốn năm thụ huấn, những dịp hè, Tâm Anh lên thăm Chương, chàng trông mạnh khỏe ,có hơi đen đi một chút, khi Chương ra trường cuối năm 72, Tâm Anh đang học năm thứ hai Dược, theo bước Trung, người bạn năm xưa, Chương chọn Nhẩy Dù, một binh chủng nổi danh với những trận đánh khốc liệt.

Cuối năm 1972, chiến trường đã qua đi những trận đánh lớn, tháng giêng 1973, Hiệp định Paris được ký kết đúng với sự mong đợi của Hoa Kỳ và VC, về phía Hoa Kỳ, có người bảo nhiệm vụ của họ đã xong, tức chiến lược toàn cầu của họ đã hoàn tất, giờ Mỹ có thể rút hết quân về nước, để hai bên VN giải quyết với nhau, đúng ra phải nói là để miền Bắc giải quyết miền Nam vì Mỹ không giữ lời cam kết là sẽ yểm trợ chính phủ VNCH, trong khi miền Nam đơn độc chiến đấu thiếu cả về vũ khí lẫn viện trợ kinh tế thì CS Bắc Việt lại được sự yểm trợ to tát của toàn khối CS.

Về phía Bắc Việt, ký kết Hiệp định Paris là cơ hội để họ xâm chiếm miền Nam, khi người Mỹ bắt đầu rút quân thì cũng là lúc CS đem quân ồ ạt vượt qua vĩ tuyến 17, chúng hoàn thành con đường đông Trường Sơn để chuyển quân và vũ khí được nhanh hơn, xe cộ và bộ đội rầm rộ chuyển vào như chỗ không người, trước đây chúng không dám ngang nhiên như vậy vì sợ B52 và quân ta phục kích. Hiệp ước Paris qui định ai ở đâu thì yên đó nhưng với VC, có khi nào ta tin được chúng, kinh nghiệm cái Tết Mậu thân còn đó. Tuy quân VC gia tăng nỗ lực chuẩn bị cho cuộc chiến nhưng chúng vẫn chưa nắm vững không biết người Mỹ có quay trở lại hay không nếu chúng mở các cuộc tấn công lớn. Qua nhiều cuộc lấn chiếm thăm dò, Mỹ vẫn giữ thái độ im lặng, chúng quyết định mở một cuộc tấn công và nơi chúng lựa chọn cho cuộc thử thách này là Thường Đức, nếu chúng thắng cuộc chiến ở đây, chúng sẽ đưa quân thẳng ra biển, chia cắt miền Nam làm hai và sự sụp đổ của VNCH chỉ đếm từng ngày.

Thường Đức là một quận nhỏ thuộc tỉnh Quảng Nam, được tách ra từ Quận Đức Dục, nằm phía Tây Đà Nẵng trên liên tỉnh lộ 4, cách Quốc lộ 1 khoảng 40 cây số. Đây là một điểm chiến lược quan trọng, coi như tiền đồn của của Đà nẵng. Thường Đức trước kia là một trại LLĐB Mỹ, xây dựng kiên cố với những hầm ngầm bê tông cốt sắt.

Quân trú phòng tại Thường Đức có 2 ĐĐ Địa phương quân, 14 Trung đội Nghĩa quân, tháng 6, 1974, tin tức tình báo cho biết VC đang chuẩn bị lực lượng có thể tấn công Thường Đức, Tiểu Đoàn 79 BĐQ được tăng cường thêm cho Chi khu này, gọi là Chi khu nhưng nó có tính cách chiến lược hơn là yếu tố kinh tế, dân thì toàn là gia đình của binh sĩ trú đóng tại đây, đất đai khô cằn sỏi đá, ba hướng bao quanh là núi cao dốc đứng, chỉ có hướng Đông để ra QL1 là bằng phẳng.

VC tấn công Thường Đức với SĐ 304( SĐ Điện Biên ), SĐ 324 và nhiều Trg Đoàn tăng cường cùng các đơn vị Pháo và xe tăng, quân trú phòng chống cự mãnh liệt, TĐ 79 BĐQ chiến đấu dũng cảm, gây thiệt hại to lớn cho quân tấn công, phía trú phòng cũng bị thiệt hại, Trung Tá Quân Trưởng bị thương nặng, Th/T TĐT /79 BĐQ cũng bị thương và gọi pháo bắn ngay trên đầu, sau gần 10 ngày chống cự, với quân số địch quá đông và các họng pháo ở những ngọn đồi chung quanh bắn trực xạ vào Thường Đức, Quận bị thất thủ.

Lo sợ cho Đà Nẵng, Tướng Trưởng xin Bộ TTM cho SĐ Dù tham chiến, Lữ đoàn 1 gồm 3 TĐ: 1,7 và 9 được không vận từ SG bằng C130 xuống Đại Lộc.

Trung Úy Nguyễn thanh Chương, khóa 25 VB Đà Lạt lúc này là ĐĐT của TĐ 1 Nhẩy Dù tham dự cuộc hành quân tái chiếm Thường Đức, Lữ Đoàn 3 Nhẩy Dù cũng chuẩn bị vào vùng từ Huế.

Đường vào Thường Đức rất bất lợi cho quân giải tỏa, chỉ có một con đường độc đạo là liên tỉnh lộ 4 từ ngoài Đại Lộc tới Thường Đức mà hai bên đường có nhiều ngọn đồi mà VC đã chiếm, thiết lập công sự phòng thủ kiên cố trong vách đá, trong đó có ngọn đồi 1062, từ đây chúng có thể kiểm soát mọi sự di chuyển trên LTL4, VC đã chiếm ngọn núi này trước khi chúng tấn công Thường Đức vì chúng biết thế nào phía ta cũng đem quân giải cứu Quận lỵ này.

Lữ đoàn 1 dàn quân xuất phát mà ưu tiên phải chiếm được ngọn đồi 1062, họ biết là quân VC đã sẵn sàng đợi họ ở đây. Tiểu Đoàn 1 của Chương được chỉ định chiếm ngọn đồi này, đường tiến quân rất khó khăn vất vả, phải băng qua những khoảng trống mà pháo của chúng đã có tọa độ sẵn, rồi các đồi đá phải vượt qua,bứng những chốt Cộng quân cài chung quanh để cầm chân bước tiến của quân Dù. Khi gần tới được gần 1062, TĐ1 đã bị một số tổn thất nhưng nhiệm vụ trước mắt vẫn là làm sao phải chiếm cho được ngọn đồi này để kiểm soát con đường nằm phía dưới dẫn vào Thường Đức.

TĐ1 dàn quân dưới chân đồi 1062, một cái lưng yên ngựa phải vượt qua trước khi tới sát được dưới chân đồi, địch từ trên cao có lợi thế hơn và hầm hố chúng xây dựng trong hốc đá kiên cố với nhưng cây cổ thụ to được chúng cưa làm nóc hầm. Cả hai Đại Đội Dù được pháo binh yểm trợ xung phong chiếm mục tiêu nhưng gặp sức kháng cự mãnh liệt của địch, cối 120 ly và hỏa tiễn 122 ly được địch bắn xối xả vào vị trí quân Dù, những mục tiêu tác xạ chúng đã tiên liệu trước và tiền sát của chúng từ những ngọn đồi chung quanh gọi pháo chính xác, suốt một ngày, Dù bị cầm chân, Đại Đội Chương mất mất một Th/U Trung đội trưởng và 5 binh sĩ cùng khoảng một chục bị thương.

Lệnh từ TĐ cho ĐĐ Chương lùi lại, bố trí tuyến phòng thủ đêm lấy sức cho cuộc tấn công ngày hôm sau, rạng sáng, ĐĐ Chương, bọc qua hướng khác, nơi có nhiều dốc đá thẳng đứng, hướng này địch có lơ là vì không nghĩ Dù sẽ chọn để tấn công, pháo ta dồn dập đổ xuống đỉnh đồi, địch co cụm trong hầm hố tránh pháo, lính Dù bám từng hốc đá âm thầm leo lên ,khi gần tới đỉnh đồi, họ đồng loạt khai hỏa xung phong, Dù dùng lựu đạn ném xuống hầm, bị bất ngờ, chúng hốt hoảng bung hầm chạy, ĐĐ Chương chiếm được đồi 1062 nhưng ngay lập tức, địch pháo kích dữ dội với đủ loại pháo từ những ngọn đồi chung quanh, lính Dù nhờ có hầm hố kiên cố sẵn của bọn chúng, tránh được nhiều thiệt hại, ĐĐ Chương được lệnh bố trí giữ ngọn đồi, sáng hôm sau sẽ có một ĐĐ bạn lên tăng cường nhưng tối đó, Chương không thể giữ được ngọn đồi mà suốt ngày hôm nay đã đổ bao xương máu mới chiếm được, mới chập tối, địch pháo tàn sát ngọn đồi rồi cho nguyên một Trung đoàn xung phong tái chiếm, ở tuyến phòng thủ phía Tây, Th/U Thành, một Trung đội trưởng xuất sắc của Chương gọi máy cho biết địch rất đông, đang tràn ngập mục tiêu, Thành xin pháo binh bắn ngay trên đầu, TĐ cho lệnh Chương rút xuống, Chương gọi máy cho lệnh, không có tiếng Thành trả lời, tuyến của Thành bị tràn ngập, Thành bị nguyên một băng AK nát hết người, khi lính của ĐĐ rút hết, Chương xuống sau cùng, chàng gọi pháo dập xuống đỉnh 1062, lúc Chương đang lao xuống gần chân đồi, một trái pháo nổ ngay cạnh Chương, không biết của ta hay của địch, Chương thấy tối tăm mẵt mũi và rồi không biết gì nữa.

