CATARACT: Mổ cườm khô lợi & hại
Bác giả: Bác Sĩ Nhãn Khoa Chánh Ngô
Unit # 22, 1300 Finch Ave West.
Phone: 647-349-8899
Web: www.drcngo.com
Email: info@drcngo.com
Lời giới thiệu của người cầm bút: Kính thưa quý độc giả, tôi có rất nhiều bệnh nhân cao tuổi có cườm khô đã đến thời kỳ mổ. Có rất nhiều quý vị thắc mắc về việc mổ cườm khô (tiếng việt gọi là mổ phaco). Bài viết này xin cống hiến kiến thức đến cho tất cả quý vị cao niên đã, đang và sắp sửa mổ cườm khô. Nếu quý vị nào vẫn còn thắc mắc xin liên lạc trực tiếp với chúng tôi để được tư vấn. Xin cảm ơn quý vị.
1) Khi nào thì cần phải mổ cườm khô?
Như chúng tôi đã đề cập trong bài viết vừa rồi, khi thị giác của bạn không thể nào khá hơn được với mắt kính và thị lực của bạn kém hơn 20/50 thì bác sĩ nhãn khoa của bạn sẽ gửi bạn đến bệnh viện để mổ cườm. Tất nhiên là với sự cho phép của quý vị. Sau đó thì bệnh viện sẽ sắp chỗ cho quý vị để bắt đầu các bước chuẩn bị tiền phẫu thuật. Tùy theo sự bận bịu của từng nhà thương, nhưng nói chung là giai đoạn này thường mất khoảng từ 2 tuần đến 2 tháng.
Trong một số trường hợp đặc biệt như bệnh tiểu đường hay các bệnh về võng mạc mà cần có sự điều trị bằng laser thì đôi khi các phẫu thuật viên sẽ không mổ cườm vì khi đặt tròng nhân tạo vào mắt thì không còn cơ hội để bắn tia laser vô võng mạc nữa. Vì làm như vậy có khả năng làm hư tròng nhân tạo.
2) Giai đoạn tiền, hậu và phẫu thuật:
Tiền phẫu thuật là bước quan trọng nhất trước khi mổ. Chuyên viên phẫu thuật phaco sẽ làm ultra sound scan-A trên mắt của quý vị để ước đoán được độ của tròng nhân tạo mà họ sẽ lắp vào mắt của quý vị. Cùng lúc họ sẽ kiểm tra tổng quát lại thị lực của mắt và võng mạc cũng như sức khỏe tổng quát của quý vị trước khi mổ.
Bước chính là bước phẫu thuật.
Bạn sẽ không bị gây mê, ngược lại bạn sẽ rất tỉnh táo và được đặt trên bàn mổ. Ê-kíp mổ thường gồm 1 phẩu thuật viên phaco và 3 y tá. Trước tiên là y tá khử trùng các vùng da xung quanh mắt, mí mắt vân vân bằng dung dịch sát trùng thuốc tím, rồi họ nhỏ thuốc tê và sau đó họ sẽ dùng bao nilon che hết tất cả phần mặt của quý vị ngoại trừ con mắt nơi sắp được mổ. Sau đó y tá sẽ dùng 2 cái kẹp để kéo mi mắt trên và dưới của quý vị ra để phẫu thuật viên phaco bắt đầu làm việc. Người này nhìn qua kính hiển vi được liên kết với màn hình tinh thể lỏng kỹ thuật số có độ phân giải cao.
Người phẫu thuật viên sẽ dùng dao rạch một lằn ở chỗ tiếp nối giữa tròng trắng và tròng đen của mắt ở bờ mi dưới và sau đó chuyên viên sẽ dùng kẹp để mở một vòng tròn ở mặt trước của bao chứa thủy tinh thể. Sau đó dao phaco sẽ được đưa vào để phá thủy tinh thể đã bị cườm, cùng lúc nước sẽ được bơm vào và rút ra liên tục để lấy đi các mảnh cườm khô đã bị phá bỏ.
Sau khi tất cả các mảnh cườm khô đã được hút ra, nước sẽ được bơm vào lần cuối cùng để rửa cái bao chứa thủy tinh thể lần cuối cùng, sau đó thủy tinh thể nhân tạo sẽ được cuộn tròn lại và bơm vào trong bao chứa thủy tinh thể.
Thủy tinh thể nhân tạo sau khi vô bao chứa sẽ từ từ nở ra và nằm đúng theo vị trí của nó. Đây là bước cuối cùng. Sau đó tất cả sẽ được lấy ra, bệnh nhân sẽ được nhỏ thuốc tê, trụ sinh và băng bó rồi được xuất viện. Công đoạn phẫu thuật chỉ vỏn vẹn có 10 phút mà thôi. Quý vị về nhà rồi trở lại bệnh viện tái khám theo lịch là 1,3,7,30,180 ngày sau khi phẫu thuật.
