Thursday, May 3, 2012






Oan Hồn Người Cha Trong ‘Ngày Vui Đại Thắng’

Trần Quốc Kháng

Ai có thể làm thống kê, tổng kết xem từ ngày quê hương chúng ta sa vào thảm hoạ Cộng Sản, có mấy chục triệu người, không nhiều thì ít, không trực tiếp thì gián tiếp, là nạn nhân của đảng giặc VC? Khó khăn hơn nữa là những trường hợp của hàng ngàn, hay hàng chục ngàn gia đình, bị VC tàn sát không còn người nào.
Dù sao, chúng tôi thiết tưởng, khi mang trong lòng mối "thù nhà nợ nước" thì lẽ ra, tất cả các nạn nhân đều có ý chí Chống Cộng hăng say. Nhưng không hiểu sao, có nhiều trường hợp, họ lại cúi đầu sống trong ô nhục, làm tôi tớ cho kẻ thù, phản bội đồng bào, "vong ân bội nghĩa" với ông cha?

Câu chuyện "Oan Hồn Người Cha Trong Ngày Vui Đại Thắng” — khởi đầu năm 1945 và kết thúc năm 1975 — là trường hợp điển hình cho nhiều trường hợp khác nhau. Trong đó có nỗi oan khiên của người cha là học giả Phạm Quỳnh và sự việc ô nhục của người con là “nhạc sĩ vẹm” Phạm Tuyên. Còn thảm cảnh nào ô nhục hơn cuộc đời của Phạm Tuyên? Sau khi đảng giặc VC đã giết cha mình, làm cho gia đình mình tan nát, làm cho đất nước tan hoang, làm cho đồng bào VN khốn khổ thì Phạm Tuyên lại đi làm tôi tớ cho kẻ thù, viết bài hát mừng VC chiếm được miền Nam ngày 30.4.1975:

"Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng...
Lời Bác dậy đã thành chiến thắng huy hoàng
Ba mươi năm đấu tranh giành trọn vẹn non sông
Ba mươi năm Dân Chủ Cộng Hòa,
kháng chiến đã thành công"

Hiển hiện, "ngày vui" ấy là ngày vui của đảng giặc VC. Ngày "đại thắng" ấy là ngày đại thắng của Quốc Tế Cộng Sản mà Nga Tàu là hai kẻ đầu xỏ.

"Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc...... ta đã thành công trong việc cắm lá cờ Mác-Lê trên toàn cõi VN !"

Đó là lời tuyên bố của Tổng Bí Thư Lê Duẩn trong buổi họp mặt với bọn đồng đảng năm 1976. Lời 'TỰ THÚ' này có giá trị lịch sử, cho thấy vai trò của CSVN: Làm TAY SAI cho Nga-Tàu trong khối 'Quốc Tế Cộng Sản'. Thật ra, chiến tranh VN (1960-1975) chỉ là “điểm nóng” trong “chiến tranh lạnh” (Cold War 1945-1990) giữa hai khối Quốc Tế Cộng Sản và Dân Chủ Tây Phương. Phía VNCH có Hoa Kỳ, Nam Hàn, Thái Lan, Úc, Tân Tân Lan đã công khai đem quân tham chiến. Phía VC có Nga Sô, Tàu Cộng và Bắc Hàn đã bí mật, gởi quân đến VN qua các vai trò: Không chiến, pháo binh phòng không, cố vấn, huấn luyện, phòng thủ miền Bắc VN và chỉ huy các mặt trận lớn trong Nam.

Nhìn lại cội nguồn từ năm 1919 thì Quốc Tế CS, hay Đệ Tam Quốc Tế CS, chỉ là tổ chức ngoại vi của đảng Cộng Sản Sô-Viết ¾ do Lênin thành lập, tiếng Nga là ‘Communestcheskig International’, nghĩa là Quốc Tế CS, gọi tắt là Comintern ¾ có nhiệm vụ vận động, phát triển chủ nghĩa CS ở các xứ khác để phục vụ hữu hiệu nền an ninh và những quyền lợi khác của nhà nước Sô-Viết.

Đồng thời, căn cứ vào thư của Hồ Chí Minh và nhiều tài liệu khác của đảng VC thì ai cũng thấy, Hồ là ‘Ðại Diện’ của Quốc Tế CS, lãnh lương của QTCS, làm theo lệnh của QTCS.

Như vậy thì hiển nhiên, Hồ là tay sai của Sô-Viết, không hơn không kém. Chính Hồ đã để lộ vai trò tôi tớ hắn khi tuyên bố:

"Nhận chỉ thị của Quốc Tế Cộng Sản để giải quyết vấn đề cách mạng ở nước ta, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ".

Hai chữ “cách mạng” trong câu nói của họ Hồ có nghĩa là “cách mạng vô sản”. Đó là việc áp đặt ách đô hộ Mác-Lênin trên quê hương chúng ta. Trong 30 năm chiến tranh, dưới chiêu bài "đánh Pháp chống Mỹ", Quốc Tế CS đã sử dụng đất nước VN làm bãi chiến trường. Quốc Tế CS đã đem "núi xương sông máu" của dân tộc VN, lót đường cho chủ nghĩa phi nhân Mác-Lênin bành trướng. Kết quả hiện thời là hàng chục năm trôi qua, sau khi năm chiến tranh chấm dứt, VN vẫn là nơi nghèo khổ, lầm than và nhiều tệ đoan xã hội nhất thế giới.

Vì vậy, khi VC tung ra bài “Như Có Bác Hồ Trong Ngày Vui Đại Thắng” thì dân chúng VN, đối kháng bằng cách đổi ngược tất cả lời ca cho đúng với sự thật trong lịch sử. Hầu hết những người lớn tuổi, sống trong chế độ VC hiện nay (2003), đều nghe trẻ nhỏ tụ tập, vui chơi ngoài đường phố, nghêu ngao hát sau Tháng Tư Ðen 1975:

"Như có bác Hồ trong thùng phi đậy nắp
Lời Bác nay trở thành thối hoắc trong thùng
Ba mươi năm Bác làm tan nát non sông
Ba mươi năm Dân Chủ Cộng Hoà chẳng thấy...”

Như vậy, trong ngày 30 'Tháng Tư Đen 1975', nếu người con là Phạm Tuyên vui mừng ca hát "như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng" thìngược lại, oan hồn của người cha là Phạm Quỳnh, ắt hẳn phải cảm thấy,vừa ngậm ngùi, vừa tủi nhục. Ngậm ngùi trước thảm cảnh “nước mất nhà tan”. Tủi nhục vì có đứa con đi làm tôi tớ cho kẻ thù, phản dân hại nước mà lại tưởng là vinh!

Văn Nhân Sinh Tặc Tử
Trong thời gian trước đây, nhiều cây bút lão thành đã viết bài nhằm minh oan cho học giả Phạm Quỳnh. Vấn đề này, chắc chắn sẽ đuợc lịch sử phát xét công minh. Tuy nhiên, khi đề cập đến chuyện "Văn Nhân Sinh Tặc Tử" thì thiết tưởng, cũng cần nhắc lại vài nét đại cuơng về nguời quá cố.

