Wednesday, October 30, 2019

Đời người có 2 việc không thể đợi, 2 thứ không thể sợ và 2 điều không thể lựa chọn

Hai việc không thể đợi: Hiếu kính với bố mẹ và giữ gìn sức khỏe

Kỳ thực, trong cuộc sống có rất nhiều chuyện chúng ta bỏ lỡ và chẳng có cách nào quay lại được, đến khi nhận ra mới thấy hối tiếc thì đã muộn. Có nhiều việc chúng ta thường tự nhủ “đợi đến xxx ta sẽ làm”, hay “đến lúc yyy ta chắc chắn sẽ thực hiện”.

Thế nhưng, bạn cần nhớ, ở đời có 2 việc không thể đợi được là hiếu kính với cha mẹ và chăm sóc sức khỏe cho bản thân. 

Có rất nhiều người đã hối tiếc khi trong thâm tâm luôn tự nghĩ “khi giàu rồi nhất định mua cho bố mẹ ngôi nhà thật lớn để ở cho thoải mái”, “khi có nhiều tiền nhất định đưa bố mẹ đi du lịch đó đây khắp năm châu”… và mải lao vào công việc mà quên mất rằng hàng ngày bố mẹ vẫn mong ngóng chờ tin con.

Đến khi chúng ta thành công quay về thì bố mẹ đã không còn sức để hưởng thụ những gì bạn mang lại cho họ, trong lúc suốt thời gian dài họ khổ sở vì thiếu tình thân gia đình. Thực ra các ông bố bà mẹ không cần nhà cao cửa rộng, không cần đi đó đi đây, chỉ cần gia đình đoàn viên tràn ngập tiếng cười là đã vui rồi.

Chính vì vậy, việc hiếu kính với bố mẹ hãy thể hiện ngay từ bây giờ, dù chỉ là những hành động rất nhỏ như gọi điện về nói mấy câu vu vơ hàng ngày, như luôn cho bố mẹ biết nơi mình sẽ đến, sẽ đi trong mỗi chuyến đi xa, hay như thường xuyên sắp xếp để có những bữa ăn đoàn viên gia đình…

Có thể thấy, việc không thể chờ đợi thứ 2 cũng quan trọng không kém là giữ gìn sức khỏe. Có câu “có sức khỏe là có tất cả” không sai, vì khi ốm đau bệnh tật mới biết, có tiền cũng chẳng thể đổi lại được sức khỏe.

Do đó, dù bận rộn lo cho thành công trong cuộc sống, cũng đừng bao giờ quên vốn quý nhất của mình chính là sức khỏe. Đừng đợi đến lúc sắp rời xa cõi đời mới thấy biết yêu cuộc sống.

Hai thứ không thể sợ là cái chết và nỗi cô đơn

Thực tế nói rằng, con người không sợ cái chết thì không thể. Dù chúng ta luôn tự hiểu rằng ai rồi cũng phải chết, tự nhắc nhở mình rằng không có gì phải sợ. Tuy nhiên dù chấp nhận, dù biết không thể tránh, dù bảo rằng mình chẳng sợ cái chết nhưng rồi ai cũng không thoát khỏi chút rùng mình khi nghĩ đến nó.

Thế nhưng, không sợ cái chết, có nghĩa là mình làm sao để chấp nhận cái chết một cách bình thản nhất. Nếu chọn cho mình một cách thoải mái nhất để chấp nhận cái chết đã là một thành công của mỗi người.

Gần đây, cô bé Hải An đã đi vào lòng người khi bé chết đi, bởi cô bé đã quyết định hiến tạng khi chết để “con muốn sau này khi mất đi, những bộ phận vẫn còn tồn tại, vẫn sống trên cơ thể người khác“. Hải An chết đi, nhưng em đã “tặng lại ánh sáng cho bạn khác” khi hiến giác mạc cho 2 bệnh nhân khác.

Hơn nữa, nỗi cô đơn – cũng đừng sợ, dù nó rất đáng sợ. Có một câu châm ngôn rằng “những người thích cô đơn hay sợ cô đơn chưa chắc là tự kỷ. Đó chỉ là tâm lý họ muốn như thế nào”.

Cô đơn – là hiện tượng ta muốn, và có thói quen hạn chế các mối quan hệ mới, ta thích một mình ngồi và ao ước về cuộc sống nhộn nhịp ngoài kia, thích nhớ về những mối quan hệ, những buổi vui chơi cùng bạn bè, vẫn thích lướt facebook để xem còn ai quan tâm đến ta… song ta lại không thể tự mình tái hòa nhập.

Còn Jinie Lynk lại cho rằng “Hiểu quá nhiều, nhìn quá thấu sẽ khiến thế giới của bạn trở nên cô độc. Nên nhớ, trên đời này có 2 thứ không thể trực tiếp nhìn vào, đó là mặt trời và lòng người“.

Nhưng, thỉnh thoảng tự đưa mình vào chốn “cô đơn” tránh cuộc sống tấp nập ngày thường để lắng lại những gì đã qua, tĩnh tâm và suy nghĩ cho những gì sắp tới cũng là cảnh giới khác của sự cô đơn. Điều quan trọng là ta đón nhận nỗi cô đơn của mình thế nào, đừng biến cô đơn thành tự kỷ, xa lánh mọi người và thế giới. Còn thực ra cô đơn – không đáng sợ như bạn tưởng.

