Saturday, February 16, 2019

 Tìm chốn thanh bình

Trần Thị Diệu Tâm

Image result for zen images

Sau khi làm xong chương trình kết toán dự án cho công ty, cô cảm thấy mệt nhoài và chứng bệnh nhức đầu có cơ hội tái phát. Số tiền thưởng cuối năm trong tài khoản ngân hàng sẽ tăng thêm, nhưng hiện giờ cô chẳng còn mấy quan tâm. Áp lực của công việc, thái độ ganh tị kỳ thị của các đồng nghiệp nữ bản xứ cùng phòng, đè nặng lên người, nhiều lúc cô muốn nghẹt thở. Ra khỏi văn phòng làm việc, cô trở về nhà theo dòng người chảy vào những chuyến mê-trô chật cứng, như kẻ mộng du, như một cổ máy không cảm tính, di động theo quán tính đã định hướng. Cô tưởng chừng như mình là một loài "ốc mượn hồn". Loài ốc này có thể đi tìm một cái vỏ thích hợp khác trong lòng đại dương bao la. Nhưng cô không thể, dù được sống trong một xã hội văn minh hiện đại đa văn hóa, đa chủng tộc. Cô sống cho chính mình hay cho một ai khác, cô cũng không hiểu được. Có lẽ cái vỏ bọc cô đang mang trên người không phù hợp với tâm hồn cô bên trong. 
 
Ra khỏi phòng khám bệnh, sau khi nghĩ đến lời khuyên của bác sĩ " Cô nên nghỉ ngơi dưỡng sức một thời gian". Cô đi thẳng đến cửa hiệu thuốc tây. Người bán thuốc nhìn giấy cho biết những thứ thuốc này không phải là loại thuốc bệnh, là thuốc bổ dưỡng nên phải trả hết toàn phần. Cô gật đầu. Liệu những viên thuốc này có đem lại chút nào dễ chịu không. 

Có thể, xa lánh công việc, xa lánh tiếng động thành phố, thay đổi một chút xem sao. Bất ngờ qua sự giới thiệu, cô tìm được một chỗ nghỉ ngơi tại một ngôi nhà ở miền quê xa cách thành phố khoảng hai trăm cây số về phía nam.
 
Đó là ngôi nhà của bà Việt về hưu, có phòng cho thuê vào dịp hè, chỉ nhận người đồng hương. 
 
Ngồi trong chuyến xe tốc hành TGV, cô nhìn phía ngoài, miền quê xứ Pháp nơi này thật giàu có. Những cánh đồng trồng rau đang lên bông rực rỡ như giải lụa vàng phủ khắp tận đồi xa. Trên các đồng cỏ xanh, hiện lên những ngôi nhà ngói đỏ nhấp nhô, quang cảnh đẹp như tranh vẽ. Thật thế, các họa sĩ đã đưa cảnh sắc này lên tác phẩm của mình để chúng bất tử với thời gian. Taxi đưa cô đến địa chỉ của bà Việt. Đúng như cô mường tượng, ngôi nhà khá xa phố chợ của tỉnh, lọt thỏm trong một khu vườn cây xanh. Cô bấm chuông, chờ đợi .
 
Một người đàn ông ra mở cổng. Cô ngập ngừng:
 
-Thưa có phải đây là nhà bà Việt? Tôi có đặt thuê phòng ở đây.
 
-Xin mời cô vào, bà Việt có dặn đón cô, tôi là người làm vườn.
 
Hai bên lối đi vào đầy những bụi hoa đang nở thắm chen nhau đủ màu sắc. Nhưng trái ngược với đám hoa rực rỡ, ngôi nhà hiện ra có vẻ âm u, giàn cây leo phủ lá xanh mặt tường ngôi nhà, như đang cố gắng che chở khỏi bụi bặm bên ngoài, làm tăng vẻ huyền bí lãng mạn.
 
Người làm vườn đưa cô vào một căn phòng nhỏ nói:
 
‑ Nếu cô cần gì, xin cứ cho tôi biết, tôi ở căn nhà nhỏ phía sau vườn. Bà chủ sẽ gặp cô.
 
