Wednesday, April 27, 2022

Hài hước

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, người có óc hài hước là những người thông minh, tự tin và thành công trong cuộc sống. Họ giữ một thái độ tích cực, khi gặp phải khó khăn cũng dễ hóa dữ thành lành.

Những câu chuyện ý nghĩa dưới đây là minh chứng cho điều đó:

Trước khi ông Franklin D. Roosevelt trở thành Tổng thống thứ 32 của Hoa Kỳ, nhà ông bị trộm, bạn bè viết thư an ủi. Ông Roosevelt trả lời thư rằng:

Cảm ơn thư của các bạn, bây giờ tôi rất bình tĩnh, bởi vì:

Thứ nhất, trộm chỉ lấy đi tài sản của tôi chứ không đe dọa tính mạng tôi.

Thứ hai, trộm chỉ lấy đi một phần chứ không phải tất cả.

Thứ ba, điều đáng mừng nhất đó là: kẻ trộm là anh ta chứ không phải là tôi”.

Khi vừa nhậm chức không lâu, cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan có một lần bị ám sát, trúng đạn, viên đạn xuyên vào ngực ông. Trong lúc nước sôi lửa bỏng, ông lại nói với người vợ vừa chạy vội đến bên mình rằng: “Em yêu à, anh quên mất phải tránh đi”.

Trong một buổi diễn thuyết của cựu Thủ tướng Anh Harold Wilson, giữa chừng đột nhiên có một người gây rối lớn tiếng ngắt lời ông: “Rác rưởi!”. Tuy bị ngắt lời, nhưng ông Wilson lại nhanh trí bình tĩnh nói: “Anh gì đó, mong anh kiên nhẫn cho, tôi sắp nói đến vấn đề bảo vệ môi trường mà anh đề ra rồi” khiến cả hội trường đều vỗ tay khen ngợi phản ứng nhanh nhạy của ông.

Trong một buổi diễn thuyết công khai của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill, bên dưới khán đài có người ném lên một tờ giấy có viết hai chữ “Ngu ngốc!” . Ông Churchill biết rằng bên dưới có người phản đối ông đang đợi nhìn thấy ông bị bối rối, ông bèn ung dung nói với mọi người rằng: “Vừa rồi tôi nhận được một lá thư, tiếc là người viết chỉ nhớ ký tên mà quên viết nội dung”.

Trong một lần tướng Dwight D. Eisenhower tham dự một buổi tiệc có sắp xếp phần diễn thuyết, tổng cộng mời 5 vị khách quý đến góp lời, ông Eisenhower là vị cuối cùng lên sân khấu. Bốn vị trước đó mỗi người nói rất nhiều, đến lượt ông thì đã gần 10 giờ rồi.

Bên dưới khán đài đã không còn hứng thú nữa. Khi lên sân khấu, ông Eisenhower bèn nói: “Bất cứ một buổi diễn thuyết nào cũng đều có câu kết thúc, tối nay để tôi làm câu kết thúc của buổi diễn thuyết này là được” rồi cúi chào lui xuống. Bên dưới khán giả cười.

Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn rất thoải mái, tự do tự tại, hài hước thú vị khi giao tiếp với mọi người. Có một phóng viên hỏi ngài rằng: “Phật giáo có cách nói không ăn quá giờ Ngọ đúng không?”

Ngài nói: “Đúng vậy!”

Phóng viên lại hỏi: “Vậy đói bụng thì phải làm thế nào ạ?”.

Ngài trả lời: “Thì xuống bếp ăn vụng thôi!”.

Có một lần, nhà soạn kịch George Bernard Shaw - người Anh gốc Ireland đang đi dạo trên phố bị một chiếc xe đụng phải ngã xuống đất, may là không có gì đáng ngại. Người gây tai nạn vội vàng đỡ ông dậy và liên tục xin lỗi. Ông phủi bụi và nói: “Anh bạn không may rồi, nếu anh đụng chết tôi thì có thể nổi tiếng khắp thế giới rồi đấy”.

Nhà văn nổi tiếng Mỹ Mark Twain có một lần do không đồng tình với phương án nào đó được Quốc hội thông qua nên đã đăng một bài viết trên báo rằng: “Nhân viên quốc hội có một nửa là đồ khốn”. Sau khi tờ báo được bán ra, rất nhiều cuộc điện thoại phản đối gọi đến, các nhân viên Quốc hội cho rằng những lời này là không đúng, họ liên tục yêu cầu ông Mark Twain đính chính. Thế nên Mark Twain lại đăng một bài đính chính như sau: “Tôi sai rồi, các nhân viên Quốc hội có một nửa không phải là đồ khốn”.

Thiên tài phim câm Charlie Chaplin từng đụng độ một tên cướp có súng. Chaplin biết mình ở thế yếu nên không hề chống cự vô ích mà ngoan ngoãn giao nộp ví tiền.

Thế nhưng ông đề nghị với tên cướp rằng: “Số tiền này không phải là của tôi mà là của ông chủ tôi, bây giờ bị anh lấy đi rồi, ông chủ nhất định sẽ cho rằng tôi ăn chặn tiền công. Anh này, tôi và anh thương lượng thế này đi, nhờ anh bắn 2 phát lên nón của tôi để chứng minh là tôi bị cướp”.

Tên cướp đã nổ súng bắn hai phát lên trên nón của Chaplin. Chaplin lại xin hắn ta: “Anh gì ơi, anh có thể bắn thêm 2 viên đạn lên áo và 2 viên đạn lên quần được không để ông chủ tôi tin tôi hơn”.

Lúc Mahatma Gandhi theo học ngành luật tại Đại học London, có một giáo sư da trắng tên là Peter cực kỳ ghét ông. Một ngày nọ, giáo sư Peter đang ăn cơm ở nhà ăn, Gandhi đã bưng khay của mình ngồi xuống cùng bàn với giáo sư.

Vị giáo sư nói: “Anh Gandhi này, anh không biết rằng ‘một con lợn sẽ không ngồi ăn cùng một con chim’ ư?”

Gandhi nhìn giáo sư nọ rồi bình tĩnh trả lời: “Thầy không cần bực dọc ạ, tôi sẽ bay đi ngay” và ông sang bàn khác ngồi. Ông Peter tức giận đỏ mặt, quyết định trả thù.

Ngày hôm sau, ông hỏi trong giờ thi: “Anh Gandhi, nếu trong lúc đi trên phố anh phát hiện một cái bưu kiện, bên trong có một túi trí tuệ và một túi tiền thì anh sẽ lấy cái túi nào?”

Gandhi không hề do dự đáp rằng: “Đương nhiên là lấy túi tiền rồi ạ”.

Giáo sư Peter cười cợt nói: “Nếu là tôi thì tôi sẽ lấy cái túi trí tuệ”.

Gandhi nhún vai đáp: “Mỗi người đều nên lấy thứ mà họ không có!”

Giáo sư Peter hoàn toàn không thể đáp trả lại được nữa, trong cơn thịnh nộ, ông ấy viết hai chữ “ngu ngốc” lên bài thi của Gandhi rồi trả về.

Vài phút sau, Gandhi đi về phía giáo sư và nói rất lịch sự: “Thưa thầy Peter, thầy ký tên lên bài thi của tôi, nhưng lại không chấm điểm cho tôi”.

*****
Học cách hài hước thì mới có thể “lạc quan với mọi việc, mỉm cười nhìn cuộc đời”

Bậc thầy hài hước Lâm Ngữ Đường từng dạy tiếng Anh tại một trường đại học. Ngày đầu tiên lên lớp, ông xách một chiếc cặp da lớn đi vào lớp, học sinh đều nghĩ là sách. Khi ông mở ra thì chỉ toàn là hạt đậu phộng (hạt lạc), rồi ông dạy cách ăn đậu phộng bằng tiếng Anh. Ông nói: “Ăn đậu phộng phải ăn loại có vỏ, tất cả mùi vị đều nằm ở việc bóc vỏ, vỏ càng khó bóc thì càng ngon”.

Ông nói thêm: “Đậu phộng còn có tên là quả trường sinh, ngày đầu lên lớp tôi mời các vị ăn quả trường sinh, chúc các vị trường sinh bất lão, sau này tôi không điểm danh, nhưng mong mọi người ăn quả trường sinh rồi thì mạng sống cũng kéo dài hơn, đừng trốn học”. Ông nói xong, cả phòng bật cười.

Từ đó mỗi khi ông giảng bài, giảng đường luôn kín chỗ ngồi. Học cách hài hước thì mới có thể “lạc quan với mọi việc, mỉm cười nhìn cuộc đời”

Hài hước hoàn toàn không phải là giỏi ăn nói, mà là có thái độ sống vui vẻ, trưởng thành, hiểu rõ được điều này có nghĩa là nắm bắt được kết tinh của trí tuệ, có được cội nguồn của niềm vui.

(ST net)
Món ăn Mỹ nổi tiếng thế giới : SPAM

Từ ‘ thực phẩm đóng hộp quân đội Mỹ’ thành món ‘dân ưa thích’
Nước Mỹ mới chỉ có lịch sử lập quốc trên 200 năm, Văn hóa Mỹ còn đang trên đường hình thành nhưng ‘nghệ thuật ăn uống’ lại vượt nhanh để có những món ăn chinh phục thế giới:

Hamburger chiến thắng các món ăn ‘tinh tế’ cao cấp của Cường quốc mà việc ăn uống’ được xem là tiêu chuẩn của giới ‘biết ăn (?) ngon (connoisseur) ..’à la parisienne’ ngay tại Paris ..

Hotdog, cái tên kỳ lạ, của món ăn hè phố, góc chợ, ngày lễ hội hầu như khắp nơi trên thế giới..

Trần Minh Quân xin gửi đến quý vị một món ăn đặc biệt hơn, bạn thân thiết của các chiến binh trong các cuộc chiến Triều Tiên và Việt Nam : thịt hộp SPAM.
.
Hộp SPAM

Các cựu quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chắc chắn không thể quên những thực phẩm đóng hộp mang theo trong các cuộc hành quân, như các khẩu phần ‘ration C’ do Quân đội Hoa Kỳ cung cấp..

Trần Minh Quân còn nhớ phần ‘thực phẩm phụ trội’ hàng tháng được phát kèm tiền lương, mỗi tháng khi còn theo học tại một Quân Trường trên đường Tô Hiến Thành cạnh Quân Y Viện Trần Ngọc Minh, gần Chợ Cá Trần Quốc Toản..

