Thursday, October 17, 2019

Một ngày trên Hàng Không Mẫu Hạm

Từ đầu năm 2018 đến nay, 300 phi công Pháp đã được gởi đi giao lưu huấn luyện tại Hoa Kỳ. Stéphane Gallois, phóng viên báo L’édition du soir, được hân hạnh đến gặp các phi công Pháp trên Hàng không mẫu hạm USS Bush ngoài bờ biển Virginia.
https://baotreonline.com/tre_assets/uploads/2019/10/mot-ngay-tren-hang-khong-mau-ham7.jpg
Hàng không mẫu hạm George H. W. Bush  
     
5 giờ sáng trên Hàng không mẫu hạm USS George H. W. Bush, một trong số 11 Hàng không mẫu hạm mới nhất vận hành bằng nguyên tử năng của Hoa Kỳ. Hành lang của các dãy phòng ngủ trên tàu vẫn còn yên ắng, các phi công và thủy thủ không trong ca trực vẫn còn đang ngơi nghỉ. Tuy nhiên, đó đây trên Hàng không mẫu hạm, một số hoạt động vẫn được duy trì, đặc biệt là nhà bếp đang nhộn nhịp chuẩn bị 15,000 phần ăn để phục vụ thủy thủ đoàn trong ngày.

Trên boong tàu, vầng thái dương đã ló dạng nơi đường chân trời, và không khí nóng dần lên: toàn bộ khối lượng thép khổng lồ dài 330 mét tỏa hơi nóng mà nó tích giữ trong ngày hôm trước. Trong chốc lát nữa, khi Hàng không mẫu hạm tăng tốc độ để tạo thuận lợi cho các phi vụ, nhiệt độ sẽ dễ chịu hơn.

Các phi công Pháp thức dậy sau một đêm nghỉ ngơi ngắn ngủi. Trong thời gian thực tập để được cấp giấy chứng nhận vận hành chiến đấu cơ trên Hàng không mẫu hạm (Qualification Porte-avions), các phi công trẻ có một ngày thật sự bận rộn để chứng minh đủ tiêu chuẩn lái chiến đấu cơ Rafale. Ðây cũng là trường hợp của Trung úy Brian, một phi công Hải quân người Pháp lái chiến đấu cơ F-18 của Hoa Kỳ thuộc phi đội 17F Landivisiau từ một năm nay. Sau nhiều tháng tập luyện trên phi cơ Rafale, đây là lần đầu tiên Trung úy Brian cất và hạ cánh chiếc máy bay chiến đấu của Pháp trên Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ trong tuần này.
https://baotreonline.com/tre_assets/uploads/2019/10/mot-ngay-tren-hang-khong-mau-ham6.jpg
Chiến đấu cơ Rafale của Pháp trên boong tàu.

10 giờ sáng: cuộc họp chuẩn bị đầu tiên trong ngày.
“Cuộc họp buổi sáng cũng là lần đầu tiên các phi công gặp gỡ nhau”, Trung tá Vincent, chỉ huy phi đội chiến đấu Hải quân (commandant de la flottille) cho biết. Cuộc họp được chủ tọa bởi vị sĩ quan điều khiển chiến đấu cơ cất và hạ cánh trên Hàng không mẫu hạm, từ boong tàu. “Nội dung cuộc họp: nhắc nhở thủ tục phóng máy bay trong các điều kiện về thời tiết khác nhau trong ngày nhằm tính toán khối lượng tối đa cất, hạ cánh và sự lựa chọn phương pháp tiếp cận tối ưu…” Mọi thứ được trình bày theo từng chi tiết nhỏ nhất… Thế mà cuộc họp chỉ kéo dài không quá 60 phút.

Lúc 11 giờ, các phi công quay trở lại máy bay của mình. Sau khi được chuẩn bị mọi thứ bởi các đội kỹ thuật, máy bay được đưa lên boong tàu bằng thang máy bên mạn phải, từ nhà chứa máy bay.

Phi cơ được bơm đầy đủ nhiên liệu, phi công an vị trong phi cơ, mọi chuẩn bị cho chiếc phi cơ đầu tiên cất cánh trong ngày phải hoàn tất lúc 11 giờ 30. Trong thời gian huấn luyện, đào tạo, hoạt động vận hành máy bay diễn ra từ 12 giờ trưa đến 12 giờ khuya, và toàn bộ hoạt động cũng như đời sống trên Hàng không mẫu hạm được tổ chức theo nhịp điệu này.
https://baotreonline.com/tre_assets/uploads/2019/10/mot-ngay-tren-hang-khong-mau-ham5.jpg
Đồng phục bay của phi công Pháp trên Hàng không mẫu hạm 

12 giờ: chiến đấu cơ đầu tiên được phóng đi.
Ðộng cơ của những chiếc Rafale made in Pháp đang gầm gừ bên cạnh những chiếc F/A-18 của Hoa Kỳ trong khi cánh quạt của những máy bay trinh sát nhồi nắn không khí nóng nặng mùi nhiên liệu bị đốt cháy. Ðây là bước đầu tiên của điệu nhảy 3 chiều kéo dài đến tận nửa đêm.