Ngày hôm sau, một ĐĐ khác được lệnh tấn công tái chiếm ngọn đồi, họ gặp Chương nằm trên vũng máu, người lính mang máy và cận vệ của anh nằm chết bên cạnh, Chương bị thương rất nặng, pháo cắt đứt một chân anh, mặt phủ đầy máu, Chương được tải thương ngay lập tức, suốt mấy ngày ở bệnh viện, Chương ở trong biên giới giữa cái sống và cái chết.

Cuối cùng, người ta đã cứu được Chương thoát lưỡi hái của tử thần nhưng không cứu được cái chân của anh, và khuôn mặt, một mảnh pháo chém sạt một bên má. Khi tỉnh lại, Chương biết mình bị thương nặng lắm, cái đầu cuốn trong băng trắng xóa và đau nhức khủng khiếp, Chương cũng biết mình mất mất một chân, các Bác Sĩ khi thấy Chương đã đủ khỏe, họ cho anh biết sự thực về khuôn mặt, họ nói sẽ cố gắng đắp vá cho anh nhưng không thể nào có được hình hài như xưa.

TĐ cho một người lính thân cận của Chương ở hẳn Bệnh viện để chăm sóc anh cùng với chiếc xe jeep, Đầy, người Hạ sĩ theo Chương từ ngày Chương gia nhập Nhẩy Dù, Đầy là người lo cho anh từ cái ăn, cái ngủ như người mẹ hiền, giờ vẫn cạnh ông thầy khi ông thầy bị thương quá nặng, vẫn chăm sóc anh từng li, từng tí, Chương không cho Đầy báo gì Tâm Anh biết, cho đến một ngày, Chương dặn dò Đầy đến cho Tâm Anh biết tin nhưng là một cái tin Đầy thấy khó khăn để nói.

Gần hai tháng nay, Tâm Anh không nhận được thư từ hay tin tức gì của Chương cả, nàng có nghe về những trận đánh xẩy ra với đơn vị Nhẩy Dù ở đâu đó, một buổi trưa, một cái xe jeep đỗ xịch trước cửa nhà, nàng thấy Đầy bước xuống, Tâm Anh chạy vội ra:

- Chú Đầy, Trung Úy không về hả, có thư không vậy chú ?

Đầy không nói gì cả, anh bước vào trong nhà, tay cầm chiếc mũ béret đỏ xoay xoay trong tay.

Nhìn cử chỉ khác thường của Đầy, Tâm Anh biến sắc, nàng đưa tay lên ngực: gì thế này, có chuyện gì xẩy ra cho Chương rồi sao, đừng nói gì không may nghe chú Đầy, sao mặt chú lại buồn thế kia, đừng, chắc không có gì đâu, có gì nói đi, nói đi chú Đầy.

Sau một chút ngập ngừng, Đầy lên tiếng:
- Xin cô bình tĩnh, mời cô ngồi xuống, Trung Úy Chương đã hy sinh, ở mặt trận Thường Đức, quân địch tràn ngập mục tiêu, chúng tôi không lấy được xác Trung Úy, Trung Úy đã chiến đấu dũng cảm nhưng địch đông quá....

Tâm Anh choáng váng mặt mày, nàng buông rơi mình trên ghế, không còn nghe những gì Đầy đang nói tiếp, thế đấy anh ơi, sao giản dị quá: Trung Úy đã hy sinh, câu nói thật đơn giản mà như đất trời sụp đổ, bao nhiêu người đã được nghe những câu đơn giản như thế này, bao nhiêu cõi đời tan nát?

Hạ sĩ Đầy đã hoàn thành nhiệm vụ được Chương trao phó, một nhiệm vụ khác thường trong bao nhiêu việc Chương đã bảo anh làm trước đây, công việc chút nữa đã không hoàn thành khi Đầy nhìn thấy sự đau khổ tột cùng trên gương mặt Tâm Anh, nhờ là một người lính tác chiến sắt đá nên đã kềm chế được mình vì anh hiểu những gì ông thầy mình muốn cho quãng đời còn lại của ông ấy và nhất là cho Tâm Anh, Đầy cũng thương ông Trung Úy của mình không kém gì Tâm Anh, có điều hai tình thương khác nhau, với Đầy, Chương là một cấp chỉ huy gương mẫu, can đảm và thương yêu binh sĩ hơn cả tình đồng đội, những ngày ở Bệnh viện, đã bao lần Đầy ngăn nước mắt khi nhìn Chương trong hình hài không còn nguyên vẹn.

Tâm Anh bỏ ngang việc học, nàng không còn tâm trí để nghĩ đến sách vở, nàng đi hát để tìm quên, nhờ làn hơi thiên phú, chỉ trong thời gian ngắn, tiếng ca nàng vút cao trong nền ca nhạc ở Sài Gòn, nhiều nơi săn đón mời nàng hát cho phòng trà của mình, Tâm Anh chọn chỉ hát độc quyền cho Tự Do, một phòng trà mà lúc còn sống Chương rất thích, ở đây, nàng như thấy Chương của một ngày nào: Hey Jude, don't let me down, ngày hai người quấn quýt bên nhau với tiếng hát của Billy Shane, của Strawberry Four. Nàng cũng thuộc lòng câu thơ Chương làm cho nàng trong một lần lên Đà Lạt thăm Chương về:
Anh cứ sợ rồi mình sẽ quên nhau
như con đường nơi đó
như ngày nao trên thềm phố chợ
sáng Chủ Nhật
em chờ anh
vẫn trên cao là những nhánh thông xanh
và dưới thấp là mặt hồ yên lặng
có phải mùa Thu làm mắt em xa vắng
rồi mình sẽ quên nhau

Tâm Anh rưng rưng nước mắt, đấy, anh ơi, đang yêu nhau mà anh cứ nghĩ đến chuyện cách chia, giờ ta xa nhau thật rồi, xa nhau vĩnh viễn, em giờ đây như rừng thu...Anh đang yên nằm ở đâu, sao người ta không đem anh về cho em, Tâm Anh vẫn buốt lòng mỗi khi nghĩ tới Chương.

Chương ở trên một căn gác nhỏ, có Đầy lo cho mọi chuyện, thời gian đầu khi còn phải tới lui bệnh viện cho các Bác sĩ tái tạo lại khuôn mặt, Đầy vẫn lái xe chở Chương trên cái xe jeep mà TĐ cung cấp, khuôn mặt chỉ làm đỡ được phần nào trong sự tàn phá của trái pháo, khi soi gương, Chương cũng không nhận ra mình, chiến tranh ghê gớm quá.

Cứ mỗi tối, đúng 10 giờ, Tâm Anh xuất hiện trên sân khấu Tự Do, sau lời giới thiệu, nàng bước ra trong chiếc áo dài lộng lẫy, Tâm Anh cúi chào khán giả, mái tóc ngang vai xõa xuống che khuôn mặt u buồn, nàng hất mái tóc ra phía sau, giọng hát cất lên, nàng hát như gửi hồn vào một thời nào đó, có lúc nức nở như gửi tiếc thương cho một ai ở nơi xa xôi.

Xong bài hát, người bồi mang lại mảnh giấy nhỏ đưa cho Tâm Anh, nàng liếc nhanh:" Người đi qua đời tôi, cám ơn." Quái lạ, mấy tuần nay, cứ đúng thứ bẩy, nàng lại nhận được mảnh giấy yêu cầu bài hát Người đi qua đời tôi, chắc vẫn là người khách này. Tiếng hát cất lên : người đi qua đời tôi, trong những chiều đông sầu... Giọng Tâm Anh như nức nở : anh đi qua đời em, có nhớ gì không anh ?

Hết phần trình diễn của mình, Tâm Anh ra về, nàng ngập ngừng trước cửa : vị khách kia chắc có một tâm sự buồn lắm, cùng tâm trạng như mình, nàng đưa tay nhìn đồng hồ, để hôm nào mình phải gặp vị khách đó để thăm hỏi xem sao.

Một lúc sau, một chiếc xe jeep chạy tới, đậu gần nơi cửa, Đầy xuống xe bước vào phòng trà, cũng sắp hết giờ, anh tiến lại phía chiếc cột khuất trong bóng tối, nghiêng xuống nói với một người ngồi ở đấy : Trung Úy để em đỡ ra xe. Chương chống tay xuống bàn, đứng dậy, Đầy dìu ông thầy ra xe, gió đêm thổi làm Chương thấy bớt ngột ngạt.

Sáu tháng sau, Tâm Anh lấy chồng, cũng một người trong Quân đội, trong căn gác nhỏ, Chương nghĩ thôi thế cũng xong, mình đã chẳng từng cầu mong Tâm Anh được hạnh phúc hay sao, ngày rồi cũng lụi tàn, mình coi như đã chết trong Tâm Anh và nàng coi như đã xa khỏi đời mình- Chương bật cười- như cái chân nó cũng xa khỏi đời mình. Chương nhớ đồng đội khôn tả, nhớ những lúc băng mình trong lửa đạn, nhớ tiếng reo hò xung phong chiếm mục tiêu.

