Anh đã chết bên cạnh tôi
Đỗ Đức Kỳ
Từ lâu, tôi có ý tưởng muốn viết về một người, một người đã ra đi vĩnh viễn, nhưng hình ảnh còn ám ảnh trong tôi. Người đó tuy xa lạ với mọi người nhưng rất quen thuộc với các bạn ở các Phi đoàn Quan sát. Nhất là Quý vị ở Trường Phi hành. Trung tâm Huấn luyện Không quân Nha trang.
Riêng Không đoàn 41, chẳng ai không biết đó là cố Thiếu tá Nguyễn tuấn Dị, người mà tôi hằng thương mến.
Vào năm 1965, tôi đã gặp và nói chuyện với anh vài lần ở Trung tâm Huấn luyện Không quân. Anh là Huấn luyện viên, sau đó anh du học Hoa kỳ.
Rồi năm 1967, tôi lại được gặp anh, lần gặp gỡ này thật lạ lùng. Sau khi tốt nghiệp Hoa tiêu Khu trục ở Hoa kỳ về, tôi cứ nghĩ anh là người hùng Khu trục AD 6. Nhưng ngờ đâu anh lại về Phi đoàn Quan sát với tôi, một Phi đoàn tiếng tăm, Huy chương nhiều, mà xui xẻo cũng không ít.
Lần gặp gỡ này, tuy không bỡ ngỡ gì, nhưng cảm tình giữa tôi và anh lại tràn đầy. Anh coi tôi như một thằng em, vui buồn đều có nhau. Đáp lại tôi coi anh như một người anh thật sự, tất cả tâm tư, thắc mắc đều nhờ anh chỉ bảo, nhất là về chuyên môn trong ngành. Về địa hạt này anh đúng là ông Thày của tôi, chính vì điểm anh thương tôi, nên anh đã chỉ hết cả những kinh nghiệm trong suốt những năm tháng bay bổng trên vùng trời miền Trung, núi rừng trùng điệp.
Một buổi tối, vào mùa mưa anh đến gõ cửa phòng tôi. Hồi đó chị và bé Hoàng chưa ra Đà nẵng, hãy còn ở Nha trang, anh tâm sự với tôi :
– Kỳ ơi, anh nhớ Chị và cháu quá, anh nằm ngủ không được, mò sang nói chuyện cho đỡ buồn. Kỳ này, anh nói thật đừng buồn nhé, mày với thằng H. hơi tốc kê đấy. Nhưng anh lại thương hai đứa mày nhất đó. Anh coi như em út trong nhà vậy.
Qua sự cởi mở đó, anh và tôi cùng ngồi trên giường tựa lưng vào tường. Sở dĩ có sự ngồi như vậy vì khu Cư xá Sĩ quan độc thân của chúng tôi tại Không đoàn 41 chẳng có bàn ghế gì cả. Một thằng vỏn vẹn một giường sắt và một tủ đựng quần áo.
– Kỳ này, số tao Trời bắt ở Phi đoàn Quan sát. Hồi ở Hoa kỳ về, tao cứ tưởng thoát nợ chứ ?
– Ờ, tại anh có duyên với Phi đoàn Quan sát mà, anh đừng đổ tội cho Trời mà khổ to đó.
Khi nghe tôi nói thế anh chỉ mỉm cười không nói. Lúc này mặt anh thật buồn, có lẽ một phần vì nhớ gia đình, một phần câu chuyện mà anh tâm sự với tôi.
Trời Đông lạnh, gió thổi ào ào, và thêm mưa rả rích trên mái tôn xi măng.
Tôi biết anh đang buồn nên không khơi chuyện gia đình anh và chuyển qua chuyện bay bổng…
Và chính đêm này anh đã kể lại cuộc đời bay bổng của anh cho tôi nghe :
Hồi năm 1961, ra trường anh cũng chỉ là Quan sát viên. Thời gian đầu anh dồn tất cả cho công việc khó khăn này, vì anh nghĩ, một cuộc hành quân, thắng hay bại phần lớn nhờ người Quan sát viên. Mặc dầu những bước đầu đầy bỡ ngỡ như tôi trước đây, rồi dần dần quen đi. Làm Quan sát viên phải phán đoán và nhận xét về vùng hành quân thật mau lẹ cần nhiều sáng kiến, mới mong thắng địch dễ dàng.