Cô nhìn quanh căn phòng nhỏ, gọn gàng sạch sẽ tươm tất. Trên chiếc bàn gỗ củ kỹ, một nhánh hoa Capucine màu vàng ẻo lả trong chiếc bình thủy tinh nước trong vắt. Cô chợt nhớ lại một ngày xưa xa lắc khi đến trọ học, trong căn phòng bé nhỏ, một lọ hoa Capucine chào đón cô nữ sinh xa nhà. Từ đó đến nay, tuy thời gian có xa xôi, mà cô vẫn như bao giờ, sống một mình lặng lẽ. Ngoài bình hoa nhỏ bé xinh xắn kia, căn phòng không trang trí một bức tranh nào cả, trống trơn một màu tường xám nhạt mát dịu. Cô nhận biết sự tế nhị của chủ nhân ngôi nhà. Không trang trí tranh ảnh, để khoảng trống thật đơn giản.
 
Cô ra khỏi phòng, gặp người đàn bà mảnh khảnh, đi vào.
 
‑ Chào cô, nghỉ ngơi cho khỏe nhé, chiều nay chúng ta ăn cơm vào lúc 7 giờ, chỉ có cô và tôi trong nhà trên này, nhà dưới gia đình ông làm vườn ở. Nếu muốn, cô cứ việc ra vườn xem cây cối cho vui.
 
Cô theo chân bà Việt ra ngoài. Ngôi vườn buổi chiều còn đọng rất nhiều nắng, nắng vàng của một ngày hạ nơi đây được pha loãng với màu xanh cây xanh . Bà với tay hái một quả bầu non lủng lẳng trên giàn nói:
 
- Chiều nay mình ăn cơm có món canh bầu, với món tôm rang.
 
Cô bỗng thấy đói bụng, - Giàn bầu này thưa bà trồng lâu mau mà nay ra nhiều quả vậy?
 
- Chỉ hai tháng thôi, mùa hè cây cối trổ lên rất nhanh, hình như mọi thứ hoa trái đều chờ đợi lúc này để sống trọn vẹn đời của chúng. 
 
Bà chậm chạp gọt bỏ tất cả vỏ trái bầu cho vào thùng chứa cuối vườn, cô đi theo chân bà. Mấy con gà mái lông xù mập mạp chúc mỏ mổ thúc ăn, đám gà con tung tăng chạy theo mẹ. Bà ghé ngang qua chuồng gà, một con gà đang nằm ấp trứng rất yên tâm với bộ lông xù ra, tỏa hơi ấm cho đám con mình sắp chào đời.
 
Nắng xuống thấp, cô chợt nhớ trên ấy, thành phố đang chảy những dòng xe cộ đi về khắp mọi nơi, khắp mọi ngả đường. Nơi đây chỉ có một nẽo là chốn thanh bình. Một điệu thanh bình xưa cũ rất xa trong quê nhà, tưởng chừng đã mất. Nhưng giờ đây, khúc nhạc êm đềm ấy đang vọng lại, không gian ấy đang hiện ra. Một giàn bầu, một đàn gà con líp chíp theo gà mẹ, chừng ấy cũng đủ làm cô bồi hồi sống lại ngày thơ ấu hồn nhiên. Quê hương ngày xưa của cô...
 
Bữa cơm chiều cô cùng ăn với bà Việt, chỉ hai món đạm bạc nhưng món nào cũng khéo nêm nếm rất vừa miệng. Bát canh bầu trong vắt mát miệng, dĩa tôm rang vàng óng màu với đường, cách nấu rất riêng của Huế.
 
Cô chợt hỏi thăm : -Thưa, bà ở Việt Nam trước đây vùng nào ?
 
- Quê tôi thuộc miền Trung. Tôi qua đây đã lâu. Còn cô ?
 
Bà Việt không muốn kể thêm về quá khứ của mình.
 
- Thưa cháu qua cũng lâu, bây giờ không còn đếm năm tháng nữa, để làm gì khi cuộc sống đã dính chặt vào nơi này rồi. Bà làm món tôm rim ngon quá đúng là món của quê nhà cháu.
 
- Tôi mua tôm ở trên phố chợ, mỗi tuần có hai lần họp chợ trời bán các thứ tôm cá tươi, ở đây cũng gần biển cô à. Mình ở đây lâu, vẫn không quên được các món của mình, luôn thèm nhớ. Không những thèm nhớ món ăn mà tôi cũng thèm nhớ các loại hoa, các loại cây trái quê mình. Cây trái khó trồng nhưng hoa thì trồng được. Trồng cây vui lắm cô à !
 
