Wednesday, April 27, 2022

Tám tào lao 

Anh Tám hồi xưa học trường Ðại học Sư phạm ban Việt Hán. Nói nào ngay kinh nghiệm cho tui biết mấy tay học ban văn chương thường hơi bị tửng tửng, cực đoan. Có lần anh Tám làm đơn đòi đổi tên ban Việt Hán thành ban Quốc Văn. Không có Hán (không ‘G’) gì hết ráo. Hổng nghe mấy thầy trả lời, trả vốn gì! Trong lớp, mấy em học chung bèn đặt cho anh Tám cái biệt danh là ‘Tám tào lao’, cháu đích tôn của ‘Tào Tháo’.

Ra trường, thầy Tám dạy môn Việt văn cho lớp 10 và 11. Ðược chỉ có một niên khóa là Miền Nam sập tiệm.

Ngày 30 tháng Tư, cách đây 47 năm, Cộng Sản Bắc Việt chiếm được một Sài Gòn trù phú. Cái đám văn nghệ sĩ của Ðảng chuyên xúi thiên hạ vào chỗ chết, quen thói láu cá vặt ăn cỗ đi trước lội nước theo sau lò mò vô Sài Gòn. Vào trễ hơn đám khác nên chiến lợi phẩm bị đám bộ đội ‘vào, vơ, vét, vọt’ khuân hết ráo rồi còn đâu? Cái đám nầy bèn giành nhau các vị trí chủ chốt trong ngành văn hóa để kiếm ăn vì cái đám VC trong Nam không biết chữ!

Ðược lưu dụng, thầy Tám phải đi học tập chánh trị ba tháng hè. Sách giáo khoa cũ phản động phải bỏ. Phải dạy sách giáo khoa mới của chánh quyền cách mạng. Nên đêm hôm trước, thầy Tám dở sách ra học; sáng hôm sau vô lớp, thầy trả bài cho trò. Dĩ nhiên là có cái thầy Tám chưa thông, giảng bài chưa được trơn tru như cái máy hát; nên học trò nó không có phục. Sau lưng, tụi nó xầm xì: hồi trước thầy Tám dạy thiệt. Sau nầy thầy Tám dạy dóc không hè!

Một hôm, có em học trò ngoài Bắc mới vào, hỏi: “Phim truyện tối qua trên truyền hình là do bố em viết kịch bản thầy xem có hay không? Thầy Tám trả lời: “Nên nói với bố em nhơn vật người Nam phải nói tiếng Nam. Về danh từ, người Nam nói: ‘xe hơi’ chớ không nói ‘ô tô’. “Ðèn cầy” chớ không nói ‘nến’. Về đại danh từ, ‘con nhỏ’ chớ không nói ‘cô bé’; ‘ổng, bả, cổ, ảnh’ chớ không nói ‘ông ấy, bà ấy, cô ấy, anh ấy’. Ðộng từ, ‘ăn hiếp’ chớ không nói ‘bắt nạt’. Tính từ ‘mắc cười’ chớ không nói ‘buồn cười’, ‘mắc dịch’ chớ không nói ‘chết tiệt’. Và liên từ ‘vậy thì’ chớ không nói ‘thế thì’.

Ðâu chừng tuần lễ sau, Trưởng phòng Giáo dục, là một tay ‘Ba ke 75’ kêu thầy Tám lên cho thôi việc. Lý do không đủ tiêu chuẩn để được tuyển dụng. Thầy Tám quạu quá, chửi thề: “Mẹ bà nó! Tiêu chuẩn gì? Sao bố con tụi nó không chịu ra chợ chim Huỳnh Thúc Kháng rinh về một con két?”

Tui mất dấu thầy Tám từ độ ấy. Qua Melbourne, hai chục năm sau, bất ngờ tui gặp lại người xưa. Hồi trong nước, thầy Tám dạy con tui. Qua Úc, thầy Tám dạy cháu Nội tui tại trường Việt ngữ vào ngày thứ Bảy.

Nói nào ngay, tui cũng biết đọc, biết viết, biết nghe, biết hiểu chút đỉnh nên thầy Tám hay kêu tui lại nhà nhậu để nghe thẩy tào lao về bài thầy mới viết xong. Coi tui có nói vô, nói ra gì không? Nói bậy thì thầy rầy. Nói phải thầy nghe rồi sửa lại. Thầy gởi báo đăng, kiếm tiền nhuận bút đãi tui nhậu chơi. Thiệt là quá đã!

Tuần rồi, thầy Tám tào lao nói: VC làm hư tiếng Việt mình hết ráo, rồi thầy chuyển qua ‘iPhone’ của tui một bài viết mới ra lò như vầy nè:

“Tản văn ‘Xa Ðầm Thị Tường’ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có quá nhiều chữ ‘Bắc Kỳ lai 75’:

Trời ơi, giữa trưa mà ăn cơm nguội với mắm thì còn gì bằng, ăn đã dữ lắm. Mắm thì làm hai món: nấu ninh lược nước làm lẩu, ăn với cá rô, cá phổi, khổ qua, rau thì có rau đắng đất, cải xanh… mắm chua thì ăn sống. Mắm cá nâu, cá bống nhỏ tẳn mẳn để nguyên con, trộn gừng, đường cát, vắt tí chanh. Gắp một con mắm cặp với chuối chát, khế xắt lát mỏng dính mà ăn, (chắc lưỡi), nó ngon hổng biết làm sao mà nói.

