Buôn Hô, Nỗi Nhớ…
Kim Thanh
(LGT: Thưa quý bạn. Sáng nay, thứ bảy, cả Oregon và Portland chìm trong biển tuyết trắng xóa, ập xuống từ đêm qua và hứa hẹn kéo dài đến cuối tuần sau. Không đi đâu được. Đành ngồi nhà nhâm nhi cà-phê. Mà nhớ về những kỷ niệm vàng son cũ. Của chiến tranh, hòa bình và tình yêu muôn thuở. Bèn mạo muội gửi đến quý bạn một bài mọn mới viết xong, để quý bạn mua vui cũng được một vài trống canh. Và cho riêng tôi, như một khúc hát thiên nga, le chant du cygne, theo nghĩa chính xác trong Pháp ngữ. Chúc quý bạn những điều tốt đẹp nhất trong Tết Kỷ Hợi. Và hẹn gặp lại trong ba năm. Kim Thanh Nguyễn Kim Quý)
I
1. Đã qua rồi hơn nửa thế kỷ, mà tại đây, khi Portland bắt đầu trở lạnh và mây che trắng khung trời, tôi thấy lòng nhớ Buôn Hô thiết tha. Và bồi hồi, buồn bã. Như một giấc mơ vợi xa. Như một kỷ niệm nghìn trùng đã mất cùng với tháng ngày binh lửa, và Xuyến Nhi. Rời bỏ Cao Nguyên từ cuối 1967, tôi chưa một lần trở lại thăm ngôi làng quê hẻo lánh ấy, cách Ban Mê Thuột độ 40 km đường chim bay, chìm khuất sau tỉnh lộ 14 nối liền với Kontum.
Tôi đã hai lần dẫn một toán Tâm Lý Chiến-Dân Sự Vụ (TLC-DSV) công tác theo Trung đoàn 45, Sư đoàn 23 BB, hành quân tại Buôn Hô. Lần đầu, hỏa lực địch khá mạnh và Tiểu đoàn, mà chúng tôi được chỉ định tăng phái, đụng độ dữ dội với một lực lượng địch, gồm du kích và chính quy, có cả Thượng Cộng, khiến toán TLC-DSV không thể làm được việc gì, nhưng phải bóp cò chiến đấu như lính mặt trận thứ thiệt. Lần thứ hai, địch đã rút lui, bỏ lại một Buôn Hô yên bình, chúng tôi mới có cơ hội “hành nghề”.
Đó là một thị trấn nhỏ, dân cư thưa thớt, trên dưới khoảng một trăm nóc gia, cả Kinh lẫn Thượng, được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Người Kinh đa số gốc Quảng Trị, hay Quảng Bình tản cư lên, sống gần khu vực tỉnh lộ. Người Thượng thuộc bộ tộc Ra-đê, ở sát mé rừng, phía trong. Tất cả đều làm rẫy hoặc trồng trọt, chủ yếu cà-phê, trà. Từ xa, trong chiều nắng nhạt, người ta thấy những đồng lúa, nương khoai, nương sắn nằm im bóng trên sườn đồi, hoặc bên bờ suối, theo hình bậc thang đều đặn, như một tấm thảm bạt ngàn, xanh ngắt một màu. Làm nhớ quá ca khúc quen thuộc “Nương Chiều” của Phạm Duy, mà tôi nghe hoài từ nhỏ, qua tiếng hát Thái Thanh:
Chiều ơi! Lúc chiều về rợp bóng nương khoai
Trâu bò về giục mõ xa xôi, ơi chiều […]
Chiều ơi! Mái nhà sàn thở khói âm u
Cô nàng về để suối tương tư, ơi chiều.
Ở đây, cũng như tại Pleiku, Kontum, Ban Mê Thuột, quanh năm là mùa thu, khí trời se lạnh, khiến môi má của những em nhỏ, và của các “cô nàng về để suối tương tư” luôn hồng tươi trong nắng. Không biết bây giờ, trong chế độ mới, Buôn Hô có thay đổi gì chăng. Nhưng tôi nghe nói, dân số tại đó đông đúc và cuộc sống xô bồ hơn, cũng như ở tất cả thôn làng, xã ấp, phố thị Miền Nam khác, bởi những di dân đói khổ từ Miền Bắc ồ ạt tràn vào chiếm ngụ, lập nghiệp, sau năm 1975.
