Danh sách quan chức Hồng Kông bị chế tài gồm những ai? 3 người này không thể trốn thoát!
Những vị quan chức cấp cao Hồng Kông có khả năng sớm bị đưa vào danh sách chịu chế tài của Mỹ theo luật nhân quyền mới ban hành, bao gồm Bộ trưởng Tư pháp Trịnh Nhược Hoa, Bộ trưởng An ninh Lý Gia Siêu và Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga, theo dự đoán của học giả Vương Di Xương.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông trước Lễ Tạ ơn. Vào tối hôm 28/11, hàng nghìn người dân Hương cảng đã tuần hành cảm ơn chính quyền Hoa Kỳ. Luật cho phép chính quyền Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt như đóng băng tài sản, hủy visa, từ chối nhập cảnh vào Hoa Kỳ … đối với các quan chức và cá nhân Trung Quốc và Hồng Kông đã có những hành vi vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông.
Hoàng Chi Phong, Tổng thư ký đảng Demosisto, đã tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 28/11, nói rằng việc Tổng thống Trump ký ban hành luật là một cột mốc quan trọng trong quan hệ Hồng Kông – Hoa Kỳ, và là sự điều chỉnh lớn trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Hồng Kông. Nhà hoạt động trẻ nói rằng sẽ tích cực thu thập ý kiến từ mọi tầng lớp, lập ra bảng danh sách trừng phạt đệ trình lên chính phủ Hoa Kỳ sớm nhất có thể, theo NTDTV.
Giảng viên danh dự của trường Đại học Hồng Kông, Viên Di Xương (Yuan Michang), nói với giới truyền thông đặc khu rằng bảng danh sách trừng phạt đầu tiên thường có tính đại diện nhất định, đoán rằng những quan chức đóng vai trò thúc đẩy then chốt trong việc chỉnh sửa ‘Luật dẫn độ’, bao gồm người đứng đầu cơ quan tư pháp Trịnh Nhược Hoa, Bộ trưởng An ninh Lý Gia Siêu và Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga, những người này rất có cơ hội trở thành đối tượng bị chế tài đầu tiên.
Trịnh Nhược Hoa
Bà Trịnh Nhược Hoa đã trở thành người đứng đầu cơ quan tư pháp của chính phủ Hồng Kông vào ngày 6/1/2018, bà cũng là một trong số những người thúc đẩy then chốt trong việc sửa đổi luật dẫn độ đào phạm. Theo NTDTV thì bà Trịnh Nhược Hoa ‘tiếng xấu đầy thân’.
Trang tin trích dẫn, vào ngày 31/7, một lá thư được viết trên giấy viết thư của Sở Tư pháp có chữ ký bên dưới là “một nhóm công tố viên” đã công khai chỉ trích bà Trịnh “coi các quy tắc chung của khiếu nại tố cáo như phân rác”, khi bà xử lý các trường hợp hoạt động công chúng chỉ “chăm chăm cân nhắc đến nhân tố chính trị, nghi ngờ bà ta chưa có đầy đủ bằng chứng đã tùy tiện kết tội, thật không xứng là người đứng đầu cơ quan tư pháp”.
Vào ngày 14/11, bà Trịnh Nhược Hoa đến thủ đô London của Anh tham dự sự kiện thì bị bao vây bởi hàng chục người biểu tình và bị mắng là “hung thủ giết người”. Trong lúc hỗn loạn bà đã sợ hãi té ngã.
Lý Gia Siêu
Bộ trưởng An ninh Lý Gia Siêu đã công khai ủng hộ cảnh sát Hồng Kông trấn áp dã man những người biểu tình. Trước chất vấn của công chúng về đội chiến thuật đặc biệt và cảnh sát chống bạo động trong lúc thực thi nhiệm vụ nhưng không đeo số hiệu cảnh sát theo quy định, ông Lý Gia Siêu đã cãi chày cãi cối hòng lấp liếm điều này.
Ngày trước, ông cũng từng mạnh miệng tuyên bố rằng ông sẽ bắt giữ và truy tố tất cả những người biểu tình bỏ trốn khỏi trường Đại học Bách Khoa Hồng Kông, hành vi này của ông ta đã bị người dân Hồng Kông lên án mạnh mẽ. Ông Lý Gia Siêu cũng bị chỉ định là một trong những thủ phạm khuấy động sự xung đột giữa cảnh sát và người dân ở Hồng Kông.
Lâm Trịnh Nguyệt Nga
Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã bị người dân Hồng Kông lên án mạnh mẽ kể từ khi phong trào phản đối ‘Luật dẫn độ’ nổ ra, người dân chỉ trích bà Lâm Trịnh coi thường ý kiến của người dân và mù quáng tuân theo chỉ thị của Bắc Kinh. Người dân Hồng Kông liên tục kêu gọi bà Lâm Trịnh từ chức, và chính bản thân bà cũng tự thừa nhận rằng bà ta có trách nhiệm không thể chối cãi trong một loạt các sự kiện đau thương ở Hồng Kông lần này.
Dân chúng nước Anh trước đó đã đưa ra một lá thư kêu gọi thu thập chữ ký thỉnh nguyện trên trang web “Change.org”, yêu cầu chính phủ Anh tước bỏ quyền công dân Anh của gia đình bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, tính đến nay đã thu thập được hơn 300.000 chữ ký. Trong hoạt động kháng nghị của người dân Hồng Kông, có không ít cảnh sát cơ sở trấn áp tàn bạo những người biểu tình đã bị người dân Hồng Kông công bố dữ liệu cá nhân của họ trên Internet. Không loại trừ khả năng rằng những cảnh sát này sẽ phải đối diện lệnh trừng phạt trong tương lai.
Học giả Viên Di Xương cũng chỉ ra rằng, các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ trên bề mặt không ảnh hưởng đến những người không có tài sản ở Hoa Kỳ, nhưng chỉ cần là người có tên trong danh sách trừng phạt thì bất kỳ ngân hàng nào có giao dịch kinh doanh với Hoa Kỳ đều sẽ không thể xử lý tiền gửi, chuyển nhượng và các hoạt động khác của cá nhân đó. Thế nên, tài sản của họ cũng không khác chi bị đóng băng vậy.
Việc Hoa Kỳ ban hành Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông đã khởi được hiệu ứng làm mẫu với các quốc gia khác. Canada, Úc và các quốc gia khác cũng đã có ý định học theo cách làm của Hoa Kỳ. Các quốc gia mà người dân Hồng Kông mong muốn được di dân đến nếu cũng kiến lập dự luật tương tự, thì sẽ hạn chế lựa chọn di dân của những người có liên quan sau này. Điều này chắc chắn sẽ mang lại tính răn đe nhất định.
Hoàng Chi Phong trong cuộc họp báo cho biết thêm, rằng anh cùng đảng dân chủ Demosisto trong 5 năm tới sẽ tiếp tục nỗ lực vận động các quốc gia khác như Canada, Úc, Anh, Pháp, Đức… thiết lập cơ chế trừng phạt tương tự, tạo thành hiệu ứng domino. Tin chắc sẽ tạo thành áp lực không nhỏ với các quan chức và cá nhân Hồng Kông cũng như Trung Quốc đại lục.
No comments:
Post a Comment