Sunday, October 13, 2019

Chuyện một thuyền nhân

Sau nhiều năm "luyện chưởng " ở miền Bắc, tôi được phép " hạ san ". Cầm tờ "lệnh tạm tha " tôi trở về thành phố đã thay tên, từ cảnh vật đến tình người đều thay đổi, tôi ngơ ngác như Mán ra thành.

Tuy đã ra khỏi " lò hấp ", nhưng người ta vẫn " quan tâm? " về tôi, ngày ngày cho chú công an khu vực đến "vấn an sức khỏe " và mỗi tuần tôi phải lên trụ sở công an phường để họ ngắm dung nhan cùng đóng một con dấu đỏ vào tờ giấy ra trại.

Dù tỏ ra "ưu ái " nhưng khi tôi xin phép về quê, để viếng mộ Cha- Mẹ, tôi phải đợi dài cả cổ. Hỏi thì được trả lời "đang kíu xét ". Tâm sự với thằng bạn thì nó hỏi "mầy có gì cho nó chưa?". Tôi đáp tao vừa mới ra tù, không một đồng xu dính túi, lấy gì mà hối lộ. Nó cười "dễ lắm chỉ cần vài điếu thuốc có cán thôi ". Tuy không tin lắm, nhưng tôi cũng thử cầu may. Tôi xin người thân tiền mua ba điếu thuốc có đầu lọc, mượn cái hộp quẹt của ông anh vợ, rồi đến gặp tên cán bộ phụ trách, mồi điếu thuốc mời anh ta hút và tặng luôn hai điếu bỏ túi, thế là tôi có ngay tờ giấy phép đi đường. 

Hết xẩy! Từ đó về sau, mỗi khi cần gì tôi chỉ bổn cũ soạn lại hoặc đôi khi cho chắc ăn hơn, tôi mua vài tờ vé số cặp hai hoặc ba ( một đồng/tờ ) trao cho tên cán bộ, rằng thì là cán bộ lương chẳng nhiều, giữ vài tấm vé số nầy biết đâu gặp may trúng độc đắc sẽ đổi đời; nghe bùi tai nên lúc nào họ cũng thỏa mãn ngay cho tôi khỏi cần "kíu xét ".

Về thăm lại nơi chôn nhao cắt rốn cách Sài Gòn hơn trăm cây số, quê tôi trước 1975 thật trù phú, nhưng nay cũng cùng số phận hẩm hiu của cả miền nam, trở nên tiêu điều, người dân vất vả hơn, câm nín hơn và nhất là vắng tiếng cười hồn nhiên của trẻ thơ… .
Tôi vốn luôn nghĩ rằng Sinh - Lão - Bệnh - Tử là luật của vũ trụ, chẳng ai tránh khỏi, nên ngay trước sự ra đi của người thân tôi cũng xem đó là điều tự nhiên, chẳng có gì phải bi lụy; nhưng lần nầy, đứng trước mồ của mẹ, nước mắt tôi tự dưng tuôn thành giòng. Một mảng ký ức trở về trong tâm khảm tôi: 

" Vào những ngày cuối của tháng 3/1975, di tản từ V1DH về trú ở V3 DH, tôi gặp lại ông Xếp cũ năm 1972 cùng phục vụ ở CCHQ/MT mà hiện là HT của một chiến hạm. Tôi hỏi ông đi đâu? – Ông bảo muốn kiếm vài bản đồ vùng Đông Nam Á. Tôi vào phòng thằng bạn lấy cho ông vài bản. Ông vỗ vai tôi thân mật bảo:- Anh về nói với bà Cụ (Mẹ tôi ) chuẩn bị sẵn, khi ông đến đón gia đình bên vợ sẽ đón luôn gia đình tôi. 

Số là, ông rất mến tôi vì khi tôi phụ tá ông, mọi việc của căn cứ tôi đều cán đáng. Ngoài ra, Ông lập gia đình với một người phụ nữ gần nhà tôi, tức ngoài tình chiến hữu còn có thêm tình chòm xóm. Tôi cám ơn Ông, nhưng cho biết là sẽ không đi. 

Rồi ngày 29/04/1975, Ông Xếp của tôi là ĐôĐốcTL/HQ/V1DH và ĐĐ. TL/HQ/V3DH trước khi lên xe ra Vũng Tàu để xuống chiến hạm cũng đã khuyên tôi nên cùng đi với hai Ông " Anh ở lại với tụi nó không được đâu ". Tôi cám ơn hai Ông nhưng khước từ ra đi và trở về Sài Gòn để sau đó đi tù ". 

Tuy nhiên, cho đến nay, tôi không ân hận chút nào về quyết định nầy. Vì tôi không thể bỏ Mẹ tôi để ra đi. Mẹ tôi, người đã cho tôi cả một tình thương bao la, ngay từ khi ba tôi bỏ gia đình đi sống với một bóng sắc khác lúc tôi vừa tròn tuổi thôi nôi. Dù nhà thật nghèo, phải vô cùng vất vả, nhưng Mẹ tôi lúc nào cũng vì Nội và hai chị em tôi. Mẹ tôi thủ tiết cho đến khi nhắm mắt lìa đời năm 1976, đúng vào lúc kẻ cướp đày tôi lên vùng thượng du Bắc Việt.

Tôi đã đi biết bao sông dài, biển rộng, nhưng không có đại dương nào bao la bằng tình thương của Mẹ tôi. Tôi cũng đã có dịp đi công tác ở nước ngoài, thấy được sự văn minh, giàu có của họ, nhưng không có vật chất nào đủ hấp dẫn để tôi phải xa Mẹ tôi. Tiếc thay việc ở lại của tôi chỉ là điều vô nghĩa vì ước nguyện được cận kề Mẹ tôi đã không thành. Mẹ tôi, một người phụ nữ hiền lành, chất phác, không biết chữ để đọc được sách thánh hiền, nhưng bản chất đôn hậu, luôn yêu thương, giúp đỡ mọi người, nên rất được hàng xóm mến, và cả gia tộc nhà chồng thương, tuy nhiên thật tội nghiệp, chỉ có thằng con trai là tôi nhưng từ khi tôi học trung học, đại học và làm lính với cuộc sống phiêu bồng thì chẳng mấy khi được gần con, thậm chí trước khi nhắm mắt lìa đời cũng không được thấy con lần cuối.

