Monday, February 25, 2019

Cám ơn các anh… Không Quân

CaptovanK19

Nếu như ở hậu phương,...
Đêm Xuân, mỗi khắc giá đáng ngàn vàng đó ái khanh...”!

Thì ngoài chiến trường,...
Cứu quân, mỗi khắc giá đáng ngàn sinh mạng đó các anh KQ ơi”.

Kể từ sau khi đọc xong cuốn “Đời Phi Công” của Toàn Phong, mỗi buổi sáng thay vì chạy bộ như thường lệ thì tôi lại dang thẳng hai tay nghiêng cánh sắt, khi nghiêng bên phải lúc nghiêng trái chạy vòng vòng, môi chúm lại, phát ra những tiếng “ù ù”, chúi đầu về phía trước, bắn súng miệng: “pằng-pằng”. Mê KQ đến như thế nên khi Thiếu Tá Nguyễn Cao Kỳ đến trường Pétrus Ký thuyết trình và chiêu dụ thanh niên chọn con đường “đi mây về gió” là tôi nạp đơn tình nguyện liền mặc dù lúc đó mới đang học lớp đệ nhất. Vì thiếu kinh nghiệm khi đi khám sức khỏe nên tôi không biết uống 2 lít nước trước khi bước lên bàn cân nên bị loại vì không đủ tiêu chuẩn 50 kg.


Thua keo này ta bày keo khác, vừa hoàn thành “tú-đúp” lại nạp đơn liền, rút kinh nghiệm, kỳ này tôi uống thật nhiều nước, một lít nước nặng 1 kg chứ ít sao. Có lẽ ông trung sĩ có phận sự cân đo kích thước và sức nặng của các thí sinh biết được “tẩy” của những chàng nhẹ ký nhưng nặng tình với KQ nên ông ta cứ tà-tà, không đi đâu mà vội! Chỉ tội nghiệp cho người chuẩn bị đứng trên bàn cân, vì đã trót uống hai chai nước nên phải ôm bụng nhăn nhó đau khổ vì có thể bị “tức nước vỡ bờ” bất cứ lúc nào.

Nói ra sợ chúng bạn cười, chứ thực ra thủa thiếu thời tôi mê KQ không phải để bảo vệ vùng trời Tổ Quốc thân yêu mà vì thấy KQ được nhiều “người yêu” quá! Yêu anh có cái mũ ca-lô đội lệch, bộ áo liền quần với nhiều “phec-mơ-tuya”, yêu anh có con dao găm cùng 2 khẩu súng lủng lẳng hai bên, thương anh bay đêm với khúc bánh mì dắt túi.

Bạn bè cùng đi khám sức khỏe với tôi họ đã nhận được giấy gọi trình diện tại trại Phi Long TSN, còn tôi, đã bao ngày đợi mong chẳng thấy bóng “em” đâu nên tôi đầu quân vào Võ Bị. Chính vì mối tình dở dang với nàng KQ, “tình chỉ đẹp khi còn dang dở” nên dù đã là Võ Bị, là TQLC, tôi vẫn yêu mến KQ, rất hãnh diện được làm quen với những chàng KQ tử tế và hình như họ đều như thế cả.


Người đầu tiên tôi phải kể là tên Nguyễn Xuân Thanh, tuy cùng lớp, chung trường L.P.Ký nhưng nó giá sống, tôi rau muống, một tên Bê-Ka duy nhất trong lớp nên tên Xuân Thanh và đồng bọn ác ôn Nê-Ka hành hạ tôi vô cùng khốn đốn, thấy mặt tôi là chúng la “B.K. ăn cá rô cây” hay là hát nối vòng tay: “Từ Bắc vô Nam tay cầm bó rau, tay kia là sợi dây xích cùng với con cầy”! Tệ hơn nữa là chúng ca cải lương mà tôi nhớ suốt đời: “Ớ cái thằng nhỏ, mày đau làm sao mà dưới đít...có cọng rau, đúng là Bắc KỲ, BẮC KỲ...”

Người xưa có nói: “Trăm năm trả thù vẫn chưa muộn” nên tôi chờ sau khi tốt nghiệp tú tài 2B, tôi đi Võ Bị, tình nguyện về TQLC rồi mới đi tìm tung tích Xuân Thanh khắp 4 vùng chiến thuật, nhưng vẫn chưa gặp, nghe nói nó đi KQ, nó bay trực thăng hay lái “bà già”? Thiên bất dung gian, gần 50 năm sau bất ngờ chúng tôi đụng nhau trên đường Bolsa khi “bà già” nó lái nó bằng Honda từ Oklahoma đường xa vạn dặm về Little Sài Gòn để dự đại hội KQ.64, thế là ác chiến xẩy ra tại chiến trường “bún chả Hà Nội”.