Rồi tình hình chiến sự trong những ngày kế tiếp hết sức khẩn trương, Ban mê Thuột có thể thất thủ, Chương theo dõi báo chí và tin tức trên đài phát thanh, Đầy chạy đi chạy về hậu cứ Tiểu Đoàn cho Chương biết TĐ hiện đang ở đâu, làm gì, tình hình càng ngày càng xấu đi, Lữ Đoàn đang chống giữ tại Khánh Dương, rồi đang đánh nhau ở Long Khánh, Chương giật mình, Long Khánh à, vậy là gần quá rồi, sao mà lại nhanh như vậy, mới đây thôi, mình còn làm cho chúng tan hoang ở Thường Đức mà.

29 tháng Tư, Đầy chạy vội lên căn gác:
- Ông thầy, Tiểu Đoàn mình đang giữ cầu xa lộ, VC với xe tăng đang tiến từ biên Hòa xuống, chắc sẽ đụng lớn ở đây.

Chương nhỏm dậy, với tay lấy bộ quần áo hoa dù mặc vào người, dắt theo khẩu colt hấp tấp hỏi Đầy:
- Có đúng Tiểu đoàn đang ờ cầu xa lộ không?
- Đúng ông thầy, em mới gặp thằng Tư Đen nó nói vậy.
- Chú lái xe đưa tôi ra đó ngay, đi, nhanh lên.

Chiếc xe Đầy lái chạy như bay qua ngã ba Hàng Xanh, quẹo theo hướng xa lộ, dọc đường, Chương thấy dân chúng nhốn nháo, có người sách cả đồ đạc như chạy loạn, chiếc xe chạy tới giữa cầu thì ngừng lại, lính Dù bố trí dọc theo hai bên thành cầu, có pháo rớt chung quanh. Chương chống nạng tới chỗ có mấy cái cần ăng ten, Trung Tá TĐT Tiểu đoàn Dù mà Chương phục vụ trước đây đang nói chuyện trên máy, Chương bước tới đứng nghiêm chào vị TĐT, người cách đây mấy tháng đã cùng anh xông pha trong lửa đạn ở Thường Đức.
- Trời ơi Chương, cậu tới đây làm gì, lui xuống dưới kia, tụi nó sắp tới, có cả tăng nữa, lui xuống.
- Không đích thân, đích thân cho tôi được chiến đấu với anh em lần cuối, Nhẩy Dù cố gắng mà đích thân.

Vị Tiểu Đoàn Trưỏng Dù nhìn Chương trừng trừng, môi ông run run, một người vào sinh ra tử cả bao nhiêu trận, bỗng dưng thấy lòng chùng xuống, ông chào Chương, một thượng cấp chào thuộc cấp, chưa bao giờ Chương gặp trường hợp như vậy, chàng lọc cọc chống nạng bước đi, cúi nhặt khẩu M16 của ai vứt cạnh đó cùng sợi dây ba chạc, có tiếng Đầy:
- Ông thầy chờ em, em đi cùng với ông thầy.

Hai thầy trò xách 2 cây súng, ngồi dựa vào thành cầu, những người lính Dù đang nhắm súng vào hướng địch, có tiếng súng nổ từ hướng bên kia đầu cầu, tiếng đạn AK mà cả hai đã từng nghe quen, Chương lẩm bẩm: bài hát sao mà đúng thế, tai nghe quen đạn thù, chàng cao giọng:
- Nhẩy Dù cố gắng nghe Đầy.
- Dạ, Nhẩy Dù cố gắng ông thầy.

Tiểu Đoàn Dù đã thiết lập được hai lô cốt tạm ở đầu cầu hướng về phía nhà máy xi măng Hà Tiên, bộ binh địch bắt đầu xông lên nhưng chạm phải Dù bắn trả, chúng lùi lại rồi xốc tới, một lần rôi hai lần, chúng bị chặn lại, chưa bao giờ đánh nhau mà không được một sự yểm trợ nào cả như lần này, từ pháo binh tới phi cơ, Chương và Đầy nhắm vào toán VC gần chân cầu, lâu rồi Chương mới cầm khẩu M16 mà bắn như vậy, không còn lệnh lạc, không còn chỉ huy, chỉ còn nhắm quân thù mà bắn.

Buổi tối, địch thôi tấn công, đêm yên lặng, thỉnh thoảng nghe tiếng pháo kích hướng Tân sơn Nhất và những tràng đạn nổ ở đâu xa nghe như pháo tết, Đầy kiếm được bịch gạo sấy và hộp thịt ba lát, Chương không ăn, hai thầy trò nằm cạnh nhau, trời trong và đẹp, những vì sao trên cao không sáng bằng sao ở Thường Đức, Đầy kể cho Chương nghe về những người người lính trong Đại Đội đã hy sinh ở đấy, về những người bạn ĐĐT và Trung đội Trưởng đã nằm xuống, Chương nhớ vô cùng những người lính trong ĐĐ trước đây, mỗi lần nói chuyện với họ, Chương luôn thấy ấm áp và một sự khoan khoái trong lòng, những người mà mới chuyện trò với họ hôm qua, hôm nay đã hy sinh, chịu đựng gian khổ và hiểm nguy, để được gì ngoài tình yêu quê hương.

Đêm mấy tháng trước ở đó đâu có yên lặng như thế này, mà chắc cũng không yên được lâu đâu, chúng đang chuẩn bị đấy, khi chúng im lặng là chúng đang chuẩn bị cho cuộc tấn công tiếp theo.Không biết cả hai thiếp đi được bao lâu, có tiếng súng nổ ran từ phía đấu cầu, trời mờ sáng, chúng bắt đầu tấn công, Chương và Đầy gom mấy dây đạn lại, chúng xuấy hiện ngay dưới chân cầu, những người lính Dù chuyển đổi vị trí ẩn nấp, có tiếng ì ì từ xa, xe tăng địch tới, chẳng còn gì ở đây cả, chỉ còn ít cây M72, mấy ngày nay, Dù vừa di tản vừa phải chiến đấu, đạn dược, lương thực đã cạn, chưa được tiếp tế, hai chiếc xe tăng địch đi đầu khai hỏa, địa thế trống trải, chúng bắn dọc theo cầu, pháo tăng nổ cấp tập trên mặt cầu, quân Dù rút dần về phía đầu bên này, một viên đạn pháo xe tăng nổ ngay chỗ Đầy nằm cách Chương mấy thước, Chương bò tới, Đầy bị trái pháo nát bấy người, nhìn thấy Chương, anh chỉ kịp thều thào:Trung Úy rồi ra đi, Chương nắm tay Đầy, vuốt mắt cho người lính thương yêu, người đã sống chết với anh bao lâu nay nơi chiến trường và săn sóc Chương trong những ngày đau đớn, chiến tranh chưa ngưng, còn tàn hại tới giây phút cuối cùng, chàng nắm cây M16 nghiến răng bắn một loạt về phía mấy tên VC đi đầu, tiếng tăng mỗi lúc mỗi gần, Chương tuyệt vọng, mấy tháng trước mình đã không chết ở Thường Đức, giờ mình chết ở đây, cũng không sao, Chương rút khẩu colt, lên đạn, tiếng xe tăng nghe càng rõ dần, nhìn Đầy nằm bên cạnh, anh thì thầm: thầy trò mình có nhau, Đầy ạ. Một tiếng vang lên, không phải Chương đang lao xuống từ ngọn đồi 1062, anh đang lao xuống một vực sâu, sâu lắm.

Trưa 30 tháng Tư, sau khi Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng, dân chúng xuôi ngược trên cầu xa lộ nhìn thấy xác hai người lính Nhẩy Dù, trong đó có một người cụt mất một chân và tay họ nắm chặt lấy nhau.

VIẾT THÊM CHO LỜI KẾT - Trận Thường Đức có thể nói là trận đánh lớn nhất của SĐ Nhẩy Dù, hơn 3 tháng quần thảo với hai SĐ cộng quân là SĐ 304 và 324, thêm nhiều Trung đoàn tăng cuờng cùng các Trung đoàn pháo, Cộng quân rút khỏi Thường Đức, ngọn đồi 1062 trước xanh tươi, giờ trơ trụi cây cối,được chiếm đi chiếm lại nhiều lần của hai bên, số thiệt hại như sau :
- Sư Đoàn Dù có 2 Lữ Đoàn 1 và 3 tham dự với 7 TĐ thay phiên nhau xa luân chiến,500 tử thương , khoảng hơn 2000 bị thương, số tổn thất bằng 50% quân số.
- Cộng quân, ba Trung đoàn 24, 26, 66 coi như xóa sổ, hơn 2000 bị chết, 5000 bị thương.

