Monday, March 16, 2020

Bán Anh Em Xa...


...Mua láng giềng gần. Câu tục ngữ quen thuộc này có thể khiến nhiều người lấy làm tâm đắc, nhưng cũng có thể làm nhiều người không đồng ý. Chẳng hạn như cô em họ tôi, người vừa mới qua Mỹ định cư muộn màng hơn nhiều người khác trong họ hàng. Cô ở trong một khu đa số là Mỹ trắng. Trong một buổi hội họp gia đình, khi mọi người hỏi han cô về cảm tưởng của cô đối với cuộc sống mới của Mỹ ra sao, cô lầu bầu: “Kỳ cục lắm! Khu xóm gì mà như khu nhà ma! Tối tối, tôi chỉ thấy độc một màu đèn vàng leo lét hắt ra từ một vài căn nhà. Nhiều nhà tối om om, cửa đóng im ỉm, chẳng thấy mặt người nào đi ra đi vô. Chẳng bù với làng xóm ở Việt Nam...” Cô bỏ lửng câu nói, kết thúc bằng một cái thở dài đầy vẻ ngao ngán.

Có lẽ tôi được may mắn hơn. Khu nhà tôi ở nằm gần khu Little Saigon của Orange County, California, nơi vốn được mệnh danh là thủ phủ của người Việt ty nạn cộng sản. Mỗi lần lái xe dọc theo đại lộ chính—mà trên bảng tên đường chính thức chễm chệ hàng chữ “Đại Lộ Trần Hưng Đạo” ngay dưới cái tên bằng tiếng Tây Ban Nha “Bolsa”—thấy hai bên đường san sát những cửa tiệm trù phú của người Việt và trên lề đường thấp thoáng những tà áo dài tha thướt, hay cả vài chiếc nón lá đậm nét quê nhà, tôi luôn luôn thấm thía câu nói “home away from home” của người Mỹ. Từ nhà tôi đến khu phố thân quen này, chỉ cần thả bộ một chốc đã tới nơi, tha hồ mà mua sắm hay ăn uống.

Khu nhà tôi ở có đến hơn 90% là người Việt. Lác đác cũng có một vài người Mỹ trắng có chồng hay vợ là người Việt. Ngoài ra, đặc biệt là một số gia đình gốc Á châu khác như Phi Luật Tân, Miên hay Ấn Độ cũng thích sống trong khu này, vì họ ở đây cũng lâu như những người hàng xóm Việt Nam chúng tôi mà có vẻ rất thoải mái, không thấy mấy ai dọn đi cả. Thấm thoát mà gia đình tôi đã ở trong khu này hơn hai mươi năm. Tôi yêu cái không khí êm đềm, thân mật của khu xóm. Nó vừa rất Mỹ, khang trang và sạch sẽ, vừa rất Việt Nam, vì chiều chiều, có khi tôi ngửi thấy mùi cá kho thoang thoảng trong không gian, từ một ngôi nhà nào đó. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng người nói cười bằng tiếng Việt, hoặc giọng ai đó đang say sưa hát một bài bolero karaoke từ xa xa văng vẳng lại.

Vào những buổi chiều mùa hè trời mát mẻ, vợ chồng tôi thường đi bộ bốn năm vòng trong xóm để tập thể dục. Chốc chốc, chúng tôi lại gặp vài người khác cũng đi bộ như mình. Chúng tôi thường chào nhau, mỉm cười xã giao, hay có khi cũng trao đổi với nhau một vài câu bâng quơ mà người Mỹ gọi là “small talk”. Ngay cả chuyện thường tình mà nhiều người nghĩ là chỉ có thể xảy ra trong làng xóm ở Việt Nam là chuyện chạy qua nhà hàng xóm để xin chút đường, tí muối, hay mượn cái kềm, cái búa, cũng thường xảy ra trong khu xóm thân thiện của chúng tôi.

