Thursday, October 24, 2019

RÚT QUÂN - MỘT CHIẾN LƯỢC HÒA BÌNH

Chiến lược, chiến thuật quân sự là loại hư thiệt bất phân. Lẽ nào phải trình ra cho đám chính trị gia bàn giấy, hoặc phải thông báo cho TTTT bàn bạc rồi mới quyết định. Nếu không, thì dĩ nhiên trong việc binh có chỗ chưa biết. Chưa biết thì căn cứ vào đâu mà phê với phán, và xỉ vả Tổng thống?
Rút quân ở Syria thật ra là một chiến lược hòa bình, một cơ hội không thể mất!
Theo chỗ dân HK đã biết, chiến dịch chính xác là tiêu diệt quân khủng bố ISIS, và bây giờ đã chấm dứt. Vấn đề còn lại là HK rút lui đem 1000 quân, con em người Mỹ về với gia đình, để cho các nước tự giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm, an ninh, sự tồn vong và tương lai của họ, hoặc HK ở lì ăn vạ, cho đến khi có vai trò mới, có quyền lợi mới xứng đáng với sự hy sinh. Thế giới thay đổi, ngay cả dầu hỏa, khí đốt HK đã độc lập rồi. Tầm nhìn và chiến lược có nên thay đồi không?
Một số có thể đã chịu khó nghiên cứu và hiểu rõ vấn đề, nhưng chống thì cứ chống, chống hết, cái gì cũng chống chỉ bởi vì quyết định là của ông Trump. Cũng như bưng bợ, o bế Obama, khi  giải quyết việc binh mà báo trước ngày tháng năm, và rút sạch bách quân khỏi Iraq, mà TTTT và Dân chủ (DC) vẫn 100%  hoan hô nhiệt liệt!
Một số khác chống quyết định rút quân vì tính toán đến ý dân trong vùng của mình để giữ chiếc ghế chính trị, có khi tính toán sai lầm. Kế đến số còn lại thảm thương nhất, không biết gì cả, chỉ nghe tin TTTT, phóng loa tiếp theo, vì không đủ sức tự ra khỏi dịch chống Trump đã bị chài!
Hãy cùng xem lại toàn cục bức tranh: Sau khi đế chế Ottoman sụp đổ, vào những thập niên 1990 sau Đệ Nhất Thế Chiến, ý niệm thống nhất người Kurd mới hình thành. Mãi cho đến nay họ bị mắc kẹt như một cộng đồng thiểu số ở khắp các vùng đồi núi của các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ (TN.Kỳ), Iraq, Iran và Armenia. Họ có khoảng 35– 40 triệu người, dân số lớn thứ tư ở Trung Đông. Họ không có đất nước hẳn hòi, chưa có một phương ngữ chính thống, nhưng chỉ là cộng đồng sống dựa trên chủng tộc, tập tục văn hóa và ngôn ngữ riêng. Đại đa số người Kurd theo Hồi giáo, hệ phái Sunni/Muslim. Họ luôn cố gắng tìm kiếm giải pháp cho môt nhà nước độc lập cho dân tộc Kurd suốt thế kỷ 20, nhưng tất cả cố gắng đều bị thất bại.
Năm 2011 nội chiến Syria xảy ra, một cuộc nội chiến đa diện giữa Cộng hòa Ả Rập Syria Ba'athist cùng với các đồng minh trong và ngoài nước, với các lực lượng khác nhau trong và ngoài nước chống lại cả chính phủ Syria và cũng đánh lẫn nhau trong các kết hợp khác nhau, lộn xà ngầu. Đây là cuộc chiến tàn khốc thứ hai trong thế kỷ 21.
Ban đầu thì người Kurd không công khai theo bên nào. Nhưng đến nửa năm 2012, khi thấy chính phủ Assad loay hoay tả xung hữu đột, người Kurd nắm bắt cơ hội đứng lên đòi tự trị ở các khu Afri, Kobane và Jazira. Lúc đó cả chính quyền Assad và cả HK đều không tán thành.
