Monday, February 18, 2019

Sài Gòn Qua Lăng Kính ca Tôi

Khổng Thị Thanh Hương

Buổi sáng năm nào, khi leo lên tầu Hải Quân VNCH để xa rời quê hương vĩnh viễn, tâm trí tôi không hề có một hình ảnh rõ rệt nào về những ngày đen tối sắp tới, ngoại trừ sự tin chắc rằng một trận hồng thủy sẽ thay đổi số phận của hàng triệu sinh linh miền Nam Việt Nam.

Thế rồi đùng một cái, tin thủ đô của miền Nam đã bị thay tên.  Khi nghe được tin này, tôi bàng hoàng hụt hẫng như đánh mất một vật gì thiêng liêng, rất qúy, rất thương.

Thủ đô Sài Gòn giờ đã mang tên của một con cáo già tu luyện lâu ngày biến thành tinh. Con cáo tự xưng mình cực kỳ thông minh.  Thông minh?  Tôi tìm hiểu thêm ý nghĩa của hai chữ “Chí” và “Minh” và theo Tự Điển Hán Việt, “chí” là một loài chim mạnh tợn ngoài nghĩa hung ác. “Minh” mang nhiều ý nghĩa tiêu cực không kém, như u ám, tối tăm, ngục tối, âm phủ.

Dù tên Sài Gòn đã đổi thành tên của một thứ hung ác, tối tăm u ám như địa ngục, như âm phủ, trong lòng tôi bao giờ thủ đô của miền Nam Việt Nam vẫn là Sài Gòn, vĩnh viễn là Sài Gòn.  Không bao giờ tôi gọi tên thủ đô của miền Nam Việt Nam bằng tên nào khác. Tôi không muốn gọi tên thủ đô ngày xưa của tôi bằng cái tên mới, vì mỗi lần nhắc tới tên mới là một lần nhắc đến sự kiện một tên đồ tể đã đưa toàn thể dân tộc tôi vào gông cùm cộng sản, đã nhuộm đỏ toàn thể quốc gia hình chữ S của tôi.  Lòng tôi phản kháng như thế, từ khi ở bên Quận Cam, và chưa có dịp tỏ bày tinh thần chống cộng của mình bên “Thiên đàng hạ giới” này. 

Cho đến một ngày.

Hôm đó chàng và tôi lái xe đi về phía Bắc của Hilo để ngắm cảnh, sau khi đã dọn sang bên Đảo Lớn gần nửa năm.  Vì rời nhà sớm khi mặt trời chưa lên, chúng tôi ghé vào một nhà hàng để ăn điểm tâm.  Vừa mở cửa vào bên trong, một tấm bản đồ thế giới thật to gắn trên bức tường bên trái và một bản đồ nước Mỹ, nhỏ hơn, đã đập vào mắt tôi.  Không hiểu động lực nào đã khiến tôi đưa mắt nhìn tấm bản đồ mà không nhìn gì khác, ví dụ như cách trang trí của nhà hàng, hay tìm chiếc bàn vừa ý. 

Ông quản lý người Bồ Đào Nha tiến tới chào và ra dấu hỏi chúng tôi có ưng ý ngồi nơi bàn ngó ra ngoài đường.  Chưa kịp ngồi xuống, ông quản lý đã hỏi chúng tôi "Ông bà từ đâu đến?”  Có lẽ ông ta chưa bao giờ thấy chúng tôi ghé qua nhà hàng?  Adam nhìn tôi, chờ tôi trả lời trước.  Tôi đáp, “Tôi là người Việt Nam.  Tôi là một trong những thuyền nhân Việt Nam đầu tiên của thế kỷ trước và định cư tại Nam Cali hơn 40 năm qua. Chúng tôi mới dọn sang Đảo Lớn này.” Ông ta mỉm cười, đưa cho tôi một cái đinh ghim, rồi chỉ về phía tấm bản đồ và nói, "Bà hãy ghim vào nơi quê quán của bà đi".   Khi tiến tới gần hơn để nhìn cho rõ bản đồ hình chữ S, tôi thấy tên của tên qủy đội lốt người đã được in đậm trên chỗ mà ngày xưa là Sài Gòn, là thủ đô của nước VNCH của tôi.  Tôi lắc đầu nhìn ông ta trong khi chỉ lên trên bốn chữ HCM City.  Tôi nói, "Tôi không ưa cái tên này.  Vì hắn mà dân tộc tôi bị khổ sở, bị mất tự do, dân chủ và toàn thể đất nước tôi bị nhuộm đỏ hoàn toàn từ năm 1975 đến nay." 