2. Trong khi tiểu đoàn BB hành quân tảo thanh và truy lùng địch ven rừng, toán tôi, gồm mười người, tương đương một tiểu đội trừ, sàn sàn tuổi nhau, được lệnh công tác cho người Kinh bên ngoài, được cấp xe dodge di chuyển riêng và tự lo liệu an ninh. Ban ngày, như ở những địa phương khác, giúp đỡ dân, khám bệnh, phát thuốc, hướng dẫn vệ sinh thường thức, và dĩ nhiên, bắc loa giải thích và đề cao chính nghĩa quốc gia, chống lại những thủ đoạn tuyên truyền bịp bợm của VC –những công việc quá quen thuộc đến độ nhàm chán, mà chính những đơn vị tác chiến yểm trợ cho chúng tôi cũng có vẻ coi thường. Phải chờ cho đến tháng 4, 1975, cả nước mới thấy thành quả cụ thể của công tác CTCT. Quả vậy, chỉ mới nghe tin VC sắp đến thôi mà hàng hàng lớp lớp người dân đã hốt hoảng bỏ chạy tứ tán, từ các quận và tỉnh lỵ xa xôi đến những thành phố lớn và thủ đô Sài Gòn, và từ Sài Gòn ra biển khơi. Và mặc dù, cho đến bây giờ, đã sống với VC 44 năm rồi, mà hễ nghe đến tên chúng, ai nấy thất kinh hồn vía, kể cả người đang ở Mỹ, như một cơn ác mộng hãi hùng. Ban đêm chúng tôi đến nghỉ trong một trường học, hay dưới hiên một tư gia, sống hòa đồng với dân làng, và các toán viên thay nhau canh gác.
Đêm ấy, tôi dẫn toán đến xin tá túc tại một nhà ngói tương đối khang trang nằm giữa một nương sắn. Sau nhà trồng đủ loại cây ăn trái, quanh năm chín tới, nặng trĩu lá cành. Phía trước nhà là một vườn hoa nhỏ, đêm về, tỏa ngát hương thơm. Gia chủ là một nông dân trung niên, tráng kiện, tên Lập, gốc Quảng Trị, vui vẻ tiếp nhận toán chúng tôi, đối đãi ân cần. Bà vợ người Huế, với một đàn con tám đứa mà hết bảy là con gái, sanh năm một. Tất cả đều xinh đẹp. Cô chị cả, tên Xuyến Nhi, tuổi độ đôi mươi. Thời gian đó, tôi là chuẩn úy trẻ, gốc giáo sư bị động viên, mới tốt nghiệp Thủ Đức, còn nguyên nét thư sinh, mà lại phục vụ ngành CTCT, nên dễ lọt vào mắt xanh của các bà có con gái đến tuổi cập kê, vì họ nghĩ đơn giản rằng gả con cho loại lính này, được bảo đảm về chữ thọ. Sự thật không phải vậy: các toán TLC-DSV của bốn Tiểu đoàn CTCT, gồm nhiều đại đội, phục vụ tại bốn Quân khu, thường được tăng phái dài hạn cho, và đặt dưới quyền điều động của, những đơn vị Bộ Binh từ cấp Trung đoàn, hoặc các binh chủng tác chiến nổi tiếng khác, như Biệt Động Quân, Nhảy Dù, Thiết Giáp… Tuy không trực tiếp chiến đấu, nhưng khi đụng trận cũng phải nổ súng như ai, và có người đã bị thương, hoặc nằm xuống vĩnh viễn. Điều này, tôi đã chứng kiến tận mắt khi còn là sĩ quan thuộc Tiểu đoàn 20 CTCT, Quân Khu II, Pleiku, biệt phái công tác tại Ban Mê Thuột (Quảng Nhiêu, Buôn Hô, Quốc lộ 21 Khánh Dương), Lâm Đồng (đồn điền cà-phê), Quảng Đức (Kiến Đức), Phan Thiết (Thiện Giáo, tức Ma Lâm cũ, Mường Mán, Sông Mao), Bình Định (Phù Mỹ, Phù Cát, Bồng Sơn, Tam Quan), và Kontum, v.v…
Trở lại Buôn Hô với gia đình ông bà Lập. Xuyến Nhi có vẻ đẹp thùy mị, mộc mạc của một cô gái sinh ra và lớn lên tại miền “sơn cước”. Vóc dáng cao thon, khỏe mạnh, và nước da luôn trắng hồng.. Mái tóc buông dài, đen tuyền, đầy hương, như một cô tiên trong truyện cổ tích. Dễ thương, gọi tất cả chúng tôi bằng “anh”, với giọng thanh tao, lai Quảng Trị, Huế và Ban Mê Thuột. Và lúc nào cũng lịch sự, lễ phép, đặc biệt đối với tôi, mà các toán viên, gồm hạ sĩ quan và binh sĩ, trong số có một Trung sĩ Ra-đê, tên K’Sor –biết chút ít tiếng Pháp, và lơ lớ tiếng Việt– quen miệng gọi là “ông thầy”, thay cho chữ “xếp”, tức toán trưởng. Phần tôi, tuy lòng xao xuyến trước vẻ đẹp và sự tử tế của Xuyến Nhi, vẫn cư xử đứng đắn với nàng, và với mọi người, điều mà tôi dặn tất cả anh em khác trong toán phải làm theo, dưới danh nghĩa tân khách và cán bộ TLC-DSV, khiến bố mẹ nàng hài lòng, tin cậy ra mặt. Buổi chiều sau công tác, chúng tôi trở về nhà, tắm rửa, nghỉ ngơi, kiểm điểm thành quả. Rồi vui đùa với mấy đứa em của Xuyến Nhi. Thỉnh thoảng mượn bếp để nấu gạo sấy và xào thịt hộp với rau quả trong vườn, mà gia chủ cho phép hái tự do.