Một người cùng lớp LP Ký khác là Nguyễn Quang Kim, đi K.17/VB rồi được chọn về KQ. Khi tôi vào VB thì hắn là khóa đàn anh và dĩ nhiên tôi được hắn ưu ái phạt nhiều hơn, nghe nói anh ta bay khu trục nhưng không biết “giờ này anh ở đâu?”

Một tên cùng lớp cùng xóm là trực thăng Đỗ Văn Minh, không biết hắn học khoá mấy, đơn vị nào nhưng từ sau vụ Hạ-Lào 71, chúng tôi cùng chung giới tuyến Quảng Trị, KQ và TQLC thường hay nói chuyện “trên Trời dưới Đất” với nhau.


Ngày N giờ G, khi một đơn vị TQLC ở trên đồi Carrol bị pháo kích nặng nề, nhiều lính bị thương trong tình trạng thập tử nhất sinh, trực thăng tải thương chưa xuống được! Bất ngờ tôi nghe tiếng Minh léo nhéo trong máy, nó đi tiếp tế cho một đơn vị bạn ở động Bà Thìn đang trên đường về, chắc nó biết tình trạng bi đát của tôi nên hối thúc bằng bạch văn luôn:

- “Chỉ điểm khói tím cho tao xuống bốc thương binh dùm cho”.
- “Không được, nguy lắm, gà tây (Mỹ) có cover mà còn chưa xuống được…”
- “C.., Đ.M., tao biết chỗ mày rồi, tao xuống, thả khói màu mau lên...”.

Vừa mừng lại vừa lo nhưng không còn chọn lựa nào khác, tôi thả khói tím để đánh dấu bãi đáp và chuẩn bị tải thương. Khói tím chưa kịp bốc cao thì chuồn chuồn từ đâu nhào tới, tưởng chừng như nó đạp thắng xe hơi, thương binh được cõng, bốc, vác thẩy lên sàn trực thăng trong khi cái càng máy bay không chạm đất và rồi nó cất cánh...

Lạy Chúa! An toàn trong nháy mắt, tôi mừng muốn thở hắt ra, thương binh đã được tải thương. Nếu không kịp cứu sống thì cũng không phải bị chết hai lần! Xác một người lính đã được gói poncho chưa kịp tải thương thì lại bị pháo VC là chết hai ba lần! Đó là những chuyện bình thường ngoài chiến trường!

Tôi biết Đỗ Văn Minh bị “củ” và bị ăn “củ cải” của xếp vì vi phạm nguyên tắc an phi, nhưng nó chỉ cười vì đó là chuyện “bình thường”! Có tiếp xúc với chiến trường thì mới biết trường hợp KQ cứu bạn như trưởng hợp của KQ Minh chỉ là một trong nhiều trường hợp “bình thường”.

Lại vào một ngày N giờ G khác, TQLC được lệnh đi tiếp cứu một trực thăng bị rớt cách động Ông Đô 5km hướng Tây Bắc. Ngày thứ nhất qua đi không tìm thấy gì, ngày thứ hai vẫn thế, cấp trên chửi thề bảo tôi vô trách nhiệm! Qua ngày thứ ba thấy xác trực thăng bị cháy nhưng không thấy “xương” phi công đâu. Tiếp tục bung rộng lục soát từng hốc đá bụi cây và rồi tiếng Thiếu Úy Nghĩa, Trung Đội Trưởng, báo trên máy:

- “Báo thẩm quyền thấy phi công rồi”.

Người phi công, quần áo bị cháy dở dang, nằm thở thoi thóp trong bụi rậm, kiến bu quanh vết thương đùi đã có mùi, có dòi! Đã 3 ngày rồi còn gì! Vậy mà chỉ cần vài nắp bi-đông nước cho ướt cặp môi khô đang rỉ máu thì bản năng sinh tồn khiến người phi công mở mắt, nhe hàm răng, đã 3 ngày không bàn chải, mỉm cười:

- “Tụi mày cứu tao đấy à? TQLC đẻ tao lần thứ hai”.

