Wednesday, November 27, 2019

KIÊU NGẠO VÀ NÓI NHIỀU: NGUỒN GỐC CỦA THẤT BẠI VÀ TAI VẠ

Tăng Quốc Phiên (1811 – 1872), tự Bá Hàm, hiệu Điều Sinh, là vị quan có tiếng vào giai đoạn cuối thời Đại Thanh trong lịch sử Trung Hoa.

Sinh thời, vị đại thần họ Tăng này chẳng những gây dựng được tiếng tăm trên chính trường mà còn được hậu thế nhớ tới với nhiều triết lý nhân sinh đáng để suy ngẫm.

Vào năm Hàm Phong thứ tám, trong một bức thư gửi cho người em trai Tăng Quốc Thuyên, Tăng Quốc Phiên đã chỉ ra hai khuyết điểm chí mạng dẫn tới thất bại của nhiều người. Đó chính là cao ngạo và nhiều lời.

Ông cũng tự nhận rằng bản thân khi còn trẻ đã từng phạm phải cả hai sai lầm ấy. Thế nhưng chính việc nghiêm túc nhìn nhận và sửa đổi lỗi lầm đã giúp Tăng Quốc Phiên đúc rút ra nhiều kinh nghiệm để đời, từ đó gây dựng nên cho mình một nhân cách đáng để ngưỡng mộ.

KIÊU NGẠO: CON ĐƯỜNG NGẮN NHẤT DẪN TỚI THẤT BẠI

Theo quan điểm của Tăng Quốc Phiên, con người một khi có lòng kiêu ngạo thì sẽ vô tình buông lỏng cảnh giác trên nhiều phương diện, hết thảy những tai vạ, rắc rối cũng từ đó mà ra.

Kiêu ngạo vốn là con đường ngắn nhất dẫn tới thất bại. Cũng bởi vậy mà cổ nhân Trung Hoa xưa mới có câu: "Kẻ tự cho mình là giỏi thì tai không nghe được lời khôn lẽ phải nữa".

Phàm là người mang trong mình sự kiêu căng ắt sẽ không dễ tha thứ cho lỗi lầm của người khác, càng không có cách nào xử lý ổn thỏa mối quan hệ đối nhân xử thế.

Trong tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa", nhân vật hổ tướng Quan Vũ cũng bị cho là bại bởi kiêu ngạo.

Năm xưa sau khi làm thành công nhờ kế sách "nước ngập bảy quân" ở Phàn Thành, bản thân Quan Vân Trường cũng không khỏi có chút đắc ý, vì thừa thắng mà sa đà vào cuộc chiến với Tào Ngụy.

Bàn về thói kiêu ngạo trong tính cách của nhiều người, đại văn hào Shakespeare cũng đã từng đúc rút ra chân lý:

"Một người kiêu ngạo thường có kết quả là tự hủy diệt bản thân trong sự kiêu ngạo của chính mình".

Cho nên trong quan niệm của Tăng Quốc Phiên, lòng kiêu ngạo chính là một "đại hung đức". Vì vậy mà ông vẫn thường cho rằng: "Xưa nay, người tầm thường mà bại hoại, đều là vì tính "lười"; người tài giỏi mà bại hoại, đều là vì tính kiêu".

NÓI NHIỀU: MẦM MÓN TAI VẠ KHÔN LƯỜNG

Trong hồi ký của mình, ông đã từng tự đúc rút ra ba sai lầm lớn khi dùng lời lẽ mà bản thân và người đời thường mắc phải:

- Thứ nhất là thường tự cho mình là đúng.
- Thứ hai là lời nói thiếu chừng mực, nghĩ gì liền nói đó.
- Thứ ba là dùng lời lẽ sai trái khiến người khác mất lòng, còn cố tình tranh cãi cùng người đó, nói ra những điều không hợp tình hợp lý.

Sau khi đúc rút ra 3 sai lầm nói trên, Tăng Quốc Phiên đã nghiêm khắc kiểm điểm bản thân bằng câu nói:

"Ngay tới việc ăn nói còn không sửa đổi cho tốt hơn thì nói gì tới việc gánh vác đại sự?".

Cũng kể từ đó, Tăng Quốc Phiên luôn đề cao quan niệm "giới đa ngôn", nghiêm khắc áp chế thói nhiều lời, sau mỗi ngày vẫn luôn tự suy xét lại bản thân xem có nói ra lời nào thất lễ hay không.

Chẳng những coi đây là một quy tắc hành xử bất biến của cá nhân mình, Tăng Quốc Phiên còn đem quan điểm này nâng lên thành gia huấn cho gia tộc họ Tăng.

Quy tắc hành xử của vị quan họ Tăng và gia tộc của ông cũng đã chỉ rõ một sự thật trong việc đối nhân xử thế: Nếu muốn dùng ngôn ngữ để áp chế người khác thì cho dù bản thân có nhận lấy phần thắng cũng sẽ chẳng khiến đối phương đem lòng nể phục.

Trên phương diện hành xử, giao tiếp, người hiểu lễ nghĩa nên lấy việc khiêm tốn làm đầu để giải quyết vấn đề sao cho thỏa đáng. Bởi hành vi cãi vã chỉ đem tới thị phi và tạo nên những quyết định liều lĩnh theo cảm tính.

̣(SƯU TẦM)



No comments:

Blog Archive