Thursday, February 7, 2019

Thư Xuân Từ Cali Gởi Má

Trần Ngọc Ánh

Má à, 

Con viết thư cho Má trong cái lạnh thấu xương của mùa đông nước Mỹ, thỉnh thoảng cũng có vài cơn mưa bất chợt làm con nhớ má vô cùng, cây mai trước nhà Má lặt lá hôm rằm chắc đang chớm nụ, không biết có kịp bung hoa sáng mồng một cho Má vui, tội nghiệp nó cũng suýt bị trộm mấy lần nên Má cột cả gốc lẫn cành bằng dây xích vào cửa sắt cho an toàn, ai thấy cũng cười, cái xứ gì lạ, tới cái cây, con chó cũng bị trộm vặt. 

Con nhớ vợ chồng ông hai trong hẻm nhỏ của mình sáng nào cũng thức sớm nhúm bếp luộc khoai chuối bán quanh năm mà vẫn không đủ sống, vay nợ bà bảy cứ đến chiều ba mươi là bị bả đứng chửi tới nửa đêm. Con nhớ tiếng rao chè khuya não nuột của cô tư đầu xóm bán ế quảy gánh ngang nhà. Con nhớ bác tám xích lô hay ngủ tạm trước hàng ba nhà mình chờ sáng chở mấy đứa nhỏ đi học kiếm chút tiền cơm... Họ nghèo từ mấy chục năm nay rồi, Tết này họ ra sao hả Má?

Khi biết con ở trên núi, Má hỏi ở đó có nhà cửa, chợ búa gì không, Má tưởng nó heo hút lắm vậy, thật ra nó chỉ là thành phố nhỏ ít người Việt nên Tết đến cũng lặng lẽ bình thường, nhưng cách đây chừng hơn giờ lái xe là khu Bolsa của California thì Má sẽ thấy sắc Xuân về ngay trước mắt. Hình như người Việt ở đây họ có phép thuật của ông Thần Đèn Aladin nên họ đã ôm nguyên cái chợ Bến Thành của Má qua vùng này khiến không khí tưng bừng rộn rả không kém gì bên bển, mà hổng chừng còn xôm tụ hơn nữa. Hoa trái đủ đầy, tươi ngon mơn mởn, kẹo bánh thì đủ loại ê hề, Má sẽ hỏi “có bánh tét dưa món, có thịt kho hột vịt hay tôm khô củ kiệu như bên này không? Xin thưa với Má là nhóc!

Và còn chắc chắn với Má một điều là thực phẩm ở đây an toàn bậc nhất, Má không sợ ăn heo bệnh hay cá ngậm hóa chất, rau cải bị phun thuốc trừ sâu độc hại, có lò bún tươi bánh hỏi, chả lụa, lạp xưởng làm bán quanh năm. Người Việt mình ở đâu cũng gỉỏi hết Má ơi, 

Ở mấy tiểu bang xa xôi khác ít cư dân Việt thì con không chắc, nhưng ở vùng này cái gì cũng có Má à, hầu hết người xa xứ đều có chung tâm trạng hoài hương, đều đau đáu nỗi nhớ quê nhà, nhất là mỗi khi Tết đến trong lòng những người lớn tuổi cở con đều rưng rưng nhớ cái thời êm đềm xưa cũ (xưa cũ đây là trước khi miền Nam thất thủ, chớ hổng tính hồi sau này khi bọn CS Bắc Việt tràn lan, Tết trở nên bát nháo chụp giựt với nhiều hình thức tệ hại làm suy đồi giá trị đạo đức và ý nghĩa văn hóa của Tết cổ truyền dân tộc như phong bao quà cáp hối lộ cho quan chức, cờ bạc rượu chè say sưa bí tỉ kéo dài tới ra giêng gây nên biết bao hệ lụy cho gia đình làng xóm, tổ chức những lễ hội sát thủ như đâm trâu mổ lợn, đình miếu thì bày trò cướp ấn giật lộc, chùa chiền thì biến nơi tôn nghiêm thành chổ kinh doanh thần thánh... Càng nói càng ngán ngẫm).

