LÊ VĂN KHOA, NGƯỜI HÒA NHẠC VN VÀO DÒNG NHẠC THẾ GIỜI
Sinh tại Cần Thơ năm 1933 trong một gia đình Tin lành thuộc Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm, nhạc sĩ Lê Văn Khoa có khiếu âm nhạc từ nhỏ. Theo lời ông kể, ông tự học nhạc từ một cuốn sách nhạc bằng tiếng Pháp lượm được ngoài đường vào năm 14, 15 tuổi. Nhà không có đàn piano, ông đàn tưởng tượng bằng cách gõ tay lên mặt bàn như đang gõ phím đàn. Vậy mà ông đã khiến một giáo sĩ Mỹ tại nhà thờ Cơ Đốc Phục Lâm ở Sài Gòn ngạc nhiên vì có thể cùng bà đàn một bản nhạc. Ngoài ra, ông còn đưa cho bà xem một bản nhạc do chính ông sáng tác.
“Cái lạ này là cái mà có thể tui có năng khiếu âm nhạc từ trước, cho nên hồi tui học lớp nhì, tui được trường chỉ định lên dạy lớp nhất học hát để đi thi tiểu học. Hát thì mình hát đúng nốt, nhịp nhàng nhưng đâu có biết nhạc, biết hát là cùng,” nhạc sĩ Lê Văn Khoa thuật lại.
Nhà nghèo, lương mục sư của cụ thân sinh không bao nhiêu, bị ảnh hưởng bởi thời cuộc như biểu tình, bãi khóa.. nên nhạc sĩ Lê Văn Khoa bỏ học sớm, đi làm việc cho Giáo hội và theo học một trường thần học nhỏ ở Phú Nhuận.
Ngoài những lớp đàn hát trong trường thần học, hầu hết những hiểu biết về âm nhạc của ông đều do tự học. Sách vở do một giáo sĩ người Mỹ gởi mua từ Mỹ. Tuy nhiên, nhờ năng khiếu và tinh thần hiếu học nên những nhạc phẩm đầu tay của ông đã chiếm được giải thưởng toàn quốc.
“Năm 1953 tui trúng giải thưởng sáng tác nhạc. Hồi đó thi phải gởi ra Hà Nội vì chưa phân chia đất nước,” ông chia sẻ. “Rồi 1955 chia đất nước rồi, trong Sài Gòn có cuộc thi nữa, tui tham dự nữa trúng giải luôn. Trước đó tui có đàn cho đài phát thanh Pháp Á, đài phát thanh quốc gia.”
Ông cho biết bắt đầu chuyển từ sáng tác ca khúc sang viết nhạc hợp ca vì nhận thấy nhạc Việt Nam rất yếu về lĩnh vực đại hợp ca-hòa tấu và ông trở thành người duy nhất cộng tác với đài truyền hình Việt Nam thời bấy giờ trong chương trình đại hợp ca-hòa tấu mang tên ‘Tiếng nhạc trầm tư’:
“Mỗi lần tui làm chương trình, anh em trên đài truyền hình họ buồn lắm. Họ cứ nói tui hoài, tại sao cứ chọn đường khó đi, không làm như mấy người khác cho dễ. Nhưng rồi tui nghĩ đã có rồi bây giờ mình làm thêm cái khác chớ, phải khai triển thêm, phải thấy cái phong phú của nó. Nhạc Việt mình đâu phải chỉ có một lối. Ý nghĩ của mình thì mình cố mình làm vậy thôi. Có thể nó không hợp với đại chúng, nhưng biết đâu chừng vài chục năm sau thì nó lại khác.”
Vài chục năm sau, CD Đại tấu khúc “Việt Nam 1975”, nói lên thân phận người Việt Nam trong cuộc chiến xâm lược của miền Bắc cho đến khi vượt thoát tìm tự do tại các nước châu Âu và Hoa Kỳ, được ra mắt công chúng vào năm 2005, với dàn nhạc giao hưởng Kyiv Symphony Orchestra và Chorus của Ukraine.
Nhặc sĩ Lê Văn Khoa trên poster quảng cáo buổi trình diễn giàn nhạc giao hưởng ở Kiev, năm 2007
“Mình đi 75, tui cứ đắn đo hoài, 85 bắt đầu viết. Viết rồi mình ngưng, viết rồi ngưng. Mình viết rồi làm sao trình diễn đây. Mình đâu có quen ban nhạc nào của Mỹ, mình cũng là người vô danh ở đây sức mấy mà họ chịu đụng tới,” nhạc sĩ Lê Văn Khoa kể về những long đong trong một thời gian dài của Đại tấu khúc này.
“Rồi dàn nhạc Pacific Symphony Orchestra ở California làm chương trình 20 năm sau chiến tranh Việt Nam, tui làm cố vấn cho họ thì họ mới biết tui có viết nhạc, họ mới lấy ra chơi…Điều hết sức ngạc nhiên cho tui là tất cả báo Mỹ đều có bài về buổi trình diễn đó. Và họ cho đó là sự hòa hợp giữa Đông Tây tuyệt diệu,” ông tiếp lời.
Sau nhiều năm Pacific Symphony tiếp tục trình diễn sáng tác của ông, và với sự giúp đỡ của Ban Hợp xướng Ngàn Khơi ở California, ông mới làm ra CD.