Tôi không có anh em xa, nhưng láng giềng gần của chúng tôi đa số là những người tốt bụng, đáng mến. Những người này đã chung sống với chúng tôi hơn hai thập niên nay, không thân mật, gần gũi với nhau thì mới là điều lạ. Để vào chi tiết, tôi xin kể ra những nhà hàng xóm quanh chúng tôi, đi một vòng theo chiều kim đồng hồ cho có thứ tự lớp lang. Bắt đầu là gia đình ở xéo về phía tay phải (hay nói khác đi là ở vị trí “2 giờ”, coi như nhà chúng tôi ở vị trí của trục kim đồng hồ nằm chính giữa). Đặc biệt, gia đình này sống khá tách biệt với tất cả mọi người chung quanh, chứ không riêng gì với gia đình tôi. Tất cả những gì mà mọi người biết được là gia đình này có hai vợ chồng trẻ và một đứa con gái còn nhỏ, ngày ngày đi đi về về, chỉ chào hỏi người chung quanh cho có lệ rồi rút ngay vào nhà, sau cánh cửa garage đang nặng nề buông xuống.

Gia đình sống bên phải của chúng tôi (ở vị trí “3 giờ”) cũng là một cặp vợ chồng trẻ, có hai đứa con nhỏ, một trai, một gái. Thằng bé lớn thua con trai chúng tôi đâu ba, bốn tuổi gì đó, nhưng cũng hai đứa cũng thường qua lại nhà của nhau để chơi game điện tử. Dạo gần đây thì cả hai anh chàng này cùng nhổ giò lớn lên như thổi, bước vào tuổi mới lớn, đâm ra sượng sần, cũng bớt chơi với nhau thường xuyên như trước. Còn hai vợ chồng thì chúng tôi thấy thân mật như hai người em nhỏ trong nhà. Chúng tôi thường nói chuyện với nhau mỗi khi ra trước nhà tưới cây hay đổ rác. Có khi chúng tôi còn đứng sau nhà, kiễng chân qua bức tường ngăn đôi hai nhà để nói chuyện hay hỏi thăm vài chuyện cần biết. Có mùa hè, chúng tôi cùng dắt mấy đứa nhỏ đi tắm hồ bơi với nhau cho chúng nó có bạn. Chúng tôi còn rủ nhau ghi tên cho hai thằng bé lớn và con bé nhỏ vào hướng đạo, cuối tuần lại gọi nhau í ới, hẹn nhau ra công viên sinh hoạt. Bên nhà tôi có khi cần khênh món gì nặng, tôi lại nhờ anh chàng chồng qua giúp một tay. Hay có lần cô vợ mới mua một bức tranh lớn, nhờ vợ chồng tôi qua giúp ý kiến nên treo chỗ nào cho dẹp. Rồi cả bọn cùng hì hục kẻ đóng đinh, người hè nhau đỡ bức tranh nặng nề treo lên tường cho ngay ngắn. Lắm lúc tôi nhìn anh chồng, tự dưng có một cảm xúc nhẹ nhàng thấy anh ta như là em ruột của mình vậy.

Đi xa thêm một chút nữa theo chiều kim đồng hồ, chênh chếch phía sau nhà chúng tôi (chỗ “4 giờ”) là một gia đình người Phi. Gia đình này thì chúng tôi không thân lắm vì vị trí nhà không thuận tiện, ít có dịp gặp nhau. Người chồng thì tôi gặp đâu chỉ một lần, lúc cùng vài người hàng xóm kế bên nhau họp chung để cùng cho xây các bức tường gạch thay thế cho những cái hàng rào gỗ lâu ngày sắp rệu rã. Còn người vợ hoạt bát hơn, chúng tôi thường gặp khi đi bộ ngang qua trước nhà. Người đàn bà người Phi này gặp chúng tôi là nhanh nhảu chào ngay. Gặp những dịp lễ lạt, nếu bà ta không nói “Happy Halloween” thì cũng vui vẻ chúc “Happy Thanksgivings”. Ngay cả khi không có dịp gì cả, bà cũng không quên bình phẩm về thời tiết, “Nice day, isn’t it?”

