CHÀNG
(Trích tập truyện NHỮNG CHẶNG ĐỜI xuất bản năm 2001)
Từ lâu tôi vẫn bảo với lòng tôi, nếu bây giờ may mắn gặp lại chàng trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi sẽ nói với chàng những lời rất thật: "Trong đời, người ta có những điều hối tiếc. Và em, điều hối tiếc lớn nhất với em là đã không nhận lời anh."
Nếu tôi nói được điều đó với chàng thì lòng tôi nhẹ lắm và tôi cũng cảm thấy đã làm xong một việc quan trọng phải làm, cho chính tôi và cho chàng.
Tôi chỉ có ý nghĩ này sau khi lấy chồng được vài năm. Có nghĩa là, sau khi tôi khôn hơn một chút. Ý nghĩ này càng thôi thúc trong tôi sau năm năm lặn lội thân cò nuôi chồng tù cải tạo, để lúc chồng về, nói với người bạn tôi một câu mà đến chết tôi vẫn không quên và không tha thứ được.
Ngày đó, tôi còn khờ khạo lắm. Là một cô giáo nhỏ mới nhận lớp lần đầu, tôi dạy lớp Tư B và chàng dạy lớp Nhứt A. Mỗi chiều thứ bảy đầu tháng, học sinh được nghỉ sớm một giờ để thày cô đi họp. Sau khi đưa học sinh ra khỏi cổng trường, chàng hay đi cùng thày giáo lớp Nhất B đến dãy lớp của tôi, chờ tôi vào lớp lấy xách tay và cùng lên phòng họp. Ý tứ và tế nhị, chàng để thày giáo lớp Nhứt B đi giữa. Thày giáo lớp Nhứt B lúc đó khoảng gần 60. Ông trọng tuổi nhất trong số giáo viên và chúng tôi rất quý ông. Như thế cả nửa năm, chúng tôi tôn trọng và quý mến nhau trong tình đồng nghiệp. Tôi thì quá khờ khạo, chàng thì quá khôn ngoan và kín đáo nên tôi chẳng hiểu lòng chàng. Ít tháng sau, chàng đi Thủ Đức. Chúng tôi làm bữa tiệc nhỏ tiễn chân và tôi vẫn vô tình.
Ngày còn trong quân trường, thỉnh thoảng, chiều Thứ Bảy chàng về thăm chúng tôi. Gặp những ngày Thứ bảy đầu tháng, chàng mặc quần áo Thủ Đức, đi với thày lớp Nhứt B đến dãy lớp đón tôi và cùng đi lên phòng họp như ngày nào. Thày Hiệu trưởng mời thày ở lại họp. Chàng chọn chiếc ghế ngồi đối diện tôi và tôi vẫn vô tình.
Mẹ tôi mất vào mùa Xuân năm sau khi những nhánh hoa mai còn vàng tươi màu xuân thắm. Tôi đổi về gần nhà trong niên học kế. Chàng ra trường, trấn giữ miền cao.
Gần nửa năm sau tôi mới gặp lại chàng. Hôm ấy, một chiều chủ nhật, tôi đi thăm một người bạn về thì thấy chàng và bé Thanh - cháu gọi chàng bằng chú ruột và cũng là cô học trò nhỏ của tôi trong năm đầu tiên tôi làm cô giáo - đang ngồi nói chuyện với bố tôi. Chúng tôi chào nhau vui vẻ. Chàng cười chỉ cô cháu, nói với tôi:
- Học trò nhớ cô giáo quá, đòi chú dẫn đến thăm cô.
Lúc ấy, tôi dạy lớp nhì ở một ngôi trường gần nhà và học trò thương mến tôi, cũng hay lại thăm như thế. Tôi nghe chàng nói và tưởng thật. Tôi vẫn lại vô tình.
Thấy trên bàn có một chục xoài chín vàng, tôi hỏi bố ai cho. Bố tôi bảo của anh Viên mang biếu. Tôi không vui hỏi sao bố nhận. Bố tôi bảo, anh ấy nói, anh ấy phải đi bay, không đem theo được và xin để lại. Tôi không vui vì Viên theo đuổi tôi hơn hai năm qua, Viên không có gì để tôi chê nhưng không hiểu sao lòng tôi vẫn không rung động, vì thế, tôi không muốn nhận quà chàng biếu. Nhân có khách và bố đã nhận xoài, tôi gọt mời học trò.
