Một Lần Nghe Thái Thanh Hát Ở Sài Gòn Sau 1975
Hội Ca Cầm năm 1982. Tác giả Thân Nguyễn hàng ngồi, thứ nhì từ bên trái. Nhà báo Trần Đại Lộc ngồi bìa phải
Sự ra đi của nữ ca sĩ Thái Thanh mới đây đã để lại bao nhiêu thương tiếc trong giới yêu âm nhạc cả trong nước Việt Nam lẫn ở hải ngoại. Càng đáng tiếc hơn khi tang lễ của cô diễn ra trong thời điểm Cali có lệnh cấm tụ tập để ngăn ngừa sự lây lan dịch cúm COVID-19. Nhiều người ái mộ sẽ không được viếng cô lần cuối.
Nhiều người biết rằng sau 1975, trong thời gian 10 năm ở lại Sài Gòn trước khi đoàn tụ gia đình tại Mỹ, Thái Thanh không bao giờ hát trở lại trước công chúng. Vậy mà tôi là một trong những người có vinh dự được nghe cô hát ở Việt Nam trong một lần hiếm hoi, tại tư gia của nhà văn Doãn Quốc Sỹ.
Năm đó là vào khoảng đầu năm 1982. Tôi là một thành viên trong nhóm thân hữu có tên là Hội Ca Cầm. Chúng tôi bao gồm đủ thành phần xã hội: công nhân, giáo viên, lao động tự do, bác sĩ, cựu viên chức- sĩ quan VNCH mới đi học tập về… nhưng có cùng một sở thích: yêu âm nhạc, và vẫn muốn hát với nhau những bài hát trước 1975.
Hội Ca Cầm được thành lập bởi anh Trần Đại Lộc (cựu nhà báo của Nhật Báo Người Việt). Nhóm chúng tôi họp nhau khá thường xuyên để ca hát, đặc biệt là sau khi bác Doãn Quốc Sỹ được trả tự do lần đầu vào năm 1980. Nhiều ca nhạc sĩ chuyên nghiệp như Tâm Vấn, Anh Ngọc, Duy Trác, Thái Hiền, Trần Quang Lộc, Nguyễn Quyết Thắng, Phan Ni Tấn… từng tham gia những buổi văn nghệ của Hội Ca Cầm.
Cuối năm 1981, ca sĩ Duy Trác (cũng là cựu luật sư văn phòng phủ tổng thống) đi tù cải tạo về, đến thăm bác Sỹ, và cũng bắt đầu tham gia sinh hoạt văn nghệ với chúng tôi. Chú Trác nói thích không khí văn nghệ của nhóm. Chú có quen cô Thái Thanh, và sẽ thử mời cô Thái Thanh đến để vừa thăm bác Sỹ, vừa dự một “đêm văn nghệ bỏ túi”. Và Cô Thái (tên gọi thân mật của nhóm chúng tôi dành cho cô Thái Thanh) đã nhận lời. Chúng tôi vô cùng hào hứng, vì biết Cô Thái rất kín tiếng, ít tiếp xúc đám đông trong thời gian đó. Và rất nhiều người trong chúng tôi chưa bao giờ được hân hạnh nghe cô hát “live” bao giờ. Trước 1975, làm gì có tiền mà vào phòng trà Đêm Màu Hồng nghe Thái Thanh hát!
Tôi nhớ hôm đó Cô Thái đến với một cô con gái. Gia đình chú Duy Trác và toàn nhóm Hội Ca Cầm có mặt để chào đón sự kiện đặc biệt này. Chúng tôi không dám rủ đông bạn bè, vì sợ Cô Thái ngại. Vậy mà căn phòng khách nhỏ xíu của nhà bác Sỹ cũng chứa gần 30 người. Ban đầu Cô Thái ngồi nói chuyện với hai bác Sỹ, cô chú Duy Trác, chúng tôi ngồi nghe. Rồi anh Trần Đại Lộc bắt đầu dẫn vào chương trình văn nghệ một cách tự nhiên, nhẹ nhàng. Dĩ nhiên là “tiên chủ, hậu khách” để “hâm nóng” không khí văn nghệ. Chúng tôi dù không chuyên nghiệp nhưng mê hát, và hát cũng không tệ. Hôm đó tôi hát bài Em Tôi của Lê Trạch Lựu, và một bài của anh Trần Đại Lộc. Bác sĩ Trương Minh Cường hát bài Đợi Anh Về, và một bài do ông sáng tác. Chú Duy Trác hát hai bài chú sáng tác trong tù cải tạo. Rồi Thanh Hương- con gái út của bác Sỹ, hát một bài của người anh trai, và bài “Sáng Nay Mùa Xuân” của anh Lộc sáng tác nhân dịp đón bác Doãn Quốc Sỹ từ tù cải tạo về.