Cuộc chiến hổ lốn tiếp tục ngày càng nhiều phe phái khó điểm danh hết, như Lực lượng Vũ trang Syria và các đồng minh quốc tế; liên minh lỏng lẻo của các nhóm phiến quân đối lập Sunni, bao gồm cả Quân đội Tự do Syria, các nhóm thánh chiến Salafi, bao gồm Mặt trận al-Nusra, Lực lượng Dân chủ Syria hỗn hợp người Kurd (Ả Rập) và quân khủng bố ISIS (Nhà nước Hồi giáo Iraq)…, với một số quốc gia trong khu vực, và ngoài ra hoặc trực tiếp tham gia, hoặc gián tiếp cung cấp hỗ trợ cho một hoặc nhiều phe khác, trong đó có Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, cũng như các phe khác.
Các nhóm biểu tình rầm rộ đòi lật đổ độc tài Assad. Ở Liên Hiệp quốc HK chủ trì nghị quyết đòi Bashar al-Assad từ chức, Nga phủ quyết và ra mặt ủng hộ Assad. Hoa Kỳ lúng túng trước tình thế phức tạp. Obama tuyên bố lằn ranh đỏ, nhưng lại vẽ trên cát. Đến khi Assad dùng vũ khí hóa học giết thường dân, HK không làm gì được. McCain là người hăng hái thúc giục ra quân. Nếu HK làm theo lời McCain thì HK đã một phen nữa, sa lầy đến nay chưa chắc đã ra khỏi cho dù lật đổ được Assad trong khi chung quanh toàn là khủng bố, một số dưới tay Iran.
HK tiếp tục phải làm rùa. Đến năm 2015 thì Nga chộp cơ hội, trực tiếp lội sình, đem quân đặc biệt và vũ khí vào Syria bảo vệ Assad và chế độ. Thế là xe, pháo, mã của Nga vào trung cung thay cho sĩ tượng của Assad. HK trễ tàu và hoàn toàn thất thế, mất cơ hội tính toán. Chiến lược thay Assad và chính thể ở Syria bấy giờ đã bắt đầu bỏ ngõ! Chính trị gia HK chỉ đấu võ mồm, từ xa chửi Putin để trừ.
Ông Trump là người đến sau, không thể trải chiếu lạy xin Nga rút lui, không thể tấn công, và cũng không thương lượng được bất cứ điều gì bởi Dân chủ tìm cách gán tội thông đồng với Nga cho Tổng thống suốt hơn hai năm, tuy bất thành. TT Trump chỉ có thể dùng phương tiện chiến tranh, nhất thời đe dọa trừng phạt Syria từ bên ngoài khi Assad dùng vũ khí hoá học đối với thường dân. Syria chìm trong khủng hoảng, bên trong có Nga, các nhóm khủng bố loạn đả, bên ngoài có Iran. HK không còn cơ hội cho một giải pháp nào khả thi cho Syria ngoài chiến dịch còn lại là quyết tiêu diệt ISIS.
Tháng Tám 2014, HK và lực lượng liên minh quay sang bắt đầu đánh bom chống ISIS và chọn lựa vài phe nhóm người Kurd ở Syria có khả năng chiến đấu để cố vấn và hợp tác. Lúc này ISIS đã lan tràn trên dưới ba mươi nước, do hậu quả của việc rút quân khỏi Iraq của Obama.
Nhóm lực lượng chiến đấu, HK chọn hợp tác, yểm trợ trong chiến dịch chống ISIS là YPG, và tiếp đó là SDF. Họ là ai, từ đâu mà ra? Đây là câu hỏi lớn có liên quan chặt chẽ đến quyết định rút quân, đang bàn đến.
Đến tháng 10, 2019, sau khi TNKỳ tuyên bố sẽ khai triển chiến dịch thiết lập một vùng an toàn sâu 32km (20 miles), đẩy lùi YPG để tái định cư khoảng 2 triêu người tỵ nạn Syria, và giải toả sự đe dọa dai dẳng đến công dân TNKỳ, HK lần lượt rút quân còn lại khỏi vùng biên giới TNKỳ và Syria.