Anh kể tiếp :
– Mày biết không ? Chính lần bị thương đó, tình yêu của tao sao nó đẹp thế, nó tràn đầy thương mến, và cũng mang nhiều hy sinh. Nó bao la như biển. Lần bị thương này cũng nhiều nước mắt. Ngày đầu tiên chị đến thăm tao, tao khóc, khóc thật đấy. Khóc vì mừng được nhìn lại người tao yêu sau một năm xa cách. Khóc vì anh chưa cho chị hay, chị đã đến với anh một cách bất ngờ, nhưng đúng lúc. Chị đã an ủi anh lần này thật nhiều.
Tao thương Chị từ khi tao còn là Sinh viên Sĩ quan ở Quân trường. Hồi đó Chị mới 16 tuổi đẹp như mùa Xuân, tuổi của mộng mơ. Tao thường trốn đi phố và cùng rủ chị trốn học. Hai đứa ra ngồi bờ biển nghe sóng vỗ, nói chuyện tâm tình.
Rồi ngày anh bị thương, chị đã được tin qua một người bạn, tức tốc chị xin phép gia đình vào Sài Gòn thăm anh rồi ở luôn đấy săn sóc cho anh. Mặc dù lúc đó anh chị chưa đính hôn, tình yêu cao cả ở chỗ đó.
Nói tới đây anh nhìn đồng hồ :
– Chà 12 giờ rưỡi rồi. Thôi, mày ngủ đi, sáng mai còn đi biệt phái.
Anh đẩy cửa bước ra ngoài. Sau khi đóng cửa và tắt đèn, tôi nằm một mình trong bóng tối, nghĩ đến tình yêu của anh chị Dị, sao mà đẹp thế. Rồi chìm vào giấc ngủ.
Những ngày sống bình thản trôi qua. Chính những ngày này càng làm đậm thêm tình giữa anh và tôi.
Mỗi buổi sáng cũng như tối, những ngày mưa dầm, tôi và anh là những người chỉ thích cà phê đen, uống nhiều đến nỗi, anh em trong Phi đoàn thường trêu : – “Uống cà phê đã đến lúc ngấm ra ngoài da rồi đó !”
Anh có nước da ngăm đen, bánh mật, đúng nghĩa đen dòn, đen một cách duyên dáng, của những người phong sương, nắng cháy.
Anh em trong Phi đoàn cũng thường nói :
– Anh nào chưa biết mùi cà phê cô Dung ra sao cứ việc lại gần anh Dị là biết ngay. Khỏi cần xuống Câu lạc bộ. (Cô Dung là cô bán Câu lạc bộ cho Phi đoàn 110, đó cũng là nơi tôi và anh, giờ rãnh rỗi ngồi uống cà phê)
Sau những ngày nhung nhớ vợ con, anh đã cố gắng thuê một căn nhà nhỏ ở đường Lê đình Dương, cho chị và cháu ra ở cho vui.
Ngày vợ con anh ra, tôi không có nhà, buổi tối đi bay về, tôi thấy gia đình anh đã có mặt tại căn phòng chật hẹp của tôi rồi. Đúng là chiếm nhà bất hợp pháp, vì có vụ chiếm nhà này, tôi đành phải đi ngủ lang thang mấy phòng thằng bạn đã đi biệt phái.
Sau ít lần tiếp xúc, thường vào buổi tối cảm tình đã xâm chiếm trong tôi cũng như lần gặp lại anh Dị vậy – nhất là bé Hoàng.
Nói về chị Dị, tôi không biết phải diễn tả sao cho đúng sự thật khi tiếp xúc, chị là một người vui tính, chính sự vui vẻ này, mà cảm tình của tôi dành cho chị thật nhiều. Chị cũng coi tôi như em chị vậy. Chị đã kể cho tôi nghe những cực khổ cũng như những vui buồn trong thời gian anh chị thương nhau, lấy nhau, rồi bé Hoàng chào đời. Rồi anh đi du học và giờ đây lại theo anh ra vùng hỏa tuyến này, phải bỏ tất cả những công việc đang làm.
Tôi nghĩ chị thật là một người đàn bà can đảm, một người đàn bà theo đúng nghĩa Á đông.
