Số Ở Tù
Tết Bính Tý năm 1996 tôi về Việt Nam. Một trong những ấn tượng sâu sắc trong tôi là… một bà thầy bói. Khi từ một hội chợ về nhà, thấy các em tôi đang xúm xít chung quanh một bà già, quần áo lôi thôi, mặt mày nhăn nhúm, tôi rất ngạc nhiên. Vừa lúc ấy, tôi nghe tiếng một cô em:
- Bà ơi! Có đông đủ anh em rồi. Bà đoán thử ai là người sướng, ai là người khổ nhất trong nhà.
Bà già không suy nghĩ nhiều, chỉ ngay vào tôi:
- Đây là người khổ nhất. Còn người sướng nhất tui không biết.
Mấy em tôi cười phá lên. Cô em gái út nói:
- Ảnh sướng nhất nhà. Chắc bà bói lộn ngược rồi.
Tôi cười, không có ý kiến.
Sau này tôi suy ngẫm, thấy bà ấy nói đúng. Tôi là người chịu nhiều tai ách nhất trong số các anh em. Nói một cách dễ hiểu tôi có số ở tù. Tôi nói tôi có số ở tù không phải vì tôi ở tù lâu, mà phần nhiều vì những lý do lãng xẹt mà tôi xin kể sau đây.
Lúc 8, 9 tuổi tôi có thằng bạn tên Lê Tấn Khương. Khương thích chơi với tôi vì tôi học… cao hơn nó. Nó chỉ học qua loa rồi hành nghề bán cà- rem cây kiêm đánh giày. Tôi thích chơi với Khương vì nó rất trực ngôn. Nó nói những cái ít ai dám nói, thí dụ “Miệng mi hôi quá”. Nghe nó nói tôi đi đánh răng súc miệng ngay. Nếu người khác nói chưa chắc tôi nghe lời có khi còn giận, nhưng nghe nó nói tôi không giận vì tôi xem nó như trẻ con, đúng hơn là như cái “máy sửa sai” để tôi sửa. Máy thì không biết nói mỉa, không biết chọc tức, không biết chê bai…
Cô tôi rất dị ứng với Khương, xúi ba tôi đừng cho tôi chơi với nó:
- Sao anh lại cho cháu chơi với thằng Khương. Con mình mà lại làm bạn với thằng đánh giày, đã vậy mặt mày thằng đó lúc nào cũng như đưa đám.
Ba tôi bỏ ngoài tai những lời cô tôi nói. Tôi biết ông thà để tôi chơi với Khương còn hơn để tôi chơi với đám trẻ mất dạy sau nhà, chuyên phá làng phá xóm và đánh nhau.
“Thần khẩu buộc xác phàm”.
Từ năm 1956 cho đến khi định cư tại Mỹ tôi ở tù tất cả bốn lần, chưa kể những lần tù lặt vặt.
Hồi ông Ngô Đình Diệm mới về chấp chánh tôi thấy rất đông người đi biểu tình ủng hộ ông ấy. Tôi đi theo đám biểu tình…cho vui, nhưng đi trễ, chỉ bám đuôi đám người phía sau. Bỗng nhiên một toán cảnh sát bao vây chung quanh, bắt đám người đi sau trong đó có tôi. Tất cả bị lùa về một nhà giam thường gọi là bót Con Gà. Tôi là một trong những người bị hỏi cung đầu tiên.
- Tại răng mi đi biểu tình?
Tôi không trả lời ngay mà nghĩ: “Quái! Không lẽ đây là Việt Minh.”
- Thằng kia, nghe không?
- Dạ nghe. Đả đảo Ngô Đình Diệm!
Tôi nghe một tiếng quát thật lớn và nhận một bạt tai như Trời giáng. Tôi bị nhốt vào cầu tiêu. Sáng hôm sau ba tôi đến lãnh tôi về.
- Sao con lại đi theo đám biểu tình đả đảo ông Ngô? Con dại quá, không lo học…
Tôi ngắt lời ba tôi:
- Ủa, đám biểu tình phía sau không phải đám phía trước hả ba?