Sát bên nhà đôi vợ chồng người Phi là nhà của chị H., cũng là căn nhà đâu lưng với nhà chúng tôi. Chị H. sống một mình. Lâu lâu mới nghe có tiếng chị nói chuyện với một người con nào đó về thăm chị. Tôi gặp chị H. lần đầu là khi gõ cửa nhà chị để xin chị ký vào bản xác nhận đồng ý của hàng xóm để làm landscaping lúc mới dọn vào. Từ đó về sau, ít khi chúng tôi có dịp gặp nhau. Bẵng đến cả chục năm sau, khi cái hàng rào gỗ giữa hai nhà chúng tôi càng ngày càng hư nát, chị H. qua nhà chúng tôi để đề nghị hai nhà cùng hùn nhau làm một cái hàng rào mới. Vợ chồng tôi thì từ lâu vẫn muốn có dịp xây một bức tường gạch hẳn hoi cho đàng hoàng hơn, nhưng chị H. thì muốn tiết kiệm, chỉ muốn làm một cái hàng rào bằng vinyl trắng, dù sao cũng đẹp hơn cái hàng rào cũ bằng gỗ khá ọp ẹp, như lời chị nói. Lúc đó, chúng tôi không đồng ý với chị nên cuộc “thương thảo” đầu tiên rất tiếc đã bị bế tắc. Thêm vài năm nữa trôi qua, cái hàng rào gỗ càng ngày càng tệ hại, chỉ chực đổ xuống. Tôi phải đóng nhiều cái cọc xuống đất phía bên chúng tôi, cột dây giữ lại cho nó khỏi đổ hẳn xuống. Chắc bên nhà chị H. tình trạng cũng chẳng khả quan gì hơn. Cuối cùng, chị H. chịu làm người “thua cuộc”, bằng lòng cùng chúng tôi cho xây tường gạch. Vả lại, hai nhà hai bên của chị cũng muốn làm tường gạch nên chị chẳng có đồng minh nào muốn làm hàng rào vinyl như chị cả!

Cũng nhờ những lần liên lạc với nhau, khi thì nói chuyện trực tiếp qua cái hàng rào sắp được thay thế, khi thì gọi điện thoại cho nhau, chị H. và tôi dần dần trở nên thân thiết với nhau lúc nào không biết. Chị H. là người Nam, nói chuyện rất thân mật. Tôi nhỏ tuổi hơn chị nên chị cứ chị chị em em với tôi ngọt xớt, nghe rất thân tình. Tình hàng xóm của chúng tôi bắt đầu nảy nở, vượt qua cả giai đoạn cùng nhau làm bức tường gạch. Nhiều khi chị H. đang đứng tưới mấy khóm hoa hồng phía sân sau, và tôi cũng tình cờ bước ra sân, thế là hai chị em lại nói chuyện với nhau qua bức tường gạch mới xây, đủ thứ chuyện trên trời dưới đất.

Rồi thời gian lại trôi qua. Bẵng đi một dạo, tôi ít gặp chị H. ở sau nhà. Mới đầu tôi cũng không để ý vì cũng khá bận rộn với công việc hằng ngày. Một hôm, vợ tôi bảo là có quen một người cũng là bạn của chị H., cho biết chị đang bị bệnh. Tôi hết hồn, từ đó mới để ý là cửa sổ phòng ngủ của chị, tối tối không còn thấy ánh đèn như trước. Tôi tự trách mình sao vô tình quá, chuyện gần như rõ ràng vậy mà sao mình thật tệ, không để ý thấy. Tôi tìm số phone của chị H. để gọi cho chị. May thay, chị bốc phone trả lời. Tôi vừa nói mấy lời chào chỏi chị, chị đã nói ngay: “Chị đang bị bệnh nặng lắm em ơi! Chị cũng muốn gọi cho em biết. Bây giờ chị đang ở nhà em chị để gần với bệnh viện, hằng ngày phải đến đó chạy chữa.” ChỊ H. và tôi nói chuyện với nhau một lúc. Tôi vô cùng ái ngại, không biết nói gì hơn là mong chị sớm bình phục, tuy thâm tâm thấy ước mong này khá xa vời, căn cứ theo những gì chị kể lể. Sau đó, tôi không dám gọi chị nữa, vì thật sự vừa không muốn làm nhọc chị, vừa thấy thật khó mà chuyện trò với một người đang bệnh nặng như vậy. Một buổi chiều, hai vợ chồng tôi đi bộ ngang trước nhà chị, tôi thấy có một người đàn bà từ trong nhà chị đi ra, sắp sửa lên xe đi về. Tôi dừng lại, chào cô ta rồi nói:

“Chào chị. Chúng tôi là hàng xóm sau lưng nhà chị H. đây. Chị cho hỏi thăm chị H. có khoẻ không ạ?”