Trong số những người hy sinh của SĐ Dù, có nhiều ĐĐT và Trung đội trưởng, Đại Úy Ngụy văn Đàng, một ĐĐT của TĐ 3 Dù đã phải gọi pháo binh và phi cơ dội ngay trên đầu mình vì địch quá đông, tràn ngập điên cuồng trong chiến thuật biển người, khi tìm được xác anh, ĐU Đàng chết trong thế ngồi, mắt mở trừng trừng, người đầy vết đạn, anh chết mà chúng vẫn tiếp tục bắn vào anh, người bạn thân cùng khóa 25 Võ Bị với Chương là Đại Úy Võ Thiện Thư, Đại Đội trưởng ĐĐ34 cùng Trung Úy Tô văn Nhị khóa 26 lên tiếp cứu cho Đàng cũng đã chiến đấu dũng mãnh, địch xử dụng 1 Trung đoàn, cuồn cuộn biển người, cuối cùng, cũng như Đàng, Thư đã gọi pháo binh bắn ngay lên đầu khi bị địch tràn ngập, cả hai hy sinh. Khóa 26 VB về Nhẩy Dù 10 Sĩ Quan thì nội trong trận Thường Đức cũng đã hy sinh 5 người. Các Sĩ quan tốt nghiệp Trường Võ Bị Đà Lạt phải trải qua một hành trình 12 năm ở Tiểu học và Trung học, 4 năm tại Trường Võ Bị, tổng cộng 16 năm, tốt nghiệp cấp bậc Thiếu Úy, những người sẽ là rường cột của Quân Đội sau này, nhưng chỉ cần một viên đạn, ngay trận đánh đầu tiên, đã hy sinh, có uổng phí không? không, người Sĩ Quan Hiện dịch là như vậy, cần được tôi luyện trong khói lửa.

Hơn 5 tháng sau trận đánh tàn khốc này, miền Nam rơi vào tay Cộng Sản. Một sự thật đau lòng bởi sự phản bội của người Mỹ, cả một Quân đội hùng mạnh bị trói chân, trói tay trong cuộc chiến tuyệt vọng. Ở Thường Đức, Nhẩy Dù đã anh hùng chiến đấu giữ vững được bờ cõi, những năm tháng trước đó, ở Quảng Trị, Bình Long, Kontum, Qưân lực VNCH đã chiến đấu dũng cảm, rồi bao trận đánh oai hùng năm xưa. Khi người Mỹ đã xong công việc, họ gọi là cuộc rút quân trong danh dự, thật ra đây là cuộc rút quân nhục nhã, cuộc rút quân phản bội, chỉ tội nghiệp, ta đã hy sinh uổng phí, mấy trăm ngàn người chết để đổi lấy một kết cuộc bi thảm.

Bây giờ bỗng dưng nổi lên có những người mà năm xưa khi khói lửa chiến tranh, họ còn nhỏ, chưa phải cầm cây súng, chưa biết thế nào là chết chóc, chưa có cảm giác khi đồng đội ngã xuống bởi đạn thù, tóm lại, họ chẳng phải hy sinh gì hết, giờ họ lớn tiếng hỏi các Tướng lãnh( Quân Đội ) đã xin lỗi nhân dân chưa? câu hỏi thật lạ, chính họ phải xin lỗi những người đã nằm xuống vì đất nước, vì sự an toàn cho họ, họ phải xin lỗi vì sự nhởn nhơ ngoài vòng chiến mà bao người khác đã chết thay cho họ, những Don Quichotte thời đại cầm kiếm múa may, họ nghĩ rằng Quân Đội phải chịu trách nhiệm trong việc miền Nam bị mất mà họ thì không chăng?

Một Don Quichotte khác lớn tiếng thóa mạ các Tướng Lãnh hèn nhát, làm mất nước, lạ một điều, những người này chưa hề cầm súng chống lại quân thù trong cuộc chiến vừa qua, những người này khi đất nước chìm trong lửa đạn, họ vắt mũi chưa sạch, nhưng giờ họ làm như thể nếu họ chỉ huy thì ta sẽ không thua, các Tướng có hèn nhát không? Tướng Nguyễn viết Thanh, Tướng Đỗ cao Trí, Trương quang Ân ... đã hy sinh tại mặt trận, 5 vị Tướng đã tuẫn tiết không đầu hàng giặc, còn bao nhiêu Sĩ Quan khác nữa mà họ là những anh hùng trong bóng tối, họ có hèn không?

Chương, cho đến khi dành viên đạn cuối cùng cho mình, nằm xuống mà vẫn không hiểu tại sao miền Nam lại mất, bao nhiêu bạn bè, đồng đội anh cũng đã nằm xuống mà không biết mình bị phản bội, giá biết được, liệu họ có liều hy sinh cho một điều vô lý như thế? Họ là những người lính, mà người lính lúc nào cũng nghĩ tới nhiệm vụ và thi hành lệnh. Xin kính chào những người lính Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã nằm xuống cho quê hương.

TRẦN NHƯ XUYÊN

Wednesday, August 19, 2009

CHỮA BỆNH BẰNG CÁCH NHAI DẦU MÈ HOẶC DẦU HƯỚNG DƯƠNG

Bác sĩ Y khoa F. Karach đã thuyết trình trước hiệp hội người Ukraina. Buổi hội nghị được các bác sĩ chuyên gia ung thư và nhà vi khuẩn học thuộc viện Hàn Lâm khoa học Xô viết tham dự. Bác sĩ Karach đã giải thích về quá trình chữ bệnh đơn giản nhưng lạ thường bằng cách sử dụng dầu.

Những kết quả từ liệu pháp của ông gây ra sự ngạc nhiên và nghi ngờ về những nội dung trong báo cáo của ông. Tuy nhiên sau khi đã kiểm chứng thêm về những công dụng của liệu pháp nhai dầu, bạn có thể thấy tính hiệu dụng của nó. Những kết quả nầy thật bất ngờ đạt được chỉ với phương pháp chữa bệnh sinh học hoàn toàn không gây hại. Phương pháp đơn giản có thể được chữa nhiều loại bệnh và trong vài trường hợp có thể giúp bạn tránh sự can thiệp của phẩu thuật hay dược phẩm mà có thể có tác dụng phụ.

Yếu tố thú vị nhất của liệu pháp nầy là tính đơn giản của nó. Nó bao gồm việc súc và nhai dầu trong miệng (dầu hướng dương-Sunflower Oil hay dầu mè Sesame Oil), loại tinh chế mà bạn có thể mua ở siêu thị, đều có kết quả với tất cả mọi người. Quá trình chửa bệnh đạt được trên các cơ quan của cơ thể. Bằng cách nầy việc chữa các tế bào, mô và tất cả các bộ phận đồng thời có thể thực hiện được và cơ thể sẽ loại bỏ được các chất thải độc hại mà không làm xáo trộn thể trạng. Bác sĩ Karach nói rằng con người chỉ sống một phần hai quãng đường của họ. Họ có khả năng sống khoẻ mạnh đến 140 hay 150 tuổi.

PHƯƠNG PHÁP .
Buổi sáng, trước khi ăn sáng để dạ dày trống, bạn hãy cho một muỗng dầu vào trong miệng( không nuốt ), nhai từ từ trong miệng như súc miệng bằng dầu, nhai tới nhai lui, súc qua kẽ răng từ 15 đến 20 phút. Trong quá trình nầy làm cho dầu hoàn toàn hòa lẫn với nước bọt. Việc nầy làm kích hoạt các Enzyme và các Enzyme nầy sẽ hút các độc tố ra khỏi máu. Dầu không được nuốt vì lúc nầy nó trở thành một chất độc. Sau khi nhai và súc miệng, dầu sẽ trở nên loãng và trắng. Nêu dầu vẫn còn vàng, chứng tỏ nó vẫn chưa được nhai đủ. Sau khi nhổ dầu ra khỏi miệng, các kẽ răng phải được súc lại bằng nước muối, cạo lưỡi hoàn toàn thật kỹ .
V
ì dầu nhổ ra có chứa nhiều vi khuẩn độc hại và độc tố của cơ thể, nên bồn rửa( Waschbecken) phải lau chùi thật sạch bằng xà bong và nước khử trùng. Nếu bạn có dịp nhìn một giọt dầu này dưới kính hiển vi phóng đại 600 lần, bạn sẽ thấy các vi khuẩn ở giai đoạn đầu phát triển.

Điều này là quan trọng để hiểu rằng trong lúc nhai dầu, quá trình trao đổi chất của bạn sẽ được tăng cường. Nó sẽ giúp tăng cường sức khỏe. Một trong những kết quả đáng ngạc nhiên nhất của quá trình này là nó làm chặt các răng lung lay của bạn, giảm thiểu nướu bị chảy máu và làm trắng răng.

Nhai Dầu đạt hiệu quả tốt nhất trước buổi ăn sáng. Để quá trình chữa bệnh nhanh chóng, bạn có thể nhai dầu 3 lần 1 ngày, nhưng luôn luôn là trưóc bữa ăn với dạ dày trống.

Những Điều Cần Đề Phòng

Không được nuốt, dầu nhai phải nhổ ra. Nhưng nếu bạn nuốt phải thì cũng không có gì đáng lo. Nó sẽ đi ra ngoài theo đường đại tiện.

Nếu bạn dị ứng với loại dầu nào, hãy đổi loại dầu đó và ngậm loại dầu khác.