Thật khó khăn nhận ra nó nếu không có cái bảng tên Minh, chính nó là trực thăng Đỗ Văn Minh đã chui vào đạn pháo cứu thương binh TQLC mấy ngày trước đây thôi.

Mừng quá hóa bực mình, tôi chửi thề:

- “Đẻ cái con c.., mày hành tụi tao tìm ba ngày nay rồi, đứng dậy... đi”.

Cứ như đùa với tử thần, lại còn ăn nói lỗ mãng, nhưng nếu có một họa sĩ nào vẽ lên khung vải, không phải bức tranh “vân cẩu” mà là bức tranh tình huynh đệ “KQ & TQLC” này thì chắc cũng dễ thương lắm nhỉ.


Cũng cần thêm vào bức tranh “KQ & TQLC” này một tấm lòng của phi công chở quan... tài, anh bay C130 khứ hồi Sài Gòn Đà Nẵng chở quân, chở quan và quan tài của TQLC suốt trong thời gian SĐ/TQLC hành quân ở Vùng I. Anh bay không mệt mỏi cho nhu cầu chiến trường, tiếp tế, tải thương, bổ sung quân số. Những khi phi cơ chở đầy quan tài thì anh cho phép quan đi phép ngồi trong phòng lái. Nhờ vậy tôi mới biết thế nào là “sướng tận 9 tầng mây xanh”. Anh lái chim sắt chui qua những tầng mây xám, máy bay thì rung lúc lắc, mây bay vùn vụt như đập vào mặt khiến chúng tôi nghiêng đầu tránh, chân đạp thắng, tay ôm ngực, tay bịt mồm cho khỏi bị ói khiến quan tư Trâu Điên Trần Văn Hợp chửi thề:

- “Thằng Vinh Đèo này mày bay như con... c..”

Rồi 3 thằng bạn cùng khóa, một KQ, hai TQLC nắm tay nhau cười, nay thì Hợp ở “chín suối”, còn KQ ấy chính là Vinh Đèo Đào Quang Vinh, Florida.

Chẳng cứ phải là trực thăng Đỗ Văn Minh hay C130 Đào Quang Vinh cùng lớp, cùng khóa, cùng xóm với TQLC mới đối xử với nhau tận tình như thế, kể sao cho hết những trường hợp người không quen mặt, bạn không biết tên. KQ đã quên mình trên Trời mà cứu Bộ Binh dưới đất. Tôi không có đủ khả năng để kể hết, nói lên những tấm gương sáng này, chỉ trong phạm vi nhỏ hẹp xin gửi lời cám ơn muộn màng đến những chàng KQ không quen biết đã tiếp và cứu đơn vị chúng tôi trong những lúc nguy nan khốn đốn.

Năm 1965, trên đường vào cứu đồn Đức Cơ, Kontum, hai tiểu đoàn TQLC (2&5) sa vào thế trận công đồn đả viện của VC thì những “con ma, thần sấm” đến thả bom cứu bồ TQLC. Địch trong hầm hố lại quá gần quân ta nên bom thả từ trên cao kém hiệu quả, rồi thình lình một phản lực xì khói, cánh dù bung ra trên tít trời cao! Những phản lực còn lại bỏ mục tiêu dưới đất mà bay vòng tròn bao quanh cánh dù và thả bom diệt những tràng đạn lửa phòng không dưới đất bắn lên. Nhìn cánh dù lơ lửng trên trời cao vào lùc chiều tà, tôi cầu mong sao cho nó bay về hướng quân ta, nhưng buồn thay, dù cứ bay xa về hướng địch trong ánh nắng hoàng hôn và mất hút ở biên giới Việt Miên! Tôi không biết người phi công ấy là Việt hay Mỹ nhưng lòng buồn khôn tả! Trên khắp các chiến trường đã có những cánh dù như thế và người phi công không bao giờ trở về!