Trở lên Sài Gòn, lần nầy tôi quyết định phải ra đi.

Nghe nói có thằng bạn cùng khóa HQ, thường tổ chức vượt biên. Tôi tìm đến, đề nghị lái ghe cho nó. Nó đồng ý nhưng chỉ cho thêm một chỗ. Tôi trình bày là tôi có một vợ và một con, chẳng lẽ phải để lại người nào?. Nó dứt khoát một chỗ, nếu nhận thì đánh, không thì thôi. Tôi từ chối, lủi thủi ra về, lòng ít nhiều xót xa, nhớ lại kỷ niệm hai năm chung quân trường và vào năm 72-73 khi tôi phục vụ ở CC/HQ/MT, lúc đó nó bị nạn dường như vụ còi hụ Long An, ghé tôi và tôi vẫn đối xử trong tình bạn.

Rồi cơn buồn chỉ thoáng qua, vì vào thời điểm 1983 phong trào vượt biên còn khá rần rộ, tôi lại là lính biển thứ thiệt, chắc sẽ không đến nỗi nào và đúng như tôi nghĩ, không biết họ lấy tin từ đâu mà nhanh thật. Nhiều tổ chức đã đến đề nghị tôi cộng tác với họ, kể cả một tên Đại Úy bộ đội. Trước kia, tôi không rõ về VC lắm, nhưng giờ thì cho cả kho vàng Fort Knox tôi cũng không tin nổi họ, do đó tôi cho biết là 

" 29/04/1975 đang ở Vũng Tàu, dù có phương tiện nhưng tôi đã không đi, vì không đâu đẹp bằng quê hương mình, vả lại sau nhiều năm cải tạo, tôi đã hiểu được lao động là vinh quang, nên từ nay sẽ hăng say lao động để góp phần làm cho đất nước ta giàu mạnh ". 

Tên bộ đội, không biết là muốn bẫy tôi hay thực sự đã chán ghét chế độ, hắn tròn mắt nhìn tôi và nghĩ có lẽ tôi mới vừa ở Chợ Quán hay Biên Hòa ra, nên vội vã kiếu từ.

Những tổ chức vượt biên, nếu để hốt vàng thì thường chỉ cho người Hoa Tiêu thêm hai chỗ, còn nếu không vì thương mại thì họ chấp nhận cho cả gia đình người lái cùng đi.

Lần đầu, tôi đến với một gia đình ở Sa Đéc, nhưng thấy không thuận lợi, nên không tiến hành.

Lần thứ hai, gia đình của cựu Đại Tá Tỉnh Trưởng Gò Công đề nghị tôi hợp tác và đưa tôi về Bến Tre để cùng nhà Văn Kim Nhật tìm phương cách ra đi. Ông nầy nguyên là Bác Sĩ y khoa, mê chủ thuyết cộng sản nên theo VC và giữ chức giảng nghiệm viên y khoa ở cục R, nhưng khi rõ bộ mặt thật đê hèn và man rợ của chúng, Ông bỏ về thành viết cuốn Đường về R và bị VC tuyên án tử hình khiếm diện nên phải trốn về Bến Tre để sống. 

Nguyên là BS, nhưng Ông ăn trầu bỏm bẻm, đi chân đất,… Sống như một bần cố nông thứ thiệt, Ông kịch giỏi đến nỗi sống chung với hàng xóm toàn là VC nơi quê hương đồng khởi của chị Ba Định mà không ai biết được hành tung. Từ nhà Ông ra biển, với một chiếc ghe nhỏ gắn buồm con, hai cây dầm, một hai tấm lưới bén, một cái thạp nhỏ và ít muối hột, Ông cùng cậu con khoảng bảy tám tuổi và tôi dãi nắng, dầm mưa trong hai ngày lần dò ra cửa biển. Trên đường đi, gặp bất cứ trạm kiểm soát nào Ông cũng tự động ghé vào, trình thẻ đảng và hỏi các đồng chí nhờ chỉ giùm nơi nào có thể lưới kiếm chút cá về làm mắm trong khi chờ mạ lớn để cấy. 

Tôi vốn là dân thành phố da dẻ trắng trẻo lại vừa ở tù ra không có giấy tờ, nên những khi đó tim tôi đập liên hồi. Ông giải thích " chú không biết, VC chúa đa nghi, mình phải cao tay ấn nếu không chúng nghi sẽ hạch hỏi, còn tránh né hoặc không tuân thủ chúng sẽ dùng AK hoặc thượng liên để giải quyết ". Tuy đôi khi cũng có vài tên VC xuống kiểm soát ghe, nhưng thấy không có vẻ gì khả nghi, nên chúng cũng cho đi. 

Thời gian ở bên nhà văn Kim Nhật không lâu, nhưng Ông kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện của VC, thú vị nhất là việc anh Ba mặt nám tức Lê Duẩn khi làm bí thư xứ ủy Nam Bộ đã đê tiện hiếp chị X.. Chủ Tịch Hội Phụ Nữ Cần Thơ. Chị là con của một Ông Hội Đồng giàu có, là hoa khôi của Tây Đô và có vị hôn phu là Tiểu Đoàn Trưởng của Tiểu Đoàn nổi danh 307. Lê Duẩn đã điều vị Tiểu Đoàn Trưởng nầy đi xa để ly gián hai người, rồi ra lệnh cho chị Chủ Tịch Liên Hiệp Phụ Nữ Nam Bộ cùng chị X vào cục nhận công tác. Khi bị Lê Duẩn hiếp, chị X đã kêu la cầu cứu, nhưng chẳng ai dám can thiệp, kể cả nhà văn Kim Nhật. Bất mãn, buồn chán… Ông bỏ trốn về thành… . 