Từ đó, mỗi tuần tôi đều nhận thư chàng từ Pleiku gởi về trường. Trong thư, chàng bày tỏ lòng chàng. Tôi đọc nhưng không hồi âm.
Chàng về thăm, hỏi tôi có nhận thư chàng không, tôi sợ phải trả lời những câu chàng viết trong thư nên nói dối là không. Chàng lại viết thư về. Lần này, ngoài thư cho tôi, còn một phần cho chị gái chàng. Chàng nhờ tôi chuyển. Bà chị ở cách tôi độ nửa giờ và tôi vô tình vui vẻ chuyển thư. Tôi chuyển thư giúp chàng mà không biết là chàng đang cười cười và nói với tôi: "Này cô bé, cô học nói dối từ bao giờ mà tài thế, nhưng cô bé đừng tưởng rằng tôi không biết là cô bé nói dối tôi đâu nhé, tôi bắt được quả tang cô đang nói dối đây này!" Sau lá thư đó, chàng không gởi nữa.
Chàng lại về thăm. Lần này, chàng không để tôi trốn nữa mà chàng thẳng thắn mở đầu:
- Cô giáo, (chúng tôi vẫn gọi nhau bằng cô, thày) tôi về lần này, muốn bày tỏ với cô giáo một chuyện. Chắc cô biết chuyện gì tôi sắp nói. Chúng ta lớn rồi. Tôi rất quý mến cô giáo và rất mong được cùng cô nên vợ nên chồng. Chúng ta sẽ thương yêu nhau và sống một đời sống bình dị. Tôi muốn biết ý cô giáo trước khi đưa hai cụ tôi lên thưa chuyện với bố, (chàng gọi bố tôi bằng bố) cô giáo nghĩ sao?
Tôi biết sẽ một ngày tôi phải đối diện với chàng về chuyện này. Nhưng tôi lại không biết rằng nó đến trong lúc tôi chưa chuẩn bị. Bất ngờ quá, tôi không biết nói sao. Yêu chàng, tôi chưa yêu. Ghét chàng, tôi không ghét. Nếu chỉ muốn có một người chồng thông minh, hiền hòa, kiên nhẫn, tế nhị, biết yêu thương gia đình thì chàng có đủ những đức tính quý này. Chàng cũng có một nhân dáng, một địa vị xã hội cho người vợ hãnh diện được sánh vai. Tôi, lúc ấy, ước mơ về tương lai không dừng lại ở đó, mà hình như lòng còn mơ ước thêm một cõi trời xa. Hình như một tình yêu. Một tình yêu có hình ảnh một chàng chiến sĩ kiêu hùng, yêu quê hương trong từng hạt máu, cầm cờ vàng vượt dòng sông Bến Hải để giành lại quê hương và trong đó có một chuyện tình đẹp như thần thoại. Tôi vẫn mong chờ tình yêu thần thoại ấy, ngay cả giờ phút viết những dòng này.
Trước mặt chàng, tôi không trốn được nữa. Chàng hỏi tôi nghĩ sao? Tôi nghĩ đến bố tôi, đến hoàn cảnh hiện tại của tôi. A, cái phao đây rồi và tôi bám lấy:
- Thưa thày, thày biết hoàn cảnh tôi. Mẹ tôi mất rồi. Anh trai tôi đang trong quân đội, anh lại chưa có gia đình. Chị gái tôi lấy chồng ở xa. Nếu tôi lập gia đình, không có ai lo cho bố tôi giữa lúc này.
Chàng nhìn tôi với đôi mắt nồng nàn, thông cảm. Nói rất chậm. Cho đến bây giờ, hơn ba mươi năm sau, tôi như vẫn còn nghe rõ lời chàng. Và chính những điều chàng nói với tôi hôm đó là điều làm tôi thao thức suốt mấy chục năm nay:
- Tôi biết. Chỉ cần cô giáo đồng ý, mọi chuyện sẽ có lối giải quyết. Cô cứ xem quanh đây, căn nhà nào cô thích, chúng ta sẽ mua và mời bố về ở chung. Như thế, chúng ta vừa xây dựng hạnh phúc bên nhau, vừa chung lo cho bố. Còn căn nhà này, phần của con trai, của anh Quốc. Chúng ta không động đến.