Phản lực đi rồi thì khu trục AD6 đến, trông nó xấu trai nhưng liều ra phết, nắm chắc phi công là phe ta chứ không phải Tây, các chàng bay sát ngọn cây để tránh phòng không dầy đặc mà còn để thả bom xăng đặc ngay trên tuyến những người “anh em”, khiến họ không thành chả thì cũng thành nem nướng. Tuy nằm cách xa mà chúng tôi cũng cảm thấy nóng tới độ muốn quăn cả lông mày lẫn lông tao. Sau vài “bát” napal, AD6 vọt lên cao lại còn xịt những tràng “đui-sết” 12.7 về phía hậu làm con cháu bác đành bỏ xác bạn chạy lấy người, mặt trận trở nên yên tĩnh. Đêm về, chúng tôi nằm ngửa mặt lên trời trên tuyến phòng thủ, nhìn ánh trăng không xuyên qua khỏi những lớp khói đạn bom, miệng há hốc không đủ ốc (xy) để ăn nhưng được an ủi không phải tiếp tục bóp cò và ăn pháo kích, địch đã cao chạy xa bay. Ngày hôm sau chúng tôi tiến vào tới đồn Đức Cơ thoải mái.

Cám ơn những người anh em phi công hào hoa, không có các anh tiếp đạn chắc chúng tôi sẽ vất vả lắm đấy, nhưng cho đến bây giờ vẫn không biết các anh là ai, những người cầm lái những khu trục đó?


Quay về Vùng Bốn, trận chiến trên kinh Cái Thia quận Cai Lậy vào ngày 31/12/1967, giữa Tiểu Đoàn 2/TQLC và 2 Tiểu đoàn VC (162A &162B) không kém khốc liệt. Trực thăng vừa đổ quân ta xuống là đã bị đánh phủ đầu ngay bởi đủ mọi loại súng từ trong bờ kinh xối xả bắn ra, đạn xuyên màng tang Trung Úy Nguyễn Quốc Chính, Đại Đội Phó của tôi khiến thằng em gục ngã ngay đợt xung phong đầu tiên. Vì là ngày “hưu chiến” nên không có hỏa lực yểm trợ của KQ Hoa Kỳ khiến chúng tôi sa lầy ngoài ruộng lúa!

Rồi không biết lệnh từ đâu, hồi lâu khu trục tới, dĩ nhiên là những người da vàng mũi tẹt cầm lái, TQLC chúng tôi thở phào thoải mái, nằm im ghìm súng nhìn chàng AD6 chúc đầu xuống trút bom rồi nghiêng cánh sắt lắc mình vọt lên không, không quên xịt từ đít xuống thêm vài tràng 12 ly 7.

Quá đã! Từng bụi tre còn tróc gốc nói chi đến đám VC, chúng bị chôn sống, đám còn lại kiếm đường chuồn! Họa vô đơn chí cho đám con chồn cháu cáo, khu trục đi thì Hỏa Long đến. Trong đêm tối, nhìn rồng phun lửa, đạn từ trên phủ xuống đầu địch như những giải lụa hồng đẹp ơi là đẹp. Chúng tôi chiếm được mục tiêu vào lúc 5 giờ sáng, ta nhìn xác địch la liệt không toàn thây bên những hố bom.

Trở về Vùng Ba, vào một sáng sớm tháng 10/68, khi sương mù còn dầy đặc bao phủ rừng Cầu Khởi, Hố Bò, 9 trực thăng thẩy 90 anh em ĐĐ1/TĐ.2TQLC chúng tôi xuống trảng trống rồi vụt bay đi, nói “thẩy” vì khi trực thăng còn đang lơ lửng là chúng tôi phải nhẩy vội xuống rồi, không cần biết dưới đất là cái khỉ gì.

Nhiệm vụ của 90 anh em tôi là “nhảy diều hâu”, nói cho dễ hiểu là bất chợt từ trên trời nhẩy xuống đất, nếu không gặp địch thì trực thăng đến bốc đi thả chỗ khác. Nếu đụng địch thì diệt, diệt không được thì cầm cự để đại đơn vị đến tiếp sức. Trò chơi này cũng hấp dẫn lắm, lính bộ binh mà không phải lội bộ ngày 20 cây số là thú vị rồi. Nay tới tuổi về “hiu”, đọc sách coi phim trên đất Mỹ mới thấy buồn cho anh em mình bị xem như những con dê đem cột cổ trong rừng để dụ ác thú! Dê càng kêu be-be thì người thợ săn trong lầu son gác tía càng dễ “be-he”!.

Trở lại khu rừng có tên Cầu Khởi, rừng sao im lặng quá, không tiếng chim kêu, không có nai hoẵng gọi đàn đi ăn sương sớm, như vậy ắt là có hơi người, nói đúng hơn là lũ “cáo hồ” đang rình rập đâu đây, kinh nghiệm dạy cho tôi biết như thế nên tôi ra lệnh cho anh em sẵn sàng và báo về đơn vị mẹ chuẩn bị tiếp cứu.