Lần ở tù thứ nhì là “tù hình sự”. Tôi không nhớ tại sao Lê Tấn Khương vô gia cư, tiếng Mỹ gọi là homeless tức gần như đồng nghĩa với ăn mày. Một hôm nó gặp tôi, rủ tôi xuống vườn hoa Diên Hồng trước bót Con Gà ngủ. Tôi thấy việc này cũng…vui nên đi theo nó. Khoảng nửa đêm cảnh sát bố ráp vườn hoa, dẫn giải chúng tôi vào bót. Trong toán cảnh sát có Sáu Cộ, nguyên mật thám Pháp được “tạm dùng”. Vì được “tạm dùng” nên Sáu Cộ lấy điểm, hăng lắm, chỉ muốn trói chúng tôi lại. Khi nghe tôi nói: “Tôi là học sinh” Sáu Cộ xáng tôi mấy bạt tai. Sáu Cộ rất ghét học sinh vì anh ta chưa từng cắp sách đến trường sau khi qua lớp bình dân học vụ. Trước 1954, nghề làm mật thám là nghề mà người có học thức ít ai muốn làm, nên Pháp chọn mật thám rất bừa bãi.
Sau một đêm bị nhốt, tôi bị hỏi cung, khai là học sinh Phan Châu Trinh. Rất may, người hỏi cung cũng từng là học sinh nên thả tôi ra.
Tôi vào Hải quân Việt Nam Cộng Hòa năm 1963. Mùa hè năm 1972 tôi là Trưởng phòng Chiến tranh Chính trị Sở Phòng vệ Duyên hải, thuộc Nha Kỹ thuật Bộ Tổng Tham mưu. Một buổi sáng tôi đang ngồi làm việc trong văn phòng thì Hải quân Thiếu tá Tham Mưu trưởng Võ Hữu Danh vào gặp tôi, nói một câu rất gọn:
- Anh bị mất tự do.
Tôi tưởng ông ấy nói đùa nên chỉ cười và định tìm một câu gì đó ý nhị để đùa lại thì thấy Thượng Sĩ Bảy và một Trung sĩ không nhớ tên, cả hai đều là Hạ sĩ quan an ninh, bước vào bảo tôi đi theo họ. Lúc bấy giờ Thiếu tá Danh không còn ở đó nên tôi không thể hỏi ông ấy thêm điều gì. Tôi biết đây không phải chuyện đùa nên đi theo hai Hạ sĩ quan an ninh. Họ bảo tôi vào một phòng trống gần đó rồi khóa cửa lại.
Khuya hôm đó hai Hạ sĩ quan an ninh đưa tôi lên phi trường Đà Nẵng. Tôi ngồi bên cạnh tài xế, Thượng sĩ Bảy và viên Trung sĩ ngồi phía sau. Viên Trung sĩ cầm súng gần như chĩa vào tôi, sẵn sàng bắn. Mặt anh ta hầm hầm. Tôi ngạc nhiên không hiểu sao anh ta thay đổi thái độ nhanh như vậy. Xưa nay tôi vẫn dễ dãi, hòa đồng với cấp dưới, có khi quá “hòa đồng” trong lúc nhậu nhẹt đến nỗi bị cấp trên khiển trách.
Khoảng nửa giờ sau khi Thượng sĩ Bảy làm thủ tục, một chiếc máy bay lăn bánh đến. Chiếc máy bay không ghi một chữ hay biểu trưng (logo) gì bên ngoài. Khi bước vào bên trong tôi mới thấy mấy chữ “American Airlines” trên khung cửa phòng lái. Có lẽ khuya quá nên không có một hành khách nào ngoài ba chúng tôi. Một anh mặc thường phục hình như Tàu Đài Loan, đóng cửa máy bay rồi đi ra phía trước.
Đến Sài Gòn, tôi bị đưa đến Cục An ninh Quân đội. Một Thượng sĩ đến nhận tôi, đưa tôi đến phòng giam. Sáng thức dậy tôi mới để ý đến ba ngươi cùng phòng. Viên Thượng sĩ nhận tôi và cũng là giám thị, Thượng sĩ Thuần, vào phòng giới thiệu về ba người cùng phòng: Nhà văn Nguyên Vũ (tức Vũ Ngự Chiêu, nay là Sử học gia); anh Nghị, Khóa 20 Võ bị Đà Lạt, Trung úy Biệt động quân; và một thiếu niên. Sau này tôi được biết thêm Nguyên Vũ bị giam về vụ chửi lộn với mấy ông dân biểu, anh Nghị mới bị Việt Cộng thả ra, thiếu niên trẻ là một giao liên Việt Cộng. Anh này chưa tới 18 tuổi, mặt như mặt chồn, thấy mất cảm tình ngay. Tên này suốt ngày cứ than chẳng biết có được thả trước Tết không. Tôi rất bực mình, có lần nói:
- Mi muốn ra trước Tết để tấn công như Tết Mậu Thân hả?
