PHI VỤ CUỐI CÙNG...
LT: Một trong những câu chuyện rất đau lòng của những đứa con trai thời loạn của mẹ VIỆT NAM. Phi vụ cuối cùng, Anh đã không trở về để nhìn thấy con trai ao ước mong đợi ra đời, sau 2 cô con gái. Anh đã anh dũng hy sinh, để lại bao tiếc thương, đau đớn cho chiến hữu trong phi đoàn và nhất là Vợ Con của Anh:
----------------------------------------
Cái biệt danh “Đờ Gôn” (De Gaulle) mà bạn bè đặt cho anh thật là đúng với vóc dáng của một người Việt Nam to lớn ngoại khổ. Anh cao khoảng 1m75 với đôi vai rộng thật rộng làm cho bộ đồ bay mầu xám, dù là cỡ lớn nhất, trông cũng ngắn cũn cỡn. Cặp vai rộng làm cho người đứng sau lưng nhìn anh tưởng như là anh mặc áo bay mà quên chưa lấy cái móc áo ra vậy.
Tôi không dám gọi anh là Ninh Đờ Gôn vì khi tôi là Thiếu Úy mới về nước, anh đã mang lon Đại Úy được 3, 4 năm rồi. Anh là Sĩ Quan An Phi của Phi Đoàn, một nhiệm vụ xem ra hiền hòa nhất trong một cuộc chiến đang trong thời kỳ gay go. Anh rất hiền, thật là hiền làm đôi khi tôi thầm nghi ngờ về tài đánh giặc của anh.. Anh ít đùa dỡn, không bài bạc, rượu chè, ăn chơi như những bạn bè đồng trang lứa. Những lần đi bay các phi vụ hành quân chung với anh, tôi mới thấy mình đã nhận xét lầm; vì trong cái bề ngoài hiền hòa ấy, anh xông pha, vùng vẫy một cách rất dũng cảm và chính xác mỗi khi tấn công mục tiêu.
Tôi làm quen với anh rất mau, có thể vì cùng giọng nói ....Bắc Kỳ với nhau, hoặc là vì tôi thường được sắp xếp đi bay chung phi tuần với anh trong nhiều phi vụ yểm trợ quân bạn, đặc biệt là trong vùng Tây Bắc hoặc phía Bắc của phi trường Biên Hòa: tôi bay phi cơ số hai và anh là người bay phi cơ số một.
Những lúc chúng tôi “sánh vai” ra đi từ phòng trực Phi Đoàn, đến phòng nai nịt áo lưới, đai dù và những dụng cụ cứu nạn, rồi phòng Hành Quân Chiến Cuộc nhận tọa độ mục tiêu, rồi ra bãi đậu phi cơ, ai nhìn anh và tôi đi bên nhau chắc cũng phải nực cười, vì anh và tôi trông cứ như một đôi đũa lệch: anh cao hơn tôi đến một cái đầu.
Tôi bay theo anh Ninh đến những mục tiêu nóng bỏng nhất, nơi quân bạn dưới đất cần yểm trợ: Lộc Ninh, An Lộc, Kà Tum, Tống Lê Chân, Chơn Thành, Lai Khê, Xa Cam, Minh Thạnh, Bến Cát, Tân Khai, Đức Hòa, Đức Huệ, v.v... Sau mỗi phi vụ, anh đều vội vã lái chiếc xe du lịch cũ kỹ trực chỉ về Khu Cư Xá Sĩ Quan với vợ con. Anh có hai cháu gái, chị Ninh đang mang thai và anh chị thì hy vọng làm thế nào có được một đứa con trai.
Không biết từ thời nào mà hình như những người mang nghiệp bay rất hay tin dị đoan. Dù theo đạo Công Giáo, anh Ninh cũng có vẻ ăn ở không yên khi thấy việc mang thai của vợ mình là một trong những điềm xui truyền khẩu, ngoài việc săn bắn chim, đi bay thế chỗ cho nhau và ...vợ có bầu, v.v.... Rồi một tai nạn xẩy đến làm anh Ninh càng thêm lo nghĩ và có vẻ tin vào những điều xui truyền khẩu của nhân gian.
