Wednesday, November 20, 2019

CUỘC XUỐNG ĐƯỜNG NGÀY 20/10 Ở KOWLOON

Cô nhân viên khách sạn ở quầy tiếp tân cầm viết khoanh vùng trên bản đồ và nhỏ nhẹ giải thích các trạm xe điện ngầm tôi phải đi từ đảo Hồng Kông qua eo biển của hải cảng Victoria để đến bán đảo Kowloon. Trạm cuối cùng là East Tsim Sha Tsui nơi tập họp của người biểu tình lúc 1:30 chiều nay.
Như chưa vừa ý với sự tận tâm của mình. Cô nhân viên hội ý với một đồng nghiệp ở quầy rồi lấy điện thoại di động mở một trang mạng intenet nào đó của những người đấu tranh rồi xác định lại lần cuối về địa điểm và giờ xuất phát.
Thật ngưỡng mộ phương cách thông tin và sự tận tụy của họ. Khi chào tạm biệt, cô tiếp tân không dấu được vẽ lo lắng. Cô chúc tôi đi bình yên và phải bảo trọng “take care of yourself” vì sẽ có bạo động. Không có cái cúi rạp chào như người máy ở khách sạn bên Tokyo, Nhật Bản.
Hành trang không có gì nhiều ngoài cái ba lô đựng một máy chụp hình với ống kính khổng lồ 28 – 300 mm, sổ thông hành passport và thẻ nhân viên của cơ quan “lạ”.
Hệ thống xe điện ngầm metro của Hồng Kông chằn chịt như xe điện ngầm ở Tokyo nhưng cách hướng dẫn hiệu quả khoa học hơn với hệ thống bản đồ trong mỗi toa tầu có đèn sáng lên khi đến mỗi ga và có hàng đèn khác sáng lên hướng dẫn nếu đổi ga ấy để đi một lộ trình khác thì xe sẽ đến những ga nào. Ở Tokyo không hiếm khi thấy người Nhật đứng ngơ ngáo mù tịt về hệ thống xe điện ngầm của mình.
Khi chui ra trạm East Tsim Sha Tsui ở bán đảo Kowloon thì đã thấy một rừng áo đen mênh mông khắp các nẻo đường. Cảm giác đầu tiên là sự choáng ngợp xúc cảm trước khí thế của một biển người, nhưng cảm tính ấy phải được kềm chế vì cần tỉnh táo để tìm kiếm các dữ kiện và nguyên nhân của cuộc nổi dậy lịch sử này.
Còn khoảng 30 phút nữa mới giờ xuất quân nên phải tìm đám nhà báo để thu thập tin tức. Họ ăn dầm ở dề nơi đây suốt 5 tháng qua nên có đầy kinh nghiệm chiến trường. Còn mình là ma chân ướt chân ráo mới có 2 ngày nên mù tịt về trận đồ đang giăng ra trước mặt.
Image may contain: 1 person, standing and outdoor
Thấy một đám đông cả trăm phóng viên nước ngoài và quốc nội mặt áo vét màu “neon yellow” vàng chói có hàng chữ PRESS để không bị cảnh sát đánh lầm khi hành nghề. Họ trang bị rất ngầu với máy móc chụp hình quay phim nón sắt mặt nạ chống hơi cay. Các toán cứu thương mặc áo vét có chữ thập đỏ và dụng cụ cứu cấp đeo chằng chịt trên người và ba lô sau lưng rất chuyên nghiệp.
Phía xa xa ban tổ chức đứng trên một thềm cao dùng loa nói gì rổn rảng bằng Anh ngữ rồi tiếng Tàu (chắc là Mandarin – Quan Thoại). Đám phóng viên rì rầm rồi lấy điện thoại di động ra chăm chú mổ mổ liên tục. Hình như họ gởi bản tin về tòa soạn trước khi xuất quân thì phải. Có anh chưa chi đã lấy nón sắt úp lên sọ dừa rồi đeo kiếng “goggle” chống hơi cay vào làm mình cảm thấy hưng chấn kích thích dễ sợ. Có một cô phóng viên Nhựt Bổn rất phong độ và khả ái nên kẻ hèn xà đến tìm hiểu cuộc hành quân sắp khai diễn.