Qua Văn Học Sử VN, nhiều quý vị còn nhớ, Phạm Quỳnh là người có công rất lớn trong văn học. Vốn là người uyên thâm Nho Giáo và triết học Tây Phương, học giả Phạm Quỳnh còn tốt nghiệp trường Thông Ngôn (Collège Des interprêtes) năm 1908. Ông được bổ nhiệm làm việc ở trường Viễn Đông Bác Cổ. Năm 1917, ông là chủ biên và là linh hồn của Nam Phong tạp chí. Năm 1919 ông sáng lập hội Khai Trí Tiến Đức. Cả hai tổ chức văn hóa này đã "vang bóng một thời" trên hai miền Nam Bắc VN. Năm 1932, ông được vua Bảo Đại mời vào kinh đô Huế, giữ chức vụ Thượng Thư Bộ Lại — tương đương với Thủ Tướng Chính Phủ hiện thời.

Đến năm 1945, Việt Minh Cộng Sản nổi dậy cướp chính quyền. Học giả Phạm Quỳnh bị bọn côn đồ Trần Huy Liệu, nhận lệnh của Hồ Chí Minh, đến kinh đô Huế, ép buộc vua Bảo Đại trao Ấn Tín.

Chúng còn bắt học giả Phạm Quỳnh cùng nhiều nạn nhân khác, trong đó có hai cha con ông Ngô Đình Khôi — bào huynh của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm — đem vào rừng, đập bể sọ, rồi chôn vùi trong nấm mồ tập thể với bản án “Việt gian”!

Ai can tội Việt gian? Nếu học giả Phạm Quỳnh can tội “Việt gian” vì theo học “Trường Thông Ngôn” rồi làm việc cho vua Bảo Đại thì Hồ Chí Minh can tội gì khi khi làm bồi cho thực dân Pháp trên tàu L'Admiral La Touche Tréville?

Sau khi đến Pháp, Hồ viết thư van xin bọn Thực Dân cho vào học nội trú trại “Trường Thuộc Địa”. Như vậy thì rõ ràng, sau giấc mộng làm tay sai cho Pháp không thành, Hồ xoay sang làm tay sai cho Đệ Tam Quốc Tế CS.

Còn trong lãnh vực báo chí, học giả Phạm Quỳnh là người có công hay có tội? Chúng tôi xin nêu lên nhận xét của những cây bút lão thành: Trên trang 939 của cuốn "Thành Ngữ, Điển Tích, Danh Nhân Tự Điển" Quyển II, xuất bản tại Sài Gòn năm 1967, soạn giả là giáo sư Trịnh Vân Thanh — người bất đồng chính kiến với học giả Phạm Quỳnh mà cũng phải nhìn nhận:

"Trên lãnh vực văn hoá, Phạm Quỳnh xứng đáng là một kiện tướng có đủ năng lực, tài ba để điều khiển một cơ quan ngôn luận và có công rất lớn trong việc phát huy những khả năng tiềm tàng của Việt Ngữ và xây dựng một nền móng vững chắc cho Quốc Văn, bằng cánh tô bồi với những tinh hoa mà ông đã rút tỉa, trong những tư tưởng và học thuật của Âu Tây”.

Trên trang 76 của cuốn "Nhà Văn Hiện Đại" Tập I, soạn giả là nhà văn Vũ Ngọc Phan, đã nêu nhận xét về học giả Phạm Quỳnh:

"Ông là người chủ trương cái thuyết: đọc sách Tây là để thâu thái lấy tư tưởng, lấy tinh thần văn hóa Âu Tây để bồi bổ cho nền Quốc Văn còn khiếm khuyết, để chọn lấy cái hay của người mà dung hoà với cái hay của mình, ngõ hầu gìn giữ cho cái học của mình không mất bản sắc, mà vẫn có cơ tiến hoá được".

Hồi đầu năm 1999, chúng tôi được biết thêm 2 nhà văn khác là cụ Mạc Kinh ở Luân Đôn và cụ Duy Xuyên ở Houston, Hoa Kỳ. Cụ Mạc Kinh viết bài "Nỗi Oan Khiên Của Nhà Học Gỉa Phạm Quỳnh", đăng trên tờ Việt Báo ở Houston số 71. Còn cụ Duy Xuyên thì viết bài "Đốt Lò Hương Cũ Số 9". Trên trang 84 của tờ VB số 72, cụ Duy Xuyên đã nêu lên nhận xét về học giả Phạm Quỳnh:

"Một người chỉ dùng cây viết tô điểm thêm đậm nét dòng văn hóa Tổ Tiên, người đã mượn ba tấc lưỡi Tô Tần thuyết phục người Pháp trả lần hồi nền tự trị cho quê hương, người đã hết lòng cúc cung tận tụy phò vua trẻ hồi loan từ 1932 cho đến 1945, trung quân ái quốc một lòng một dạ, vì đã thấm nhuần Nho Gíao, lấy tam cương ngũ thường làm chuẩn, nhưng buồn thay, người quân tử gặp lúc nhiễu nhương, cây bút làm sao chống lại mã tấu, lựu đạn của bọn vô lại đầu đường xó chợ".

Quả thật là như vậy, dẫn đầu "bọn vô lại ấy" là Hồ Chí Minh. Trong những năm đầu của thảm hoạ Cộng Sản, ngoài việc thủ tiêu học giả Phạm Quỳnh, quốc tặc Hồ Chí Minh còn là thủ phạm trong các vụ thủ tiêu Đức Huỳnh Phú Sổ, các ông Lý Đông A, Trương Tử Anh và Khái Hưng. Hàng ngàn chiến sĩ cách mạng khác, chỉ vì có khuynh hướng Quốc Gia, mà bị họ Hồ lừa gạt và sát hại vô cùng dã man.

Tại sao, Trần Huy Liệu giết cha của Phạm Tuyên mà lại còn bắt giam anh của Phạm Tuyên là Phạm Giao và cướp luôn chị dâu của Phạm Tuyên nữa? Chuyện thê thảm xẩy ra chỉ vì, chị dâu của Phạm Tuyên — vợ ông Phạm Giao — là người đẹp nổi tiếng trường Đồng Khánh. Trước đó, Trần Huy Liệu đã say mê, theo đuổi một thời.

Nhưng Liệu là kẻ vô luân nên bị "người đẹp" khinh bỉ. Khi "nàng" kết hôn với ông Phạm Giao thì Liệu "ôm hận ngàn thu", mong đợi có dịp trả thù. Dịp ấy đã đến khi Cộng Sản cướp chính quyền năm 1945. Cụ Duy Xuyên đã nêu lên nhận xét về hành động đểu cáng và tàn ác của Trần Huy Liệu:

"Chỉ vì không lấy được người mơ ước mà Liệu đã nỡ lòng làm tan nát nhà họ Phạm và dập liễu vùi hoa để thoả mãn thú tính của một tên vô lại".

