Wednesday, March 25, 2020

Để nhớ về những ngày sau 30-04-1975

Rồi đời thằng Ba mươi

Phạm Quang Trình 

Tên thật hắn là Nguyễn Văn Tắc, thứ ba trong gia đình, nhưng người ta không gọi hắn là Ba Tắc mà lại gọi là Ba Chỉa vì hắn là “Thằng Ba Muơi” thứ thiệt đón gió trở cờ theo Việt Cộng sau ngày 30 tháng 4. 

Khoảng thời gian ấy, giới đồng bào đi buôn bán nông phẩm, thực phẩm tử miến Định Quán, Gia Kiệm, Long Khánh phải “đối đầu” với hắn, một tên Trưởng Trạm Kiểm Soát ác ôn do Việt Cộng dựng nên. Người ta lại gọi hắn là thằng Ba Chỉa, ngụ ý xỏ xiên cho hắn là thứ chôm chỉa, trộm cắp, cướp của đồng bào. Người hắn nhỏ con, gầy guộc, mặt choắt lại, mắt lại lé, nhưng dáng di rất nhanh nhẹn, luổn chạy rất tài. Thời còn “Mỹ Ngụy”, tới tuổi quân dịch, bao lần bị Cảnh Sát an ninh rượt bắt, Tắc luổn tránh như không. Về cái khôn lanh thì cũng không mấy người bằng hắn. Người ta bảo: “nhất lé, nhì lùn, tam hô, tứ hói” thì hắn chiếm cái thứ nhất và cái thứ nhì. Chả vậy mà khi thấy phe Quốc Gia chạy thua tới Long Khánh, hắn đả hùa theo đám du kích địa phương để tham gia bộ đội giải phóng và đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì hắn nghiễm nhiên trở thành người của “Cách Mạng”. Đi đâu, hắn cũng xách kè kè khẩu súng AK và mang một miếng băng đỏ cái trên cánh tay áo để ngầm nói cho bà con biết hắn là người của Cách Mạng thứ thiệt chứ không phải là mấy “Thằng Ba Mươi” như bà con thường gọi xỏ xiên mấy tên trở cờ đón gió. Nhưng đồng bào tại xã Trảng Bom, chẳng ai nói ra, họ cũng đều biết hắn là “thằng ba mươi trốn quân dịch”. Điều đó đến tai Ba Chỉa nên hắn cắm tức, muốn làm cho bà con biết con người của hắn.

Xã Trảng Bom thời “Mỹ Ngụy” chẳng có gì nổi tiếng và đặc sắc, ngoài cái gọi là miền rừng có đồn điền cao su của Tây. Rừng cao su la liệt, bát ngát, xanh tươi. Năm 1956, nhận thấy khung cảnh đẹp, có thể làm mẫu mực trong việc phát triển ngành lâm sản, Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa đã tổ chức Ngày Trồng Cây Toàn Quốc và đích thân Tổng Thống Ngô Đình Diệm về chủ tọa buổi lễ ấy. Dân chúng khắp vùng Hố Nai, Gia Kiệm đã về dự đông đảo. Nhưng biến cố vẻ vang nhất thời ấy đã qua đi mau chóng để rồi sau những xáo trộn của hậu trường chính trị phe quốc gia, Chính phủ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, các chính phủ kế tiếp chẳng làm nên trò trống gì ngoài cái việc chuẩn bị cho một chính phủ đầu hàng Cộng Sản, và xã Trảng Bom đã trở thành vùng đất bất an, ngày Quốc Gia, đêm Việt Cộng.

Sau ngày Miền Nam được “giải phóng”, xã Trảng Bom đưới mắt nhà cầm quyền mới là một khu vực quan trọng về kinh tế với đồn điền cao su, với ruộng đất canh tác hoa mầu, có thể tạo ra nhiều nông sản cho kỹ nghệ cũng như thực phẩm cho nhân dân. Về phương diện giao thông, xã Trảng Bom nằm giữa Quốc lộ 1 từ Đà Lạt, Lâm Đồng, Định Quán, Long Khánh về Hố Nai, Biên Hòa, Sài Gòn. Giữ được vị trí quan trong ấy thì chính quyền có thể kiểm soát mọi ngành hoạt động của dân chúng từ Cao Nguyên về Miền Đông.

Trong bốn năm ở Xã Đội Du Kích, Ba Chỉa đã làm cho những tay có máu mặt trước kia tại địa phương mất ăn mất ngủ. Bao tên buôn gạo, bao tên buôn đồ Mỹ trước kia đều bị hắn tố cáo phải chạy đi vùng Kinh Tế Mới cho bằng sạch. Mấy ông Cảnh Sát Tài Nguyên thời Quốc Gia đã lo di chuyển sớm ngay từ những ngày đầu vì sợ hắn trả thù. Ông nào muốn yên thân thì phải lo móc ngoặc với thượng cấp của hắn thì mới yên. Từ đó, bà con trong xã ai cũng ngán. Thành tích của Ba Chỉa quả thật lớn lao đối với chính quyền cách mạng. Huyện Ủy Thống Nhất dư biết điều đó nên đã chỉ thị cho Chi Bộ Xã Trảng Bom gọi hắn lên để biểu dương:

- Từ ngày Miền Nam được giải phóng, cũng như từ ngày nhân dân huyện Thống Nhất hợp lực với Mặt Trận và Bộ Đội Giải Phóng xây dựng tổ chức chính quyền địa phương, đồng chí đã thực hiện được những thành tích thật xuất sắc. Đảng đánh giá cao khả năng và tinh thần của đồng chí. Với đề nghị của Ủy Ban Mặt Trận, chúng tôi quyết định cho đồng chí trở thành đảng viên tập sự. Vậy yêu cầu đồng chí hãy tỏ ra là có tinh thần cách mạng hơn trong việc thực hiện những công tác cụ thể, đạt chỉ tiêu kế hoạch mà cấp trên giao phó, thẳng tay vạch mặt bọn thầy tu đội lốt tôn giáo. Mặt khác, đồng chí phải tỏ ra dứt khoát lập trường của mình. Vô Đảng là không chấp nhận một thứ tôn giáo nào hết. Đồng chí biết chứ? Tôn giáo là thứ thuốc phiện ru ngủ loài người. Phải đập tan mọi thứ tôn giáo. Lập trường dứt khoát đứng đắn, khả năng phục vụ gỉỏi, Đảng sẽ giao cho đồng chí những trách vụ quan trọng hơn.  

Ba Chỉa sung sướng, xoa tay khúm núm thưa:
- Em xin thành thật cám ơn đồng chí Bí Thư. Em nguyện sẽ hết mình phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Đồng chí chỉ thị điều gì, em nguyện sẽ chấp hành nghiêm chỉnh lệnh của đồng chí.

- Được. Đồng chí có thể về và ráng sinh hoạt tốt với nhiệm vụ trong Xã Đội.

Ba Chỉa “Dạ” một tiếng rồi lui bước. Hắn tự nghĩ để chắc đường tiến thân, hắn phải làm những công tác cụ thể, mà trước hết là tại gia đình. Hắn tức tốc về bảo với mẹ:

- Má…

- Cái gì mầy?

- Má dẹp ngay cái bàn thờ kia đi giùm tui. Ông Phật với Bà Quan Âm má đem giục đi chỗ khác. Tui được vô Đảng rồi. Má dẹp ngay đi thì tui mới tiến thân được…

Bà mẹ Ba Chỉa vốn biết tính thằng con lăng xăng lếch thếch, chuyên tọc mạch chỉ người nọ, bới móc người kia, cả làng xóm ai cũng kêu, cũng ghét. Nhưng vì nhờ nó kiếm ăn nuôi gia đình bà cũng đỡ, nên bà không nói gì. Đôi khi tiếng người đến tai bà, nhưng bà cũng làm ngơ. Giờ này, nghe nó đòi dẹp bàn thờ Phật khiến bà nóng máu lên, bà la rầm:

- Mầy vô Đảng thì mặc xác mày, chớ tao có vô đâu. Tao thờ Phật, thờ Ông Bà kệ tao. Tao không dẹp. Mầy muốn làm gì thì làm…

Thấy bả phản ứng bất ngờ, Ba Chỉa sợ lối xóm chạy qua e khó coi, liền đấu dịu lại:
- Thôi cũng được, tui yêu cầu má dẹp vô trong phòng má. Còn gian ngoài thi để tui treo cờ Đỏ và trưng ành Bác Hồ.

Từ hôm đó, Ba Chỉa ra sức lập thành tích. Bao nhiêu những thanh niên đến tuổi thi hành nghĩa vụ quân sự tại xã Trảng Bom đều phải trình diện đăng ký. Tên nào trốn tránh, Ba Chỉa vô tận nhà bắt. Với kinh nghiệm từng trốn quân dịch thời “Mỹ Ngụy”, Ba Chỉa biết rành rọt những chỗ trốn chui của bọn thanh niên. Vì thế hắn đi rình bắt không một tên nào thoát. Một tối kia, Ba Chỉa đi lang thang vào xóm để kiếm đồ nhậu cho mấy tay đàn anh, thì nghe có tiếng người bên đường gọi lại:

- Anh Ba! Anh Ba!

- Ai đó?

- Ba Chỉa chưa hỏi hết câu thì từ phía bụi rậm bên kia đường, mấy tên lạ mặt ùa ra, lấy mền trùm lên đầu hắn rồi đánh đấm túi bụi. Ba Chỉa nằm gục xuống đất, không kịp phản ứng, chỉ biết kêu la ầm ĩ.

- Đụ má tụi bây… Bà con ơi! Nó uýnh tui…

Bà con trong xóm chạy ùa ra thì mấy tên lạ mặt đã luổn trốn đâu mất. Một bà đứng tuổi lên tiếng hỏi:

- Cái gì đó Ba?

- Đù má. Không biết tụi nào nó rình rồi trùm mền uýnh tui…

- Có sao không?