Phần ‘thực phẩm ‘ phụ trội gồm những thùng đồ hộp thịt heo, thịt gà tây.. và món thịt heo nghiền trộn jambon.. (luncheon meat)..trái cây hộp.
Quân lương thời VNCH

SPAM là gì?
Wikipedia định nghĩa Spam là thương hiệu của một loại thịt heo đóng hộp do Công ty Thực phẩm Mỹ Hormel Foods Corporation sản xuất. Mặt hàng được đưa ra thị trường vào năm 1937 và sau đó trở thành rất thông dụng trong suốt Đệ II Thế chiến. Đến 2003, SPAM đã được bán tại 43 quốc gia, khắp sáu lục địa và nhãn hiệu được cầu chứng tại trên 100 quốc gia.

Thành phần chính, lúc ban đầu, gồm thịt heo (phần vai), jambon trộn với muối, nước, bột khoai tây (dùng làm chất kết dính), đường và sodium nitrite (chất bảo quản) tất cả được nghiền và trộn thành khối vừa mềm nhão, không cứng,được vào hộp thiếc và nấu chín. Chất gelatin được tạo ra trong quá trình hấp chín. Spam có phần tương tự như pa-tê thịt heo của Pháp, Canada., khối thịt được đóng trong hộp thiếc hình chữ nhật, bốn góc uốn cong, ghi là 12-ounce can.

Giới tiêu thụ quan ngại về thành phẩm có nhiều chất béo, sodium và cả về chất bảo quản..

Vài điểm về lịch sử
Theo “The Oxford Encyclopedia of Food and Drink in America” (Vol. 2 trang 491): Spam được Công ty Hormel đưa ra thị trường ngày 5 tháng 7 năm 1937, nhằm tăng số bán cho phần vai của thịt heo đang ế. Công ty tổ chức một cuộc thi nội bộ đặt tên cho sản phẩm, tên được chọn là SPAM, có thể do ‘spiced ham’ thu ngắn lại.. và người đoạt giải 100 đô cho tên này là Ken Daigneau..

Việc cung cấp thịt tươi đến các đơn vị quân đội Mỹ tham chiến trong Chiến Tranh Thế giới II đã khiến SPAM trở thành rất thông dụng và quen thuộc cho giới quân nhân đến mức có nhiều tên lóng như “Special Army meat”. Trên 68 ngàn tấn (150 triệu lbs) SPAM đã được Quân đội Mỹ đặt mua trước khi Thế chiến chấm dứt..

Trong Thế chiến và việc chiếm đóng sau đó, SPAM đã được đưa đến Guam, Hawaii, Okinawa, Philippines và các đảo trong Thái bình dương, món thịt hộp này được dân địa phương đón nhận và sau đó thành món ăn pha trộn luôn vào văn hóa ẩm-thực địa phương..

Cũng do kết quả của việc được dùng làm lương thực thời chiến cùng thỏa hiệp Lend-lease Act, SPAM được bán sang Anh và tại đây SPAM trở thành ‘món ngon thời chiến tranh’ (wartime delicacies)!. Thịt hộp xuất cảng sang Anh, Hormel gia tăng sản xuất, dùng như thực phẩm viện trợ cho các nước Đồng minh của Mỹ trong Thế chiến nên đến cả Liên bang Nga (Nikita Kroutchev ghi trong Hồi Ký : “ Nga đã mất hết các phần đất nông nghiệp và nếu không có SPAM, chúng ta khó nuôi nổi quân sĩ Soviet đang chiến đấu!). SPAM trở thành thực phẩm Hoa Kỳ viện trợ cho các quốc gia Châu Âu như Anh, Ý.. bị tàn phá trong Thế chiến 2.

Đến 1959, hộp SPAM thứ 1 tỷ đã được xuất xưởng ; và hộp thứ 7 tỷ được bán năm 2007 ; hộp thứ 8 tỷ bán ra năm 2012.
Spam nguyên thủy..

Văn hóa SPAM
Hoa kỳ :
Ngay trong nội địa Hoa Kỳ, SPAM có những lợi điểm là dễ mua, rẻ tiền, tiện dụng và để chế biến như cắt thành khoanh chiên, hấp, đút lò; hộp thịt tồn trữ được lâu, không cần đến tủ lạnh. Các thống kê của những năm 1990s ghi nhận: “tại Mỹ, tính theo đầu người, mỗi giây người Mỹ ăn 3.8 hộp SPAM ” , tính thành ăn mỗi năm gần 122 triệu hộp”. SPAM trở thành một phần trong thực đơn của 30% gia đình Mỹ, tùy theo từng vùng trong Nước, và luôn đi cùng với sư khó khăn kiếm sống vì món thịt hộp quá rẻ này.
Bàn ăn người Mỹ khi .. khó khăn

Các hộp SPAM bán tại nội địa Mỹ, Bắc và Nam Mỹ, Úc.. được sản xuất tại hai nơi: Austin (Minnesota), Thành phố này mang tên “SPAM Town USA” và taị Dubuque (Iowa). Austin còn có một Viện Bảo tàng về SPAM, trưng bày lịch sử Công ty Hormel và rất nhiều kỷ vật liên hệ đến Spam tại Mỹ và cả thế giới.
Spam Museum

Tại Austin, Minnesota có một Nhà hàng có nguyên một thực đơn riêng về SPAM có tên “Johnny’s SPAMarama Menu’.

Puerto Rico (đất hải ngoại của Mỹ) có món Sandwich de Mezcla gồm Spam, phomai Velveeta và pimentos.. kẹp giữa 2 miếng sandwich vuông.

Guam, trung bình tiêu thụ tính theo đầu người: 16 hộp Spam/ năm, bán tại các nhà hàng fast-food kể cả McDonald và cũng có Cuộc thi sáng kiến làm món ăn với Spam, gọi là Spam Game, mỗi năm.. các giám khảo bầu chọn ra ‘món Spam ngon vô địch’ .

Với Quân đội Hoa Kỳ, Spam có nhiều liên hệ mật thiết: Spam không chỉ là khẩu phần khi chiến đấu mà khi cần còn dùng làm mỡ lau súng, thoa giày chống ngấm nước.. rất phổ biến đến người Mỹ còn có khi được gọi là Uncle Spam, trong hạm đội Mỹ đi giải phóng Âu châu, Spam thành “Spam fleet”. Tổ chức nâng cao tinh thần cho Quân Mỹ chiến đấu xa nhà: USO (United Service Organisations) có các chuyến lưu diễn mang tên “Spam Circuit”..(USO cũng đến Nam Việt Nam nhiều chuyến yểm trợ..)

Hawaii
Ngoài nội địa Mỹ, Hawaii là nơi tiêu thụ số lượng Spam cao nhất thế giới : 7 triệu Spam mỗi năm. Sự có mặt đông đảo của Quân đội Mỹ chiếm đóng đảo, cùng hộp thịt quân lương trong Thế chiến đã tạo ra một văn hóa ‘ăn uống’ rất đặc biệt (Hawaii chỉ trở thành một Tiểu bang của USA vào 1959), Spam thông dụng đến mức : trong nhà luôn có spam vì có Spam là có.. đồ ăn, món thịt sẵn sàng.

Nhận định về Spam tại Hawaii rất khác với nội địa Mỹ :

Dân Hawaii có tên lóng riêng cho Spam là Portagee Steak, Hawaiian Steak? có rất nhiều món Spam lạ, chỉ có tại Hawaii, Saipan mà không tìm thấy được trong nội địa như Honey Spam, Spam with Bacon; Hot and Spicy Spam..

Spam musubi (Spam-sushi). khoanh Spam nướng, bọc phiến mỏng rong biển để trên cơm trắng là món ‘phổ biến’ truyền thống như baguette jambon tại Pháp, xôi tại Việt Nam..
Cơm Spam, Trứng ốp la

Điểm thú vị hơn nữa là Spam musubi do Mitsuko Kaneshiro ‘sáng chế’ và bán tại một Nhà Thuốc Tây ở Honolulu vào đầu thập niên 1980s và ngày nay bán khắp các đảo của Tiểu bang.. tại 7-Eleven, Siêu thị và cả các chuỗi Fast-Food như McDonald (Spam, Eggs & Rice Breakfast Platter); Burger King, từ 2007, cũng bán các món có Spam để cạnh tranh cùng McDonald.

Waikiki Spam Jam là Lễ hội hàng năm tổ chức tại đảo Oahu, vào đầu mùa Xuân (tuần cuối của tháng Tư) : các Nhà hàng trên đảo thi đua với các món Spam ..mới sáng tạo bán tại Hội chợ Kalakana Avenue, Waikiki..

Hàn- Nhật và Philippines
Nam Hàn là quốc gia Nam Á tiêu thụ Spam rất nhiều trong thời gian Chiến tranh Triều tiên. Spam thông dụng đến mức thành món ăn truyền thống Nam Hàn Spam kimbap (cơm Spam, rau và rong biển), vì trong thời chiến cá tương đối hiếm và ngay cả kim chi cũng thiếu hụt nên Spam được cuộn trong cơm pha nếp, cùng vài miếng kimchi, dưa leo, cuộn trong phiến rong biển mỏng. Spam cũng là món hàng lính Mỹ trao đổi cùng dân địa phương trong nhiều dịch vụ kể cả ‘mua’ tin tình báo.

Cũng tại Nam Hàn, Spam (tên Hàn là seupaem) do Công ty CJ CheilJedang sản xuất nhượng quyền của Hormel và là thương hiệu rất quen thuộc với dân Nam Hàn. Năm 2004 Nam Hàn là một trong những quốc gia ‘ăn’ Spam nhiều chỉ thua Mỹ.
Spam Nam Hàn

Spam là thành phần chính trong món budae jjigae (thịt hầm kiểu lính Mỹ), món Spam hầm bà lằng, chế biến từ thời chiến tranh ..

Người Hàn xem Spam như một món ‘tuyệt vời’ mặn và béo, phù hợp cùng các món cơm ăn cùng kim chi.

Vài món Spam tại Hàn quốc như
Spam Nayo Deopbap : một chén cơm trắng có miếng Spam chiên, trứng đánh rồi chiên (brouillé), hành tây chiên (sautée) và sốt mayonnaise.
KKochi-jeon : món trẻ em rất thích : Spam xỏ que (brochette) và nướng..
Spam Gamja Jjigae : Soupe có Spam, khoai tây và.. ớt cay.
Ramyeon : Spam ăn với mì ramen..

Trong các dịp Lễ Gia đình truyền thống như Chuseok (Mừng Thu) hay Seollal, người Hàn có phong tục tặng những món quà có thể tồn trữ lâu dài cho các gia đình đông người và Spam là món hàng thực tế và quý giá để tặng nhau : Giá trị của gói quà Spam (9-10 hộp) trung bình khoảng 26 USD, và sang hơn là gói 35 USD.

