Tuesday, October 15, 2019

Xà bông hoạt động ra sao?

Hà Dương Cự.

Xà bông còn gọi là xà phòng, hai chữ đều là phiên âm của chữ tiếng Pháp “savon.” Xà bông là một đồ dùng mà đa số chúng ta đều dùng mỗi ngày để rửa tay, hay tắm. Ai cũng biết xà bông làm cho các chất bẩn trôi đi theo nước, nhưng ít ai biết xà bông hoạt động ra sao và có từ bao giờ.

Nguyên tắc căn bản của xà bông:
Những thứ gì dính trên tay mà không có chất dầu mỡ như bụi thì chỉ cần rửa bằng nước là trôi đi. Nhưng nếu chất bẩn có chứa dầu mỡ như thức ăn có mỡ, thì rửa nước sẽ không sạch. Lý do là dầu mỡ không tan trong nước.

Phần lớn các hợp chất thuộc một trong hai loại: Ưa nước (hydrophilic) và kỵ nước (hydrophobic). Loại ưa nước thì hòa với nước một cách dễ dàng, thí dụ như đường. Loại kỵ nước thì không trộn lẫn với nước, thí dụ như dầu.

Hợp chất có thể hòa tan trong nước được gọi là hợp chất có cực (polar compound). Hợp chất không hòa tan trong nước như dầu mỡ được gọi là hợp chất vô cực (nonpolar compound). Các phân tử xà bông có hai đầu khác nhau, một đầu là loại có cực (có thể hòa với nước) và một đầu là vô cực (có thể bám vào dầu mỡ). Với tính chất đặc biệt này các phân tử xà bông có khả năng hòa vào với phân tử của đa số các hợp chất khác.

Khi xoa xà bông lên da thì đầu vô cực của xà bông bám vào chất bẩn trên da, còn đầu có cực thì hòa tan trong nước giúp nâng chất bẩn ra khỏi da và vào trong nước. Khi ở trong nước các phân tử xà bông làm thành một cụm nhỏ li ti, gọi là vi hạt (micelle) với đầu có cực chĩa ra ngoài và chất bẩn cũng như vi trùng nằm phía bên trong. Những vi hạt này trôi theo dòng nước, ra khỏi thân thể, như vậy thân thể trở nên sạch.

Khi rửa tay thì nên rửa bằng nước ấm vì ở nhiệt độ cao xà bông làm tan mỡ nhanh hơn và tốt hơn.

Tại sao xà bông làm nổi bọt? Các phân tử xà bông bao quanh các phân tử nước với đầu có cực hướng về nước và đầu vô cực hướng ngược lại. Như vậy xà bông phân chia nước thành những lớp mỏng. Những lớp nước mỏng này chứa một ít không khí, đó là bọt.

Cách làm xà bông:
Xà bông được chế tạo bằng sự kết hợp dầu mỡ và một chất kiềm (alkali). Dầu có thể là dầu ô liu hay dầu dừa. Mỡ có thể là mỡ bò. Chất kiềm hồi xưa người ta dùng tro, bây giờ thì dùng sodium hydroxide, hay potassium hydroxide.

Chế tạo xà bông là một quá trình hóa học gọi là sự xà-bông-hóa (saponification). Trong quá trình này chất kiềm làm cho dầu mỡ phân thành axit béo (fatty acid) và glycerin. Sau đó thành phần natri hay kali của chất kiềm kết hợp với axit béo để trở thành xà bông. Trước khi đổ xà bông thô vào khuôn người ta có thể pha màu hay dầu thơm vào. Tùy theo nhiên liệu dùng và cách pha chế mà có những loại xà bông khác nhau.

Hình minh họa cách hoạt động của xà bông.

Những yếu điểm của xà bông
Tuy xà bông là một chất làm sạch rất tốt, nhưng nó cũng có những yếu điểm. Xà bông dùng trong nước cứng (có nhiều chất như magnesium, calcium, hay sắt) sẽ trở thành muối không tan và đóng thành vệt vòng quanh bồn tắm. Hiệu năng của xà bông cũng bị giảm trong nước có tính acid.

Xà bông khác với chất làm sạch. Hiện nay nhiều sản phẩm được gọi là xà bông vì quen miệng chứ thật sự không phải xà bông mà là chất làm sạch (detergent). Hai thứ đều có tác dụng làm sạch. Nhưng xà bông là sản phẩm làm từ những nguyên liệu thiên nhiên, còn chất làm sạch được chế tạo từ những hóa chất nhân tạo. Chất làm sạch có thể được chế tạo để tránh những khuyết điểm của xà bông, nên bây giờ nhiều thứ “xà bông” thật sự là chất làm sạch. Thí dụ xà bông tắm Dove không phải là xà bông, họ gọi là Dove Beauty Bar và nói rõ trên mạng: “Dove is not a soap” (Dove không phải là xà bông).