Hôm ấy, anh Ninh và tôi đi yểm trợ quân bạn mở đường tại Rừng Lá, Phan Thiết đang bị Cộng Quân đắp mô, chặn đường quấy phá. Đến mục tiêu chúng tôi bay xuống thấp và nhìn rõ hai đoàn xe bị kẹt hai bên mục tiêu và đồng bào tràn xuống đầy hai bên đường lộ chờ đợi. Ninh gọi tôi trên tần số:
- Phi Long 42, đây 41 gọi.
- Hai nghe!
- Cẩn thận nghe hai. Đồng bào và xe cộ rất sát mục tiêu. Đừng để tai nạn nào xẩy ra nghe không, hai!
- Hai nghe! Tôi đi skip Napalm sát đọt cây nghe!
- Ok! Nhưng đừng xuống thấp quá kẻo vướng xe đò, cột đèn thì phiền nghe!
- Hai nghe rõ!
Mục tiêu chỉ cách Quốc Lộ 1 chừng 100 mét và quân bạn đang dàn hàng ngang đẩy Cộng quân ra xa khỏi Quốc Lộ. Chúng tôi bay thật thấp trên đoàn người và nhìn thấy họ nhảy lên vẫy tay chào. Tôi lắc đôi cánh nẵng trĩu 6 trái bom Napalm cồng kềnh đáp lễ. Ninh mang 10 trái bom nổ 500 pounds nên anh đánh từ 3 ngàn bộ xuống, từng trái một theo sự chỉ dẫn của phi cơ quan sát L-19 trên mục tiêu. Còn tôi đánh từng trái Napalm sát ngọn cây, tạo ra một hàng rào lửa phân cách giữa bạn và thù.. Mỗi lần đến sát mục tiêu, tôi đều nhìn thấy những vệt đạn lửa của địch quân bắng những vũ khí cá nhân hạng nhẹ nhắm bắn vào phi cơ của mình. Xong việc, Ninh gọi tôi:
- Hai, đây Một gọi!
- Hai nghe!
- Tôi còn kẹt hai trái bom không chịu rơi. Tôi sẽ vào mục tiêu một lần nữa. Anh bắn cà-nông bảo vệ cho tôi nhé!
- Hai nghe rõ!
Ninh nhào xuống mục tiêu một lần nữa, vẫy vùng, nhả từng loạt đạn cà-nông, nhưng hai trái bom bị kẹt vẫn không chịu rơi xuống. Tôi bay sau Ninh và khi anh bắt đầu kéo lên khỏi mục tiêu, tôi xả hết 800 viên cà-nông 20 ly dọc theo hàng rào lửa do bom Napalm đang cháy ở bên phía địch quân. Nhìn về phía đám đông và đoàn xe bị kẹt trên Quốc Lộ, tôi thấy dân chúng vỗ tay nhảy mừng. Tôi lắc đôi cánh vẫy chào và phóng theo sau phi cơ của Ninh. Ninh gọi tôi:
- Hai, đây Một gọi!
- Hai nghe!
- Theo tôi về khu oanh kính tự do để mình giải tỏa mấy trái bom này!
- Hai nghe rõ. Tôi đang bay sau lưng bạn!
Trước khi tới khu giải tỏa, Ninh thông báo và xin phép đài kiểm báo Paris tại phi trường Tân Sơn Nhứt. Sau khi được phép, Ninh nhào 5, 6 lần xuống mục tiêu tự do, vận dụng hết mọi phương pháp, vùng vẫy, giằng co, cố làm cho 2 trái bom lìa ra khỏi cánh phi cơ, nhưng mãi mà chỉ có một trái chịu rơi, còn một trái vẫn đeo chặt vào cánh phải của máy bay. Mệt qúa, Ninh gọi đài kiểm soát phi trường Biên Hòa để xin về đáp.
- Biên Hòa đài, Phi Long 41 gọi!
- Biên Hòa đài nghe bạn!
- Phi tuần 2 phi cơ A-1 xin đáp. Phi cơ số 1 kẹt một trái bom 500 pounds.
- Ok. Thuận cho bạn về đáp “straight in” (bay thẳng từ xa vào) phi đạo 09, gió từ hướng 120 độ, mạnh 10 knotts. Sẽ có xe cứu hỏa và xe cứu thương túc trực sẵn cho bạn.