Năm 2019, theo báo The Korean Herald: số hộp Spam bán tại Nam Hàn lên đến 1.2 tỷ hộp, loại 200g, tính ra theo đầu người mỗi người Hàn ăn đến 24 hộp/năm.

Tại Nhật, Spam là món truyền thống ở Okinawa, ăn trong món onigiri cùng trứng ; và trong món riêng của Okinawa : goya-chanpuru. (mướp đắng xào cùng Spam , thêm vài loại rau phụ) Chuỗi cửa hàng fast-food Jef tại Nhật có bán Spam burger.. 2014, Burger King Nhật đưa ra “Spam & Cheese Burger”.. Tuy nhiên từ 2011, việc tiêu thụ Spam tại Nhật đi xuống nên Hormel chuyển sang khai thác thị trường Tàu..

Philippines, cũng như tại Nam Hàn, Spam đã trở thành một ‘biểu tượng văn hóa ẩm thực Phi, có phần. vượt cả Mỹ (Phi từng là một thuộc địa của Mỹ). Spam đến Phi cùng quân đội Mỹ thời Chiến tranh, và thường ăn kiểu chiên với cơm chiên tỏi, thêm quả trứng ốp-la trong các bữa sáng.. Spam được chế biến đủ kiểu từ chiên, kẹp sandwich..Spam burgers, Spam spaghetti, Spam nuggets..

Spamsilog là món điểm tâm : Spam ăn với cơm chiên (sinangag) và trứng chiên (itlog)

Spam thông dụng đến mức thành món quà biếu-tặng nhau (như Nam Hàn), món ăn của giới trung lưu: Tại Phi hiện có đến 10 loại Spam khác nhau (do Công Ty Phi :Purefood – Hormel sản xuất), mỗi năm đến 1.2 triệu kilogram thịt.. Món đặc biệt Tocino flavor Spam (Spam thêm đường và annatto) được kiều bào Phi xa quê rất ưa chuộng.

Các nơi khác?
Công ty Hormel khai thác thị trường nội địa Tàu theo một hướng đi khác Spam, tiếng Hoa là Shibàng (pinyin) được quảng bá như một món thịt heo ngoại nhập, giá trị cao (premium), công thức được thay đổi cho hợp với khẩu vị người Tàu. Các thành phẩm ‘kiểu-Spam’ cũng được các công ty chế biến thực phẩm Tàu làm’ nhái ‘ theo dưới tên luncheon meat (wucànrou )
Spam Tàu

HongKong: Sau Thế chiến 2, thịt cũng khan hiếm và đắt đỏ, nên Spam trở thành món hàng thay thế tiện dụng và rẻ tiền hơn; Spam được đưa vào các món ăn thường ngày như macaroni – trứng chiên; cháo gà thêm spam và mì-spam..

Tại Việt Nam, trước 1975, Spam cũng theo quân đội Hoa Kỳ đến Việt Nam Cộng Hòa. Spam (hàng hiệu) bán tại các Cửa hàng Quân đội PX, và các dạng thịt heo, gà, gà tây nghiền và đóng hộp là những thực phẩm chiến trường, nổi tiếng nhất là Ration-C. Các chiến sĩ QLVNCH cũng được cung cấp các quân lương này khi chiến đấu. Nhóm M trong các Ration C, B là nhóm ‘thịt’=meat’ bao gồm cả heo nghiền hay luncheon meat.

Spam trở lại Việt Nam vào thời kỳ ‘mở cửa, cởi trói’ và hiện có mặt trên thị trường Việt Nam, đa dạng từ Spam (hàng hiệu), đến các loại ‘luncheon meat’ của Tàu (Cangzhou, Maling, Gulong..), Đài Loan.. có Spam làm tại Việt Nam, làm tại Nam Hàn (Spam-Lotte) và dĩ nhiên cũng có made in USA tùy người tiêu thụ chọn lựa.

Việt Nam cũng có bán ‘Thịt heo nghiền đóng hộp” nhập từ Nga của Glavproduct.. một ‘biến thể’ của.. spam!

Âu châu:

Anh
Sau Thế chiến, Công ty New Forges Food được nhượng quyền sản xuất Spam tại nhà máy Gateacre, Liverpool, sau đó đến 1998 việc sản xuất Spam được nhượng tiếp cho Danish Crown Group. Người Anh dùng Spam trong nhiều món ăn như Spam Yorkshire Breakfast; Spamish Omelette; Spam Hash.. Spam còn xắt khoanh, lăn bột và chiên thành Spam fritters.

Pháp :
Tại Pháp, Spam (paté de porc en conserve) gần như.. không ai biết! Nhãn hiệu không quảng cáo rộng, hơn nữa giới tiêu thụ Pháp không chuộng thịt hộp và lại là đồ hộp ‘anglo-saxon’, muốn mua Spam phải tìm tại các hiệu thực phẩm riêng (!) . Nhưng muốn ăn ‘loại này’ thì chỉ có cách tìm : “Délice de jambon” của Công ty Tulip, xếp vào loại: Préparation à base de jambon haché.


.
Delice de Jambon của Tulip

SPAM: Dinh dưỡng và Sức khỏe?
Về phương diện dinh dưỡng, do có nhiều ‘loại’ Spam biến đổi khác nhau. Nên chĩ ghi thành phần của Spam classic.

Thành phần chính thức : Thịt heo nghiền(89%), Bột khoai, Nước, ham = jambon (2%); muối; đường; chất ổn định (Triphosphates), Chất tạo vị, Chất chống oxy-hóa (Sodium ascorbate), Chất bảo quản (Sodium nitrite).

Hộp Spam tiêu chuẩn 12 oz (340 gram)

100 gram thịt cung cấp 310 calories; chứa 13g chất đạm; 27g chất béo (trong đó 10g chất béo bão hòa); 3g carbohydrate; 1369 mg sodium; 70 mg cholesterol; một số vitamin; khoáng chất gồm calcium, sắt, magnesium..

Các chuyên viên dinh dưỡng xếp ‘thịt đóng hộp’ (kể cả Spam) vào loại thực phẩm không ‘thích hợp’ cho sức khỏe? :

Thịt hộp thuộc loại ‘chế biến’ (processed) (như hotdog, salami, bacon..) có liên quan không tốt đến các bệnh về tim-mạch, tiểu đường và nhất là ung thư ruột già, bao tử..

Spam có Sodium nitrite, một phụ gia cho thực phẩm, dùng ngăn chặn các vi khuẩn và tăng khẩu vị cùng dạng thức của thành phẩm. Khi dùng nhiệt cao để đun nấu, cùng sự hiện diện của các acid amin, nitrites có thể chuyển sang nitrosamine, một chất nguy hại cho sức khỏe. Có trên 60 cuộc nghiên cứu đã ghi nhận sự liên quan của nitrosamine và nguy cơ cao bị ung thư ruột và tiểu đường.

Spam chứa lượng Sodium khá cao, các bệnh nhân huyết áp cao cần thận trọng. Các nghiên cứu trên 280 ngàn người ghi nhận ăn khẩu phần cao muối có thể gây tác hại về huyết áp và rối loạn bao tử..

Chất béo cao trong Spam (56 gram chứa đến 15g chất béo; Spam cung cấp nhiều calories nhưng lại ít chất dinh dưỡng (protein) hơn (so với thịt gà).

Lợi điểm của Spam là tồn trữ được rất lâu và có thể dùng làm thực phẩm khẩn cấp, cứu trợ các nơi bị thiên tai, dịch bệnh; có thể ăn trực tiếp không cần đun nấu lại..

Các biến tấu.. và ‘hàng nhái’
Spam được cải biến rất nhiều qua thời gian và còn thay đổi để thích ứng cùng khẩu vị người địa phương “khó tính? : có nhiều nhãn mới như Spamburger (1992); Spam Life- giảm 50 % chất béo (1995); Spam Hot & Spicy (2000); Turkey Spam (2000) Spam with Bacon (2004); Spam Teriyaki và Spam Jalapeno~ (2012).. Spam Spread để quết như pa-tê.

Loại thịt heo nghiền đóng hộp được ‘làm theo’ kiểu Spam (hộp khối chữ nhật.. giống như hộp Spam ) được làm khắp nơi, đủ tên, đủ nhãn..
Spam.. nhái !

Trần Minh Quân 4/2022
Tám tào lao 

Anh Tám hồi xưa học trường Ðại học Sư phạm ban Việt Hán. Nói nào ngay kinh nghiệm cho tui biết mấy tay học ban văn chương thường hơi bị tửng tửng, cực đoan. Có lần anh Tám làm đơn đòi đổi tên ban Việt Hán thành ban Quốc Văn. Không có Hán (không ‘G’) gì hết ráo. Hổng nghe mấy thầy trả lời, trả vốn gì! Trong lớp, mấy em học chung bèn đặt cho anh Tám cái biệt danh là ‘Tám tào lao’, cháu đích tôn của ‘Tào Tháo’.

Ra trường, thầy Tám dạy môn Việt văn cho lớp 10 và 11. Ðược chỉ có một niên khóa là Miền Nam sập tiệm.

Ngày 30 tháng Tư, cách đây 47 năm, Cộng Sản Bắc Việt chiếm được một Sài Gòn trù phú. Cái đám văn nghệ sĩ của Ðảng chuyên xúi thiên hạ vào chỗ chết, quen thói láu cá vặt ăn cỗ đi trước lội nước theo sau lò mò vô Sài Gòn. Vào trễ hơn đám khác nên chiến lợi phẩm bị đám bộ đội ‘vào, vơ, vét, vọt’ khuân hết ráo rồi còn đâu? Cái đám nầy bèn giành nhau các vị trí chủ chốt trong ngành văn hóa để kiếm ăn vì cái đám VC trong Nam không biết chữ!

Ðược lưu dụng, thầy Tám phải đi học tập chánh trị ba tháng hè. Sách giáo khoa cũ phản động phải bỏ. Phải dạy sách giáo khoa mới của chánh quyền cách mạng. Nên đêm hôm trước, thầy Tám dở sách ra học; sáng hôm sau vô lớp, thầy trả bài cho trò. Dĩ nhiên là có cái thầy Tám chưa thông, giảng bài chưa được trơn tru như cái máy hát; nên học trò nó không có phục. Sau lưng, tụi nó xầm xì: hồi trước thầy Tám dạy thiệt. Sau nầy thầy Tám dạy dóc không hè!