Lịch sử xà bông:
Theo những dấu vết tìm được tại những khu vực Babylon cổ đại được khai quật thì người Babylon đã biết làm xà bông từ khoảng 2,800 Trước Công Nguyên. Họ làm xà bông bằng cách đun mỡ trộn với tro. Các nhà Khảo cổ đã tìm thấy một dụng cụ hình trụ, trên đó có khắc dấu hiệu nói là mỡ được đun với tro. Xà bông lúc bấy giờ được dùng để giặt len, vải, và cũng được dùng trong y khoa.

Người Ai Cập cũng như người La Mã và Hy Lạp cổ đại đều biết chế tạo xà bông bằng cách trộn lẫn mỡ, dầu và muối. Theo truyền thuyết của người La Mã thì xà bông (tiếng Anh là soap, tiếng Pháp là savon) được đặt tên theo Núi Sapo, một khu được dùng để giết các súc vật tế thần. Sau khi tế thần, mưa đẩy mỡ súc vật cùng với tro từ đống lửa dùng để tế thần xuống sông Tiber (một sông bên Ý). Các bà giặt quần áo ở bên sông nhận thấy nước có trộn các thành phần trên làm cho quần áo sạch hơn. Đây là một câu truyện đầu tiên nối kết sự giặt quần áo với xà bông.

Vào thế kỷ thứ 2 người Hy Lạp bắt đầu dùng xà bông để giặt và làm sạch. Đến thế kỷ thứ 7 xà bông làm bằng mỡ dê và tro cây sồi bắt đầu được chế tạo tại Tây Ban Nha và Ý. Cùng thời điểm đó người Pháp chế tạo xà bông dùng dầu ô liu. Người Anh thì đến thế kỷ thứ 12 mới chế tạo xà bông. Lúc đó xà bông rất là đắt chỉ có giới quý tộc mới có phương tiện dùng xà bông. Theo sử sách thì Nữ Hoàng Bess đã tạo ra một thời trang bằng cách tắm bốn tuần một lần. Lúc đó người Âu Châu ở rất bẩn, nên sinh ra nhiều bệnh.

Xà Bông Cô Ba. 

Năm 1791 nhà Hóa học người Pháp Nicolas Leblanc khám phá ra phương pháp biến đổi muối thường ra một chất kiềm gọi là natri carbonate không có nước (soda ash). Khám phá này làm việc sản xuất xà bông cũng như nhiều sản phẩm khác dễ dàng hơn. Vào thế kỷ thứ 19 nhà Bác học Louis Pasteur tuyên bố là giữ vệ sinh sạch sẽ cá nhân sẽ là giảm sự truyền bệnh. Từ đó xà bông được dùng nhiều hơn trước.

Xà bông được bán rộng rãi từ khoảng Thế Chiến thứ Nhất, khi những vết thương cần được làm cho sạch sẽ. Bây giờ thì có đủ loại xà bông với đủ mọi mùi thơm.

Hồi trước 1975 miền Nam Việt Nam đã có Xà Bông Cô Ba nổi tiếng, đa số mọi người bình dân hay trung lưu đều dùng. Theo báo Người Việt thì lúc đó Xà Bông Cô Ba còn được xuất cảng sang Cam Bốt, Lào, Hồng Kông và một số nước thuộc địa của Pháp.

Ảnh hưởng tới môi trường:
Xà bông được làm từ những nguyên liệu thiên nhiên nên được phân hủy sinh học một cách tự nhiên, không làm ô nhiễm môi trường. Nhưng chất làm sạch được làm từ những hóa chất nhân tạo nên khó bị phân hóa, và gây ra ô nhiễm môi trường. Những chất hóa học nhân tạo có thể có ảnh hưởng tai hại đến đời sống của các sinh vật sống dưới nước. Loại xà bông chống vi khuẩn (antibacterial soap) cũng đã bị cơ quan FDA cấm bán vì hại nhiều hơn lợi.

Nói tóm lại, nếu có thể được bạn nên tìm mua xà bông thứ thiệt mà dùng, và nên rửa tay bằng xà bông thường xuyên để tránh lan truyền vi trùng.

Hà Dương Cự.

—–


No comments:

Blog Archive