Ăn xong cô ra vườn dạo chơi vì trời còn sáng, các luống hoa bất đầu bung nụ khi ngày tàn khép lại. Cô hít vào một mùi hương thoang thoảng. Thấy bà Việt ngồi cạnh chiếc bàn nhỏ góc hiên nhà, một mình đơn độc, cô định đến nói chuyện nhưng thôi, cô tôn trọng sự yên tĩnh, và chính cô cũng muốn một mình nơi chốn huyền ảo này. Trăng thượng tuần vắt lên bầu trời, phản chiếu ánh sáng xanh non từ chòm cây. Cô nhớ lại một vị thiền sư cho rằng Trăng là Mẹ, cô thấy thật đúng như thế, mẹ là ánh trăng. Cô thắt ruột, nay mẹ không còn nữa, cô nhớ mẹ, cô thương mẹ biết bao nhiêu. Cô nhìn lên trời. Trước khi mất, mẹ viết cho cô "con hãy sống vui". 
 
Từ ấy đến nay, cô miệt mài lo toan đời sống không ngưng nghỉ, cô bi quan chán nản vì lo sợ cuộc sống bấp bênh. Cô luôn nhìn phía mặt trái của sự việc để nghi ngại nhiều thứ. Làm việc hôm nay để lo sợ cho ngày mai bị thôi việc. Sinh mệnh con người nơi đây, nơi xứ sở văn minh này bị định nghĩa với sinh mệnh lao động thật sự. 
 
Một con đom đóm chợt lập lòe rồi biến mất. Cô quay trở lại hiên nhà nơi bà Việt đang ngồi, bà nhìn cô mỉm cười thân mật, nhưng không nói gì.
 
Buổi tối nơi này yên tĩnh quá, cô nhớ tiếng động thành phố trên ấy. Tiếng còi xe cấp cứu nạn nhân, tiếng còi hụ xe cảnh sát liên hồi trong đêm, cô quen những âm thanh ấy trong lúc làm việc, trong lúc ăn, trong lúc ngủ. Giờ đây không có một tiếng động nào, ngoài tiếng thì thầm của cỏ cây, hoa lá. Hình như chúng đang to nhỏ với nhau sau một ngày nắng ấm, đang dự tính mình sẽ cho nụ hoa nào mở cánh đêm nay. 
 
Thao thức mãi vì quá tĩnh lặng, cô vén màn cửa nhìn ra ngoài vườn. Trăng đêm đẹp lạ lùng, trăng chảy qua vườn lá, chảy vào lòng cô như dòng sữa mẹ ngọt ngào. Cô cảm thấy được an ủi vỗ về, không còn đơn độc, mẹ luôn theo dõi mình, luôn bên cạnh mình. Nước mắt cô ứa ra. Cô mỉm cười thấy mình nhẹ nhàng hơn vì dường như có một người thân yêu bên cạnh, một người luôn nhớ tới mình dù cô ở bất cứ nơi nào, nơi đâu. Cô ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
 
Buổi sáng hôm sau, cô ra bàn ăn để điểm tâm. Trên bàn thấy bình sữa, cà- phê, bơ và mấy lát bánh mỳ nướng. Cô ngạc nhiên thấy hai quả trứng gà và chút tiêu muối bên cạnh, để trên một dĩa sứ nhỏ xanh lam xinh xắn. Mọi thứ sắp đặt trình bày rất khéo, như một bức tranh tĩnh vật. Gia chủ đúng là người có khiểu thẩm mỹ tế nhị. Giản dị tươm tất.
 
- Cô có muốn dùng chi thêm cho biết. Trứng gà mới lấy trong chuồng ra, tôi mới luộc xong, nếu cô thích ăn trứng trụng thì tôi làm. Nhưng theo tôi ăn trứng luộc tốt hơn. Thôi cứ ăn cho vui.
 