Hai hôm sau, tôi trở lên Sài Gòn, trình bày mọi việc cho tổ chức. Nhận thấy là thái độ của nhà Văn Kim Nhật chưa dứt khoát, vì Ba ông không muốn xa con, cháu; riêng Ông có vẻ mong một người đồng chí cũ hiện giữ chức vụ lớn trong Quốc Doanh đánh cá đang tìm cách cướp một chiếc ghe tốt, có trang bị vũ khí, để vượt biển được an toàn hơn chiếc ghe sông nhỏ với thành ghe rất thấp không thích hợp để đi biển của gia đình ông cựu Đại Tá Tỉnh Trưởng Gò Công.

Rồi tôi nhận lái ghe cho một tổ chức người Hoa. Họ cho tôi hai chỗ và thêm một người bạn của cậu em vợ được tháp tùng với giá đặc biệt một lượng vàng. Tôi bàn tính mọi việc với Bà chủ ghe, Bà nghe tôi nhưng cho rằng " Tôi là người quan trọng nhất, không nên lộ diện sớm, chỉ nên đi như khách và chỉ nhận trách nhiệm khi ghe ở ngoài biển ". Tôi đồng ý. 

Đúng ngày hẹn, ghe Taxi đón chúng tôi gần bến phà Thủ Thiêm. Đến Cần Giuộc, Cần Đước gì đó khoảng hai ba giờ đêm ; người lái Taxi cho biết là " động rồi, cá lớn phải chạy về Vĩnh Bình ẩn và yêu cầu chúng tôi lên bờ tự túc về nhà ". Ghe Taxi chở khoảng hai mươi người, hầu hết là người Hoa, tôi khuyên họ là nên phân nhóm nhỏ hai, ba người để di chuyển nhằm tránh sự nghi ngờ của dân địa phương và lực lượng dân phòng. Nhờ là lính biển, quen nhìn phương hướng, tôi dẫn cô em gái, cậu em vợ và bạn nó, tìm ra được bến xe đi Chợ Lớn. Len lén ngoái đầu lại, thì tất cả mọi người cùng đi trên chiếc ghe Taxi cũng đã có mặt. Xe chở khách bán buôn, đã đầy nghẹt, còn quang, gánh thì cũng đầy trên nóc và lủng lẳng khắp thành xe. Tới mỗi trạm gác thì người phụ xế đều chạy đi nạp hối lộ, do đó không hề có sự kiểm soát nào, nhờ đó chúng tôi may mắn về đến Sài Gòn được an toàn. 

Bà chủ ghe đến gặp tôi và trấn an, tôi yên chí, không hề thắc mắc là thời đó chưa có điện thoại di động để liên lạc thì làm sao ghe Taxi biết được là đã bị động. Mải vài hôm sau, cháu của bà chủ đến gặp tôi. Chị là vợ của một Thiếu Tá Công Binh đã vượt biển thành công sang Úc và đã làm thủ tục bảo lãnh vợ - con, nhưng có lẽ vì nóng lòng hoặc không chịu nổi sự hoạnh họe của lũ VC ở địa phương Cây Gõ nên chị liều lĩnh vượt biên trước. Chị Y khóc lóc kể với tôi rằng chiếc ghe trị giá mười hai lượng vàng mà phần chị và ba người con đã góp vào tám lượng, nhưng bà chủ ghe Dì ruột của chị vì tham dùng người lái phụ chỉ tốn thêm một chỗ đã lái ghe đi, bỏ rơi cả gia đình chị. Tôi nghèn nghẹn, nhưng cũng chỉ biết an ủi chị rằng lòng người khó mà dò.

Ít lâu sau, có hai người đến gặp tôi nhờ lái ghe. Người đàn ông xưng là dân Quốc Gia Hành Chánh Cựu Phó Quận Trưởng Quận Cần Đước. Bà vợ thì đeo cẩm thạch, vàng đầy tay và chiếc đồng hồ hiệu Citizen ( thời đó Citizen là đồng hồ thuộc loại xịn ) để khoe của và sự thành công. Trong khi bàn bạc và bày vẽ phương cách ra đi cùng họ, tôi đã thật thà khai báo là " vừa bị một tổ chức lừa, nhưng tôi nghĩ là họ sẽ không tệ như tổ chức kia ". Họ cười cười và hẹn hai ngày sau sẽ đến đón tôi, nhưng hơn tuần lễ vẫn không thấy, tôi bèn tìm đến nhà họ ở đường Tôn Thất Thiệp Khu Chợ Trời để hỏi, thì người nhà của cặp nầy cho biết là chưa thuận lợi để đi và sẽ báo ngay cho tôi khi họ quyết định. Tôi ra về, nhưng sau đó được biết là họ đã bỏ rơi tôi, Dùng người lái phụ lái ra cửa Tiểu thì bị Công An Tỉnh Tiền Giang xét bắt, cả một trăm năm mươi người khách và Ông-Bà chủ ghe phải đi gỡ lịch. Thật may! Số tôi đã hết dịp đi tù.

Tôi vốn gốc dân quê không lanh lợi, lớn lên đi học, đi lính,, rồi đi tù nên thật ngờ nghệch trước những đổi thay của xã hội thời VC. Sau hai lần bị gạt, tôi thật hoang mang, cộng với chuyện gia đình không vui, nên tuy bề ngoài luôn cười cợt, nhưng bên trong lại thường khóc thầm. 