Dầu hướng dương hay dầu mè đều có hiệu quả ngang nhau trong việc chữa bệnh. Các loại dầu khác thì không tốt bằng. Do đó không thể đổ lỗi cho việc nhai dầu nếu sử dụng các loại dầu khác. Nên sử dụng dầu tinh chế (100%).

http://www.oilpulling.com/

***********
Nhật Ký Nhai Dầu

Vâng lời anh Trần anh Dũng, hôm nay tôi ( Kim tuyến, 52 tuổi) viết nhật ký nhai dầu với hy vọng có thể hướng dẫn và kể lại kinh nghiệm của mình cho những ai muốn bắt đầu thử nghiệm phương pháp này để phòng cũng như chữa bệnh và nhất là để mình luôn được khoẻ mạnh.

Thứ hai 5/11/2007 tôi bị cảm lạnh, đến 4 giờ sáng hôm sau giật mình thức bởi nuốt nước miếng đau cổ họng quá, 7 giờ sáng thức dậy không nói ra tiếng được, thêm ho và có đờm, ngày làm thứ ba và thứ tư uống tinh dầu hạt bưởi và tylanol để trị cảm lạnh. Ở nhà có giờ rãnh tôi vào Internet để đọc tài liệu. giống như mẹ tôi, tôi không chịu ở không dù bệnh, luôn tìm việc gì để làm. Một người thân của tôi có mấy răng cửa dưới lung lay, tôi nhớ rằng đã đọc một năm trước về cách chữa đó, nay tìm lại để gởi cho người thân đó chữa. Đó là phương pháp nhai dầu mè mà các bạn đang chú ý tới đây.

Khi đọc lại điều tác động mạnh và làm tôi chú tâm hơn, đó là nhai dầu chữa cả ung thư máu mà cha của một người bạn của bạn tôi ở Việt Nam đang bị nặng và chị dâu của bạn tôi đang bị ung thư phổi thời kỳ cuối. Vì hai người này, tôi muốn dịch ngay để chuyển về Việt Nam, hy vọng giúp gì được cho họ, đồng thời thử nghiệm hiệu quả của phương pháp Nhai Dầu.

Thứ năm 8/11/2007 đi làm lại. Tôi đã hết đau cổ họng nhưng còn ho và chảy nước mũi liên tục, uống thuốc ho không hết mà làm tôi buồn ngủ và bị bần thần. Tôi không uống thuốc ho nữa. Tôi làm trong tiệm Regal Nails ở Super Walmarkt ( một siêu thị lớn ), tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, cho nên ho và sỗ mũi thật không hay tí nào. Ngày mai tôi sẽ thử nhai dầu mè. Vì đi làm nên tôi chỉ Nhai Dầu được ngày một lần vào buổi sáng khi vừa thức dậy thôi.

Thứ sáu 9/11/2007 sau khi đánh răng nạo lưỡi, tôi nhai 1 muỗng canh dầu mè khoảng 20 phút, vừa nhai vừa làm việc vặt. Rồi súc miệng lại bằng nước muối và đánh răng nạo lưỡi đúng như tài liệu hướng dẫn.

Tôi ngạc nhiên quá, hôm nay đi làm không hề ho và sổ mũi dù trời lạnh. Có thể nói hiệu quả 90%. Sao có kết quả quá nhanh đến như vậy được nhỉ? Vui làm sao! Phấn khởi quá, tôi thức khuya để dịch tài liệu.

Thứ bảy 10/11/2007 tôi nói với Nhật, cậu em tôi cũng đang bị ho, có nhiều đờm, rằng nhai dầu đã giúp tôi hết ho để chuẩn bị thuyết phục cậu em nhai dầu. Mấy chị em làm chung một tiệm với nhau. Nhật hút thuốc lá 20 năm rồi, có những ngày ho cả đêm. Cả ngày làm việc cứ ngẫm nghĩ đến hiệu quả của sự nhai dầu, tôi cười hoài.

Ngày chủ Nhật 11/11/2007 tôi phải đi làm 5 tiếng ( luật của những tiệm Regal Nails ), giờ rảnh có được, tôi cố gắng dịch cho xong bài thực hành nhai dầu.

Ngày 12/11/2007 sau khi Nhai Dầu xong, được 1 tiếng rãnh trước khi đi làm, tôi muốn tìm hiểu thêm về bác sĩ Karach nên vào Google.com tìm. Ôi thích quá, có một website của bác sĩ Karach ( http:/www.oilpulling.com ). Thế là tôi in ra 2 bài nữa - hỏi và đáp, kinh nghiệm của những người thực hành Phương pháp nhai dầu - hể đi làm có giờ rãnh thì dịch rồi về nhà đánh máy.

13/11/2007 tôi ngủ rất ngon trong 3 đêm qua, khoảng 8 – 9 giờ tối là không cưỡng lại được cơn buồn ngủ, phải đi ngủ thôi, ngủ một mạch tới sáng. Sáng thức dậy sớm và tĩnh táo ngay. Sau đó trở lại giờ ngủ thường lệ và ngủ ngon giấc trừ khi tôi thao thức và cầu nguyện cho người biết đến phương pháp Nhai Dầu này.

14/11/2007 Ánh em gái tôi 48 tuổi ở Canada, nhai dầu ngày đầu tiên, dùng loại dầu mè đã được rang trước khi ép từ mè sống màu vàng trong khi trao đổi kết quả cho nhau nghe, tôi thấy cả hai loại đều hiệu nghiệm cả nhưng không biết chắc loại dầu nào tốt hơn.

15/11/2007 nha sĩ Việt Nam có làm cho tôi 4 răng bắt cầu hàm dưới bên trái tháng 8/2006 khi tôi về thăm quê hương mình. Sau đó ở chân răng hàm phía trong cùng này đùn ra một cục thịt đã làm tôi lo suốt không biết sau này có vấn đề gì về lợi răng chăng. Hôm nay sau một tuần nhai dầu nó đã biến mất rồi, yên tâm về chuyện này quá. Răng cũng đã trắng và bóng ra hơn thật. Lợi răng có màu hồng thật đẹp và bám chặt vào các chân răng. Thảo nào sau này Nhai Dầu tôi không còn bị ê răng khi súc miệng bằng nước lạnh hay khi ăn đồ chua hay ngọt nữa.

Cứ nhai dầu mỗi ngày thế này thì từ nay nha sĩ không còn thấy tôi đến thăm. Đi nha sĩ ở Mỹ tốn tiền lắm các bạn ơi. Có năm tôi đã tốn hết gần 10.000 đô cho răng đó. Nhai Dầu lấy đi hết các chất bẩn bám chặt ở chân răng. Tôi có 2 răng phía hàm trên, kế bên răng nanh, đều đã được lấy gân máu, thỉnh thoảng bị viêm ở lợi răng, có lần sưng tấy lên và làm nhức lên cả mắt. Bình thường khi lỡ nhai đồ ăn gì hơi cứng vào răng này thì bị đau thốn lắm. Lấy tay đè mạnh vào má chỗ 2 răng này luôn luôn thấy ê, đau. Như vậy thì phải có vấn đề gì ở xương răng hay lợi răng chỗ này. Nay bấm mạnh vào tôi không thấy ê như trước nữa, đã giảm được 80%.

16/11/2007 tôi thấy mình đọc tài liệu đến 12 giờ khuya với đầu óc tỉnh táo, minh mẫn. Trước khi Nhai dầu đọc chừng 5 – 10 phút là nước mắt chảy tràn ra, rồi buồn ngủ, gấp sách lại. Có cố gắng đọc thêm thì phải lau nước mắt và ngáp mãi. Tôi nghĩ tôi phải đi thay kính mắt. Bây giờ thì không cần phải thay kính rồi.

Khi đọc phần hỏi và đáp, tôi thấy bác sĩ Karach khuyên không nên làm việc gì khác mà ngồi để nhai dầu và dùng 2 muỗng cà phê dầu mè là đủ, tôi thường dậy sớm hơn 15 phút để làm theo lời khuyên này. Tôi có dùng nước nóng để hâm ấm dầu mè trước khi nhai dầu, phần còn dư lại tôi xoa lên mặt, 2 đầu gối và 2 bàn tay.

Ngoài việc luân chuyển dầu trong miệng bạn cũng cần giữ yên cằm, dùng lưỡi đẩy dầu ra phía môi qua răng rồi rút dầu trở vào trong nhiều lần ( nghe tiếng kêu rút rít ).

17/11/2007 Ánh em tôi gọi vui mừng chia sẽ, sau 4 lần Nhai Dầu thấy miệng hết hôi. Ánh cho rằng miệng hôi xuất từ bao tử vì Ánh giữ răng kỹ lắm. Da mặt căng hơn, đẹp hơn, răng trắng hơn. Ánh bị huyết trắng có mùi hôi giờ đã sạch và hết mùi. Sao lạ lùng kết quả nhanh đến như vậy sao? Tôi cứ mỉm cười hoài lúc làm việc khi nghĩ đến hiệu quả của Nhai Dầu.

Chà tôi nhận ra rằng gương mặt tôi đã nên nhẹ nhõm hơn, thanh thản hơn. Chả là tôi thường mang khuôn mặt nghiêm hơi nặng nề không gây thiện cảm ban đầu lắm. Có một bề trên đã nói với tôi rằng người khác phải chơi với tôi 6 tháng mới hiểu và thương tôi.