Nghe thế, tôi cảm động vì biết lòng chàng tốt. Thương tôi, chàng đã nghĩ cả đến hoàn cảnh của tôi và có lối giải quyết rất là độ lượng.
Nhưng tôi vẫn vô tình, miệt mài theo đuổi một cõi trời huyễn mộng của riêng tôi.
Chờ mãi, không thấy tôi trả lời, chàng viết cho tôi một lá thư, bảo, có lẽ tôi cần một thời gian yên tĩnh mà suy nghĩ. Và chàng dành cho tôi thời gian cần thiết ấy. Chàng sẽ tôn trọng mọi quyết định của tôi. Lúc nào chàng cũng ở bên tôi. Khi nào tôi lên tiếng gọi, chàng sẽ sẵn sàng.
Hơn một năm sau bố tôi ngã bịnh. Một tháng trời nằm trong bịnh viện, khi biết mình không còn sống được, bố tôi bảo với tôi:
- Trước khi mẹ chết, dặn bố phải lo cho con. Con là con gái, lớn rồi, phải lấy chồng. Bây giờ bố xem mình không qua khỏi, bố muốn con lập gia đình cho bố yên tâm.
Khi nghe bố tôi nói thế, thương bố quá, tôi khóc nói với bố rằng:
- Bố, nếu điều đó làm bố yên tâm, con sẽ vâng lời.
Lúc đó, khung trời tình yêu trong lòng tôi vẫn không một bóng người hùng. Một tay tôi cầm tay bố, một tay chùi lệ, ngập ngừng...
- Nhưng bây giờ, bố muốn con lấy ai?
Bố tôi suy nghĩ một lúc, rồi mệt nhọc:
- Thì thằng Văn đấy, nó theo đuổi con từ khi con mới mười mấy tuổi. Nó lại là bạn của thằng Quốc nhà mình. Lấy nó.
Thế là tôi lấy Văn. Lễ hỏi và cưới chạy tang vội vàng, đơn giản. Tôi không có xe hoa, không khăn áo cưới. Bố tôi đã mệt, cũng không ăn được miếng bánh đám hỏi con gái khi tôi đem bánh vào nhà thương cho cụ.
Rồi bố tôi qua đời.
Sau đám tang bố tôi, tôi nói với Văn:
- Anh Quốc phải về đơn vị. Nhà không còn ai lo nhang khói. Anh cho em ở lại nhà lo chuyện nhang đèn cho bố trong 49 ngày.
Văn lạnh lùng:
- Không được. Thuyền theo lái, gái theo chồng. Anh là con trai trưởng, em phải về làm dâu thày mẹ.
Tôi khóc. Giọt nước mắt đầu tiên trong cuộc đời chồng vợ sao mà cô đơn chua xót. Nhưng cũng vẫn phải về làm dâu. Bàn thờ bố mẹ tôi nhang đèn lạnh lẽo. Văn trở về đơn vị và tôi ở lại nhà chồng.
Làm dâu, tôi vụng về nội trợ, tôi khờ khạo mọi đàng. Chị chồng và đám em chồng thấy thế dùng lời lẽ mỉa mai cay đắng. Tôi nhẫn nhịn, âm thầm. Người anh rể thứ hai của Văn ở chung trong nhà, thấy tôi thân cô thế độc, toan có hành vi bất chính. Tôi sợ hãi kể lại cho mẹ chồng. Mẹ chồng nói lại cho con gái. Thế là người chị chồng nhìn tôi với một đôi mắt không thiện cảm nhưng lại mong chờ thái độ cứng rắn của em trai tỏ với chồng mình. Tôi lên đơn vị thăm chồng, kể lại cho Văn nghe. Văn không có một phản ứng. Thấy thế, người chị một mặt phê phán em trai mình nhu nhược một mặt chị rửa mặt cho chồng bằng cách đổ lỗi tại tôi. Tại tôi lẳng lơ, tại tôi khêu gợi. Văn nghe thế, cũng không một lời binh vực cho tôi. Từ đó, cuộc đời làm dâu của tôi thêm cô đơn, khốn khổ. Có lần tôi giấu hai hộp Optalidon định kết liễu đời sống mình, nhưng số tôi chưa chết, Văn bất ngờ từ đơn vị về, thấy hai hộp thuốc, biết ý định của tôi, lấy vứt đi.