Rồi Ninh ra lệnh cho tôi:
- Phi Long 42, tactical formation (Bay xa tôi ra!). Trông chừng trái bom và phi cơ của tôi nghe!
- Phi Long 42 nhận 5!
Đài Kiểm Soát Biên Hòa lại gọi Ninh:
- Phi Long 41, Biên Hòa đài gọi!
- Biên Hòa nghe bạn!
- Bạn phải bay tuyến downwind (hướng gió xuôi) ở phía Bắc của phi trường, trước khi vào final approach, không được bay vào khu dân cư phía Nam là thành phố Biên Hòa. Nghe rõ trả lời!
- Phi Long 41 nhận rõ!
Theo lệnh của Đài Kiểm Soát, Ninh và tôi cẩn thận nhẹ nhàng đem hai chiếc máy bay men dọc theo hướng Bắc của phi trường, song song với phi đạo. Tôi bay xa xa phía sau Ninh vừa để ý nhìn phía trước, vừa để ý nhìn trái bom còn kẹt bên cánh phải của Ninh. Bất thình lình, tôi thấy trái bom rớt ra khỏi cánh máy của Ninh, dù phi cơ Ninh vẫn bình phi nhẹ nhàng ở 1,500 bộ. Tôi bấm máy la lên:
- Phi Long 41, trái bom của anh rớt rồi!
- Ok, hai! Tách xa tôi ra! Theo dõi kỹ trái bom xem sao!
Tôi dõi mắt nhìn theo trái bom, nhưng mầu olive của nó mau mắn mất hút hòa lẫn theo mầu cỏ cây dưới đất . Phía Bắc phi trường là những đồng ruộng bao la bát ngát, ở trên nhìn xuống chỉ thấy lác đác vài căn nhà nằm giữa những lùm dừa, lùm cau nho nhỏ.. Thế mà đúng là “họa vô đơn chí”, trái bom rớt trúng vào một trong những lùm cau nhỏ ấy. Trong chớp mắt, tôi thấy một nhoáng lửa, một cái rùng mình thật mạnh của phi cơ, rồi bụi mù và khói lửa bùng lên từ xóm nhà nhỏ bé ấy.
- Phi Long 41, đây Hai gọi!
- Nghe Hai!
- Chết rồi! Bom rớt trúng nhà dân rồi Một ơi!
- Tôi thấy rồi! Trời ơi! Sao xui quá! Biên Hòa Đài, Phi Long 41 gọi!
- Biên Hòa Đài nhận rõ vấn đề! Xin bạn cho biết vị trí!
- Tôi đang ở 1,500 bộ, khoảng 5 miles hướng Bắc của phi trường. Xin bạn cho phi cơ tản thương gấp!
- Biên Hòa Đài nhận rõ! Sẽ điều động các phương tiện Emergency liền cho bạn!
Ninh và tôi cùng bay vòng lại phía mấy căn nhà nhỏ. Lửa và khói bay ngút trời. Người ta chạy túa ra những con đường đất, tay cầm vải trắng phất qua phất lại như ra hiệu đầu hàng xin chúng tôi đừng thả bom nữa. Ruột tôi thắt lại. Tim tôi đập liên hồi. Đau xót đến tận cùng! Chừng 5 phút sau, một phi cơ trực thăng cấp cứu của Mỹ, danh hiệu Pedro, vẫn túc trực thường xuyên trong phi trường Biên Hòa bay tới và đáp xuống cạnh đám cháy. Ninh gọi tôi trên tần số và bảo tôi về đáp.
Suốt đoạn đường từ bãi đậu phi cơ vào tới Phi Đoàn, Ninh không nói với tôi một lời. Anh đăm chiêu, mắt nhìn xa xăm. Tôi nghĩ anh đang vô cùng khổ tâm nên cũng không muốn bắt chuyện với anh làm gì. Sau khi trút bỏ đai dù và các thiết bị an toàn xong, tôi lấy Honda phóng thẳng đến Bệnh Xá, vừa đúng lúc chiếc trực thăng Pedro đáp xuống thả những nạn nhân vào phòng cấp cứu: hai người đàn bà, ba đứa trẻ con và một em bé mình mẩy băng bó, máu me đỏ thắm. Tôi rùng mình chạy Honda vội về Phi Đoàn. Trong phòng trực hành quân, Ninh đang ngồi viết Tờ Tự Khai. Tôi nói cho Ninh những điều tôi nhìn thấy ở Bệnh Xá. Ninh gục đầu xuống bàn viết, khóc nức nở.