Sau khi HK rút quân, ngày 9/10, TNKỳ xâm nhập hạn chế dọc theo một đoạn dài 100km biên giới giữa các thị trấn Tal Abyad và Ras al-Ain. Đây là khu vực dân cư thưa thớt, chủ yếu là người Ả Rập và không rõ cuộc xung đột với lực lượng người Kurd có diễn ra hay không. TTTT và Chính trị HK dậy sóng chỉ trích quyết định của TT Trump. Có mấy cụ tỵ nạn gốc Việt cũng chạy theo ném đá! TT Trump tuyên bố sẽ trừng phạt kinh tế nếu TNKỳ hành xử quá trớn, bất nhân đối với người Kurd. Ông cũng nói rút đi không có nghĩa là bỏ người Kurd, và HK nên dùng sức mạnh kinh tế hơn là súng đạn và nhân mạng của con em người Mỹ. Ông rút quân về để chấm dứt những cuộc chiến không có ngày kết thúc, nhưng thật ra đây là một chiến lược mang lại hòa bình.
Hôm 17/10, Phó Tổng thống Pence, và Bộ trưởng Ngoại giao Pompeo, hai ông Mike sang Thổ thương thảo và đạt được thỏa thuận ngưng chiến 5 ngày, để cho các nhóm quân Kurd đã từng hợp tác với HK, có thời gian rút lui khoảng 20 miles, tránh đụng độ với quân Thổ ở biên giới Thổ - Syria. Thế là yên một mối!
Lực lượng YPG và SDF (như cha và con) thất vọng và chỉ trích HK là điều thông thường vì việc xảy ra trái với mong đợi của họ. Nhưng người Mỹ cần hiểu, HK không thể nào giúp họ lập quốc gia tự trị, độc lập như lý tưởng họ trường kỳ đeo đuổi, và đó mãi mãi vẫn không phải là nghĩa vụ và trách nhiệm của HK; và quân đội HK không dễ dàng hy sinh cho một tương lai không rõ ràng. Nguyên tắc đơn giản, ‘công thành thân thối’, hết phận sự thì rút lui,! Cứ hè nhau mà chửi Tổng thống có đúng không đây?
Nói riêng về người Kurd, suốt dòng lịch sử, người Kurd thành lập quá nhiều tổ chức, có cả vũ trang, và hoạt động trên khắp các nước Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran như:  PKK, KCK, PDK hay KDP, ‘KTP’, KIU, PUK, PYD, YPG, DBP, HDP, PES, AKP, TAK, KRG. (xem chi tiết và thời điềm ở 2 bài nói trên). ==>Vĩnh Tường - Rút Quân ở Syria (NCVBD Kỳ 89)
Nhìn cả lô chữ tắt, tên các tổ chức khi hòa khi chiến, nay hợp mai tan như đống bùi nhùi, khó tránh đau đầu.
Bình dân chỉ cần các câu hỏi căn bản:
1.Trong chiến dịch chống ISIS vừa qua, HK chắc chắn không thể nào cùng lúc HỢP TÁC với tất cả các lực lượng người Kurd nói trên, trong cảnh loạn đả ở Syria. Vậy thì HK chọn ăn nằm hay chung đò, chung xuồng với nhóm nào để truy đánh một kẻ thù ISIS và rượt chúng đến chân tường Syria? Và họ là ai? Họ theo hệ phái tư tưởng nào và họ có thể đồng hành với HK đến thời điểm nào?
HK và Liên quân: Trong khi nhóm YPG bị đẩy lùi và ISIS thắng thế, các quốc gia liên minh do Hoa Kỳ đứng đầu nhận thấy khả năng đáng tin cậy của YPG nên nhảy vào, hỗ trợ không lực và cung cấp thiết bị quân sự để YPG chung tay tiêu diệt lại ISIS – lúc này là kẻ thù chung.
Thổ Nhĩ Kỳ: Mặc dù đã biết lai lịch của YPG là tay chân của kẻ thù (PKK) từ 2002, nhưng để bớt một mối nguy trước mắt là ISIS, TNKỳ cho phép các Đơn vị Peshmerga của KRG ở Iraq quá cảnh TN.Kỳ, để hỗ trợ YPG. Vòng vây của ISIS bị phá vỡ và YPG đã kiểm soát Kobane (2015). Chiến thắng này đã mang lại tiếng tăm vang dội và tầm vóc cho YPG trên toàn thế giới về chống ISIS và các nhóm phiến quân khác.