- Dạ, cũng không sao…

Hắn nói thế chớ mặt hắn sưng vù. Miệng chảy máu vì môi vập vào răng khi mấy tên lạ mặt đè dí đầu hắn xuống đất. Hắn thấy miệng đau, nước bọt có mùi mằn mặn, vội khạc nhổ xuống đất. Nhìn bãi nước bọt, Ba Chỉa nói nhỏ:

- Ồ. Chảy máu mồm. Đù má ! Được rồi tụi bây biết tay tao…

Có người soi đèn thấy vết máu chảy loang trên mặt đất. Ba Chỉa liền bỏ đi, vừa lẩm bẩm chửi thầm. Thỉnh thoảng lại mút nước miếng nhổ xuống đất đánh toẹt một cái trong khi nghe bên tai có tên nào từ xa nói kháy vọng lại:

- Đù má. Cho đáng đời cái thằng Ba Chỉa!

                                                             *       *
                                                                  *

Sau trận đòn bất ngờ, Ba Chỉa căm hận muốn trả thù bọn thanh niên trong xã nhưng ắn không biết nhóm thằng nào. Mấy tên có máu mặt tiền bạc thì đã móc ngoặc với trưởng Công An xã nên hắn được lệnh không được sớ rớ tới. Và thật ra thì Ba Chỉa cũng được mấy tên này đấm mõm, mời nhậu và dúi cho chút đỉnh gọi là giúp tiền mua thuốc hút. Một ngày kia, Ba Chỉa lại được Trưởng Phòng Công An Huyện Thống Nhất gọi lên. Hắn e ngại không biết có chuyện gì thì đồng chí Trưởng Phòng đã trấn an trước:

- Phòng Công An huyện mời đồng chí lên để giao cho đồng chí công tác mới…

Hắn há hốc miệng và chưa biết nói gì thì Trưởng Phòng nói tiếp:

- Đồng chí biết không? Xã Trảng Bom thuộc Huyện Thống Nhất mình giữ một vị trí rất quan trọng trên trục lộ giao thông từ Đà Lạt, Lâm Đồng, Định Quán, Long Khánh về vùng Hố Nai, Biên Hòa và thành phố Hồ Chí Minh. Bao hàng hóa, nông sản, lâm sản, hải sản từ các miền ấy và miền Thuận Hải chuyên chở về đều phải dùng quốc lộ I, nghĩa là đi qua xã này. Sau khi hoàn tất kế hoạch đập tan bọn tư sản mại bản, dẹp chế độ buôn bán tự do của bọn chúng, thì bọn này lại tìm cách tẩu tán hàng hóa đồng thời kiếm ăn bằng cách đi thu mua lén nông phẩm như bắp, khoai mì, cà phê, lúa gạo, cá khô vân vân để đầu cơ kiếm lời. Hành động ác ôn của chúng làm cho kế hoạch thu mua của nhà nước gặp trở ngại. Do đó, nhà nước quyết định cho thiết lập các Trạm Kiểm Soát Thuế Vụ trên khắp lãnh thổ, đặc biệt là trên các trục lộ giao thông để thanh toán bọn buôn chui, bọn đầu cơ tích trữ. Tại huyện Thống Nhất, xả Trảng Bom là địa điểm quan trọng và công tác coi Trạm Kiểm Soát này được Đảng giao cho đồng chí.

Ba Chỉa vẫn ngồi nghe với sự hồi hộp. Thấy công tác có vẻ quan trọng, hắn thưa:
- Đồng chí ra lệnh, em đâu dám chối từ. Chỉ e rằng một mình em làm không nổi.

Trưởng Phòng trấn an:
- Sẽ có thêm Công An và Du Kích phụ lực với đồng chí. Điều cần yếu là đồng chí phải làm việc hết sức mình. Kiểm soát thật gắt gao. Còn khả năng của đồng chí thì Huyện Ủy theo dõi các công tác của đồng chí làm, đã đánh giá đúng.

Ba Chỉa tỏ ra khiêm tốn:
- Nhưng em ít học, không biết có làm trọn bổn phận hay không.

Trưởng Phòng giải thích:
- Học cao mà làm gì? Hồ Chủ Tịch đã bảo: “Trí thức không bằng cục phân. Phân còn đem bón lúa chứ trí thức là đồ vất đi.” Đảng không thèm dùng mấy cái thằng bẩn thỉu ấy. Chỉ có những phần tử, những đồng chí chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của Đảng mới là những thành phần tốt, mới đáng kể. Đồng chí không thấy bọn Mỹ Ngụy sao? Cử Nhân, Tiến Sĩ, Tướng Tá, Trí thức thiếu gì… Đem vất vào sọt rác cho hết. Ta tấn công có mấy trận mà chúng đã bỏ chạy. Còn Đảng ta, từ Trung Ương, Bộ Chính Trị, đến các Đảng Bộ địa phương có học hành gì đâu mà ta đánh đâu là thắng đó. Dốt nát như các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp lãnh đạo nên nhân dân ta mới có ngày hôm nay đấy chứ. Đồng chí nhớ ra không? Cứ chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh Đảng là xong.

- Dạ.