Image may contain: 1 person
Chỉ vào cái mặt nạ chống hơi cay và cái nón an toàn đeo lủng lẳng bên hông cô phóng viên: “Bạn có nghĩ rằng hôm nay cảnh sát sẽ bắn lựu đạn cay?”. Nàng ngẫng đầu lên ngạc nhiên và cười cười như thể câu hỏi quá vô duyên của một anh lính mới ngẩn tò te mới ra trận lần đầu: “Dĩ nhiên rồi bạn. Họ sẽ dùng hơi cay như mọi khi để “clear” giải tỏa mọi người khi biểu tình chấm dứt”.
Một tay phóng viên người Đài Loan đeo kiếng cận thị đứng bên cạnh trố mắt nhìn khi thấy mình trang bị theo kiểu du kích. Tức là trần xì hổng có gì cả. “Bạn là nhà báo độc lập hả?” hắn hỏi. “Ừa, tớ chỉ có một mình” trả lời cho qua chuyện.
Anh Đài Loan lại lo âu: “Nón an toàn của bạn đâu?”. “Tui chỉ có cái này”. Rồi chỉ lên đầu đội cái nón vải bạc phếch. Anh ta hỏi tiếp: “Mặt nạ chống hơi cay đâu cha nội”. Mình lắc đầu nói hổng có mà chỉ mang theo một bao nylon đựng khăn giấy ướt để lau mặt (hay chậm nước mắt cũng được). Rồi thanh minh thanh nga: “Tui mới xuống máy bay hôm kia gấp quá nên quên đem đồ nghề”.
Anh phóng viên sốt sắng cố vấn: “Bạn hãy đến gặp ban tổ chức và yêu cầu họ cung cấp mặt nạ chống hơi cay miễn phí. Xong bạn có thể tặng họ chừng 100 đô la để gây quỹ cũng được (hổng biết là đô la Mỹ hay Hồng Kông)”. Được biết chính quyền Hồng Kông thời gian gần đây đã ngăn cấm các của tiệm bán dụng cụ xây cất hổng được bán mặt nạ chống hơi độc nữa vì nhiều người biểu tình mua để dùng chống lựu đạn cay của cảnh sát.
Nhìn ban tổ chức đang bận rộn giữa một rừng người mà phân vân. Chen lấn đến đó để làm phiền họ chỉ vì muốn có mặt nạ chống hơi cay. Mà có khi đến đó thì đoàn biểu tình có thể sẽ lên đường thì mình mất dịp đi cùng với đám nhà báo kinh nghiệp chiến trường này. Thôi phó thác cho số trời dzậy.
Image may contain: 7 people, outdoor
Reuters ước tính có khoảng 350 ngàn người biểu tình hôm ấy tức là 5% dân số của Hồng Kông. Không nhiều bằng mấy tháng trước và sẽ ít đi nữa vì mọi người đã thấm mệt và cường độ bạo động càng ngày càng gia tăng.
Đi trong rừng người mới thấy phong cách của người Hồng Kông. Họ không ồn ào la hét mất trật tự như người Việt và xí xa xí xồ ỏm củ tỏi như người Trung Hoa lục địa. Lâu lâu thấy rừng người ngừng lại im lặng, rồi rừng người từ từ chuyển động trở lại như những ngọn sóng ngầm ở đại dương. Không ai tò mò hoang mang tại sao lại ngừng. Hỏi họ thì được câu trả lời bình thản là phía trước yêu cầu ngừng thì họ ngừng, ra lịnh đi thì họ đi. Có thể cảnh sát đang phong tỏa, hay phía trước đông quá nên phía sau phải đi chậm lại.
Image may contain: 1 person, crowd and outdoor
Dọc theo đoàn biểu tình có các anh hướng dẫn viên cầm loa hô các khẩu hiệu như “Tự Do Cho Hồng Kông” bằng tiếng Anh và tiếng Tàu và rừng người hô theo “Tự Do Tự Do”. Không ai gào thét điên dại và đá song phi vào cửa sắt rầm rầm như đi bão ở Việt Nam.
Image may contain: 6 people, people smiling, outdoor
Đây quả thật là một cuộc xuống đường bất bạo động lý tưởng. Trong rừng người ấy có rất đông người già. Vợ chồng ẳm con trên vai. Các anh chị trẻ trí thức nói tiếng Anh lưu loát mà tôi có dịp sánh vai đi cùng và trò chuyện về một viễn ảnh của Hồng Kông ngày mai. Họ muốn thoát Trung như người Việt, “chúng tôi là người Hồng Kông chớ không phải người Tàu”. Nó giống như một cuộc hành hương vỹ đại của những con chiên đi tìm đất hứa, đã làm tôi kính trọng.
