Sunday, October 20, 2019

Cựu học viên trường Quân Báo Cây Mai họp mặt tại Little Saigon

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

Từ trái, ông Thái Bùi, ông Bùi Văn Phúc và ông Trần Quang Điêu, các thành viên trong ban tổ chức. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

SANTA ANA, California (NV) – Trường Quân Báo Cây Mai được thành lập vào ngày 25 Tháng Mười Một, 1956, dưới sự chứng minh của ông Trần Trung Dung – bộ trưởng Quốc Phòng, và Trung Tướng Lê Văn Tỵ (sau được thăng cấp thống tướng) – tổng tham mưu trưởng quân đội, cùng các tướng lãnh quân đội viễn chinh Pháp và phái đoàn thuộc Bộ Viện Trợ Quân Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Vào trưa Thứ Bảy, 5 Tháng Mười, các cựu học viên của trường Quân Báo Cây Mai VNCH có buổi họp mặt lần đầu tiên tại nhà hàng Majesty ở Santa Ana.

Ông Bùi Văn Phúc, từ San Jose, California về, thành viên trong ban tổ chức cho biết: “Thật ra các cựu huấn luyện viên và học viên trường Quân Báo Cây Mai cũng có nhóm tại Little Saigon vài lần, nhưng chỉ tổ chức trong phạm vi gia đình ở tại tư gia thôi, cho đến bây giờ thì mới tổ chức được rộng rãi hơn.”

“Ngày xưa, tôi là một huấn luyện viên của trường Quân Báo Cây Mai từ những năm 1965-1975. Trước đó, khi quân trường này mới thành lập được phối hợp với ngành Chiến Tranh Chính Trị, thành ra trường có chương trình huấn luyện về tình báo, an ninh và Chiến Tranh Chính Trị, nên tên trường được gọi là trường Quân Báo và Chiến Tranh Tâm Lý. Nhưng sau này, trường không còn huấn luyện về Chiến Tranh Chính Trị nữa, nên từ năm 1961 đổi tên là trường Quân Báo Cây Mai. Sau này, đơn vị 101, một cơ quan tình báo đặc biệt còn có tên Biệt Đội Sưu Tập cũng giao cho những cơ hữu của trường Cây Mai huấn luyện tại Căn Cứ 49 ở Vũng Tàu,” ông Phúc cho biết thêm..
Cựu Trung Tá Nguyễn Vĩnh Thiệp, đơn vị trưởng cuối cùng của trường Quân Báo Cây Mai. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Doanh trại của quân trường này trước kia là đồn Cây Mai nằm trong vùng Chợ Lớn, Sài Gòn, được tạo dựng từ thế kỷ 19, cũng là căn cứ cuối cùng trấn giữ của quân Pháp tại Việt Nam, nơi đây cũng đã nổ ra nhiều trận địa từng gây nhiều thương vong cho nhiều chiến sĩ Việt Nam. Trên đỉnh đồi của quân trường này có một cây mai, hoa trắng do phái bộ ngoại giao dưới thời vua Minh Mạng mang từ Trung Hoa về. Cây bạch mai này cho đến năm 1967 vẫn còn sống. Chỉ huy trưởng đầu tiên là cố Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Phước.

Từ năm 1961, trường Quân Báo Cây Mai, chỉ huy trưởng là Thiếu Tá Phạm Văn Sơn, bắt đầu mở những khóa huấn luyện về tình báo chiến trường (Field Operation Intelligence, hay FOI), tình báo địa phương,… do Biệt Đội Sưu Tập phối hợp tổ chức với các huấn luyện viên Hoa Kỳ, giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Việt.