* * *
Ít tháng sau, vào một buổi chiều tháng Tư năm 1973, trong một phi vụ yểm trợ cho Sư Đoàn 7 Bộ Binh tại Cai Lậy, hai chiếc phi cơ thuộc Phi Đoàn 514 và hai chiếc thuộc Phi Đoàn 518 là hai phi tuần Skyraider được điều động từ phi trường Biên Hòa xuống trợ lực. Ninh và Thiếu Úy Toàn (Toàn Cu-Li) với danh hiệu Phi Long 61, cất cánh sau hai phi cơ của Phi Đoàn 514. Như thường lệ, Ninh đeo 10 trái bom nổ 500 pounds và Toàn mang 6 trái napalm nặng nề, cồng kềnh.
Bầu trời Miền Tây hôm đó khá nhiều mây, cộng thêm những màn khói mịt mù do nông dân đốt cỏ cây bên dưới bay lên làm cho tầm nhìn xa của phi công cũng bị giới hạn phần nào. Trần mây lơ lửng cao chừng 4 ngàn bộ và những cụm mây cumulus đầy hơi nước với độ dầy cả ngàn bộ. Dù tầng mây có những lỗ hổng lác đác, nhưng cũng đủ bắt buộc phi công phải bay dưới 4 ngàn bộ để quan sát cho rõ mục tiêu.
Theo lời Toàn kể thì lúc hai phi cơ còn ở xa xa là đã nhìn thấy hỏa lực phòng không của địch “dàn chào” rất kỹ hai chiếc Skyraider của Phi Đoàn 514 Phượng Hoàng đến trước đang quần thảo trên mục tiêu. Nào là đạn 23 ly, nào là đạn 37 ly phòng không nổ tung tóe xung quanh hai chiếc Skyraider lì lợm. Ninh lên tiếng cảnh giác Toàn:
- Phi Long 62, Một gọi!
- Hai nghe!
- Bọn nó bắn rát lắm. Cẩn thận nghe Hai! Đi ra xa mục tiêu một chút chờ Phượng Hoàng làm việc xong thì mình sẽ vào.
- Hai nghe rõ!
- Vùng này có rất nhiều (hỏa tiễn tầm nhiệt) SA-7. Anh bay xa tôi ra. Trông chừng cho nhau. Có gì la lên liền nghe Hai!
- Hai nhận 5!
Ninh và Toàn làm vòng chờ xa xa theo sự hướng dẫn của phi cơ quan sát tại hiện . Bỗng Toàn thấy một vệt lửa mầu cam từ dưới đất bay lên nhắm thẳng về hướng phi cơ của Ninh, lúc đầu chậm rãi rồi vụt nhanh như chớp nổ tung vào ống khói ở vùng đầu máy bay của Ninh. Toàn vừa há miệng định la lên thì đã thấy Ninh bay vụt ra khỏi phi cơ và chiếc dù hai mầu trắng đỏ bung ra với Ninh lơ lửng bên dưới. Chiếc Skyraider đầy bom đạn bốc lửa, quay tròn như con vụ được hai vòng rồi đâm xuống đất nổ tung. Mặc dù đeo trên thân tầu 6 trái napalm nặng nề, Toàn vẫn lì lợm và cố gắng lượn theo sát chiếc dù để xác định là Ninh còn sống và đã thoát ra khỏi chiếc phi cơ lâm nạn.
Rồi Toàn đưa chiếc máy bay vút lên trên tầng mây để che khuất tầm nhìn của địch quân. Toàn đổi tần số và báo cho Trung Tâm Kiểm Báo Paris tại phi trường Tân Sơn Nhứt:
- Paris đây Phi Long 62!
- Paris nghe bạn.
