Tuesday, October 29, 2019

"Dân rơm" trồng c


"Năm 2000, Đồng Hới vẫn đang là thị xã của tỉnh Quảng Bình, chưa lên thành phố. Mỗi lô đất 5m mặt tiền đường Ngô Gia Tự mới hình thành, ở phường Nam Lý, rộng tổng cộng 75m2 có giá chừng 45 triệu đồng. Giá đất không cao nhưng người mua, có tiền để mua vẫn không nhiều. Khoảng 5 năm sau, đất khu vực này và nhiều khu khác ở Đồng Hới bỗng tăng chóng mặt. Đến thời điểm này, mỗi lô đã có giá từ 1,8-2 tỉ đồng, tăng vọt 40 lần trong vòng 10 năm, cao ngang ngửa với giá đất ở TP HCM, một trong những nơi đắt nhất nước.

Kinh doanh không mấy phát triển, khả năng sinh lợi của những lô đất mặt tiền này không cao, giá vẫn được đẩy lên điên khùng. Giá nào cũng có người mua. Nguyên nhân chủ yếu, tuy không được đề cập trong bất kỳ một hồ sơ báo cáo hay tài liệu nghiên cứu nào nhưng lại được tất cả người dân sở tại thừa nhận: do những người đi Anh quay trở về... phá giá. Lớp người này được xem là... thừa tiền, thừa luôn cả sự điên rồ.

Năm 2006, có người ở đường Ngô Gia Tự bán một lô đất 300 triệu đồng, bảo là lấy tiền "mua suất" xuất khẩu lao động sang Anh. Khoảng 2 năm rưỡi sau anh ta quay trở về, nằng nặc đòi mua lại chính miếng đất cũ, lúc đó chủ mới đã xây lên một căn nhà đúc 3 tấm, hết tổng cộng 1,1 tỉ. Không có ý định bán, chủ mới ra một cái giá rất tào lao, đến mức vô lý là 3,4 tỉ đồng cả đất lẫn nhà, mục đích để làm nản lòng chủ cũ khiến anh ta từ phải bỏ ý định đòi mua lại.

Không ngờ, ra giá buổi chiều, buổi tối anh chàng kia đã đánh xe hơi đến, chồng tiền ngay, đút giấy tờ nhà đất vào túi áo khoác và cho chủ nhà 3 ngày để... dọn đi! Lại nghe đâu anh ta chê ngôi nhà mới xây không vừa ý, đã có ý định đập bỏ, xây lại, nhưng sợ bị dòm ngó, dị nghị nên mới tạm gác.

Hỏi sang Anh làm gì mà lắm tiền thế, anh này ỡm ờ: "Làm vườn cho ông anh trai. Bên đó "công nhân nông nghiệp" lương cao lắm!". Những tay chơi “có kiến thức trong khu phố, có người cũng từng từ Anh quay về, có người đang rắp ranh tìm đường đi, nghe chuyện chỉ nhún vai cười khẩy: "Vẽ! giang hồ đòi lò đuôi tư sản! Trồng cần sa thì nói đại cho rồi".

Nói vậy nhưng chính đám choai choai này lại lân la tìm anh chàng kia để dò hỏi, nhờ cậy chỉ đường để họ cũng đóng tiền mua một "vé" sang Anh. Ở nhiều tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, nước Anh được xem là xứ "đầu bảng" trong mục tiêu "xuất khẩu lao động". Tiền thế chân, tiền "mua suất" đi Anh luôn cao ngất ngưởng, cao hơn nhiều so với tiền mua đường xuất cảnh lậu sang "xứ vàng" một thời là CHLB Đức (để buôn lậu thuốc lá). Phó Chủ tịch Hội người Việt tại Anh, ông Hoàng Lộc khẳng định: "Việt Nam và Anh chưa có hiệp ước xuất khẩu lao động. Toàn bộ những người này đều đi chui, đều là "dân rơm". Ở Anh, sử dụng lao động bất hợp pháp, chủ sẽ bị luật pháp xử phạt rất nặng nên ít người dám thuê".

Theo ông Lộc, họa hoằn lắm mới có một vài "dân rơm" may mắn xin được một chân bồi bàn, phụ việc vặt hoặc làm nail (móng tay, móng chân) chui, lương theo giờ cao nhất chừng 6-7 bảng. Tính ra có làm quần quật không nghỉ ngày nào, mỗi tuần cũng chỉ được chừng 400-500 bảng Anh. Làm 2 năm, không gặp chút bất trắc, tai nạn nào, họ thu được khoảng 40-50.000 bảng, trừ hết chi phí ăn ở, tiền đi tiền về, có tiết kiệm lắm họ cũng chỉ dành dụm chừng 15.000 bảng (xấp xỉ 500 triệu đồng tiền Việt).

Nhưng bất trắc, với những người không am tường luật pháp nước Anh, không biết tiếng Anh thì cứ gọi là xảy ra như cơm bữa. Bị bắt là mất trắng. Chỉ riêng việc đậu xe không đúng chỗ, chạy xe sai làn đường hoặc không đúng tốc độ quy định cũng đã có thể bị phạt mỗi lần hàng trăm bảng. Định cư đã trên 20 năm như ông Lộc mà những lỗi này vẫn cứ vấp thường xuyên, riêng năm 2009 đã tốn trên 1.000 bảng tiền phạt. "Dân rơm" không muốn ngồi tù vì tội nhập cư bất hợp pháp thì chỉ có nước vứt xe chạy lấy người, mất đứt cả năm lương là cái chắc. Muốn có tiền tỉ mua đất, mua nhà, sang đó họ chỉ có "trồng cỏ" chứ không thể làm gì khác”.

Làm "dân rơm trồng cỏ” ở Anh thu nhập rất cao. Sau khi bán và trừ chi phí, phần tiền lãi sẽ được ăn chia theo ty lệ đã thỏa thuận giữa người làm công với chủ. Tùy quy mô, một trang trại chi phí mỗi mùa hết từ 20.000 - 50.000 bảng để sản xuất được từ 1.000 - 3.000 chậu cần sa, giá thị trường khoảng 200.000 - 500.000 bảng.

Để tồn tại, dù muốn hay không, "dân rơm" ở Anh cũng phải tự biến mình thành tội phạm, liên kết nhau thành những băng đảng giang hồ. Những vườn tài mà đã đích thực trở thành những sào huyệt, còn mỗi "người làm vườn" là một kẻ phạm pháp có băng nhóm luôn mong giữ được thiên lương. Muốn làm giàu nhanh chóng mà vẫn giữ được thân lương thiện, với "dân rơm trồng cỏ”, đó là điều hoàn toàn không tưởng!

lam hồng nguyễn

No comments:

Blog Archive