Biết điều phiền muộn của tôi, người anh vợ từ sau khi ra tù, ngày ngày phải đạp xích lô để kiếm sống, nhưng thỉnh thoảng cũng đi vác củi thuê cho Ty Chất Đốt của thành phố, để khỏi phải đi vùng kinh tế mới và anh đã đề nghị tôi cùng làm việc nầy. Tôi lên phường xin cấp cho một giấy tờ hợp pháp để tôi làm việc cho Ty Chất Đốt Thành Phố. Những chức sắc của VC hầu hết đều không có trình độ văn hóa, thường chỉ do có công với " cách mạng " mà được chỉ định phụ trách điều hành công việc hành chánh. Tên Cán Bộ Phường Trưởng vui vẻ bắt tay tôi và gọi tôi là đồng chí, làm tôi nổi da gà.
Ty Chất Đốt tọa lạc trên đường Trần Qúy Cáp thuộc Quận 3. Hàng ngày họ cắt năm, sáu xe vận tải lên rừng chở củi về thành phố. Mỗi chiếc xe, ngoài tài xế là nhân viên cơ hữu của Ty, còn chúng tôi năm, sáu đứa chỉ là phu công nhật. Tài xế vận tải thời nầy có thớ lắm, thật khá giả và rất hách dịch. Số xe lên rừng mỗi ngày chỉ cần vài chục người phu, nhưng số người chầu chực buổi sáng mong được cắt đi lúc nào cũng khoảng vài trăm và người phụ trách chấm công lại là một cựu Trung Úy VNCH. Không rõ người anh vợ tôi đã nói gì mà mỗi khi thấy tôi thì ông cựu Trung Úy nầy đều chỉ định tôi đi làm và có lần còn kề tai nói nhỏ" khi nào dzọt, đàn anh nhớ thằng em nầy với nhé " . 

Từ nhà tôi ở Phú Nhuận ra đến Ty Chất Đốt, tốn năm đồng xe lam, hai ngày ở trong rừng ăn bốn dĩa cơm với vài miếng ba rọi kho và chút rau muống tốn bốn mươi đồng cộng thêm bốn đồng trà đá vì trời nóng như thiêu, vị chi là bốn mươi chín đồng, nhưng khi được trả công chỉ nhận có năm mươi, hoặc năm mươi lăm đồng. Đường lên rừng Xuân Lộc, Hớn Quản, Lộc Ninh, Trảng Bàng,… thật khủng khiếp, không chỉ ổ gà mà toàn lỗ chân Khủng Long, ngồi trong lòng xe mà bị dằn xốc đến nỗi có lần tôi treo một cái võng nylon để nằm và chiếc võng đã bị đứt làm đôi. 

Sáng thì bụng trống trơn, lên đến rừng thì tên tài xế ra lệnh phải lăn xả vào công việc, trời thì nắng như thiêu, nhiều lần tôi bị choáng váng. Nếu 1975, khi tôi tù ở Long Giao, VC đã đốn vô tội vạ cao su ở Long Khánh để làm củi thì nay chúng cũng tàn phá những rừng của Miền Nam để lấy củi. Những khúc củi dài hai mét, đường kính từ hai đến bốn tất có khi nặng cả trăm kí lô gram. Chúng tôi phải khiêng đến xe với khoảng cách vài chục đến trăm mét, rồi chất lên xe tải có mui, lèn kín củi như chất que diêm trong một cái hộp quẹt. Tội nghiệp, mấy cậu trai trẻ thấy tôi quá đuối nhiều lần đề nghị "Ông thầy mới ra tù, khiêng hổng nổi đâu, để tụi em làm ". Tôi thật cảm động, cám ơn các em, nhưng cũng phải ráng hết sức mình. 

Chất kín củi lên xe đã khó, mà chừa hộc để tên tài xế giấu nhựa cao su hay cà phê hoặc đậu xanh lại càng khó. Chắc chắn là hắn đã ăn chịu, nên chẳng ai dám tố cáo, còn nếu rủi bị thuế vụ xét gặp thì hắn sẽ đổ dẩy cho lũ phu chịu tội. May là chuyện bị xét đã không xảy ra lần nào. 

Chỗ xuống củi để trữ cho thành phố là khu đất gần Trung Tâm Tiếp Huyết và Tổng Y Viện Cộng Hòa. Việc xuống củi thì tương đối dễ dàng hơn. Trên đường Võ Duy Nguy đoạn gần khu chứa củi thì con buôn đã đứng sẵn rất nhiều và các cậu phu lợi dụng đẩy xuống đường vài khúc củi để kiếm thêm vài trăm đồng. 

Phần tôi, đang đóng kịch đã giác ngộ lao động là vinh quang, nên dù một đêm trên rừng làm mồi cho muỗi đốt, khổ sở, vất vả, bầm dập tay chân… để hầu như làm việc không công, nhưng tôi vẫn làm ra vẻ vui vẻ, còn các cậu trai trẻ thì đâu thể ngu như tôi rồi lấy gì sống. Chính VC đã đẩy các em phải mánh mung để sinh tồn.

Rồi một Trung Tá Công Binh mời tôi tham gia tổ chức của Ông. Ông dẫn tôi đến xem chiếc ghe đang tân trang. Ghe dài khoảng mười bảy mét, bốn máy. Ông cho biết đã có hai khẩu đại liên M60, hai cây phóng lựu M79, một khẩu M16, vài thùng đạn và tuyên bố là nếu bị VC xét thì ăn thua đủ để thoát hoặc chết quyết không để chúng bắt. Dù không thấy súng ống, nhưng tôi thích phương cách của ông Trung Tá Công Binh nầy. Tiếc là để kiếm cho đủ hai trăm năm mươi người khách vượt biên như Ông muốn không phải dễ và chẳng biết đến bao giờ.
Sau đó, một ông Trung Tá Dù đề nghị tôi lái cho một tổ chức đã có liên tục mười chuyến thành công. Ông ta chỉ cho tôi thêm một chỗ và dù chưa thấy qua chiếc ghe, nhưng tôi vẫn nhận vì bằng mọi giá tôi đã nhất quyết phải ra đi. Ông giao cho tôi một số tiền để mua sắm hải đồ và tôi may mắn được em của một người bạn cùng khóa HQ bán rẻ nửa giá. 