- Thông báo cho bạn: phi cơ số 1 của tôi bị trúng SA-7 và rớt ở Cai Lậy.
- Xin bạn cho biết tọa độ!
- Phòng không bắn nhiều quá, và trời rất nhiều mây nên tôi không thể xác nhận được tọa độ ngay bây giờ bạn!
- Tình trạng phi công ra sao?
- Phi công đã bung dù ra. Bạn liên lạc với phi cơ quan sát L-19 tại mục tiêu, có thể sẽ có tọa độ chính xác cho bạn. Tôi về đáp tại phi trường Biên Hòa nghe bạn.
- Nhận 5, Phi Long 62 về đáp Biên Hòa! Bạn yên chí! Chúng tôi sẽ liên lạc và chuyển lệnh điều động cấp cứu Phi Long 61!
Cho đến tối, vẫn không có tin tức gì của Ninh, mặc dù Toàn thề độc là nó đã bay vòng quanh dù của Ninh trước khi chui lên mây né đạn phòng không... Tôi được Thiếu Tá Phi Đoàn Trưởng (PĐT) Nguyễn Quan Vĩnh giao nhiệm vụ đi đến nhà báo tin cho chị Ninh. Tôi gõ cửa và bước vào căn nhà lính thô sơ. Chị Ninh đang ngồi ẵm đứa con gái nhỏ. Trên bàn ăn, mâm cơm đạm bạc đã dọn sẵn và chừng như đã nguội. Thấy tôi, chị uể oải, nặng nề đứng dậy. Bụng chị đã lớn lắm. Chị mỉm cười hỏi:
- Có chuyện gì đấy chú?
- Dạ, Thiếu Tá PĐT sai em đến báo tin cho chị hay là tối nay anh Ninh không về được.
- Sao thế hả chú?
- Dạ, anh ấy bị hư máy bay, phải đáp khẩn cấp ở dưới Cần Thơ. Phi trường mình đã gởi chuyên viên xuống để sửa chữa, hy vọng một hai bữa nữa thì anh ấy sẽ về đến.
Nét mặt chị Ninh lộ vẻ lo lắng. Vài giọt lệ tủi thân trào lăn trên má. Chị ôm chặt lấy đứa con gái nhỏ vào lòng, trong khi đứa gái lớn e thẹn bám lấy chân chị. Chị thở dài lẩm bẩm với các con, lớn vừa đủ để tôi nghe thấy:
- Thôi, đi ăn cơm các con. Bố không về được thì ba mẹ con mình ăn vậy!
Tôi chào chị Ninh từ giã, bước vội ra khỏi cửa. Một mặc cảm tội lỗi tràn ngập tâm tư tôi vì tôi biết tôi đã nói dối chị Ninh. Tôi chỉ biết là Ninh không về, nhưng tôi biết rõ không phải vì máy bay của Ninh hư và càng không phải là Ninh đáp xuống phi trường Cần Thơ!
Ngày hôm sau, cả phi đoàn vẫn chờ đợi tin tức của Ninh. Bặt vô âm tín từ các phi vụ quan sát và trực thăng tìm kiếm chung quanh khu vực mục tiêu. Vì quá nóng lòng, Thiếu Tá PĐT đã lấy xe pick up của Phi Đoàn, đích thân chở Thiếu Úy Toàn xuống tận Bộ Tư Lệnh của Sư Đoàn 7 Bộ Binh để yêu cầu đơn vị này phụ một tay trong công tác đi tìm kiếm Ninh. Theo Toàn cho biết, hai người đã được một sĩ quan trung cấp tiếp đón, dùng xe Jeep của đơn vị chở hai người đi loanh quanh đến một vài địa danh gần mục tiêu thăm hỏi, nhưng cuối cùng không được kết quả gì và hai người đã thất vọng trở về Biên Hòa.
Cuối cùng Đại Úy Nguyễn Khoa Hoài trong Phi Đòan đã nẩy ra một ý kiến. Sau khi hội ý với Phi Đoàn Trưởng, Đại Úy Hoài lấy điện thoại xin tổng đài nối liên lạc với văn phòng Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh. Khi tướng Nguyễn Khoa Nam lên tiếng bên kia đầu máy, Đại Úy Hoài nói:
- Chào chú, cháu là Hoài đây.