Một hôm, có em học trò ngoài Bắc mới vào, hỏi: “Phim truyện tối qua trên truyền hình là do bố em viết kịch bản thầy xem có hay không? Thầy Tám trả lời: “Nên nói với bố em nhơn vật người Nam phải nói tiếng Nam. Về danh từ, người Nam nói: ‘xe hơi’ chớ không nói ‘ô tô’. “Ðèn cầy” chớ không nói ‘nến’. Về đại danh từ, ‘con nhỏ’ chớ không nói ‘cô bé’; ‘ổng, bả, cổ, ảnh’ chớ không nói ‘ông ấy, bà ấy, cô ấy, anh ấy’. Ðộng từ, ‘ăn hiếp’ chớ không nói ‘bắt nạt’. Tính từ ‘mắc cười’ chớ không nói ‘buồn cười’, ‘mắc dịch’ chớ không nói ‘chết tiệt’. Và liên từ ‘vậy thì’ chớ không nói ‘thế thì’.

Ðâu chừng tuần lễ sau, Trưởng phòng Giáo dục, là một tay ‘Ba ke 75’ kêu thầy Tám lên cho thôi việc. Lý do không đủ tiêu chuẩn để được tuyển dụng. Thầy Tám quạu quá, chửi thề: “Mẹ bà nó! Tiêu chuẩn gì? Sao bố con tụi nó không chịu ra chợ chim Huỳnh Thúc Kháng rinh về một con két?”

Tui mất dấu thầy Tám từ độ ấy. Qua Melbourne, hai chục năm sau, bất ngờ tui gặp lại người xưa. Hồi trong nước, thầy Tám dạy con tui. Qua Úc, thầy Tám dạy cháu Nội tui tại trường Việt ngữ vào ngày thứ Bảy.

Nói nào ngay, tui cũng biết đọc, biết viết, biết nghe, biết hiểu chút đỉnh nên thầy Tám hay kêu tui lại nhà nhậu để nghe thẩy tào lao về bài thầy mới viết xong. Coi tui có nói vô, nói ra gì không? Nói bậy thì thầy rầy. Nói phải thầy nghe rồi sửa lại. Thầy gởi báo đăng, kiếm tiền nhuận bút đãi tui nhậu chơi. Thiệt là quá đã!

Tuần rồi, thầy Tám tào lao nói: VC làm hư tiếng Việt mình hết ráo, rồi thầy chuyển qua ‘iPhone’ của tui một bài viết mới ra lò như vầy nè:

“Tản văn ‘Xa Ðầm Thị Tường’ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có quá nhiều chữ ‘Bắc Kỳ lai 75’:

Trời ơi, giữa trưa mà ăn cơm nguội với mắm thì còn gì bằng, ăn đã dữ lắm. Mắm thì làm hai món: nấu ninh lược nước làm lẩu, ăn với cá rô, cá phổi, khổ qua, rau thì có rau đắng đất, cải xanh… mắm chua thì ăn sống. Mắm cá nâu, cá bống nhỏ tẳn mẳn để nguyên con, trộn gừng, đường cát, vắt tí chanh. Gắp một con mắm cặp với chuối chát, khế xắt lát mỏng dính mà ăn, (chắc lưỡi), nó ngon hổng biết làm sao mà nói.

Chuyện cá tôm nhiều vô kể quanh năm, chuyện một chiếc xuồng con với vài tay lưới có thể nuôi cả nhà đã quá xa vời. Chuyện xuồng đi tới đâu, đàn cá nược đuổi theo đến đấy…”

Ðọc xong bài nầy, tui vốn là dân nhiều chuyện, Tám tào lao, lại gặp lúc huỡn quá vì không có ai kêu tui đó; nên tui xin có ý kiến, ý cò như vầy nè:“Bà con mình chắc ai cũng biết nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sanh năm 1976, tuổi Bính Thìn tức tuổi con Rồng. Con Rồng nầy bay lượn từ khi cô Tư (lại đoán mò nữa chắc cổ thứ Tư) cầm bút viết từ đầu thế kỷ 21 tức năm 2000.

Nguyễn Ngọc Tư là hội viên Hội Nhà văn tuốt ngoài Hà Nội. Nên mỗi lần đi họp, bàn chuyện văn chương xa quá, chắc cô Tư mỏi cẳng lắm. Rồi ra tới ngoải, chắc cũng có cự cãi lôi thôi về truyện vừa: ‘Cánh đồng bất tận’ nổi tiếng nhứt của cô Tư hồi đó đã bị mấy quan anh (Huyện Trìa bắt Thị Hến) kiểm điểm lên, kiểm điểm xuống.

(Viết truyện là đặt dóc. Ðâu phải viết hồi ký hay biên khảo đâu mà đòi phải viết cho chính xác? Tác giả đặt chuyện mà mình nghi nó viết xỏ xiên đảng ta thì mình viết bài phê bình cự lại! Làm như vậy mới là người có ăn, có học phải không nè? Còn ỷ quyền dù cái quyền đó chẳng là cái khỉ mẹ gì để hiếp đáp một nhà văn còn trẻ lại đẹp nữa thì đâu có được nè?!

Vì có máu Lục Vân Tiên trong người, nên: “Nghe đây bớ đảng hung đồ! Chớ quen làm thói hồ đồ hại em (Tư)” “Ê mấy thằng cường hào ác bá ở cái đất Cà Mau nầy, trong bụng tụi bây muốn ‘o ép’ cô Tư cái gì hả ?

Tóm lại, tui thấy ai bị ăn hiếp, mà lại đẹp cỡ Kiều Nguyệt Nga như ‘Tư Ðầm Dơi’ là tui nhào vô binh hè!

Trời không hại người ngay mà! Như cái tuổi con Rồng của mình, cô Tư bay cao, nổi tiếng tợn nhe! Báo chí quốc doanh của nhà nước như một dàn đồng ca, nó ca tụng văn của Nguyễn Ngọc Tư lên tới chín từng mây. (Văn Nguyễn Ngọc Tư là đặc sản Nam Bộ? Văn đâu phải đồ ăn nhậu đâu mà cái nào cũng đặc sản hết vậy mấy cha?)

Nhưng cũng có ông không biết có cà nanh, ganh tị gì hay không mà lại càm ràm là văn của cô Tư càng ngày chữ dùng Bắc Kỳ lai 75 nhiều quá. Rồi ông dẫn ra nhiều chữ trong văn cô Tư, người Cà Mau không nói mà chỉ có người ngoài ngoải mới nói thôi.

Tui đọc xong rồi bỏ qua; vì tui nghĩ không ai đánh một người phụ nữ dù chỉ bằng một cành hoa. Nghĩa là tui trong bụng vẫn còn binh cô Tư dữ lắm nhe.

Nhưng hỡi ơi khi đọc cái cảm xúc ngắn ngủn ‘Xa Ðầm Thị Tường’ của cô Tư thì tui phải đau lòng công nhận là thằng cha này càm ràm đúng chớ hổng có sai đâu!

Cô Tư nhắc chuyện ‘ăn mắm’ hồi xưa mà kêu bằng ‘lẩu mắm’ ư? Nồi mắm kho cô Tư ơi! Cô Tư viết: ‘nấu ninh’? Tui chỉ nghe nấu cho tới khi xác mắm nó rục, nó rả ra. ‘Ninh’ tiếng cô Tư xài, là tiếng ở ngoải. Cô Tư viết ‘vắt tí chanh’? Dà tụi tui nói ‘nặn chút chanh’. ‘Vắt tí chanh’, tiếng cô Tư, xài là tiếng ở ngoải. Cô Tư viết ‘chiếc xuồng con’ làm tui nhớ tới bài hát ‘Mặt trời bé con’ của một ông lật đít nồi lên, đánh beng beng và nói là tớ chơi nhạc ‘rock’. ‘Chiếc xuồng con’, tiếng cô Tư xài, là tiếng ở ngoải. Cô Tư viết ‘đàn cá nược đuổi theo đến đấy’. Dà tụi tui nói ‘rượt theo’ không hè. Ðuổi theo, tiếng cô Tư xài, là tiếng ở ngoải.

Cuối cùng tui xin ‘chôm’ hai câu thơ lục bát của Nguyễn Bính để nói về cách dùng chữ của cô Tư bây giờ là: “Hôm qua em đi tỉnh về! Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”.

Thưa cô Tư cũng chỉ vì yêu mến lời văn rặt miền Tây sông nước Cà Mau của Nguyễn Ngọc Tư hồi năm nẳm, nên tui mới dám mạo muội phê bình bậy bạ là chữ của cô Tư ngày càng bị ‘Bắc Kỳ lai 75’ nhiều quá xá.

Xin cô Tư đừng để bụng! Xin cô Tư đừng có ‘cá nhân’ tui nhé!”

ĐXT

Tuesday, April 26, 2022

TỔNG THỐNG PINOCCHIO

Tác giả : Nguyễn Tường Tuấn Nguồn: Tự Do 
Pinocchio tên một nhân vật giả tưởng, tác giả nổi tiếng người Ý, Carlo Collodi viết thành truyện “Cuộc phiêu lưu của Pinocchio” [The Adventures of Pinocchio]. Là một con rối làm bằng gỗ, với chiếc mũi bình thường, lạ thay cứ mỗi lần nói dối, chiếc mũi lại dài ra thêm một chút, sau nhiều lần Pinocchio trở thành người gỗ có chiếc mũi dài không giống ai. Hoa Kỳ, sau cuộc bầu cử Tổng thống 2020 đầy nghi vấn, đất nước có một người đứng đầu với chiếc mũi dài hơn bất cứ vị tiền nhiệm nào. Mời bạn bước vào thế giới “Con ma nhà họ Hứa” để xem chúng ta còn bị lừa đến bao giờ?

Vận động tranh cử Tổng thống, vào năm 2019, tại giếng dầu Texas, ứng cử viên Joe Biden tuyên bố: “Sẽ không làm gì có vụ khai thác dầu trên đất của chính phủ” [No more drilling on federal lands]. Làm sao cử tri Mỹ quên được, lời hứa như đinh đóng cột của Joe Biden tại New Hamsphire, tháng 2 năm 2020: “Nói rõ hơn, sẽ không còn chuyện khoan dầu trên đất của chính phủ. Chấm hết, chấm hết, chấm hết!” [And by the way, no more drilling on federal lands, period. Period, period, period.] Tôi nói, đồng bào nghe thủng tai chưa? Tám mươi mốt triệu cử tri Mỹ cả người sống lẫn chết đều nghe cụ Joe Biden đến long màng óc, vơi túi tiền. Ngày đầu tiên vào Toà Bạch Cung, Joe Biden biểu diễn màn giữ lời hứa, sắc lệnh hành pháp được ban ra: Ngưng ngay việc khai thác đường ống dẫn dầu “Keystone XL” trước tiếng vỗ tay của mụ phù thuỷ Nancy Pelosi cùng bầy đàn Dân chủ cấp tiến (sic). Toàn dân Mỹ bắt đầu méo mặt, ngày lên ngôi, giá xăng cứ thế tăng vùn vụt theo thời gian. Xăng tăng kéo theo cả bầy lương thực, hàng tiêu dùng, giấy vệ sinh tăng theo.

