Vì sao nhạc Trần Thiện Thanh bị “bức tử”?
Từ sau ngày nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh qua đời năm 2005, đặc biệt là tính từ năm 2014 đến nay, nhạc của Trần Thiện Thanh rất ít được hát ở hải ngoại trong các đại nhạc hội của trung tâm băng nhạc, trên truyền thanh hoặc truyền hình. Ngay cả trung tâm Asia – nơi đã làm rất nhiều chương trình nhạc Trần Thiện Thanh rất thành công – cũng không trình diễn thêm bài nào của ông nữa. Vì sao lại như vậy?
Theo chia sẻ của ca sĩ Mỹ Lan, người vợ sau của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, lý do là vì đã xảy ra tranh chấp bản quyền nhạc Trần Thiện Thanh sau khi ca sĩ Thanh Toàn qua đời. Thanh Toàn tên thật là Trần Thiện Anh Chương, là ca sĩ và là con trai trưởng của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Khi nhạc sĩ Trần Thiện Thanh qua đời năm 2005, ông không để lại di chúc, vì vậy tác quyền của toàn bộ nhạc phẩm của Trần Thiện Thanh sẽ được 6 người con của ông đồng sở hữu (trong đó có con trai út Trần Thiện Anh Chí mới 3 tuổi, là con của ca sĩ Mỹ Lan).
Theo thỏa thuận, Thanh Toàn đại diện cho phần tác quyền của 5 người con đầu (Anh Chương, Thanh Trúc, Thanh Trân, Anh Chính, Anh Châu), Mỹ Lan sẽ đại diện cho phần tác quyền của con út Anh Chí. Các công ty, các ca sĩ muốn hát nhạc của Trần Thiện Thanh chỉ lần liên hệ với Thanh Toàn hoặc Mỹ Lan để mua tác quyền (quyền tác giả sáng tác). Một năm sau ngày Trần Thiện Thanh mất, trung tâm Asia đã hợp tác với cả 2 người là Thanh Toàn và Mỹ Lan để thực hiện chương trình vinh danh Trần Thiện Thanh – Anh Không Chết Đâu Anh (Asia 50) năm 2006 và đạt doanh thu kỷ lục. Năm 2009, Asia thực hiện tiếp 1 chương trình Asia 61 – Nhật Trường Trần Thiện Thanh số 2 và tiếp tục thành công.
Tuy nhiên sau khi Thanh Toàn – Trần Thiện Anh Chương qua đời năm 2014, bốn người con còn lại của Trần Thiện Thanh (Thanh Trúc, Thanh Trân, Anh Chính, Anh Châu) đã thực hiện việc bán tác quyền nhạc Trần Thiện Thanh cho trung tâm Làng Văn một cách bất hợp pháp, không thông qua Mỹ Lan – người giữ phần tác quyền của Anh Chí. 4 người con đó cho rằng Anh Chí không phải là con ruột của Trần Thiện Thanh và gạt Mỹ Lan ra khỏi phần thừa kế tác quyền.
Từ khi trung tâm Làng Văn sở hữu tác quyền trái phép nhạc Trần Thiện Thanh, các trung tâm khác như Thúy Nga, Asia… không được quyền hát nhạc Trần Thiện Thanh trong các liveshow nữa vì không thỏa thuận được tác quyền. Làng Văn cũng không cho phép các đài truyền hình ở hải ngoại phát nhạc Trần Thiện Thanh. Luật bản quyền ở Mỹ rất khắt khe nên các công ty, hãng băng đĩa ở hải ngoại đành tuân thủ.
Tuy không cho phép các trung tâm băng nhạc ở hải ngoại hát nhạc Trần Thiện Thanh, nhưng Làng Văn lại bán phần tác quyền nhạc Trần Thiện Thanh đó về Việt Nam, cho phép các ca sĩ trong nước hát thông qua cơ quan cấp phép của nhà nước là VCPMC (trung tâm bảo về quyền tác giả âm nhạc Việt Nam). Dĩ nhiên, các ca sĩ trong nước chỉ được hát các ca khúc bình thường, không liên quan đến người lính của Trần Thiện Thanh. Như vậy vô hình trung, hiện nay tất cả các bài nhạc lính của Trần Thiện Thanh đã không còn được hát nữa cả ở trong nước lẫn hải ngoại, mặc dù Trần Thiện Thanh nổi tiếng nhất là với các bài nhạc lính: Biển Mặn, Anh Không Chết Đâu Anh, Rừng Lá Thấp…
Thông báo của VCPMC về việc họ có quyền cấp phép nhạc Trần Thiện Thanh ở trong nước thông qua hợp đồng với Làng Văn
Ca sĩ Mỹ Lan cho rằng 4 người con của Trần Thiện Thanh đã mua bán trái phép tác quyền nhạc của ông với trung tâm Làng Văn, ngoài ra Làng Văn đã gây khó dễ, không cho phép các ca sĩ ở hải ngoại hát nhạc Trần Thiện Thanh. Theo Mỹ Lan, đây cũng là 1 âm mưu để cản trở sự phổ biến dòng nhạc vinh danh người lính của Trần Thiện Thanh đến với công chúng, làm cho dòng nhạc này dần đi vào quên lãng. Bà gọi việc này là một hình thức “bức tử” dòng nhạc Nhật Trường Trần Thiện Thanh.
No comments:
Post a Comment