Câu chuyện đểu cáng, bất nhân không ngừng ở đó. Sau khi "người đẹp" qua tay Trần Huy Liệu thì lại lọt vào tay quốc tặc Hồ Chí Minh. Vì biết ý họ Hồ thèm muốn người đẹp nên Liệu tức tốc, gởi "nàng" đến Phủ Chủ Tịch “làm quà” biếu Bác để Bác thoả mãn nhục dục!

Như vậy thì rõ ràng, VC đã làm gia đình họ Phạm tan nát. VC đã làm đất nước tan hoang. VC đã làm đồng bào lầm than, nghèo khổ. Mang mối "thù nhà nợ nước" rõ ràng như thế mà Phạm Tuyên lại cúi đầu, đi làm tôi tớ cho Cộng Sản, viết lời ca "Như Có Bác Hồ Trong Ngày Vui Đại Thắng" thì còn ô nhục nào hơn! Nhiều người bảo rằng "cha nào con nấy", nhưng trong câu chuyện này thì hiển nhiên là trái ngược: "Văn Nhân Sinh Tặc Tử".

Luận Cổ Suy Kim
Thật ra, câu chuyện nêu trên chỉ là câu chuyện điển hình. Vấn đề chính yếu được nêu lên: Từ ngày "nước mất nhà tan" đến nay, có bao nhiêu người, thay vì nung nấu trong lòng mối "thù nhà nợ nước", chống lại chế độ Mafia VC thì lại bắt tay thân thiện, hưởng ứng chiêu bài của kẻ thù tung ra? Nguyên do nào làm họ mù quáng? Họ không còn nhớ cội nguồn của bản thân họ, của gia đình họ là những nạn nhân đau thương của đảng giặc VC?

Quả thật là như vậy. Trong 2 năm 1945-1946, hàng trăm ngàn người có ông cha đã bị VC sát hại, trong các “chiến dịch” thủ tiêu, ám sát hay chém giết tập thể khi VC nổi lên cướp chính quyền. Trong những năm “Cải Cánh Ruộng Đất”, hàng triệu người có cha mẹ bị VC cướp hết cơ nghiệp, rồi đem ra đấu trường hành hạ trước khi giết hại hay tống giam.

Hồi Tết Mậu Thân năm 1968, hàng chục ngàn người có thân nhân bị VC sát hại tập thể ở Huế. Kế tiếp là sau khi miền nam thất thủ năm 1975 thì con số phỏng đoán không còn ở mức “hàng triệu” người nữa. Mà ở mức hàng chục triệu” người — có ông bà, cha mẹ, vợ hay chồng, anh hay chị em, họ hàng hay bạn hữu v.v. bị VC đầy đọa chết trong tại tù hay bị VC xô đẩy vào đường cùng, nên sa vào thảm họa trên hành trình vượt biển tỵ nạn.

Đến nay thì hàng chục năm trời đã trôi qua. Nhiều người bị tiêm nhiễm “nọc độc trí vận” của VC cho rằng, đó là chuyện “hận thù trong quá khứ, nên bỏ qua để hướng về tương lai”. Chúng tôi xin khẳng định rằng, bản tính con người, khi biết yêu quý điều THIỆN thì tất nhiên, sẽ ghê tởm những điều GIAN dối và HẬN THÙ những kẻ gây ra tội ÁC. Mà VC là bọn đại gian, đại ác. Nên ai có lương tri cũng phải hận thù VC. Do đó, nếu thế hệ cha anh chưa xoá bỏ được chế độ Mafia VC thì thế hệ con em sẽ nối tiếp, Chống Cộng đến cùng, cho đến khi nào đảng giặc VC không còn hoành hành thì đất nước ta mới có Dân Chủ Tự Do. Đồng bào ta mới ấm no, hạnh phúc.

Đó là điều sơ đẳng. Rất sơ đẳng trong đời sống. Chỉ tiếc rằng, trong khi đảng giặc VC có sở trường đại gian đại ác, nhất là kỹ thuật “lừa già dối trẻ” rất thiện nghệ thì tình trạng dân trí của khá đông đồng bào VN lại “thấp kém”.

Trong đó, người thì nhẹ dạ dễ tin; người thì cuộc sống chỉ biết “giá áo túi cơm”; người có bằng cấp chuyên môn cao, tưởng là “trí thức”, nhưng lại chỉ biết “vinh thân phì gia” hay “cháy nhà hàng phố bình chân như vại”! Mặc dù, tất cả các thành phần kể trên, đều là thành phần thiểu số, nhưng đã dẫn đến hệ quả: Mắc mưu VC hết chiều bài này đến chiêu bài khác!

Ấy là chưa kể, những người sa vào trường hợp như “nhạc sĩ vẹm” Phạm Tuyên — sau khi VC đã giết cha mình, làm cho gia đình mình tan nát, làm cho đất nước tan hoang, làm cho đồng bào VN khốn khổ — mà lại bắt tay, hợp tác thân thiện với giặc dưới nhiều hình thức khác nhau. Chẳng lẽ, họ không biết, hay đã quên cỗi nguồn của bản thân họ? Chẳng lẽ họ lại không nhận ra, hàng chục triệu đồng bào hiện nay, không nhiều thì ít, không trực tiếp thì gián tiếp, đều là nạn nhân của chế độ Mafia VC.

Nhìn Lại Cội Nguồn
Ngược dòng thời gian thì vào đầu tháng 4 năm 1975, Quốc Tế Cộng Sản đã điều động hàng chục sư đoàn chính quy từ miền Bắc VN — với xe tăng T54, đại pháo 130 ly, hoả tiễn 122 ly và SA-7 của Nga Sô; với súng liên thanh AK và B40 của Tàu Cộng — để tiến quân, đánh chiếm miền Nam.

Từ sông Bến Hải đến mũi Cà Mâu, dân chúng hoảng hốt. Hầu như ai cũng hiểu rằng, miền Nam nhỏ bé, mà lại bị cô thế, viện trợ Mỹ bị cúp, súng đạn chẳng còn bao nhiêu thì tất nhiên, VNCH sẽ xụp đổ.

Thảm cảnh "Tháng Tư Đen" diễn ra. Ở bến tàu. Ở phi trường. Ở Toà Đại Sứ Mỹ. Dọc theo quốc lộ từ miền Trung vào miền Nam . Tổng cộng mỗi ngày, hàng trăm ngàn người chen lấn nhau, đạp lên nhau, tranh giành nhau lên tàu, tranh giành nhau lên phi cơ, hoặc liều chết dùng những chiếc thuyền bé nhỏ để vượt đại dương!

Nhiều người từ Kontum, từ Pleiku, chạy ra Đà Nẵng. Cộng Sản chiếm Đà Nẵng, họ chạy vào Sài Gòn. Cộng Sản chiếm Sài Gòn, họ chạy lên Tây Ninh, băng qua biên giới, rồi vượt cả ngàn dặm rừng núi ở bên Cao Miên, để đến Thái Lan. Họ chấp nhận muôn vàn chông gai trên đường lánh nạn VC. Nào là thú dữ. Nào là Khờ Me Đỏ dã man tàn ác... Nhưng thà chết còn hơn kéo dài cuộc sống lầm than trong chế độ Cộng Sản!