Trong số các em gái, còn rất nhỏ, của nàng, tôi chú ý đến bé Tơ, rất giống chị cả, độ bảy tuổi, mắt tròn xoe, vẻ thông minh, đằm tính. Có một vết sẹo nhỏ, dài trên góc trán phải, vì năm nào, bé đã chạy chơi vấp té sấp xuống sàn xi măng, Xuyến Nhi kể. Tơ thường bắt tôi bế lên vai, và quấn quýt bên tôi, ngoài hiên nhà, hoặc mỗi lần tôi xuống bếp. Những khi thấy chiếc dodge của toán trở về, Tơ mừng rỡ chạy ào ra cửa đón, cùng với các đứa chị, đứa em khác. Anh em toán viên nhảy xuống xe, ôm tất cả vào lòng, móc túi áo lấy kẹo phát cho từng đứa.. Trong khi đó, Xuyến Nhi đứng bên cửa, kín đáo giơ tay chào mừng, và tôi không quên dành tặng riêng nàng một nắm kẹo sô-cô-la, mà nàng khen ngon, “lần đầu tiên em mới được ăn đấy”, nàng nói. Gặp ngày Chúa Nhật, ông bà Lập rủ tôi và vài anh em Công giáo đi lễ cùng với cả gia đình. Thánh đường là một căn nhà nhỏ ven làng, sát quốc lộ, mái tranh và vách nứa, đơn sơ, nhưng sạch sẽ, trên nóc dựng một cây thánh giá khá lớn, và bên trong có những dãy ghế gỗ đóng theo kiểu dã chiến, đủ cho từ sáu chục đến một trăm người. Linh mục quản nhiệm, biết tiếng Thượng, được tòa Giám Mục Ban Mê Thuột “tăng phái”, đến từ chiều thứ bảy, để giải tội cho giáo dân –đa số người Kinh với một số nhỏ người Thượng, như K’Sor của toán tôi.
Thắm thoát đã hết hai tuần, mãn hạn công tác tại Buôn Hô, chúng tôi phải theo Tiểu đoàn trở về Ban Mê Thuột, bỏ lại những nông dân chất phác, hiền hòa, tử tế, và gia đình ông bà Lập với lòng hiếu khách tuyệt vời, đã cho chúng tôi tá túc mười bốn đêm bình yên dưới mái hiên nhà, giữa khung trời thần tiên, bát ngát hương đồng cỏ nội. Riêng tôi, bỏ lại ánh mắt của Xuyến Nhi còn quyến luyến trông theo, bàn tay, mà chưa một lần tôi nắm lấy, buồn rầu vẫy vẫy tiễn đưa, và những lời tình ngọt ngào, mà môi mắt cùng hiểu và thầm hẹn, sẽ trao cho nhau, khi được gặp lại nhau một ngày nào, một nơi nào, hay một kiếp nào. Xuyến Nhi ở lại, để người về tương tư, cùng với núi, rừng, và mây ngàn, từ đó.
3. Trở lại Ban Mê Thuột, được nghỉ vài hôm, tôi phải đi thêm hai chuyến công tác nữa. Lần đầu, tại rừng Lâm Đồng, với Tiểu đoàn 22 Biệt Động Quân giải tỏa một đồn điền cà phê bị VC chiếm. Trận đánh rất ác liệt, và cuối cùng VC phải rút lui, để lại một kho gạo, hai máy điện và nhiều xác du kích. Không thấy một bóng người dân, toán tôi thất nghiệp, nhưng phải tiếp tục đi với tiểu đoàn, ban ngày tìm địch, ban đêm mắc võng ngủ dưới trời sương. Lần thứ hai, tại quận Kiến Đức, tỉnh Quảng Đức, làm công tác vệ sinh thường thức, như đào giếng và hố tiêu, khám bệnh, phát thuốc cho đồng bào Thượng B’râu, còn gọi là Thượng Cà Răng Căng Tai.