Người đàn bà nhìn chúng tôi, buồn bã đáp:

“Cám ơn anh chị đã hỏi thăm. Chị H. của tôi vừa mất vài tuần nay rồi!”

Tôi nghe mà thấy như rụng rời chân tay, chưa biết nói gì, thì cô ta đã tiếp:

“Tội nghiệp chỉ lắm anh chị ơi. Chỉ được thay máu, khoẻ hẳn ra, hy vọng tràn trề lắm. Vậy mà chỉ vài tuần sau, tự dưng lại bị nhiễm trùng nặng rồi mất.”

Hai chúng tôi chỉ biết ngậm ngùi nói lời chia buồn với cô ta rồi đi tiếp, lòng nặng nề một nỗi buồn mênh mang cho một kiếp người, cho tất cả những kiếp người nào rồi cũng chẳng tránh khỏi cái vòng sinh lão bệnh tử muôn đời. Từ hôm đó trở đi, bức tường gạch giữa nhà tôi và nhà chị H. đã trở thành một kỷ niệm giữa hai nhà hàng xóm, một kỷ niệm vừa buồn, vừa ấm áp giữa những con người một lần có duyên gặp gỡ nhau ở xứ người.

Những người sống trong căn nhà bên tay phải của nhà chị H. (ở vị trí “8 giờ”), chúng tôi không quen biết vì vị trí căn nhà của họ là đối lại với vị trí căn nhà của đôi vợ chồng người Phi, không tiện cho hai bên gặp nhau để làm quen. Chúng tôi chỉ “nghe” họ hơn là được lần nào nào thấy họ, vì lâu lâu họ lại có những bữa party thật đông người, nói cười ồn ào đến tận thâu đêm, lắm khi cũng phiền lòng hàng xóm không ít. Giáp lưng với căn nhà này (ở vị trí “9 giờ” đối với chúng tôi) là nhà của một cô người Miên. Chúng tôi không biết tiếng Miên và cô ta cũng không nói được tiếng Việt nên hai bên phải dùng đến thứ “lingua franca” là tiếng Anh để tiếp xúc với nhau. Tình chòm xóm giữa chúng tôi cũng khá gần gũi. Ngoài những mẩu đối thoại xã giao với nhau, chúng tôi còn làm những việc nhỏ nhặt mà thân mật khác. Chẳng hạn như có lần cô gõ cửa nhà chúng tôi, mang tặng món chè chuối nấu theo kiểu người Miên. Hay lần khác, lúc nhà cô bị hư hệ thống nước, phải khoá hết để sửa chữa, thì chúng tôi thòng qua nhà cô vòi nước bên nhà mình cho cô dùng đỡ. Cô thân với chúng tôi đủ để tâm sự về gia cảnh của cô. Cô cho biết mẹ và chị của cô đã bị bọn Khmer Đỏ tàn sát cùng với cả triệu người Căm Bốt khác trong vụ diệt chủng khủng khiếp nhất vào cuối thập niên 70. Cô may mắn thoát được, sống lây lất trong một trại ty nạn ở vùng rừng rú giáp ranh với Thái Lan cho đến ngày đến được Hoa Kỳ. Tôi càng nghĩ càng thấy số mệnh của mỗi con người là một điều gì vô cùng bất ngờ và khó hiểu. Có ai tưởng tượng được vợ chồng tôi ngày xưa quê quán ở Sài gòn và Nha Trang nay lại là hàng xóm của một người đàn bà ở tận Phnom Penh xa lăng xa lắc!