Hôm anh chị dọn ra phố, thật vui. Đồ đạc vỏn vẹn vài xách tay, ít dụng cụ làm bếp và cái giường sắt của Tiếp Liệu cho.
Xe chuyên chở là cái xe Vespa cũ kỹ thời xa xưa của anh, và cái xe Mini Lam của tôi, cái Vespa mà tôi thường nói đùa :
– Xe anh mang vô Viện bảo tàng được rồi đó. Có lẽ được giá anh ạ.
Anh đã vênh mặt lên trả lời với tôi :
– Tao cưng nó sau bà xã, đụng đến nó là bỏ mạng sa trường nghe cưng. Từ nay cưng đừng có ngồi lên đằng sau xe của tao nhé !
Mặc dầu mỗi lần đạp máy, nổ kêu ầm ầm, nhưng mỗi lần đi đâu tôi đều được ưu tiên ngồi đằng sau anh. Còn xe tôi để lại Phi đoàn, vì anh chê xe tôi yếu quá, trông không hùng tráng tí nào. Tới đây tôi xin được tiết lộ bí mật rằng, mặc dầu cũ kỹ nhưng mỗi lần anh đi biệt phái hay công tác, chị ỡ nhà vẫn rửa và lau chùi bóng loáng.
Trở lại vụ dọn nhà của anh Dị và bé Hoàng. Thật thảm hại cho cái xe bé nhỏ. Đằng trước chỗ để chân là cái sắc, chị ngồi phía sau với một mớ xoong chảo, còn xe tôi chở bé Hoàng. Phía trước mặt cũng không được tha, chở một sắc tay chứa đồ lặt vặt. Hai anh em phải di chuyển hai lần mới “Hoàn thành công tác”.
Trưa hôm đó tôi ăn cơm với anh chị tại ngôi nhà mới này. Bữa cơm đạm bạc nhưng vui và thật ngon miệng, gồm cá kho và rau muống luộc.
Trong bữa ăn, chị xin lỗi vì chị mới ra chưa quen chợ, chú ăn đỡ vậy. Bữa nào rỗi, chị mua món Nai đồng quê làm cho hai anh em ăn.
Sở dĩ chị biết tôi thích món này vì anh Dị kể cho chị nghe, những ngày anh mới tới đây, tôi có đưa anh đi ăn món Quốc hồn, Quốc túy này ở Thanh Bình vài lần.
Ăn xong, tôi xin phép về phòng nghỉ, buổi chiều tôi có phi vụ, thả truyền đơn, hơn nữa nhà chật đồ đạc còn tùm lum, tôi có ở lại cũng chẳng có chỗ nào ngả lưng.
Từ ngày anh chị dọn ra phố, tôi ít có dịp gặp chị và cháu, nhưng ngày nào tôi và anh cũng gặp nhau và vẫn sinh hoạt với nhau đều đều. Lâu lâu có ngày nghỉ, tôi mới ra thăm chị và bé Hoàng ít phút cho đỡ buồn. Vì không khí gia đình làm tôi thấy ấm lại, trong những ngày xa nhà. Nhất là bé Hoàng thấy tôi là chạy ra đón liền.
Kỷ niệm êm đẹp làm tôi nhớ mãi trong kiếp bay bổng. Những lần anh và tôi cùng biệt phái tăng cường Huế. Chúng tôi ít đi ăn cơm ở quán. Chúng tôi thường mua bánh mì, nước ngọt và tré, vừa ăn, vừa kể chuyện hành quân, chờ giờ cất cánh, như trận đánh Chợ Gạo ,Thủ Thừa. Anh dạy tôi các mánh khóe đánh lừa địch, buộc địch phải lộ diện.
Trong cuộc hành quân ở Ashau một lần tôi hướng dẫn Khu trục bằng trái khói Pháo binh, anh đã chưởi tôi thậm tệ. Vì tôi lười một phần cũng vì tôi ngại xuống liệng trái khói. Anh nói :
– Mầy sợ Việt cộng nó bắn hả ? Lần sau ở nhà, tao đi một mình. Sao mầy không kêu tao xuống, mầy thả trái khói, nhờ Pháo binh làm chi ? Nguy hiểm cho mình và cả Khu trục nữa ?