Đến cuối năm 2015, có lẽ để sự hợp tác với HK và Liên minh quân sự trở nên có chính nghĩa, theo sự thúc giục của Hoa Kỳ, YPG phải thành lập, tức là phải đẻ ra tổ chức có tên Lực lượng Dân chủ Syria gọi là SDF (Syria Democratic Forces), làm ô dù để kết hợp người Ả Rập và các nhóm thiểu số vào nỗ lực lượng chiến tranh chống ISIS có hiệu quả hơn.
Như vậy YPG là ai?
YPG: là tên gọi của Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (People’s Potection Unit 2004) (YPG), nghe bảo vệ nhân dân người Việt hiểu ngay phần nào lai lịch của nhóm này, không liềm thì chắc cũng búa. YPG thuộc hệ tư tưởng DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA. Ai còn mơ hồ thì hỏi ngay cụ Bernie Sanders và cô cháu Alexandria Ocasio Cortez của cụ, một trong đội tứ quái nương thế kỷ 21 của đảng Dân chủ. YPG nhen nhóm từ các địa phương của người Kurd ở Syria sau khi nội chiến nổ ra, gồm nhiều thành phần dân tộc và tôn giáo, giới tính khác nhau trong đó người Kurd chiếm đa số, và dùng chiến thuật du kích, hiện được gọi là Rojava, hoặc Tây Kurdistan. Nói đến YPG mà bỏ qua PKK thì chúng ta lại không hiểu đầu đuôi gốc ngọn.
PKK là đảng Công Nhân người Kurd, (Kurdistan Workers’ Party), do Abdullah Ocalan thành lập trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ (TNKỳ) năm 1978, và hoạt động trong cộng đồng người Kurd ở khắp các nước Iraq, Iran, TNKỳ và Syria. Lại nghe chữ đảng công nhân là biết chắc có búa.
PKK đã bị TN.Kỳ, Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Liên minh Châu Âu các nước liệt kê vào danh sách tổ chức khủng bố từ 2002 . Còn Liên Hợp Quốc và Thụy Sĩ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Ai Cập, không tán đồng. PKK và tổ chức con cháu của PKK là những tổ chức mà TN.Kỳ quyết tâm truy đuổi mãi cho đến ngày nay.
Bây giờ chúng ta “túm lại” phần câu hỏi rất quan trọng này coi hén: 
Bình dân HK chắc còn nhớ, lúc đó (2015) chính quyền TT Obama bị chỉ trích là đã cung cấp vũ khí cho khủng bố, bình dân mới biết lời chỉ trích là có thật.  PKK con rơi của Marxism – Leninism thời LBXV (bị TNKỳ, HK và Liên minh công nhận là khủng bố) đẻ ra YPG (2004), YPG lại đẻ ra SDF (theo yêu cầu của HK vào cuối năm 2015 có lẽ để hợp thức hoá tránh sự chỉ trích của TNKỳ). Như vậy HK và Liên Minh đã song hành và yểm trợ YPG và SDF tức là hợp tác, yểm trợ con và cháu của tổ chức PKK theo hệ tư tưởng cánh tả, Marxism – Leninism, và là khủng bố. Không biết SDF có khủng bố hay không, nhưng nguồn gốc là từ đó mà ra. Chính trị vẫn nói là đồng minh, đó thôi!
Thổ Nhĩ Kỳ: Vì nhắm đến lợi ích, ít nhất diệt được một mối nguy ISIS, Thổ Nhĩ Kỳ tạm thời mắt nhắm, mắt mở để cho HK hợp tác với kẻ thù của mình (PKK và YPG) và để cho quân Peshmerga của người Kurd (Ira) quá cảnh sang ủng hộ tổ chức cha con YPG và SDF.