Sau một tháng, được nghỉ xả hơi hai tuần tại Ban Mê Thuột, tôi nhận lệnh sẽ dẫn một toán TLC-DSV xuống Phan Thiết tăng phái dài hạn cho Tiểu đoàn 4 đang hành quân khu vực Thiện Giáo, thuộc Trung đoàn 44, mà Bộ Chỉ Huy đóng tại Sông Mao. Nghĩa là sẽ xa rời Ban Mê Thuột khá lâu. Tôi nhớ Xuyến Nhi và quyết định đi Buôn Hô thăm nàng một ngày. Được đại đội trưởng 203 TLC, Trung úy Nguyễn Văn Mỹ, chấp thuận cho nghỉ và quá giang đoàn xe tiếp tế vật liệu, lương thực, đạn dược cho một tiểu đoàn BB đang đóng quân tại đó. Đến nơi, ngang nhà nàng, tôi nhảy xuống, và dặn trưởng xa Trần Đại Nhơn, Chuẩn úy Quân Nhu, bạn đồng khóa 20, đồng đại đội 5, Thủ Đức, buổi chiều nhớ đón tôi về thị xã.
Tôi vừa bước vô nhà, thì cả đám em còn nhỏ của Xuyến Nhi chạy ùa ra tranh nhau ôm tôi, vui mừng, tíu tít chào hỏi. Tôi mở ba-lô lấy ra, và phân phát, một bịch quà Ban Mê Thuột đầy kẹo bánh, bút mực và tập vở. Ông Lập và hai đứa em kế đã lớn của nàng, bận cuốc ngoài rẫy. Bà Lập, thấy tôi, bỗng òa khóc, mếu máo: “Nhi chết rồi, cháu ơi!” Tôi hoảng kinh, hỏi: “Tại sao vậy bác?”. Bà dẫn tôi vào một phòng bỏ trống, có một bàn thờ nhỏ, với tấm ảnh bán thân của nàng, tươi cười, xinh đẹp, giữa hai ngọn đèn cầy, nghi ngút khói hương. Tôi thắp nhang, lâm râm cầu nguyện. Sau đó, bà Lập mới kể: “Cách đây hơn một tháng, một sáng sớm, em nó ra thăm đồng với một bạn gái. Không có dấu hiệu báo cho biết VC đã về hoạt động tại buôn. Một lát sau, bọn chúng pháo kích bừa bãi vô ruộng, trúng hai đứa đang đứng trong cái chòi trú mưa… Xác cả hai nát bấy, cháu ơi, thảm lắm!”
Thế là hết. Tôi không muốn nghe thêm gì nữa. Mặc dù tình cảm giữa tôi và Xuyến Nhi chưa thắm thiết đủ cho hồn nát tan, nhưng khi Nhơn ghé nhà đón về Ban Mê Thuột, tôi biết rằng lúc xa rời Buôn Hô, lần này, là vĩnh viễn sẽ mất kỷ niệm, ông bà Lập, Xuyến Nhi và các em của nàng. Nghẹn ngào tôi nói lời vĩnh biệt, ôm hôn rất lâu mọi người. Và thất thểu leo lên xe, mà lòng đau như xé.
II
1. Hai mươi ba năm sau, 1989. Tôi đang theo học và dạy tại University of Oregon, Eugene. Từ campus, thỉnh thoảng thả bộ ra con phố nhỏ, gần đó, có nhiều quán ăn, bán đủ món “quốc tế”, giá bình dân, cho sinh viên, giáo sư và nhân viên đại học. Một buổi trưa, tôi ghé vào một tiệm Tàu, tính ăn mì hoành thánh, thay cho hamburger kinh niên, ngán đến tận óc. Thực khách khá đông. Tôi vừa đến cửa, thì cô hầu bàn người Á Đông, đang bưng ra một tô hủ tiếu. Vì vội, cô vấp phải một ông khách Mỹ mập phì lũ sồng sộc phóng vô, làm rớt cái tô xuống sàn, nước lèo nóng văng tung toé lên áo tôi và ông Mỹ. Cô hốt hoảng, quýnh quýu lấy khăn và giấy lau, miệng nói “sorry” lia lịa. Tôi an ủi cô:
- That’s OK, don’t worry.
Ngồi vào bàn, một lát sau, khi cô bưng ra tô mì hoành thánh, tôi thấy có thêu trên túi áo trắng đồng phục tên Amy H. Tôi vừa ăn vừa bắt chuyện, và hỏi cô: “Are you Chinese?” Cô lắc đầu: “No, I am Vietnamese”. Tôi bèn nói tiếng Việt:
- Trông cô quen quen, giống một người tôi biết cách đây đã lâu…
- Thật vậy sao? Em cũng thấy anh quen quen, nhưng chịu, không nhớ là ai.