18/11/2007 trong khi hát cộng đồng, tôi khám phá ra là giọng ủa mình sao mạnh mẽ và lên cao dễ quá. Như vậy chứng tỏ việc nhai dầu, sinh lực gia tăng, thanh quản được tẩy sạch. Nhai Dầu làm cho hệ thống miễn nhiễm được tăng cường, giúp cơ thể mình tự chữa lành mà mình không ngờ, không nghĩ ra trước được. Vài năm nay tôi có lòng ước ao và đi tìm qua sách báo, qua Internet một phương cách nào phổ thông, rất rẻ tiền nhưng chữa được nhiều bệnh. Tôi nghĩ đến những người dân nghèo ở Việt Nam không có tiền đi bác sĩ, phải sống hằng ngày trong đau đớn với cơn bệnh của mình, nhất là những người chết khi còn trẻ ở tuổi 40 – 50 để lại con cái bơ vơ……

Tôi bị bệnh cường giáp trạng và bệnh loãng xương. Từ khi nhai dầu tôi đã không uống thuốc gì cả, đợi sau một tháng sẽ đi khám nghiệm máu xem tuyến giáp trạng của tôi đã hoạt động tốt tự nó chăng, sau hai tháng sẽ đi rọi ( scan ) xương xem đã lành mạnh hẳn chưa. Nếu được như vậy sẽ chứng tỏ qua nhai dầu lần lượt các cơ quan trong cơ thể dần dần được phục hồi, được kiện toàn như thời khoẻ mạnh nhất.

19/11/2007 Nhật, em trai tôi nhai dầu lần đầu sau khi được chị Ánh ở Canada thuyết phục. Bụt nhà không thiêng các bạn ạ. Tôi ở kế bên nói Nhật đâu chịu nghe ngay, dù tận mắt thấy kết quả tôi được. Ngay sau khi nhai dầu Nhật làm cả ngày mà không còn ho nữa. Công hiệu thật. Tôi lại tiếp tục mỉm cười hoài. Tôi gọi về cho Sương em dâu tôi ở Việt Nam, tôi chú trọng đến sức khỏe của các em tôi vì làm việc nhiều lắm, nhưng để thuyết phục tôi phải điểm vào huyệt chính của Sương đó là cách làm đẹp. Sương thực hành ngay, còn mua dầu và in tài liệu ra cho các công nhân cùng làm, rồi Hậu, chồng của Sương sau đó cũng làm theo. Hậu uống rượu và hút thuốc nhiều, nay nếu trung thành nhai dầu thì tôi yên tâm cho sức khoẻ các em rồi.

20/11/2007 Nhật nói rằng dường như nhai dầu làm cho khát nước quá. Tôi nói chắc do máy sưởi dạo này chạy nhiều làm khô cổ, tôi cũng thấy mình uống nhiều nước hơn. Nhưng sau đó tôi để ý thấy quả có hai ngày và một đêm tôi khát nước lắm, uống nước liên tục và uống nhiều. Rất có thể đang cần nước để hoàn tất việc thanh lọc chất độc, chất cặn bã ra ngoài trong tiến trình chữa bệnh.

21/11/2007 hôm nay Nhật thấy hơi sốt nên không nhai dầu, Nhật không biết đó là do hiệu ứng chữa lành (healing process). Thực ra lúc này càng nên nhai dầu tiếp. Tuy vậy đến 12 giờ trưa Nhật khạc ra một cục dẻo màu nâu to bằng hạt đậu phọng và kinh ngạc cho tôi xem. Nó giống như màu của chất cặn bám vào tô thuốc lào vậy. Nhật hút thuốc đã 20 năm, hay ho khan có khi cả đêm mất ngủ làm mẹ tôi xót ruột lắm.

Chà, sao mình chỉ nhai dầu ở miệng mà nó lại lấy ra được cục do khói thuốc bám chặt vào thanh quản hay cuống phổi vậy nhỉ? Hèn chi mà người hút thuốc cứ ho, ho mà không khạc ra được nên cứ ho hoài. Tôi nhớ ông nội tôi khi còn sống rất thích hút thuốc lào, cứ sau mỗi lần rít một hơi ho sặc sụa, mình thương ông mà không làm được gì.

Tôi có một khách hàng Mỹ đã 4 năm, bà Anita gần 60 tuổi. Bà bị bệnh Lupus, một loại ung thư máu chưa có thuốc chữa, bà cũng bị suyễn vì hút thuốc từ 16 tuổi, mỗi ngày phải dùng bình thở oxy 4 lần. Tay và chân đau nhức và rất khó ngủ, mệt mõi thường xuyên nên dễ bực tức lắm, bà cũng ho nhiều, ho trước mặt tôi nữa vì không cầm được. Bà nói bà đã bị bệnh và chịu đau đớn gần hết cuộc đời bà. Tôi thương bà lắm.

Tôi in sẵn tài liệu và có dầu mè chuẩn bị cho bà, tôi đã nói với bà từ hai tuần trước nhưng bà không tìm được chỗ mua dầu mè cũng như không có Computer để đọc tài liệu được. Bà nói bà sẽ về thực hành ngay, ngày 3 lần và sẽ gọi báo cho tôi khi có kết quả. Chúng tôi nhìn nơi bà như nhân chứng rõ ràng nhất cho hiệu quả chữa lành bệnh qua việc nhai dầu. Để xem sao!

22/11/2007 Nhật nhai dầu lại và khạc ra thêm 2 cục màu nâu to hơn hôm qua. Mọi người trong nhà vừa ngạc nghiên vừa mừng nữa. Nhật sốt hơn hôm qua tưởng bị cúm, nhưng lại nói sao không thấy ho gì cả. Tôi thì, giờ biết chắc nó do hiệu ứng chữa lành rồi. Nếu Nhật chịu được thì không cần phải uống thuốc, mai sẽ tự khỏi. Hôm sau khỏe và đi làm như thường nhựt.

Hôm nay thứ năm tôi về nhà ba mẹ tôi chung với gia đình. Tôi lại thêm một ngạc nhiên nữa về mình, đó là tôi rất tỉnh táo không hề buồn ngủ khi lái xe mặc dù 3 hôm liền tôi thức đến 12 giờ khuya để đọc sách. Nhưng lần lái xe trước, lâu giờ, còn buồn ngủ hay kéo đến làm tôi phải tìm nhiều cách để chống trả.

23/1/2007 tối qua ngủ không được vì lạ chỗ, 3 giờ sáng cầm tài liệu đọc để dổ giấc ngủ, 15 phút sau tôi đi vào giấc ngủ ngon. Sáng 6 giờ 30 dậy để chuẩn bị lái xe đi làm việc. Hai tiếng lái xe lại vẩn không buồn ngủ, tuyệt.

Chưa có lối chữa bệnh nào lại đầy thú vị và làm cho người ta mỉm cười lẫn ngạc nhiên như lối chữa bệnh này. Đúng là từng người sẽ khám phá ra việc chữa lành riêng cho chính mình. Và tôi cảm được tại sao bác sĩ Karach trước hội nghị khoa học đã tự tin thách đố các bác sĩ, các khoa học gia tin hay không tin hãy thử nghiệm trên chính mình, để biết hiệu quả của việc nhai dầu rồi hãy phê phán.

24/11/2007 bà Anita gọi lại cho tôi báo tin vui. Bà nói bệnh suyễn và viêm cuống phổi của bà đã hết chỉ trong hai ngày. Bà khạc ra nhiều cục to bằng đốt ngón tay cái. Bà không phải dùng bình thở oxy nữa….

Tối đã ngủ được và ngủ ngon. Ngày bà nhai dầu 3 lần. Lần nhai đầu tiên bà nói dầu đổi thành bọt trắng, bà nói chắc chắn bà có nhiều vi trùng lắm, nên xúc miệng bằng nước muối 5 phút để khạc hết những chất mà dầu kéo ra. Tôi đã cho bà chai dầu mè hiệu Hain 100% Expeller Pressed Sesame Oil (Vitamin E Aded to Enhance Freshness. All Natural). Như vậy là chắc chắn loại dầu này tốt rồi.

Bà cám ơn tôi nhiều lắm, 11 ngày nữa bà sẽ trở lại làm móng tay, tôi trông mau đến ngày đó để xem bà được thêm những gì.

Tôi và hai em làm chung kinh ngạc quá chừng. Trong khi bà còn mang trong người căn bệnh chính yếu ung thư máu không thuốc chữa, mà các cơ quan trong con người bà còn hoạt động mạnh được. Để trừ tuyệt căn bệnh suyễn đã mấy chục năm của bà mà chỉ trong vòng hai ngày, trong khi tây y vẫn chưa có thuốc chữa.

Cơ thể con người có sức mạnh kỳ diệu quá, nó âm thầm làm việc mình không thể hiểu được, khoa học chưa khám phá ra hết được. Cơ thể con người đúng là có khả năng chữa bệnh cho chính mình. Việc tự chữa lành của bà đã làm cho tôi tin hoàn toàn vào những gì bác sĩ Karach nói, cũng như trân trọng những chia sẽ kinh nghiệm chữa lành mà các bạn đã đọc trong tài liệu của bác sĩ Karach.

