Ngồi Buồn Nhớ Ngoại Ta Xưa | Nguyễn Ngọc Tư
(Photo: Bùi Đình Chương.)
"Lúc sinh ra là đã thấy ngoại bán tiệm rồi, cũng như đã thấy ngoại khó tánh sẵn, ngoài việc dằn mặt vụ chưng diện ra, ngoại còn làm con cháu “rè” dài dài, lên mâm cơm, ăn có chậm, hoặc vừa ăn vừa chỏi tay cạnh hàm, gác cằm lên đầu gối, ngồi chồm hổm, ngoại sẽ hát khúc “ăn kiểu đó là nghèo chết nghen”. Trong chén còn mấy hột cũng phải vét cho sạch, ngoại không thích ăn cơm mà rơi vãi ra ngoài, trái ổi, trái khế cũng đừng hòng cạp nửa bỏ nửa. Bà ngoại hay nói ăn xài huỷ của sau nầy lúc cần, hỏng có mà ăn, lời ngoại như tiên tri vậy, đúng là bây giờ bỗng dưng thèm trái ổi chát ngấm ngày xưa, kiếm được… chết liền. Giũa mấy đứa nhỏ trong nhà tơi tả, ở xóm mà chạng vạng mới chạy tới mua dầu thắp đèn, hay tới bữa cơm mới đi mua gạo, thể nào cũng bị ngoại “tụng” một trận. Ngoại không biết câu “khách hàng là thượng đế”, mà “khách hàng là con cháu tao. Không dạy để sau này thành quen, không chịu lo xa, nước tới chưn nhảy chi nửa mà nhảy”.
Đúng là khó thấy ớn.
Nhưng đấy không phải là chân dung đầy đủ nhất của bà ngoại.
Ngoại sợ uổng tiền, ngoại tiện tặn giặt từng cái bọc nilông cũ, súc rửa từng cái chai sành đựng nước mắm, nâng niu từng cọng dây thun nhưng đối đãi với người ngoài, nhất là người nghèo, làm thuê, làm mướn cho nhà mình thì mướt rượt. Ngày mấy bữa cơm, cà phê, thuốc gò đầy đủ, với những người thợ gặt ngoại cũng bưng nước uống ra tận ngoài đồng cho họ. Ngoại không dám may áo mới nhưng đám con cháu được ăn mặc đủ đầy. Về ngoại, chưa kịp khoanh tay thưa bà đã tong tả xúc gạo cái sột, đi rửa khoai đem luộc, lúc thì ngâm đậu nấu chè, xay bột nấu bánh canh. Cái món bánh tổ ăn thừa, ngoại đem phơi khô treo giàn bếp, lâu lâu đem ra chiên với mở heo, từ ngoại ra đi đã không còn thấy nữa.
Không còn thấy nữa bà già nhỏ nhắn, miệng luôn rầy la, chửi chó mắng mèo nhưng trong bụng hiền khô. Bà già đó, nhiều khi cũng cực đoan, cũng phong kiến cũ kỹ, nhưng nền nếp, tử tế."
No comments:
Post a Comment