BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG, NHỮNG KỶ NIỆM KHÓ QUÊN
Phùng Annie Kim
Năm 2008, trong chuyến về Việt Nam ngày mùng 4 Tết, gia đình tôi tổ chức du lịch thăm Tứ Động Tâm tại Ấn Độ. Sư cô chùa A-Di Đà tại Mỹ nhờ tôi mang chút quà sang cho sư em là Thầy Chiếu Tuệ tại Bồ Đề Đạo Tràng. Tại đây, nơi bệ thờ Bồ Tát Quan Thế Âm, chúng tôi đã gặp lại người du tăng đang tu học ở Ấn Độ nay có pháp hiệu là Thích Tánh Tuệ. Sau nhiều năm không gặp, Thầy vẫn trẻ, vui vẻ, tươi cười trong chiếc y vàng, chào đón hai người khách hành hương thân tình năm xưa.
Cái duyên đến xứ Phật không dừng tại đó. Năm 2016 tôi đi với Chị NC về miền Nam Ấn thăm các tu viện lớn của Tây Tạng, dự lễ đăng quang của Ngài Tukku, dự sinh nhật của Đức Đạt Lai Lạt Ma, dự các buổi giảng pháp của các Ngài tu viện trưởng. Năm nay 2019, sau chuyến đi Bhutan một tuần lễ với Thầy, tôi lại có duyên theo Thầy và đoàn hành hương khỏang 50 người tiếp tục đến Bồ Đề Đạo Tràng tu tập và thăm vài thánh tích.
Trong kinh Phật có viết rằng ai đó trong đời may mắn một lần đến xứ Phật, có công phu tu tập và hành trì giới luật, có niềm tin thanh tịnh, khi rời khỏi thân xác này sẽ đến những cảnh giới tốt đẹp hơn thay vì phải đọa lạc vào tam đồ ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục.
Lần này đến Bồ Đề Đạo Tràng là cơ hội để tôi tu tập và thực hành những gì mình thọ nhận từ các bài Pháp, để nhìn lại mình ở lứa tuổi “thất thập cổ lai hy” đã buông bỏ những gì, chuẩn bị tư lương là những gì cho một chuyến đi xa. Trên hết, tôi trở về Bồ Đề Đạo Tràng như người con đi xa nhớ về một quê hương tâm linh cội nguồn mà mình đã lãng quên.
Các tôn giáo trên thế giới đều có các thánh địa và các thánh tích ghi lại cuộc đời hay hành trạng của vị giáo chủ như đạo Thiên Chúa có Jerusalem, Lourdes, Rome, đạo Hồi có Mecca, Đạo Phật có Bồ Đề Đạo Tràng. Là một thánh tích có ý nghĩa lịch sử, nơi đây chứng kiến sự giác ngộ của một con người có thật, một vị hoàng tử bỏ ngai vàng đi tu và trở thành một vị Phật. “Budha”, Phật hay Bụt có nghĩa là người giác ngộ.
Tại phi trường, Ama, hướng dẫn viên du lịch Ấn Độ gắn bó với Thầy trong nhiều chuyến hành hương “Theo Dấu Như Lai” trước đây, anh cùng với hai sư cô Huệ Lạc và An Phụng ra đón đoàn với vòng hoa vạn thọ quàng vào cổ từng người. Đoàn chúng tôi lên xe về khách sạn, lãnh chìa khóa về phòng nghỉ ngơi, sau đó ăn trưa. Từ khách sạn đến Bồ Đề Đạo tràng đi bộ chỉ mất 10 phút, đi xe lam chỉ mất 50 rupee cho một cuốc xe bốn người. Chương trình chiều nay sẽ có họp mặt và tu tập đầu tiên tại tháp Đại Giác lúc 5 giờ .
Về lại xứ Phật nơi đức Phật sinh ra, tu hành, giác ngộ và hoằng pháp, lòng tự hỏi phải chăng đây là đại nguyện phổ độ chúng sinh của Ngài vì Ngài sinh ra nơi đất nước đông dân hạng nhì thế giới có cảnh nghèo thâm căn cố đế, nơi có sự phân chia giai cấp rõ rệt, có sự phân biệt nam nữ mà khi còn sinh tiền khi đi hoằng Pháp, Ngài đã làm một cuộc “cách mạng” muốn thay đổi trật tự xã hội, tạo sự bình đẳng cho giai cấp bần cùng và những người hạ tiện bị xã hội coi rẻ như thu nhận người thợ hớt tóc U-Ba-Ly vào tăng đoàn, độ cho vũ nữ Ambapali đắc quả A-La-Hán, độ cho bà lão nghèo có vài xu mua dầu cúng Phật, thành lập ni đoàn tỳ kheo đầu tiên của bà Kiều Đàm Di...