Trước khi ra đi, tôi đã dùng số tiền thừa phân nửa đó để đãi cho bốn đứa con của người Dì vợ. Mỗi đứa một tô bò viên ở chợ Phú Nhuận. Nhìn những đứa bé sung sướng xì xụp với tô bò viên, tôi thật xúc động. Trước 1975, nhà chúng cũng không tệ, nhưng khi VC thống trị thì trở nên nheo nhóc, cha là ngụy nên phải đi tù, mẹ thì muôn ngàn khó khăn để nuôi đàn con đông nheo nhóc, do đó trong nhiều năm chúng chỉ biết cơm độn với rau muống chấm nước mắm kho quẹt. 

Riêng cô chị cả của chúng, mười sáu tuổi đã đỗ tú tài hai hạng tối ưu và nhờ học ở hội Việt- Mỹ khá thạo tiếng Anh, nhưng vì lý lịch con ngụy nên không được tiếp tục học, cũng không xin được việc làm. Cô tâm sự " người xứng với em thì hoặc đang ở nước ngoài hoặc còn trong tù còn lũ người rừng nầy (VC), thì dù chết em cũng không ưng ". Do đó cô đã lén lút buôn chuyến, xuống miền Tây mua ít thịt thà, cá mắm đem về Sài Gòn bán kiếm chút lời, nhưng thời đó những món nầy đều bị cấm, bị chận xét, tịch thu và phạt; nên mười chuyến chỉ họa hoằn một, hai chuyến là thoát. Kiếm được chút đỉnh, vay mượn thêm, cô vượt biển nhiều lần, nhưng đều thất bại và sau cùng bị chết đuối. 

Tội nghiệp, cô rất ngoan đạo, nhưng phận bạc phải lìa đời lúc tuổi còn thanh xuân.

Người trong tổ chức của ông Trung Tá Dù, chở tôi từ Sài Gòn xuống Vĩnh Bình bằng xe gắn máy. Ông nầy là cựu Đại Úy Biệt Động Quân, người to lớn, mập mạp, đội nón cối, đi dép râu, giống hệt một cán bộ VC, còn tôi với giấy tờ giả, ôm sacoche theo ông như là tà lọt. Nghe nói ông gốc dân Văn Khoa, không biết làm cách nào mà có dạo phụ trách thảo diễn văn cho tên Tư Lệnh Quân Khu 7 của VC. 

Đón chúng tôi ở một quán cà phê ở Vĩnh Bình là một bi thư Xã Ủy VC. Ông nầy mê cộng sản đã hiến mười lăm mẫu đất cho VC làm công binh xưởng, cả gia đình đều theo VC, có vài đứa con đã lên bàn thờ, riêng bà vợ bị bom gảy cột xương sống. Có điều là dưới thời VNCH, thì ai cũng được bệnh viện chăm sóc, chữa trị, nhưng khi VC cướp miền Nam thì tất cả thuốc men đều vét sạch chở ra bắc, từ đó người dân Miền Nam dù bệnh gì thường chỉ có xuyên tâm liên hoặc thuốc dỏm, Bác sĩ dỏm thôi. Đến 1976, thì Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam bị giải tán và hầu hết cán bộ VC Miền Nam cũng bị cho ra rìa. Bất mản vì hai thập niên theo VC, chỉ được dăm bằng liệt sĩ, vài tấm huân chương treo vách để nhát con nít khi chúng khóc, vợ đau xin cấp thuốc cũng không có… Ông bí thư Xã Ủy nầy quay sang bắt tay với " ngụy " và sau mỗi chuyến thành công được tổ chức thưởng cho hai lượng vàng. 

Cạnh nhà ông Bí Thư là nhà của tên Trung Đội Trưởng du kích xã, hôm đó có giỗ. Khoảng hơn hai mươi tên du kích với AK47, CKC nhậu nhẹt rần rần; thỉnh thoảng có tên kêu vói mời Bác Năm (Ông Bí Thư) sang nhậu với chúng, ông ta thối thoát tao không khỏe, tụi bây cứ tự nhiên.
 
Đến đêm, ông và cậu con, chống ghe nhỏ đưa tôi và ông Đại Úy Biệt Động Quân ra chiếc ghe lớn đậu gần một trại cùi. Mọi người đã lên ghe đầy đủ và chúng tôi là hai kẻ sau cùng. Ghe bắt đầu hướng ra biển. 

Theo giao hẹn, tôi chỉ trách nhiệm khi ghe ra biển, nhưng khi đi được một đoạn còn khá xa biển, người lái ghe nhảy xuống ghe con trở về. Phóng lao phải theo lao, tôi tiếp tục lái ghe ra cửa Ba Động. 

Hồi năm 1971, khi phụ trách chiếc kiểm báo Hạm Ba Động HQ 460, tàu tôi neo ngoài khơi cách cửa Ba Động hai mươi cây số, các Sĩ Quan thay nhau vào Vĩnh Bình mua thực phẩm cho tàu, còn tôi chưa lần nào vào đó. 

Vì không biết gì về cửa Ba Động nên khi ghe ra gần đến cửa biển, dù sông thật rộng, ghe tôi bị vướng phải một cồn ngầm. May nhờ thủy triều lên, tôi rút ghe ra được và thẳng ra biển. Lúc đó biển thật động, mà ghe là ghe nhỏ đi sông, thành ghe rất thấp, không có volant nên phải lái với cái cần lái ở đuôi ghe. Do không thể đâm thẳng ra biển, tôi phải lái chếch sóng, nhưng ngày càng gần hải đăng Vũng Tàu. 