- Chuyện dài lắm, sẽ kể cô nghe sau, khi có dịp, tôi đáp.
Trong gần hai tháng, tôi còn trở lại tiệm của cô mấy lần nữa để ăn hủ tiếu, và tiện thể, nhìn cô kỹ hơn. Cho chắc ăn, khỏi lầm người. Phần cô cũng thế, thỉnh thoảng kín đáo liếc nhìn tôi đăm đăm, tôi đoán, như cố nhớ đã gặp tôi ở đâu rồi. Lần nào thấy tôi bước vô, cô cũng đon đả chào mời, vẻ vui mừng lộ rõ trên đôi má ửng hồng. Chọn được một ngày tương đối rảnh, tôi hẹn gặp cô tại một nơi nào đó, và sẽ kể cô nghe chuyện… đời xưa.
Cô gật đầu, và đề nghị liền:
- Em nghỉ việc mỗi thứ hai. Sáu giờ chiều thứ hai tuần sau, mình gặp nhau tại quán Mễ ở đầu phố, được không anh?
Tôi OK. Buổi chiều dịu êm, và tiệm vắng khách. Amy đến trước, ngồi chờ, ở một góc khuất. Tôi gọi cho nàng và cho tôi mỗi người một chén soup và một bánh tortilla. Nàng hỏi:
- Anh tên gì và làm gì ở Eugene?
Tôi đáp nhanh:
- Nguyễn Kim Quý. Học và dạy tại Đại Học này đây. Còn Amy, sao lại lạc vào cái xó xỉnh Eugene nhà quê, khỉ ho cò gáy này?
Nàng cười, để lộ cái răng khểnh, trông rất duyên dáng:
- Chuyện dài lắm. Nhưng trước hết, em muốn biết, như anh nói bữa trước, có thật là anh đã gặp em ở đâu rồi…
Tôi đột ngột hỏi:
- Có khi nào em ở Buôn Hô?
- Dạ có. Em sinh ra và lớn lên tại đó.
- Thật sao? Em giống hệt một người mà anh yêu mến…
- Người ấy tên chi?
- Xuyến Nhi.
Amy mở to mắt, như muốn xem tôi là người hay ma, và trả lời:
- Xuyến Nhi là chị cả của em…
Đến lượt tôi sửng sốt:
- Hèn chi. Vậy tên Việt Nam của em là gì?
- Tơ. Hoàng Thị Thiên Tơ.
Tôi reo lên, mừng rỡ:
- Hèn chi. Em là đứa em gái của Xuyến Nhi khi còn bé tí thường đòi anh bế lên lòng và vòi kẹo mỗi lần anh ghé nhà em ở Buôn Hô...
Tơ gật đầu, có vẻ như nhớ lại những chuyện cũ, và cười giòn tan. Nàng giống chị như đúc, và cả hai đều đẹp ngang nhau, khiến lần đầu tiên gặp nàng trong tiệm Tàu, tôi cứ tưởng Thiên Tơ là bóng ma của Xuyến Nhi hiện về. Bảo nàng cho xem vết sẹo cũ trên trán còn hay không. Nàng vén một mảng tóc lòa xòa phía thái dương.. Đúng nó rồi, tôi cười bảo, dù bây giờ rất mờ. Đúng em rồi. Nàng nói:
- Anh có trí nhớ tuyệt vời..
Tôi bắt đầu kể, thật chậm rãi:
- Hồi năm 1966, nghĩa là cách đây hai mươi ba năm, anh là chuẩn úy trưởng toán Tâm Lý Chiến theo Tiểu đoàn Bộ Binh từ Ban Mê Thuột đến Buôn Hô công tác, ngủ ngoài hiên nhà em. Lúc ấy em chừng độ sáu, bảy tuổi gì đó. Như vậy, bây giờ em...
- Dạ, ba mươi rồi. Còn một tuần nữa là ba mươi mốt đấy! Nếu còn sống, chị Nhi em giờ cũng đã bốn mươi ba. Thời gian trôi quá nhanh, anh nhỉ! Mới đó mà... À, em nhớ ra anh rồi. Gặp lại anh bây giờ, em nhớ, qua ký ức non nớt của em hồi ấy, hình ảnh rất ngầu, đẹp trai của anh trong bộ quân phục tác chiến, bạc màu phong sương...
Tôi hỏi:
- Hai bác còn đủ cả không em?
- Thưa, bố mẹ em mất cả rồi.