Cô chợt giật mình nhớ lại hai cái trứng luộc với gói muối tiêu trên chuyến xe lửa đi với mẹ năm nào còn bé. Khi xe lửa ngừng tại một ga nhỏ, bé thấy người ta rao bán các dĩa cơm có tôm rim mà bé rất thích, bé đòi mẹ mua ăn, nhưng mẹ chỉ mua hai trứng gà với gói muối tiêu kèm theo. Mẹ nói " ăn trứng tốt và bổ hơn", hai mẹ con mỗi người ăn một cái. Bé biết mẹ không có tiền nhiều. Cái trứng luộc hôm ấy sao mà ngon quá, mùi tiêu hòa lẫn với vị bùi của trứng gà nóng hổi làm bé thấy thật là tuyệt. Bé ăn ngon lành, mẹ hỏi "con ăn nữa không".Mẹ nhường không ăn, đưa trứng thêm cho con, nhưng bé lắc đầu. Một cái trứng luộc đủ cho bé no rồi.
 
Qua bên này bao nhiêu năm rồi, cô không ăn trứng luộc như vậy. Bây giờ, kỷ niệm thời ấu thơ bỗng dưng hiện ra trước mắt, cô thực sự xúc động. Cô thật thà kể cho bà Việt chuyện ăn trứng trên toa tàu năm ấy.
 
Bà cũng dường như cảm động nói:
 
- Tôi có một đứa con gái, nhưng nó đã chết rồi. Ở xứ mình chiến tranh rồi vượt biên, sống chết chẳng có nghĩa lý gì. Nhưng mà thôi, chuyện buồn nên tránh, hiện tại là đáng kể, hãy vui lên cô ạ.
 
Cô thấy mình gần gũi với bà chủ nhà hơn trước. Bà không nói chi thêm, và cũng không hỏi thêm về quá khứ của cô. Cô cũng vậy, không muốn nhắc nhở chuyện xưa.
 
Bà đi ra vườn, cô theo sau. Người làm vườn xách những xô nước lớn để tưới cây. Bà đưa cho cô cái kéo cắt cành nói : - Cô muốn hái bông nào đem vào cắm tùy thích, cắt bớt để cây còn cho ra nụ mới, hái bông cho vui.
 
Cô chú ý thấy bà hay dùng chữvui cho mỗi câu nói. Tưởng chừng như bà muốn ngụ ý đem niềm vui cho người khác. Vườn hoa này được trồng xen lẫn nhau, cây hoa màu này hòa lẫn với hoa màu kia, không trồng chung cùng một loài một màu như nhiều khu vườn khác. Do đó khu vườn trông rất hoang dã như mọc lên từ đất trời thiên nhiên có sẵn. Bà cho biết mua khu nhà này đã lâu, có sẵn một vài bụi hoa dại, từ đó bà luôn vun xới cho đến nay. Bà xách từng xô nước tưới từng gốc cây, từng bụi hoa, rất nhanh nhẹn. Bà nói nước tưới cây được pha với nước ủ rác thải từ nhà bếp gọi là compost, tất cả mọi thứ vỏ trái cây, rau củ thay vì vất bỏ, được giữ lại cho vào thùng gỗ lớn chờ mục nát làm phân xanh nuôi dưỡng cây trái.
 
- Tôi tận dụng mọi thứ không bỏ đi chút nào, kể cả vỏ trứng khi nãy cô ăn, bã cà-phê đều được tích trữ trong thùng gỗ kia cả. Nhờ vậy vườn tôi khi nào cũng sum suê hoa lá, kể cả mùa đông, hoa vẫn nở đều. Có nhiều người khách đi ngang qua tưởng đây là trại trồng hoa bán. Nhưng bán làm gì, tôi sống vui là nhờ ngôi vườn này. Hoa nở để khách phương xa về đây họ ngắm cho vui chứ.
 
Thật còn gì vui hơn khi được hái bất cử hoa nào trong ngôi vườn này. Nhưng nhìn những nụ hồng đang tươi cười rực rỡ thế kia, cô không đủ nhẫn tâm cắt, để trên cành vẫn hay hơn. Cô chỉ theo bà cắt tỉa bớt những cành héo úa. Buổi trưa cô nghe cả tiếng gà gáy, cô nao cả lòng. Nhìn luống cải xanh non được bà nhổ lên từng cụm để nấu bát canh trưa nay làm cô xúc động vô cùng.
 
