Sunday, November 24, 2019

Những cây đại thụ khác thường

Hà Dương Cự
November 21, 2019
Cây cao nhất thế giới Hyperion. (Hình: technobyte.org)

Nếu bạn có dịp đi dạo trong công viên quốc gia Redwood hay Sequoia thì sẽ thấy con người thật là nhỏ bé so với những cây đại thụ trong vườn. Có những cây đại thụ cao cả trăm mét, to lớn mười người ôm không hết và có mặt trên trái đất từ thời Đế Quốc La Mã.
Trong bài này tôi xin nói về những cây đại thụ đặc biệt.
Cây cao nhất 
Hồi xưa khi chưa có những dụng cụ đo đạc chính xác thì chiều cao của cây thường không được đúng lắm, nhiều khi sai tới 15% chiều cao thật sự. Bây giờ người ta dùng một dụng cụ là tia la de thì chính xác hơn nhiều. Một phương pháp cổ điển nhưng cũng chính xác không kém, đó là trèo lên cây và thả một thước dây xuống đất để đo.
Giống cây có nhiều cây cao là cây tùng gỗ đỏ duyên hải (coast redwood) mọc ở vùng rừng rộng lớn ven biển phía Bắc California. Cho đến giữa thế kỷ thứ 19 vùng có cây tùng gỗ đỏ rộng tới 2 triệu mẫu Anh. Khi phong trào đi tìm vàng ở miền Đông Hoa Kỳ phát triển mạnh, các cây này bị đốn rất nhiều để xây nhà. Bây giờ chỉ còn khoảng 5% diện tích lúc trước. Cây tùng gỗ đỏ không những cao mà còn rất to.
Cây cao nhất hiện tại là thuộc loại cây tùng gỗ đỏ. Cây được hai nhà tự nhiên học, Chris Atkins và Michael Taylor, phát hiện vào năm 2006 ở trong công viên quốc gia Redwood, California. Khi hai ông loan báo tin này thì nhà sinh thái học (ecologist) Steve Sillett ở đại học Humboldt State University quyết định đem một nhóm khoa học gia đến tận nơi để kiểm chứng lại.
So sánh cây Hyperion và Tượng Nữ Thần Tự Do. (Hình: humboldt.edu)

Một người trong nhóm đã leo lên tới gần đỉnh và thả một thước dây xuống đất để đo chiều cao của cây. Họ đã định được chiều cao của cây là 115.92 mét (380.3 foot). Cây này còn cao hơn cả Tượng Nữ Thần Tự Do và được đặt tên là Hyperion, tên một vị thần trong thần thoại Hy Lạp. Theo ông Sillett thì Hyperion còn trẻ, chỉ khoảng 600 năm tuổi. So sánh với con người thì cây này khoảng 20 tuổi, tức là cây sẽ còn sống lâu và còn cao nữa.
Hồi trước vị trí của cây được giấu kín vì không muốn bị phá hoại, nhưng mới đây vị trí này đã bị lộ và loan truyền khắp thiên hạ. Bạn muốn đến thăm cây Hyperion thì chỉ cần vào Google là biết nó ở đâu.
Hồi xưa tôi tưởng cây tùng gỗ đỏ cao như vậy thì rễ chắc phải rất sâu mới có thể đứng vững được, nhưng điều đó không đúng. Rễ cây của loại tùng gỗ đỏ chỉ đi sâu xuống đất chừng 2 tới 4 mét, nhưng nó tản rộng ra khoảng 30 mét và quấn vào rễ của những cây gần đó làm thành một nền vững chắc giúp cho những cây này khó bị đổ.
Cây lớn nhất 
Độ lớn của cây được định nghĩa là thể tích của thân cây chính, không kể những cành mọc ra ngoài. Những cây lớn nhất trên thế giới đều thuộc giống cây củ tùng khổng lồ (giant sequoia). Cây lớn nhất thế giới là cây được đặt tên là General Sherman ở công viên quốc gia Sequoia, California. Cây này có thể tích 1,487 mét khối (52,500 foot khối). Cây General Sherman vẫn còn sống và khoảng 2,000 năm tuổi, như vậy đối với giống cây củ tùng khổng lồ thì chưa phải là già. Bạn có thể đến thăm cây General Sherman ở công viên quốc gia Sequoia.
Cây có đường kính lớn nhất 
Cây El Árbol del Tule có đường kính to nhất thế giới. (Hình: commons.wikipedia.org)