Tôi chẳng quen ai trong số 3 người này. Lát sau qua khung cửa sổ nhỏ tôi thấy Dương Hùng Cường tức Dê Húc Càng đi ngang qua. Anh Cường ăn mặc rất “thoải mái”, trên người anh lúc đó chỉ có một cái sì-líp. Anh đang bưng đồ ăn đi hâm. Anh ta nhìn thấy tôi, cười. Tôi nghĩ chắc Dương Hùng Cường và Nguyên Vũ cùng một “vụ” nên mới bị nhốt riêng. Cho đến lúc đó tôi vẫn không biết tôi thuộc “vụ” gì.
Sáng hôm sau tôi được gọi lên văn phòng. Một người ngồi vào bàn, lục tìm hồ sơ, rồi nói với tôi:
- Chào Đại úy! Tôi là Phúc. Đại úy có biết vì sao ông bị đưa vào đây không?
Tôi trả lời ngay:
- Tôi không biết. Tôi rất hoang mang về việc này.
- Đại úy có biết Trần Hạnh không?
- Tôi không biết.
- Trần Hạnh là gián điệp Việt Cộng, bị bắt, khai có gặp Đại úy.
- Tôi chưa hề nghe đến cái tên Trần Hạnh, nói chi gặp.
Đại úy Phúc đọc tiếp hồ sơ rồi nói:
- Đại úy cứ an tâm nghỉ ngơi. Sau khi mọi việc sáng tỏ, ông sẽ về đơn vị. Bây giờ Đại úy có thể trở về phòng.
Trong thời gian này Thượng sĩ Thuần thường vào phòng nói chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng cho chúng tôi biết thêm tin tức về việc giam giữ như nhận đồ ăn, thăm viếng... Thượng sĩ Thuần là người rất dễ chịu, nhưng phụ tá của ông ta, một Hạ sĩ tên Nhất, thì ngược lại, lúc nào cũng nhăn mặt như đang nhức răng. Có lần anh ta mang một cái “cùm” để ngay cửa ra vào, hù chúng tôi. Đó là một chiếc lồng sắt vuông mà người chỉ có thể ngồi trong đó chứ không đứng hay nằm được.
Ở đây chừng một tháng tôi và Nguyên Vũ được dời qua phòng khác, gần bếp hâm đồ ăn. Chúng tôi ở chung với một Đại úy tên Thâm, Chi khu phó và 1 Chuẩn úy không nhớ tên. Cả hai đều thuộc Tiểu khu Quảng Trị. Đại úy Thâm người thâm trầm ít nói, còn anh Chuẩn úy thì lúc nào cũng giúp chúng tôi đi hâm đồ ăn để được ra ngoài. Phòng này ban ngày chỉ khép, ban đêm mới khóa. Một hôm tôi ra hâm đồ ăn, gặp một anh trắng trẻo, hơi thấp, mặt tròn như ông địa, tươi rói. Anh ta chào tôi:
- Chào Đại úy!
Tôi ngạc nhiên không hiểu sao anh ta biết cấp bậc tôi. Tôi chào lại:
- Chào anh!
Lúc vào phòng tôi nghe kể lại anh ta là Việt Cộng gộc. An ninh Quân đội “mượn” anh ta về đây để khai thác tin tức.
Lúc bấy giờ Nguyên Vũ đang viết một truyện dài có tên hình như là “Da Vàng”, nói về mấy anh Việt Minh “răng đen mã tấu” ở ngoài Bắc. Tôi có “đóng góp” với Nguyên Vũ về truyện dài này rằng “Việt Minh ở quê tôi không có ai giống anhViệt Cộng gộc đó cả”. Nguyên Vũ rất thích nói chuyện với tôi vì một lẽ đơn giản là hai sĩ quan cùng phòng, một anh thì âu sầu, ít khi mở miệng; một anh thì suốt ngày chỉ chực đi hâm đồ ăn.
