Thursday, November 14, 2019

Tưởng Giới Thạch: ‘Nước bị diệt vong còn có thể phục hưng, nhưng văn hóa bị tiêu hủy thì tất cả đều bị hủy’


“Đất nước bị diệt vong rồi còn có thể phục hưng, văn hóa bị tiêu hủy thì tất cả sẽ bị hủy diệt”. Nhà lãnh đạo Trung Hoa Dân Quốc (sau này là Đài Loan) Tưởng Giới Thạch đã từng nói như vậy. Ông hoàn toàn thấu hiểu tầm quan trọng sống còn của giáo dục và văn hóa. 

Trong thời kỳ kháng Nhật, toàn bộ sinh viên trường Đại học Liên hợp Tây Nam cuốc bộ từ Bắc Kinh đến Côn Minh để tránh nạn. Trước nay, nhiều người vẫn chỉ nghĩ đơn thuần như vậy.

TUY NHIÊN, SAU KHI TRA LẠI CÁC TÀI LIỆU MỚI BIẾT RẰNG, HỌ ĐI TỪ TRƯỜNG SA ĐẾN CÔN MINH, TẤT CẢ CHỈ CÓ KHOẢNG HƠN 300 NAM SINH VIÊN VÀ VÀI CHỤC GIẢNG VIÊN. TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI ĐI BỘ ĐỀU PHẢI QUA KIỂM TRA SỨC KHỎE RẤT KỸ LƯỠNG VÀ ĐƯỢC TRUNG TƯỚNG HOÀNG SƯ NHẠC DẪN QUÂN THEO BẢO VỆ. NHỮNG SINH VIÊN VÀ GIẢNG VIÊN CÒN LẠI ĐỀU NGỒI XE ĐI ĐƯỜNG VÒNG QUA QUẢNG TÂY RỒI TỚI CÔN MINH. TOÀN BỘ CHI PHÍ ĐỀU ĐƯỢC BỘ GIÁO DUC ĐẢM TRÁCH. 

Hồi đó Quốc quân (quân Quốc Dân Đảng) một hàng mới có một cái khăn mặt, trang bị cho mỗi người một cái mũ sắt cũng là điều khó thực hiện, vậy đất nước làm gì có đủ tiền để di chuyển nhiều người đi như vậy? 

Lý do chính là bắt đầu từ một câu nói của Tưởng Giới Thạch: “Đất nước bị diệt vong rồi còn có thể phục hưng, văn hóa bị tiêu hủy thì tất cả sẽ bị hủy diệt“. 

Tưởng Giới Thạch đã bỏ rất nhiều tâm huyết cho giáo dục. Lúc đó, ông ra lệnh cho các trường không được ngừng dạy, thầy cô giáo không thể bị cắt giảm lương. Trường học nằm trong vùng bị chiếm đóng phải tiếp nhận học sinh lưu vong một cách vô điều kiện. Đến tận lúc nước mất nhà tan, Tưởng Giới Thạch vẫn luôn lo nghĩ cho nền giáo dục nước nhà và thế hệ tương lai của đất nước. Ông còn nói, nước mất nhà tan, việc gì có thể chậm trễ nhưng cho trẻ em đi học thì không thể chậm trễ. 

Trong tiểu thuyết “Vây thành”, Tiền Chung Thư miêu tả rằng, Phương Hồng Dần và những giáo viên dạy tại trường Đại học Tam Lư là ngồi trên khoang hạng nhất của tàu từ Thượng Hải mà đến. Khoang hạng nhất vốn chỉ dành cho thương gia, quan chức, đủ hiểu các giáo viên thời ấy được biệt đãi thế nào.

Sau này, Phương Hồng Dần lâm vào cảnh khốn cùng trên đường chính là bởi vì tiền trợ cấp gửi không thể đến tay họ. Trong toàn cuộc kháng chiến, các giáo viên này chưa từng lâm vào cảnh thiếu tiền trợ cấp như vậy. 

Hơn 300 sinh viên đi bộ có Hoàng trung tướng hộ vệ, cứ sau mỗi giờ lại uống nước một lần, đi 40 dặm thì nghỉ ngơi một lần, quân hộ vệ đối xử với họ rất chu đáo. Hồ Nam là nơi có rất nhiều thổ phỉ nhưng bất ngờ là người ta thấy có treo những tấm bảng kiểu như: “Thổ phỉ, xin hãy buông tha cho sinh viên”. 

Đến Vân Nam, chủ tịch là Long Vân Long lệnh cho quân lính đến dàn ra hai bên đường để hộ vệ, không được mắc một sai lầm nào. Khi sinh viên đến Côn Minh cũng không lập tức đi vào thành, mà ở tại cầu gỗ lớn nghỉ ngơi một đêm. Ngày hôm sau mới tổ chức một lễ đón sinh viên vào thành phố rất long trọng, mọi người đổ xô ra đường chào đón.
(Ảnh dẫn theo soundofhope.org)

Trung tướng Hoàng bàn giao 300 sinh viên cho hiệu trưởng trường Bắc Đại tại cửa khẩu Viên Thông Sơn. Trên suốt chặng đường núi cao hiểm trở ấy, các sinh viên không hề hấn gì dù chỉ là một cọng tóc. 