Đồng chí Trưởng Phòng nhấn mạnh thêm:
- Với lại vấn đề khác nữa là Đảng luôn luôn tỏ ra đãi ngộ các đồng chí mẫn cán làm việc tích cực cho Đảng. Bộ phận Kinh Tế 3 của Sở Công An tình Đồng Nai sẽ cho người phối hợp chặt chẽ với đồng chí. Tất cả những đồ lậu tịch thâu được, Nhà Nước sẽ cho mình hưởng một phần ba. Vậy đồng chí ráng làm việc tích cực sao cho tốt để ngành Công An của mình được Trung Ương đánh giá cao.

- Dạ, em xin tuân lệnh.

Ba Chỉa ra về lòng đầy hân hoan khoái trá. Hắn mường tượng rồi hình dung ra Trạm Kiểm Soát của hắn ở một cái chốt quan trọng. Hắn ngồi ở phòng có quạt máy chạy rè rè. Ở đó, sẽ có ít nhất hai đồng chí Công An phụ giúp và hai Du Kích địa phương giữ gìn an ninh trạm. Hàng trăm xe đò, xe vận tải sẽ lần lượt phải dừng lại trình giấy và hắn sẽ khám xét kỹ càng. Có những tên buôn lậu xanh máu mặt nhìn hắn, khúm núm lạy lục xin hắn tha và hứa sẽ đền ơn. Hắn sẽ tịch thâu thẳng cẳng để được chia một phần ba những món hàng tốt. Còn những món hàng nào tầm thường thì hắn sẽ cho bọn đàn em khám xét ăn chút đỉnh để gọi là có ăn có chia. Mặt khác phải đối xử tử tế với đồng chí Trưởng Phòng và thượng cấp của đồng chí để được che chở nếu có những chuyện rắc rối xẩy ra sau này.

Điều Ba Chỉa mơ tưởng đã trở thành hiện thực, vì chỉ một tuần sau, Phòng Công An phối họp với Ban Thuế Vụ dựng nên một cái Trạm Kiểm Soát bằng hai gian nhà nhỏ lợp tôn cũ với vách ván sơ sài ngay tại xã Trảng Bom cạnh Quốc lộ I bên mé rừng cao su. Ba Chỉa nhận giấy tờ về làm Trưởng Trạm có thêm hai Công An phụ giúp và hai tên Du kích từ Xã Đội gửi qua hằng ngày để giữ gìn an ninh trật tự. 

Từ đấy, ngày đêm hai mươi bốn tiếng đồng hồ, Ba Chỉa làm việc chặt chẽ, không một xe hàng buôn lậu nào thoát khỏi con mắt lé của hắn. Hàng trăm xe vận tải đã lặng lẽ xếp hàng nối đuôi nhau để đích thân Ba Chỉa và hai tên Công An trèo lên khám. Hàng lậu đều bị tích thu đem lên Phòng Công An giữ cho an toàn. Bà con đi buôn chui than trời như bọng. Và người ta không ngờ rằng cái thằng “ba mươi trốn quân dịch” chỉ sau mấy năm được “Cách Mạng” chiếu cố đã trở nên một hung thần có một không hai ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Người người bị khám xét. Hàng hóa bị tịch thâu từ bao bắp đến gói cà phê nhỏ. Tất cả đều là đồ quốc cấm, bị tịch thâu không sót một loại nào. Thấy hành động ác ôn của hắn, bà con đi buôn chui liền tặng cho hắn cái tên Ba Chỉa từ đấy. Cả huyện Thống Nhất và tất cả những người đi buôn dọc Quốc lộ I từ Miền Đà Lạt, Lâm Đồng, Long Khánh về Biên Hòa đều gọi hắn là thằng Ba Chỉa. Hắn chôm chỉa cho hắn, cho công an, cho cách mạng đồng bào không cần thắc mắc. Họ chỉ biết hắn là tên ác ôn bóc lột thế thôi.

Có mấy người đi buôn ngồi trên xe chờ cho Trạm kiểm Soát của Ba Chỉa khám, nói chuyện với nhau. Một ông giả vờ ngây thơ:

- Tại sao Chánh Quyền Cách Mạng lại dùng mấy cái thằng ác ôn đi cướp của đồng bào cà? Cách Mạng là phải dùng người tốt, đàng hoàng chớ!

Ông chưa nói hết câu thì một bà Bắc Kỳ di cư chặn lại:
- Sao mà ông lại ngớ ngẩn thế. Cộng Sản nó có bao giờ lại dùng người tốt như ông nói. Hồi ở ngoài Bắc, chúng tôi đã có quá nhiều kinh nghiệm rồi. Khi Việt Minh lên, nó dùng toàn những tên đầu trộm đuôi cướp, những tên đào cua bắt ốc, làm con sen con ở. Phong cho chúng nó mấy cái chức chủ tịch là chúng nó làm chí chết. Có nhờ chúng bới móc, nên bọn Việt Minh cái gì chúng cũng biết. Hồi đó, mấy bà ở ngoài Bắc đi chợ qua trạm kiểm soát, bị nó tịch thu hết đồ. Hễ nó bào là đồ Đế Quốc là nó tịch thu. Đến nỗi có bà đi chợ mua mắm tôm, không biết giấu vào đâu, đã phải gói lại, buộc dây bỏ lủng lẳng vào trong váy đụp mà đi qua trạm nó mới không thấy. Ở Miền Nam, giờ này, Việt Cộng nó làm y hệt như hồi ờ ngoài Bắc. Nó lại tiếp tục dùng những thằng ma cô mất dạy, đầu trộm đuôi cướp, không lé thì cũng cà thọt. Có vậy nó mới dễ trị. Tôi hỏi ông chớ những người đàng hoàng có ai dám đi bới móc, vu khống chuyện ác ôn cho người khác không?

