Bồ công anh
Loại cây này có thể sử dụng để làm rau ăn với tác dụng hỗ trợ phòng chống ung thư, kiểm soát đường huyết và mỡ máu, tuy nhiên chưa nhiều người biết để dùng.
Bồ công anh là một loại cỏ dại nhưng đã được sử dụng trong y học cổ truyền từ nhiều thế kỷ trước. Lá, rễ và hoa bồ công anh được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên để hỗ trợ quản lý lượng đường trong máu, tăng cường sức khỏe gan và tim mạch,... Bồ công anh còn là một món rau ngon mà ít người biết tới để ăn.
Chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ, Nancy Geib, cho biết: "Bồ công anh là loại thảo mộc có nhiều lợi ích về sức khỏe và dinh dưỡng".
Dưới đây là lý do vì sao bạn nên thêm bồ công anh vào chế độ ăn uống của mình.
Lợi ích dinh dưỡng của bồ công anh
Bồ công anh chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất. Chuyên gia dinh dưỡng Geib nói: "Bồ công anh có lẽ là loại rau xanh giàu dinh dưỡng nhất. Chất dinh dưỡng trong bồ công anh vượt xa cả cải xoăn hoặc rau bina".
Từ gốc đến hoa bồ công anh đều có giá trị dinh dưỡng cao với nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ.
Theo Trung tâm Dữ liệu Thực phẩm, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, rau bồ anh có thể ăn chín hoặc sống với nhiều vitamin A, C, K, E, B9 và một phần nhỏ các loại vitamin B khác.
Thêm vào đó, rau bồ công anh cung cấp một lượng đáng kể sắt, canxi, magiê và kali.
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Bỉ, rễ của cây bồ công anh rất giàu carbohydrate inulin, một loại chất xơ hòa tan có trong thực vật giúp hỗ trợ sự phát triển của các vi khuẩn tốt trong đường tiêu hóa. Rễ bồ công anh thường được phơi khô để làm trà.
Lợi ích sức khỏe của bồ công anh
Bên cạnh các lợi ích dinh dưỡng, bồ công anh còn chứa các hợp chất có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề về sức khỏe.
1. Cung cấp chất chống oxy hóa
Chuyên gia dinh dưỡng Geib cho biết bồ công anh chứa một số loại chất chống oxy hóa khác nhau ở cả rễ, lá và hoa. Chất chống oxy hóa bảo vệ cơ thể chống lại các gốc tự do - những phân tử có hại có thể phá hỏng các tế bào của cơ thể và gây ra bệnh tật, lão hóa.
2. Giảm viêm
Tình trạng viêm mạn tính dẫn tới các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm ung thư và bệnh tim. Một cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe là ăn các loại thực phẩm chống viêm.
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy các hợp chất trong bồ công anh có thể giảm triệu chứng viêm. Do đó, thêm bồ công anh vào các bữa ăn sẽ có lợi đối với sức khỏe.
3. Quản lý huyết áp
Bồ công anh rất giàu kali, một chất giúp lợi tiểu. Bồ công anh đã được sử dụng trong y học truyền thống từ lâu nhờ tác dụng này để giải độc một số cơ quan trong cơ thể.
Trong y học phương Tây, thuốc lợi tiểu được sử dụng để loại bỏ chất lỏng dư thừa trong cơ thể, từ đó giúp giảm mức huyết áp.
4. Kiểm soát lượng đường trong máu
Bồ công anh đã được sử dụng trên khắp thế giới như một cách tự nhiên để kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2.
Giới khoa học vẫn đang tìm hiểu tác dụng này của bồ công anh trên người, nhưng các nghiên cứu trên động vật cho thấy các hợp chất trong bồ công anh có thể giúp giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường.
5. Giảm cholesterol
Giảm cholesterol là một bước quan trọng để giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Các nghiên cứu trên động vật đã phát hiện ra rằng chiết xuất từ rễ và lá cây bồ công anh có thể làm giảm mức cholesterol một cách tự nhiên.
Trong một nghiên cứu trong ống nghiệm, chiết xuất từ lá và rễ cây bồ công anh làm giảm sự tích tụ chất béo trung tính trong các tế bào mỡ.
Tương tự, một nghiên cứu trên động vật kéo dài 4 tuần cho thấy sử dụng chiết xuất lá bồ công anh làm giảm đáng kể mức cholesterol toàn phần và chất béo trung tính.
6. Phòng chống ung thư
Có lẽ một trong những lợi ích sức khỏe hấp dẫn nhất của cây bồ công anh là khả năng ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư trong nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể.
Một nghiên cứu kéo dài 4 tuần trên chuột cho thấy sử dụng chiết xuất từ rễ cây bồ công anh có thể ngăn chặn sự phát triển và lây lan của các tế bào ung thư vú.
Các nghiên cứu trong ống nghiệm khác đã phát hiện ra rằng chiết xuất từ rễ cây bồ công anh có thể làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư trong mô gan, ruột kết và dạ dày.
Những phát hiện này rất đáng khích lệ, nhưng nghiên cứu trên người vẫn cần thiết.
Cách ăn bồ công anh
Chuyên gia dinh dưỡng Geib cho biết: "Điều tuyệt vời về cây bồ công anh là mọi bộ phận của cây đều có thể ăn được". Theo đó, vị nữ chuyên gia chia sẻ một số cách sử dụng các bộ phận của bồ công anh như sau:
1. Lá bồ công anh
Lá bồ công anh có vị đắng, hơi cay. Bạn có thể cho lá bồ công anh tươi vào món salad.
Để loại bỏ vị đắng, bạn có thể luộc sơ lá bồ công anh, ngâm trong nước lạnh từ 10 - 15 phút rồi xào hoặc trộn với dầu ô liu, hành tây hoặc tỏi.
2. Hoa bồ công anh
Bạn có thể thêm hoa bồ công anh vào món salad hoặc pha trà. Bạn cũng có thể phơi hoa bồ công anh khô để dùng dần hoặc ủ rượu, ngâm giấm.
3. Rễ bồ công anh
Rễ cây bồ công anh khô có thể dùng để pha trà.
Liều lượng sử dụng bồ công anh
Hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết về liều lượng sử dụng bồ công anh vì các nghiên cứu trên người về loại thực vật này vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, theo dữ liệu hiện có từ các nhà khoa học của Khoa Nội tiết và Nội khoa, Bệnh viện Đại học Aarhus, Đan Mạch, liều lượng bồ công anh có thể sử dụng là:
- Lá tươi: 4 - 10g/ngày.
- Lá khô: 4 - 10g/ngày.
- Nước ép lá tươi: 2 thìa cà phê (10ml)/ngày, chia làm 2 lần dùng.
- Rễ tươi: 2 - 8g/ngày.
- Bột khô: 250 - 1.000mg/ngày, chia thành 4 lần sử dụng.
Nếu bạn đang sử dụng một số loại thuốc như thuốc làm loãng máu, kháng sinh, thuốc lợi tiểu, thuốc chữa bệnh tim hoặc huyết áp, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bồ công anh.
No comments:
Post a Comment