Chuyện cá tôm nhiều vô kể quanh năm, chuyện một chiếc xuồng con với vài tay lưới có thể nuôi cả nhà đã quá xa vời. Chuyện xuồng đi tới đâu, đàn cá nược đuổi theo đến đấy…”

Ðọc xong bài nầy, tui vốn là dân nhiều chuyện, Tám tào lao, lại gặp lúc huỡn quá vì không có ai kêu tui đó; nên tui xin có ý kiến, ý cò như vầy nè:“Bà con mình chắc ai cũng biết nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sanh năm 1976, tuổi Bính Thìn tức tuổi con Rồng. Con Rồng nầy bay lượn từ khi cô Tư (lại đoán mò nữa chắc cổ thứ Tư) cầm bút viết từ đầu thế kỷ 21 tức năm 2000.

Nguyễn Ngọc Tư là hội viên Hội Nhà văn tuốt ngoài Hà Nội. Nên mỗi lần đi họp, bàn chuyện văn chương xa quá, chắc cô Tư mỏi cẳng lắm. Rồi ra tới ngoải, chắc cũng có cự cãi lôi thôi về truyện vừa: ‘Cánh đồng bất tận’ nổi tiếng nhứt của cô Tư hồi đó đã bị mấy quan anh (Huyện Trìa bắt Thị Hến) kiểm điểm lên, kiểm điểm xuống.

(Viết truyện là đặt dóc. Ðâu phải viết hồi ký hay biên khảo đâu mà đòi phải viết cho chính xác? Tác giả đặt chuyện mà mình nghi nó viết xỏ xiên đảng ta thì mình viết bài phê bình cự lại! Làm như vậy mới là người có ăn, có học phải không nè? Còn ỷ quyền dù cái quyền đó chẳng là cái khỉ mẹ gì để hiếp đáp một nhà văn còn trẻ lại đẹp nữa thì đâu có được nè?!

Vì có máu Lục Vân Tiên trong người, nên: “Nghe đây bớ đảng hung đồ! Chớ quen làm thói hồ đồ hại em (Tư)” “Ê mấy thằng cường hào ác bá ở cái đất Cà Mau nầy, trong bụng tụi bây muốn ‘o ép’ cô Tư cái gì hả ?

Tóm lại, tui thấy ai bị ăn hiếp, mà lại đẹp cỡ Kiều Nguyệt Nga như ‘Tư Ðầm Dơi’ là tui nhào vô binh hè!

Trời không hại người ngay mà! Như cái tuổi con Rồng của mình, cô Tư bay cao, nổi tiếng tợn nhe! Báo chí quốc doanh của nhà nước như một dàn đồng ca, nó ca tụng văn của Nguyễn Ngọc Tư lên tới chín từng mây. (Văn Nguyễn Ngọc Tư là đặc sản Nam Bộ? Văn đâu phải đồ ăn nhậu đâu mà cái nào cũng đặc sản hết vậy mấy cha?)

Nhưng cũng có ông không biết có cà nanh, ganh tị gì hay không mà lại càm ràm là văn của cô Tư càng ngày chữ dùng Bắc Kỳ lai 75 nhiều quá. Rồi ông dẫn ra nhiều chữ trong văn cô Tư, người Cà Mau không nói mà chỉ có người ngoài ngoải mới nói thôi.

Tui đọc xong rồi bỏ qua; vì tui nghĩ không ai đánh một người phụ nữ dù chỉ bằng một cành hoa. Nghĩa là tui trong bụng vẫn còn binh cô Tư dữ lắm nhe.

Nhưng hỡi ơi khi đọc cái cảm xúc ngắn ngủn ‘Xa Ðầm Thị Tường’ của cô Tư thì tui phải đau lòng công nhận là thằng cha này càm ràm đúng chớ hổng có sai đâu!

Cô Tư nhắc chuyện ‘ăn mắm’ hồi xưa mà kêu bằng ‘lẩu mắm’ ư? Nồi mắm kho cô Tư ơi! Cô Tư viết: ‘nấu ninh’? Tui chỉ nghe nấu cho tới khi xác mắm nó rục, nó rả ra. ‘Ninh’ tiếng cô Tư xài, là tiếng ở ngoải. Cô Tư viết ‘vắt tí chanh’? Dà tụi tui nói ‘nặn chút chanh’. ‘Vắt tí chanh’, tiếng cô Tư, xài là tiếng ở ngoải. Cô Tư viết ‘chiếc xuồng con’ làm tui nhớ tới bài hát ‘Mặt trời bé con’ của một ông lật đít nồi lên, đánh beng beng và nói là tớ chơi nhạc ‘rock’. ‘Chiếc xuồng con’, tiếng cô Tư xài, là tiếng ở ngoải. Cô Tư viết ‘đàn cá nược đuổi theo đến đấy’. Dà tụi tui nói ‘rượt theo’ không hè. Ðuổi theo, tiếng cô Tư xài, là tiếng ở ngoải.

Cuối cùng tui xin ‘chôm’ hai câu thơ lục bát của Nguyễn Bính để nói về cách dùng chữ của cô Tư bây giờ là: “Hôm qua em đi tỉnh về! Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”.

Thưa cô Tư cũng chỉ vì yêu mến lời văn rặt miền Tây sông nước Cà Mau của Nguyễn Ngọc Tư hồi năm nẳm, nên tui mới dám mạo muội phê bình bậy bạ là chữ của cô Tư ngày càng bị ‘Bắc Kỳ lai 75’ nhiều quá xá.

Xin cô Tư đừng để bụng! Xin cô Tư đừng có ‘cá nhân’ tui nhé!”

ĐXT

No comments:

Blog Archive