Tôi đem con gái đầu lòng về ăn giỗ bố tôi. Nhìn bàn thờ nhang tàn khói lạnh, tôi chợt nhớ đến chàng. Đây là lần đầu tiên tôi nhớ đến chàng từ sau ngày chàng gởi cho tôi phong thư cuối. Nhớ chàng, tôi nhớ những lời chàng đề nghị với tôi là mua cái nhà nào tôi thích, cưới nhau rồi mời bố tôi về cùng phụng dưỡng. Giọng nói ấm cúng ôn tồn của chàng vang lên trong tôi và theo tôi từ đó, làm tôi thêm xót xa cho cảnh bàn thờ bố mẹ tôi nhang đèn hoang lạnh, làm tôi nhớ đến nỗi thất vọng đau đớn trong tôi khi tôi nói với Văn cho tôi ở lại nhà thắp nhang cho bố tôi 49 ngày và bị Văn từ chối.
****
Đứa con thứ hai của tôi là con trai nhưng sanh thiếu tháng. Nó chết. Mẹ chồng tôi bảo là phúc đức tại mẫu. Con trai nhờ đức mẹ. Tôi là mẹ nhưng tôi thất đức nên con trai tôi chết. Mẹ chồng tôi nói tôi thất đức nên con trai tôi chết nhưng lại không nói đến tối hôm trước cụ bảo tôi và chú em chồng kéo bao gạo 100kg từ cửa vào trong bếp, ngay đêm hôm đó tôi bị xuất huyết và một tuần sau thì tôi sanh. Thằng bé mới bảy tháng rưỡi và kỹ thuật y khoa ở VN lúc đó còn thô sơ nên không cứu được con tôi. Sau tám tiếng đồng hồ trong lồng ấp, con trai tôi chết.
Ở viện bảo sanh về, tôi bị bỏ đói. Cả gia đình chồng quây quần dùng bữa nhưng không gọi tôi xuống ăn và cũng không cho người đem cơm lên phòng cho tôi như lần tôi sanh con đầu lòng. Lần thứ hai tôi sanh đó, Văn nghỉ dưỡng thương nên có mặt ở nhà. Nghe lời bố mẹ, Văn cũng bỏ đói tôi. Đêm, tôi đói quá, nhìn đứa con đầu lòng say ngủ, tôi thấy phải sống vì tôi còn bổn phận và trách nhiệm với con tôi. Tôi nói với Văn tôi đói quá. Lúc đó, Văn mới xuống nhà lấy cho tôi lưng tô cơm nguội.
Khi có thai đứa con thứ ba, tôi nhất định rời bỏ nhà chồng. Không có tiền mua nhà, tôi đem con về ở căn nhà của bố mẹ tôi để trống từ ngày bố tôi mất và tôi lấy Văn. Trước khi tôi đi, Văn về phép hai ngày và tôi nói với Văn:
- Em quan niệm mục đích của hôn nhân là để hai người cùng xây đắp một tiểu gia đình, một hạnh phúc, một tổ ấm riêng tư cho chính họ. Vì thế, em không thấy là người con gái lấy chồng là phải nhận cả một đại gia đình chồng làm gia đình mình, có bổn phận gánh vác và làm vừa lòng tất cả mọi người trong đại gia đình đó. Nếu anh cưới vợ về chỉ để mong vợ xem đại gia đình đó là gia đình của riêng hai người và gánh vác giang sơn nhà chồng như các cụ ngày xưa gánh vác thì thú thật, em không đủ tài. Em lấy anh, em biết là phải xây dựng một gia đình với anh. Với cha mẹ anh, em có bổn phận tôn kính và hiếu thảo. Với anh chị em họ hàng của anh, em có bổn phận giúp đỡ những khi họ cần và nếu em có thể. Ngoài ra, gia đình của họ không phải là gia đình em. Bổn phận của họ càng không phải bổn phận của em. Nay em sắp có thêm con. Em cần có một chỗ ở riêng để lo cho con, cho gia đình của chúng ta. Nếu anh cùng quan niệm, thì cùng em ra riêng. Nếu không, anh ở lại với gia đình của anh.
