Friday, November 29, 2019

NHỮNG GIÁO SƯ TIẾN SĨ VÔ MINH, HỌA LỚN CHO NỀN GIÁO DỤC


Đỗ Ngà

Nói về tiếng nói và chữ viết, thì tiếng nói bao giờ cũng có trước và chữ viết xuất hiện sau. Người ta không thể biết được, tiếng nói của 1 dân tộc xuất hiện từ năm nào, nhưng người ta biết, từ khi dân tộc đó còn là vượn người thì họ đã có tiếng nói để trao đổi thông tin. Và khi thành người vượn sống trong hang động thì họ đã có chữ viết trên các vách đá. Lúc đó, mỗi tộc người sẽ sáng tác chữ viết riêng cho mình – một loại chữ tượng hình thô sơ.

Qua thời gian, những tộc người đó thoát khỏi thời ăn lông ở lỗ thì họ cũng vứt bỏ đi thứ chữ viết sơ khai ban đầu và tiến hành khoác lên mình bằng hệ chữ viết khác bằng cách, hoặc sáng tác ra chữ viết mới, hoặc vay mượn. Cho nên, khi mà các nhà khảo cổ học họ tìm ra các chữ viết cổ của một dân tộc nào đó trong các hầm mộ hay trong hang động, thì chính dân tộc đó thời hiện tại vẫn không thể đọc được. Điều đó chứng tỏ trong lịch sử, dân tộc đó đã vay mượn hệ chữ viết khác thay vào nên chính họ cũng không thể đọc ra chữ viết của tổ tiên họ. Hiện nay chúng ta thấy, Anh-Pháp- Ý-Đức dùng chung bộ chữ viết nhưng rõ ràng khác tiếng nói, Thái-Lào-Cam dùng chung bộ chữ viết nhưng khác tiếng nói, đó là những bằng chứng cho thấy sự vay mượn chữ viết là rất phổ biến trên thế giới.

Phải khẳng định rằng, tiếng Việt là của người Việt. Khi người Việt vay mượn ký tự của người Trung Hoa ghi lại tiếng nói của mình người ta gọi nó là Chữ Nôm, còn khi người Việt cởi bỏ Chữ Nôm và dùng mẫu tự Latin viết lại tiếng nói của mình thì ta gọi đó là Chữ Quốc Ngữ, thế thôi. Ngày nay hệ chữ Viết Latin đã thay hoàn toàn hệ chữ viết vay mượn của Trung Hoa, thì điều đó cho thấy hệ chữ Latin đã có tính ưu việt của nó.

Thời giáo sĩ Alexandre De RhodesFrancisco de Pina dùng mẫu chữ viết Latin ghi lại tiếng nói người Việt cũng chỉ là mục đích truyền giáo. Loại chữ viết này mới đầu chỉ là dùng trong phạm vi cộng đồng người Công Giáo, mà người Công Giáo thời đó vô cùng ít. Có một thực tế, là có những thời người Công Giáo bị bức hại nhưng chữ Quốc Ngữ thì không hề bị hạn chế mà ngược lại, chữ viết này lại phát triển mạnh và đánh bật hoàn toàn chữ Nôm ra khỏi ngôn ngữ người Việt. Điều đó thêm một lần nữa minh chứng rằng, chữ viết theo mẫu tự Latin có tính vượt trội hơn hẳn chữ viết mà cha ông ta đã vay mượn của người Trung Hoa. Người Việt đã dám tự cưởi bỏ chiếc áo Trung Hoa và khoác áo Phương Tây thì điều này cho thấy, tại sao đã một ngàn năm Tàu không đồng hóa được người Việt là vậy.

Nếu một dân tộc không thay hệ chữ viết, thì các chữ viết trong các di tích khảo cổ có niên đại hàng ngàn năm tuổi đã không cần đến những chuyên gia khảo cổ mới có thể giải mã được. Điều đó chứng tỏ, hầu như dân tộc nào cũng có lần cởi bỏ hệ chữ viết cũ và khoác lên mình hệ chữ viết mới. Sự khoác lên mình bộ chữ viết mới có thể là từ sự sáng tác và cũng có thể vay mượn. Cho nên, chúng ta có thể nói, việc thay hệ chữ viết thì không hề liên quan gì đến sự xâm lược cả, đó chỉ là sự phát triển một cách tự nhiên của xã hội loài người. Người Việt Nam đã vứt bỏ hệ chữ viết được vay từ người Trung Hoa thì điều đó không có nghĩa là Trung Hoa sẽ không xâm lược Việt Nam. Và giả sử nếu người Việt không chấp nhận hệ chữ viết Latin của Alexandre De Rhodes và Francisco de Pina thì Pháp vẫn cứ xâm lược Việt Nam như thường. Đó là một thực tế.

