Friday, April 8, 2022

Người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp West Point

Phạm Minh Tâm SVSQ năm thứ 1 tại West Point 1970

Phạm Minh Tâm sinh năm 1949, là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp tại Học viện Quân sự Hoa Kỳ, West Point, vào năm 1974. Tâm trở về nguyên quán để gia nhập Quân lực Việt Nam Cộng hòa, đúng vào lúc họ đang trải qua một thất bại nhục nhã cuối cùng. Sau đó, giống như hàng trăm ngàn người khác, ông đã bị cho vào những trại cải tạo trên rừng thiêng nước độc.

Mùa xuân năm 1970, West Point có một hiệu trưởng mới. Ông là tướng William A. Knowlton, một cựu chiến binh trong Chiến tranh Việt Nam, người đã quyết định nhận một ứng sinh miền nam Việt Nam. Mặc dù học viện đã đào tạo hơn 100 học viên nước ngoài kể từ khi Antonio Barrios của Guatemala nhận bằng tốt nghiệp vào năm 1889, hầu hết họ đến từ Mỹ Latinh và Philippines. Khi Chiến tranh Việt Nam tiếp diễn, Quốc hội đã đặc chuẩn cho bốn du học sinh được theo học tại West Point. Tuy nhiên, dẫn đầu trong cuộc tuyển chọn lại bao gồm hai người Hàn Quốc và một người Thái Lan. Knowlton nghĩ rằng những nhân viên hữu trách của ông đã quên mất người Việt Nam. Vì thế, hội đồng học thuật đã quyết định chọn hai ứng viên vào chung kết cho vị trí còn lại: một người Malaysia nói tiếng Anh xuất sắc và một ứng viên Việt Nam không thông thạo ngôn ngữ này. Người Malaysia tất nhiên có lợi thế, cho đến khi Knowlton phát hiện một ghi chú trong lý lịch của người sinh viên Việt: Phạm Minh Tâm suy nghĩ bằng Anh ngữ.

Tại West Point, ông Tâm đã nhanh chóng làm quen với chúng bạn. Ông kèm cho McBrayer môn toán. McBrayer giúp ông tiến bộ trong môn bơi lội. Vào ngày ông lao xuống bể bơi từ sân vận động Olympic với bộ đồ dã chiến cũ kỹ và một ba lô nặng những viên gạch, McBrayer đã ở đó cầu nguyện, "Cố lên, cố lên," và ông đã cổ vũ khi Tâm nổi lên " giống như một con chuột ướt."

Và Phạm Minh Tâm đã đồng hóa. Ông bắt bồ với con gái của một vị tướng. Ông say rượu mạnh. Vì bị bắt buộc phải đến nhà thờ (West Point không có chùa Phật giáo, và bây giờ điều luật này cũng không còn), ông đã tham gia một cách nghiêm túc các buổi lễ của đạo Tin lành.

Phạm Minh Tâm tốt nghiệp West Point năm 1974, mang cp bc thiếu uý. Ông bước xuống phi cơ tại sân bay Tân Sơn Nhứt vào một ngày tháng 8, rạng rỡ trong bộ lễ phục màu trắng. Ông mang một thanh kiếm với chuôi vàng lấp lánh. Cảnh tượng ấy làm cô em gái Thanh Dung choáng váng. Cô ấy sẽ mang hình ảnh cổ tích đó về anh trai của mình trong nhiều năm.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 chiến tranh kết thúc. Phạm Minh Tâm trút bỏ quân phục. Ông và một người bạn đã kiếm sống bằng nghề sửa xe đạp vỉa hè. Cuối cùng, những người sĩ quan "ngụy" và viên chức của miền Nam Việt Nam lần lượt bị tập trung cải tạo. Đối với các sĩ quan cấp thấp như ông, nhà cầm quyền bảo rằng họ chỉ cần 10 ngày học tập. Tin hay không, ông đã trình diện, và lời hứa 10 ngày đã kéo đến thành nhiều năm.

Vào tháng 2 năm 1981, sau khi Phạm Minh Tâm đã bị giam giữ 5 năm 8 tháng, công an bất ngờ trả tự do cho ông.

Ông và gia đình phụ thuộc vào Thanh Dung, người em gái bị mắc kẹt ở Mỹ sau khi Sài Gòn thất thủ. Đời sống của cô cũng rất gian nan. Suất học bổng tại Duke hết hạn, cô phải làm ba việc khác nhau để gửi tiền, thuốc men và hàng tiêu dùng cho gia đình. Cô đã liên lạc West Point, Bộ Ngoại giao và Quốc hội Mỹ trong nỗ lực cứu anh. Chủ tịch khoá của ông Tâm, Robert Mixon, đã viết thư cho Ngoại trưởng Alexander Haig, một cựu sinh viên West Point, nhưng tất cả vẫn biệt vô âm tín.