Cuối cùng tôi phải liều lĩnh chấp nhận rủi- may đâm ra khơi. Hôm đó vì biển quá động, những ghe quốc doanh đánh cá từ Côn Sơn phải chạy cả về SGN và khi ghe tôi ra khơi khoảng hơn nửa giờ thì bị một ghe Quốc Doanh đuổi theo. Ghe chúng lớn loại đi biển được trang bị máy mạnh, còn ghe tôi nhỏ, máy chỉ hai Bloc; nếu chúng tiếp tục đuổi chắc chắn sẽ bắt được chúng tôi, nhưng không hiểu vì sao chúng bỏ cuộc và ghe tôi thoát nạn.

ghe sông vượt biển

Trưa hôm sau, chúng tôi lọt vào một cơn giông. Thường thì sóng biển từng đợt đánh theo chu kỳ, nhưng trong cơn giông thì sóng loạn, tôi vừa lái vừa cố gắng tránh sóng, tuy nhiên vì thành ghe thấp và đôi khi tránh không kịp nên thỉnh thoảng ghe cũng bị sóng tràn vào. Tôi yêu cầu cánh đàn ông, chia từng cặp thay nhau múc nước đổ ra biển. Còn phụ nữ và trẻ con thì thật tội nghiệp, họ vô cùng sợ hãi, nhưng chỉ biết xì xụp lạy hay cầu nguyện. Trên ghe tôi có một ông Tiến Sĩ, nhưng lúc đó ông không phụ tát nước mà chỉ cầu nguyện như những người phụ nữ, tuy có trình độ văn hóa cao nhưng khi hữu sự giá trị của ông lại không bằng các cậu trai trẻ. Phần tôi, đã từng hai lần thoát chết trong trại tù CS, nên lúc đó tôi không hề sợ, ngoài ra nhìn hàng chục đứa bé thật tội nghiệp, tôi càng vững tay lái hơn, vừa niệm Phật vừa lái đến khi trời sụp tối. Tôi đang lo là sẽ không thấy đường để tránh sóng thì may thay sóng dịu dần như có một phép mầu.

Sau một ngày vật vã với sóng gió, tôi mệt đừ, nên giao tay lái cho cậu em vợ và ngả lưng bên cạnh những buồng dừa ngổn ngang. Số là tổ chức cho biết là tôi có một người phụ lái và một người thợ máy, nhưng trên thực tế thì người phụ lái là một cựu Đại Úy Địa Phương Quân, đã có lái qua tàu sông, nhưng suốt trong chuyến vượt biên ông không lái thay cho tôi lần nào. Còn người thợ máy thì dỏm, thực ra chỉ là một thợ tiện, anh ta ở trong cabine trông nom máy và phụ trách giữ mấy bao bột đậu xanh và bột Bích Chi. Anh lại rất say sóng, nên giữ gìn thế nào mà mấy bao thức ăn nầy bị lọt xuống hầm máy và ngấm dầu gas-oil nên không còn dùng được.

Trong đêm, khi cậu em ôm tay lái, tôi chập chờn bên cạnh thì nghe tiếng nước chảy róc rách. Kiểm lại thì chiếc thùng phuy chứa nước uống vì quá cũ lại bị sóng nhồi nên bị thủng và nước thoát ra, khi tôi phát giác và bít được lỗ thủng thì nước chỉ còn lại rất ít. Rồi một cơn mưa to chợt ập đến, do không được dự trù trước nên một số người vội đem cái mền căng ra hứng được đầy phuy nước. Điều thật buồn cười là cái mền cũ có lẽ từ nhiều năm không được giặt nên ngày mai khi nắng lên, nước hứng được có màu xám đen và trên mặt là một lớp váng. Dĩ nhiên là chẳng ai dám động đến, do đó suốt chuyến vượt biên, ngày hai lần, khoảng mười giờ sáng và mười bảy giờ chiều, cậu em vợ tôi và vài cậu nữa phải chặt dừa, đem phát cho trẻ con, phụ nữ và đàn ông mỗi đầu người khoảng 10cc nước dừa tươi, phần tôi cũng ngần đó.

Sang ngày thứ tư, chúng tôi gặp hai tàu đánh cá Hồng Kông đang neo và chúng tôi đến để xin tiếp tế. Mấy cục piles phải ưu tiên dùng cho hải bàn và thỉnh thoảng cho radio để nghe tin tức khí tượng, nên mỗi khi gặp tàu, vì không có đèn làm hiệu, mấy cậu trai thường lột áo nhúng dầu buộc vào cây sào rồi đốt lửa làm hiệu cầu cứu, do đó thường các cậu chỉ còn có cái quần sọt, mình trần, còn đầu thì quấn chiếc khăn trông giống như hải tặc. Hai chiếc tàu cá Hồng Kông ít người, có lẽ sợ bị cướp nên lúc đầu ra dấu không cho chúng tôi đến gần. May thay trên ghe có một phụ nữ gốc Hoa, trao đổi tiếng Hoa với họ. Khi hiểu rõ, họ cho phép ghe tôi cặp vào để cho nước, nhớt, bánh ngọt, tạp chí. Riêng tôi còn được vào phòng lái để xem vị trí nơi tàu đang neo và có lẽ nhờ ơn trên, dù chỉ lái bằng sự phỏng định, nhưng vị trí ghe tôi cũng không sai lắm so với ước tính. Với vị trí nầy, nếu không có gì bất thường thì khoảng hai mươi bốn giờ sau chúng tôi có thể đến được Mã Lai hoặc Nam Dương.