Đó là sự thật trong lịch sử. Đó là kết quả của cuộc chiến 15 năm(1960-1975) do đảng Cộng Sản khởi xướng: Máu và nước mắt của tù nhân ướt đẫm khắp nơi trong trại tù đầy. Máu và nước mắt của đồng bào lai láng khắp nơi trên biển Đông.

Trong lịch sử nước nhà, một ngàn năm giặc Tàu đô hộ dân ta, một trăm năm thực dân Pháp giầy xéo đất nước ta, không ai thấy giặc ngoại xâm nào ác độc và xảo quyệt bằng giặc Cộng. Chưa có thời kỳ nào, Xã hội VN có nhiều chuyện vô luân, nhiều chuyện bất nhân như thời “Xã Hội Chủ Nghĩa”.

Chứng cớ điển hình là sau khi chiếm được miền Bắc, VC đã chủ mưu, xách động người nghèo, đấu tố người giàu. Thảm trạng cướp cuả giết người trong những năm “Cải Cách Ruộng Đất” diễn ra khắp nơi. Luân thường đạo lý trong xã hội tiêu tan. Con đấu tố cha, vợ đấu tố chồng. Họ hàng hoặc bạn hữu nghi kỵ nhau, tố cáo nhau, hậm hực tranh giành nhau từng ly từng tý!

Sau khi chiếm được miền Nam , VC “đánh tư sản” làm cho hàng triệu gia đình tan nát. Đồng thời, chúng đầy đoạ để trả thù hàng trăm ngàn Quân Nhân, Công Chức và Cảnh Sát VNCH trong ngục tù — nguỵ danh là trại “học tập cải tạo”. Thâm độc và đểu cáng nhất là chiến dịch “Hoa Nở Về Đêm”! Vì “Đảng” thừa biết, hàng trăm ngàn gia đình Quân Nhân, Công Chức, Cảnh Sát VNCH, bị sa vào cảnh bần cùng. Khi người chồng bị đầy đọa trong tù thì người vợ trẻ ở nhà, biết làm gì nuôi thân và nuôi con? Nên “Đảng” bèn bật đèn xanh, cho cán bộ, bộ đội, hay công an đến nhà dụ dỗ, hăm dọa và lừa gạt. Trước cảnh “cây gậy và củ cà rốt” có bao nhiêu thiếu phụ, vẫn giữ lòng son sắt trong khi chồng bị sa cơ? Có bao nhiêu người đã “thay dạ đổi lòng”? Có bao nhiều người bị sa ngã, hoặc bị lừa gạt?

Dù sao, lời nói của tên thổ phỉ Nguyễn Hộ vẫn là bằng cớ hùng hồn cho thấy, chiến dịch “Hoa Nở Về Đêm” là sự thật. Nhiều người còn nhớ, khi thảo luận cùng đồng đảng về cách đối xử với thành phần “Quân, Cán, Cảnh VNCH” thì Hộ công khai bảo rằng:

“Nhà của chúng: Ta ở; vợ của chúng: Ta lấy; con của chúng: Ta sai; còn chúng: Ta cho vào tù trong những khu rừng thiêng nước độc...”.

Hiện thời, hàng chục năm trời đã trôi qua — kể từ khi chiến tranh chấm dứt. Nếu phỏng theo luận điệu của VC thì “dưới ánh sáng Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”, nước VN đã “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” đến mục tiêu: Trung tâm mua bán nô lệ, kể cả nộ lệ tình dục và trẻ thơ, với giá rẻ nhất thế giới.

Điển hình là kỹ nghệ du lịch gắn liền với các dịch vụ mãi dâm — do các công ty “Quốc Doanh” hay Công An và Quân Đội VC khai khác — là một trong những tệ đoan do nhà nước XHCN chủ xướng, không thể nào chối cãi. Bên ngoài thì VC đóng kịch cấm đoán chuyện mãi dâm. Nhưng thực sự bên trong, chúng muốn sử dụng thân xác gái điếm, nhằm thu hút du khách làng chơi ngoại quốc, kiếm Ðô-La, nuôi Công An và Bộ Đội, bảo vệ chế độ.

Trong thời XHCN thì "thượng bất chánh, hạ tắc loạn". Bên trên thì trùm Mafia Đỏ làm chuyện hại dân hại nước, dâng cả lãnh thổ và lãnh hải choTàu Cộng. Bên dưới thì trùm Mafia Đen là Năm Cam cùng ma cô, du đãng, cướp trộm hoành hành.

Hồi đầu năm 2003 vừa rồi, báo chí VC đã tiết lộ, có cả ngàn cán bộ Cộng Sản, kể cả đảng viên cao cấp — như cựu thủ tướng VC Võ Văn Kiệt; Trần Mai Hạnh, Giám Đốc đài phát thanh VC; Phạm Sĩ Chiến, Phó Giám Đốc Viện Kiểm Soát Nhân Dân v.v. — đã đỡ đầu, che chở, hay đồng loã với trùm Mafia Năm Cam trong các “dịch vụ”: Mãi dâm, tống tiền, thủ tiêu nhân chứng, cướp đoạt tài sản của dân, buôn lậu ma túy, buôn bán phụnữ và trẻ thơ ra ngoại quốc.

Thảm cảnh trên đất nước chúng ta, đại cương là như thế. Nên hình ảnh cán binh VC — chân đi "dép râu", đầu đội "nón cối" hay nón "tai bèo" — đã làm cho dân chúng VN ghê tởm:

Đôi dép râu dẫm nát đời son trẻ
Nón tai bèo che khuất nẻo tương lai

Vì “đời son trẻ bị dẫm nát”. Vì “tương lai bị che khuất”. Nên hàng triệu người Việt phải bỏ “quê cha đất tổ”, liều mình trốn chạy VC. Theo Liên Hiệp Quốc phỏng đoán thì tổng cộng có khoảng từ 6 đến 7 triệu thuyền nhân đã liều mạng vượt biên vượt biển. Nhưng chỉ có độ 40% là đến được bến bờ Tự Do. Phần còn lại bị chết vì đắm tàu lúc gặp bão. Vì hải tặc giết hại, hay bị chúng bắt mang đi rồi biệt tăm. Thảm cảnh đau thương diễn ra liên tiếp khoảng 10 năm trời. Máu và nước mắt của đồng bào tỵ nạn lai láng khắp nơi trên biển Đông. Muôn người khóc than ai oán. Tưởng là gỗ đá cũng mủi lòng thương. Thế mà VC lại có thể buông lời mỉa mai đồng bào tỵ nạn lúc sa vào thảm cảnh “thần sầu quỷ khốc”:

“Chúng là rác rưởi, trôi dạt khắp năm châu bốn biển. Không ai thèm vớt. Nếu có vớt thì cũng vì bắt buộc”.

Đó là lời nói của thủ tướng giặc VC là Phạm Văn Đồng. Tiếp đến là Ðỗ Mười, cũng nhân danh là Thủ Tướng, chửi bới đồng bào tỵ nạn thậm tệ:

“Chúng là bọn du đãng đĩ điếm, trốn chạy theo Mỹ Ngụy ra nước ngoài để có bơ thừa sữa cặn mà ăn ”.