Trở về thăm lại Bồ Đề Đạo Tràng, thánh tích có nhiều thay đổi làm cho lòng người buồn, vui lẫn lộn xen lẫn chút bâng khuâng. Vui vì thấy người đông, nhà cửa xây dựng nhiều, hàng quán buôn bán sầm uất, xe lam và xe kéo ồn ào, tấp nập, người lên kẻ xuống không lúc nào ngớt. Bâng khuâng khi nhìn lại “cảnh cũ người xưa”. Đội quân bán dạo từ khắp nơi ùa ra, kẻ mua người bán, kẻ chào mời, người trả giá các mặt hàng như hoa cúng Phật, các hình tượng Phật, các lá bồ đề ép khô, các vòng, chuỗi... Nền kinh tế của quận Gaya lấy nguồn lợi từ các khách du lịch đến Bồ Đề Đạo Tràng xem ra có vẻ khấm khá nhưng nhìn chung trên nét mặt những người bán dạo này đầy nét mệt mỏi và ưu tư.
Tôi hoa mắt trong thế giới mua bán ta bà và ngôn ngữ Ấn Độ khi thấy chiếc xe kéo chở đầy các tượng Phật, những người bán dạo lam lũ vây quanh, xòe ra trước mặt tôi các hình ảnh, tôn tượng đủ loại Phật lớn, Phật nhỏ, Phật đứng, Phật ngồi. Thế mà Ngài vẫn yên lặng nhìn chúng sanh với nụ cười từ bi .Ngài bao dung với những bàn tay vung vẩy mời chào. Có lẽ Ngài đã thấu hiểu nỗi khổ cực của kiếp người đang phải vật lộn để mưu sinh.
Thật là nghịch lý trong khi chúng tôi phải bỏ ra hàng ngàn đô-la đến đây để đảnh lễ Phật, tìm an lạc và sự giải thoát trong sự tu tập và hành trì theo giáo pháp của Phật thì chúng sanh nơi đây sinh ra tại xứ Phật nhưng không biết gì về giáo lý của Ngài, xem Phật như một vị thần thứ chín trong hàng trăm các vị thần khác. Họ chưa đủ thiện duyên và phước báu để được nghe và hiểu thấu được bài giảng đầu tiên tại xứ Phật là một chữ “khổ” mà nhiều đời nhiều kiếp họ phải chịu đựng. Họ không biết hơn 2600 năm trước, hình tượng vị giáo chủ họ đang cầm rao bán trên tay đã mất năm tuần lễ đi bộ từ Bồ Đề Đạo Tràng đến vườn Lộc Uyển giảng bài Pháp đầu tiên về Tứ Diệu Đế. Vị giáo chủ này đã nêu lên một chân lý về khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ. Âu cũng là định nghiệp của cá nhân, xã hội và đất nước Ấn Độ khi giáo pháp của Đức Thế Tôn đã bị ngoại đạo tiêu diệt ở xứ sở này.
Trước mắt tôi là một đội quân đi xin để kiếm ăn. Họ là những người nghèo, đói, xơ xác đến tận cùng của xã hội nghèo, không hơn gì cái nghèo đói trơ xương của người dân Phi Châu. Đó là những người tàn tật mất tay hoặc mất chân hoặc không còn tay chân. Trên mặt đường đầy cát bụi và rác rưởi, họ bò, lăn, lê, lết hoặc bám trên những miếng gỗ. Tay chân họ đen đủi, da dẻ trầy xước, sưng đỏ, chảy máu hoặc mốc đến trắng xát nhưng miệng vẫn không ngớt nài nỉ, van xin vài đồng rupee.