Hạ cánh xong, khi còn ngồi trên tàu, anh giảng dạy thêm cho tôi biết về nguy hại của sự dùng Pháo binh. Vì Pháo binh không chính xác, nguy cho cả Phi cơ đang bay cùng quân bạn rất gần mục tiêu.
Phải công nhận trong nghề bay bổng, anh Dị là người rất hăng say. Không bao giờ anh từ chối một phi vụ nào ? Một lần đi tăng cường tại Huế, tôi cùng đi với anh, 5 giờ rưỡi chiều, chúng tôi cất cánh từ Huế về Đà Nẵng, khi về đến đèo Hải vân, chỉ còn 5 phút nữa là hạ cánh. Nhưng nhận được lệnh hành quân qua đài Panama, phải ra Đông hà hướng dẫn Phi tuần vì quân bạn đang bị địch tấn công. Mặc dù đây là Phi vụ từ chối được, vì L.19 phải về đáp trước 6 giờ rưỡi. Hơn nữa L.19 thiếu phi cụ để bay trong những đêm không trăng sao của những ngày cuối tháng.
Anh hỏi tôi :
– Kỳ, có thể đi được không mầy ?
– Tùy anh, tôi sao cũng được.
Mặc dù nói thế nhưng tôi cũng thấy hơi run trong bụng.
Khi hướng dẫn quân bạn chiếm mục tiêu trong bóng tối xong, tôi nhìn đồng hồ đã thấy 9 giờ đêm.
Trên đường về chúng tôi bay thật thấp để nhận địa thế và hướng đi. Anh lái, tôi làm công tác dò đường, chỉ hướng đi và báo cáo vị trí con tàu với đài Panama.
Phi trường Đà Nẵng (1960)
Khi hạ cánh ở phi trường Đà Nẵng, tôi thấy nhẹ người, đồng hồ chỉ đúng 10 giờ rưỡi. Có điều an ủi nhất trong phi vụ này là sự lo lắng của Thượng cấp cũng như anh em trong Phi đoàn. Sự đón tiếp nồng nhiệt của Trung tá Tư Lệnh Phó. Đại Úy Chỉ huy trưởng Phi đoàn và anh em ngay ngoài bến đậu phi cơ làm chúng tôi cảm thấy hãnh diện.
Đối với anh em trong Phi đoàn, anh luôn luôn bênh vực và bảo vệ quyền lợi cho anh em Phi hành, chính vì cảm tình đó, toàn thể Sĩ quan đều đồng lòng bầu anh là Chiến sĩ CTCT đầu tiên của Phi đoàn.
Khi đã là Chiến sĩ CTCT, đáng lý anh sẽ ít bay bổng, để lo công việc cho anh em, nhưng anh luôn luôn đi bay và bay bất cứ phi vụ nào. Anh vừa bay vừa tranh đấu cho quyền lợi anh em trong Phi đoàn.
Đặc biệt từ khi là Chiến sĩ CTCT anh hay đi tăng cường các Biệt đội, để biết các khó khăn về tinh thần cũng như vật chất để giúp đỡ kịp thời
Từ khi tôi về Phi đoàn Quan sát, tôi nhận xét trong những người bạn hiền lành vui vẽ và dễ thương thì anh là người được anh em trong Phi đoàn quý mến nhất, cũng có những người rời bỏ Phi đoàn ra đi, cũng không quên được anh. Riêng cái chết của anh Dị làm tôi xúc động. Đến phút cuối cùng anh vẫn còn hy sinh để cứu mạng sống của tôi. Trước khi từ giã cõi đời anh còn nói với tôi :
– Kỳ ơi, tao bị trúng đạn rồi…
Rồi anh gục trên cần lái !
Anh đã bị tử thương trong phi vụ hành quân ở Điện Bàn – Hội An. Sau khi chúng tôi gây tổn thất nặng nề cho Cộng quân, anh đã bị trúng đạn phòng không trong lúc hướng dẫn quân bạn chiếm mục tiêu.
Anh mất đi, để lại cho anh em một sự tiếc thương vô vàn.
Phi đoàn 110 nói riêng. Không Quân nói chung, mất đi một Chiến hữu gan dạ, một người Chỉ huy tư cách và Can trường.
Đỗ Đức Kỳ
Nhuồn: Nguyệt San Lý Tưởng 1970-https://hung-viet.org/p18a17593/anh-da-chet-ben-canh-toi
No comments:
Post a Comment