Không thể tưởng tượng những gì tôi nghe kế đó.  Khi than thở với người đàn ông chưa từng quen biết về những gì chất chứa trong lòng, từ khi biết tin thủ đô yêu dấu đã bị đổi tên, tôi không mong sẽ có phản ứng gì đặc biệt nơi ông ta.  Có thể ông ta sẽ nói lời chia buồn hay lạnh lùng hơn, ông ta có thể nhún vai, coi như không phải là vấn đề của mình. Thế thôi.  Ngờ đâu, thái độ của ông này đã đem đến cho tôi một ngạc nhiên bất ngờ.  Ông quản lý nghiêm mặt nói, "Thế thì bà hãy xóa tên hắn đi!"  Không đợi tôi phản ứng, ông tiến tới quầy tính tiền, lấy một cây bút Bic từ trong một cái hộp và đưa cho tôi.  Tôi không thể nghe lầm, và không muốn ông quản lý tử tế phải lập lại lời khuyên, tôi cầm lấy cây bút Bic, đặt lên trên bốn chữ “Ho Chi Minh City” và bắt đầu gạch lấy, gạch để.  Cây bút Bic theo bàn tay tôi gạch xéo lên, xéo xuống trên bốn chữ mầu đen bướng bỉnh. Dường như chúng không muốn chịu thua ngòi bút mực mầu đen, cố gắng ló mắt nhìn đời.  Không ngăn được cảm xúc, nước mắt tôi ứa ra.  Tấm bản đồ dù được bọc bằng một lớp nhựa mỏng nhưng không thể xóa đi dễ dàng tên thành phố có tên của tên hồ, tên cáo. Tôi cứ sợ ông quản lý đổi ý khi thấy tôi “đánh vật” với bốn chữ này thì tôi sẽ đánh mất cơ hội viết lại tên thủ đô Sài Gòn trên tấm bản đồ của một nhà hàng cách Sài Gòn mấy ngàn cây số.  Mực bút Bic không hoàn toàn xóa hết tên của lão cáo ác ôn.  Nếu du khách nào để ý, họ sẽ thấy thành phố mang tên họ Hồ đã bị ai cố tình tẩy xóa.

Sau đó, cầm cái đinh ghim có đính hột trai mầu trắng mà ông quản lý đã trao cho tôi lúc nãy, tôi cắm lên trên hai chữ SAI GON với nụ cười mãn nguyện.  Quay nhìn ông quản lý tôi nói “Cám ơn ông.  Cám ơn ông hết lòng!” Tôi không thể diễn tả được sự rộn ràng trong lòng tôi lúc đó.  Chỉ vì cùng chí hướng chống cộng mà một người lạ đã cho tôi cơ hội xóa đi tên thành phố nhắc nhở đến nhiều đau thương của dân tộc tôi. 

Hôm nọ, tìm mãi không ra tấm hình tôi chụp sau khi ghi lại hai chữ SAI GON, tôi thử lên Internet tìm và ngạc nhiên thay, đã có người đăng tấm hình này (vài hôm sau, tìm kỹ hơn, tôi đã thấy trong PC của mình).  Hôm ấy, tấm hình chỉ có 3 đinh ghim phía Bắc và 6 ở miền Nam. 

Từ ngày tôi sửa lại cho đúng tên thủ đô của quê hương tôi trên bản đồ của nhà hàng này, không lần nào đi qua mà chúng tôi không ghé vào thăm (dù chỉ có hai đứa hay với bạn hữu), để nhìn lại bằng chứng chống cộng của mình.  Tôi chống cộng thế đó.  Như một cơn gió nhẹ thoảng lay trên cành dừa, cành tre, cành trúc; như tiếng thì thầm trong đêm vắng; hay như một viên cuội nhỏ lăn trên mặt hồ.  Hành động chống cộng của tôi không làm mưa làm gió, không can cường như một số người dân tôi chống cộng công khai, mặc dù phải đối diện với tù đày, với bất cứ khổ nạn nào đến từ nhóm cầm quyền, hay mất sự sống của chính mình, như cố luật sư Lê Đình Hồ.  

Source:http://nguyenngoctusg.blogspot.com/2018/02/sai-gon-qua-lang-kinh-cua-toi-khong-thi.html

No comments:

Blog Archive