Thế nhưng, khoảng 10 năm sau, bọn “lòng lang dạ thú” đánh hơi, biết trong túi người tỵ nạn có nhiều Đô-La thì chúng xoay chiều 180 độ, ngỏ lời ve vãn:

“Họ là da thịt của chúng ta. Họ là máu mủ của chúng ta. Họ là khúc ruột của chúng ta ngoài ngàn dậm”.

Quả thật là “nói như VẸM”, trâng tráo như thế là cùng! Vậy mà vẫn có người nghe!!! Chứng cớ là nhiều người đã xin kẻ thù cấp chiếu khán, “bỏ áo tỵ nạn”, mặc “áo gấm về làng”.

Ai Mặc ‘Áo Gấm Về Làng’?
Ai Đi Theo ‘Tặc Tử’ Phạm Tuyên?

Đó là những người về VN với chủ đích để huênh hoang “cái tôi giàu sang phú quý” — trước thảm cảnh lầm than nghèo khổ của họ hàng hay bạn hữu và đồng bào quốc nội. Thậm chí, một số người còn vô luân và bất nhân đến độ, về VN với dã tâm, đi từ nơi này đến nơi khác để lừa gạt các thiếu nữ nghèo khổ — muốn đi Mỹ; hay mua trinh tiết của các trẻ thơ; hoặc vui thú trên thân xác của các thiếu nữ bất hạnh sinh ra trong thời XHCN!!! Nhiều kẻ thì về VN thường xuyên vì mấy ‘cô vợ non’, ‘bồ nhí’ hoặc ‘gái bao’ thúc dục!!!

Phải chăng, tất cả những thành phần này muốn quên “cỗi nguồn tỵ nạn VC”? Kẻ thì biến thành “những con kên kên” trước cảnh khổ đau của đồng bào. Kẻ thì biến thành “Việt Kiều” đúng như ý bọn Mafia mong muốn. Tệ trạng “áo gấm về làng” đã góp phần không nhỏ giúp VC vừa “được tiếng, vừa được miếng”. Được tiếng là “cởi mở”, là “đổi mơí”, là “hoà hợp hoà giải dân tộc”... Được miếng là mỗi năm có vài tỷ Đô-la.

Hiển nhiên, VC sử dụng ngân khoản ấy để mua thêm súng đạn, tăng cường phương tiện cho công an và bộ đội, để chúng có thêm sức mạnh, xiết chặt gông cùm Mác-Xít trên đầu trên cổ người dân.

Đồng thời, VC còn dùng số tiền “viện trợ” ấy để hoạt động “nằm vùng” ở hải ngoại; trả tiền cho bọn Việt gian cùng bọn bồi bút — viết báo hỗ trợ những chiêu bài của mấy tổ chức “chống cộng cuội” và đánh phá những người Quốc Gia chân chính, gây ra cảnh nhiễu nhương trong cộng đồng tỵ nạn. Hệ quả là đồng bào chán nản. Ý chí đấu tranh cũng như tinh thần chống Cộng bị suy thoái.

Có lẽ, quái gở nhất trong khối tỵ nạn là hành động của một số cựu Quân Nhân và Công Chức “trở cờ đón gió”. Dẫn đầu là vài ba Tướng Tá, đã có những hành động PHẢN PHÚC — không khác Phạm Tuyên “vong ân bội nghĩa” với ông cha. Không hiểu nguyên do nào mà cảm quan của họ đã bị tê liệt? Tê liệt đến độ không còn biết đến liêm sỉ hay danh dự của chính bản thân họ!

Chứng cớ là họ đã hưởng ứng quỷ kế xuyên tạc lịch sử của VC. Kẻ thì viết bài ca tụng tên quốc tặc Hồ Chí Minh và đảng giặc gian manh VC. Kẻ thì bịa chuyện trong “hồi ký” để bôi nhọ Chính Nghĩa của VNCH mà chính bản thân đương sự đã phục vụ gần hết đời người.

Thậm chí, có kẻ còn tự ý “bôi tro trán trấu” vào mặt, đi về VN làm công cụ tuyên truyền cho giặc. Ắt hẳn, tất cả danh tánh và hành động của họ sẽ bị “lưu xú vạn niên” trong sử sách.

Chỉ tiếc rằng, trong khi đảng giặc VC có sở trường đại gian đại ác, nhất là sách lược “Công An Trị” cùng kỹ thuật tuyên truyền để “lừa già dối trẻ” rất thiện nghệ thì tình trạng dân trí của một số khá đông dồng bào chúng ta lại “thấp kém”, nên cứ bị lừa gạt hết lần này đến lần khác.

Chỉ tiếc rằng, trong khi Chính Nghĩa Quốc Gia Dân Tộc càng ngày càng sáng tỏ thì nhóm thiểu số cựu Quân Nhân và Công Chức VNCH lại “trở cờ đón gió” cùng với bọn “áo gấm về làng” đã “tiếp máu” cho VC — mỗi năm vài ba tỷ Đô-La.

Đó là vài nguyên nhân điển hình đã “giúp” đảng giặc gian manh VC tiếp tục nắm quyền cai trị trên đất nước trong khi các nước CS Đông Âu và Ðế Quốc Ðỏ là Liên Bang Xô Viết đã tan rã từ nhiều năm qua.

Ngày Quốc Hận 30-4

Trần Quốc Kháng

Wednesday, May 2, 2012


Định mệnh và nghiệp quả.

Tác giả: bác sĩ Thái Minh Trung, chuyên khoa Tâm Thần. Tác giả viết về một triết lý sống có thể giúp ta có hạnh phúc ngay trong đời này, và đưa những dẫn giải y khoa rất lý thú.

Định mệnh là gì?
Một số người tin rằng những diễn biến xảy ra trong cuộc đời đã được an bài sẵn. Khoa chiêm tinh (astrology) tin rằng những diễn biến trên quả địa cầu và tánh tình con người đều bị ảnh hưởng bởi những vị trí ngôi sao trên trời. Nếu ta sanh vào ngày tháng nào đó thì sẽ bị dấu ấn của những vì sao ảnh hưởng lên tánh tình và những diễn biến trong cuộc đời. Những người đó tin rằng ngay khi sanh ra là định mệnh đã an bài rồi, không ai chạy khỏi hết. Thí dụ người tuổi Sửu thì trong cuộc sống sẽ trải qua những năm thuận và năm kị tuổi. Năm thuận và kị như những cái đèn xanh đèn đỏ của đời người. Năm thuận thì gặp đèn xanh nhiều, làm gì cũng êm xuôi và năm kị thì trường hợp ngược lại.

Người đạo Ki tô giáo tin rằng những gì xảy ra cho họ là do ý muốn của Đức Chúa Trời. Chúa đặt đâu ta ngồi đó. Có người Chúa đặt vào hoàn cảnh giàu sang, còn người khác bị lâm vào hoàn cảnh nghèo đói. Ta không cãi ý Chúa được. Ta cần cầu nguyện để cho Chúa thương xót mà thay đổi hoàn cảnh cho ta. Có thể những hoàn cảnh khó khăn là những thử thách nên ta không nên than trời trách phận. Một số con chiên còn mang mặc cảm tội lỗi là mình đã làm gì khiến Chúa phật lòng nên Ngài mới đặt mình vào hoàn cảnh khổ sở.