Trong các bữa ăn cơm chung, hai người cùng nhau trò chuyện. Cô cho biết cô chán cuộc sống hiện tại ở thành phố, thấy chẳng có chi thích thú, may về đây được ăn cơm như ở quê nhà, được sống trong không khí êm ả thật là dễ chịu. Bà Việt cười cho rằng người trẻ đầu óc bây giờ quá phức tạp, vì xã hội này ưu đãi quá. Cuộc sống tự nó như một tờ giấy trắng, mình cứ tô vẽ lên những màu sắc. Có khi tô màu xám, có khi màu xanh, có khi lại màu đen. Nếu mình tô màu gì thì nó hiện ra đúng màu đó thôi. Cuộc sống cũng luôn xảy ra những điều phiền toái bất ưng cho mình, nhưng phải biết thích nghi và hòa giải với nó. Không hòa giải, chính mình là nạn nhận trước hết.
 
-Vậy thưa, bà thích tô màu gì ? Bà Việt cười: - Tôi à, tôi luôn tô màu xanh vì đó là màu xanh của cây cỏ thiên nhiên. Vả lại nếu mình sống giản dị khiêm nhường, sẽ thấy cuộc sống dễ chịu hơn. 
 
Cô ngạc nhiên khi nghe bà nói những lời như thế, không ngờ bà có những suy nghĩ diệu kỳ như vậy. Giản dị, khiêm nhường, hòa giải với chính mình.
 
- À, tối nay cô ngủ muộn nhé, chậu hoa Quỳnh bên góc vườn sẽ nở cho mình xem đấy.
 
Vào khoảng mười giờ tối, bà rủ cô ra phía ngoài vườn nơi đặt chậu hoa Quỳnh. Chờ mãi hoa không nở, cô sốt ruột định đi ngủ. Như biết cô thiếu kiên nhẫn, một nụ hoa bỗng dưng hé miệng mỉm cười, rồi thêm một nụ hoa khác cũng cười theo. Những cánh hoa trắng muốt tinh khôi, từ từ mở ra tỏa mùi hương thơm ngát cả một góc vườn. Hai người một già một trẻ tận hưởng giây phút thiêng liêng của hoa trao tặng. Sau khi mãn khai hết, hoa từ từ khép lại, chấm dứt một đời. Hương thơm vẫn còn thoang thoảng trong không gian huyền nhiệm đêm hè.
 
- Tại sao hoa Quỳnh lại nở về đêm ?
 
Bà cười : - Có lẽ hoa khiêm nhường .
 
Buổi tối cô ngủ một giấc êm ả nhẹ nhàng, không bị những cơn mê kinh dị như trước đây mà mỗi khi tỉnh giấc còn bàng hoàng. Cô ăn cơm thấy ngon hơn mặc dù bữa cơm thanh đạm, canh rau và món kho như thời xưa ở quê nghèo. Chủ nhân ngôi nhà sống như chưa hề biết lo lắng muộn phiền. Giữa ngôi vườn hoang dã đầy hoa thơm cây trái này, bà sống thanh thản một mình.
 
Sau một tuần nghỉ ngơi, cô phải trở về thủ đô làm việc. 
 
- Cháu rất cám ơn bác, bác đã cho cháu những ngày sống thật êm ả, cháu sẽ về đây thăm bác khi có dịp, chắc chắn như vậy.
 
Bà chúc cô : - Cháu còn trẻ, cuộc sống còn đầy, nên vui sống nhé.
 
Trên chuyến xe lửa tốc hành trở về thành phố, cô mỉm cười. Có những điều kỳ diệu làm cho mình vui không đến từ thực tế vật chất, nhưng đến từ những thứ phi vật chất. Những câu nói của bà Việt làm cô suy nghĩ và cho rằng, nếu ý thức được sự giản dị và khiêm nhường, đời sống mình có lẽ bớt phức tạp, bớt rắc rối hơn chăng. Ngoài kia, những cánh đồng hoa cải vàng tươi đang chạy về phía sau, như đẩy cô về phía trước, hướng đến một cuộc sống tuy phức tạp, nhưng cô cảm thấy tự tin hơn. 
 
Paris, 2019/ Trần Thị Diệu Tâm

No comments:

Blog Archive