Nghe bà nói, ông kia chỉ biết há hốc miệng.

*     *
*

Sự hiện diện và hành động ác ôn của Ba Chỉa tại Trạm Kiểm Soát Trảng Bom đã làm cho giới bà con buôn chui phải điều đứng. Dưới ánh nắng nồng nực của buổi trưa hè, hàng trăm xe nối đuôi nhau cho hắn khám. Người nào khéo giấu thì mới thoát, còn tất cả đều bị tịch thâu. Bà con tự nhủ “đói thì đầu gối phải bò”. Không đi buôn chui buôn lủi thì lấy gì mà ăn. Tất cả những phương tiện sản xuất làm ăn, Nhà Nước Cách Mạng đều tịch thu hết cả. Ngay những giới làm công cho Nhà Nước cũng không đủ sống. Lương giáo viên chỉ mua được mười quả trứng vịt. Lương công an thi ăn được năm tô phở… Thế nên những tên có chức quyền của nhà nuớc xã hội chủ nghĩa phải tham nhũng. Còn dân thì phải lo buôn chui.  Rõ ràng xã hội mới đã tạo nên những con người mới, đói khổ, mánh mung, kể cả việc làm nghề “bất lương” để kiếm sống. Nhưng buôn chui cũng đâu phải dễ dàng gì. Dọc quốc lộ, chỉ có một con đường duy nhất là phải qua Trạm Kiểm Soát, biết làm sao? Thế nhưng, trong lúc cùng cực, con người lại hay có óc sáng tạo. Cùng tắc biến, biến tắc thông!

Ở miệt Long Khánh, trong một rẫy kia, vườn sắn vừa được nhổ lên mấy tấn củ mì đã được bốc chuyển lên mấy xe hàng, nhưng tất cả bà con còn đứng đó. Anh tài xế và người lái buôn đang bàn tính một chuyện gì quan trọng. Người lái buôn hỏi anh tài:

- Ông đã nghĩ ra kế làm sao chạy lọt qua được Trạm Kiểm Soát của thằng Ba Chỉa chưa?

Anh tài xế ngần ngừ với nét mặt đăm chiêu:
- Kể ra nếu chỗ Trạm Kiểm Soát ít xe thì mình lấy hết tốc lực chạy ào qua mặt Trạm thì sức mấy chúng đuổi kịp.

Người lái buôn tỏ ra thông minh hơn:
- Tôi ngại là chúng bắn súng và cho xe rượt đuổi thì nguy to. Ông thử nghĩ xem còn cách nào khác hay hơn không?

Anh tài xế lại ngần ngừ, rồi đăm chiêu suy nghĩ. Bỗng dưng nét mặt anh sáng lên:
- Ngày trước tôi là lính Địa Phương Quân đóng ở Miền Trảng Bom, có lần đi hành quân vô sau rừng cao su, tôi thấy phía trong rừng có đường mòn, xe chở mủ cao su của sở vẫn chạy. Bây giờ nếu mình chạy gần đến Trạm, cách khoảng một cây số rồi mình kiếm đường vô rừng cao su, đi bọc sau Trạm thì may ra có lối thoát.

Cái sáng kiến bất ngờ của anh tài xế quả thật đã mở cho giới buôn chui một sinh lộ. Hàng trăm xe vận tải, không ai bảo ai, đã âm thầm lầm lũi, chui vào rừng sâu, rồi bọc phía sau Trạm. Và người ta nhớ đến những lần chuyển quân và lương thực của Việt Cộng từ Bắc vào Nam trên đường mòn Hồ Chí Minh để tránh bom đạn của phe Quốc Gia Việt - Mỹ. Giờ này, Mỹ cút, Ngụy nhào rồi, Cách Mạng lên cầm quyền thì cuộc sống làm ăn chui lủi của đồng bào trở nên khốn khổ vì sự tấn công bóc lột của những tên Việt Cộng ác ôn mới. Cách Mạng về thành phố thì dân phải chui vô rừng sâu. Đúng “Cách Mạng là đổi đời” không còn chút nào sai lầm. Và Đảng đã không lầm. Chỉ có dân chúng lầm lỡ tin Đảng nên giờ mới chết!