Tôi miên man suy nghĩ lại ước vọng thêm. Nếu người Việt Nam mình ai cũng nhai dầu để kiện toàn sức khoẻ thì mọi người sẽ khỏe mạnh, trong người để chịu, khoan hòa hơn, bác ái hơn, minh mẫn hơn, xã hội bớt đi nhiều tội phạm, con người sẽ chú ý đến vấn đề tâm linh, đạo đức hơn, sinh con ra sẽ là thế hệ tuyệt vời. Nếu Việt Nam mình chú ý phát triển hai mặt đồng bộ : Tâm linh và vật chất thì dần dần sẽ trở nên trung tâm cho các nước khác đến học hỏi chăng? ( như tôi đã đọc được một lần trong nhà sách vào năm 2000, một tác giả hay một thiền gia đã có cái nhìn tiên tri này về Việt Nam trước thềm niên kỷ thứ ba ).

Một ước nguyện quá cao cần từng người hợp tác. Mà nếu mọi người hợp tác trong ơn bề trên thì đâu có gì là khó thành đâu!

Một ước nguyện khác : vì nhai dầu có thể chữa bệnh bằng ảnh hưởng của nó trên hệ thống thần kinh tuyến nội tiết và hệ thống miễn nhiễm hướng về tình trạng cân bằng ( thì khoẻ mạnh ) từ tình trạng mất cân bằng ( thì bệnh hoạn ), mong rằng phương pháp này sớm được chú ý để giúp cho những người bị bệnh Aids hay bệnh cùi, bệnh tê bại.. v...v..sớm được bình phục.

25/11/2007 tôi gửi tài liệu cho chú Lai năm nay 65 tuổi, chú bị nhiều thứ bệnh: Cao máu, tiểu đường, sạn mật, mở trong máu, nghẹt mạch máu, nhức nửa đầu, đau thấp khớp, và viêm gân cánh tay trái. Mỗi tháng phải tốn 1000 đô là tiền thuốc tây, may nhờ có bảo hiểm nên chỉ trả 300 đô mỗi6 tháng, cũng quá nhiều.

26/11/2007 Nhật cho biết rằng đã cai thuốc lá rồi, sau khi khạc ra mấy cục màu nâu, Nhật hút thuốc lại không thấy ngon nữa, như có gì cắn cắn trong cuống phổi khi hút. Có lẽ bởi vì cuống phổi đã được lọc sạch rồi chăng? Nhật nói cũng không nên hút thuốc nữa, vả lại mới có con 2 tháng nên sẳn đây vì con bỏ thuốc lá luôn. Chà nhai dầu tuyệt cho những ai muốn cai thuốc lá rất nhanh không thể ngờ, chỉ tốn chút tiền mua dầu mè và tốn chút thời gian nhai dầu mà thôi, vừa lọc phổi vừa khỏi lo sau này bị ung thư phổi.

27/11/2007 bà Anita tới gặp tôi lấy thêm chai dầu mè, vì số dầu tôi đưa lần trước chỉ được nửa xị dầu ( 4oz ), bà cho biết đã hết đau nhức tay chân rồi và sức khỏe ngày càng tăng. Bà đã ôm tôi thật chặt.

28/11/2007 Ánh là thợ cắt tóc đã 14 năm. Bàn tay phải cầm kéo một năm, sau này gân đã bị cứng, giảm độ đàn hồi, về nhà không co vào được, phải xoa bóp mỗi ngày, hôm nay nói bàn tay co vào duỗi ra đã khá lắm rồi. Khi đến tiệm ai cũng hỏi làm cách nào để bụng thon thả nhỏ lại hơn, được như Ánh vậy. Ánh nói nhai dầu mè. Ánh cũng mới đi thử máu 2 tuần nhai dầu, bác sĩ cho biết máu tốt lắm (perfect ) không bị thyroid ( Ánh bị cường tuyến giáp năm 20 tuổi và đã mổ bướu cổ).

29/11/2007 lưỡi tôi đã bớt trắng. Lưỡi trắng biểu hiện tiệu hóa kém. Tôi nghĩ nhai dầu đến khi nào lưỡi có màu hồng toàn bộ thì tôi đã được kiện toàn sức khỏe rồi.

03/12/2007 hôm nay tôi cảm thấy những khớp xương đã khá hơn nhiều.

05/12/2007 bà Anita trở làm móng tay. Hôm nay đúng hai tuần thực hành nhai dầu. Vừa gặp tôi bà nói ngay là bà tin rằng đã khỏi ung thư máu ( lupus ) vì bà không còn thấy mệt mỏi, đau đón gì nữa cả. Bà làm việc nhà, đứng lên ngồi xuống nhiều vẫn rất khỏe. Bà nói bà đã thay đổi tính tình nữa, trầm tĩnh hơn, dễ chịu hơn, thấy mình thành một người mới. Vì thấy khỏe nên 2 hôm nay bà nhai dầu ngày 2 lần và sắp tới ngày 1 lần thôi. Bà sẽ đi bác sĩ khám lại và thử máu trong tháng 1/08 theo lịch đi bác sĩ thường lệ của bà. Tôi cũng trông đến ngày đó xem kết quả của bà ra sao. Với tôi bà Anita là nhân chứng tuyệt vời chứng tỏ phương pháp nhai dầu mè rất hữu hiệu trong việc chữa nhiều bệnh cùng một lúc, kể cả bệnh kinh niên, bệnh mà bên tây y đã chưa tìm ra thuốc chữa trị, lại trong thời gian ngắn không thể chờ được. Cũng nhờ bà đặt hết lòng tin và hy vọng vào phương pháp nhai dầu mè chăng?

06/12/2007 hôm nay tôi buồn ngủ lắm, cố chống lại để làm việc thì sanh ra nhức đầu. Đến 4 giờ chiều tôi phải về nhà ngủ vì không chịu nổi, 9 giờ thức dậy vì bụng đói quá, nhưng ăn không được vì thấy ngán ngẫm như người bệnh chán ăn. Tôi ráng uống chút nước soup. Lại thấy khát nước kinh khủng, phải uống ly to mới đã khát, rồi đi ngủ tiếp. Lúc nằm lại trên giường tôi nghĩ đây đúng là hiệu ứng chữa lành. Cơ thể tôi đến lúc này cần sữa chữa, hoàn chỉnh một cơ quan nào đó mà tôi không biết, nên cần tôi nghỉ ngơi cho nó làm việc, do đó bắt tôi phải ngủ, không ngủ thì cho nhức đầu để tôi thi hành đúng luật tự nhiên và nó lại cần tôi ăn chay hoặc nhịn đói, trong khi thực hành phương pháp trị bệnh này.

Quả đúng như tôi nghĩ, sáng mai thức dậy tôi rất khỏe, ăn uống ngon lành ngay. Tôi rút ra một bài học: vì mỗi người mỗi khác, khi thực hành phương pháp nhai dầu hãy lắng nghe tiếng nói của cơ thể chính mình và vâng lời nó, bạn sẽ khỏi bệnh và kiện toàn sức khỏe một cách nhanh nhất không thể ngờ.

08/12/2007 hôm nay tôi gọi chú Lai hỏi thăm. Chú nhai dầu được 12 ngày, mỗi ngày từ 2 đến 3 lần. Chú nói bây giờ chú thấy khỏe như hồi 45 tuổi ( như trẻ lại 20 tuổi ) chú cho biết đã hết nhức nửa bên đầu, chỉ thỉnh thoảng còn hơi bị căn cắn một chút, cánh tay bên trái đã hết đau. Chú đang nói đến đây bất ngờ la lên vui mừng “ ơ chú xoay tay được rồi này, tay chú xoay được rồi, hay quá, thím mày thì biết đã lâu rồi chú đâu có giơ tay lên được qua vai đâu, tay chú yếu lắm, đâu có nhấc gì lên được “. A ha, thế là nhai dầu chữa được viêm cứng gân và khớp xương của chú, trả về cho chú cánh tay khỏe như xưa……

Thursday, August 13, 2009

Action Institute, 12.8.09

by Samuel Gregg D.Phil.

This year marks the 20th anniversary of Communism’s defeat in Central-East Europe. As many remember the tumbling of Communist regimes in countries such as Poland, East Germany, and Hungary, others will recall Marxism’s terrible legacy: millions of dead and tortured, “reeducation” and labor camps, show-trials, unparalleled economic destruction, and the worst environmental devastation in history.

As the recently deceased ex-Marxist philosopher Leszek Kolakowski concluded in his magisterial multi-volume Main Currents of Marxism, this was not accidental. It was Marxist philosophy’s logical outcome. By definition, no political program built upon an explicitly materialist viewpoint can consider itself limited by the idea of an innate human dignity, or anything suggesting a more-than-flesh-and-blood dimension to human life.

This is one reason why Marxist regimes are invariably hostile to religious belief. Another is the fact that some religions – such as Christianity – embody the insistence that there are inherent limits to state power, including that exercised by the “dictatorship of the proletariat.” To accept the notion of religious liberty, grounded in the duty of all people to seek the truth, is to accept the limited state. And that is something that no Communist government can ever truly acknowledge.

Thus it was no coincidence that the Soviet regime fiercely persecuted the Orthodox Church within the U.S.S.R. between 1920 and 1940, executing literally thousands of clergy. Nor was it by chance that the Catholic Church throughout post-war Communist Central-East Europe felt the weight of state oppression, with thousands of priests and nuns arrested, tortured, and occasionally executed, while practicing believers were driven to the margins of life.