Sau đó, tôi yêu cầu, và lắng nghe, Tơ kể về cuộc đời nàng tại Mỹ, và nhất là tại Eugene. Mười năm trước, nàng theo chồng, một Việt kiều, tên Dự, hơn nàng một con giáp, từ Eugene về nước kiếm vợ, qua sự giới thiệu của bà dì nàng, sang Mỹ tháng tư 1975, học lại và tìm được việc làm tại Eugene Public Schools. Dự, lúc ấy, có job tốt và có tiền, làm janitor cho một trường Middle School, do bà dì giới thiệu, và nàng vì ham đi Mỹ quá, nhắm mắt chấp thuận ngay, chưa kịp tìm hiểu, nói chi yêu thương. Hai vợ chồng định cư tại Eugene. Tơ tiếp:
- Lúc đầu, em thấy Eugene, cái xứ khỉ ho cò gáy, như anh nói, không có một bóng người Việt, em nản quá. Xứ gì mà buồn hiu buồn hắt, không khác chi Buôn Hô của em thời chiến tranh. Rồi em kiếm được một chân waitress trong tiệm Tàu gần campus trường anh. Riết rồi quen, an phận, chả muốn di chuyển đi đâu nữa. Ván đã đóng thuyền. Lại thêm, anh chồng Dự là chúa ghen tuông, toàn là ghen bóng ghen gió không hà, vì mặc cảm xấu trai, ít học, lúc nào cũng sợ mất em. Những lần bà dì em mở party tại nhà, mời tụi em và đông bạn bè, đồng nghiệp của dì đến dự, toàn là Mỹ trắng, và nếu em cười nói, chuyện trò với một chàng trai trẻ nào, là y như rằng tối đó về nhà, bị anh ta hạch hỏi, mắng mỏ đủ điều. Rồi, như để trả thù, lôi em lên giường bắt làm tình. Em mệt, từ chối, thì anh ta xé quần áo em, cưỡng hiếp em, theo đúng nghĩa đen, mặc cho em vẫy vùng, khóc lóc. Lại đôi lần còn đánh đập em, để tự gây hứng khởi, điều mà anh ta một lần thú nhận. Em không có con là vì vậy. Em chán và sợ quá, nhưng phải gắng chịu đựng, vì em không có người quen nào ở đây, ngoài bà dì ruột...
Nói một hơi xong, Tơ òa khóc, tôi lấy giấy kleenex, đưa cho nàng. Và lắc đầu, thở dài. Siết chặt tay nàng, tôi nói:
- Tội nghiệp em quá. Không ngờ em Thiên Tơ bé bỏng của chị Xuyến Nhi và của anh Kim Quý ngày xưa bây giờ phải khổ lụy như vầy. Anh có thể làm được gì cho em không?
- Không. Em chỉ xin anh cho em địa chỉ chỗ anh ở để thỉnh thoảng em đến thăm và chăm sóc anh, thay cho chị Nhi...
Thực tình, tôi hơi ngần ngại, một phần vì Tơ đã có chồng, một phần vì tôi đã biết gia đình, bố mẹ và chị cả nàng, đã bế nàng từ lúc còn mang tã, xem như em út. Nhưng sau hai giây suy nghĩ, và bắt gặp ánh mắt khẩn khoản, buồn rầu của Tơ, tôi thấy con tim yếu mềm, cho nàng đến gặp, khi cần, just in case.
2. Một buổi chiều thứ hai, tôi mãn các lớp học và lớp dạy, về phòng trọ, đang đọc sách thì bỗng có tiếng gõ cửa nhẹ. Tôi ra mở, và Thiên Tơ bước vào. Nàng ôm chầm lấy tôi, mừng mừng tủi tủi. Và tôi cũng ôm hôn nàng, với cảm giác như ôm hôn đứa em gái út. Tơ nói đùa:
- Anh bế em lên đi anh, như khi em còn nhỏ ở Buôn Hô.
Tôi cười, làm theo. Nhưng nàng bây giờ lớn rồi, khá nặng, dĩ nhiên, tôi phải bỏ xuống liền, và than đau cột sống –hậu quả, tôi kể cho nàng, của lần vượt biên bị bắt ở Cần Giuộc và bị thằng công an dùng khúc gỗ phang mấy cái vào lưng, đau điếng. Nàng xoa lưng tôi, nói nhỏ:
- Xin lỗi, em làm anh đau phải không? Em nhớ anh lắm, em mong gặp lại anh từng giờ. Sau khi ăn với anh chiều hôm ấy, về nhà, em thấy hồn bỗng đầy ắp những kỷ niệm Buôn Hô êm đềm trở về, có anh, có chị Xuyến Nhi, mặc dù hồi đó trí óc em còn thơ dại, chưa biết gì, không nhớ gì nhiều.
Tôi rót nước, lấy bánh ngọt, mời nàng. Nàng đi quanh phòng xem xét, và đến lò bếp lạnh tanh, hỏi:
- Anh không nấu nướng gì cả sao?