Trong thời gian ở Côn Minh, sinh viên trường Đại học Liên hợp Tây Nam ngoài việc lên lớp học tập như bình thường, còn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền chống Nhật. Dưới sự giúp đỡ của trường Đại học Liên hợp Tây Nam, Đài phát thanh Côn Minh dùng 19 loại ngôn ngữ khác nhau để thông tin cho thế giới biết về cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc. 

Trong thời gian kháng chiến, những nghiên cứu khoa học xã hội, khoa học tự nhiên cũng không hề gián đoạn, thậm chí sau kháng chiến chống Nhật trường Liên hợp Tây Nam đã bắt đầu nghiên cứu về bom nguyên tử.

Trường Đại học Liên hợp Tây Nam còn xây dựng các học viện giáo dục. Học sinh trong học viện cần phải thực tập nên họ lập thêm các trường tiểu học và trung học trực thuộc. Trong những năm tháng khói lửa chiến tranh, đây có thể được coi là những khoản đầu tư “vô cùng xa xỉ”.
Cổng trường Đại học liên hợp Tây Nam tại Côn Minh. (Ảnh dẫn theo soundofhope.org)

Động viên học sinh ra trận là tự hủy diệt đi tương lai của mình 

Trường Đại học Liên hợp Tây Nam đã 4 lần tổ chức phong trào tòng quân cùng đất nước chống Nhật, nhưng ba lần đầu đều bị chính phủ cự tuyệt, thậm chí… “đàn áp”.

Nguyên nhân vì chính phủ Quốc Dân Đảng đương thời nhận định học sinh là tương lai của đất nước, không ai có thể thay thế vai trò của học sinh, sinh viên được. Động viên học sinh ra trận là tự hủy diệt đi tương lai của mình. 

Trường Đại học Liên hợp Tây Nam thực sự là một kỳ tích trong lịch sử giáo dục thế giới. “Đất nước bị diệt vong rồi còn có thể phục hưng, văn hóa bị tiêu hủy thì tất cả sẽ bị hủy diệt”.

Chính tầm nhìn xa trông rộng của chính phủ Quốc Dân Đảng, sự coi trọng giáo dục, hiền tài của Tưởng Giới Thạch. 

Phục hưng văn hóa truyền thống Á Đông

Sau này, khi ra đảo Đài Loan, Tưởng Giới Thạch cũng dành rất nhiều công phu quan tâm, coi sóc giáo dục, đặc biệt xem trọng lịch sử và quốc ngữ. Tại bậc học phổ thông, các tiết học quốc văn, lịch sử và văn hóa Trung Hoa phải chiếm một nửa chương trình học. Ông cũng yêu cầu nhà trường phải dạy cho học sinh biết “lễ nghĩa và liêm sỉ” để nuôi dưỡng cái gốc văn hóa truyền thống Á Đông.

Vào những năm 60 thế kỷ trước, Trung Quốc chìm trong khói lửa tang thương của các cuộc vận động chính trị, đặc biệt là “Đại Cách mạng văn hóa”. Nhà cầm quyền ra lệnh hủy diệt nhiều di sản văn hóa, đào xới, phá hủy tận gốc rễ tinh thần văn hóa Thần truyền 5.000 năm.

Chỉ cách đó một eo biển, Đài Loan dưới sự dẫn dắt của Tưởng Giới Thạch lại tiến hành phong trào “Phục hưng văn hóa Trung Hoa”, biến Đài Loan thành “nhà bảo tàng” lớn nhất của văn hóa Á Đông 5.000 năm. Ngay cả người Trung Quốc ngày nay tới đây cũng phải ngỡ ngàng thốt lên: “Tới Đài Loan, tôi có thể tìm lại những gì không còn tồn tại ở đại lục“.
Nằm ở Đài Bắc, thủ phủ của Đài Loan, bảo tàng Cố cung nổi tiếng với bộ sưu tập các hiện vật và tác phẩm nghệ thuật Trung Hoa lớn nhất thế giới. (Ảnh dẫn theo SCMP)

Giáo dục là khởi nguồn của mọi điều, là gốc rễ sự hưng thịnh của một quốc gia, là nền móng của mọi sự phát triển. Một học giả Mỹ từng nói: Ở bất kỳ một quốc gia hay trong một xã hội nào bất kể hạng người nào cũng có thể trở nên xấu xa. Tuy nhiên có ba loại người không thể trở nên xấu đó là giáo viên, bác sĩ và thẩm phán.

Giáo viên trở nên xấu xa sẽ khiến cả một thế hệ học trò lầm lỡ, bác sĩ trở nên xấu xa sẽ coi mạng người như cỏ rác, thẩm phán trở nên xấu xa sẽ làm mất đi sự công bằng của pháp luật. Nếu ba kiểu người này trở nên xấu xa, xã hội sẽ đảo loạn, đạo đức, luân thường về cơ bản là chẳng còn.

(Tham khảo bài viết của Giáo sư Ngụy – trường Đại học Sư phạm Thủ đô (Capital Normal University))

No comments:

Blog Archive