Đối diện với nhà cô hàng xóm người Miên của chúng tôi là nhà của một cặp vợ chồng dược sĩ (ở vị trí “10 giờ” đối với nhà tôi). Ngày chúng tôi mới dọn vào khu xóm này, hai vợ chồng vẫn còn đi làm. Hai mươi năm trôi qua, họ lần lượt về hưu trí, chỉ còn hoạt động cộng dồng và văn nghệ. Lúc ban đầu, hai ông bà nhận trông một đứa cháu ngoại trai cho con gái mình đi học ở tiểu bang khác. Cậu bé này vừa vào lớp mẫu giáo. Lúc đó, con gái lớn của chúng tôi cũng cùng trang lứa nên bà dược sĩ nhờ vợ tôi chở cả hai đứa bé đi học chung với nhau cho vui. Thế là ngày ngày vợ tôi lái xe đưa hai đứa nhỏ đến trường trong suốt 6 năm trời, đến hết bậc tiểu học, thằng bé mới theo mẹ nó qua tiểu bang khác. Thằng bé đi xa đã lâu, nhưng bà dược sĩ lúc nào cũng nhớ đến chúng tôi qua những món quà như trái cây, kẹo bánh hay món cơm rượu do chính tay bà làm lấy. Đổi lại, mỗi lần ông bà gặp trục trặc gì về máy móc trong nhà, chúng tôi lại chạy qua giúp, hết sức vui vẻ, đề huề.

Thoắt một cái, mười mấy năm trôi qua, cậu bé ngày xưa trở lại thăm ông bà ngoại, rồi ghé qua thăm chúng tôi. Bây giờ cậu đã là một chàng thanh niên đẹp trai, tuấn tú, ăn nói chững chạc. Cậu gặp lại con gái chúng tôi, hai anh chị ngày xưa còn bé, cùng đi chung xe với nhau hằng ngày, thường ủng oẳng cãi nhau về bất cứ chuyện nào trên đời trong thế giới hồn nhiên của chúng. Nhưng chẳng anh hay chị nào e thẹn khi gặp lại nhau cả, bởi chưng người nào cũng đang có bạn gái bạn trai riêng cả rồi. Vợ chồng tôi nói lén với nhau sau lưng chúng nó, thấy cũng mến cái anh chàng khôi ngô này, mà gốc gác mình đã biết rõ từ bao nhiêu năm nay. Tiếc rằng hai đứa không có duyên với nhau chứ nhìn vào thấy cũng đẹp đôi ra phết!

Ông bà dược sĩ càng ngày càng chậm chạp ra, trong lúc lúc tuổi già lại đến với tốc độ tỉ lệ nghịch. Con cháu của ông bà muốn đưa hai người sang tiểu bang khác để gần gũi, dễ trông nom hơn. Hai vợ chồng quyến luyến ngôi nhà đã ở hơn hai chục năm trời, không lòng dạ nào bỏ nó mà đi. Song họ cũng biết bây giờ là giai đoạn phải dựa vào con cái để sống nốt quãng đời còn lại. Rồi cái ngày phải đến cuối cùng đã đến. Hai ông bà sang nhà chúng tôi, bịn rịn nói lời chia tay. Tất cả chúng tôi đều cố giấu đi những giọt nước mắt chỉ chực rớt xuống, vội vàng từ biệt kẻo không dằn thêm được cảm xúc nữa. Giáng sinh vừa qua, bà dược sĩ từ tiểu bang mới đã gọi điện thoại sang thăm chúng tôi lúc cả nhà tôi đi nghỉ lễ xa. Lúc về, vợ tôi gọi lại cho ông bà, nhân tiện chúc ông bà năm mới âm lịch nhiều niềm vui và sức khoẻ.

Tôi cố tình “để dành” đến sau cùng mới nói về người hàng xóm mà căn nhà ở ngay trước mặt chúng tôi với dụng ý—nói theo kiểu người Mỹ—là “để chấm dứt bằng một ‘nốt’ tích cực” cho câu chuyện về tình chòm xóm ở xứ Huê Kỳ này. Tôi cố tình chọn thành ngữ có chứa chữ “nốt” vì bà chủ nhà cũng chính là thầy dạy piano của tôi! Phu quân của bà cũng như bà đều là bác sĩ về hưu. Ông qua đời đã nhiều năm nay, còn lại bà sống một mình trong căn nhà rộng lớn. Tuy nhiên, bà bác sĩ không hề cô độc, bởi vì bà đã nhận dạy đàn cho trên dưới hai mươi học trò mà không nhận thù lao gì cả. “Học trò” của bà đa số tóc đã hai màu, làm nhiều nghề khác nhau trong xã hội, bác sĩ có, luật sư có, kỹ sư có, chắc không thiếu nghề gì. Ngày nào trước nhà bà cũng hết chiếc xe này đi thì lại có chiếc xe khác đến. Căn nhà của bà ít khi thiếu vắng tiếng dương cầm ngân nga, trầm bổng.