- Không, buổi trưa, anh ăn tại trường, buổi tối, đem về một cái hamburger, là xong.
- Tội nghiệp anh! Em lục trong tủ lạnh, thấy trống trơn, không có gì để nấu cho anh tối nay. Chỉ có vài cái pizza chưa nướng. Chốc nữa, em nướng để mình cùng ăn nhé anh.
Tôi bèn đề nghị:
- Hay là mình ra tiệm?
- Không, gặp anh, em vui rồi, không thấy đói. Muốn ở bên anh, cho tận hết từng phút, từng giây.
Tôi không kịp trả lời thì nàng đã buông mình trên chiếc giường bề bộn gối chăn chưa xếp của tôi. Còn tôi ngồi trên ghế đối diện. Và hỏi nàng:
- Chồng em có biết em đến đây?
- Không, em không nói. Mà anh ta cũng không biết em off mỗi ngày thứ hai..
Lúc ấy, Eugene đang giữa mùa thu –đúng mùa tựu trường. Trời se lạnh, làm nhớ quá Buôn Hô những ngày xưa cũ. Bên song cửa sổ, chiều rơi, thật chậm, như muốn níu kéo những tia nắng cuối ngày đang tàn úa và những giây phút diệu kỳ được gặp lại nhau tình cờ, tựa trong một giấc chiêm bao diễm ảo, sau bao năm vật đổi sao dời. Và chầm chậm, những chiếc lá vàng lìa cành, cuộn theo từng cơn gió thoảng qua, trước khi rụng rơi xuống mặt đất. Chợt thấy lòng mình buồn vui lẫn lộn, một cách vẩn vơ, kỳ lạ.
- Anh ngồi xuống đây với em. Hãy hôn em. Hãy hôn môi em, nồng nàn như anh cứ tưởng đang hôn chị Xuyến Nhi. Em yêu anh, thay cho chị, với tình yêu và thân xác của em đây. Anh nói em giống chị như in cơ mà! Từ ngày sống với Dự, sa vào vũng lầy nhục dục bệnh hoạn, thô bạo, em thèm những nụ hôn nhẹ như sương chiều lướt qua mặt nước hồ thu, như sợi tơ trời giăng mắc trên đầu non, êm như thơ, mà nồng cháy yêu đương, thấm xuống tận xương tủy và hồn mê. Em thèm một lời thì thầm, âu yếm, rót mật vào tai và ru em vào mộng mị. Em bị bệnh trầm cảm nặng rồi đó anh, sợ việc chăn gối, sợ loại đàn ông thô lỗ, sợ mỗi cử chỉ vũ phu, cuồng dâm. Tại sao em không được gặp lại anh sớm hơn, trời hỡi, khi chiến tranh chấm dứt, khi em đến tuổi lớn khôn, khi chị Nhi không còn nữa, để bây giờ phải ôm một nỗi tiếc nuối ngập tràn, vì lầm lỡ?
Tôi cảm động, nói:
- Lúc em lấy chồng, anh còn trong trại tù cải tạo mà! Nghe em tâm sự, anh hiểu và thương em lắm. Nhưng tất cả đã muộn màng, hỡi em. Âu cũng là duyên số, hay đúng hơn, định mệnh, mà Trời dành cho mỗi người chúng ta. Anh yêu em, và hứa sẽ yêu em trọn cuộc đời này, bởi vì em là Thiên Tơ, người mà anh luôn xem như cô em gái nhỏ, hồn nhiên, xinh đẹp, mà anh thường bế những ngày còn Buôn Hô và chiến tranh. Với một tình yêu trong vắt thủy tinh, không chút bợn nhơ, phàm tục, không pha lẫn với hình bóng ai, kể cả của chị Nhi em. Nhưng, cũng như cát trên bãi biển, tình yêu đôi khi có lằn ranh của nó, dù mong manh, mà không ai được phép vượt qua...
Nói thế, tôi vẫn biết rằng, trên đắm đuối môi hôn, nàng không tin và không muốn có một tình yêu thuần túy anh em, lý tưởng, phi xác thịt như thế. Khi tôi đưa nàng ra bãi đậu xe của dãy apartments thì trời tối mịt, dù mới chỉ năm giờ chiều. Ánh đèn đường leo lét không soi tỏ mặt người. Trời lạnh buốt, khiến Tơ run rẩy, nép sát vào tôi. Tôi cài áo manteau cho nàng. Tiếng còi từ ga xe lửa gần đó vang lên, thầm nhắc những cuộc chia ly não nùng, muôn thuở. Nàng nắm tay tôi hồi lâu, rồi khẽ nói:
- Hãy hôn em, một lần nữa, như đây là lần cuối cùng, vì chúng ta không biết ra sao ngày mai... Cám ơn anh yêu. Thôi, em về.