Cái khám phá “vĩ đại” tuy đã cứu thoát cho bao người con buôn nhưng đã gieo vào lòng Ba Chỉa và đám Công An ở Trạm Kiểm Soát Thuế Vụ mối nghi ngờ. Hắn lấy làm lạ rồi tự hỏi sao các xe vận tải chở bắp, chở mỉ, chở đậu bỗng dưng vắng ngắt? Con mắt lé của Ba Chỉa đã láo liên tìm kiếm nguyên nhân mà vẫn chưa ra được giải đáp. Cả tuần nay rồi, đường xá không còn nhộn nhịp như trước nữa. Mấy cái xe hàng chở khách qua Trạm chẳng có gì là quan trọng. Trèo lên mui, lục dưới gầm ghế cũng không kiếm ra hàng lậu. Loáng thoáng khách di đường, cùng mấy đứa con nít, mấy bà bầu.

Ba Chỉa đâm thắc mắc hỏi đồng bọn trong Trạm:
- Tuần này sao vắng hết xe hàng chở đồ lậu. Tụi bây thấy có lạ không cà?

Thằng du kích ngây thơ trả lời:
- Tại tụi mình làm mạnh nên tụi nó sợ.

Ba Chỉa tỏ ra nghi ngờ:
- Chưa chắc. Tao nghĩ tụi nó có cách nào mà mình hổng hay.

Trưa nắng, mấy thằng Công An ngồi buồn ngáp ruồi. Ngoài đường xe vắng tanh. Nhưng giữa cảnh im lìm đó, Ba Chỉa thính tai nghe như có tiếng ù ù gì ở đằng xa, như tiếng xe lửa mà lại như không phải. Hắn ngồi ngả ra ghế mơ mơ màng màng. Nhưng rồi hắn cảm thấy khó chịu đau bụng, liền đi sâu vào trong hàng cao su, kiếm một lùm cây khuất để đi đại tiện. Cái tiếng ù ù có vẻ gần hơn y hệt tiếng xe vận tải, chạy chậm chạp. Linh tính báo cho Ba Chỉa biết rằng có xe chạy ù ù trong đó. Chẳng lẽ xe Bộ Đội? Đại tiện xong, hắn kéo quần đứng dậy, chạy một mạch về Trạm, xách khẩu AK, rồi gọi thêm thằng du kích:

- Út, mầy di với tao.
- Đi đâu?
- Vô rừng.
- Bắn chim hả?
- Không. Thì cứ vô.

Hai tên liền đi thẳng vào phía rừng cao su, sâu chừng hai cây số. Qua những lùm cây rậm rạp, Ba Chỉa thấy thấp thoáng những chiếc xe vận tải chở hàng lậu nối đuôi nhau. Hai đứa ngồi xuống quan sát, từng mấy chục cái cứ lầm lũi đi từ từ rồi bọc ra phía lộ. Ba Chỉa lẩm bẩm: “Thảo nào, mình không thấy nó!”

Hắn muốn ra lệnh cho tất cả các xe đó phải ngừng lại, nhưng thấy lực lượng của hắn chỉ trơ trọi chỉ có hai đứa với hai khẩu súng AK nên lại thôi. Ba Chỉa liền bảo thằng du kích:

- Út, mầy thấy không?
- Thấy.
- Tụi mình chỉ có hai thằng ở đây không làm gì được. Để tao thị uy cho chúng một phát.

Nói xong, Ba Chỉa giơ súng chĩa về đoàn xe, bắn một tràng nổ ran. Đám dân buôn lậu hè nhau kêu mấy anh tài xế nhấn ga chạy tán loạn.

Ba Chỉa về báo cáo với Phòng Công An cho tăng cường thêm hai du kích mỗi ngày canh gác ở phía sau rừng. Xã Đội Du Kích Trảng Bom được lệnh phái qua hai tên. Từ tờ mờ sáng, khi sương đêm còn đọng ướt trên các lùm cây bãi cỏ, thì hai tên du kích lặn lội vào phía miệt rừng canh gác, bắn súng thị uy không cho đoàn xe chở hàng lậu chạy nữa.

Trời trưa nắng, khát khô cả cổ, mà mưa cũng chẳng có chỗ nào trú, hai tên du kích nói với nhau:

- Đù má thằng Ba Chỉa hại tụi minh. Đù má nó làm tàng, làm phách, tâng công với Đảng, chớ nó ăn thấy mẹ.

- Sao mầy biết?

- Cả cái Huyện Thống Nhất này ai lại không biết cái mặt thằng Ba Chỉa. Cứ nghe cái tên người ta đặt cho nó thì đủ rõ…

- Hèn chi

- Tao đi Du kích Xã đội, bà con tao ở biên Hòa đi buôn có mấy bao bắp bị bắt ở Trạm, tao xin nó cũng không cho. Đù má, tao đang tính kế cho nó một trận.

Thằng kia đưa ý kiến:
- Uýnh nó đâu phải dễ. Mấy lần trước, có mấy thằng trùm mền đập nó, nó đâu có ngán. Tính nào lại tật nấy, mà coi bộ nó còn hung hăng hơn.

- Thế mầy tính sao?