Để cho thống nhất, chu vi hay đường kính của một cây được đo ở khoảng cao tới ngực, tức là khoảng 1.3 mét kể từ mặt đất. Nhưng cây thường không có thân cây tròn đều đặn nên khó có một số đo chính xác. Cây có đường kính lớn nhất thế giới là cây El Árbol del Tule ở Santa Maria Del Tule, Mễ Tây Cơ. Cây El Árbol del Tule là một loại cây bách (cypress) có đường kính 11.42 mét (37.5 foot), già khoảng 1,500 năm nhưng không cao, chỉ khoảng 35.4 mét.
Hồi xưa vì cây quá lớn, người ta tưởng là do nhiều cây hợp lại, nhưng khi thử DNA thì thấy là đúng chỉ có một cây.
Cây già nhất 
Một cây thông thuộc loại bristlecone. (Hình: commons.wikimedia.org)

Tiêu chuẩn để định cây già nhất thì tương đối đơn giản hơn, chỉ cần biết cây mọc từ năm nào. Người ta có thể định tuổi của cây bằng đếm các vòng gỗ. Các cây gỗ ở vùng ôn đới có mực độ tăng trưởng mùa Hè khác mùa Đông nên mỗi năm thân cây có hai vòng: một vòng lớn hơn có màu nhạt và một màu hẹp hơn có màu đậm. Đếm những vòng đó người ta biết được niên đại của cây. Không nhất thiết phải cưa cây xuống mới đếm được vòng gỗ. Các nhà khoa học dùng một cái khoan rỗng đục vào thân cây cho đến giữa thân cây, lúc rút ra là có một mẫu vòng gỗ để khảo cứu.
Nhưng có nhiều cây trong lòng đã bị mục thì không dùng cách đó được. Cũng như những cây ở nhiệt đới vì không có mùa rõ rệt nên không có vòng gỗ. Trong trường hợp này người ta phải dùng một phương pháp định tuổi khác, thí dụ như các bon 14.
Trước năm 2013 thì người ta cho rằng một cây thông thuộc loại bristlecone ở vùng núi White Mountain, California, là già nhất. Cây đó có số tuổi là 4,848 năm và được đặt tên là Methuselah. Trong Kinh Thánh Methuselah sống lâu nhất, sống tới 969 tuổi. Nhưng sau đó thì nhóm Tree-Ring Research Group (nhóm khảo cứu vòng gỗ) loan báo là đã phát hiện một cây còn cổ hơn cây Methuselah. Cây này cũng thuộc loại thông bristlecone và cũng ở White Mountain. Tuổi của cây này là 5,065. Vì sợ bị phá hoại nên cơ quan quản lý rừng Hoa Kỳ giữ kín địa điểm của hai cây trên.
Nếu kể cả loại cây vô tính (clonal tree) thì hai cây trên không phải là già nhất. Cây vô tính là loại cây mà hệ thống rễ nảy sinh ra những cây con. Nếu nhìn ở trên mặt đất thì một số cây có vẻ như đứng độc lập nhưng chúng có cùng một hệ thống rễ. Năm 2008 người ta phát hiện ở núi Fulufjället, Thụy Điển, một cây vân sam (spruce) trong một hệ thống rễ vô tính già tới 9,550 năm. Rễ thì già nhưng cây thì trẻ hơn. Cây này được đặt tên là Old Tjikko.
Theo cơ quan quản lý rừng Hoa Kỳ thì có một hệ thống rễ vô tính ở rừng quốc gia Fishlake, Utah, già tới 80,000 năm. Hệ thống rễ này được đặt tên là Pando. Có khoảng 40,000 cây dương lá rung (aspen) mọc ra từ đó. 
Xe chui qua cây
Xe chui qua cây. (Hình: Hà Dương Cự/Người Việt)

Ở Hoa Kỳ có mấy cây to đến nỗi người ta có thể đục một đường cho xe đi qua. Hiện nay ở California có ba cây có thể đi xe qua được. Ba cây này đều thuộc giống cây tùng gỗ đỏ duyên hải. Tôi đã có dịp lái xe qua cây Chandelier, một trong ba cây đó.
Theo bảng gắn trên cây thì cây Chandelier già tối đa là 2,400 năm, cao 315 foot và có đường kính 21 foot. Điều rất ngạc nhiên là dù bị đục một lỗ hổng lớn như vậy mà cây vẫn còn sống. Nếu bạn muốn có một kinh nghiệm đặc biệt được lái xe chui qua cây thì nên làm càng sớm càng tốt vì một cây giống như vậy đã bị bão làm đổ vào năm 2017. (Hà Dương Cự) 

No comments:

Blog Archive