Người Phật tử thì tin rằng định mệnh là nghiệp. Mình đang ở hoàn cảnh xấu là do mình tạo nghiệp xấu từ kiếp trước. Mình nên "trả nghiệp" bằng cách chịu đựng một thời gian thì nghiệp sẽ hết. Khi cái nghiệp xảy ra thì mình không thay đổi được. Nhiều người cũng không muốn thay đổi vì e rằng làm như thế nghiệp sẽ nặng hơn. Giống như thiếu nợ thì phải trả cho chủ nợ, cứ khất nợ hoài thì nó chồng chất, mình sẽ trả không nổi. Có nghĩa là mình muốn thoát hoàn cảnh này thì sợ gặp phải hoàn cảnh xấu hơn nữa, như tục ngữ có câu: chạy ông mồ mắc ông mả.

Những người tin hoàn toàn vào định mệnh thì sẽ rất thụ động. Nói đúng hơn họ sợ làm cái gì đó khác hơn để thay đổi hoàn cảnh, nên phải đứng yên cắn răng chịu đựng. Đó là những người rất lo âu trước cái vô định của cuộc sống nên thích tin vào một đường lối đã vạch định sẵn.

Quyền lựa chọn
Khi phân tích kỹ ta thấy rằng khoa chiêm tinh không có đưa ra một định mệnh không thể thay đổi. Con người có quyền chọn lựa ngày tháng tốt để bắt đầu công việc làm ăn quan trọng, chọn lựa chồng hay vợ hạp tuổi để tránh những mâu thuẫn về tánh tình. Ngoài ra dân gian có câu: cái đức thắng cái số. Nếu ta ăn ở hiền lành thì nếu gặp "năm tuổi" thì sự xui xẻo sẽ ít hơn. Ngày nay khoa học hiểu rằng mỗi người chúng ta đều có một nhịp điệu sinh hóa (bio rhythm) thay đổi theo sức hút các ngôi sao. Ở phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt có nhịp điệu sinh hóa thấy rõ. Khi ta bắt đầu công việc quan trọng vào thời điểm nhịp sinh hóa cao thì dễ thành công hơn. Tuy nhiên ảnh hưởng của nhịp sinh hóa không đáng kể so với ảnh hưởng của ý định (intention). Ngay khi ta ở giai đoạn nhịp sinh hóa cao mà có ý định xấu (tham lam, hờn giận) thì ý định sẽ làm biến đổi nhịp sinh hóa theo chiều xấu.

Đạo Ki tô cũng thế, đề cao sự chọn lựa và ý định tốt. Chúa Jesus không lên án người đàn bà ngoại tình bị dân làng muốn chọi đá cho chết, như người dân làng thường tin là định mệnh của những người đàn bà ngoại tình. Ngược lại Chúa khuyên dân làng hãy dừng lại và có những lời khuyên đề cao sự tha thứ. Chúa khuyên chúng ta nên có ý định tốt và chọn lựa sự tha thứ để thoát khỏi định mệnh an bài. Khi hiểu được ý nghĩa câu chuyện này thì ta thấy rõ rằng ta có quyền chọn lựa 2 con đường: con đường buộc tội và con đường tha thứ. Con đường buộc tội là con đường của định mệnh: ta buộc tội và bị người khác buộc tội lại. Con đường tha thứ là con đường của giải thoát.

Nghiệp trong Phật giáo cũng là một sự chọn lựa. Ta có quyền chọn lựa tạo dựng cơ sở của những nghiệp tốt, như cố gắng học hành để giúp ích xã hội. Ta có quyền chọn lựa nghiệp xấu như hút sách và rượu chè, như thế ta đạp phá những tiềm năng tốt. Thí dụ như uống rượu đến xơ gan làm sức khỏe suy tổn.. Thoạt đầu ta có sự tự do chọn lựa nhưng nếu ta chọn con đường rượu chè, xì ke ma túy thì dần dần khả năng chọn lựa của ta bị mất dần. Khi bị nghiện rồi thì ta hoàn toàn mất sự tự do chọn lựa và trở thành nô lệ cho những thói quen xấu này. Những căn bệnh hiểm nghèo kéo đến làm khả năng thay đổi cuộc sống càng khó hơn gắp ngàn lần.

Thế nào là nghiệp?
Nghiệp (karma) không có gì huyền bí hết, nghiệp là tác động của những động lực. Động lực đó có thể ở dạng thân, khẩu hay ý. Bất kỳ lực (force) nào cũng gây ra phản lực (counter force). Cái mục đích của lực và phản lực là để trở lại điểm yên tịnh ban đầu (initial stillness). Thí dụ như con lật đật, ta đẩy nó qua bên phải thì nó bật trở về bên trái. Cuối cùng là nó đứng yên một chỗ. Sự đứng yên một chỗ có thể coi là niết bàn hay thiên đàng vì nó tượng trưng cho trạng thái bình thản, không căng thẳng đau khổ.

Nói về cường độ của phản lực thì trên thế giới vật chất ta có: ý nghĩ yếu hơn lời nói, và lời nói yếu hơn hành động. Thí dụ phản ứng của ta trước lời phê bình mà ta không thích: ta chửi thầm người ta ghét (ý) hậu quả ít hơn là ta la lối chửi người đó trong buổi tiệc (khẩu). Hậu quả của lời chửi bới ít hơn là hậu quả ta nhảy lại đánh người đó bầm mình (thân).

Xã hội chỉ có hình phạt khi ta làm chấn thương người khác, còn tôn giáo thì muốn khuyên ta nên trị tận gốc nghiệp dữ bằng cách dừng suy nghĩ giận dữ lại. Khi ý khởi dậy thì nó tạo một tiềm năng hành động (potential of action) rồi. Thí dụ nói theo phàm tục, khi cái ý ghét đã khởi dậy rồi thì ta muốn chửi cho đã miệng. Chửi thầm thì ngủ không được.. Nhưng khi chửi bằng miệng mà bị đối phương chửi lại thì ta càng tức hơn. Nếu ta dằn không được đi đánh lộn đến bị thương tích hay bị bỏ tù, về nhà lại càng tức hơn nữa. Như thế mà ta cứ tạo nghiệp thân-khẩu-ý thành một chuỗi lực và phản lực (chain of action and reaction).

Sở dĩ chiến tranh trên thế giới xảy ra liên tục là vì con người không có đời sống tâm linh, dùng sự giết chóc để mong cầu trở về chỗ yên tịnh ban đầu. Người lính cảm tử quân Hồi giáo có cái ảo tưởng rằng khi giết chết kẻ thù ngoại đạo họ sẽ được sống trên thiên đàng, có nghĩa là trở về chỗ yên tịnh ban đầu. Đó là sự lầm lẫn vô cùng tai hại vì khi họ tạo một động lực căm thù thì sẽ để lại cái phản lực căm thù, như thế cứ lưu truyền mãi không ngừng trên thế gian từ thế hệ này qua thế hệ kia.