Ở đây thêm 2 tháng, tôi được gọi lên văn phòng để “làm việc”. Đại úy Phúc gặp tôi:
- Chào Đại úy! Chúng tôi chỉ đưa Đại úy vào đây là để tránh cho Đại úy những đáng tiếc xảy ra.
Tôi nghĩ đó là một cách nói của An ninh Quân đội. Tôi cười:
- Trân trọng cám ơn.
Sáng hôm sau bác tôi vào thăm tôi. Tôi biết bị giam cứu để điều tra mà được thăm là sắp về.
Đúng vậy. Ngay trưa hôm đó tôi ra về.
Tôi trình diện Hải quân Trung tá Nguyễn Viết Tân, Chỉ huy trưởng Sở Phòng vệ Duyên hải. Ông không hề hỏi tôi bất cứ chi tiết gì về việc tôi bị giam giữ 3 tháng 10 ngày. Cũng không ai hỏi tôi việc này. Chỉ huy trường cho tổ chức một bữa tiệc mừng tôi hồi nguyên, có bia rượu, có thịt bò nướng, có thịt ốc xa cừ do Biệt hải lặn bắt lên.
Chừng nửa tháng sau tôi có lệnh đáo nhậm đơn vị mới ở Năm Căn. Tôi được nghỉ một tuần trước khi đi. Tôi về nhà nghỉ ngơi và sửa soạn hành trang.
Tôi thấy ba tôi có vẻ như muốn dặn dò hay nói với tôi điều gì đó nhưng không tiện nói ra. Nhưng rồi cuối cùng ông nói:
- Có biết vì sao bị bắt không?
- Chỉ bắt nhầm thôi. Họ tưởng con liên lạc với Việt Cộng.
- Không nhầm đâu. Tại ba…
- Ba nói sao?
Ông suy nghĩ một lát rồi cho biết đại khái như sau.
Ba tôi rất quyến luyến họ hàng thân thuộc ở trên quê. Ông thường lui tới các đám giỗ kỵ. Một hôm sau khi tham dự một đám giỗ tổ chức tại nhà một người thân ở cuối thôn, ông đi ra khu vườn phía sau nhà dạo chơi thì gặp hai người đàn ông từ trong một lùm tre bước ra:
- Chào chú!
Ông chào lại, định trở vô nhà thì họ giữ ông lại:
- Nếu chú là người khác thì chúng tôi bắt chú. Chỗ này là cơ sở bí mật. Chú đã biết tức là lộ bí mật. Nhưng mà thôi, chúng tôi muốn gặp Nguyễn Tân, con chú.
Ba tôi do dự một lát rồi nói:
- Để tôi hỏi nó.
- Thôi được, chú về hỏi đi. Sẽ có người gặp con chú sau.
Nghe đến đây tôi ngắt lời ba tôi:
- Ba đâu có nói với con việc này.
- Phải. Có nhớ hồi con từ bên kia sông về, đậu xe phía trước, rồi vào nhà không?
- Về nhà, đậu xe trước nhà nhiều lần, con đâu có nhớ.
- Hồi đó có 2 người đàn ông trong nhà, một người thấy con, đi nhanh ra phía sau. Hai người kia đứng dậy rời nhà.
- À, à. Có phải chiều 23 tháng Chạp không? Hôm đưa ông Táo. Đúng, có một người đi nhanh ra phía sau. Người đó hơi thấp, tay xách cái cặp.
- Đúng. Con nhớ giỏi!
- Hồi đó con mặc đồ rằn ri, cùng đi với ba người cũng mặc đồ rằn ri, phải không?
- Đúng. Ba người đó thấy con mặc đồ rằn ri, lại mang súng ống, nên họ sợ.
- Con đâu có để ý bọn họ.
- Trong số bọn người hôm đó có Trần Hạnh. Hắn bị bắt, khai có đến nhà gặp con.
- Trời đất! Như vậy là “gặp” sao? Mà sao ba biết-Tôi kêu lên.
- Ba bị Sở 1 An Ninh Quân Đội mời lên hỏi.
Tôi suy nghĩ một lát rồi nói:
- Ba đừng lên trên quê nữa nghe ba!