Trước khi Joe Biden vào Toà Bạch Cung, giá xăng trung bình $2.53 USD/gallon. Để ăn mừng ngày chấp chính của vị Tổng thống thứ 46, giá xăng đồng loạt tăng lên $4.25 USD/gallon, riêng tại California, thành trì kiên cố của đảng Dân chủ và nhóm bảo vệ môi trường, có nơi $5.57 USD/gallon. (https://www.republicanleader.gov/gas-prices-have-been-rising-since-bidens-first-day-in-office/ ).

Có lẽ cách bảo vệ môi trường hay nhất là từ nay dân Mỹ cất xe hơi ở nhà, đi xe ngựa theo phong tục người Amish tại ngôi làng Lancaster, Tiểu bang Pennsylvania.

CHƠI DAO CÓ NGÀY ĐỨT TAY
Có ai lại chê một môi trường thoáng đãng, trong sạch? Điều này đòi hỏi trình độ dân trí cao, như ở Nhật, hay Singapore, đố bạn tìm ra trên đường phố có rác dơ bẩn? Thực tế, hơn 7 tỷ nhân loại hiện nay, không phải ai cũng có nhận thức như người Nhật hay Singaporeans. Đừng nói đâu xa, cứ đến San Francisco quê hương của bà Nancy Pelosi sẽ tận mắt thấy sự thấp kém của một thiểu số vô gia cư, nghiện ngập, ăn, ị ngay trên đường phố. Chính trị gia đảng Dân chủ tại California thất bại ngay trên sân nhà! New York, Chicago, Portland, Oregon, kể ra một vài thành phố của những người “Cấp tiến” (Progressive) cai trị.

Xăng dầu làm ô nhiễm môi trường! Đúng, và chính quyền của những kẻ mang danh “Cấp tiến” thật ra chỉ là lớp vỏ che đậy kiểu làm ăn buôn bán khốn nạn của bọn chính trị gia kên kên Mỹ. Bạn hãy tự hỏi, có bao nhiêu nhân viên cao cấp trong chính quyền Joe Biden bảo vệ môi trường đến mức sẵn sàng làm chủ chiếc xe chạy bằng điện? Chẳng có ma nào cả, từ Joe Biden trở xuống. Hãy nói đến vai trò (Czar) về môi trường của Mỹ, cựu Thượng Nghị sĩ John Kerry với chức vụ dài đến độ phải có bằng Tiến sĩ may ra mới nhớ (United States Special Presidential Envoy for Climate). Mặc dù là ông trùm về bảo vệ môi trường nhưng ngài chính trị gia này lại thích đi máy bay riêng, và mỗi chuyến bay sa thải khí độc bằng vài ngàn chiếc xe hơi chạy trong một năm! Hãy làm những gì tôi nói, chớ nói những gì tôi làm!

Thuyết “Hâm nóng toàn cầu” đã trở thành bóng ma đủ để làm sợ hãi những ai cả tin và yếu bóng vía. Xin mời bạn đọc vào địa chỉ (https://maithanhtruyet1.blogspot.com/) đọc và tìm hiểu thêm từ Giáo sư Mai Thanh Truyết khả kính, chuyên gia về khí hậu và môi trường.

NHỮNG ĐIỀU NGỚ NGẨN
Chúng ta đang bị bọn kên kên chính trị “Tẩy não” Hoa Kỳ và Châu Âu cùng một số quốc gia tân tiến tại Châu Á, dân số tất cả cộng lại không biết có bằng một Trung cộng và Ấn Độ? Chưa nói đến lục địa Phi Châu, nhiều nước ở Nam bán cầu còn nghèo đói.

Bạn hình dung, giữa khu xóm ổ chuột, nấu cơm bằng than củi, nẩy ra một anh giầu có, nhà cao, máy lạnh gắn khắp nơi, khu nhà nghèo có thay đổi thành giầu qua đêm không? Từ lý thuyết đến thực tế là một chặng đường trăm năm, không thể đòi hỏi một sớm một chiều.

Người giầu nhất hành tinh Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla, thấy điều đó. Ông không quá u mê như Joe Biden khi nói khan hiếm xăng dầu, sẽ giúp dân Mỹ đi đến quyết định mua xe hơi chạy bằng điện! Con lạy cụ, hơn 65% dân Mỹ hiện đang sống dựa trên tiền lương mỗi tháng, lấy quái đâu ra $65,000 USD để mua xe chạy điện? Vay ngân hàng, sẽ trả nợ từ đời bố đến con, khi chiếc xe vất đi chưa chắc đã trả xong! Kinh tế là tất cả! Chính vì thế Elon Musk ủng hộ việc khai thác xăng dầu trên nước Mỹ.

Chúng tôi không chống việc trong sạch hoá môi trường, nhưng phải tùy thuộc vào KINH TẾ và trình độ NHẬN THỨC của con người. Joe Biden và đảng Dân chủ mượn danh nghĩa “Môi trường xanh” (New Green World) cho mục tiêu chính trị không hơn, không kém. Họ bắt người dân phải đeo khẩu trang, nhưng Nancy Pelosi, và đồng bọn Dân biểu cấp tiến có đứa nào đeo trong những buổi tiệc tùng đâu? Chúng đòi mở cửa biên giới, nhưng biệt thự nghỉ mát của Joe Biden tại bãi biển Delaware lấy từ ngân quỹ quốc gia gần nửa triệu USD xây hàng rào. Con nặc nô Dân biểu Cori Bush, đảng Dân chủ, đòi cắt giảm cảnh sát, chi hơn $300,000 USD bảo vệ cá nhân, (https://www.foxnews.com/politics/cori-bush-surpasses-300k-spent-private-security-she-continues-calls-defund-police). Cảm tạ Thượng Đế, nhờ gió đổi chiều nên chúng ta mới biết những chuyện thâm cung bí sử!

NHỔ RA LẠI LIẾM VÀO
Người Việt trong nước dùng chữ này để chửi bọn cộng sản. Sau năm 1975 đàn bò vào thành phố, bầy khỉ Trường Sơn thay nhau khiêng đồ trộm cắp từ miền Nam ra làm quà cho gia đình ngoài Bắc. Tội nghiệp, sản phẩm đói khát của chế độ cộng sản. Lính Nga hiện nay cũng đang ăn cướp của cải nơi nhà dân Ukrainians, không khác gì bọn “nón cối”. Để tránh bị văn hoá miền Nam ảnh hưởng, chúng ra lệnh đốt hết sách vở, âm nhạc của văn nghệ sĩ miền Nam, giờ đây, chúng cho dùng lại thay đổi tên cho đỡ mắc cở. Thay vì gọi là “Nhạc vàng” trở thành “Nhạc Bolero”. Nhổ ra lại liếm vào là thế đó.

Ngày đầu tiên vào Toà Bạch Cung, Joe Biden đã hung hăng ký hằng loạt sắc lệnh hành pháp, hủy bỏ thành quả vị Tổng thống thứ 45, Donald J. Trump để lại cho đất nước. Giá xăng dầu tăng ngay từ $45 USD/barrel, lên $110 USD/barrel ngày Biden ký sắc lệnh cấm khai thác đường ống dẫn dầu “Keystone XL”. Chẳng yêu thương môi trường gì cả, Joe Biden trả nợ cho nhóm “Green New World” đã tung hằng trăm triệu USD ăn gian và mua phiếu cho ông ta.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ còn vài tháng nữa, giá xăng dầu vẫn chưa giảm nhiều, mặc dù Joe Biden đã nhẫn tâm tung ra từ kho Dự trữ Chiến lược dầu Quốc gia (The Strategic Petroleum Reserve) mỗi ngày 1 triệu barrel. Tính đến ngày 27/12/2009 trữ lượng dầu trong kho dự trữ là 726.6 triệu barrels, con số cao nhất. https://www.energy.gov/fecm/strategic-petroleum-reserve-9 ).

Để cứu vãn uy tín, nâng điểm thăm dò, giúp các ứng cử viên Quốc hội thuộc đảng Dân chủ trong bầu cử tháng 11/22, Joe Biden mỗi ngày tung ra 1 triệu barrels trong liên tục sáu tháng. (https://www.cnbc.com/2022/03/31/us-to-release-1-million-barrels-of-oil-per-day-from-reserves-to-help-cut-gas-prices.html). Tính ra, sẽ là 180 triệu barrels dầu cứu bồ, vậy kho dự trữ chiến lược của nước Mỹ thân yêu còn bao nhiêu dùng khi hữu sự, thiên tai, chiến tranh?

Người hùng bảo vệ môi trường già nua và lú lẫn đã nhanh chóng nếm mùi thất bại: Hơn một năm cấm khai thác dầu nội địa! Giá xăng dầu và vật giá tăng chóng mặt tại Hoa Kỳ. Chắp tay quỳ lạy các quốc gia sản xuất dầu OPEC thì bị tống ra khỏi cửa, Saudi Arabia và United Arab Emirates (UAE) không thèm trả lời điện thoại của Joe Biden. Chưa bao giờ Hoa Kỳ nhục như hôm nay! (https://thehill.com/homenews/administration/597436-saudi-uae-leaders-declined-calls-with-biden-amid-ukraine-conflict/). Saudi Arabia từ chối không tiếp Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ! Chiến tranh Nga Ukraine lại thêm một nhức đầu cho những ai cổ vũ môi trường xanh.
Thứ sáu 15/4/22, trong âm thầm nuốt nhục, đám báo chí thiên tả che dấu kín đáo, loan tin sơ sài nhanh chóng. Bộ Nội Vụ tuyên bố chương trình đấu giá, hợp đồng thuê 145,000 mẫu đất tại 9 tiểu bang cho các công ty khai thác dầu hoá thạch. Xin đọc The New York Times, báo thiên tả, phe ta. (https://www.nytimes.com/2022/04/15/climate/biden-drilling-oil-leases.html). 