Hai điều không thể lựa chọn là xuất thân và vận may

Ai đó từng nói rằng “con người không thể lựa chọn cha mẹ sinh ra ta”, cũng vậy, có người sinh ra đã ngậm vàng, sống cuộc sống giàu sang không lo nghĩ, có người sinh ra đã số vất vả, sống cuộc sống long đong. Không ai chọn được cho mình hoàn cảnh xuất thân, thế nhưng, xuất thân không quan trọng, quan trọng là bạn vươn lên thế nào trong cuộc sống.

Có một câu chuyện rằng, có 2 anh em nhà nọ sinh ra ở một làng quê. Cuộc sống bần hàn khiến người cha đi vào con đường trộm cướp và bị bắt đi tù khi 2 anh em còn nhỏ. Người mẹ một mình khổ cực nuôi 2 anh em lớn lên trong lời chê trách, xa lánh của xóm làng.

Lớn hơn tí, 2 anh em đã đến tuổi lao động. Người anh, nhìn hoàn cảnh gia đình, xấu hổ vì người cha trộm cắp tù tội, chỉ biết lùi lũi làm thuê làm mướn sống khổ sống sở qua ngày, vẫn không thoát khỏi lời đàm tiếu, đề phòng của dân làng. Người em, thấy hoàn cảnh gia đình, quyết chí thay đổi tất cả, anh chào mẹ và anh, lên đường lập nghiệp.

Chẳng bao lâu sau, nhờ lòng lương thiện, chí tiến thủ, anh đã gây dựng được một cơ ngơi khá ở thành phố. Anh tích cóp tiền, về làng xây dựng một ngôi trường khang trang cho trẻ em trong làng đi học, anh giúp làng xã sửa sang lại những con đường đầy ổ gà…

Hành động ấy của người em nhanh chóng khiến dân làng có cái nhìn khác về anh, họ cảm tạ tấm lòng của anh, và cũng từ đó, những định kiến về một người cha trộm cắp không còn, cái nhìn ái ngại dành cho người mẹ và người anh cũng mất dần đi.

Cũng không lâu sau, cả làng đã quên mất rằng, đây là gia đình có người cha tù tội, mà thay vào đó, họ lại nhìn thấy một gia đình giàu lòng lương thiện, luôn giúp đỡ những người khó khăn trong làng. Xuất thân không thể chọn lựa, nhưng chính chúng ta có thể lựa chọn hướng đi cho mình – đó mới là điều cốt yếu.

Thực ra, vận may cũng là thứ mà bạn không thể lựa chọn. Tuy nhiên xưa có câu “Tái ông thất mã” cũng là một câu chuyện rất giá trị về vận may. Nhiều lúc, “được” không hẳn là may, mà “mất” cũng không hắn là xui. Có một câu chuyện về một chiếc áo bị vá.

Chuyện kể rằng, Mạn Quân, một phụ nữ giàu có đang đi bộ trên đường, bất ngờ 1 chiếc xe máy lao vội qua, đẩy cô ngã xuống đường. May mắn, cô chỉ bị xây xước nhẹ nhưng tay áo cô bị rách một đoạn. Chợt nhớ ra nhà bố mẹ gần đó, cô quyết định ghé qua thăm họ thay vì về nhà.

Bởi vì lâu không ghé bố mẹ, nên cô đã ở lại đó 1 đêm. Và sáng hôm sau, bất ngờ lấy áo mặc, cô thấy vết rách đã được mẹ mình vá lại với những đường kim mũi chỉ thật dày nhưng cũng rất đẹp khiến cô cảm động.

Sáng nay cô có buổi gặp với khách hàng, cô từ nhà bố mẹ đi thẳng đến chỗ gặp và quên luôn chuyện chiếc áo vá, cô cứ thế mặc chiếc áo bị vá đi khắp nơi, thậm chí vụ bàn bạc làm ăn của cô cũng suôn sẻ, đàm phán xong mọi thứ chỉ hẹn ngày mai ký hợp đồng chính thức dù trước đó đã kéo dài rất lâu chưa xong.

Đến tối muộn về nhà, Mạn Quân mới chợt nhận ra mình đang mặc chiếc áo rách cả ngày, cô nhanh chóng cởi ra và ném vào giỏ rác. Sáng hôm sau, đối tác hôm qua thỏa thuận xong đã hẹn ký kết hợp đồng, hoàn tất mọi thứ, bất ngờ đối tác hỏi cô: “Hôm nay không thấy cô mặc chiếc áo khoác ngày hôm qua?” – hơi bất ngờ nhưng cô cũng đáp “Tôi vừa giặt nó rồi”.

Vị khách nói tiếp “hôm qua nhìn cô mặc chiếc áo vá với những đường kim mũi chỉ rất khéo, chúng tôi biết rằng cô là người rất cẩn thận, chất phác và từng trải qua nhiều khó khăn và vươn lên như thế này. Chúng tôi đánh giá rất cao, nên chúng tôi mới quyết định ký hợp đồng với cô”.

Trở về nhà, Manh Quân vội lôi chiếc áo ra, giặt vào treo cất vào góc tủ phòng để nhắc nhở mình, và cũng nghĩ rằng, cô sẽ xem đó như là chiếc áo đẹp nhất của mình.

Câu chuyện trên tổng hợp được rất nhiều ý nghĩa, từ tình thương thầm lặng của bố mẹ với những đứa con. Từ ý nghĩa về “vận may”: tai nạn chưa hẳn đã “xui”, áo rách chưa hẳn đã xấu và mặc áo vá cũng chưa hẳn là điều tồi tệ, mọi thứ trên đời đều tùy duyên.

-HLoan

No comments:

Blog Archive