Căn nhà của bà bác sĩ thật đẹp và ngăn nắp, gọn gàng như lau như li, từ trong ra ngoài, từ trước đến sau. Những ai được hân hạnh bước vào nhà bà như khách khứa hay học trò như tôi, đều phải tấm tắc khen ngôi nhà không khác gì một căn nhà mẫu cho khách đến xem để mua. Bà bác sĩ thật có nhiều tài, kể cả tài hội hoạ, vì trên ba bức tường ngăn cách nhà bà với ba nhà hàng xóm, bà đã vẽ những con chim hạc xoải cách bay lả lướt theo một chiều, bằng nhiều màu sắc thanh thoát và linh động khó tả. Cây cỏ, hoa lá trong khu vườn nhỏ phía sau của bà thật đâu vào đấy, đố ai tìm được một cọng cỏ dại hay một chiếc lá rụng nào. Những chậu hoa trước nhà bà cũng vậy, chúng luôn xanh tươi, tươm tất, không khác gì hoa lá giả! Sáng sáng, sau khi đi tập thể dục múa gậy với nhiều bà hàng xóm, bà lại lúi húi trở về chăm sóc cây cỏ, theo đúng kiểu “vạch lá tìm sâu”! Xế chiều, bà lại ra nhổ cỏ, lặt lá lần nữa. Nhiều lần, tôi đã đánh bạo nói đùa với bà: “Cháu nghĩ lũ cỏ dại nhà bác đứa nào cũng rầu lắm khi thấy bác bước ra cửa, vì tụi nó biết thấy bác là đời tàn tới nơi rồi!”

Vì ở đối diện nhau, chúng tôi thường dòm ngó, trông chừng nhà cửa cho nhau. Bà bác sĩ và chúng tôi thường gọi điện thoại để nhắc là nhà này thấy nhà người kia để cửa garage mở lâu quá, không biết chưa kịp đóng hay để quên luôn. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi thoát được những lúc quên đóng cửa garage thật sự. Mùa hè năm ngoái, nhân lúc tôi đang lợi dụng thời gian rảnh rỗi để sắp xếp lại cái garage bề bộn, bà bác sĩ bước sang nói chuyện với tôi. Câu chuyện đi từ đề tài này qua đề tài khác, cuối cùng bà đề nghị sẵn sàng dạy piano miễn phí cho tôi, như bà đã và đang làm với nhiều người quen khác. Bà bảo: “Tay cậu Trí bị đau vì trước kia xài computer nhiều quá, bây giờ học đàn cũng như tập thể dục, biết đâu sẽ đỡ dần dần.” Vậy là tôi được hân hạnh trở thành môn đệ dương cầm của bà, cứ hai tuần lại cắp sách bước qua ngôi trường gần nhà nhất thế giới để thụ giáo môn piano do bà bác sĩ hướng dẫn. Nhìn những ngón tay của bà lả lướt trên phím đàn, tôi không khỏi thán phục bà là một người tài hoa hiếm có.

Tôi mang ơn bà hàng xóm trước mặt của tôi đã giúp đưa tôi vào thế giới tuyệt diệu của âm nhạc qua tiếng dương cầm du dương, quyến rũ. Tôi không chắc bàn tay phải bị đau kinh niên của tôi có thật sự đang dần dần đỡ hơn không, nhưng phải công nhận là khi đang say mê tập dượt, tôi đã quên khuấy đi là bàn tay mình đang bị đau từ bấy lâu nay.

Vậy đó, nếu có phải bán người anh em nào ở xa để đánh đổi lấy những người hàng xóm dễ thương của tôi, cố nhiên là tôi sẽ không ngại ngần tí nào. Cũng như những người thân trong gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp trong sở làm, những người hàng xóm tốt bụng, thân quen, chính là những món quà mà Thượng đế đã ưu ái dành cho mỗi chúng ta, dù có ở quê nhà hay trên xứ người cũng thế.

No comments:

Blog Archive