Khóa 1 gồm 16 sĩ quan, khóa 2 gồm 25 sĩ quan, và các khóa kế tiếp về sau được đưa đi học tại Okinawa, Nhật Bản. Sau này, vì nhu cầu chiến tranh, nên các sĩ quan được thụ huấn tại trường Cây Mai, và còn nhận thêm những khóa sinh cấp bậc hạ sĩ quan và những nhân viên thuộc những đơn vị ngành an ninh, tình báo tại những quân khu, tiểu khu và các quận.
Các cựu học viên Khóa 33 ngành Không Ảnh, trường Quân Báo Cây Mai. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Trần Quang Điêu, từ San Jose về, cũng là thành viên trong ban tổ chức, kể rằng: “Tôi là cựu học viên sĩ quan trường Quân Báo Cây Mai năm 1970. Sau khi ra trường, tôi được quân trường nhận tôi ở lại làm cơ hữu của trường, nhiệm vụ của tôi là huấn luyện viên phòng Quân Báo. Khi Cộng Sản mới vào chiếm Sài Gòn, tôi bị Cộng Sản bắt ở tù hết trên sáu năm. Năm 1990, gia đình tôi được định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O.3.”

Mục tiêu của công tác tình báo là cung cấp cho các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm về chính trị và quân sự những thông tin cần thiết về mọi khía cạnh, đặc biệt là về ý đồ của phe địch để họ có thể kịp thời đối phó và chiến thắng đối phương. Do đó, chức năng chính yếu của công tác tình báo bao gồm ba lĩnh vực chính là: Thứ nhất, thu thập tin tức về địch; thứ nhì, phân tích/tổng hợp và đánh giá tin tức về địch; thứ ba, khai thác tin tức, gồm suy đoán ý đồ của địch và tiên đoán hành động của địch.

Ngoài ra, chức năng chính yếu của công tác tình báo cũng bao gồm luôn cả những lĩnh vực như bảo vệ an ninh, đề phòng sự xâm nhập của địch vào trong hệ thống của mình; ngụy tạo tin tức để che giấu ý đồ và đánh lừa địch.
Từ trái, ca sĩ Danvy, bà Ngân Nguyễn, cựu chỉ huy trưởng Trung Tá Nguyễn Vĩnh Thiệp, và cựu chỉ huy phó Trung Tá Nguyễn Văn Dẫu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Để đạt được những mục tiêu trên, đơn vị 101 cũng được ra đời. Ông Lưu Anh Dũng, hội trưởng Hội Ái Hữu 101 Nam California, tâm tình: “Ban tổ chức có nhờ tôi giúp để tổ chức buổi họp mặt hôm nay, vì phần nhiều những thành viên trong ban tổ chức này là cư dân ở San Jose. Ngày xưa, các học viên trong đơn vị 101 học tại Căn Cứ 49 Vũng Tàu, các huấn luyện viên cũng từ quân trường Quân Báo Cây Mai đến dạy cho chúng tôi. Nhưng sau đó, tất cả nhân viên thuộc đơn vị 101 đều về học tại trường Cây Mai. Đơn vị cuối cùng của tôi là đơn vị 101 tại Cần Thơ.”

Từ ngày thành lập 25 Tháng Mười Một, 1956, đến ngày 20 Tháng Tư, 1975, trường Quân Báo Cây Mai đã huấn luyện và đào tạo trên dưới 100,000 học viên cho các quân, binh chủng trong Quân Lực VNCH. Nhiều học viên đã giữ những chức vụ quan trọng như Thiếu Tướng Lê Quang Lưỡng, tư lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù; Thiếu Tướng Vũ Văn Giai, tư lệnh Sư Đoàn 3 Bộ Binh; Đề Đốc Diệp Quang Thủy, tư lệnh phó Hải Quân VNCH, và còn nhiều người khác.