Ánh nắng vừa xuyên qua khe lá, sương vừa tan dần, cỏ cây rung động là biết mình đã bị bao vây, từng đám VC mình cài đầy cành lá đang lom khom men theo từng gốc cao su áp sát chúng tôi và hai bên súng nổ. Đơn vị mẹ đổ bộ trực thăng xuống một LZ khác cũng bị “uýnh” luôn nên 90 anh em tôi đành “seo-sẹc-vít”, tự lực cánh sinh. Bài này không phải để diễn tả trận đánh của bộ binh nên cho phép tôi bỏ qua diễn tiến chuyện bắn nhau, chỉ sơ lược đại khái để độc giả thấy anh em tôi đang trong tình trạng thập tử chí nguy. Cuối cùng thì khu trục, gunship UH1D, Cobra đã luân phiên thay nhau tác xạ vào địch quân theo lệnh “bà-già” bao che và cứu chúng tôi. Nằm ghìm súng dưới đất, ngước mắt lên nhìn các cô-ba (Cobra) thân hình thon gọn với hai ống hỏa tiễn hai bên, liệng qua lách lại phóng hỏa chưởng xuống đầu địch mà sướng rên. Nhờ cứu bồ tận tình và kịp thời mà trong số 90 anh em chúng tôi chỉ có 20 wishky (bị thương) và 8 kilô (hy sinh)! Nếu không có cô-ba, tôi chẳng còn có dịp ngồi đây viết gửi lời cám ơn muộn màng sau gần 40 năm đến các anh KQ.

Còn nhiều lắm, nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ nói lên sự tối cần thiết và quan trọng của những chàng KQ trong cuộc chiến, một đơn vị cấp đại đội như chúng tôi mà còn cần đến KQ như thế thì những đại đơn vị tiểu đoàn, lữ đoàn, những chiến thắng to hơn thì cần sự góp sức và công của KQ cần thiết biết là bao nhiêu. Nhưng hình như các “ngôi sao” anh dũng tưởng thưởng cho các phi công thì... lơ thơ tơ liễu, “gửi gió cho mây ngàn bay”!

Dù cấp lớn hay đơn vị nhỏ, từ Gio Linh Đông Hà tới Năm Căn, Cái Nước Cà Mâu, đâu đâu mỗi bước TQLC chúng tôi đi đều được “Bà Già” hay cô Loan.19 theo sát để săn sóc sức khỏe. Nếu không có quý “bà và cô” thì chúng tôi sứt mẻ khôn lường. Một lần tại chiến trường Chương Thiện, địch xung phong đông trong khi những AD6, A37 còn bận đổ xăng thì “Cô Loan” bèn xịt xuống một hỏa tiễn khói trắng để hù, địch khựng lại trong giây lát là đủ thời gian “xì-kai-đơ” lên vùng.

Nếu như ở hậu phương, “vua” nằm chờ Hoàng hậu, sốt ruột vua phải than:
- “Đêm Xuân, mỗi khắc giá đáng ngàn vàng đó ái khanh”!

Thì ngoài chiến trường, lính đánh giặc chúng tôi cũng kêu:
- “Cứu quân bạn, mỗi khắc giá đáng ngàn sinh mạng đó các anh KQ ơi”.

Và lúc nào các anh KQ cũng sẵn sàng. Chiến thắng Cổ Thành Quảng Trị ư? Mấy ai đã biết cái Cổ Thành là cái chi chi nếu chị không phải là người Huế, anh không quê Quảng Trị. Thành cao hào sâu nếu không có hỏa lực KQ tiếp sức thì phải cần bao nhiêu xương và máu mới chiếm được Cổ Thành? Có mấy ai biết rằng trung bình mỗi ngày có tới hằng trăm TQLC được gói poncho để dưới chân tường thành làm nấc thang cho đồng đội tiến lên và tiếp tục gục ngã!

Không biết trong số những anh KQ cỡi A.37, AD6, Gunship UH1D, Thundership, Phantom, Cô-Ba, Cô-Loan để giúp TQLC chúng tôi thanh toán mục tiêu Cổ Thành thì có anh KQ nào mang tên Nguyễn Văn Ức, Nguyễn Duy Diệm, Võ Ý, Phan Trừng, Nguyễn Xuân Huề, Lê Hồng Triển, Định Lắc, Vinh Đèo, Lữ Minh Đức, Trực Khều, Nguyễn Văn Tỏ, Minh Lõ, Phạm Đình Khuông, Nguyễn Hoàng Vân, Nguyễn Viết Trường, v.v... hay không?