Họ là những đứa trẻ trai gái đủ mọi lứa tuổi, quần áo sờn rách, gầy ốm, nhếch nhác, bẩn thỉu, tóc rối như rơm, hai tay gãi đầu liên tục. Đứa nào đứa nấy da ngăm đen, khuôn mặt ngây thơ, đôi mắt sáng, to, hai hàng mi dài cong vút. Chúng nhanh như chớp vừa thấy khách hành hương là chạy ùa theo và chìa tay lẽo đẽo xin tiền. Chúng kiên nhẫn theo đến tận nơi khi nào khách động lòng thương hoặc muốn yên thân đành phải móc tiền ra cho. Nếu lỡ cho rồi thì khách phải đi nhanh kẻo một đội quân “nhí” khác sẽ dí theo đến tận xe lam hay trên đường về.
Đó là những bà mẹ mang thai đi xin ăn, bụng to, ngồi ngửa tay, đôi mắt tha thiết hướng về khách qua lại, miệng niệm A-Di- Đà- Phật vì biết khách hành hương là những người Việt Nam. Chung quanh bà là những đứa con lăng xăng chạy theo đám người lớn xin tiền, may mắn có được đồng rupee nào, chúng hí hửng chạy về xà vào bên mẹ, khoe tiền rồi chạy đi xin tiếp. Tôi tự hỏi đứa bé nghèo khổ từ trong bụng mẹ sắp ra đời kia khi lớn lên tương lai rồi sẽ ra sao? Nó sẽ tiếp tục cái nghề cùng mạt này của gia đình từ bao nhiêu thế hệ. Sự phân chia giai cấp có từ thời đức Phật đã làm cho giai cấp nghèo khổ bần cùng của xã hội Ấn Độ sẽ không bao giờ có cơ hội đổi đời và thăng tiến cũng như quyền lợi của giai cấp cao sang quyền quý lãnh đạo sẽ không bao giờ chấp nhận sự thay đổi này.
Hàng ngày, mỗi buổi sáng tôi thường vén màn nhìn xuống sân khách sạn để thấy cảnh một gia đình chùm nhúm nhau đi xin ăn. Ông bố ngồi trên chiếc nạng gỗ ở vệ đường, thỉnh thoảng lết vào đưa cho đứa con gái khi thì miếng bánh, khi thì trái chuối. Bà mẹ trẻ gầy guộc, lam lũ, có đứa con còn bú trên tay. Bà đặt đứa bé nằm ngửa, đứa bé giẫy giụa trên chiếc xe đẩy bằng gỗ. Con chị ngồi bên góc trái chơi với đứa em. Thằng anh trai dáng người nhỏ xíu, hai chân có tật, miệng ú ớ, nằm cong vòng cạnh hai đứa nhỏ. Bà mẹ đẩy ba anh em co cụm trong chiếc xe gỗ, dừng lại trước cổng khách sạn và ngồi đúng vào cái chỗ có bóng mát để xin tiền. Bà đang niệm A-Di- Đà- Phật mỗi khi có khách hành hương ra vào.
Kinh nghiệm của Thầy và những người đi trước đã dặn kỹ rồi nhưng lòng từ bi vẫn lấn át lý trí. Khách hành hương lần đầu tiên đến Ấn Độ thấy cảnh khổ phát lòng thương bố thí cho những người ăn xin đông như thế không tránh khỏi bị phiền nhiễu. Bố thí chưa thấy phước báu đâu đã thấy lòng mình dấy lên cái tâm sân bực bội. Bố thí mà lòng không thấy thanh thản, nhẹ nhàng vì hối hận khi cho người này trong khi người kia đáng thương hơn. Bố thí mà tâm sợ hãi khi thấy họ tranh giành, cãi lộn, đánh nhau vì mấy đồng rupee . Bố thí mà cái tâm tính toán kẻ cho nhiều người cho ít. Bố thí mà lòng nặng trĩu vì bàn tay nhỏ bé của mình không che lấp được nỗi khổ trùm khắp nơi thánh địa này. Thầy chỉ cho cách bố thí tốt nhất là nhờ Ama gọi những người ăn xin tụ tập trật tự trước sân khách sạn vào giờ nhất định rồi cho tiền một lần, đồng đều, cùng một lúc. Họ hoan hỉ. Chỉ cần 150 rupee tức khoảng hơn 2 đô-la là ngày đó họ không bị đói.