Hoa Kỳ: Không luận xấu tốt, dù sao thì thời TT Trump đã tiếp tục HỢP TÁC, YỂM TRỢ không lực và cung cấp phương tiện chiến tranh quân sự cho các lực lượng YPG và SDF. Nhờ gia tăng tốc độ và cường độ càn quét ISIS ráo riết, dứt khoát - đánh nhanh rút gọn, chiến dịch đã kết thúc tốt đẹp trong thời gian kỷ lục đáng tự hào, chiếm lại thủ phủ Raqqa; quân khủng bố ISIS bị đánh tan, không còn manh giáp, một số lớn đã bị bắt và hiện đang bị giam giữ.
Lẽ thường, người ta tạm bỏ qua khác biệt, chung lưng đấu cật để tiêu diệt kẻ thù chung. Sau khi kẻ thù chung bị tiêu diệt thì tốt hơn hết là ai về nhà nấy; ở lại thì dễ bị u đầu mẻ trán vì các nhóm sẽ đâu mặt đánh nhau tranh giành chiến lợi phẩm.
2.Chiến dịch tiêu diệt ISIS kết thúc rồi, vấn đề còn lại là gì?
Vấn đề quân đội HK nên đi hay ở lại?
Trước khi hợp tác khai triển chiến dịch, HK có cam kết làm đồng minh chí cốt lâu dài với các nhóm người Kurd không? Nếu có thì ai cam kết? Cam kết như thế nào? Phải có nguyên văn lời cam kết để phân tích các trường hợp, khi nào tuân thủ, không trung thủ, và tuân thủ thế nào?
Sự thực đã không hứa sao gọi là thất hứa? Không cam kết làm đồng minh thì sao gọi bỏ rơi đồng minh được? Chửi như thế có ngớ ngẩn không đây!
Khi đã biết chỉ vì cần đánh ISIS mà HK vừa hợp tác với các nhóm YPG SDF có lai lịch từ PKK (Marxism-Leninism) và khủng bố,  Hoa Kỳ có nên ở lại để chia phần vinh quang với các tổ chức lực lượng này không, nhất là khi biết họ là tổ chức mà TNK truy đuổi?
Chiến dịch chấm dứt, duyên HỢP đã tận, còn gì nữa mà chưa TAN! HK không muốn bị trói chân chung với họ để lãnh họa, chẳng những hủy hoại tên tuổi, mà còn ăn một trả mười về sau thì hãy nhanh chân mà chạy. Chính trị có khi nói gì cho phải đạo thì cứ nói, nhưng sự thật đây (Syria) không phải là đồng minh thân cận của HK, mà chỉ là hợp tác tạm thời trong trường hợp hai bên cùng có lợi. Xong việc, tan hàng! Đâu có thể ở lại để đánh đồng minh TNKỳ của NATO để bảo vệ người Kurd? Đúng – sai chỗ nào đây?!
Hay là thương thì cho trót - bảo vệ họ suốt đời còn lại, can gián không cho họ oánh nhau, vì họ có đến gần 20 tổ chức lực lượng vũ trang, oánh nhau mấy trăm năm rồi chưa mệt vì những xung đột về ý niệm chúng tộc, tôn giáo HG…! Đế chế Ottoman đã để lại đống tro tàn đầy xương xóc trong vùng. Họ tìm kiếm tự trị hay độc lập cả thế kỷ không thành. HK không có nghĩa vụ và trách nhiệm hay có phép thần thánh nào có thể giúp họ được. Đâu có sách thiên đình nào phán như thế! Đã biết không giúp gì được, không có giải pháp, hay chiến lược gì thì đâu có lý do nào để ở lại. Và nên nhớ là họ không có quốc gia, HK nếu ở lại thì chịu khó che lều di động theo họ đấy nhé!
Và như vậy chúng ta có thể hiều phần nào quyết định của Tổng thống rồi chứ gì!