Chúng tôi từ giã thủy thủ đoàn của hai chiếc tàu Hồng Kông với niềm biết ơn sâu xa. Mọi người trên ghe tôi chia nhau bánh, tạp chí, uống nước thỏa thích và vì sắp được đến đích nên ai cũng đều lên tinh thần. Riêng tôi, miên man nghĩ về việc trong khi hàng chục chiếc tàu đủ quốc tịch đã làm ngơ trước sự kêu cứu của chúng tôi, thì tại sao hai chiếc tàu Hồng Kông nầy lại thật tốt giúp đỡ chúng tôi. Nhớ hồi năm 1974, có hai chiếc tàu đánh cá Hồng Kông vi phạm lãnh hải VN, bị chiến Hạm HQ/VNCH bắt giải giao về BTL/HQ/V1/DH. Lúc đó tôi phụ trách về việc nầy trước khi giao lại cho Quan Thuế Đà Nẵng lo về thủ tục pháp lý và liên lạc với chính phủ Hồng Kông. Thủy thủ đoàn của hai tàu đánh cá nầy rất lo sợ, họ đã tìm cách hối lộ tôi, nhưng chẳng những tôi không động đến tôm cá hay tiền bạc của họ, mà còn giúp cho họ trong khả năng. Không biết có phải là luật nhân quả đã ứng hiện cho trường hợp nầy chăng?.

Nhưng rồi niềm vui của mọi người sớm vụt tan, anh thợ máy dỏm không rõ vụng về thế nào, làm rơi chiếc áo tee-shirt quấn vào trục láp làm chết cả hai máy tàu và không sao khởi động lại được. Ông phụ lái của tôi lúc nầy xuất hiện, đề nghị cắt miếng bạt mui ghe làm buồm và nhiều phụ nữ tiếp tay thực hiện được chiếc buồm con, nhưng không may hôm đó gió rất yếu lại thổi ngược hướng chúng tôi muốn đi, nên buồm cũng không có công dụng lắm, ghe chúng tôi trôi lênh đênh như con tàu ma.

Không rõ ông phụ lái thuyết phục thế nào mà hầu hết mọi người nhất là mấy bà yêu cầu tôi quay mũi ghe đi Phi Luật Tân. Tôi giải thích rằng mình đang gần Nam Dương, Mã Lai, Singapore, ghe hiện trên hải đạo quốc tế có nhiều tàu bè qua lại, hy vọng chúng ta sẽ được cứu vớt, còn đi Phi Luật Tân thì rất xa mà ghe mình chỉ có chiếc buồm con lại thiếu lương thực và nước uống. Tôi đề nghị là nếu qua hai ngày mà không có tàu cứu sẽ quyết định sau. Mọi người đồng ý, nhưng chỉ sau hai mươi bốn tiếng đồng hồ họ lại nghe ông phụ lái yêu cầu tôi phải đi Phi Luật Tân lập tức. Tôi thật nản, định buông xuôi, nhưng trên bầu trời bỗng xuất hiện một chiếc máy bay cánh quạt của US NAVY bay thật thấp gần ghe chúng tôi. Mọi người la hét kêu cứu, nhưng máy bay tiếp tục bay thẳng vào Mã Lai. Thật ra thì người trên máy bay đã thấy chúng tôi và họ cũng đã liên lạc với tàu trong khu vực đến cứu chúng tôi.

tàu dầu Chinon

Lúc đó thì không xa chúng tôi có hai chiếc tàu; Chiếc thương thuyền chạy thật nhanh thì xa hơn , còn chiếc tàu gần thì chạy thật chậm. Trời lúc đó mưa lất phất, trần mây thì thấp và u ám. Lợi dụng lúc mặt trời vừa thoát ra khỏi cụm mây, tôi dùng đáy của hộp bánh sơn màu trắng inox lắc lắc như đánh đèn hiệu về hướng chiếc tàu chạy gần và liền đó chiếc nầy chuyển hướng đi về phía chúng tôi. Khoảng nửa tiếng sau thì chiếc CHINON tàu dầu của hãng BP ( British Pétroleum ) chỉ còn cách ghe tôi vài chục mét. Họ ném dây xuống cho chúng tôi. Vài cậu trai trẻ nhảy ùm xuống biển để vớt dây. Tôi lo lắng vì sợ họ bị cá mập tấn công, nhưng may thay có một đàn cá heo vài chục con nổi lên nhào lộn gần mấy cậu đã cất đi niềm lo của tôi, vì thường đâu có cá heo là không có cá mập.

Khi ghe tôi đã áp vào tàu lớn thì họ thả thang dây xuống để chúng tôi leo lên tàu. Tôi là người sau cùng đặt chân lên tàu và được yêu cầu lên gặp ngay vị Thuyền Trưởng. Ông cho biết là chính phủ ông không thuận để cứu ghe vượt biển, nhưng vì lý do nhân đạo mà ông đã linh động, do đó yêu cầu tôi phải đánh đắm chiếc ghe, ông cũng ngỏ ý xin cái hải bàn và tấm hải đồ để làm kỷ niệm.

Tôi cho thi hành mọi việc, đồng thời dặn dò mọi người nên giữ tư cách, kỹ luật và tuyệt đối tôn trọng về an ninh phòng hỏa hoạn cho chiếc tàu dầu. Có lẽ do vui mừng vì sắp được bến bờ, nên mọi người đã răm rắp nghe tôi và lấy được cảm tình của thủy thủ đoàn của chiếc tàu dầu. Lúc đầu họ nấu thức ăn rồi đem ra boong tàu phát cho chúng tôi. Sau thấy chúng tôi không tệ nên đến giờ ăn thì chúng tôi cũng được vào phòng ăn chung với họ. Vì quá mừng, khi leo thang lên tàu, một số người tỵ nạn đã vứt cả giày, dép nên ông Thuyền Trưởng đã ra lệnh cho thợ mộc trên tàu cưa ván ép, đóng cho những người nầy những đôi guốc đi lốc cốc trên tàu trông thật ngộ nghĩnh; ngoài ra ông còn cho tổ chức văn nghệ, ca múa để mọi người giải trí. 