Đơn vị trưởng cuối cùng của trường Quân Báo Cây Mai là cựu Trung Tá Nguyễn Vĩnh Thiệp cũng có mặt trong buổi họp mặt, ông nói: “Tôi làm việc tại trường Quân Báo Cây Mai từ 1970 đến 1975. Vì tôi là chỉ huy trưởng của quân trường nên tôi không thể rời khỏi quân trường khi Cộng Sản bắt đầu đánh chiếm Sài Gòn. Vấn đề mất nước thì anh em chúng tôi đã biết trước cả tháng, nhưng vì tinh thần trách nhiệm nên chúng tôi phải ở lại cho đến giờ phút cuối cùng. Cũng vì thế, tôi bị Cộng Sản giam cầm tôi rất nhiều năm tại nhiều trại tù tại Bắc Việt.”
Ông Nguyễn Hữu Của từ San Diego về dự buổi họp mặt. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Nguyễn Hữu Của, từ San Diego về, tốt nghiệp ngành Quân Báo 1969, kể: “Đơn vị đầu tiên của tôi là Sĩ Quan Quân Báo của Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Đơn vị cuối cùng của tôi là thành viên trong Ủy Ban Liên Hợp Quân Sự Hai Bên (VNCH và Cộng Sản Việt Nam). Nhiệm vụ của Ủy Ban này là sau khi Hiệp Đinh Paris đã ký kết thì chúng tôi, những người trong Ủy Ban gồm đại diện của chính phủ VNCH; Hoa Kỳ; Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và chính quyền Hà Nội ngồi lại với nhau để thi hành Hiệp Định Paris. Đầu tiên, hiệp định này gồm bốn bên, đó là chính quyền VNCH; Hoa Kỳ; Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Hà Nội. Sau này chỉ còn hai bên là VNCH và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.”

Bà Ngân Nguyễn, cựu thư ký phòng điều hành của trường Quân Báo Cây Mai, cũng là mẹ của cô Danvy, một tiếng hát rất dễ thương tại Little Saigon, kể: “Tôi làm việc tại trường Quân Báo Cây Mai từ năm 1972 đến năm 1975, nhiệm vụ của tôi thông thường là đánh máy chữ những hồ sơ của các khóa sinh và nhiều công việc khác nữa. Khi Cộng Sản chiếm miền Nam, vì tôi không phải là quân nhân mà là công chức thuộc Bộ Tổng Tham Mưu, nên tôi không bị Cộng Sản giam cầm. Tuy nhiên, tôi vẫn bị họ cho đi học sáu ngày ở trường Mạc Đĩnh Chi. Rồi sau đó, tôi bị họ nhốt tôi hết tám ngày ở trường Quốc Việt.”
Chương trình văn nghệ vui nhộn. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Huỳnh Minh Mẫn, cựu học viên Khóa 33 Không Ảnh, trường Quân Báo Cây Mai, cho biết: “Ngành Không Ảnh của chúng tôi chuyên nghiên cứu những tài liệu về Không Ảnh do Không Quân chụp được rồi giao cho chúng tôi để tìm tòi những những tang vật hay địa thế đóng quân của địch, và chúng tôi còn nghiên cứu nhiều tài liệu bằng hình ảnh bảo mật khác.”

Những sĩ quan cao cấp đã bị đọa đày và chết trong trại tù Cộng Sản có Đại Tá Phạm Văn Sơn và nhiều người khác. Sĩ quan đã tuẫn tiết có Trung Tá Nguyễn Định Chi, phó Sở 3 An Ninh Quân Đội, tuẫn tiết ngày 30 Tháng Tư, 1975, tại Cục An Ninh Quân Đội Sài Gòn. Tù Cộng Sản 16 năm như các Trung Tá Nguyễn Dưỡng, Nguyễn Văn Hiếu… và hàng ngàn học viên khác đã vị quốc vong thân, làm rạng rỡ quân trường mẹ đã đào tạo.

Buổi họp mặt tuy kéo dài suốt trên hai tiếng đồng hồ, nhưng không có nhiều lời phát biểu, ngoài lời khai mạc ngắn gọn của ban tổ chức và lời tỏ tình của cựu Trung Tá Nguyễn Vĩnh Thiệp. Rồi sau đó, tiệc mừng họp mặt và chương trình văn nghệ cũng diễn ra trong tình thân mật và cởi mở. (Lâm Hoài Thạch)

No comments:

Blog Archive