Ông lão đánh giầy
Gần đây quán bia Hải Xồm bỗng xuất hiện một cụ già đánh giầy, nếu không có hộp đồ nghề đặt trước mặt thì mọi người lầm tưởng ông cụ là một thực khách sang trọng. Quần áo chỉnh tề, giầy tây bóng lộn, râu ria đầu tóc xén tỉa gọn gàng trông rất đẳng cấp.
Thông thường khoảng 10h sáng đến 1h trưa và từ 4h chiều đến 9h tối là cụ có mặt. Một chiếc ghế xếp thấp nhỏ dùng để ngồi làm việc và chiếc hộp gỗ trong có chứa những món đồ dùng cho việc đánh giày: Mấy hộp xi, sáp, cồn rồi mấy loại bàn chải từ thô tới mịn to nhỏ khác nhau và những mảnh giẻ bông, giẻ mịn được giặt sạch sẽ tinh tươm. Đặc biệt nhất là cặp cốt giầy được làm bằng gỗ có núm vặn giãn ra, co vào để xỏ vào giày và làm căng chúng ra để thao tác cho việc đánh bóng giày.
Thông thường ở những quán xá tấp nập dân nhậu cũng là nơi đám đánh giày kiếm ăn ngon nhưng dĩ nhiên không phải người đánh giày nào cũng tự động tới hành nghề được. Có bảo kê cả và chỉ độ 5,6 người có máu mặt mới được phép đánh giày ở đây.
Khi thấy một ông cụ đột nhiên xuất hiện hành nghề xâm phạm vào lãnh địa của mình, đám ma cũ cũng đôi phần cảnh giác nhưng thấy cụ cũng hiền lành chẳng mời gọi chèo kéo khách mà chỉ ngồi yên chăm chú ngắm nhìn những đôi giày ở chân của những thực khách nên bọn chúng cũng bỏ qua. Vì chỉ ngồi một chỗ bị động chờ khách nên cụ cũng không có nhiều việc lắm. Mỗi buổi cụ chỉ đánh được 4,5 đôi là cùng. Nhưng những ai giao việc cho cụ khi nhận được thành quả của cụ thể hiện trên những đôi giày thì vô cùng hồ hởi bởi qua tay cụ những chiếc giày như vừa bỏ trong hộp ra. Thật thú vị khi quan sát cụ làm việc. Khi nhận giày của khách, cụ cẩn thận tháo dây rồi tra giày vào cốt vặn căng cốt đến khi trên thân giày giãn hết không còn nếp nhăn nào cụ mới bắt tay vào thao tác. Đầu tiên cụ dùng giẻ mềm thấm nước lau hết bùn đất rồi lại lau khô loại hết bụi, cát có thể làm xước da khi đánh xi. Tiếp tục dùng xi bọt xoa hết bề mặt da và dùng giẻ đánh quá một lượt. Sau đó dùng giẻ trắng xoa xi cùng màu lên giày đều khắp và dùng bàn chải đánh. Mỗi chiếc giày phải tháo tác tới 6,7 phút mới có thể hoàn thành. Nhiều đôi phải dùng thêm xi sáp để cho mặt da khô và cứng cáp hơn.
Cụ làm miệt mài vậy hai buổi cũng chỉ đánh được hơn chục đôi. Cộng cả tiền khách thưởng và trừ chi phí cũng chỉ được hơn kém 100.000, nhưng hình như cụ làm việc không phải vì tiền. Nhìn cách ăn mặc và phong thái chắc gia cảnh cụ không quá giàu cũng phải trung lưu. Có rất nhiều khách hàng tò mò gợi chuyện cụ để tìm hiểu thân thế nhưng chỉ nhận được những câu trả lời ỡm ờ hờ hững cho qua chuyện của cụ.