Thông thường quý vị phải dùng trụ sinh trong 1 tuần đầu để ngăn ngừa nhiễm trùng, và từ sau 1 tháng khi mắt quý vị tạm ổn định thì bác sĩ sẽ cho toa để quý vị mua kính. Có rất nhiều quan niệm sai lầm là sau khi mổ cườm thì sẽ không cần phải đeo kính. Đây là một điều cực kỳ sai thưa quý vị vì mổ cườm chỉ làm cho thủy tinh thể rõ ràng thôi, nó không có nghĩa là chửa thị lực cho quý vị. Chỉ có bác sĩ nhãn khoa của quý vị mới có quyền thẩm định vấn đề này.
3) Rủi ro của việc mổ cườm khô (mổ phaco):
Cái gì nó cũng có cái may và cái rủi. Ngày nay với máy móc thiết bị tân tiến hiện đại sẽ làm chính xác việc mổ cườm. Tuy nhiên vẫn còn các rủi ro vẫn có thể xảy ra do sơ xuất, vân vân. Tưởng cũng nên nhắc ở đây để chúng ta có ý niệm về nó.
a) Túi đựng thủy tinh thể bị rách: Cái này là do phẫu thuật viên thiếu kinh nghiệm hay do sơ xuất nên làm rách túi. Trong trường hợp này, loại tròng nhân tạo mới được đặt vào khoang ngoài của mắt, nhưng nó có kẹp để bám vào thành của thể mi để nằm ở vị trí này.
b)Phẫu thuật viên để sai tròng mắt giả vào bên trong mắt của bạn: Chuyện này rất hiếm vì trước khi tròng được để vào mắt độ của nó đã được kiểm tra ít nhất 4 lần rồi nhưng chuyện hi hữu này cũng đã xảy ra. Cách giải quyết tốt nhất vấn đề này là đeo kính để sửa chữa lại cái độ đã bị sai.
c)Nhiễm trùng toàn mắt: Đây là một chuyện cực kỳ kém may mắn mà mọi người đều sợ nhất. Chính vì vậy mà có rất nhiều phẩu thuật viên phaco ở Saigon tin dị đoan và thường cúng kiến gà vịt trước khi lên bàn mổ. Triệu chứng của nhiểm trùng bộc phát vài ngày sau khi mổ, làm người bệnh đau buốt ở mắt, mắt đỏ, thị lực giảm vân vân. Cách chữa trị duy nhất là tiêm trụ sinh và thuốc chống sưng trực tiếp vào khoang trong của mắt. Trong trường hợp cách chữa trị này không khả thi, thì cách duy nhất còn lại là cắt bỏ toàn bộ một mắt, vậy bạn chỉ còn lại 1 mắt mà thôi. Chính vì vậy mà các phẩu thuật viên phaco rất hiếm khi mổ hai mắt cùng một lúc. Thông thường thì họ mổ một mắt xong để lành rồi mới mổ tiếp mắt thứ hai.
d) Sưng điểm vàng của mắt: Triệu chứng này có thể xảy ra rất lâu sau khi mổ. Triệu chứng duy nhất là mờ mắt và thị lực kém. Cách thức trị liệu cổ điển là nhỏ thuốc chống sưng lên mắt. Còn cách thức trị mới là tiêm thuốc chống sưng trực tiếp vô khoang trong của mắt. Hiệu quả của các cách trị liệu này không mấy khả quan thưa quý vị.
e) Tròng nhân tạo bị mờ ở mặt sau: Cái này thông thường xảy ra từ 6 tháng đến một năm sau khi mổ. Lý do đơn giản là do phẫu thuật viên không rửa sạch túi đựng thủy tinh thể trước khi bỏ tròng nhân tạo vô túi. Các chất dơ qua năm tháng sẽ bám vào mặt sau của tròng và sẽ làm mắt bạn mờ đi và thị lực giảm. Cách chữa trị thông thường là bắn tia laser vào mặt sau của tròng nhân tạo để rửa các chất dơ đó và củng cố lại thị lực của quý vị.
f) Bị bong võng mạc do thủy tinh thể bị tác động khi mổ cườm khô ở khoang ngoài của mắt.
g) Tròng nhân tạo không nở ra hoặc nở ra không hết cỡ của nó khi nó ở trong túi thủy tinh thể: Cái này đa phần là do tròng nhân tạo phẩm chất kém và do may rủi thôi quý vị ạ. Xin nhớ là tròng nhân tạo được xếp cuộn tròn rất nhỏ khi bơm vào túi đựng thủy tinh thể. Nếu khi nó vào túi rồi mà vì một lý do gì đó mà nó không chịu nở ra lại theo hình dạng tự nhiên của nó thì rất có khả năng bạn sẽ thấy rất ít sau khi mổ. Người cầm bút đã thấy nhiều trường hợp như vậy rồi. Thị lực sau khi mổ còn kém hơn cả thị lực trước khi mổ, vì tròng nhân tạo không nở ra theo hình dạng của nó.
Kết luận:
Trong mỗi ca phẫu thuật cườm khô, các bác sĩ và phẫu thuật viên đều cố gắng hết sức mình để mang lại kết quả tốt đẹp cho quý vị. Thành thật chúc cho tất cả quý vị có nhiều may mắn trong các ca phẫu thuật.
No comments:
Post a Comment