Wednesday, November 27, 2019

Dù khó khăn, rượu vang Pháp vẫn duy trì mức xuất cảng


Tuấn Thảo
Mức xuất cảng rượu vang Pháp đạt 4,5 tỷ euro, tăng 6% trong sáu tháng đầu 2019. Tuấn Thảo / RFI

Mặc dù bối cảnh kinh tế không mấy thuận lợi, nhưng ngành rượu vang Pháp vẫn duy trì được mức xuất cảng trong 6 tháng đầu năm 2019. Xu hướng hiện nay cũng giống như ba năm vừa qua, lượng xuất cảng giảm sút, nhưng kim ngạch lại gia tăng.

Theo bản báo cáo của Liên đoàn Xuất Cảng Rượu vang và Rượu mạnh (Fédération d’Exportation de Vins et de Spiritueux, gọi tắt là FEVS) được mạng thông tin Business Insider France trích dẫn, mức xuất cảng của Pháp đạt 4,5 tỷ euro, tức là đã tăng 6% trong sáu tháng đầu năm, so với cùng thời kỳ năm 2018. Tuy nhiên, Pháp lại giảm xuất cảng rượu vang về mặt khối lượng : 412 triệu chai thay vì 419 triệu chai, tức đã giảm 1,4%.

Trong khoảng hai thập niên gần đây, châu Á đã trở thành một thị trường cực kỳ hấp dẫn đối với ngành rượu vang và rượu mạnh của Pháp. Tuy nhiên trong thời gian qua, mức xuất cảng sang thị trường châu Á đang bị khựng lại. Giá trị xuất cảng tuy có tăng nhưng không bằng những năm trước (+3% trong 6 tháng đầu năm 2019, tương đương với 1,6 tỷ euro).

Phong trào biểu tình ở Hồng Kông và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã tác động mạnh đến ngành xuất cảng rượu vang Pháp. Hầu hết các loại rượu nhất là Bordeaux và Cognac đều giảm mức xuất cảng sang Hồng Kông và Trung Quốc. Bù lại, mức xuất cảng lại gia tăng đối với thị trường Nhật Bản (+13%) và Hàn Quốc (+11%). Trong khi lượng xuất cảng sang Đài Loan và Singapore vẫn không dao động gì nhiều. Có thể nói là ngành rượu vang Pháp duy trì được mức xuất cảng sang châu Á phần lớn là cũng nhờ vào nhu cầu tiêu thụ của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Pháp duy trì được mức xuất cảng rượu vang sang châu Á phần lớn nhờ vào Nhật Bản và Hàn Quốc. Reuters/Regis Duvignau

Về phía thị trường châu Âu, tuy năm 2109 không phải là một năm được mùa về mặt thu hoạch và sản xuất, nhưng xét về mặt nhu cầu tiêu thụ, năm nay lại là một năm thuận lợi nếu không nói là bội thu đối với ngành xuất cảng rượu vang của Pháp. Từ trước tới nay, các nước châu Âu tiêu thụ rượu vang Pháp nhiều nhất, theo thứ tự quan trọng, vẫn là Vương quốc Anh, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Hoà Lan, Đan Mạch.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Pháp đã tăng thêm 7% mức xuất cảng sang thị trường các nước châu Âu vừa kể, kim ngạch xuất cảng tương đương với 2,2 tỷ euro. Điều đáng ghi nhận nhất ở đây là cuộc khủng hoảng tại Anh trong bối cảnh Brexit thay vì tác hại đến rượu vang Pháp lại làm gia tăng một cách bất ngờ mức xuất cảng, vượt ra ngoài dự đoán của giới sản xuất.

Trong nửa đầu năm 2019, mức xuất cảng sang Vương quốc Anh đã tăng mạnh lên tới mức chưa từng thấy là 12%, như thể các nhà kinh doanh mua sẵn để dự trữ, phòng hờ cho việc rượu vang Pháp đột ngột lên giá, trong trường hợp Brexit diễn ra.
Viễn cảnh Brexit lại làm tăng mạnh (12%) mức xuất cảng rượu vang Pháp sang Anh. Tuấn Thảo / RFI

Cuối cùng, Bắc Mỹ luôn là một thị trường quan trọng hàng đầu đối với ngành rượu vang Pháp. Từ trước tới nay, Hoa Kỳ vẫn có truyền thống tiêu thụ nhiều rượu vang cũng như rượu mạnh của Pháp. Vì nhu cầu ấy, Mỹ luôn là một thị trường ổn định so với các thị trường mới (như Trung Quốc). Trong 6 tháng đầu năm 2019, Pháp đã tăng 16,5% mức xuất cảng sang Hoa Kỳ, tăng về mặt khối lượng (+5,2%) cũng như về mặt giá trị (tương đương với 1,8 tỷ euro).

Theo Liên đoàn Xuất Cảng Rượu vang và Rượu mạnh FEVS, thị trường Bắc Mỹ lại càng trở nên hấp dẫn, vì sau khi Hiệp định Kinh tế và Thương mại Toàn diện CETA giữa Liên hiệp châu Âu và Canada bắt đầu có hiệu lực từ cuối năm 2017, Canada trở thành một trong 10 quốc gia nhập cảng nhiều nhất rượu vang của Pháp.

Canada hiện nay đứng hạng 9, hơn cả Hoà Lan và Đan Mạch, nhưng theo dự phóng có thể tăng thêm hạng trong những năm tới, do nhu cầu nhập cảng tăng thêm và có nhiều khả năng vượt qua mặt một số quốc gia châu Âu như Đức, Bỉ, hay là Thụy Sĩ.

No comments:

Blog Archive