Mà hồi đó Tết vui thiệt nhe Má, dù trong thời chiến nhưng vẫn thấy bình an trong lòng, trẻ con thì nôn nao áo mới và tiền lì xì, người lớn thì tất bật sắm sửa cho “ ba ngày Tết”. Nói là ba ngày mà sao rình rang lắm vậy, ở quê bà thì quết bánh phồng, sên mứt, gói bánh tét, ông thì lặt lá cây mai, săm soi mấy chậu cúc vạn thọ...Trên phố chợ thì mấy chị lo giặt mùng màn, trang trí nhà cửa, chợ búa mua sắm đủ đầy, các ông thì sắp xếp chương trình để dẫn vợ con về thăm bên Nội bên Ngoại, chở mấy đứa nhỏ đi Hội chợ Xuân coi hát xiệc, đu quay… Nam thanh nữ tú dập dìu trên những con đường lớn, cũng ngựa xe như nước mà đâu thấy tai nạn giao thông hà rầm như ngày nay.

Từ thành thị đến thôn quê, nhà nhà đều rộn rã suốt sáng đưa ông Táo cho đến khuya đón Giao thừa, dù giàu nghèo gì cũng phải sắm sửa tươm tất trong ba ngày Tết coi cho được, bàn thờ lư hương chà sáng bóng, mâm ngũ quả không thể thiếu “cầu dừa đủ xoài”, dân mình thiệt thà khiêm tốn, chỉ mong đủ thôi hả Má. Mấy ngày này nhang đèn phải thường xuyên cho ấm cúng trong nhà, bữa cơm cúng ông bà luôn có khoanh bánh tét, dĩa thịt kho, dưa giá, tô canh hủ qua hầm...

Trời ơi càng nhắc càng nhớ thắt thẻo ruột gan Má ơi, nhớ dáng Má quỳ lom khom trước cái bàn kê ngoài sân với dĩa trái cây, bình bông vạn thọ, hai cây đèn cầy, ba chun nước để cúng Giao Thừa. Giây phút thiêng liêng giữa trời đất giao hoà, Má khấn “đất đai viên trạch, thần hoàng bổn cảnh chư Thiên chư Phật bốn phương tám hướng để cầu nguyện cho quốc thái dân an, đất nước không còn chiến tranh bom rơi đạn lạc, xóm làng mọi người yên ổn làm ăn,gia đình xum họp, ai cũng no cơm ấm áo, con cháu trong nhà an vui khỏe mạnh.” Lời cầu nguyện của Má năm nào cũng bao nhiêu đó, tụi con quỳ sau lưng nghe riết rồi thuộc lòng, tuyệt nhiên không có câu nào xin xỏ phúc đức cho Má trong khi tụi con cứ “mỗi năm mỗi thắp đèn trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con.”

Mà cũng linh nghiệm nhe, dù chỉ trúng có phần nào, Má cầu nguyện cho quốc thái dân an nên chiến tranh bom đạn chấm dứt thiệt, nhưng tàn khói lửa hơn 43 năm mà lòng dân đâu đã yên ổn ? hòa bình lâu rồi Bắc Nam xum họp một nhà mà sao vẫn thấy hừng hực lửa của bạo tàn bất công áp bức, đốt cháy niềm tin hy vọng của mọi người trong cuộc sống nhọc nhằn hôm nay. Má từng này tuổi, sống giữa hai lằn đạn, trãi qua những năm tháng chiến tranh và hòa bình, Má vô tư như Nữ thần Công Lý để soi xét quá khứ và hiện tại mà luận án đúng sai. Má cũng thấy rồi đó, hòa bình đâu có nghĩa là độc lập-tự do-hạnh phúc? Bọn họ cai trị đất nước này ngày càng tồi tệ, rách nát. Má cũng biết rồi đó, tham nhũng từ trên xuống dưới, tụi khốn đó ăn không chừa cái thứ gì. Chưa bao giờ dân mình khốn khổ đến như vậy.