Nghe tôi nói, ba tôi nhìn tôi ngạc nhiên như tôi đang nói một chuyện gì vô lý lắm, cứ như là tôi bảo ông đừng đi dạo phố, đừng đi chơi… Nhưng rồi ông buồn bã nói:
- Ừ, ba không lên trên quê nữa đâu.
Sau này có lần ông nhớ quê, lấy xe mobylette đi lên trên đó nhưng tới Cẩm Lệ ông quay lui.
Tôi đến Sài Gòn trước khi xuống Năm Căn, Vùng 5 Duyên hải. Tôi ghé nhà Lê Tấn Khương ngủ lại. Lê Tấn Khương đã vào Sài Gòn từ lâu. Hắn không còn hành nghề bán cà-rem cây nữa, mà bán bắp rang, một loại hàng mới xuất hiện ở Sài Gòn khoảng năm 1956. Bắp được rang bằng lò điện có lồng kính. Bắp rang bay lên như pháo bông trông rất đẹp mắt. Sau đó Khương có tiền, mở một tiệm tạp hóa ở Thị Nghè. Hắn rất mừng khi gặp tôi. Hắn hỏi:
- Du học Mỹ về hả?
- Sao hỏi vậy?
- Thấy trắng trẻo.
-Không, vừa ở tù ra. Trong tù có đi đâu được, có… trụy lạc đâu, nên trắng trẻo, mập mạp.
Hắn cười, nhìn tôi, không tin tôi nói thật. Tôi cũng chẳng muốn cắt nghĩa thêm.
Tôi xuống Năm Căn, làm một chức vụ của sĩ quan mất quyền chỉ huy, Liên đoàn phó PCF, phụ tá anh Nguyễn Duy Khanh, Khóa 12. Trong thời gian ở đây tôi được lên Thiếu tá. Hồi đó Giang đoàn 25 Xung phong đang hành quân ở Năm Căn. Anh Thuận, Khóa 11, là Chỉ Huy trưởng. Khi anh Thuận đổi đi tôi thay thế anh ấy. Một tuần sau khi tôi làm Chỉ Huy trưởng, đơn vị này trở về Cần Thơ. Lúc bấy giờ Hiệp định Paris vừa ký kết xong. Đường sông từ Năm Căn đến Sài Gòn đầy cờ “Mặt trận Giải phóng” cắm hai bên. Chúng tôi đổ bộ lên bờ nhổ bỏ có đến hàng trăm lá cờ. Chúng tôi cặp cầu tàu, ngay trước Bộ Tư lệnh Vùng 4 Sông ngòi. Trong đám nữ sinh đón chiến sĩ hải quân chiến thắng (?) trở về hậu cứ có bà xã tôi hiện nay.
Giang đoàn 25 Xung Phong là một trong những đơn vị tôi ưa thích nhất. Ở đây tôi được phục vụ dưới quyền các vị Đại niên trưởng như Đô đốc Vũ Đình Đào, Đô đốc Hoàng Cơ Minh, Đô đốc Đặng Cao Thăng, HQ Đại tá Lê Hữu Dõng... Có một số sĩ quan ở đây rất thân với tôi như HQ Trung tá Phan Tứ Hải, HQ Trung tá/Thiếu tá (?) Nguyễn Tạ Quang, HQ Đại úy Nguyễn Trung Tâm, HQ Trung úy Ma Thành Tâm, HQ Trung úy Hùynh Thiện Toàn… Về bạn bè cùng khóa, anh Nguyễn Quang Thái là người tôi thường xuyên gặp. Có lần tôi hỏi Thái:
- Mầy biết tao ở tù vì tội gì không?
- Ở tù hồi nào, tại đâu?
- Số 8 Nguyễn Bĩnh Khiêm
- Đùa dai.
- Thiệt mà.
Thái cười, đinh ninh tôi đùa. Tôi thấy chẳng cần cắt nghĩa. Mặc dù tôi có nhiều bạn cùng khóa ở Sở An ninh Hải quân, một bộ phận của Cục An ninh Quân đội, nhưng khi tôi nói về việc tôi từng bị giam giữ ở đây thì hầu như ai cũng ngạc nhiên. Lắm lúc tôi hoang mang không hiểu có thật tôi đã từng bị giam ở Cục An ninh Quân đội không. Tôi cảm thấy việc đó như một giấc mơ.