Vấn đề tù binh(khủng bố): Khủng bố đang bị nhốt ở miền bắc Syria khoảng 11000, trong đó có khoảng 2000 là từ nước ngoài, số còn lại là người Iraq và Syria. Tổng thống Trump đã theo lẽ phải, đề nghị các nước phải nhận công dân khủng bố của mình. Nhưng họ bảo HK nhận. Tổng thống Trump trả lời thẳng thắn, dứt khoát, không chút do dự: “NO!” Bây giờ có tin cho hay, một số đã trốn thoát, một số khác tự chống trả cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào các nơi giam giữ để tự vệ. Một số, các chuyên gia, tướng tá, và nhất là TTTT cũng như chính trị bàn giấy chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump rút quân là sai lầm, tù nhân ISIS sẽ thoát ra và tập hợp lại, gây nguy hiểm! Xin hỏi, lẽ công bằng nào buộc quân đội HK giúp tiêu diệt, bắt giam khủng bố, rồi phải làm CAI NGỤC cho các nước không? Câu hỏi đã là câu trả lời rồi!
Về dầu mỏ ở khu của người Kurd, tình hình bây giờ đã khác, mỗi bên đều có quyền lợi và trách nhiệm riêng thì sẽ có hòa bình. Tư tưởng, tôn giáo, chính trị, dân tộc ngàn năm khó đổi là của họ. HK chỉ quan tâm đến những gì chạm đến an ninh và quyền lợi của HK mà thôi. Syria bây giờ là Nga, Assad là bù nhìn bên cạnh có Iran với một dàn khủng bố chung quanh, họ chia chác, trao đổi quyền lợi và phân chia trách nhiệm với nhau bằng các thỏa thuận riêng trong vùng, trong đó có người Kurd.
3. Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ - người Kurd - Thổ Nhĩ Kỳ và Chiến lược hòa bình của Tồng thống Trump:
Chiến lược hòa bình của Tổng thống Trump: mỗi bên đều sắp hàng lãnh phần:
TNKỳ thực tế đã nhường bước cho HK và người Kurd, cho mượn đường quá cảnh tập hợp quân Peshmerga và YPG, SDF để đánh ISIS, bây giờ đến lượt HK ta phải tránh đường để họ giải quyết kẻ thù của họ lại là PKK, và con cháu YPG, SDF, tiêu diệt hoặc khống chế, hoặc bắt ép để đưa đến một thỏa thuận nào có thể đem lại an ninh và quyền lợi cho quốc gia họ. Đây có thể là thỏa thuận mặc nhiên hoặc bằng lời giữa hai vị lãnh đạo của hai Kỳ, HK và TNKỳ. Chiến dịch chấm dứt, quan hệ rắc rối tay ba đến lúc phải giải quyết. 
Hoa Kỳ không thể bênh vực các nhóm người Kurd mà chống lại TNKỳ, đồng minh thứ thiệt của khối NATO. TNKỳ có quyền thực hiện chiến lược vì nền an ninh của họ mà trấn áp khủng bố, cho dù là các tổ chức người Kurd vừa mới hợp tác với HK. HK khó mà ngăn cản quyền lợi chính đáng của họ. Tốt hơn hết là HK không chen vào giữa để chịu đòn, mà đã để họ tự xử với nhau qua các thỏa thuận hàng xóm sống chung hòa bình, và có trách nhiệm.
Và LUI BINH đâu có nghĩa là thua trận, mà đây là thắng rồi mới lui để tiếp tục thắng. Rút lui để sắp xếp thành quả hậu chiến; rút lui có đúng điều kiện, hợp hoàn cảnh là chiến lược nhất cử lưỡng lợi của TT Trump. Mang lại hòa bình trong vùng là mục tiêu tuyệt vời. Có ai mà không muốn? 
* Giải quyết vấn đề dân tỵ nạn: Hậu chiến tranh, một số người vì chiến tranh, không có nhà ở, đời sống bất an, chạy loạn, cần một “khu an toàn” tại chỗ gần quê hương của họ, thay vì chạy sang TNKỳ, hoặc các nước khác. Hoa Kỳ đỡ lo phần này! Ai muốn rước họ để tò lòng "bầu thương bí" như cụ tỵ nạn chuyên chống Trump thì kỳ này giơ cao tay lên, kẽo mất cơ hội đó nha!
Người Kurd: Các lực lượng người Kurd nhờ HK và Liên minh giúp đã được thắng lợi là diệt được ISIS đem lại an bình cho họ, nhiệm vụ của họ bây giờ là nhượng một bước, cho TNKỳ lập “khu an toàn”. Giai đoạn nhờ HK đã xong bây giờ đến giai đoạn kế tiếp ở khu này, họ bắt tay với Nga để giải quyết những vần đề còn lại là điêu đương nhiên, vì Nga bây giờ tức là Syria. Họ ở Syria chứ không phải ở HK.