- Tao á? Đù má nó ăn, thì tao cũng muốn tụi mình kiếm chút chớ. Mầy coi, lương du kích sao đủ sống. Mà mầy coi, hai thằng ngày ngày ra nằm sương nằm nắng, chẳng có sơ múi gì. Còn nó, làm phách như một ông tướng. Mà tại sao mình mất công hả? Đù má cứ cho tụi buôn lậu đi và bảo nó chia cho mình chút đỉnh có sao không?

- Ừa, mầy nói có lý. Nhưng cáì quan trọng là làm sao canh được thằng Ba Chỉa.

Thằng kia quả quyết:
- Tao chịu trách nhiệm canh nó. Còn mầy lo bắt mối với mấy thằng tài xế và mấy cha, mấy mẹ đi buôn nghe.

Kế hoạch làm ăn của hai tên Du Kích thành công. Dân buôn chui được chúng móc nối liền “OK” cái rụp. Bởi có ăn có chia, luật đời mà. Chớ đừng có ăn quá, mất hết lộc của người khác. Có điều hai thằng Du Kích dặn kỹ dân buôn là cũng phải canh chừng:

- Mấy ông, mấy bà phải để ý mà nghe tiếng súng nghe. Có gì quan trọng, tụi này bắn súng hiệu thì ráng mà chạy, kẻo thằng Ba Chỉa nó bắt được thì phiền to.

*       *
*

Ba Chỉa vẫn làm mưa làm gió trên đoạn đường trên đoạn đường Quốc Lộ số I ngang qua xã Trảng Bom. Dân chúng ghét Ba Chỉa bao nhiêu thì Nhà Nước Cách Mạng cưng Ba Chỉa bấy nhiêu bởi vì hắn làm đúng theo chỉ thị của Đảng. Engels đã dạy: “Nhà nước là công cụ của giai cấp này để đàn áp giai cấp khác”. Công An là công cụ của Đảng, của Nhà Nước cứ chấp hành nghiêm chỉnh để đàn áp nhân dân. Chỉ có điều Đảng no, Công An no, còn bộ đội và dân chúng thì đói dài dài. Chính vì thế, có lần Bộ Đội dùng xe quân sự chở hàng lậu cho dân chúng đi ngang qua trạm Trảng Bom để ăn tiền huê hồng. Nhưng Ba Chỉa đã nhận ra sau đó. Hắn canh chừng. Xe Bộ đội đi ngang. Ba Chỉa xách súng bắn chận lại. Công An, Bộ Đội bắn nhau, đạn bay chíu chíu trên đầu. Ba Chỉa vẫn không ngán. Hắn tiếp tục tác oai tác quái và nhờ đó cái tên Ba Chỉa một ngày một nổi danh.
      
Một tuần qua, Ba Chỉa lại báo cáo lên Phòng Công An về những sự việc xẩy ra, nhất là hiện tượng Bộ Đội dùng xe quân sự chở hàng lậu cho những dân buôn lậu đê kiếm huê hồng. Công An lại báo cáo lên Tỉnh Ủy Đồng Nai và Tỉnh Ủy đã có những biện pháp gay gắt. Xe Bộ đội không còn dám đi công khai nhưng vẫn chở lén lút.

Cuộc sống mỗi ngày một khó khăn vị nạn khan hiếm thực phẩm. Nhà nước vẫn chưa có cách gì giải quyết. Tại Đại Hội Đảng lần thứ Tư, đồng chí Lê Duẩn hứa sau năm năm, dân chúng sẽ có đủ gạo và sẽ có cá, có trứng mà ăn. Đến giờ phút này, năm năm đã trôi qua, dân chúng vẫn chưa thấy trứng, thấy cả, thấy đủ gạo, mà ngay cả củ mì cũng không đủ để giải quyết các nhu cầu. Thế nên Nhà Nước cho áp dụng chính sách “Khoán Sản Phẩm”, nhưng cũng chỉ giới hạn. Dân chúng vẫn phải đi tìm kiếm sống bằng cách buôn chui. Đường Long Khánh, Biên Hòa qua trạm Trảng Bom đã trở nên căng thẳng vì sự có mặt của Ba Chỉa. Người buôn chui, kẻ bắt đồ lậu. Nhân dân và Đảng Cộng Sản. Đôi bên đấu trí nhau như hai phe đối nghịch. Nó sống thì ta chết; mà ta sống thì nó phải chết!

Đường trong rừng, nhớ có toan du kích nằm đã tạm giaỉ quyết xong. Chỉ có ít xe chạy lén lút ban đêm hay nhằm những lúc Ba Chỉa đi lên Huyện. Quốc lộ I, xe Bộ Đội cũng không còn dám nghênh ngang chở mướn nữa. Nhưng Ba Chỉa lấy làm lạ, sao một tuần nay, xe hàng nào, xe đò nào cũng có nhiều bà mang bầu đi khệ nệ. Mới đầu hắn đã tưởng thời buổi hòa bình, dân chúng có nhiều thì giờ yêu nhau, nên các bà dễ mang bầu. Qua Trạm Kiểm Soát, các bà bầu thường không phải xuống xe. Nhưng có lần Ba Chỉa đích thân lên khám, thấy các bà cứ ngồi ì trên những bao đậu xanh nên hắn ra lệnh cho tất cả mọi người đều phải xuống. Có bà mang bầu khệ nệ, không may lúc xuống xe đi bộ qua Trạm, cái bầu cứ xệ xuống. Bà khom lưng cuí đầu, lấy tay đẩy mãi nó cũng không lên. Đẩy mãi rồi kéo mãi, cái bầu thủng một lỗ và những hạt đậu xanh rào rạt rơi xuống đường trước con mắt chưng hửng của Ba Chỉa.