Không thấy bóng dáng một người cảnh sát nào trên suốt tuyến đường mười cây số từ trạm xe điện East Tsim Sha Tsui và đại lộ Nathan Road. Cảnh sát đã rút lui không ngăn cản cuộc xuống đường bất bạo động dù ban tổ chức đã không được giấy phép biểu tình ngày hôm đó.
Bạo động:
Image may contain: one or more people, crowd and outdoor
Dọc theo đoàn biểu tình thấy có từng nhóm thanh niên thiếu nữ trẻ tuổi mặc áo quần đen bó chẻn. Họ trùm kín đầu bằng khăn đen chỉ chừa hai mắt như các chiến binh Ninja của Nhật Bổn thời xa xưa. Các Ninja Hồng Kông này chiếm giữ các yếu điểm trên lộ trình. Họ phất cờ Mỹ như là một biểu tượng tự do. Họ đóng chốt ngồi vắt vẻo trên các cầu sắt treo bản hướng dẫn hướng đi trên xa lộ rồi dùng sơn xịt xóa chữ “CHINA” và phất cờ Mỹ. Họ muốn gởi gắm những thông điệp tuyệt vọng đến người Mỹ bên kia đại dương.
Image may contain: one or more people, crowd, sky and outdoor
Đến gần ngã tư đường Cherry Street và đại lộ Nathan Road nơi được coi như là địa điểm kết thúc cuộc tuần hành. Vẫn không thấy bóng một người cảnh sát, nhưng tôi bỗng chú ý tới một sự bố trí khác thường.
Nhìn về phía trước khoảng một trăm thước thấy một tốp áo đen “Ninja” khoảng ba bốn chục người tụm lại giữa đường bên cạnh một cột đèn đường. Họ bung dù che kín từ lưng trở lên nên chỉ thấy một đống cẳng người ở phần dưới. Tôi cố gắng đi mau tới để coi họ đang làm gì. Nhưng sau chừng hai hay ba phút thì tốp Ninja đó xếp dù lại rồi mau lẹ phân tán. Đến địa điểm họ vừa bố trí thì không thấy gì khác lạ. Chỉ lưu ý là cái nắp trên trụ đèn đường bằng sắt đã bị tháo gỡ và một chùm dây điện đổ ra ngoài. Nhưng đây có thể là công việc dang dở của một anh thợ điện thành phố nào đó.
Ngay lúc ấy lại thấy hai tốp áo đen Ninja tụm lại và bung ra hai cụm hoa dù trước mặt. Mình phi nhanh đến để tìm hiểu họ đang mần trò gì. Khi đến gần thì nghe tiếng kim khí va chạm chan chát. Vòng ngoài là các nữ Ninja bung dù ngụy trang cho bên trong. Cúi đầu xuống nhìn qua khe hở của các cặp cẳng thì thấy một anh Ninja đực rựa đang dùng búa đập bôm bốp vào cái hàng rào sắt đã được siết bù lon xuống nền gạch. Nhìn qua những cụm hoa dù ngụy trang gần đó thì thấy bên trong những cặp cẳng có hai cánh tay đang dùng mỏ lết thoăn thoắt tháo mở bù lon kết nối các hàng rào cản dọc bờ lề.
Trên vỉa hè gần đó thì có mấy anh Ninja đang cầm xà beng nạy mấy cục gạch lên. Chẳng mấy chốc nền gạch chỉ còn trơ ra cát vàng phía dưới. Những người khác lấy từng cục gạch đập xuống góc cạnh bờ lề đường cho bể làm hai rồi quăng ra ngoài đường. Tất cả làm việc trong im lặng và thuần thục. Hổng ai tranh cãi về nhiệm vụ của mình. Đây là một cuộc phá hoại có tổ chức, chiến thuật và chiến lược.