Về cơ duyên Đại tấu khúc ‘Việt Nam 1975’ được dàn nhạc giao hưởng Kyiv Symphony Orchestra và Chorus của Ukraine trình diễn, nhạc sĩ Lê Văn Khoa cho biết:
“Đó là cơ hội hãn hữu. Thứ nhất là như tui nói đó, nhạc mình mất 10 năm để viết, 10 năm sau mới trình diễn, rồi loay hoay hoài để tìm cách thực hiện CD. Ở Mỹ họ tính mắc quá. Tui cố vấn cho Pacific Symphony, nhưng mà họ nói họ sẵn sàng làm để tui thu thanh nhưng phải mất 120.000 đô la và thu thanh làm 3 buổi. Nhưng làm sao mình có tiền để làm cái đó và mình làm ra mình bán được 1.000 cuốn hay không? Vậy mỗi cuốn bán bao nhiêu tiền, ai mua được? Thành ra tui mới chạy xuống Úc dàn xếp với dàn nhạc giao hưởng ở Sydney. Họ đồng ý nhưng sau mất liên lạc không làm được gì nữa. Tui nói thôi mình xuống tận cùng miền nam không được thì mình lên miền bắc, thì có người giới thiệu với dàn nhạc giao hưởng Kyiv Symphony Orchestra, họ cũng đi trình diễn khắp thế giới, thì tui tiếp xúc. Họ cũng do dự nhưng mà rồi họ biểu tui gởi nhạc cho họ coi. Tui gởi nhạc cho họ coi. Họ nói được họ sẽ làm cho tui…Thành ra tui phải đi Ukraine để làm. Có hai yếu tố: thứ nhất trình độ nhạc Ukraine cao. Đúng ra đó là cái nôi của âm nhạc Tây phương. Thứ hai họ là quốc gia nghèo nên tính phí tổn không như ở Mỹ. Thành ra tui đi Ukraine để thu thanh.”
Ngoài Đại tấu khúc “Việt Nam 1975”, với mong muốn đưa các làn điệu dân ca Việt Nam ra khắp thế giới, nhạc sĩ Lê Văn Khoa chú tâm soạn nhạc giao hưởng cho các loại nhạc cụ truyền thống Việt Nam.
“Tui nghĩ rằng cái văn hóa là cái gì còn tồn tại chớ không phải chính trị. Chính trị, chế độ gì gì đi nữa cũng có thể bị thay đổi, mà văn hóa thì còn. Vì thế, tui nghĩ nhiều đến dân ca để bất cứ ban nhạc nào hay nhạc cụ nào của thế giới chơi mà người Việt Nam mình nghe được mình nhận ra ‘Ồ cái bài này tôi biết, bài này của Việt Nam’ thì hay hơn…cho nên tui dùng nhiều dân ca để viết cho dàn nhạc giao hưởng, để viết cho piano mà âm hưởng hoàn toàn của Việt Nam,” ông cho biết.
“Khi mà chúng tôi thu thanh ở Ukraine, nhạc sĩ Ukraine nhao nhao yêu cầu nhạc trưởng xin tui để nhạc lại để họ còn trình diễn. Tui thấy đó là điều quý. Họ chơi họ thích, họ thích họ chơi nữa.”
Bìa sách nhạc piano do nhạc sĩ Lê Văn Khoa biên soạn
Nhạc sĩ Lê Văn Khoa cho biết ông ôm ước vọng là đào tạo thế hệ kế thừa làm nhạc giao hưởng như ông, và hiện ông có dạy một số học trò sáng tác nhạc cho piano.
“Tui hy vọng chúng ta sẽ có nhiều người đạt được trình độ cao gấp trăm, gấp ngàn lần trình độ tui đạt được tới ngày hôm nay,” ông thổ lộ.
Nhạc sĩ Lê Văn Khoa là một nghệ sĩ đa tài. Ngoài lĩnh vực âm nhạc, ông còn là một nhiếp ảnh gia từng chiếm giải thưởng Nhiếp ảnh trong cuộc thi sáng tác Văn học Nghệ thuật Toàn quốc của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Những tác phẩm của ông cũng được trưng bày trong các cuộc triển lãm nhiếp ảnh khắp nơi trên thế giới như Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Nhật Bản… trước năm 1975 và tại Mỹ sau năm 1975.
Nhạc sĩ Lê Văn Khoa và phu nhân Ngọc Hà, năm 2005
Hiện nay dù ở tuổi 86, ông vẫn miệt mài sáng tác một tấu khúc mà ông hy vọng sẽ được trình diễn vào năm 2021.
“Tui viết một bài gọi là ‘đối thoại’, cho đàn độc huyền của mình chơi với dàn nhạc giao hưởng Tây phương đủ loại nhạc cụ và cả trăm người. Còn mình chỉ có một người đàn và cái đàn chỉ có một dây. Tui muốn nói tiếng nói nhỏ bé của mình, mỗi lần trỗi lên bị đàn áp. Đó dùng âm thanh, dùng âm nhạc để nói lên thân phận của người Việt Nam của mình, nhưng mà chưa có trình diễn được. Tui hy vọng rằng 2021 có thể sẽ trình diễn được.”
No comments:
Post a Comment