Tối hôm đó tôi được viên Sĩ Quan đi phiên mời lên phòng lái. Tàu dầu dài hơn ba trăm mét, trọng tải vài trăm ngàn tấn, nhưng thủy thủ đoàn chỉ ba mươi hai người và ngoài giờ hành chánh, để đi quart trên đài chỉ huy chỉ có hai người và dưới phòng máy một người. Ông SQ trưởng phiên cho người phụ tá đi lấy một chai rượu chát và rót mời tôi một ly. Khi nghe tôi trình bày, ông rất chú ý lắng nghe và cho biết là nếu ghe tôi phải quay về Phi Luật Tân thì có thể sẽ gặp hai cơn bão nhiệt đới. Ông còn cho biết là khoảng thời gian nầy năm trước, tàu ông có cứu một ghe vượt biển gần ba mươi người, nhưng khi lên tàu họ phá phách quá và còn cắp vặt. Rút kinh nghiệm lần trước, ngoài ra vì chính phủ Pháp không cho phép nên ông Thuyền Trưởng đã nói với thủy thủ đoàn là ghe tôi chắc đã chết hết rồi. Mãi đến khi thấy vài ánh chớp, tức còn người sống, thủy thủ đoàn nài nỉ quá nên ông phải chiều theo và cứu chúng tôi. Đang nói chuyện với nhau, thì có âm thanh và đèn hiệu báo động, ông SQ.TP giải thích là có chướng ngại vật trên hướng đi của tàu, tuy nhiên tàu sẽ tự động giải quyết mà không cần đến sự can thiệp của ông. Làm việc trên con tàu tối tân sướng thiệt.

Sau hơn một ngày thì chiếc CHINON đến Singapore. Cơ quan tỵ nạn LHQ ở nước nầy cho một chiếc tàu nhỏ ra đón chúng tôi, thủy thủ đoàn của chiếc tàu dầu thật tử tế, họ quyên tiền tặng chúng tôi, nhưng tôi đại diện cám ơn rằng các ông đã cứu mạng chúng tôi, điều đó thật cao quý và xin khước từ số tiền, ngoài ra khi tiễn chúng tôi, thủy thủ đoàn chiếc tàu CHINON có nhiều người đã rơm rớm nước mắt.

Bà Mười - Vợ của DS La Thành Nghệ, đại diện HCR thật ân cần thăm hỏi chúng tôi và đưa thẳng chúng tôi vào trại tỵ nạn Sembawang - Singapore. Trại trước kia là khu gia binh của các Sĩ Quan người Anh, thật khang trang, sạch sẽ. Trại không có các vòng rào kẽm gai, không có gác sách. Những người làm việc cho HCR thì thật lịch sự và tử tế. Tuy chúng tôi chỉ ở trại ba tháng, nhưng họ cũng tổ chức dạy cơ bản về tiếng Anh, tiếng Pháp cho người tỵ nạn, chăm sóc tốt sức khỏe và mỗi tuần phát cho chúng tôi mỗi người mười đô la Singapore tức năm dollars Mỹ để sống và cuối tuần chúng tôi còn được phép đi phố chơi. Những người vượt biển hầu hết đều có mang theo tiền bạc và nữ trang, giá sinh hoạt ở Singapore cũng không đắt đỏ lắm, nên tha hồ mua sắm. Phần tôi không có xu teng nào, nhưng nhờ được cấp mười đô la mỗi tuần nên cũng thong dong. Còn cậu em vợ theo mấy cậu trai khác lén ra phố khuân vác lặt vặt cũng kiếm được chút đỉnh để mua sắm. Người Singapore thật văn minh, lịch sự và tử tế… hàng tuần họ còn chở thịt cá, rau cải vào giúp cho chúng tôi. Công tâm mà nói thì Singapore quả là thiên đường của người tỵ nạn.

Những người cùng trên chiếc ghe tôi tỵ nạn ở Singapore, trừ những ai được thân nhân ở Mỹ, Canada, Úc bảo lãnh, số còn lại vài người vì do tàu Pháp vớt, nên được đi định cư ở Pháp.

Phần tôi, do trước kia đã cứu mạng ba quân nhân Mỹ và được thưởng huy chương Hải Quân Mỹ, nên tôi được xếp loại ưu tiên đi Hoa Kỳ, nhưng cay cú về việc người Mỹ đã vô nhân đạo trước nỗi hiểm nguy của thủy thủ đoàn chiếc HQ 10 đào thoát trong trận hải chiến Hoàng Sa chống Trung Cộng xâm lược năm 1974, trong đó có bạn tôi là HP chiếc HQ10, ngoài ra " nực " về việc Mỹ đã phản bội VNCH, nên tôi đã khước từ đi Mỹ.

Tháng 11. 1983, tôi sang Pháp định cư đúng vào thời mà Đảng Cộng Sản Pháp cực thịnh, nên không được thuận lợi và tôi đã phải vô cùng khó khăn, vất vả để thích nghi với cuộc sống mới.

Tôi sinh ra đã sớm nếm mùi tân khổ, cuộc đời lại trải qua không ít nghịch cảnh, ngoài ra còn biết thế nào là địa ngục trần gian ở các trại tù VC; chính những kinh nghiệm quý báu đó đã giúp tôi vượt qua tất cả mọi khó khăn. Rồi nhờ ơn trên, sớm ngộ được thiền mà tôi có được cuộc sống thong dong, thanh thản. Hiện tôi có sức khỏe tốt, vật chất đủ, nhiều tự do, so với hàng triệu người trên thế giới, tôi thật may mắn.

Ơn đời thật chứa chan, xin cám ơn Cha- Mẹ và những người đã giúp tôi có cuộc sống hôm nay./.

nhân mùa lễ tạ ơn
TKD

No comments:

Blog Archive