Một hôm, lần đầu tiên cụ rời khỏi chỗ ngồi đóng đinh trên chiếc xếp của mình đi vào tận trong phòng Vip của quán. Mọi người cứ nghĩ ông cụ vô tình gặp cố nhân nên vào trò chuyện. Nhưng không phải, cụ vào để mời một vị khách đánh giày. Khách là một thanh niên trong ngoài 30 có cái bụng xứng danh bụng bia ăn mặc rất sang chảnh toàn đồ hiệu đắt tiền. Sau vài câu trao đổi, thanh niên đồng ý cởi giày trao cho ông cụ. Nhận được giày, mặt cụ tươi như bắt được của, cụ nhanh nhẹn trở về chỗ quen thuộc và bắt tay vào việc làm mới đôi giày. Khác với những đôi giày trước, lần này cụ nâng niu nhẹ nhàng và ngắm nghía chúng hệt như bà mẹ trẻ đang chăm bẵm đứa trẻ sơ sinh của mình. Việc đánh bóng đôi giày cũng được làm hết sức bài bản, nhiều thời gian và xi có lẽ cũng là loại đặc biệt nhất vì thấy cụ lấy trong hòm ra một hộp xi mới toanh.
Sau gần nửa tiếng thì công việc hoàn thành. Như một hoạ si vừa hoàn thành một tuyệt phẩm. Cụ nở một nụ cười mãn nguyện, tay phải cặp lấy mép trong đôi giày, bàn tay trái nâng đế giày cụ nhẹ nhàng quay trở lại phòng Vip để trao lại nó cho chủ nhân.
Nhận lại đôi giày từ tay ông cụ, thanh niên mặt lạnh không hề một xúc cảm chỉ hất hàm: “Bao nhiêu?”..
Bao nhiêu hứng khởi trong cụ tắt ngấm như bị dội gáo nước lạnh. Cụ sẵng giọng: “50.000” đồng.
Nghe cụ hét giá, thanh niên cũng chẳng phản ứng gì chỉ nhếch mép: “Lão này cũng biết chặt chém phết” đoạn thò tay móc ví lấy ra tờ 50.000 dúi vào tay cụ rồi tiếp giọng kẻ cả: “Tiền đây, nhanh rồi biến đi. Sau nhớ cạch mặt tôi ra nhé!”
Nghe tên thanh niên hỗn xược như vậy, ông cụ vô cùng tức giận định trả đũa nhưng rồi cụ trấn tĩnh lại và từ tốn nói rành rẽ:
“Cậu à, thực sự tôi tới đây đánh giầy không phải để kiếm tiền. Tôi thừa tiền để sống hết đời. Nhưng thứ nhất tôi muốn làm việc cho vui và quan trọng hơn là muốn hoài niệm về quá khứ của mình.
Trước năm 45 gia đình chúng tôi làm đại lý độc quyền của hãng giày truyền thống Anh quốc là hãng New & Lingwood. Hãng này có những đôi giày handmade như đôi Oxford mà cậu đang đi đây. Những đôi giày này được làm từ da của mấy trăm con bê được cứu ra từ vụ tàu Đan Mạch chìm ở Plymouth Sound ở gần bờ biển Cornwall năm 1786. Mặc dù lớp da này đã có tuổi thọ hàng trăm năm nhưng vẫn dùng được nhờ được bọc trong vải dầu. Việc làm ra một đôi giày như thế đòi hỏi tay nghề cực kỳ công phu và phức tạp, với hơn 200 công đoạn chuyên biệt. Những đôi này có giá cao nhất thế giới và chỉ có những bậc vua chúa, các đại thần hoặc thương gia tên tuổi mới dám diện nó vì nó có giá tới hơn 3.000 bảng Anh.
Hôm nay tình cờ tôi thấy cậu đi đôi giày này lập tức mọi ký ức hiện về trong tôi và tôi cũng rất tò mò muốn biết cậu là yếu nhân đặc biệt nào mà sở hữu đôi giày đẳng cấp vậy nên tôi đã mạo muội làm phiền cậu. Hoá ra thời đại ngày nay khác với thời đại chúng tôi: Diện đồ đẳng cấp chưa chắc là người đẳng cấp cậu ạ!”
Đoạn cụ trả lại 50.000 cho tên thanh niên và lẳng lặng xách đồ nghề rời khỏi quán.
Công Đào
Nguồn: Facebook Nguyễn Tiến Dũng
No comments:
Post a Comment