Có đi để thấy phước báu của mình có được ngày hôm nay không do một ai ban phát cả mà là chính mình tạo tác . Luật nhân quả từ vô lượng kiếp của đạo Phật giải thích tất cả sự khác biệt giữa con người với con người tại sao có người sinh ra tại đất nước giàu như nước Mỹ, có kẻ sinh vào xứ nghèo như làng Bihar? Tại sao có người giàu như tỷ phú, có người không có ăn phải lê lết đi xin từng rupee sống qua ngày? Tại sao có kẻ đẹp người xấu, kẻ sang người hèn, kẻ giàu người nghèo, kẻ khỏe mạnh người bệnh tật, kẻ thông minh người ngu dốt ...? Bao nhiêu câu hỏi tại sao đạo Phật lý giải bằng một chữ “nghiệp”.
Ngày xưa khi đi qua đèo Ngang nhớ về cố đô Thăng Long một thời hưng thịnh của các triều đại phong kiến, bà huyện Thanh Quan cảm tác về sự đổi thay “...Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” nay chỉ còn là “Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” thì trái lại tại Bồ Đề Đạo Tràng, nơi đây “nền cũ”, đền đá của ngôi tháp vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” và các đoàn hành hương vẫn đến chiêm bái mặc dù trời đã về chiều.
Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) nằm bên bờ sông Ni Liên Thuyền trong ngôi làng nhỏ, chung quanh là rừng nơi đó có khu rừng đức Phật đã tu 6 năm khổ hạnh nay là thánh tích Khổ Hạnh Lâm.
Về Bồ Đề Đạo Tràng để tưởng niệm hình ảnh Đức Thế Tôn được thờ tại Tháp Đại Giác ( Mahabodhi Temple). Đây là ngôi tháp được vua A Dục xây vào khoảng 250 năm sau khi Phật nhập Niết Bàn. Tháp hình vuông, có chiều dài bốn bên mỗi bên dài khoảng 15 mét, đầu tháp hình nhọn, kiến trúc trang nhã, xây bằng gạch đá xanh, cao 55 mét bao bọc chung quanh là 4 tháp nhỏ. Tháp không lớn lắm, trên tháp thờ xá lợi Phật, dưới là ngôi chánh điện thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni khoác y vàng. Có một vị sư quen với công việc trông coi ngôi chánh điện, đón nhận và thay những chiếc y và hoa của các đoàn hành hương đến đảnh lễ và cúng dường.
Bên ngoài tháp, chung quanh là một khuôn viên rộng gần 5 mẫu thờ các hình tượng Phật, Bồ Tát và các vị thần khắc trong các hốc đá được dát bằng vàng. Nhìn chung quanh tháp có các cột, cổng chính, các cửa sổ được chạm trổ hình hoa văn, khảm xà cừ và các loại đá quý. Các dãy hành lang chạy dài, nơi đó các đoàn hành hương đi kinh hành, các vị sư ngồi Thiền, tụng niệm hay cầu nguyện. .
Đứng bên giòng sông Ni Liên Thuyền, chung quanh là các Phật tử, Thầy có dịp nói về địa điểm địa lý này phù hợp với các sự kiện lịch sử trong kinh điển. Nơi đây chứng kiến một sự kiện quan trọng đó là con đường đi của nhà tu khất thực Tất Đạt Đa, sau khi từ bỏ lối sống khổ hạnh tại Khổ Hạnh Lâm, Ngài thọ nhận bát cháo sữa cúng dường của nàng Sujata gần đó, Ngài đến tắm gội tại bờ sông Ni Liên Thuyền ( Neranjara) trong thành phố Gaya, Ngài tiếp tục đi đến Bồ Đề Đạo Tràng ngồi thiền 49 ngày đêm dưới bóng cây Bồ Đề và giác ngộ như lời đại nguyện.
Về Bồ Đề Đạo Tràng, nhìn về phía Đông cách ngôi tháp khoảng 5 mét là cây Bồ Đề lịch sử, hậu duệ đời thứ năm của cây Bồ Đề nguyên thủy được vua A Dục trồng vào năm 260 BC. Trải qua bao biến cố thăng trầm, bị tàn phá, tiêu diệt, hủy hoại vì thiên tai, chiến tranh và lòng tham ác của con người, năm 1881, cây Bồ Đề này được một nhà khảo cổ người Anh Alexandre Cunningham dùng hạt giống trồng lại. Tiếp tục mầm sống của cây Bồ Đề tổ tiên, ngày nay cây vẫn đâm chồi nẩy lộc, phát triển tàn lá sum suê. Hình ảnh 2600 năm trước, cây Bồ Đề đã từng che bóng mát cho Phật ngồi thiền và thành đạo. Cho đến bây giờ, cây Bồ Đề mãi mãi là niềm tin bất thối chuyển của các tín đồ Phật giáo, ở đâu có cây Bồ Đề là có Phật. Cây Bồ Đề còn là biểu tượng sức sống của đạo Phật tuy không còn phát triển tại xứ Ấn Độ nhưng cành lá của nó đã lan tỏa, vươn rộng sang các phương trời Âu Mỹ.