* TNKỳ, được cơ hội đẩy lui các nhóm khủng bố, lập vòng đai bảo vệ đất nước và chế độ của họ, lập “khu an toàn” theo cam kết, không đối xử bất nhân với người Kurd.
* Các nước Liên minh, phải nhận lại những công dân có tài cảm tử, khủng bố của mình từ trại tù về nước, để tùy nghi xử lý, hoặc cho đi khu resource an dưỡng.
* Nga, Syria bây giờ kể như thuộc về Nga, Assad chỉ là quân cờ, cho nên Putin gặp TNK để giải quyết những xung đột còn lại của các phe nhóm ở đây là điều không có gì người dân HK phải tức giận. Thế sự đã rồi. Cứ chuẩn bị pop- corn, chờ mà xem phim Nga lội sình! 
Những ai mơ rằng có thể đem dân chủ tự do đến những vùng này, đã đến lúc nên tỉnh giấc rồi!.Trước đây, thời Obama, HK đã không làm gì được. Bây giờ thế sự không thể thay đồi. Vũng sình Syria, một trung tâm xung đột của các nhóm HG, của chính trị, của tư tưởng dân tộc oánh nhau mấy trăm năm chưa mệt, đã có Nga lặn hụp rồi. Nên chúc mừng cho họ! 
Nga tranh giành, tìm kiếm quyền lợi trong xung đột đổ nát. Khi chiến thì hung hăng, háo thắng, có thể không tính hết, khi hòa bình thì mới thấy một đất nước, con người và cuộc sống đổ nát khó dọn hơn những đống gạch vụn, và lòng người thù hận như khói lửa còn nghi ngút, chực cháy lại khi có gió mới. Xây dựng lại đất nước này tốn kém bao nhiêu tiền của và bao nhiêu công sức? Đã có Nga, có quyền lợi thì có trách nhiệm cõng rồi! HK khỏi lo! Cũng nên cảm ơn Tổng thống một tiếng chứ!
* Hoa Kỳ : Một số ít quân ở lại để giúp người Kurd quản lý giếng dầu và có thể sẽ có kế hoạch giúp họ cập nhật hóa kỹ thuật để họ có thể xuất khẩu kiếm tiền, theo như lời của TT Trump.
* Còn ISIS ư? Sợ chúng nổi dậy trở lại ư? Bây giờ đã khác rồi, quý cụ ạ. Mỗi nước, mỗi nhóm đã được chia quyền lợi. Thằng khủng bố nào ngóc đầu lên, họ có trách nhiệm tự đứng lên để tiêu diệt bảo vệ cho chính họ. Con em người Mỹ không còn lo lãnh mìn, hay bom tự sát khi làm cảnh sát canh gác cho họ nữa. Chúng ta ở xa chúng nó 7 ngàn dặm lận!
Sắp xếp xong, HK phủi tay lên bờ, đưa con em về nước 'hủ hỷ' với vợ con hoặc chờ tái phối trí đi nơi khác khi có mục tiêu mới. Chẳng hạn dồn sức bẽ gãy 'mẹ' cái trục ác ma Iran chết tiệt. Trục mà xi cà- que, thì các cục chì ở đầu dây quay khủng bồ ở Yemen, Palestine, Syria ... cũng suy yếu và hy vọng Trung đông sẽ an bình lâu dài hơn. 
Người dân HK còn đòi gì hơn nữa? Không lẽ phải đốt đuốc đi tìm kẻ lộng ngôn, xảo ngữ chỉ cần nghe cho mát tai là được sao!
Câu hỏi sau cùng: Trước kia TTTT và DC luôn luôn phản chiến, tại sao bây giờ đồng loạt đòi giữ con em người Mỹ làm gác gian chỗ hiểm, giữ an toàn cho cho Putin và Assad nhảy đầm trong điện Damacus?

Vĩnh Tường

No comments:

Blog Archive