Sau khi ra khỏi trại cải tạo, Tâm đã tìm được đường mưu sinh nhờ vào vốn liếng tiếng Anh sẵn có. Cuộc sống vật chất của ông trở nên bảo đảm hơn khi ông xin được một chân dạy tại trường cao đẳng sư phạm thành phố. Vào năm 1984, khi cao trào thuyền nhân đang xảy ra, Phạm Minh Tâm đã vượt biên bằng đường biển. Không may, ông bị công an phát hiện. Ông đã phải đút lót hết số tiền đang có để thoát nạn.

Đến lúc đó, có thể xem như là lần đầu tiên ông nối lại nhịp cầu với Mỹ sau nhiều năm. Nguyên là ông nhận được hai bức thư từ Hoa Kỳ. Một bức thư gây quỹ cho West Point, và một mời sinh viên họp khoá lần thứ 10. (Mục này rất phổ biến trong giới cựu sinh viên mọi nơi ở Mỹ. KĐ).

Trong Thông điệp Liên bang cho năm 1985, Tổng thống Reagan đã giới thiệu cô Jean Nguyễn, một người tị nạn Việt Nam vừa tốt nghiệp từ West Point vào mùa xuân. Báo chí đã mô tả sai lầm về cô và Peter Vu là những sinh viên Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp West Point. Họ đã quên Phạm Minh Tâm trước đấy, khoá 1974.

Cùng năm ấy, một người bạn gia đình đã giới thiệu Tâm với cháu gái của bà, cô Kim Chi, 23 tuổi. Họ hẹn hò, gặp nhau trong quán cà phê sau giờ dạy của ông. Họ đã nói chuyện hàng giờ về nhiều thứ, ngoại trừ việc ông bị giam cầm. Họ kết hôn ba năm sau đó. Như các cặp đôi mới cưới, Tâm-Chi đã đi hưởng tuần trăng mật ở Đà Lạt, "Thành phố của Tình yêu." Tâm muốn cho tân nương của mình xem học viện quân sự quốc gia, nơi ông đã đi học và sau đó giảng dạy. Tất nhiên, chỉ là một ước mơ mà thôi, vì bấy giờ nó đã thuộc về Quân đội Nhân dân và được bảo vệ nghiêm ngặt. Gần nhất họ có thể đến là một đỉnh đồi cách đó vài cây số.

Khi chính phủ Việt Nam, trong sự bế tắc kinh tế khôn cùng, bắt đầu mở cửa biên giới vào cuối những năm 1980s, thì những người bạn học cũ và giới quan chức Mỹ mới liên lạc và biết được hoàn cảnh của Phạm Minh Tâm.

Sau năm năm làm sĩ quan bộ binh, McBrayer đã làm việc cho Johnson & Johnson, chuyển từ chỉ huy một đại đội sang lãnh đạo một nhóm sản xuất băng vệ sinh phụ nữ(!). Năm 1987, các nhà đầu tư mạo hiểm đã đề nghị ông giúp thành lập một công ty mới, Osteotech, một công ty chuyên về chỉnh hình.

Giờ thì ông đã thề với vợ của mình, Leslie. "Anh sẽ làm điều gì đó cho Tâm. Anh đã làm tốt nhiều việc trong quân đội. Anh đã biến mọi thứ thành hiện thực trong kinh doanh. Anh có thay đổi tình thế lần này." 

McBrayer đã tìm ra Thanh Dung ở Gaithersburg, Maryland, nhưng cô đã gần như tuyệt vọng. Giờ đây, đã là một công dân Mỹ và kết hôn với một luật sư của Bộ Cựu chiến binh, Thanh Dung có một tập tài liệu căng phồng. Nhiều hơn giấy tờ, nó chứa đựng đầy rẫy những vết thương lòng, là di sản của những lần thua trận với bộ máy chính phủ quan liêu.

Nhưng McBrayer thì khác. Ông vẫn kiên trì. Vũ khí của ông là điện thoại, máy fax và những quan hệ West Point. Ông đã tổ chức một "Ủy ban tìm tự do cho Tâm", thuyết phục được công ty kế toán Coopers & Lybrand làm pháp nhân và một ngân hàng ở New Jersey điều hành miễn phí. Công ty của ông đã đài thọ cho một chiến dịch bán áo phông và kiếm được 15.000 đô la từ các bạn cùng lớp và những người West Point khác.