Tuy nhiên nghiệp lực, khác như dân gian nghĩ, là khi kiếp trước ta lỡ ăn trộm người nào đó 10 đồng thì kiếp này ta phải trả lại 10 đồng chẵn. Trên phương diện tâm linh, cái điểm yên tịnh ban đầu có được không phải khi ta trả lại 10 đồng mà khi ta nhận thức ta nên vui lòng bỏ qua khi bị người khác giựt tiền rồi thực hiện được điều đó. Khi đọc những thí dụ của nhà soi kiếp E. Cayce thì ta thấy rằng chỉ có sự vui lòng bỏ qua thì con người mới "trả" được cái nghiệp.

Nói một cách khác, sở dĩ ta mang cái nghiệp (bị phản lực/quả) vì ta không nhận thức được những đau khổ mà ta đã tạo ra cho người khác (lực đã tạo/nhân), nên cái nghiệp nó xảy ra khiến ta bị đau khổ để ta thông cảm nỗi khổ của người kia. Lúc có sự thông cảm thì lực và phản lực sẽ trung hòa với nhau. Nhưng nếu trong đau khổ, ta lại thù người đó thì sanh thêm cái nghiệp nữa, và như thế sẽ tạo ra cái vòng lẩn quẩn mà Phật gọi là bánh xe luân hồi.

Tha thứ là giải thoát khỏi định mệnh
Hiểu được lực nhân quả tương tác ở nội tâm thì ta mới hiểu được tại sao các vị lãnh tụ tôn giáo kêu gọi sự tha thứ. Nếu không có tha thứ thì không ai có thể trở về cái vị trí an lạc ban đầu được. Ý nghĩa cứu thế của Chúa Jesus là Ngài tự nguyện tha thứ những người hại Ngài, như một gương sáng giúp nhân loại vượt qua được sự vay trả đời đời của hận thù. Thù qua ghét lại có thể coi như là tội nguyên thủy của loài người. Tha thứ mới là phép mầu nhiệm thật sự. Phép mầu này ít ai nhận thấy được vì nó trong sáng trong sự khiêm nhượng tột bực chớ không phải là sự màu mè hào nhoáng của Superman hay điệp viên 007 làm được những điều phi thường.

Hiểu như thế Chúa cứu thế không đến với ta từ hành tinh khác mà Chúa sẽ hiện diện trong chính ta nếu ta thực hiện được sự tha thứ trong đời ta. Khi sống trong khiêm nhượng và tha thứ thì ta như con nhộng xé được cái vỏ của ngạo mạn để trở thành con bướm muôn màu. Ta không đợi đến khi chết mới được Chúa rước. Khi ra khỏi được cái vỏ của ngạo mạn thì ngay trong giây phút đó ta thấy Chúa hiện diện trong lòng ta.

Phật thì khuyên ta nên hỷ xả, có nghĩa là bỏ qua trong sự vui vẻ. Ở dưới biển, có một loài cua thích sống trong vỏ sò (hermit crab), khi cua lớn lên thì nó phải vui vẻ bỏ cái vỏ sò nhỏ để tìm cái lớn hơn chọn làm nhà. Hỷ xả cũng như thế, là từ bỏ sự nhỏ mọn để nhìn thấy sự rộng lượng. Hỷ xả là một phương pháp trị cái bịnh của ngã (cái tôi). Nếu ta cứ bám vào tiền tài, sắc đẹp, danh lợi thì cái lòng tham và sân của ta càng ngày càng lớn. Khi cảm thấy ta được càng nhiều (sở đắc) thì ngạo mạn càng tăng theo. Sự đời vô thường làm cho ta không bao giờ giữ được mãi mãi những gì mình muốn vì thế lòng tham ngày càng tăng trưởng. Khi có ai tước đoạt những gì ta đang được thì ta sanh lòng bực tức sân hận.

Tham và sân là nguyên nhân chính của lo âu. Tham có thể hiểu theo nghĩa rộng là muốn đem về cho ta vì sợ để lâu thì ta sẽ hết được phần lợi đó. Sân là sự bực bội khi gặp hoàn cảnh nghịch ý ta. Bề mặt bạo động của sân là chửi bới đánh lộn, còn mặt thụ động là "tự ái", hờn dỗi để bụng. Bụt dạy ta nên thấy cái vô thường của cuộc đời để lúc được thì không tham và lúc mất thì không sân. Ta phải tập hạnh hỷ xả thì mới phát triển từ bi được. Ta không thể nào thương được người mà ta không tha thứ!

Tại sao tôn giáo nào cũng khuyên con người bố thí? Ta có thể hiểu tham, sân, si trên lý thuyết nhưng chỉ có hành động thực hiện sự ban cho mới giúp ta nhận thức rõ những hạn chế của ta. Thí dụ như khi cho mà ta thấy còn quyến luyến vật ta muốn cho thì lúc đó mới chợt nhận ra mình còn lòng ham muốn. Khi bớt lòng ham muốn đem về cho mình rồi thì mình mới thông cảm kẻ khác được. Đây là cách bố thí nhận thức của người có căn cơ cao. Người căn cơ thấp thì áp dụng bố thí trao đổi chớ không phải bố thí nhận thức. Bố thí trao đổi là bố thí để được hưởng phước lộc. Ta cho để lấy lòng đấng nào đó mà ta thờ phụng. Ta bố thí để được Chúa hay Phật ban phước lành hay phù hộ. Chỉ có bố thí nhận thức mới giúp ta phát triển tâm linh được.

Thực tập tâm tĩnh lặng
Làm người ai cũng muốn thay đổi cuộc sống cho nó tốt đẹp hơn. Khi thay đổi không được hay không dám thay đổi thì ta đổ thừa cho số phận hay định mệnh. Hoàn cảnh rất khó thay đổi khi ta duy trì tập quán, thói quen cũ. Nếu ta bị tiểu đường mà không chịu bỏ cái sở thích ăn đồ béo ngọt (tham) thì bịnh làm sao mà hết được. Một số người thì mong có phép lạ để được cứu khỏi hoàn cảnh khổ. Có nghĩa là họ muốn ăn cho ngon miệng sau đó thì cầu xin phép lạ không bị tiểu đường. Nếu phép lạ không đến thì họ sẽ có hai phản ứng. Phản ứng thứ nhất là mất hết niềm tin ở một đấng nào đó mà họ tin tưởng. Thí dụ người công giáo mất niềm tin ở Chúa cứu thế, còn phật tử thì mất niềm tin nơi Phật Bà Quan Âm hay Phật A Di Đà. Phản ứng thứ hai là mang mặc cảm tự ti vì một số người nghĩ rằng họ bị tội nhiều quá hay nghiệp nặng quá nên không được cứu rỗi.