Đến lúc đó thì Cô Thái đã bắt được nguồn cảm hứng âm nhạc, và cảm nhận được không khí yêu văn nghệ của chúng tôi. Cô bắt đầu đứng dậy, chỉ Thanh Hương cách phát âm sao cho mạnh và rõ. Cô nói nhớ lấy hơi từ bụng.
Rồi giây phút mọi người chờ đợi cũng đến, Cô Thái bắt đầu hát. Cô xin phép được đứng hát, vì cô không quen “hát ngồi” như chú Duy Trác. Cô yêu cầu cô con gái ngồi vào piano, đệm đàn cho mình. Hình như cô bắt đầu bằng bài Paris Có Gì Lạ Không Em của Ngô Thụy Miên. Mọi người ngẩn ngơ, vì sau bao nhiêu năm lặng tiếng, hôm nay tiếng hát Thái Thanh vẫn tuyệt diệu như ngày nào. Sau đó, cô hát Tuổi 13 (cũng của Ngô Thụy Miên). Đến đây, cô không thể đứng yên, mà phải bắt đầu nhún nhẩy như trình diễn. Cô còn nói là phải “uốn éo” một chút thì mới có hứng được!
Không khí đêm văn nghệ ngày càng trở nên thân tình hơn giữa chúng tôi và người ca sĩ tên tuổi vào bậc nhất của Sài Gòn trước 1975. Cô Thái sau đó yêu cầu Hưng (con trai của bác Sỹ, và là tay đàn guitar chính của Hội Ca Cầm) đệm guitar cho cô hát bài Mùa Thu Không Trở Lại của Phạm Trọng Cầu. Trước đó, Hưng đã đệm cho chú Duy Trác hát, rất suôn sẻ. Vậy mà khi đệm cho cô Thái Thanh, một phần vì cô hát nhịp rất lơi, một phần có lẽ vì… khớp, cho nên Hưng không thể theo được nhịp hát của cô. Thật là bất ngờ, cô Thái Thanh ngồi xuống, giật cây đàn guitar từ tay Hưng, và tự đệm cho mình hát:
… Ngày… Em… Đi…
Nghe chơi vơi não nề
qua vườn Luxembourg
Sương rơi che phố mờ
Buồn này ai có mua?...
Được nghe Thái Thanh hát “live” sau 1975 đã là hiếm. Nhưng được nhìn Cô Thái tự đệm đàn guitar cho mình hát thì có lẽ là kỷ niệm có một không hai trong đời. Tất cả chúng tôi đều tận hưởng giây phút âm nhạc để đời này. Cho đến tận hôm nay, tôi vẫn nhớ như in kỷ niệm đẹp ngày hôm đó.
Cô Thái sau đó vẫn giữ mối tình thân với gia đình bác Doãn Quốc Sỹ. Vào năm 1985, trước khi cô đi Mỹ, cô có đến chào bác Sỹ gái. Lúc này, bác trai đã bị bắt lần thứ hai (tháng 5-1984). Việc đến nhà bác Sỹ dễ bị công an theo dõi. Vậy mà cô không hề ngại. Cô Thái đem một tấm hình Đức A Di Đà Phật đến tặng bác gái, và bảo rằng: “em đi, nhờ chị ở lại tiếp tục thờ Đức A Di Đà hộ em…”. Thật là cảm động! Một thời gian ngắn sau đó, chúng tôi nghe tin cô đã đến Mỹ. Chúng tôi bật đài VOA nghe lần phỏng vấn đầu tiên ca sĩ Thái Thanh tại ở hải ngoại, nghe cô nhắn nhủ với những người ở lại (trong đó có chúng tôi): “…Hãy sống lâu hơn những gì mình không thích…”.
Ngày hôm nay, Cô Thái đã ra đi “Nghìn Trùng Xa Cách”. K.- người đầu tiên trong nhóm chúng tôi đặt ra cái tên gọi “Cô Thái”- đã buồn bã viết cho mọi người rằng: “…Ngày buồn! Dấu chấm hết cho một nền nghệ thuật chính đạo…”. Không thể kể hết những bài được những người hâm mộ Thái Thanh viết và truyền trên mạng trong những ngày qua. Tôi chỉ xin góp thêm một điều: Tiếng Chim Thanh đã từng có lần cất lên ở Việt Nam sau 1975. Và tôi đã từng được nghe tiếng hót của loài chim quí đó, trong một thời điểm hiếm hoi mà tôi sẽ không bao giờ quên…
Thân Nguyễn
23/03/2020
No comments:
Post a Comment