3. Một năm sau, tôi ra trường. Lúc này, vợ chồng Tơ đã ly dị, sau khi nàng bị Dự đánh bầm mặt sau một trận cãi vã dữ dội, như thường lệ. Một cô hàng xóm Mỹ gọi Cảnh sát. Anh ta bị còng tay và ngồi tù ba tháng. Bán nhà chia đôi, không con cái, đường ai nấy đi. Nàng thở phào, thoát nạn, về nhà bà dì ở tạm. Tôi nghe ai kể, ra tù, Dự bỏ việc, uống rượu suốt ngày, và khi ngà ngà say dọa bắn bỏ “thằng nào dê con vợ cũ của tao”.
Mặc kệ. Tôi vẫn mời Tơ đến dự lễ tốt nghiệp, được tổ chức tại khuôn viên đại học, một buổi sáng chan hòa nắng tươi. Nàng mặc áo dài màu hồng nhạt, quần lụa trắng, vô cùng xinh đẹp, gợi cảm, lộng lẫy giữa đám quan khách, giáo sư, sinh viên, toàn ngoại quốc. Tôi choàng vai nàng, sánh bước, hãnh diện giới thiệu “Amy, em gái tôi”.
Tôi được trường Eastern Washington University mướn dạy. Hai ngày trước khi rời Eugene đi Cheney nhận nhiệm sở mới, tôi chở cô “em gái” theo hướng Springfield, đến ngồi tâm sự, vai kề vai, tay trong tay, trên bờ cát trắng phau của một nhánh sông Willamette, tránh xa những cặp mắt tò mò. Không gian im lắng, đến nỗi chúng tôi nghe như tiếng thời gian nhỏ từng giọt buồn thánh thót xuống dòng sông, hay dòng đời. Vài tiếng nhạn lạc đàn vang lên thảm thiết, trong chiều mênh mông, xa vắng. Cả hai lặng thinh, mắt dõi theo sóng nước cuốn trôi về đâu những đám rong rêu, những cánh hoa tả tơi, cùng với bao nhiêu mảnh trăng thề vụn vỡ. Và nghe gió lùa qua vầng tóc rối bời.
Tôi bảo nàng, như an ủi:
- Yêu nhau như thế, có lẽ đẹp hơn, phải không em? Để anh nói em nghe: đó là một thứ tình yêu tuyệt đối, phi thường, thánh hóa, chiếu xuống trần gian từ khung trời Chân Thiện Mỹ của triết gia Platon, thời cổ đại Hy Lạp. Bởi vì hai ta sẽ không bao giờ trở thành tình nhân, hay vợ chồng, để một ngày có thể lìa bỏ nhau, phản bội nhau, thù hận nhau.
Nàng tựa đầu vào ngực tôi, mắt mơ màng nhìn xa xôi, và rơm rớm lệ:
- Anh muốn như vậy thật sao? Em không nghĩ có một tình yêu chay tịnh, và lãng mạn đến thế, của Platon, hay của chính anh bịa ra để tự lừa dối mình, và lừa dối cả em nữa. Và nếu có, em không nghĩ nó đẹp hơn tình yêu thể xác. Em rất thực tế. Đối với em, yêu là dâng hiến trọn vẹn cho nhau cả thân xác lẫn linh hồn. Thiếu một trong hai yếu tố đó, con người sẽ biến thành hoặc súc vật, hoặc thiên thần. Em là con người, đúng nghĩa. Em yêu anh, với sự khát thèm của thân xác và rung động của linh hồn. Em ao ước được diễm phúc làm vợ anh, dù chỉ một lần thôi, chỉ một giờ thôi, chỉ một đêm thôi, là em thấy mãn nguyện trọn đời. Và em sẽ không bao giờ quên anh, nói chi phản bội anh, trong kiếp này, hay kiếp khác…
4. Và đó là lần cuối cùng tôi gặp Thiên Tơ.. Từ Cheney, vì quá bận, tôi hẹn một ngày nào trở lại Eugene thăm nàng và trường xưa –điều mà tôi cứ hối tiếc mãi. Một năm sau, được tin nàng bị anh chồng cũ, Dự, trong một cơn say, hay cơn ghen, hay cơn điên, bắn khi quá giang xe của một thanh niên Mỹ, một thực khách quen của nhà hàng, mà Dự tưởng lầm là bồ của nàng. Thấy nàng chết tại chỗ, Dự kê súng vào màng tang, bóp cò, tự sát. Anh thanh niên Mỹ bị thương nặng, nhưng được cứu sống, đã lên đài địa phương kể lại tấn thảm kịch đầy phi lý này.
Portland, thứ bảy Feb. 9, 2019
Kim Thanh
No comments:
Post a Comment