Văn theo tôi ra riêng nhưng không vui. Gọi là ra riêng nhưng thực sự tôi vẫn sống đơn côi và nuôi con một mình một bóng. Là lính tác chiến nên vài tháng Văn mới về thăm nhà một đôi ngày. Có một lần Văn về thăm tôi, độ hơn nửa giờ sau, một người đàn bà còn rất trẻ đến tìm Văn. Từ bếp đi lên, tôi thấy hai người ngồi ngoài phòng khách. Người đàn bà gật đầu chào tôi và Văn không giới thiệu là ai. Sau đó, hai người song vai đi khỏi nhà. Văn bảo với tôi là Văn đi ra ngoài một chút. Vài giờ sau Văn về, tôi hỏi Văn đi đâu thì Văn nói là đi đến nhà một người bạn. Tôi hỏi người đàn bà đó là ai, Văn bảo là chị một người lính trong đơn vị. Tôi thật thà và tin chồng nên không hỏi thêm. Sau đó, qua tin tức từ những người vợ lính cùng đơn vị, tôi biết Văn đang dan díu tình ái với một cô gái bán bar, chị của một người lính và người lính này đang mang máy truyền tin cho Văn. Cô gái này thường lên đơn vị thăm em trai và Văn đã ăn nằm với cô ta. Sĩ quan trong tiểu đoàn thì tuyệt đối không nói về chuyện này với tôi nhưng những bà vợ lính trong trại gia binh thì ai cũng xầm xì bóng gió và cố tình để tin đến tai tôi.
Đến tháng 4 năm 1975 thì chúng tôi có 4 đứa con, con đầu chưa được năm tuổi và con út mới tròn 6 tháng, không kể bé trai chết vì sanh thiếu tháng.
Tháng 6 năm 1975 Văn đi tù cải tạo. Ba mẹ Văn gần như không còn biết có tôi, cũng không nhìn đến bầy cháu nội. Duy chỉ có vợ chồng một người chị gái lớn, một người em bạn dâu và vài người anh chị em con chú, con bác với Văn là thương tôi và thỉnh thoảng ghé thăm, an ủi. Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn đơn độc, một mình tôi xoay trở nuôi bày con và tiếp tế cho Văn.
Cũng may, tôi biết chút ít về tử vi, coi chơi cho bạn. Họ khen hay. Rồi tiếng đồn sao đó đến tai những người có ý định vượt biên. Họ tìm đến tôi, nhờ tôi xem hộ. Thấy họ năn nỉ quá, tôi xem giúp và cũng nhân đó, có người nói chuyện cho bớt buồn. Không biết do Trời thương tôi hay nhờ cái may mắn của riêng của họ, một số người vượt biên tránh được bắt bớ, lừa đảo. Đi thoát, họ nhớ đến tôi và gởi quà về. Tiền lương giáo viên của tôi ít ỏi, nhờ có những thùng quà này tôi mới nuôi nổi bốn con thơ và cũng nhờ có những thùng quà này mà trong bốn năm năm, tôi không bỏ sót một lần thăm nuôi Văn trong tù cải tạo.
Năm năm sau tôi có cơ hội vượt biên. Tôi quyết định đem con đi vì lý tưởng tự do và vì tương lai lũ trẻ. Trời thương, tôi đi một lần là thoát trong khi ba người bạn và ngay cả người cháu gọi tôi bằng dì đều mất tích. Định cư ở miền đất hứa, tôi vẫn một mình, vừa học, vừa làm, vừa nuôi dạy bầy con. Thỉnh thoảng, dành dụm được chút đỉnh, tôi mua chút trà, cà phê gởi về biếu cha mẹ Văn.
Hai năm sau khi tôi đi thì Văn được tha về. Không lâu, Văn có một người tình và hai người chính thức sống với nhau. Chị bạn đồng nghiệp cũ của tôi người thì nhắn tôi đừng gởi gì về cho Văn nữa. Một chị bạn đồng nghiệp khác và cũng là hàng xóm cũ, rất thân khi tôi còn ở nhà, trong một thư viết cho tôi, chị kể:
"Một lần mình gặp hắn chở người tình đi chơi, mình giận, nói với hắn rằng:
- Anh biết không, hồi anh còn học tập cải tạo, chị Tú đã từng xin chúng tôi từng viên thuốc cảm để thăm nuôi anh.
Văn cười trả lời:
- Lương giáo viên của cô ấy có 60 đồng một tháng, làm sao cô ấy có thể nuôi nổi bầy nhỏ và thăm nuôi cải tạo. Cô ấy phải làm CÁI GÌ chứ!
- Trời đất, anh Văn. Tôi không thể tưởng tượng nổi là anh có thể nói câu nói đó. Tôi và chị Tú là bạn đồng nghiệp, vừa dạy chung một trường, vừa là bạn hàng xóm. Chị Tú làm gì, chúng tôi biết cả.
