Về đâu, 17-2-2019
Tuấn Khanh
Xe rác trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/2/2019 Courtesy blogger Tuấn Khanh
Những ngày 17-2 luôn đầy biến động. 40 năm trước, cũng ngày này, người Việt ôm nhau chạy ngược xuôi trước đạo quân xâm lược của Trung Cộng. Trẻ nhỏ cũng bị giết, người già cũng bị chết. Đất nước đau thương trong họa cộng sản xâm lược.
17-2 hôm nay, năm 2019 cũng không bình yên. Người Việt nắm tay nhau, cố sống sót trong tình hữu nghị cộng sản Việt-Trung, nhìn quê hương tan rã. Nhìn người yêu nước bị giam hãm và tổ tiên bị phỉ báng ngay trước mắt mình trong ngày tưởng niệm.
Khó ai tin được là nhà cầm quyền hôm nay lại có thể dùng một loại kế sách bệnh hoạn, đển mức dùng xe rác bao vây tượng đài Đức Thánh Trần ở bến Bạch Đằng, Sài Gòn. Rồi ai đó đã ra lệnh dùng xe cẩu, mang lư hương lớn trước tượng đài đi nơi khác, vì sợ sẽ có người dân nào đó đến cắm vài nén nhang, tưởng nhớ những người Việt đã chết vì đất nước, sợ có ai nuôi trong mình sự thật về kẻ xâm lược mà quê hương ngàn năm vẫn chưa bao giờ thấy bình yên.
Nhiều ngày trước, một lượng lớn các barie, hàng rào kẽm gai… được đặt thêm ở gần chung quanh tòa Tổng lãnh sự Trung Cộng tại Sài gòn. Nhiều ngày trước đó, danh sách những người cần bị gác nhà, chặn cửa, ngăn chận đi lại… thậm chí có phương án bắt giữ đã được lập ra, nhằm đối phó với việc người dân muốn tưởng niệm 40 năm, ngày Trung Cộng mang 600.000 quân xâm lược Việt Nam. Đồng bộ với các hoạt động này, là báo chí nhà nước được cho phép mặc áo yêu nước, lớn giọng tố cáo Bắc Kinh xâm lược, khiến không ít người bỡ ngỡ: “Vậy là chính quyền đã quay về với nhân dân?”
Các thùng rác trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/2/2019 Courtesy blogger Tuấn Khanh
Giới thạo tin nói rằng phía ngoại giao Trung Quốc cũng xông xáo khắp nơi để vận động Hà Nội hạ nhiệt. Không biết diễn biến như thế nào nhưng dân chúng theo dõi báo chí thấy rõ những bước chuyển của truyền thông nhà nước, Đầu tuần thì dữ dội, gọi là Trung Quốc xâm lược, ngày kế thì chuyển sang mềm mỏng, gọi là quân bành trướng, tiếp nữa thì chỉ tập trung phân tích sự anh hùng của Việt Nam trong sự lãnh đạo của Đảng. Cái kết đắng là vào ngày 15-2, một phóng sự dài của VTV nói về chiến tranh biên giới đã hoàn toàn né cái tên Trung Quốc, mà chỉ dùng cách nói như là “chúng ta bị tấn công, chúng ta kiên cường, chúng ta phản công…”. Bài thuốc hạ nhiệt mạnh và tốt nhất, là từ đêm 16/2, an ninh mật vụ của nhà cầm quyền đã bao vây chặt nhà từng người bị coi nguy hiểm vì yêu nước.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân kể anh bị công an khu vực thăm hỏi liên tục, dù đã có người gác trước cổng. Nhà báo Sương Quỳnh thì rạng sáng ngày 16/2, tù lúc 2 giờ, chị đã có người gác nhà để ngăn chị đi thắp hương tưởng niệm. Công việc này chu đáo đến mức, công an thuyết phục được hàng xóm cho họ vào đó làm trạm gác.
Lần theo bản công văn “mật” số 695-CV/ĐUK thuộc Đảng Bộ ở Sài Gòn về việc cảnh báo sẽ có những người tổ chức thương tiếc cho hơn 100.000 dân thường thiệt mạng trong 27 ngày chiến cuộc, và con số bộ đội thương vong còn giấu kín đến ngày hôm nay, được biết các nhân vật ấy, dù chỉ còn đủ sức thắp một nén hương cũng bị bao vây.
Ông Huỳnh Kim Báu, thành viên của CLB Lê Hiếu Đằng cho biết ông đi xe vào Sài Gòn từ sáng sớm ngày 17 tháng 2, nhưng rồi bị cảnh sát giao thông đột ngột nhảy ra chặn xe ở gần đoạn Võ Thị Sáu và Hai Bà Trưng. Hai bên công khai ý định của mình, riêng phần công an thì nhất quyết buộc ông quay lại. “Ai ra lệnh ngăn cản tưởng niệm, kẻ đó phản quốc”, ông Báu chỉ nói được vậy, khi phải quay về.
Tương tự như ông Báu, ông Kha Lương Ngãi, cựu phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, cũng bị an ninh kè theo suốt con đường và đến nơi cần bày tỏ thái độ, ông được biết “cấp trên” của các an ninh đó dứt khoát yêu cầu ông không được tham gia tưởng niệm vì tình hình “nhạy cảm”. Cũng còn nói được vài câu trước khi phải quay về, ông Ngãi hỏi 2 nhân viên an ninh rằng “đây là ngày toàn dân nhớ ơn, mấy cháu không nhớ ơn à?”. Hai nhân viên an ninh này ngần ngừ rồi cũng nói “cháu cũng nhớ ơn”.
Những người như ông Báu, ông Ngãi, bà Sương Quỳnh… đều bị an ninh vây nhà đến tận tối ngày 17-2 với nén hương lạnh chưa thắp được và những bài báo của nhà nước còn vương vãi dưới chân kêu gọi phải nhớ rõ kẻ thù xâm lược.
Ở tượng đài Đức Thánh Trần, người đã trở thành huyền thoại vì đánh đuổi giặc phương Bắc xâm lược Việt Nam, đêm đó, vẫn còn những chiếc xe rác và kẽm gai bao vây. Và trên trang facebook của nhà báo Trung Dũng, tôi vẫn còn đọc thấy câu thơ
“Bị nhiều vết tẩy xoá
Tấm bản đồ rất đau
Lịch sử ai bôi bẩn
Bằng những bệt mực Tàu”.
Tôi chẳng có ai là người thân trong cuộc chiến 1979, thậm chí chỉ nghe kể lại như một cuốn phim trắng đen mơ hồ về đất nước mình. Nhưng tôi lớn lên với một thân thể lành lặn, và không phải là một công dân nô lệ Trung Cộng, chính vì vậy, tôi biết ơn những người Việt vô danh ấy đã cho tôi một cơ hội.
Nhưng tôi cũng không thể đến thắp cho ai đó một nén nhang, dù là biểu trưng. Tương tự như những người vừa kể, những đứa trẻ đầy thanh xuân cũng ngồi trước cửa nhà tôi và làm công việc những chiếc xe rác và kẽm gai. Chúng cũng như tôi, được những người đã ngã xuống trên đất nước chia đều một cơ hội.
Ngày đã qua, những nén nhang vẫn lạnh. Tôi tự hỏi những linh hồn mang nặng nỗi niềm với quê hương ấy về đâu, kể từ năm 1979. Họ sẽ về đâu khi quê hương không còn có thể là nơi chốn dung thân của mình, và bị cai trị bởi những kẻ phản bội?
No comments:
Post a Comment