Chẳng hiểu hai chú cháu tướng Nguyễn Khoa Nam nói chuyện gì, chỉ thấy Đại Úy Nguyễn Khoa Hoài vâng dạ lia lịa bằng giọng Huế của anh. Cả Phi Đoàn quây quần xung quanh Đại Úy Hoài, hồi hộp chờ đợi. Sau cùng, Đại Úy Hoài nói:
- Cháu cần nhờ chú một việc.. Cần lắm!
- ???
- Cháu có người bạn rất thân, hôm qua bay yểm trợ cho quân bạn trong vùng trách nhiệm của chú, bị bắn rớt, có nhảy dù ra mà mấy toán cấp cứu của Không Quân kiếm mãi không thấy. Chú ra lệnh cho thuộc cấp đi hành quân tìm nó dùm cháu được không?
- ???
- Dạ đúng rồi! Tại mặt trận Cai Lậy ngày hôm qua đó chú! Khi có tin gì chú báo ngay cho cháu ở Phi Đoàn nghe. Cảm ơn chú!
Đại Úy Hoài gác điện thoại xuống. Mọi người đều mừng vì may mắn có cháu ruột của Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh bay chung trong Phi Đoàn. Hai ngày qua, rồi ba ngày, vẫn không có tin tức gì của Ninh. Và mỗi ngày, tôi đều được phái đến Khu Cư Xá Sĩ Quan để ...nói dối chị Ninh. Không ai có can đảm nói sự thật cho chị. Sau ngày thứ ba, chị nói với tôi:
- Mong sao anh ấy về kịp. Chỉ còn có vài ngày nữa là tôi sanh rồi chú ạ!
Đến ngày thứ tư thì tin dữ về đến Phi Đoàn: Ninh đã chết! Cả Phi Đoàn bàng hoàng khi hung tín được Bộ Tư Lệnh Không Quân điện thoại lên. Cùng lúc ấy, Tướng Nguyễn Khoa Nam gọi điện thoại cho Đại Úy Hoài than phiền rằng vì đi vào tìm và lấy được xác của Ninh, ông đã mất một vài quân nhân dưới quyền. Nhưng ông cũng thông cảm vì sự yểm trợ của Không Quân mấy hôm trước và vì Ninh bị bắn rơi trong phi vụ yểm trợ cho đơn vị Bộ Binh trong vùng trách nhiệm của ông.
Thiếu Tá PĐT lái xe đưa tôi và Đại Úy Trương Phùng là Ủy Viên Xã Hội của Phi Đoàn xuống Bộ Tư Lệnh KQ nhận xác Ninh. Con đường từ Biên Hòa về đến Sài Gòn dài thật dài, dù chiếc xe pick up của Phi Đoàn Trưởng đã chạy hết tốc lực. Chúng tôi đi thẳng đến Nhà Vĩnh Biệt trong phi trường Tân Sơn Nhứt. Hệ thống máy lạnh có lẽ không làm việc tốt lắm, nên vừa mở cửa ra là cả ba chúng tôi bị dội ngược lại vì mùi hôi thối của Ninh xông ra. Xác Ninh với khổ người cao lớn trong bộ đồ bay lấm bùn chương lên thật to nằm trên bàn.
Tôi không thể ngờ rằng đời sống con người lại có thể qua mau được như vậy. Một người mà mọi người quen biết đang yêu mến, đang trông chờ có thể đến nỗi như thế này sao?! Bất chợt, tôi lại nhớ đến thân phận mình, đến thân phận những bạn bè, chiến hữu khác đang bay vào lửa đạn khắp bốn Vùng Chiến Thuật, đang đùa dỡn với tử thần, đang vì Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm mà quên đi sự an lành cho chính mình. Tôi nhìn xác anh Ninh, lại nhớ đến chị Ninh và hai cháu gái nhỏ ở nhà và bật khóc.