Theo nữ ký giả Coral Davenport, qua bài viết: “Biden dự tính khai thác dầu trên đất công” [Biden Plans to Open More Public Land to Drilling]. Chắc chắn sẽ khiến các nhà bảo vệ môi trường lên cơn điên. Không liếm lại thứ đã nhổ ra thì chết vào tháng 11/22. Quên đi cái sắc luật ký ngày nhậm chức, dân Mỹ rất thực tế, mỗi khi đổ xăng mọi người đều tung hô “Go Brandon!” Đừng chơi dại, đụng vào bao tử của dân! (https://thepatriotjournal.com/biden-flag-gas-prices/?utm_medium=email&utm_source=pjnewsletter )

KẾT LUẬN
Với tất cả lòng kính trọng, bài viết xin gửi tặng riêng những tiếng nói bi quan: “Không thay đổi được đâu”. Chúng ta cũng không nên vội mừng, theo Fox News: Cục Quản lý Đất đai đề nghị cho thuê khoảng 173 lô đất trên 144,000 mẫu Anh, giảm 80% so với diện tích được nêu ra ban đầu. Có nghĩa là chỉ cho phép một phần nhỏ đất đai được khoan, và 80% diện tích còn lại không được dùng.

Cứ cho là mọi việc tiến triển tốt đẹp, sẽ tốn cả năm để bắt đầu có được dầu sản xuất lại trên nước Mỹ! Trễ rồi ngài Pinocchio, ngày bầu cử tháng 11/22 đến nhanh như một chớp mắt. (https://www.nytimes.com/2022/04/15/climate/biden-drilling-oil-leases.html). Quân cờ Domino bắt đầu sụp đổ!

Cách nhanh nhất để thay đổi tình hình, cử tri Hoa Kỳ sẽ dùng lá phiếu của mình tống cổ bọn dân cử đã phá hoại đất nước trong hai năm qua. Quyền lực thuộc về chúng ta.

Nguyễn Tường Tuấn
25/04/22
----------
Vượt biên, vượt biển, vượt dòng!

Nguyen thi Xuan Huong

Cô bạn làm chủ ghe, cho tui đi vượt biên theo, chỉ với 1/2 giá. Ngồi chung cyclo với cổ ra bến xe Chợ lớn xuống Mỹ Tho, tui hỏi “ Ê mầy, lỡ bị bắt tao phải khai làm sao? “ Chèn ơi, cổ véo tui một cái đau điếng rồi mắng “Mầy thiệt vô diên, miệng ăn mắm ăn muối nói chuyện xui rủi“.

Mà xui thiệt. Ghe lớn ra cửa Vàm Láng không bao xa, thì bị túm gọn. Vô trại tạm giam, ông cán bộ răng dzàng đập bàn xong, rồi hậm hức chỉ tay vào tui ( đang ngồi sắp lớp hàng đầu ) hỏi “ai là chủ ghe ?” Theo phản xạ ..ba trợn, tự dưng tui đứng phắt dậy mắt dáo dát tìm nhỏ bạn. May mà định thần kịp, ngồi xuống liền. Ổng răng dzàng túm áo tui, hầm hè hỏi lần nữa “ ai là chủ ghe? “ Chợt thấy tên du kích áo đen hồi nãy lăng xăng nạt nộ những người bị bắt, tui chỉ đại vào hắn. Cả đám người ngồi đó cười rần. Tui ăn một bạt tay trời giáng, bể m.ịa một cái tròng kính cận ( May ..không bị rớt ..răng ). Nhưng vàng, nhân sâm đeo trong mình bị lột sạch. Chỉ ký tên vô sổ ngang cái dòng: Trại có giữ 5 miếng kim loại màu vàng thôi!

Chuyển trại giam lớn Mỹ Tho. Người nhà tui chạy tiền liền -để tui về cho kịp -sợ bị mất chỗ làm việc. Cán bộ đọc tên từng người trao giấy thả tù. ổng đọc đi đọc lại Nguyễn thị Hương, tui cứ ngồi im lặng ..xa vắng mãi. Bị tên côn an trong phe cánh đá nhẹ một cái nói “ Bà đó bà ! “ Tui đứng lên nhận giấy còn càm ràm “ Tên tui sao thiếu chữ xuân “ Ông cán bộ trao giấy nói nhỏ “ Vậy chứ hồi bị bắt, má khai tên gì vậy má? “ Thế là tui nhớ trực vụ khai tên, năm sanh- địa chỉ công việc ...xạo sự của mình liền. Hú vía, may mà được tha.

Ra khỏi trại 2 giờ trưa, áo quần rách bươm -cặp mắt kính lọt mất một tròng - dép cũng mất luôn. Quan trọng nhất là trại giam lờ tít chuyện trả lại cho tui 5 miếng kim loại màu vàng- vậy tui còn gì để bán mà kiếm tiền về xe đây, chẳng lẽ lội bộ từ Mỹ Thơ dìa Sài Gòn sao? Tui đọc kinh khấn hết Chúa đến Đức Mẹ cứu giúp ..lội bộ một đoạn đường xa, mà chân bỏng rát. Cuối cùng tui bấm gan vẫy đại một chiếc xe ôm, chìa giấy thả tù, tui nói “Cháu vượt biên được thả, giờ không tiền, nhưng nhà cháu ở Sài Gòn thì có tiền trả. Chú giúp dùm cháu phương tiện đi về nhà được không. Cháu thiệt đội ơn chú “ Ông xe ôm trông hơi đứng tuổi -người khắc khổ mặt nám đen còn đeo mắt kính đen thiệt ngầu, nhưng giọng thì hiền khô hỏi “ Vậy cháu có dám ngồi xe ôm, dang nắng về Sài Gòn không?” Nghỉ sao mà con nhỏ chột mắt kiếng, quần áo rách bươm không dép như tui lúc đó, lại có thể giở giọng tiểu thư ngại nắng ăn lắc đầu ..được. Tui trèo lên xe liền, không thèm hỏi giá, nói xong địa chỉ là ôm cái eo ổng ...ngủ gục miết. ( Bị trại giam chật chỗ ngủ ngồi) tui lại bị nhét ngồi gần cầu tiêu .. Mùi nồng nặc xông lên ..mắt trợn trừng đau khổ, ngủ gì nỗi mấy đêm nay, hở trời?

Xe chạy gần qua Chợ Bến Thành, ổng mới kêu lớn cho tui thức dậy để hỏi kỹ đường về quận 4 nhà tui. Chắc ổng nghe bụng tui kêu rột rột hay sao đó ...mà nói “ Chắc cháu đói bụng dữ rồi phải không, chú cũng chưa ăn gì. Thôi chú chở cháu ăn bậy tô mì dằn bụng, rồi chở cháu về “ Chèn ơi, buồn ngủ mà gặp chiếu manh, tui gật đầu liền. Coi như gần cả tuần nay từ chỗ ém quân chờ ra cá lớn -đến khi bị bắt nhốt -tui chưa được ăn đúng nghĩa bao giờ. Tui ăn hỗn hào, ào ào một lúc hai tô mì và ly trà đá bự tổ chảng. Trong khi chú xe ôm chạy cực khổ đường trường, ăn nhỏ nhẹ có một tô mì và ly cafe đen nhỏ xíu thôi. Trời xế chiều nhưng còn sáng. Tui ngần ngại nói chú ấy có thể chờ sụp tối một chút rồi chở tui về nhà, vì tui ngại hàng xóm và công an khu vực thấy quần áo và bộ dạng của tui như vầy, sẽ biết tình cảnh vượt biên của tui liền. Như vậy dễ di hại cho tui về sau. 

Chú Hiền( Tui biết tên chú sau đó ) cũng gật đầu chịu. Hai chú cháu ngồi quán cốc lề đường, uống trà đá chuyện trò rôm rã. Chú nói chú mới ra trại cải tạo, nhà ở Sài Gòn. Nhưng không nhập được hộ khẩu ở Sài Gòn, bị chỉ định về quê. Để sinh sống, chú chạy xe ôm. Hôm nay nhân dịp chở tui về Sài Gòn, chú sẽ ghé qua nhà thăm ba má chú luôn. Chú nói ngó bộ dạng của tui, là chú tin tưởng con nhà đàng hoàng, sa cơ bị bắt vượt biên. Nên chở tui đường xa, không ngại bị lường gạt quịt tiền. Sụp tối tui về được đến nhà, cả nhà mừng húm. Trả tiền công chú Hiền hậu hỉ và còn ghi lại địa chỉ nhà chú ở Sài Gòn để liên lạc thăm viếng sau nầy. Chị tui nói, chạy cho tui dzìa mất một cây vàng, nhưng họ nói đến ngày mai mới thả. Đâu dè họ thả sớm một ngày như vậy?

Sáng mai tỉnh táo dọn bộ vó đi làm. Vô sở, mọi người trợn trừng mắt ngạc nhiên, coi như tui vắng mặt không xin phép đã 3 ngày, trừ đi hai ngày lễ 30 / 4 và 1/5 cùng ngày Chúa nhật. Hú vía, gần cả tuần chứ đâu phải chơi. Tui bèn đi một đường kể khổ ..bị té bong gân sưng chân nằm một chỗ. Bố tui già cả không biết sở tui ở đâu để xin phép. Nhưng ngó cái mặt ăn nắng đen thui của tui, là họ thừa biết tui nói láo liền. Có lẽ Chúa thương phù hộ cho công trình tui đang quản lý tới lúc nghiệm thu ..Vắng tui, ai lên giá thành thanh quyết toán. Tui ở lại làm nốt công việc, với cái án treo lơ lững. Họ chờ dịp trừng phạt tui. Tui thì chờ kỳ vượt biên mới, nhất định là mình phải vượt thoát khỏi Việt Nam.

.... Cô bạn tui, nhà cổ cũng lo chạy chọt, nên cổ ra tù sau tui vài ngày. Năm sau cũng vào dịp 30/4, mùa gió êm. Nhà cổ tổ chức thêm một chuyến vượt biên mới, nhưng cổ không rủ tui đi tiếp. Chắc cổ nghỉ tui là con nhỏ ba trợn tào lao ăn nói vô duyên khiến cổ dễ bị xui xẻo chắc? Nhưng ghe của cổ ra cửa lớn, chỉ chung chi công an bến bãi , mà qua mặt không chung công an biên phòng. Họ rượt theo bắn chìm ghe cổ, chết tan tác mấy chục nhân mạng luôn. Mạng tui lớn hay nhỏ xíu, khi không theo chuyến vượt biên đó? Còn cô bạn tui, cổ không hên mà xui xẻo mất mạng.