Dưới cội Bồ Đề là một di tích lịch sử tên gọi là Kim Cang Tòa bằng đồng, mạ vàng, dài khoảng 3 mét, rộng hơn 1 mét, khắc các hoa văn trang trí mỹ thuật. Đây chính là nơi đức Phật đã ngồi Thiền và thành đạo cách đây 2600 năm.
Bồ Đề Đạo Tràng còn là một chứng tích được các nhà khảo cổ xác nhận và trong kinh điển có ghi đó là chiếc hồ Mucalinda nơi đó có hình ảnh rắn thần Mucalinda dùng đầu to che đức Phật trong một đêm mưa gió, sấm sét, Ngài đã ngồi thiền bất động và an nhiên suốt bảy ngày vào tuần lễ thứ sáu.
***
Qua cổng an ninh khám người và túi xách, chúng tôi theo con đường dẫn vào bên trong tháp, tập trung tại phòng tiếp tân, bỏ giày dép bên ngoài , mặc áo tràng, sắp thành một dãy dài, tâm ý thanh tịnh, vừa đi vừa niệm Phật. Từng bước chánh niệm theo tiếng tụng niệm của Thầy và các sư cô, chúng tôi vào nơi chánh điện đảnh lễ Phật rồi đi kinh hành ba vòng quanh Tháp.
Ai đến Bồ Đề Đạo Tràng đều được nghe một loại âm thanh đặc biệt, chan hoà, lan tỏa trong không khí tu tập, vang lên từ những lời kinh tụng bằng những ngôn ngữ khác nhau. Đó là tiếng tụng niệm ê a hay tiếng cầu nguyện thầm thì của nhà sư và khách hành hương. Đó là âm điệu trầm bổng vang lên từ các các đoàn hành hương Thái, Miến, Trung Quốc, Nhật Bản, Sri- Lanka, Tây Tạng, Việt Nam... Họ đến đây được nghe những lời kinh dù ngôn ngữ khác nhau nhưng nguồn gốc đều từ tiếng Pali và Sankrit là ngôn ngữ cổ thời đức Phật. Chúng tôi được nhìn thấy hình ảnh đẹp của những sắc y vàng hay nâu đỏ của các sư, các vị Hòa Thượng, Đại Đức không phân biệt Phật giáo Nam truyền hay Bắc truyền; Phật giáo Nguyên Thủy hay Phật giáo Phát Triển; Tịnh Độ Tông, Thiền Tông hay Mật Tông, các vị đều là trưởng tử của Như Lai, đang đi theo con đường hoằng pháp của người Cha tâm linh, gieo rắc các hạt giống Phật pháp cho những người con Phật.
Thầy và các sư cô đã dọn sẵn một không gian khá rộng bên hông tháp để chúng tôi tụng kinh và ngồi Thiền. Chương trình sáng sớm ngày mai đoàn sẽ đến Bồ Đề Đạo Tràng làm lễ dâng y tại chánh điện, dâng hoa cúng Phật, đi kinh hành và tụng kinh. Chương trình kế tiếp cho những ngày còn lại là đi thăm các thánh tích, dự lễ xuất gia gieo duyên, lễ cúng dường trai tăng, thăm các chùa quanh đây, làm từ thiện tại một làng nghèo. Mỗi chiều lúc 5 giờ là thời khóa tu tập đều đặn tại Bồ Đề Đạo Tràng trước khi về khách sạn ăn cơm tối.