Lúc này thì những người biểu tình ôn hòa đã ra về, chỉ còn những người trẻ mặc áo đen và bịt kín mặt để không bị nhận diện. Họ cho tôi biết các bạn của họ đang chuẩn bị giao chiến với cảnh sát. Một vài người biểu tình lý luận “đôi khi cần phải có bạo động”. Báo chí nước ngoài gọi họ là “phe cực đoan” (radical faction). Họ khiêu khích rồi giao chiến với cảnh sát để gây chú ý với thế giới bên ngoài vì muốn thoát khỏi tình trạng bế tắt tuyệt vọng hiện nay. Hình ảnh bạo động máu lửa có thể sẽ làm thế giới quan tâm hơn và sẽ gây áp lực bắt chính quyền Hồng Kông phải ngồi đàm phán với người biểu tình.
Tôi chỉ có thể đoán được rằng sau năm tháng biểu tình, chính quyền Hồng Kông dưới sự lãnh đạo của bà Carrie Lam vẫn ù lì không chịu đối thoại hay nhượng bộ. Họ mang nặng cá tính của người Á Châu nghĩa là đối thoại hay nhượng bộ sẽ làm “mất mặt” các quan chức chính quyền và còn đồng nghĩa với sự yếu đuối nữa. Ngoài ra phía sau lưng bà Carrie Lam là bộ máy cầm quyền của Trung Cộng với giấc mộng bá chủ của người Đại Hán. Nhượng bộ những người trẻ đòi tự do cho Hồng Kông là điều không thể. Chiến thuật của chính quyền Hồng Kông là cứ ỳ ra đợi những cuộc đấu tranh bất bạo động mệt mỏi rồi cáo chung.
Người Việt Nam ở xa nhìn về Hồng Kông thấy bạo động thì vội vã lên án cảnh sát Hồng Kông là Cộng Sản là tàn ác v.v. Thiệt ra cảnh sát Hồng Kông chỉ là thiên lôi chỉ đâu đánh đó. Những người biểu tình mặc trang phục đen Ninja bịt mặt phá hoại có hệ thống, và cảnh sát không thể làm ngơ không có phản ứng. Người chịu mọi trách nhiệm về thiệt hại nhân mạng và tài sản mới chính là bà Carrie Lam và bộ máy cầm quyền Trung Cộng.
Có bản tin đang lưu truyền là mấy trăm người Hồng Kông tự tử và mấy ngàn người bị giết. Nhưng không nói rõ ai là thủ phạm và nguyên nhân của những cái chết nên mọi người nghĩ rằng cảnh sát Hồng Kông đã làm chuyện ấy. Nguồn tin ấy do một người Việt viết lại và được nhiều người “share” vì nội dung rất kích động. Tôi có google để kiểm chứng thì không thấy trong các bản tin Anh ngữ. Nên nhớ hiện nay các thông tấn xã quốc tế có uy tín như BBC, VOA, Reuters, AP v.v. đều có gởi đặc phái viên của họ đến săn tin ở Hồng Kông và họ liên lạc mật thiết với phong trào đấu tranh ở đây. Vì vậy không thấy nguồn tin này ở báo chí Âu Mỹ là một điều cần lưu ý.
Tờ Washington Post tuần rồi có tường thuật sự liên hệ giữa người biểu tình và cảnh sát Hồng Kông càng lúc càng xấu đi. Sau năm tháng xung đột bạo động cả hai phe đều mỏi mệt và thù ghét nhau. Cảnh sát Hồng Kông bắt đầu có thái độ thiếu chuyên nghiệp khi họ gọi những người biểu tình bạo động là loài “gián” (cockroach). Gián là sinh vật ăn bám lén lút ban đêm. Đây là cách làm nhục nhỏ mọn theo kiểu người Á Châu và dĩ nhiên người biểu tình Hồng Kông là người Châu Á nên họ vô cùng phẫn nộ.
Ở phía tây đường Cherry Street gần ngã tư Nathan Road tôi gặp lại nhóm phóng viên truyền hình nước ngoài. Họ chỉ về cuối đường cách vài trăm thước là một bót cảnh sát kiểm soát đường đi đến biên giới Hoa Lục. Họ cho biết chắc sẽ có đụng độ với cảnh sát nơi đây. Các anh Ninja cao lớn gậy gộc gạch đá nón an toàn và mặt nạ chống hơi cay sẵn sàng. Các đường hầm xuống xe điện ngầm bị quăng chướng ngại vật xuống rồi chuẩn bị đốt cháy.