Nói về sân hận, khi ta không thay đổi ý mà ráng kềm chế miệng lưỡi hay thân thể thì mặc dù ta không tạo nghiệp dữ nhưng cảm thấy rất khổ sở, gò bó khó chịu. Khi ta nuôi dưỡng những suy nghĩ bực bội sân hận chắc không có phép lạ nào giúp cho ta an tâm để ngủ ngon được. Nói theo nhân quả, ta tạo một động lực nhân thì cái phản lực quả sẽ núp chờ đâu đó. Rồi sự căng thẳng nội tâm ngày càng tăng dần đến một lúc ta hết đè nén nổi và gây ra nghiệp qua lời nói hay hành động. Đó là lúc cái phản lực xảy ra ngoài thế giới vật chất để làm dịu bớt cái lực tư tưởng của sân hận đang bị đè nén. Tuy nhiên đa số không trở về được cái trạng thái yên tịnh an lạc ban đầu vì lý do dễ hiểu là khi ta chửi mắng người ta ghét thì có bao giờ họ chịu để cho ta yên thân đâu. Sớm muộn gì họ sẽ tìm cách trả đũa. Đó là cái vòng lẩn quẩn của nghiệp vay trả.

Tâm lý học cho ta thấy rõ sự lý luận và tranh luận không làm giảm được tham và sân. Khi lý luận ta hiểu được mọi chuyện nhưng những hiểu biết đó không có khả năng thăng hoa (sublimation) được tham và sân thành những tình cảm tốt đẹp hơn. Đôi khi tranh luận đúng sai nhiều còn tạo thêm sân nữa. Những nghiên cứu chụp hình não bộ cho ta thấy rằng khi lý luận ta chỉ xài vỏ não bộ (cortex) và không liên kết được với những miền sâu hơn trong não bộ, nơi tình cảm xuất phát. Hiện tượng này phân tâm học gọi là hợp lý hóa (rationalization). Khi ta dùng lăng kính hợp lý hóa trong cuộc sống thì dễ sanh ra thành kiến chia rẽ con người. Thí dụ ta nghĩ màu đen là màu của tội lỗi vì thế người da đen là kẻ xấu.

Chỉ có khi ta tập tâm tĩnh lặng thì ta mới có khả năng hiểu qua sự cân bằng của trí tuệ và tình cảm. Cái hiểu này toàn diện hơn là cái hiểu qua suy luận. Suy luận thường hay trừu tượng và chỉ giúp ta hiểu được một khía cạnh nhỏ của cuộc đời. Những bậc thánh nhân đều phải trải qua giai đoạn thực tập tâm tĩnh lặng rồi mới thấy được ánh sáng của chân lý. Chúa Jesus đã vào sa mạc để cầu nguyện trong tĩnh lặng. Chỉ khi Ngài cảm nhận được ánh sáng của Thượng Đế thì Ngài mới đủ can đảm chịu cái chết đau đớn trên thập tự. Đức Phật Thích Ca đã ngồi với tâm tĩnh lặng dưới cây bồ đề 49 ngày. Nhờ thế Ngài mới hiểu được ý đồ lừa bịp của ma vương Maya, chiến thắng ma vương và giác ngộ được chân lý. Có lẽ lúc Phật còn tại thế, người dân thời đó có nhiều mê tín trong việc tôn thờ nên Bụt gọi Ánh sáng chân lý là Phật tánh chớ không gọi là Thượng đế. Hiểu theo Phật giáo, Thượng đế không phải là Cha mà là Chân lý tối cao.

Hiểu bằng ý thức khi tâm tĩnh lặng rất khác với cái hiểu của suy nghĩ. Những nghiên cứu đo điện từ não bộ (EEG) cho thấy rằng khi tâm tĩnh lặng thì những làn sóng não thay đổi rõ rệt, từ dạng sóng (beta waves: 15- 45 Hz) trở thành dạng sóng (alpha waves: 8-12 Hz) và (theta waves: 3-7 Hz). Sóng thường thấy ở những người suy nghĩ lăng xăng, còn sóng và được thấy khi ta thư giãn. Sóng còn được gắn liền với khả năng sáng tạo. Hình fMRI scan cho thấy khi tâm tĩnh lặng, máu dồn về những vùng của não bộ tạo cảm giác thoải mái hạnh phúc và có sự liên kết hài hòa giữa vỏ não và những vùng sâu hơn của não. Nói một cách khác, tâm tĩnh lặng đồng bộ hóa (synchronize) nhiều vùng trong não bộ giúp ta liên kết được nhiều mạch thần kinh và nhờ đó mà mở rộng tầm nhận thức ra.

Tóm lại
Định mệnh có hay không là do ta. Khi ta biết tập những phương pháp mở rộng nhận thức tâm linh thì cái khả năng ta thay đổi cuộc đời rất cao. Nếu ngược lại ta thụ động đổ thừa cho số mạng hay ngồi đó chờ một phép lạ xảy ra thì lúc đó định mệnh có thật vì ta không tận dụng khả năng thay đổi cuộc sống của ta. Nói một cách khác, nếu ta tin có ma thì sẽ gặp ma, ta tin có Phật hay Chúa thì sẽ gặp những đấng mà ta tin.

Nếu có người ở trình độ thấp thì tin vào định mệnh cũng có cái lợi của nó là lòng tin đó giúp họ chấp nhận những biến cố xấu và trải qua những đau khổ cuộc đời dễ dàng hơn. Họ không than trời trách phận hay sanh lòng ganh ghét hoặc hận thù vì "đó là số mệnh của mình".

Tuy nhiên nếu ta có trình độ cao thì nên tập những phương pháp giúp tâm tĩnh lặng vì đó là phương pháp nhanh và gọn để "chuyển nghiệp" dẫn ta đến hạnh phúc ngay trong đời này. Phương pháp này cũng giúp ta hiểu các tôn giáo một cách sáng tạo chớ không kẹt vào chữ nghĩa văn tự nữa.

Bất kỳ độc giả ở tôn giáo nào, khi mỗi người trong chúng ta phát triển được ý thức tâm linh qua tâm tĩnh lặng thì ý thức này sẽ cộng hưởng với nhau. Rồi một ngày nào đó nó sẽ trở thành ý thức tâm linh cộng đồng (collective spiritual consciousness) làm xoay chuyển xã hội vật chất. Chúng tôi hy vọng sẽ có một ngày ý thức tâm linh cộng đồng sẽ phát triển đến độ mà con người sẽ nhận thức rằng những tôn giáo đều hướng về một con đường chung: đó là con đường tâm linh (spiritual way). Lúc đó con người sẽ sống hạnh phúc an bình ở một kỷ nguyên mới.


Mong rằng thế giới sớm đến một ngày mà mọi giáo chủ và mọi tín đồ tôn giáo đều nhìn về cùng một hướng, không còn sự cạnh tranh tâm linh nào nữa, bởi vì các tôn giáo đều cần thiết, như là những chiếc áo được đo cắt cho những kích cỡ và sở thích khác nhau, và tất cả đều phục vụ chung một mục đích. Khi đó, mọi người đều đến bên nhau bằng nụ cười chân thiện, và không ai phải gắng sức hô hào rằng cái của tôi là nhất.

XIN CHÚC MỌI ĐIỀU LÀNH
--

Blog Archive