Xe bus từ Bồ Đề Đạo Tràng đi qua làng Kiriyarma, vượt qua nhiều cánh rừng và những con đường làng, dọc theo hai bên đường là những mái nhà tranh lợp bằng rơm rạ, những người ăn xin đi lang thang và những người nông dân gầy gò, dầm mưa dãi nắng trên những cánh đồng lúa. Xe đậu ở khu đất trống có lối đi dẫn lên núi Dhunheswara. Năm 2005, Hội Phật Giáo Lào tài trợ kinh phí xây con đường lên núi bằng xi măng, nhờ vậy các đoàn hành hương sau này đến thăm thánh tích Khổ Hạnh Lâm đỡ vất vả phải leo trên những đoạn đường dốc, gồ ghề sỏi đá. Bây giờ có thêm dịch vụ chuyên chở bằng xe ôm vừa nhanh vừa tiện, chỉ mất khoảng vài chục rupee.
Chúng tôi đến Khổ Hạnh Lâm trên đồi Dungeswari thấy cờ phướn đủ màu, qua vài khoảng sân rộng là đến hang Prabodhi nơi đức Phật ngồi Thiền trong 6 năm khổ hạnh.
Đúng như lời kể trong kinh, nhà điêu khắc nào đã khéo tạc hình tượng đức Phật bằng đồng, màu vàng, nét mặt khắc khổ và những lóng xương nhô lên trên thân thể gầy ốm. Ngài ngồi trong tư thế thiền định trên bệ thờ trải khăn vàng trong hang đá tối tăm leo lét vài ngọn đèn mờ ảo và vài vòng hoa vạn thọ.
Đọc lại Kinh Trung Bộ, đức Phật kể chuyện thời trai trẻ của Ngài “... Khi ta còn trẻ, là nam tử tóc còn đen nhánh đang giữa tuổi xuân xanh, Ta cắt bỏ râu tóc mặc dù cha mẹ Ta phản đối việc này với mặt đầy nước mắt. Ta vẫn khoác áo cà sa xuất gia từ bỏ gia đình...”
Khi tu khổ hạnh, Phật đã kể về nỗi sợ hãi khi một mình trong rừng vào ban đêm “...Một con công làm gãy cành cây hay một cơn gió xào xạc giữa đám lá Ta cũng kinh hoàng hốt hoảng...”.
Ngài kể về hình hài của mình “... Vì ăn quá ít cơ thể Ta trở nên gầy yếu..., tay chân như lóng tre..., xương sống cốt tủy lồi ra giống chuỗi hạt..., xương sườn long rõ như rui cột của ngôi nhà đổ nát.., đồng tử nằm sâu trong hố mắt..., da đầu khô héo như trái mướp.., da bụng đụng nhằm xương sườn..., đi đại tiện ngã úp xuống đất..., đám lông mục rụng trong tay...”
Nhiều Phật tử đến đây đã không cầm được nước mắt khi thấy từ môt vị hoàng tử, Ngài bỏ tất cả để đi tu tìm đường giải thoát, mang hình hài của một nhà tu khổ hạnh. Bằng kinh nghiệm bản thân, Ngài đã dũng cảm chọn con đường trung đạo để rồi với trí tuệ và công phu tu tập, Ngài đã chứng được đạo quả vô thượng và thốt lên
“Ta đã được giải thoát. Sanh đã tận. Phạm hạnh đã thành. Các việc cần làm đã làm xong, Ta không còn trở lại đời này nữa.” .
Đối chiếu với bản đồ và kinh điển ghi lại, xe chúng tôi vượt qua cầu Falgu về hướng Nam cách sông Ni Liên Thuyền khoảng 2 cây số là một ngôi tháp khá lớn có tấm biển xanh ghi rõ nơi đây nàng Sujata đã dâng bát cháo sữa cho Phật. Đây cũng là nền nhà cũ của nàng Sujata. Tháp có đường kính khoảng 10 mét, chiều cao khoảng 4 mét được xây vào thế kỷ thứ 18, lúc đầu chỉ là một tháp nhỏ, được cộng đồng Phật tử Ấn xây lại lớn hơn. Đền thờ của nàng Sujata là một khoảng sân rộng có tượng Phật Thích Ca, bên cạnh là tượng nàng Sujata quỳ dâng bát cháo sữa. Lòng thương người tu khổ hạnh bị gục ngã trong rừng già và lòng thành kính dâng vật thực cúng dường với tâm thanh tịnh, nàng Sujata đã thác lên cung trời Đao Lợi hưởng phú quý.