- À, quân buôn lậu! - Ba Chỉa hét to lên trước vẻ mặt thảm não của bà.

- Quân buôn lậu! Toàn là những bầu giả. Mấy bà làm bầu để buôn chui, tránh được con mắt của Cách Mạng à? Được rồi biết!!!

Nói xong, Ba Chỉa ra lệnh cho các tên Công An và Du kích bắt cho bằng hết. Và từ đấy có thêm một phòng khám các bà bầu ở trạm.

Hôm nay, hai giờ chiều, trời nắng gay gắt. Có một đoàn xe bị chặn ngang để khám xét. Từng mấy chục bao bắp, mấy chục bao cà phê, từng chục tấn mì được rỡ xuống để ở Trạm chờ Công An Kinh Tế 3 lập biên bản mang đi. Ba Chỉa hồ hởi vì Trạm Kiểm Soát của hắn đạt được thành tích cao. Toàn là đậu xanh với cà phê. Hơn hai chục bà đứng mếu máo trông rất thảm não! Trời vẫn nắng gắt, mồ hôi nhễ nhãi, lại khát khô cả cổ! Một cái xe hàng chạy tới tiếp để Trạm Kiểm Soát làm việc.

Ba Chỉa hăng hái ra lệnh:
- Tất cả khách hàng đều phải xuống! Tất cả các bà bầu đều phải xuống!

Mọi người đều xuống xe theo lệnh của Ba Chỉa. Thấy một bà bầu, hắn chỉ vào mặt:
- Bà kia! Vào Trạm tháo bầu ra!

- Thưa ông, tui bầu thiệt mà. Đâu phải bầu giả.

Ba Chỉa thấy lệnh của hắn bị chống lại nên gắt um lên:
- Bà còn chối hả? Vô Trạm khám!

- Dạ, tui bầu thiệt mà… Bà nói nửa như năn nỉ, nửa như mắc cở.

Ba Chỉa lại càng hung hăng gắt gao hơn:
- Bầu giả. Vô phòng khám!

Bà bầu cảm thấy như bị chạm tự ái:
- Tui hổng đi đâu hết!

Ba chỉa tức giận xông lại đẩy bà đi vô Trạm. Bà vùng vằng tức giận, quơ tay đẩy lại hắn:
- Tảo hổng đi đâu hết. Tao bầu thiệt chớ có bầu giả sao mà mầy hô khám tao?

Dân buôn lậu và những người đi đường thấy tiếng xào xáo gắt um của Ba Chỉa vội chạy bu lại một đông. Hai tên Du Kích xách hai khẩu AK lại nạt nộ:
- Mọi ngưởi dang ra!

Đám đông nhích ra một chút nhưng vẫn tò mò đứng coi. Ba Chỉa tức giận đến tột cùng vì chưa bao giờ lệnh của hắn ra lại bị chống lại như vậy. Cái con mẹ mang bầu này sao dám cưỡng lệnh hắn? Hắn quyết làm cho con mẻ phải ê mặt:

- Không vô thì đứng đó tháo bầu ra!

Bà bầu lại càng như bị chọc tức, liền vặn hỏi lại Ba Chỉa:
- Nếu tao bầu thật thì mầy bảo sao?

- Thí cứ tháo bầu ra!

Như không thể cầm được cơn giận, bà đã nhanh tay tụt hết cả quần xuống. Mọi người không ai bảo ai, cùng nhắm mắt quay đi chỗ khác kèm theo những trận cười nghiêng ngửa: Một cái bầu to tướng lộ ra và một làn da trắng bóc từ bụng xuống tới chân… Ba Chỉa cúi gầm mặt lại, hai má đỏ gay vội chạy vào Trạm. Bà bầu vẫn đứng đó, trong vẻ mặt uất hận, quên cả mắc cỡ. Bà hét to lên, giọng đầy nước mắt:

- Tổ cha, tổ mẹ thằng Ba Chỉa. Tao bầu thật, mà mầy lại bảo tao bầu giả. Mầy bắt tao cởi quần. Tao cởi cho mầy coi. Mầy không kéo quần lên cho tao thì tao hổng đi đâu nữa…

Khách qua biết chuyện nên có mấy vần rằng:

Bà con lên xứ Trảng Bom
Gặp anh Ba Chỉa nhịn cơm có ngày.
Cái đồ Việt Cộng khốn… thay:
Bắt hàng, thâu thuế, mặt mày trơ trơ!
Đàn ông khám cả “Cụ Hồ”,
Đàn bà khám cả “Con Cua xanh rì”.
Rành rành chế độ Vi Xi! 

Phạm Quang Trình
Baton Rouge 08/1987

No comments:

Blog Archive