Vào thời điểm Giáng sinh năm 1989, McBrayer có một cộng sự ở Thái Lan giúp ông giải quyết các thủ tục "hành là chính" của Chương trình Ra đi Có trật tự (ODP).

Vào cuối thập niên 1970s, làn sóng người tị nạn ào ạt rời Việt Nam đến các nước chung quanh. Một số đáng kể bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp, và thậm chí bán vào các động đĩ. Một con số khác, có thể lên đến 25% tổng số người ra đi, bị chìm tàu và chết ngoài khơi. Vì thế, Liên Hiệp Quốc, Mỹ và Việt Nam thiết lập chương trình ODP vào năm 1979. 

Mục đích của ODP nhằm đưa người Việt Nam sang định cư tại Mỹ một cách hợp pháp và theo một quy trình có tổ chức. Nhờ người em ruột làm đơn bảo lãnh, tên của ông Tâm đã được cho vào danh sách ODP. Tuy nhiên, đây chỉ là một danh sách chờ đợi vì năm năm sau nó vẫn còn cả 600.000 ngàn người chưa được Việt Nam duyệt xét. (Về sau, Mỹ và Việt Nam còn thoả thuận thêm một chương trình nữa là HO, Chương trình ra đi nhân đạo, dành cho những người bị đi tập trung cải tạo trong nhiều năm. KĐ).

Đằng sau hậu trường, nhiều nhân vật quan trọng đã hết sức bận rộn vì hồ sơ của Phạm Minh Tâm. Cựu hiệu trưởng/tư lệnh West Point, tướng Knowlton, đã khiếu nại trường hợp của Tâm với đại tướng John W. Vessey Jr., cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, bấy giờ là phái viên tổng thống. Ông này đang dự kiến ​​tới Hà Nội để bàn về các vấn đề tù binh và quân nhân mất tích (POW-MIA). Một cựu sinh viên West Point khác ở Thái Lan cũng đã trực tiếp gặp gỡ để vận động Vessey. Trong một phiên đàm phán, tướng Vessey đã trao cho Bộ trưởng Ngoại giao của Việt Nam một phong bì. Bên trong chính là hồ sơ tỵ nạn của Tâm.

Vào 10 giờ 45 phút tối ngày 31 tháng 5 năm 1991 Phạm Minh Tâm đã trở Mỹ lại sau 17 năm cách biệt. Cùng đi định cư, có bà Kim Chi, hiền thê của ông. Hồi tưởng, Tướng Vessy không chắc điều gì đã làm cho chính phủ Việt Nam giải quyết hồ sơ của Tâm. Còn McBrayer thì lại rất khiêm nhường, bảo rằng ông chỉ có một vai trò nhỏ, không đáng kể. Tuy nhiên, một người bạn của bọn họ đã bảo rằng ngày mà West Point chọn Tâm và McBrayer ở chung phòng trong ký túc xá là ngày may mắn nhất trong đời của Phạm Minh Tâm.

Bây giờ, ở độ tuổi tứ tuần, những người đàn ông của West Point, khóa 1974, đang đạt được những bước tiến quan trọng trên con đường danh vọng. Khoảng 400 người trong số họ vẫn còn mang quân phục, cấp tá. Khoảng 70 đến 80 người sẽ sớm chỉ huy các tiểu đoàn. (Đây là một chức vụ tối quan trọng cho một sĩ quan cấp tá của lính Mỹ. Tiền đồ có lên tướng hay không bị chức vụ này chi phối không ít. KĐ). Nhiều người trong bọn họ đã rời khỏi quân đội và đã thành công trong kinh doanh và nghề nghiệp.

Thế nhưng, trong sáu tháng đầu tiên ở Mỹ, Pham Minh Tâm thậm chí không thể kiếm được một công việc rửa sàn nhà. Mùa thu năm ngoái, cuối cùng, ông cũng tìm được việc làm trợ giảng tại trường trung học Cardozo, một ngôi trường trong khu dân nghèo ở vùng tây bắc thủ đô. Tuy đã xa nhưng ông vẫn chưa bỏ Việt Nam ở đằng sau: Ông đang giúp đỡ những đứa trẻ Việt Nam mới định cư, nhiều người trong số họ là con lai, di sản của những cựu chiến binh Hoa Kỳ. Hợp đồng một năm của Tâm, với suất lương $15.900 một năm, sẽ hết hạn vào tháng Chín. Vợ của ông làm việc như một người phục vụ tại gia, chăm sóc cho một bà già trên xe lăn.