Mấy chục năm trôi qua, mà tui vẫn nhớ hoài cái véo tay đau điếng của cô ấy. Nghỉ đến rồi thương cổ, và thương cho những người Việt Nam đã bỏ mạng trên biển đông khi bỏ phiếu đi tìm tự do bằng đôi chân của mình .

"...Chạy Cộng Sản? Là cuộc đua không đích đến!
Chờ Đảng nên Người? Ta sẽ chết trước thôi!
Cộng Sản tiêu, đất nước sẽ xinh tươi...
Đảng phải Chết!... Mới trường tồn dân tộc!..."
...
"Trăng Liên Xô tròn hơn trăng nước Mỹ!
Mỗi người dân sẽ có bác sĩ riêng!
Giáo viên ta dư sống với lương tiền..."
Lời Đảng nói, chao ôi...! Sao tuyệt mỹ!
Từng có người tin vào lời Bác Đảng
Mộng mơ ngày Đảng dẫn đến thành công
Chẳng bao lâu, nhận ra Đảng đa lòng
Thầm lặng lẽ chọn cho mình lối sống.
Cũng bao người, lỡ sinh lầm thế kỷ
Nén ngậm ngùi giã biệt xóm làng đi...

Vì tự do, vì tư hữu và vì ...
Cần phải Sống ! Vì tương lai tươi sáng!
Thế nhưng Đảng mưu cầu nhiều tham vọng,
Quyết một lòng xâm lược cả miền trong.
Dẫn nước ta vào "thế giới đại đồng"...
Bao lớp trẻ chết vì điều phi lý!
Lại một lần, bước chân thay lý trí...
Biết bao người lại bỏ nước ra đi.
Chạy Cộng Sản!... Bao lý lịch được ghi!
Để hội nhập cùng văn minh thế giới.
Ôi !... Cộng Sản! Là niềm đau nhân loại...
Boat people! Cả thế giới xót xa!
Boat people! Cả thế giới biết ta!
Giữa lựa chọn, Tự Do và cái Chết.
Chạy Cộng Sản? Cuộc đua không đích đến!
Chờ Đảng nên Người? Ta chết trước thôi!
Cộng Sản tiêu, đất nước sẽ xinh tươi.
Đảng phải chết, mới trường tồn dân tộc.
Dậy mà ĐI! Đừng gục đầu than khóc.
ĐI Đổi Đời! Cho con cháu ngày mai.
Ta hãy ĐI vì Tổ Quốc tương lai !
Hãy Sống Hùng ! Phải ĐI thôi, bạn ạh ...!

hao nguyen
12 - 2021

Monday, April 25, 2022

Tháng Tư & Quê Hương Thứ Hai

Tháng 4 luôn nhắc nhớ, chúng ta từ đâu đến đây, chúng ta may mắn hơn người còn ở lại VN, hạnh phúc hơn người bỏ xác trên biển, hãy sống xứng đáng với cái giá chúng ta phải trả mới có ngày hôm nay. Hãy tôn trọng và nhớ ơn đất nước đã cưu mang gia đình chúng ta, QUÊ HƯƠNG THỨ HAI đã đón nhận và giúp đỡ chúng ta, nơi đây là điểm dừng cuối đời của chúng ta và là Quê Hương thật sự của con cháu chúng ta.

Sáng ngày 30 tháng 4, tên giặc nằm vùng yêu cầu quân cán chính VNCH buông súng, đầu hàng CS bắc việt, đó là phát súng cuối cùng hắn vào đầu công dân Miền Nam Việt Nam.

Hơn 20 năm chiến đấu cho Tự Do, bao nhiêu thế hệ cha anh hy sinh tuổi xuân sống chết, tàn phế vì Tổ Quốc để cuối cùng bị tên phản quốc dồn đến đường cùng, ê chề đắng cay đến trào nước mắt tủi nhục.

Sau vài ngày loạn lạc Miền Nam như bãi tha ma xác chết đó đây dọc đường chạy giặc ngay trên quê hương mình, cuộc chiến cuối cùng giữa lòng Sàigòn, xác chết từ ngoại ô vào tận thành phố.

Người sống chạy, chạy mãi, niềm tin rơi rụng dọc đường đến cạn kiệt khi họ chạy đến điểm dừng cuối cùng của đất Việt, phía trước là biển cả bao la, giấc mơ Tự Do xa dần, mịt mù ngàn khơi.

CS bắc việt chơi cú lừa thế kỷ, lấy mạng cựu quân cán chính VNCH trong trại tù cải tạo khiến không ít người bỏ xác nơi rừng sâu nước độc, bị hành hạ đến chết, có sống sót trở về cũng tàn phế hiểu theo nghĩa nào vẫn đúng.

Lúc bố tôi còn sống, sau tháng 4 đen, mỗi lần gặp gỡ bạn bè các cụ đấm ngực tự trách không nổi chính thế Cộng Hòa mà quân dân Miền Nam đã đổ bao nhiêu xương máu, để hôm nay con cháu phải lãnh chịu hậu họa.

***
Hơn mười năm trước tôi có gặp lại vài người bạn của bố bên Mỹ, hôm đến thăm bác Tân, bác nhắc đến bố, tôi cắn răng ngăn dòng nước mắt chực trào sợ khơi lại nỗi buồn thiên thu của chú bác thế hệ bố tôi.

Bác là bạn thân của bố được con trai duy nhất là anh Tưởng bảo lãnh qua Mỹ, lúc đó bác gái đã mất, anh cùng hai con trai vượt biên đến đảo năm 80 sau đó đi định cư ở đây, giọng bác buồn hiu khi nhắc đến chuyện gia đình anh Tưởng.

Tôi biết anh chị trước năm 75, anh Tưởng cùng đơn vị Thiết Giáp với anh Cả của tôi, một lần về phép anh nhắn gia đình tôi đến nhà lấy gói thuốc Nam anh Cả gửi cho bố.

Tôi biết anh Tưởng nhưng không biết chị, hôm đến nhà lấy thuốc cho bố là lần đầu gặp chị trước năm 75 tôi đã mến tính dễ gần của chị.

Đàn bà hai con trông vẫn mồn con mắt, đẹp người, đẹp nết, chị là dược sĩ vừa trông tiệm thuốc tây vừa chăn hai con trai trong lúc anh đóng quân tận miền Trung.

Ngày anh Tưởng đi tù cải tạo, tiệm thuốc tây bị tịch thu, may còn căn nhà riêng để chị và hai con nương nấu, cũng như bao vợ lính, chị lăn lộn chợ trời đến kiệt sức cũng chỉ đủ cơm cháo cho con. Sau này có chợ thuốc tây đường Huỳnh Thúc Kháng, chị làm ăn khá hơn nhưng rủi ro cụt vốn khó tránh khi đám con buôn tranh giành mối lái báo công an hốt dân thuốc tây trọn gói.

Chị vô cang cũng bị vạ lây, trắng tay sau cuộc càng quét, khóc hết nước mắt trên đường về nhà, trắng đêm suy nghĩ mãi sáng hôm sau đưa hai con gửi nhà nội, chị mượn mẹ chồng ít tiền đi buôn.

Một gã Chợ Lớn thích chị đề nghị hùn vốn, chị lắc đầu một lần, hai lần… đến lúc cụt vốn không còn mượn được ai nữa chị đành gật đầu chung vốn làm ăn.

Cộng tác với hắn chị làm ăn phát tài, sau này chị mới biết hắn nhận phần hùn của công an nên tồn tại bền lâu, dù sao hắn cũng là chỗ dựa an toàn của chị trong lúc này.

Hai năm chung vốn, tình thầm của gã Chợ Lớn càng ngày càng nồng nàn dù hắn chưa lên tiềng, để cắt đứt hy vọng của hắn chị thường nhắc đến anh và nói rất mong ngày anh trở về.

Từ lúc đó hắn trở nên ít nói dù vẫn tiếp tục buôn bán với chị, thái độ đó khiến chị mến phục gã không hồ đồ, không lợi dụng chuyện buôn bán làm áp lực với chị.

Năm 78 hắn rủ chị và các con đi bán chính thức với hắn, chị từ chối vì không đủ tiền, hắn đề nghị cho chị vay trước trả sau.

Chị bảo chờ chồng về mới quyết định được, tội nghiệp gã si tình tiếp tục ôm mối tình câm.

Ngày anh được thả về, chị nghỉ bán ở nhà, hai ngày sau gã si tình ngồi trước ngõ nhà chị chờ chị đi chợ, chị biết sớm muộn gì hắn cũng tìm chị.

Hôm đó chị báo tin vui cho hắn biết, cảm ơn hắn quan tâm gia đình chị và chị sẽ trở ra chợ tuần sau.

Đêm hôm đó chị kể cho anh chuyện buôn thuốc tây nhờ gã Chợ Lớn giúp đở nên sắm được ít vàng phòng thân, chị không dấu anh chuyện hắn thích chị, nhưng chị vẫn một lòng yêu anh.

Vì anh bị quản thúc tại gia nên không thể theo chị ra chợ thuốc tây, anh thay chị lo cơm nước cho hai con, chị may mắn có người chồng tự trọng, không hề lớn tiếng trấn áp vợ để che đậy mặc cảm ăn nhờ cơm vợ.

Trở lại chợ thuốc tây nhưng chị luôn nghĩ đến chuyện đưa anh đi vượt biên nên không còn nhanh nhẹn như lúc trước, buôn bán cầm chừng, thẩn thờ như người mất hồn.

Niềm vui đoàn tụ với chồng dù còn nóng hổi, lòng chị luôn đeo mang trọng trách đưa chồng chạy trốn CS, dù nguy hiểm chết người nhưng chị biết anh khó sống sót với chế độ CS tàn độc.

Một hôm chị nói với gã Chợ Lớn ý định lo đưa anh vượt biên và nhờ hắn tìm giúp mối lái, sau khi đưa chị đến gặp người tổ chức, chị ra về buồn hiu, vốn liếng chưa đủ cho anh và hai con cùng đi, may mà chị chưa bật mí cho anh biết tin này.

Rồi chị cấn bầu, anh chị nửa mừng nửa lo cho các con khó có đường sống với chế độ này, tuy nhiên hạnh phúc có thêm đứa con đã lấn át nỗi lo của anh chị, cả hai ước mơ đứa con thú ba sẽ là con gái.

Cái bầu càng ngày càng to, gã Chợ Lớn tuy kém vui vẫn lịch sự chúc mừng chị, chuyện đưa anh đi vượt biên chị tạm gác qua một bên, chờ ngày con ra đời rồi sẽ tính với anh.