It would be nice if this were all history, but if we ever needed proof that Communist regimes don’t change their stripes, one need only look at the little-reported but growing confrontation between the Catholic Church in Vietnam and Vietnam’s Communist authorities.

There are about 6 million Catholics in Vietnam today (about 8 percent of the population). They are the biggest religious minority in a nation which has been ruled in its entirety by a Communist government since 1975. Like all Communist regimes, Vietnam had its “re-education” camps. The regime has also long harassed the Catholic Church. There is no greater symbol of this than the late Cardinal François-Xavier Nguyen Van Thuan, widely regarded as a modern saint. Before exiling him, the regime imprisoned him for 13 years, nine of which were spent in solitary confinement.

Some of the reasons for this treatment of Vietnam’s Catholic Church are historical. Vietnam’s rulers are acutely aware that Catholics were among the most committed anti-Communist Vietnamese during the Vietnam War. Many Vietnamese also identified Catholicism with French colonial rule.

This background, however, is of marginal significance in explaining the violent crackdown presently being experienced by Catholics throughout Vietnam. Put simply, it’s about government corruption.

As Vietnam’s Catholic bishops wrote in 2008, corruption is a huge problem in Vietnam. This is true of any country where the state is not constrained by the rule of law and the primary incentives for economic gain lie in taking others’ property rather than creating wealth through entrepreneurship. Vietnam, however, is listed by Transparency International as one of the world’s most corrupt countries.

The most recent self-enrichment scheme of Vietnam’s Communist political class has been to “requisition” peasants’ land which they then re-sell to the highest bidder, while quietly taking their “cut” of the action. The Church has long taken the peasants’ side in these matters. The bishops’ statement of last year insisted that private property rights must be respected.

Now Church property is increasingly the target. In late 2008, for example, Vinh Long provincial officials announced their intention to “appropriate” the land of a convent of nuns which also functioned as an orphanage in order to build a hotel. More recently, land in Hanoi that the government itself acknowledges has been owned by a Catholic monastery since 1928 was simply given over by the state for residential construction.

These stories are replicated all over Vietnam. In response, thousands of Catholics have mounted peaceful public protests for almost a year. As Amnesty International reports, the state’s reply has been intimidation and violence. Lay Catholics have been denounced in typical Marxist terms as “counter-revolutionaries”, arrested, and subjected to show-trials. Nuns and priests have been savagely beaten by police and “counter-demonstrators”. One woman told Amnesty, “they shout bad words about our mothers and fathers, and say things like ‘kill the archbishop’ and ‘kill the priests.’”

Vietnam is a country where Marxism, aptly described by Kolakowski as “the greatest fantasy of our century,” has once again been exposed as nothing more than a useful cover for a corrupt political class to maintain its power and live at everyone else’s expense. And, once again, Christians and the cause of religious liberty are paying the price.

Tuesday, August 11, 2009

Sau đây là bức thư cuả Sử Gia Bill Laurie gửi nhà báo O’Reilly, FoxNews, khi ông này tuyên bố như trên.

(Đồ Biển phỏng dịch)

Thưa ông O’Reilly,

Chính ông, lại một lần nữa đã tin tưởng vô căn cứ là Việt Nam Cộng hòa bị đánh bại bởi tham nhũng. Đó là một vấn đề nghiêm trọng nhưng không phải là đầu mối nguyên nhân thất bại này, hoặc là bất cứ những gì liên hệ. Tôi ở VN 3 năm. Ông thì không ở đó. Xin vui lòng đoc bài này và giải toả những những truyền thuyết tam sao, thất bản.

Trong những tháng cuối cùng cuả năm 1975, 3 trong 4 vị tư lệnh Vùng là những sĩ quan không hề mang điều tiếng, và là những nhà chiến thuật tài ba. Người thứ tư có dính líu vào một thiểu số tham nhũng, tuy vậy ông ta là một cấp chỉ huy xuất sắc mà binh sĩ dưới quyền đều thưà nhận như vậy. Vị sĩ quan phụ tá ông cũng được biết là một người tài đức vẹn toàn, nhận xét tinh tế, và thao lược về quân sự..

Binh sĩ miền Nam không phải chiến đấu đề bảo vệ chế độ tham nhũng, nhưng để bảo vệ một đất nước dân chủ đang đà phát triển mà họ lưạ chọn. Như một TQLC/VNCH dạn dày máu lưả chiến trường đã nói với tôi: “Sau khi chúng tôi dẹp xong quân Bắc Việt, chúng tôi sẽ về quét dọn đám tham nhũng tại Sài Gòn”. Tham nhũng được coi như một bệnh kinh niên như bệnh tiểu đường. Chúng ta không đón nhận nó và chẳng thú vị khi mắc phải nó, vì nó cũng khó làm cho chúng ta chết. Cộng Sản Hà Nội mới chính là một bản án tử hình.

Nhớ lại nhà Việt Nam “học”, Douglas Pike đã lý giải rằng lý do tại sao Hà Nội và quân Bắc Việt thua trận Muà Hè Đỏ Lưả năm 1972, rằng Quân Lực VNCH áp đảo quân Bắc Việt. Hãy nhớ lại Chiến dịch Tổng Tấn Công 1972, Cộng sản Bắc Việt huy động tới 150,000 quân so với 84,000 quân trong dịp Tết Mậu Thân 1968.

Khoảng 275,000 binh sĩ VNCH đã bị tử trận, trong tổng số dân là 17 triệu, Nếu so với số dân 200 triệu cuả nước Mỹ, thì con số này lên đến (200 chia cho 17 và nhân với 275,000) tức là 3,235,000 người. Hãy nhớ lại tổng số binh sĩ Mỹ tử trận trong Đại Chiến thứ II là 292,000 so với số dân Mỹ vào thời kỳ này là 135 triệu.

Trong một tháng binh sĩ VNCH chết nhiều hơn binh sĩ Mỹ. Trong trận tái chiếm Huế, 384 Binh sĩ Việt tử trận so với 214 binh sĩ Mỹ.

Những lý do khai tử Nam Việt Nam đơn thuần do sự cắt viện trợ một cách tàn độc, hèn hạ và thô tục, trong khi đó để cho Liên Xô và Trung Cộng cấp cho Hà Nội một hoả lực hùng hậu. Mọi chuyện xảy ra là do do việc cắt giảm tệ hại về tiếp liệu cho QLVNCH. Vũ khí, đạn được và đồ phụ tùng, thuốc men, nhiên liệu, tất cả mọi thứ… Không một lực lượng Nam Việt Nam trong tình trạng “đói” võ khí đạn dược như vậy mà có thể đẩy lùi quân cộng sản Bắc Việt trang bi vũ khí đến tận răng. Trung bình theo tiêu chuẩn một lính bộ binh Mỹ được phát 400 viên đạn cho khẩu súng cơ hữu cuả anh ta, trong khi đó vào đầu năm 1975, một binh sĩ Nam Việt Nam được phát cho có 60 viên đạn cho một tuần. Xin lập lại 60 viên M16 trong một tuần. Đạn trọng pháo bị cắt 90%, xe tăng và phi cơ bị cho nằm ụ vì thiếu cơ phận thay thế (chúng trở thành những bức tượng điêu khắc bất động).

Cronkite thì mù mờ về tình hình Việt Nam. Đường mòn HCM là con đường huyết mạch tiếp tế vũ khí, đạn dược nuôi dưỡng cả ba chiến trường Việt, Miên, Lào cuả Cộng Sản Hà Nội. Bắt đầu từ năm 1962, nếu không nói là sớm hơn, có nhiều yêu cầu lập đi, lập lại là phải cắt đứt, chiếm giữ đường mòn HCM để bóp nghẹt cuộc chiến tranh do Hà Nội gây ra. Tham Mưu trưởng Liên Quân đề nghị, Chính phủ VNCH yêu cầu, Chính phủ Thái đòi hỏi. Tất cả đều bị BT Quốc Phòng Mac Namara và TT Johnson thẳng tay từ chối.

Cho đến ngày hôm nay, một vài viên chức cuả nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội thưà nhận rằng, cắt đứt đường mòn HCM, ngay tức khắc sẽ giáng một đòn chí tử cho nỗ lực chiến tranh cuả Hà Nội. Cronkite chưa bao giờ đả động đến việc này.

Ông nói Miền Nam Việt Nam bị sụp đổ là do tham nhũng, không khác nào một giảo nghiệm viên tử thi báo một bệnh nhân chết vì sưng phổi mà hoàn toàn không đả động gì đến những lỗ đạn và một con dao đâm lút cán người bệnh.

Ông là người rất thông minh, nhưng ông không được thông tin đầy đủ về động lực lịch sử căn bản, nguyên nhân và hậu quả, gây tác hại ghê gớm mang lại chết chóc và đau khổ cho nhân dân 3 nước Việt, Miên, Lào. Người ta có thể tin ông vẫn là một người thông minh nếu ông hiểu rõ vấn đề ngay từ bây giờ.

Những bậc trí giả đang cười vào sự ngu dốt đáng hổ thẹn cuả ông, nó bộc lộ sự giả dối khi ông lao đầu vào cái hình ảnh huyễn hoặc, ngớ ngẩn cuả Walter Cronkite.

Bill Laurie

Blog Archive