Bánh burger "chay" ra mắt thực khách châu Âu
Tuấn Thảo
Bảng quảng cáo ''Impossible Whopper'' tại New York, Mỹ, tháng 09/2019 REUTERS/Shannon Stapleton
Thường thì giới mê burger chỉ thích ăn loại bánh mì kẹp thịt bò nướng (thịt băm hay xay nhuyễn) nhưng kể từ hôm 13/11/2019, loại burger chay đã được bán tại 2.500 cửa hàng châu Âu. Đây là món ăn mới trên thực đơn của chuỗi nhà hàng Burger King, cạnh tranh trực tiếp với hai hiệu khác là McDonald’s và Buffalo Grill.
Với loại burger chay, tập đoàn chuyên bán thức ăn nhanh Burger King muốn nhắm vào đối tượng khách hàng vì một lý do nào đó không thích ăn thịt (bảo vệ động vật, môi trường hay đơn thuần ăn chay). Còn các thực khách khác vẫn có thể gọi món Whopper, loại burger đắt khách, tương đương với món bánh mì kẹp thịt hai tầng Big Mac của các cửa hàng McDonald’s.
Sau một thời gian thử nghiệm tại Hoa Kỳ và Thụy Điển, món burger chay (tên gọi chính xác là Impossible Whopper) cuối cùng đã được tung ra cùng lúc tại 25 quốc gia trên khắp châu Âu. Tại Anh cũng như tại Pháp, loại burger không thịt này sẽ được cho ra mắt muộn hơn một chút, theo dự kiến là vào đầu năm tới.
Burger chay gồm những thành phần gì ?
Thế nhưng, loại burger này lấy gì để thay thế cho thịt bò (các món burger khác gồm có gà rán và cá chiên) ? Bánh burger chay chủ yếu bao gồm protein đậu nành trộn với khoai tây, một chút dầu dừa trộn với dầu hạt hướng dương, cộng thêm hợp chất hóa học ‘‘hem’’, giàu chất sắt để tạo thêm màu đỏ giống như thịt bò. Còn về khẩu vị, thì hẳn chắc giới chuyên gia nông thực phẩm cần phải chế biến thêm nhiều thứ khác để giúp cho protein đậu nành có được gu thịt bò.
Không phải ngẫu nhiên mà Burger King ráo riết chuẩn bị tung sản phẩm mới của mình ra thị trường châu Âu trong giai đoạn này, ít ra là trước những ngày lễ cuối năm. Trong cuộc chạy đua để giành lấy thị phần, tập đoàn này tranh đua cùng với các đối thủ khác là Yum Brand và Kentucky Fried Chicken (KFC), đã muốn đi trước McDonald’s một bước. Sau khi hợp tác với Nestlé để thử nghiệm vào tháng 04/2019 món Big Vegan (bánh burger không thịt) ở Đức, McDonald’s đã bán thử kể từ cuối tháng 09/2019, một loại bánh cheeseburger không thịt ở Canada, tuy nhiên cả hai món này vẫn chưa được bán ở quy mô lớn.
Điều đó đã khiến cho các thương hiệu khác lao ngay vào việc khai thác loại burger chay, gọi nôm na là ‘‘vegan burger’’, cho dù trong phong trào vegan có rất nhiều xu hướng và mức độ khác nhau, có người không những kiêng ăn thịt mà còn cử luôn cả các thức ăn có nguồn gốc động vật như sữa, trứng, phô mai hay các thức ăn trong quá trình sản xuất hay chế biến có khai thác động vật.
Cuộc chạy đua tìm giải pháp thay thế cho thịt
Thị trường vegan đang phát triển rất nhanh. Ngành công nghiệp nông thực phẩm ngày càng đầu tư nhiều vào thị trường protein thực vật, từ các loại đậu, ngũ cốc hay rong biển có khả năng thay thế các loại thịt. Theo dự báo của công ty JP Morgan, thị trường protein thực vật có thể đạt tới 90 tỷ euro trong 10 năm nữa, phần lớn cũng vì vấn đề chăn nuôi là một trong những nguyên nhân dẫn tới biến đổi khí hậu. Các nhà tỷ phú như Richard Branson đã đầu tư vào công ty ‘‘Impossible Food’’ để đi tìm những giải pháp thay thế, nhà tỷ phú Bill Gates thì tài trợ cho dự án nghiên cứu ‘‘Beyond Meat’’ cũng với mục đích tương tự.
Phía Burger King thì mua protein thực vật từ công ty Hoà Lan ‘‘The Vegetarian Butcher’’ thuộc tập đoàn Unilever, trong khi Nestlé đã cho bày bán tại các siêu thị Hoa Kỳ và châu Âu kể từ cuối tháng 09/2019 loại ‘‘thịt nướng’’ theo kiểu steak gồm toàn là protein đậu nành và bột mì. Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Deloitte, thị trường châu Âu về protein thực vật (tương đương với 40% thị trường thế giới) sẽ đạt tới mức 2,4 tỷ euro trong 5 năm nữa, so với 1,5 tỷ vào năm 2018.
Các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh,cũng như ngành công nghiệp nông thực phẩm đang cạnh tranh nhau để giành lấy ưu thế trên lãnh vực các loại protein thay thế cho thịt và qua đó thu hút nhiều người tiêu dùng thích ăn chay.
Thế nhưng, theo mạng thông tin ConsoGlobe, một burger chay chưa chắc gì đã ‘‘bổ’’ hơn so với loại burger thông thường. Loại burger chay cho dù không có nhiều chất mở và muối nhưng lại phải cho thêm nhiều chất điều vị, hạt nêm để tăng thêm mùi hấp dẫn, có thể sẽ hợp với khẩu vị của đa số thực khách, nhưng có bổ cho sức khoẻ hay chăng thì lại là một chuyện khác.
No comments:
Post a Comment