Không đành lòng để chị nặng nề đi buôn, anh bảo chị giới thiệu anh với gã Chợ Lớn để anh thay chị lo toan cho gia đình.

Chị ngạc nhiên hỏi :
- Anh không tự ái theo gã kia đi buôn ?

Anh cười nhìn chị âu yếm :
- Không mang ơn hắn thì thôi sao lại ghét người ta, em đẹp người, đẹp nết gã không mê mới lạ. Những ngày ở tù cải tạo anh học được bài học quý giá, NHÂN CÁCH, ĐẠO ĐỨC món quà Thượng Đế ban tặng cho chúng ta mà không phải ai cũng nhận biết điều đó để sống cho ra người.

Khi em thú nhận gã Chợ Lớn si mê em, anh biết em nói thật, anh thật hạnh phúc tin chắc em luôn yêu anh dù anh không còn đeo lon Đại Úy hiên ngang như ngày xưa, tệ hơn là tên ăn bám vợ.

Anh thật sự quý mến gã Chợ Lớn, rất đàn ông, rất đàng hoàng, si vợ người công khai và chấp nhận là kẻ bên lề khi bị từ khước.

Em tin anh đi, hắn sẽ giúp anh thay em chạy chợ, mai tan chợ em mời hắn về nhà cho anh nói chuyện.

Không chỉ riêng chị ngạc nhiên trước đề nghị của chồng, gã Chợ Lớn trố mắt nhìn chị, hỏi :
- Ổng muốn theo tui đi bán ?

Chị cười :
- Đúng vậy, anh có giúp không thì nói.

- Có chứ, biểu mai ổng ra đây tui chỉ liền mà.

- Cảm ơn anh, tan chợ anh theo tôi về nhà nói chuyện với chồng tôi cho tiện, được không ?

Nhờ ở tù trong rừng nên anh Tưởng mới biết nấu ăn dù không ngon như hàng quán ngoài phố nhưng cũng không tệ, mâm cơm đãi khách có món gà nướng ướp sả ăn với cơm, canh chua cá lóc.

Để hai người dùng cơm ngoài phòng khách, chị xuống bếp ăn cơm với các con, hóng nghe hai người nói chuyện.

Tiếng anh oan oan kể chuyện ở rừng thỉnh thoảng bắt được rắn, ếch, gà rừng…đám tù chia nhau xớ thịt mỏng như sợi chỉ vá talon võ xe đạp, nhai mãi không chịu nuốt sợ mất mùi thịt… rừng.

Hai gã đàn ông cụng ly cười vui vẻ, chị mừng thầm hy vọng gã Chợ Lớn sẽ tận tâm giúp anh buôn bán.

Đàn ông có khác, anh lanh hơn chị nhiều, mua bán đắt hàng, gặp lại bạn cũ họ chỉ cho anh cung cấp thêm mấy mối thuốc tây dưới tỉnh, vài tháng ra chợ anh kiếm khối tiền và theo gã Chợ Lớn mua vàng.

Ngày chị sinh con gái, hạnh phúc vỡ òa, đứa con mong đợi như ý anh chị dù bé sinh ra trong chế độ ai cũng muốn chạy trốn, nhưng đứa con của tình yêu đủ an ủi số phận hẩm hiu của anh chị lúc này.

Bé Linh như thần hộ mệnh của bố, anh làm ăn càng ngày càng phát đạt, bây giờ anh có cả rổ vàng, lòng anh ôm giấc mơ ra đi nhưng không dám bàn với chị vì con bé còn đỏ hỏn.

Thôi nôi của bé Linh, gã Chợ Lớn đến chung vui với gia đình vì lâu nay hắn trở thành bạn thân của anh và không còn xa lạ với hai gia đình bên nội ngoại của cháu.

Tàn tiệc anh kéo hắn ra sân to nhỏ một lúc, chờ hắn nổ máy chạy ra khỏi xóm, anh vô nhà phụ chị dọn dẹp tiếp, nội ngoại bạn bè mỗi người một bao thơ, gã Chợ Lớn tặng bé Linh sợi dây chuyền vàng.

Đêm hôm đó chờ các con ngủ say, anh vào giường, gác tay lên trán mở lời :- Em nghĩ sao nếu chúng mình đi vượt biên.

Chị quay sang anh, hỏi :
- Gã Chợ Lớn đề nghị phải không?

- Sao em nghĩ như vậy ?

- Hắn từng rủ em với các con cùng đi với hắn và cho em mượn tiền rồi qua đó trả sau.

Em từ chối, nói chờ anh về sẽ tính nên hắn không đá động đến chuyện đó nữa. Sau ngày anh trở về em có theo hắn gặp chủ tàu tìm chỗ cho anh, lúc đó em không đủ tiền nên không nói cho anh biết. Rồi em cấn bầu bé Linh nên không nghĩ đến chuyện đó nữa.

- Hắn không rủ anh, hắn nói chuẩn bị đi. Em nghĩ sao ?

- Con còn nhỏ quá, hay anh đi trước với Toàn và Tín.

- Anh cũng nghĩ vậy, nhưng anh muốn biết em có đồng ý không.

- Liệu mình có đủ tiền không anh ?

- Em yên tâm, anh chuẩn bị cho cả nhà, nếu em ở lại với bé Linh, em dùng số vàng mua chỗ cho hai mẹ con để tiêu dùng, chờ anh bảo lãnh sau.

Gần ngày lên đường anh chị ăn ngủ không yên, nửa mong ngày anh ra đi, nửa lo bao trắc trở khó lường, nhất là hai đứa nhỏ.

Chuyến hải hành năm đó cha con anh Tưởng cặp bến an toàn, anh ở trên đảo hơn một năm trong khi chờ thanh lọc đi Mỹ.

Một năm sau chuyến đi của anh, chị bế bé Linh theo đường dây của gã Chợ Lớn, xuống thuyền lên đường.

Ra khơi an toàn, bước vào biển Thái Lan tàu bị bọn hải tặc lên thuyền xô đàn ông xuống biển, cướp bốc, hãm hiếp, bắt cóc và giết cả phụ nữ nếu ai phản kháng.

Khi chúng rời thuyền chỉ còn vài người đàn ông sống sót, họ được chiếc thuyền vượt biên khác vớt lên tàu cặp vào vô đảo Pulau Bidong.

Nghe họ kể lại thảm họa hải tặc, anh Tưởng ngục ngã trước hung tin vợ con anh vùi xác trong lòng đại dương.

Kể đến đây bác Tân nước mắt ràn rụa, đứa con dâu duy nhất mà bác yêu thương đã ra đi trước sự thương tiếc của gia đình bác, bạn bè của anh Tưởng và có cả tôi dù tôi gặp chị chỉ một lần duy nhất.

Không riêng gia đình bác Tân mà hầu như gia đình Miền Nam VN nào cũng có người bỏ xác trên biển, em chồng tôi và cô út của tôi cũng bỏ xác ngoài biển Đông hơn bốn mươi năm trước trên đường đi tìm tự do.

Tháng 4 luôn nhắc nhớ, chúng ta từ đâu đến đây, chúng ta may mắn hơn người còn ở lại VN, hạnh phúc hơn người bỏ xác trên biển, hãy sống xứng đáng với cái giá chúng ta phải trả mới có ngày hôm nay.

Hãy tôn trọng và nhớ ơn đất nước đã cưu mang gia đình chúng ta, QUÊ HƯƠNG THỨ HAI đã đón nhận và giúp đỡ chúng ta, nơi đây là điểm dừng cuối đời của chúng ta và là Quê Hương thật sự của con cháu chúng ta.


MỘT GIÁO SƯ ĐÃ ĐÁNH RỚT CẢ MỘT LỚP HỌC..

Một giáo sư kinh tế ở một trường đại học cho biết ông chưa từng đánh rớt sinh viên nào, nhưng đã từng đánh rớt hết cả một lớp học.

Vì sinh viên lớp này kiên quyết cho rằng, một xã hội có hình thái tổ chức hoàn hảo là một xã hội không ai giàu và cũng không ai nghèo, và đó là một xã hội tuyệt vời.

Thế là vị giáo sư nói:
-“Được rồi, vậy lớp mình sẽ tiến hành một thí nghiệm về điều đó.

Từ nay, tất cả các điểm sẽ được cộng lại và chia đều ra, mọi người sẽ nhận được điểm như nhau, vì thế không ai bị rớt và cũng không ai được điểm A* cả.”

Sau bài thi đầu tiên, mức điểm trung bình cho cả lớp là B. Những sinh viên siêng năng rất buồn, còn những sinh viên lười biếng thì rất mừng.

Qua bài thi thứ hai, điểm trung bình cho cả lớp là D! Không ai vui cả. Vì những sinh viên lười thậm chí còn lười hơn, còn những sinh viên chăm chỉ thì quyết định rằng họ cũng chỉ nên học in ít thôi.

Đến bài thi thứ ba, điểm trung bình là F. Mức điểm không hề tăng lên, mà còn nổ ra các cuộc cãi vã, nghi ngờ, buộc tội nhau. Mọi người đều khó chịu và tức giận, tất cả mọi người không ai còn muốn học để người khác có lợi.

Bài cuối cùng, tất cả đều rớt, khiến ai cũng sững sốt, ngỡ ngàng…

Giáo sư đã nói với họ rằng:

-“Thông qua kết quả những bài kiểm tra thì các bạn có thể dễ dàng thấy được rằng, kiểu xã hội công bằng mà các bạn đang mong muốn rất khó thành hiện thực, vì dù ý tưởng rất hấp dẫn, nhưng khi đưa vào thực hành thì chẳng ai có động lực muốn làm việc nữa.”

Cuối cùng ông kết luận:

-Bạn không thể làm người nghèo giàu lên bằng cách khiến người giàu nghèo đi.

-Người không làm gì mà vẫn được hưởng, trong khi người phải làm thì lại không được hưởng đáng với công sức bỏ ra.

-Chính phủ cho free ai cái gì, thì phải lấy thứ đó từ người khác.

-Khi một nửa nhân loại thấy rằng họ không cần làm gì vì sẽ có người khác làm cho, còn một nửa kia thì nghĩ rằng họ có làm kiệt xác cũng chẳng ích gì vì sẽ bị kẻ khác chiếm mất. Thì đó chính là khởi đầu cho sự kết thúc của mọi xã hội đó là Xã hội chủ nghĩa.

* Chú thích: Hệ thống điểm từ A (cao nhất) đến F (thấp nhất)

   ST.

Blog Archive