Hai vợ chồng Phạm Minh Tâm ở chung một căn phòng nhỏ với những bức tường loang lổ, bao gồm một chiếc giường kép và trang bị nội thất rẻ tiền. Trong 20 ký lô hành trang từ Việt Nam - ngoài số quần áo, bằng tốt nghiệp West Point, còn có những cuốn băng, cuốn sách với những bài thuyết pháp yêu thích của các thiền sư Phật giáo. Từ họ, Tâm đã học được năng lực khác thường để chấp nhận cuộc đời một cách bình tĩnh. "Bạn có thể đặt một quả bom dưới anh ta," em gái của ông nói đùa, "và anh ấy sẽ không nhảy."

Pham Minh Tâm dường như không có bất kỳ sự cay đắng nào về những năm tháng trôi qua. "Đó là điều dễ hiểu," Tâm nói. "Nó giống như một vết thương. Không ai muốn mở nó ra. Tại sao chúng ta phải?" Người lính chịu đựng sáu năm tù đã nói như một triết gia thanh thản. "Tôi không đổ lỗi cho bất cứ ai. Nếu tôi ở lại đây sau khi tốt nghiệp, tôi đã giàu có và thành đạt, nhưng tôi sẽ không có một tinh thần như bây giờ."

Nói thì nói thế, sự giác ngộ chánh quả đã không loại trừ hoàn toàn những thú vui trần tục. Với những món quà từ bạn bè và số tiền kiếm được, vợ chồng Tâm cũng đã có được niềm đam mê tiêu dùng của người Mỹ. Họ mua một tivi màu Toshiba và một máy VCR. Cuốn băng họ thích xem hàng ngày có hình ảnh Quân đoàn sinh viên diễu hành dưới bầu trời xanh rõ nét, có mệnh lệnh vang vọng khắp khu vực duyệt binh tại học viện West Point.

Ông Tâm và phu nhân được mời làm khách danh dự trong một trận bóng giữa West Point và Harvard. Khi xong nửa trận đấu, người xướng ngôn giới thiệu Tâm cùng khán giả. Quân đoàn sinh viên đã đứng dậy và vỗ tay nhiệt liệt. Tư lệnh West Point đã trao cho ông một huy chương đồng có dòng chữ "Welcome home" (Chào mừng bạn về nhà).

Chưa hết, những người bạn của Tâm bây giờ còn có một nhiệm vụ khác. Họ đang làm việc với Dân biểu Jack Reed, cựu sinh viên West Point khoá 1971, để thông qua Quốc hội một dự luật riêng, cho phép Tâm trở thành công dân Mỹ mà không phải chờ đợi và theo các thủ tục hành chính. (Dự luật riêng -- private bill -- là một đạo luật quốc hội thông qua nhưng mục đích của nó dành cho một cá nhân cụ thể (bao gồm pháp nhân) chứ không phải chung cho cả nước như các đạo luật bình thường. Nhiều dự luật tư nhân giải quyết vấn đề nhập cư như cấp quyền công dân hoặc thường trú nhân. KĐ).

Hội cựu sinh viên West Point đã tặng ông một chiếc nhẫn vàng được khắc với dòng chữ, "Niềm tự hào của Quân đoàn '74." "Ồ. Ồ," Tâm nói, lắc đầu khi nhận ra đó là gì. Ông thì thầm, "Tôi rất vinh dự." Hogan giúp Kim Chi đeo nhẫn vào ngón tay chồng. Cả khán phòng nổ ra tiếng vỗ tay. Phạm Minh Tâm rạng rỡ như như một thiếu sinh quân trong ngày lễ đeo nhẫn 20 năm trước.

(Lượt kể lại bài phóng sự ba phần của Christopher Scanlan, Washington Post, 1992)

***
Ghi chú thêm của KĐ: Tác giả đã kể lại khá chi tiết về sự vận động của các cựu sinh viên West Point cho ông Tâm được sang Mỹ. Ông cũng đã kể lại nhiều chuyện trong những ngày ông Tâm làm việc tại trường trung học Cardozo. Đó là những câu chuyện về hội nhập, về những cú sốc văn hoá, và về sự tranh đấu để sống còn trong lương tâm của một con người. Tôi chọn không đăng lại vì nó quá dài.

Phạm Minh Tâm bị xe tông khi băng qua đường cao tốc ở Gaithersburg, Maryland vào ngày 10 tháng 2 năm 2019. Hai tuần sau đó ông bị chết vì vết thương trở nên trầm trọng. Ông được an táng tại Nghĩa trang Học viện Quân sự Hoa Kỳ, West Point, New York, hưởng thọ 70 tuổi.


No comments:

Blog Archive