Thôi Tú nhé, đừng buồn. Hãy quên con người bạc bẽo ấy đi".
"Hãy quên con người bạc bẽo ấy đi," nhưng tôi lại không quên được những viên thuốc cảm mà tôi đã đi gom góp từ các bạn đồng nghiệp ngày nào. Hồi đó, trong phần nhu yếu phẩm của giáo viên, hàng tháng mỗi người còn được mua sáu viên thuốc cảm. Trong trường cả cấp một, cấp hai và nhân viên có tất cả hai mươi tám người nhưng có đến gần phân nửa số giáo viên có chồng tù cải tạo. Chị Hiệu trưởng nói, sáu viên thuốc cảm xuyên tâm liên cho mỗi người không đủ chữa cảm, vậy, hãy gom lại, chia đều cho các cô có phiếu thăm nuôi chồng trong tháng, gọi là chút tình tương thân, tương ái.
Tôi nhìn xuống lá thư từ quê hương của bạn tôi viết trên giấy học trò, loại giấy xấu, có màu nước dưa vàng úa. Lá thư còn dài nhưng tôi không đọc tiếp. Cũng như chị, tôi không ngờ Văn có thể nói câu nói đó. Tôi đau và hận.
Cuộc đời tôi từ đấy, có thêm một câu để mà nhớ, bên cạnh câu nói của chàng.
Nếu câu nói của chàng gợi cho tôi hình ảnh một tình yêu với đầy đủ nghĩa hy sinh, biết nghĩ đến nhau, sống cho nhau, vì nhau và tri ân nhau bao nhiêu… thì câu nói của Văn, với tôi, là một chứng tích của bội phản, của bất nghĩa, bất nhân và tàn nhẫn không thể nào tha thứ được.
Trong những năm khốn khổ nhất của cuộc đời, tôi đã làm CÁI GÌ để nuôi bầy con và nuôi Văn tù cải tạo ư? Vâng, tôi đã làm tất cả những gì trong khả năng tôi miễn sao có những đồng tiền trong sạch để có đủ cơm áo cho bày con, để có đủ năm, sáu chục ký lô quà cho mỗi lần thăm nuôi dài bốn năm trời đằng đẵng. Tôi đã làm CÁI GÌ ? Muốn biết tôi đã làm cái gì, xin hãy hỏi bầy con tôi. Các con tôi, sống bên tôi từng ngày, chia sẻ với tôi mọi điều cơ cực, sẽ cho người hỏi câu hỏi đó một trả lời sự thật. Một trong những câu trả lời đó là tình trạng kiệt quệ về sức khoẻ và dấu tích của nó là những vết sẹo còn lưu lại trong hai lá phổi của tôi. Nếu như năm đó tôi không có cơ hội may mắn vượt biên thì chỉ vài năm sau tôi sẽ chết vì bịnh lao phổi này vì thời ấy, dưới chế độ CSVN chỉ có xuyên tâm liên. Bịnh gì cũng xuyên tâm liên. Những loại thuốc chữa bịnh, nhất là bịnh phổi, chỉ có người nào có thân nhân từ Pháp gởi về mới có, vì thế, rất đắt và rất hiếm. Với hoàn cảnh tôi nuôi bốn con nhỏ và thăm nuôi chồng tù, tôi không thể có đủ tiền mà chữa bịnh. Mà nếu tôi chết vào những năm đó thì các con tôi sẽ bơ vơ và không hiểu sẽ khốn khổ đến thế nào.
Riêng tôi, dù trong những lúc khó khăn tăm tối nhất của cuộc đời, tôi vẫn biết tôi phải làm gì, để cho tôi, khi nhìn vào cuộc đời, tôi nhìn thật thẳng mà không hề hổ thẹn. Để khi nhìn các con tôi, tôi hãnh diện đón nhận những tình cảm yêu thương kính mến tròn đầy mà không hề mặc cảm. Và, cũng để cho một ngày nào, nếu có được gặp lại chàng, tôi vẫn xứng đáng với tình yêu và lòng qúy mến của chàng, vẫn đủ tư cách để nói với chàng những lời nuối tiếc chân thật nhất của lòng tôi, dù những lời này có trễ.
Ngô Minh Hằng
No comments:
Post a Comment