Trong chuyến đi này chúng tôi được chứng kiến buổi lễ phát nguyện xuất gia gieo duyên đoản kỳ của 4 chị và 1 anh trong đoàn. Ngoài ra còn khoảng 20 anh chị khác xin được Thầy nhấp kéo và đắp y màu nâu. Buổi lễ được Thầy và các sư cô tổ chức trang nghiêm và cảm động. Sau khi làm lễ sái tịnh, tụng kinh, nhắc lại tam quy và ngũ giới, những mái tóc đã rơi xuống. Có chị đã khóc vì hạnh nguyện đã thành. Có chị rưng rưng nước mắt:
“Sáng nay cạo sạch mái tóc
Mở thêm rộng lớn con đường
Nguyện đoạn vô biên phiền não
Một tâm mà động mười phương”
Thầy giải thích về bốn chữ “xuất gia gieo duyên”. “Xuất gia là lìa gia đình thế tục để sống đời sống của người tu. “Gieo duyên” vì còn vướng bận gia đình, chưa thực hiện hoàn toàn đời sống xuất gia. Đây là cơ hội để các Phật tử tìm về nơi thanh tịnh, làm quen với đời sống tu sĩ, trau giồi Phật pháp, nhờ “duyên” đã được “gieo” từ trước mà sau này nếu đủ thiện duyên sẽ trở thành tu sĩ. Sau buổi lễ, các sư cô giúp các Phật tử cách đắp y. Cùng Thầy và các sư cô, chúng tôi đi kinh hành quanh tháp với chiếc y mới và chụp hình kỷ niệm. Sau buổi tối tụng kinh thường lệ, chúng tôi được Thầy thông báo sáng mai sẽ có một buổi lễ cúng dường tịnh tài và vật thực cho hơn 250 vị tăng ni tại Bồ Đề Đạo Tràng.
Từ sáng sớm, các sư cô đã chuẩn bị bàn thờ Phật, hoa trang trí, trái cây cúng Phật, chiếu trải, nước uống, các phong bì, các túi quà tặng. Chúng tôi đến cùng lúc với các sư khoảng 250 vị đã được Thầy mời từ các chùa Miến, Thái, Lào, Ấn Độ, Đài Loan, Việt Nam gần Bồ Đề Đạo Tràng. Sau khi các vị tề tựu ngồi đông đủ trên chiếu, các Thầy, các sư cô và Phật tử Việt Nam lễ Phật, tụng kinh, Thầy ngỏ lời cảm ơn các sư. Các Sư đọc tụng những thời kinh chúc phúc bằng tiếng Pali. Các anh chị Phật tử trong đoàn trân trọng cầm những phong bì và những phần quà cúng dường đến trao tận tay các vị. Ý nghĩa của buổi lễ cúng dường cũng như bố thí là pháp tu của các Phật tử nhằm gieo trồng công đức hộ pháp và phước báu cho người cúng dường. Buổi lễ chấm dứt, lộc trái cây cúng Phật được phân phát cho mọi người, ai cũng hoan hỉ vì được góp phần tạo chút phước lành hộ trì Phật Pháp tại xứ Phật.
Buổi chiều, chúng tôi cùng nhau gọi xe lam đi thăm và cúng dường một vài ngôi chùa Thái, Tây Tạng, Việt Nam gần đó. Tại Bồ Đề Đạo Tràng có hai ngôi chùa Việt Nam lớn là chùa Viên Giác do Thầy Hạnh Tấn trụ trì và Việt Nam Phật Quốc Tự do Thầy Huyền Diệu trụ trì. Trong một không gian chu vi khoảng hơn năm cây số, hơn một chục ngôi chùa của các nước tụ hội rải rác về đây, mỗi chùa đều có một sắc thái riêng biệt mang đậm nét quê hương của họ trong lối kiến trúc, các tượng Phật, cách hành lễ, sinh hoạt và hình ảnh các tu sĩ. Trong cái nôi chung là tại xứ Phật, mỗi nước mang cái hồn thiêng riêng của đất nước mình thể hiện qua hình ảnh ngôi chùa, tạo thành một quần thể thiêng liêng tiêu biểu cho sức sống của đạo Phật trên thế giới. Đây cũng là một địa điểm du lịch cho những ai một lần đến Bồ Đề Đạo Tràng đều ghé qua.