Phải khó lòng lắm, Thiếu Tá PĐT, Đại Úy Trương Phùng và tôi mới moi được cái bóp trong túi áo bay trên ngực của Ninh ra. Đúng là Ninh rồi! Thẻ bài, giấy tờ tùy thân, hình vợ con và Thẻ Chủ Quyền của chiếc xe cũ kỹ anh vẫn lái hằng ngày. Tôi để ý không thấy sợi dây chuyền vàng với cây thánh giá Ninh đeo trước ngực và chiếc cà rá pilot anh vẫn đeo trên tay cũng không còn.
Chúng tôi phải xem xét kỹ như vậy vì khuôn mặt của Ninh không giống như lúc Ninh còn sống nữa. Da mặt Ninh đen như than vì nằm phơi nắng ba bốn ngày ngoài ruộng. Những con trùng sống dưới nước vẫn còn bò lổm ngổm bên xác Ninh. Theo lệnh của Thiếu Tá PĐT, tôi lấy tờ báo cuộn cái bóp của Ninh lại và bỏ vào túi áo bay dưới ống quần phải để mang về trao lại cho chị Ninh.
Dùng hết sức lực, cả ba chúng tôi vần nghiêng được xác Ninh, cố tìm xem nguyên nhân nào đã gây ra cái chết cho anh. Chẳng mấy khó khăn, chúng tôi thấy một vết đạn xuyên từ sau gáy trổ thẳng lên phía sau đầu của Ninh. Lúc đó, chúng tôi đoán biết là Ninh đã bị bắn chết khi đang treo lơ lửng trên trời. Chiếc dù hai mầu đỏ trắng của phi công khi rơi xuống ruộng nước đã bị hòa lẫn với mầu bùn đất làm cho nỗ lực tìm kiếm Ninh của các máy bay quan sát và trực thăng trong những ngày đầu đã không đưa đến kết quả nào.
Chúng tôi trở về Biên Hòa sau khi liên lạc và trao cái bóp của Ninh cho gia đình vợ anh ở Sài Gòn. Thiếu Tá PĐT bảo chúng tôi ra ngồi phía sau, để dành cabin chiếc xe pick up cho thân nhân của chị Ninh cùng đi lên Khu Cư Xá Sĩ Quan để đưa chị Ninh về Sài Gòn chăm sóc. Khi tôi thúc giục mau ra xe, chị Ninh tỏ vẻ nghi ngờ và phân vân, hỏi tôi:
- Tại sao tôi phải về Sài Gòn hả chú Chuyên?
- Dạ, vì phi cơ anh Ninh vẫn còn hư ở dưới Cần Thơ, mà chị thì sắp sanh, nên cần có người nhà phụ giúp chị và các cháu.
Rồi chị Ninh và các cháu lên chiếc xe du lịch cũ kỹ đi về Sài Gòn trước. Khi thấy chúng tôi đến sau bằng những chiếc xe pick up chở đồ đạc lỉnh kỉnh của nhà chị dọn từ Biên Hòa về, chị đoán già đoán non sự thể và òa lên khóc. Tôi nhìn thân hình nhỏ và cái bụng to của chị, miệng chị lẩm bẩm gì đó tôi nghe không rõ, rồi tự nhiên nước mắt tôi cũng dâng trào và tôi bật khóc thành tiếng.. Cả nhà chị cùng những người hàng xóm hiếu kỳ đang vây quanh cũng không cầm được nước mắt và khóc theo. Chị hỏi tôi:
- Anh Ninh chết rồi hả chú Chuyên?
- ???
- Trời ơi! Sao chú lại nói dối tôi? Dẫn tôi đến thăm chồng tôi đi chú! Trời ơi! Anh ơi! Nỡ lòng nào anh bỏ em và các con thế này?!
Chị khóc lóc rên rỉ. Cái bụng quá lớn làm chị khó xoay xở.. Chị không thể vật vã như những góa phụ khác. Chị ngồi bệt xuống chiếc phản gỗ, gương mặt bỗng tái nhợt đi, rồi bất tỉnh. Người thì lo bôi dầu gió, người thì quạt cho chị tỉnh lại. Không ai đồng ý chi chị đi thăm anh Ninh cả vì hai lý do: Ninh đã chương lên to và nặng mùi lắm rồi. Chị lại sắp sanh tới nơi có thể bất lợi cho thai nhi.