Sau năm 30-4-1975 tôi ở tù 10 năm. Trong tù tôi ở tù thêm 3 lần. Đó là 3 lần bị cùm trong phòng kín. Sau 10 năm tôi ra trại, lại ở tù thêm, lý do: Tôi cam đoan với trại sau khi “học tập tốt” sẽ về ở trên quê, sinh quán của tôi, nhưng tôi lại ngoan cố ở Đà Nẵng. Tôi bị nhốt thêm 2 lần, mỗi lần 3 tháng.
*
Tôi được định cư tại Mỹ theo Chương trình HO (Cựu tù nhân chính trị) đầu năm 1990. Đối với tôi, đây là Thiên Đàng Hạ Giới, vì từ ngày định cư tới nay, trong 28 năm, tôi chẳng ở tù.
Một hôm trong buổi họp mặt của một Hội Cựu Tù nhân Chính trị, tôi gặp một bạn học cũ lớn tuổi, anh Nguyễn. Tôi nghe nói anh là một trong những người ở tù cải tạo lâu nhất. Anh cũng ở tù 4 lần như tôi, nhưng không có lần nào dưới 4 năm. Chuyện trò một hồi anh Nguyễn hỏi:
- Đằng ấy ở những trại nào thế?
- Bốn trại chính: Trại Tịnh Giang (Quảng Ngãi), Trại 2 Tổng Trại 3 (Quảng Ngãi), Trại 3 Tổng Trại 2 (Quảng Nam), Trại Tiên Lãnh (Quảng Nam).
Tôi giả giọng Bắc nói tiếp:
- Mà sao…đằng ấy nói tiếng Bắc đặc sệt thế? Đằng ấy người Quảng Nam mà.
- Tớ bị giam đến mười bảy năm ở vùng thượng du Bắc Việt mà lị.
Tôi cười nói:
- Đằng ấy thua tớ, không bị “Ngụy” giam. Tớ bị “Ngụy” giam hơn 3 tháng ở Cục An ninh Quân đội.
- Thật à!
Tôi kể mọi chuyện cho Nguyễn nghe. Anh ta đăm chiêu một lát rồi nói:
- Toán Việt Cộng móc nối bạn là tay chân của Trần Tiến Cung, Cụm trưởng Cụm tình báo H32, cơ quan chỉ huy đóng tại Gò Nổi, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trần Tiến Cung sau này là Thiếu tướng Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng.
Tôi sực nhớ đến tay Việt Cộng chào tôi trong nhà giam:
- Trần Tiến Cung có bị bắt không?
- Không! Chắc bạn nghĩ đến người chào bạn ở chỗ hâm đồ ăn trong Cục An Ninh hả? Đó có thể là người bạn từng “gặp”. Người xách cặp đi nhanh ra phía sau ấy mà!
Tôi đưa ngón tay cái lên:
- Sao cái chi đằng ấy cũng biết thế. Phải, phải!
Một việc rất kỳ diệu, tôi đã gặp lại Lê Tấn Khương trong một buổi họp mặt đồng hương. Tôi đi chung quanh phòng tìm một bà chị họ thì thấy ai ngồi ở hàng ghế đầu trông quen quen nhưng không nhớ là ai. Tôi nghĩ mình đã cao tuổi, mắt có thể “trông gà hóa cút”, nhưng sau khi chào cờ, nghe ông hội trưởng đọc một bài diễn văn dài lòng thòng trong khi mọi người đang…lim dim, rồi có tiếng anh điều khiển chương trình mời những vị Mạnh Thường Quân lên sân khấu: “…Xin mời Ông Lê Tấn Khương…” thì tôi tỉnh hẳn …ngủ. Tôi nhìn lên sân khấu. Rõ ràng là Khương cà-rem cây. Hắn không nhìn ra tôi cho đến khi gặp tôi dưới bục. Hắn ôm chầm lấy tôi. Sau này tôi và hắn gặp nhau thường xuyên. Có lần tôi hỏi hắn:
- Mầy có ở tù lần nào không, tao quên mất!
- Một lần ngủ bụi với mầy đó.
- Không kể những lần tù lặt vặt, tao ở tù tất cả bốn lần.
- Nhiều vậy sao.
- Tao không biết tại sao tao lại ở tù.
- Tao biết - Khương cười nói.
- Biết thế nào?
- Tại mày ngu.
Bồ Tùng Ma
No comments:
Post a Comment