Buổi sinh hoạt cuối cùng của đoàn chúng tôi là làm từ thiện tại một ngôi làng nghèo Ấn Độ cách xa Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 15 cây số. Được sự chuẩn bị từ trước, Ama và những người dân địa phương đã phát thẻ lãnh quà cho dân làng, chuẩn bị các vật dụng như mền, vải sari, gạo, bột, muối, dầu ăn, bánh ngọt và tiền lẻ để phân phát cho họ.
Chúng tôi đến nơi đã thấy những chiếc xe cam nhông chở các thùng quà đậu sẵn và dân địa phương đã sắp hàng từ lúc nào. Trong cái nắng và cái nóng gay gắt vào buổi trưa, với sự kiểm soát của các thanh niên trong làng, người nào có thẻ cầm trong tay mới được vào khu lãnh quà. Thầy đứng trên bục cao dặn dò và chỉ dẫn các Phật tử người đứng bên trong chuyển quà cho người đứng ngoài và thay phiên nhau mỗi người phát một món theo thứ tự. Giá trị của những món quà khoảng 15 đô-la.
Trước đây chúng tôi chỉ được xem các buổi lễ phát chẩn cho người nghèo Ấn Độ trên trang mạng của Thầy. Đây là lần đầu tiên chúng tôi trực tiếp cầm những món quà trao vào tay họ. Nhìn những nụ cười méo mó nở trên nét mặt nhăn nheo của những người già lụm khụm ôm những gói quà, những ánh mắt sáng trên khuôn mặt đẹp của các cô thôn nữ, những nụ cười thơ ngây, vô tư và vui mừng của các trẻ em Ấn Độ chạy theo bố mẹ, chúng tôi hoan hỉ từ giã ngôi làng nghèo và ước gì có khả năng nhiều hơn nữa để quà tặng thêm phần nặng ký và nụ cười của họ thêm tươi hơn.
Ngày cuối cùng tại Bồ Đề Đạo Tràng chúng tôi tự do đi mua sắm. Các cửa hàng bán quần áo, khăn quàng, túi xách dọc theo con đường đi vào lúc nào cũng đông khách hành hương. Trước giờ ra phi trường, Thầy có một buổi họp mặt để nghe những lời chia sẻ cảm nghĩ của các Phật tử trong tuần lễ tu tập tại đây. Mọi người đều bày tỏ sự an lạc khi :
“ Con đã về đây với Thế Tôn
Buồn vui xen lẫn ở trong hồn
Như từ lâu lắm chưa hề gặp
Biết nói làm sao với ý ngôn...?”(1)
***
Một tuần lễ thăm thắng cảnh chùa, tháp và các tu viện tại “ Bhutan, xứ sở của hạnh phúc” và tuần kế tiếp tu tập tại Bồ Đề Đạo Tràng, mặc dù chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng chúng tôi đều cảm nhận niềm hạnh phúc khi đến đất nước Bhutan nơi Phật giáo là quốc giáo và người Bhutan sống và hành trì theo giới luật của đạo Phật. Bhutan, đất nước của thiên nhiên xanh đẹp, môi trường trong sạch, nếp sống hiền hòa và yên bình, người dân an lạc và hạnh phúc. Có một năng lượng tích cực, thiêng liêng và lành thiện tỏa ra từ sự bảo hộ của chư Phật, Bồ Tát tại xứ sở này, mang cho người khách hành hương một tâm thái thanh thản và bình an.
Ấn Độ, nơi vị giáo chủ Thích Ca Mâu Ni sinh ra cách đây 2600 năm, nơi đạo Phật có một thời vàng son nhưng giờ đây chỉ còn là những thánh tích. Đến Bồ Đề Đạo Tràng để thấm nhuần luật vô thường của vạn pháp, về giáo lý Tứ Diệu Đế, về luật nhân quả và phát khởi lòng từ bi đến muôn loài chúng sinh bất hạnh. Đến Bồ Đề Đạo Tràng để về nhà tiếp tục tinh tấn trên con đường tu tập giải thoát và giác ngộ theo Phật.
Cảm ơn Thầy và các sư cô đã tạo điều kiện cho đoàn hành hương có cơ hội trở về “quê của tâm linh niềm an lạc” (2) để “tắm đời mình trong ánh dương” (3) của chư Phật.
Cali ngày 17 tháng 11 năm 2019
Phùng Annie Kim
Chú Thích (1) (2) (3) bài thơ “Dấu Chân Từ Phụ” của nhà thơ Như Nhiên.
No comments:
Post a Comment