Sau một hồi được người thân “phù phép” bằng dầu gió, chị Ninh tỉnh lại. Chị chỉ ngồi yên mà không khóc nữa, tuy hai hàng nước mắt vẫn tuôn trào. Trước khi ngất xỉu đi lần thứ hai, chị mơ màng nói với theo:
- Chú Chuyên à, nếu chú không cho tôi đến nhìn mặt anh Ninh lần chót, ...”tôi sẽ không đẻ cho mà coi”!
Hai ngày sau, tôi và một vài chiến hữu trong Phi Đoàn được đưa xuống Nhà Vĩnh Biệt để đứng gác quan tài của Ninh, trước khi anh được an táng tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Buổi tối trước ngày tiễn biệt Ninh, người ta mới đưa chị Ninh và hai cháu bé đến. Chị Ninh và hai cháu đều mặc bộ đồ tang vải màn thưa trắng, riêng chị còn có thêm một cái khăn trào mào trùm kín đầu và mặt. Ba mẹ con bước vào phòng để quan tài, đang khóc lóc ồn ào nhưng bỗng nín bặt. Chị lẩm bẩm lớn đủ cho mọi người nghe thấy:
- Tôi đã hứa rồi, tôi đã hứa rồi! Tôi sẽ không khóc. Tôi sẽ không khóc lóc, không vật vã đâu! Ninh ơi, em đến thăm anh lần cuối, rồi em sẽ về đi sanh đây anh! Sao anh lừa dối em? Sao anh lừa dối các con hả anh? Anh hứa anh sẽ về nhà ngay với em và các con sau phi vụ mà sao đã cả tuần lễ rồi mà anh vẫn còn nằm đây? Sao anh chẳng nói một lời, Ninh ơi! Em khổ quá Ninh ơi, anh có biết không, Ninh ơi?!
Chị Ninh cứ lẩm bẩm như thế và cả hai cháu gái nhỏ cùng bám lấy chân mẹ đi vòng quanh ve vuốt cỗ quan tài. Những người có mặt không ai cầm được nước mắt và tất cả cùng khóc theo chị Ninh.
Lúc ấy, một sĩ quan cao cấp thuộc Bộ Tư Lệnh Không Quân đến cử hành nghi thức gắn lên chiếc gối nhỏ bằng nhung đỏ trên quan tài của Ninh một Bảo Quốc Huân Chương, một Phi Dũng Bội Tinh và truy thăng Đại Úy Nguyễn Văn Ninh lên ...Cố Trung Tá. Lý do là vì Ninh đã có Nghị Định lên Thiếu Tá, nhưng khi Ninh tử trận, Nghị Định thăng cấp của Ninh chưa kịp về đến Phi Đoàn. Người ta trao cho chị Ninh chiếc gối nhỏ mầu máu đỏ tươi ấy với những huy chương được cài cẩn thận cạnh hai bông mai bạc. Chị ôm lấy nó, nức nở và khuỵu gối xuống bất tỉnh trong vòng tay thân nhân.
Đêm hôm ấy, chị Ninh hạ sanh một cháu trai, đúng như nguyện ước của chị và anh Ninh Đờ Gôn.
* * *
Lời cuối:
Đã hơn 40 năm qua kể từ ngày anh Ninh anh dũng hy sinh, không biết chị Ninh, hai cháu gái và cháu trai bây giờ ra sao, sau sự mất mát đớn đau tuyệt đỉnh ấy?! Trong những tháng năm khói lửa của cuộc chiến sau khi anh hy sinh và rồi qua những thăng trầm dâu bể của đất nước, cầu mong chị và các cháu vẫn được Ơn Trên và anh linh của Ninh phù trợ, để có can đảm và hy vọng trong đời sống. Dù đớn đau, dù cay đắng, dù bạc bẽo, mong rằng chị và các cháu lúc nào cũng có thể tự nhủ được trong lòng mình rằng, sự chiến đấu anh dũng và hy sinh cao cả của anh Ninh cho quê hương dân tộc Việt Nam sẽ vẫn mãi mãi được quê hương và dân tộc tri ân.
Kính.
NGUYỄN VĂN CHUYÊN
No comments:
Post a Comment