Ngoài những anh KQ ngoài chiến trường mà tôi yêu mến, còn có những Không Quân ở hậu phương tôi hằng kính phục, dù đã 40 năm qua. Khi viết những dòng này tôi không còn nhớ quý vị ấy mang cấp bậc gì, chức vụ cao thấp ra sao mà chỉ nhớ đến những biệt danh mà thuộc cấp ưu ái dành tặng cho họ. Họ là “Anh Sáu Lèo, Anh Năm Vinh”.

Trận Mậu Thân 1968 tại Saigon, đơn vị TQLC chúng tôi “bị” đặt dưới quyền sử dụng của Tổng Giám Đốc Cảnh Sát và Giám Đốc Đài Phát Thanh. Tôi dùng chữ “bị” vì một lính tác chiến rất ngại đến gần, nói thẳng ra là không có cảm tình với mấy ông quan to ở thành phố, nhưng sau một thời giam làm việc dưới quyền của các ông, mọi ác cảm trong lòng tôi phải nhường chỗ cho sự kính phục.

Mới đây tôi có viết lại những kỷ niệm này trong câu chuyện “Vui Xuân Quên Nhiệm Vụ”, trong đó có nhắc tới anh “Năm Vinh” tức Không Quân Vũ Đức Vinh, Tổng Giám Đốc đài phát thanh đã thưởng cho đơn vị tôi một tấm “lắc” vì đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ và ông hứa sẽ gửi cho những băng nhạc Thái Thanh, nhưng vì đơn vị tôi đi hành quân liên miên và không có địa chỉ cố định nên không nhận được.

Khi nhắc lại kỷ niệm vui này với tấm lòng kính trọng các anh, tôi thật tình không hề có ý “khiếu nại” và cũng không biết “Anh Năm Vinh” ở nơi nào trên trái đất này. Nhưng thật bất ngờ một thời gian sau, sau khi bài viết được đăng, tôi nhận được 4 DVD nhạc của Thái Thanh do chị Vũ Đức Vinh và cháu Tùng gửi đến.

Thật là quá ngạc nhiên và cảm động nhưng cũng thật bối rối không biết phải nói làm sao, đã năm lần bẩy lượt tôi cố gắng viết câu chuyện: “Món quà vô giá nhận được sau 40 năm” để tạ lỗi cùng chị và gia đình anh Năm Vinh nhưng không đủ ngôn ngữ để trình bày những điều muốn nói! Thôi thì nhân dịp nói về những KQ, tôi cám ơn chị và cháu Tùng về món quà vô giá đó và xin chị tha thứ nếu những kỷ niệm vui tôi nhắc về anh khiến chị buồn.

Còn ông KQ “Sáu Lèo”, Đại Đội 1 TĐ2/TQLC tôi bị biệt phái cho TGĐ Cảnh Sát, Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Chúng tôi chạy theo ông muốn hụt hơi. Lúc nào ông Sáu cũng áo giáp phanh ngực, đưa cái đầu trần trán hói chạy như con thoi khắp thành phố Saigon Chợ lớn. Nơi nào có VC, có tiếng súng nổ là ông phóng xe jeep chạy đến trước, Cảnh Sát Dã Chiến theo liền sau rồi mới tới TQLC chúng tôi, đúng ra là theo thứ tự phải ngược lại. Sự dũng cảm và noi gương của ông khiến “Anh Sáu” bị thương trong khi TQLC chúng tôi chưa kịp xuống xe.

Dù ở chiến trường hay hậu phương và nhất là sau ngày 30/4/75 ở trong tù, tôi thấy các anh, những cái tên KQ quen thuộc vẫn giữ được phong thái phi công hào hoa và quả cảm của những chàng Không Quân Việt Nam Cộng Hòa. Nhân dịp Đại Hội KQ.64 ABCD xin chân thành gửi đến tất cả các anh lời cám ơn đã SOL chúng tôi, “Save Our Lives” cứu chứ không phải bán sol. Huynh đệ chi binh QLVNCH chẳng bao giờ bán nhau.

Chúc các anh mãi mãi vẫn đủ sức khỏe để bay bổng và chúc quý vị “lái phi công” luôn điều khiển được những con chim sắt. Bắt chim... sắt phải nghe lời.


No comments:

Blog Archive