Lúc ấy gần 4 giờ chiều bỗng có thông tin tất cả trạm xe điện ngầm dọc theo đại lộ Nathan Road ngừng hoạt động vì lý do an toàn. Như vậy đường về lại đảo Hồng Kông của tôi đã đóng. Chặn hai anh Ninja áo đen bịt mặt hỏi thăm đường về và cho hai anh ấy biết là chuyến bay của tôi rời Hồng Kông vào lúc 10:30 tối đó để làm phóng sự ở một nước khác vào ngày mai.
Hai anh khuyến cáo tôi phải rời nơi đây ngay mới kịp và nên đi bộ ra hải cảng Victoria cách đó chừng 4 cây số rồi đón tàu về lại đảo Hồng Kông. Trời, làm sao mà kịp đây mấy tía non, vì phải về khách sạn lấy hành lý rồi đi ngược lại bán đảo Kowloon để đến phi trường nằm ở một bán đảo nhỏ khác.
Hai anh hiệp sỹ Ninja cũng sốt sắng giúp tới cùng. Họ chặn một xe taxi đã có hành khách và yêu cầu chở thêm tôi. Bác tài xế nhìn lên thấy hai ông bịt mặt đen ngòm nên hơi khớp lắc đầu quầy quậy. Cuối cùng bí quá hai anh Ninja chỉ về phía tây nói cứ nhắm hướng đó mà đi càng xa khu vực biểu tình này càng tốt rồi đón taxi đi qua đảo Hồng Kông.
Tôi bắt tay chúc hai bạn được may mắn với những gì họ đang làm. Mở ba lô ra để cất máy hình vào và lấy ra một lá cờ Mỹ rồi yêu cầu anh bạn Ninja viết vài chữ về cuộc đấu tranh này. Anh ta viết tiếng Tàu và ba chữ cuối cùng vần La Tinh: SOS. Hãy cứu chúng tôi.
Không biết là mình đã đi bộ về hướng tây bao lâu trên đất nước xa lạ này. Cứ vài chục thước đi bộ rồi vài chục thước chạy bộ. Cái ba lô sau lưng đẩm mồ hôi nhảy tưng tưng lên xuống, trong đựng cái máy chụp hình khổng lồ và một lá cờ Mỹ có những hàng chữ Tàu viết nguệch ngoạc.
Leo rào băng qua những khu vườn rậm rạp. Và trước mặt là xa lộ West Kowloon Highway rộng thênh thang xe chạy hai chiều ào ào như gió lốc. Không còn thì giờ để quay ngược lại nữa. Tính toán khoảng cách của những chiếc xe đang lao tới và như một tên điên co giò phi nước đại băng qua xa lộ. Lúc đó chợt nghĩ thầm nếu vấp té giữa đường thì sẽ tiêu diêu miền cực lạc vì không có chiếc xe hơi nào có thể thắng kịp.
Đi lạc vào một khu thương xá sang trọng có điều hòa không khí lạnh cóng. Hỏi đường về lại đảo Hồng Kông thì được ba cô gái Hồng Kông chỉ chỏ trên trời dưới đất. Một cô thấy bộ vó ngơ ngác hổng hiểu mô tê gì đâm ra tò mò hỏi “Anh đi đâu mà lạc vô đây”. “Tui đi biểu tình và bi giờ tìm đường về lại khách sạn”. Cô gái có vẻ vui ra mặt: “Chúng tôi cũng đi biểu tình về nè. Thôi để tụi này dẫn anh đến trạm Metro Olympic nhe. Chỗ ấy không bị đóng cửa”.
Ngồi đợi chuyến bay khuya rời Hồng Kông. Đọc bản tin nóng hổi trên laptop tối nay những người biểu tình vừa mới tấn công đồn cảnh sát ở Kowloon. Cảnh sát từ trong đồn bắn lựu đạn cay ra rồi dùng xe vòi rồng càn quét người biểu tình. Các cửa vào ga xe điện ngầm và các cơ sở kinh doanh có liên hệ với Hoa Lục ở khu vực này bốc cháy.
Lấy trong bao nylon ra lá cờ Mỹ trên có những dòng chữ của những người bạn bịt mặt vô danh. Ba chữ cuối cùng viết trên lá cờ “hãy cứu chúng tôi, SOS”. Đúng rồi, chỉ có Hoa Kỳ mới có thể làm được chuyện cao cả ấy. Nước Mỹ chỉ vỹ đại lần nữa khi dám binh vực những dân tộc bị trị.

No comments:

Blog Archive