Lịch sử dân tộc nào cũng đã từng đi xâm lược nước khác, và cũng đã từng bị nước khác xâm lược. Việc để đất nước bị xâm lược chủ yếu là bởi tầng lớp cai trị đất nước lúc đó bất tài nên đã để đất nước mình yếu thế so với quốc gia khác. Việc Pháp xâm lược Việt Nam là bởi nguyên nhân đó. Khi tầng lớp cai trị mà vừa bất tài vừa bảo thủ vừa vô minh thì sẽ dẫn đến kết quả đất nước suy yếu toàn diện thôi: yếu về kinh tế, yếu về chính trị, yếu quân sự, yếu về ngoại giao, dân khí thấp và dân trí yếu vv... Mà yếu như vậy thì đất nước bị đế quốc xâu xé là điều tất nhiên. Giữa thế kỷ 19, nếu Pháp không đánh thì Anh cũng đánh, mà Anh không đánh thì Hà Lan cũng đánh, mà Hà Lan không đánh thì Tây Ban Nha cũng đánh, mà Tây Ban Nha không đánh thì Bồ Đào Nha cũng nhảy vào đánh, thế thôi. Không một đế quốc nào bỏ qua cơ hội xâm lược một quốc gia quá yếu cả. Nói tóm lại, vì những kẻ lãnh đạo để quốc gia yếu toàn diện thì đất nước bị đế quốc hăm he nuốt chửng là một tất yếu, điều này không liên quan gì đến 2 nhà truyền giáo Alexandre De Rhodes và Francisco de Pina. Chỉ có kẻ ngu dốt mới đổ lỗi cho 2 vị linh mục truyền giáo này.

Ngày nay Việt Nam chúng ta đã sử dụng hệ chữ viết Latin làm quốc ngữ. Và cho dù chúng ta có đang dùng chữ viết theo mẫu tự Latin làm quốc ngữ thì Pháp cũng chỉ muốn làm bạn chứ không hề có ý định xâm lược nữa, vì hôm nay, Pháp đã là một quốc gia vừa văn minh vừa tử tế. Và cho dù hôm nay dân tộc ta không còn dùng hệ chữ viết được vay mượn từ người Trung Hoa nữa, nhưng không vì thế mà Trung Nam Hải tha cho chúng ta. Đất nước đang bị Trung Quốc xâm lược mà không tốn viên đạn, lỗi do ai? Do ĐCS chứ chẳng phải vì vay mượn thứ chữ viết nào cả.

Qua đây chúng ta thấy rằng, việc 12 ông giáo sư tiến sĩ XHCN đưa đơn lên chính quyền Đà Nẵng cố gán gép 2 nhà truyền giáo có công soạn chữ quốc ngữ thành mưu đồ xâm lược của Pháp, nếu không phải là những kẻ ngu dốt thì cũng là kẻ thiếu trung thực. 

Không gì nguy hiểm bằng những kẻ hoặc ngu dốt hoặc thiếu trung thực khoác lên người chiếc giáo sư tiến sĩ đáng kính để giáo dục thế hệ trẻ. Thay vì dạy cho lớp trẻ sự minh triết thì họ cho những bạn trẻ sự vô minh giống họ, thay vì khai sáng trí não thì họ chọc cho trí tuệ của các bạn trẻ phải mù lòa giống họ, thay vì dạy lớp trẻ biết tự tin thì họ lại truyền cho các bạn trẻ sự hèn yếu giống họ, thay vì dạy cho giới trẻ biết đặt câu hỏi thì họ làm cho những bạn trẻ chỉ biết phục tùng giống họ vv.. 

Có thể nói, đóng góp cho thảm trạng giáo dục Việt Nam hiện nay có “công” rất lớn của những ông bà giáo sư tiến sĩ XHCN kiểu như thế. Đấy là một thực tế đáng buồn!

-Đỗ Ngà-

No comments:

Blog Archive