Con xin lỗi Má phải lắng nghe những lời ta thán này, và cũng xin lỗi Má có đứa con hèn nhát không dám về để đứng lẻ loi giữa chợ Bến Thành giăng biểu ngữ “đả đảo Cộng Sản hèn với giặc ác với dân” cho tụi nó lôi con vào đồn uýnh hộc máu và xác con bị ...treo cổ vì tự tử! Một cái chết lãng nhách mà nếu có xảy ra chắc Má còn đau lòng hơn nữa.

Nên thôi. Xuân này con không về!

Nhưng con hứa với Má nếu con trở về thì con sẽ hòa vào dòng người phẩn nộ như bên Venezuela để giật sập cái chế độ CS độc tài thối nát mà bao nhiêu năm nay lòng dân phẩn uất căm hờn. Má đừng nghe ai nói có đứa con phản động rồi giận rồi buồn nhe, trong bầy con ngoan hiền của Má, nếu có đứa gan trời ngang ngược thì cũng là chuyện bình thường, Má từng dạy con không được cúi đầu hèn hạ trước sự bất công thì lẽ nào bây giờ con lại vô cảm thờ ơ khi nhìn những điều nghịch lý diễn ra hàng ngày trên đất nước mình. Tết này Sàigòn mình có hàng triệu gia đình sống trong cảnh màn trời chiếu đất, lạnh lẽo thiếu thốn, không hẳn là tại họ nghèo mà tại vì chính quyền đã cưỡng chiếm đất đai, phá nát nhà cửa, đẩy cuộc sống của họ vào chỗ lầm than cơ cực trong những ngày cuối năm. Má nghĩ có phẩn uất không?

Còn mấy ngày nữa là Tết, bọn trẻ thì vẫn đi cày bình thường vì bên này Luna New Year đâu có ý nghĩa gì tới nước Mỹ, chỉ có người Việt mình ì xèo mấy bữa trước tết thôi, nhiều gia đình cùng nhau gói bánh chưng bánh tét hầm trong nồi áp suất nhanh hơn là “canh bánh chưng chờ trời sáng” như hồi xưa, (thật tình con vẫn thích nấu bánh tét bằng lò củi, ngồi canh mà chơi bài tiến lên thì đâu có buồn ngủ Má ơi).
 
Rồi cũng bông hoa đầy nhà, mai vàng hơi mắc nhưng thay vào bình mai Nhật hoa vàng li ti cũng đẹp lắm, lan và đào thì rực rỡ. Giao thừa mọi người quần áo thanh lịch trang nghiêm đi lễ chùa hay nhà thờ lắng nghe lời rao giảng bình an. Tụi nhỏ được dịp mặc áo dài bập bẹ vài câu chúc Tết ông bà bằng tiếng Việt mà ba má nó dạy sẳn để nhận bao lì xì vui vui, sau đó kéo ra phố Bolsa coi múa lân đốt pháo, chơi bầu cua cá cọp... 

Con nghĩ tất cả những gì họ làm bên này trong ngày Tết chỉ là an ủi cuộc sống tha phương và nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Quê hương mỗi người chỉ một mà Má, có thể bầy cháu nhỏ của tụi con sẽ không cần biết Quê Hương là gì, nhưng tụi con thì rất nhớ, luôn luôn nhớ Má ơi!

Đón Tết ở xứ người đủ đầy hương vị quê nhà, nhưng sao vẫn thấy thiếu vắng một vòng tay ôm thắm thiết của Má, gọi Face Time thấy gương mặt Má mờ mờ và nụ cười móm mém trong màn hình, Ơn trời, cầu cho Má khỏe mạnh để đợi con về nhe Má.

(Tháng 2/2019) 
Trần Ngọc Ánh

No comments:

Blog Archive