Các nhà hoạt động đã công bố một bản đồ có các vị trí nghi ngờ là của gần 500 nhà tù và trại giam mà chính quyền Trung Quốc đang sử dụng để giam giữ người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số theo đạo Hồi ở Tân Cương, Trung Quốc.
Theo Business Insider, các nhà nghiên cứu hợp tác với Phong trào thức tỉnh quốc gia Đông Turkistan (ETNAM) đã công bố các bản đồ cho thấy vị trí nghi ngờ là của các trại lao động, trại cải tạo giáo dục và trại giam ở Tân Cương.
ETNAM vào ngày 12/11 đã xuất bản một loạt các bản đồ cho thấy tọa độ nghi ngờ của 182 trại mà họ gọi là “trại tập trung”. Anders Corr, cựu nhà phân tích tình báo Hoa Kỳ và cố vấn hiện tại của ETNAM nói với hãng truyền thông AFP rằng khoảng 40% trong số 182 tọa độ này đã không được báo cáo trước đây.
Ông Salih Hudayar, người sáng lập và chủ tịch của ETNAM nói với Business Insider rằng các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra tọa độ nghi ngờ là của các trại và nhà tù sau một năm nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu đã thu thập thông tin từ người Duy Ngô Nhĩ trong khu vực, những người báo cáo rằng gia đình của họ đã bị giam giữ, cũng như thu thập thông tin từ các hình ảnh vệ tinh lấy từ các nhà nghiên cứu khác trong khu vực.
Kyle Olbert, giám đốc điều hành ETNAM nói với AFP: “Chúng tôi lo ngại rằng có thể có nhiều cơ sở hơn mà chúng tôi không thể xác định được”.
Bản đồ dưới đây cho thấy các vị trí nghi ngờ là của 182 trung tâm giam giữ (trại tập trung), 209 nhà tù và 74 trại lao động.
Màu xanh dương là vị trí nghi ngờ của các trại lao động, màu da cam là trung tâm giam giữ, màu xanh lá là nhà tù (ảnh: phong trào thức tỉnh quốc gia Đông Turkistan).
Tân Cương là tên tiếng Trung của lãnh thổ rộng 656.000 dặm vuông. Nhiều người Duy Ngô Nhĩ trong khu vực này và ở xa hơn gọi vùng lãnh thổ này là Đông Turkestan (hay Turkistan).
Kể từ giữa năm 2016, chính quyền Trung Quốc dưới danh nghĩa là chống khủng bố đã tiến hành một cuộc đàn áp chưa từng thấy bằng công nghệ cao trong khu vực này. Cuộc đàn áp bao gồm cài đặt phần mềm gián điệp trên điện thoại của người Duy Ngô Nhĩ, cấm họ liên lạc với những người bên ngoài khu vực và nhốt ít nhất 1 triệu người trong các trại giam và nhà tù trên toàn khu vực.
Chính quyền Trung Quốc đã cố gắng ngăn các nhà báo đưa tin về những gì diễn ra bên trong các trại đó. Tuy nhiên, họ thừa nhận sự tồn tại của một số trại này, và nói rằng đó là nơi “đào tạo nghề miễn phí”.
Randall Schriver, trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Châu Á, ước tính vào tháng 5 rằng có “ít nhất một triệu người nhưng có khả năng đã lên tới 3 triệu người, trong tổng số khoảng 10 triệu người” bị giam giữ.
Một số trại này cũng được báo cáo là sử dụng lao động cưỡng bức để sản xuất quần áo, và sau đó sẽ được bán bởi các nhà bán lẻ ở phương Tây. Nhiều nhà bán lẻ bao gồm Badger Sport của Mỹ, Cotton On và Target Australia của Úc đã cắt đứt quan hệ với các nhà cung cấp đó.
Theo tờ New York Times, tỷ lệ giam giữ ở Tân Cương đã tăng mạnh kể từ năm 2016, với các vụ bắt giữ thường dựa trên các cáo buộc không rõ ràng.
Vào năm 2018, Đài Á Châu Tự Do cũng báo cáo về việc các quan chức chính quyền Trung Quốc đã bí mật chuyển tù nhân người Duy Ngô Nhĩ vào các nhà tù trên khắp Trung Quốc do các cơ sở giam giữ ở Tân Cương đã quá đầy.