Theo lịch trình hoạt động trong ngày, phi công Pháp, Brian, có 4 lần hạ cánh. “Ðể đạt tiêu chuẩn phi công chiến đấu trên Hàng không mẫu hạm, một phi công phải thực hiện thành công 10 lần hạ cánh vào ban ngày và 6 lần vào ban đêm. Thông thường, nội dung thực hành này được thực hiện trong vòng từ 2 đến 3 ngày”, Trung tá chỉ huy Vincent cho biết.

Ðược hướng dẫn bởi các nhân viên phối hợp cất cánh trên boong, chiếc Rafale di chuyển đến 1 trong 2 máy phóng (catapulte) nằm ở đường băng phía trước. Lệnh phóng được phát ra nhanh chóng và được phi công thực hiện lập tức nhằm tránh va chạm với một chiếc phi cơ khác đang di chuyển trên boong.
https://baotreonline.com/tre_assets/uploads/2019/10/mot-ngay-tren-hang-khong-mau-ham4.jpg
Một chiến đấu cơ di chuyển trên boong tàu

Vài giây chờ đợi, thời gian để cho phi cơ được máy phóng bênh cạnh phóng đi, và để trao đổi tín hiệu với người điều khiển máy phóng (catapulteur). Mũ bay của phi công tiếp xúc vừa vặn với cái tựa đầu nhằm chịu được sự tăng tốc, và… phi cơ phóng tới như mũi tên. Và 2 giây sau, cách đó chưa đầy 100 mét, con chim sắt nặng 10 tấn bay với tốc độ 250 km / giờ phía trên các lượn sóng biển xanh biếc.

Việc cất cánh không mấy khó khăn. Cái khó nhất tập trung ở kỹ thuật và thao tác hạ cánh: phải làm sao đưa phi cơ trở về đường băng dài chỉ có 200 mét, với ‘sự trợ giúp giảm tốc độ’ của 3 sợi dây kéo cho phi cơ dừng lại, trong khi phi công nhấn hết ga động cơ để bảo đảm con chim sắt có thể tung cánh lên bầu trời trở lại trong trường hợp hạ cánh (appontage) thất bại. Các phi công trên Hàng không mẫu hạm thường nói:  “Ðây không phải là môn thể thao mà ai cũng chơi được”.
https://baotreonline.com/tre_assets/uploads/2019/10/mot-ngay-tren-hang-khong-mau-ham3.jpg
Nhà chứa máy bay trên Hàng không mẫu hạm

14 giờ: trở về phòng họp.
Sau 2 giờ thực hành, phi công Brian về phòng họp mà thực chất là cuộc phỏng vấn do vị sĩ quan phụ trách huấn luyện cất hạ cánh đặt câu hỏi. Vị sĩ quan này đã quan sát, ghi chép và nhận xét mỗi lần hạ cánh của phi công Pháp để đưa ra lời khuyên cho lần thực hành tiếp theo mà phi công cần phải ‘tiêu hóa’ trong khi xem các dữ liệu và video quay lại diễn tiến cất và hạ cánh trên đường băng dài 200 mét của Hàng không mẫu hạm.

Vài phút thư giãn. Sau đó là dùng bữa tối tại chuỗi nhà hàng dành cho các sĩ quan. Tiếp theo là các chuyến bay đêm. Cũng như buổi sáng, một cuộc họp kéo dài khoảng 60 phút để chuẩn bị và nhắc nhở tính chất đặc thù của các hoạt động ban đêm: “Các máy phóng có khoảng cách xa hơn và đường bay vòng cũng dài hơn”.
https://baotreonline.com/tre_assets/uploads/2019/10/mot-ngay-tren-hang-khong-mau-ham2.jpg
Một chiến đấu cơ Rafale chuẩn bị cất cánh

8 giờ tối: phóng chuyến bay đêm đầu tiên.
7 giờ tối, phi công quay trở lại đường băng trên boong tàu. Mục tiêu của Trung úy Brian tối nay là thực hiện thành công 2 lần hạ cánh vào ban đêm. Phi công phải qua 4 lần hạ cánh ban đêm để được công nhận danh hiệu “chim cú”, tức đủ tiêu chuẩn để bay đêm.

Trên boong tàu bây giờ là những vũ điệu ba lê của những con ‘đom đóm’. Các nhân viên phối hợp cất cánh, được trang bị mỗi người một cây gậy phát quang, điều khiển các máy bay di chuyển trên đường băng, tất cả đèn của phi cơ đều tắt. Tiếng gầm gừ và hơi nóng từ các động cơ phản lực càng ấn tượng hơn vào ban đêm, và gió dường như cũng mạnh lên.
https://baotreonline.com/tre_assets/uploads/2019/10/mot-ngay-tren-hang-khong-mau-ham1.jpg
Thủy thủ đoàn dùng bữa tại nhà hàng trên tàu

Ðối với Trung úy phi công Pháp, Brian, các bài tập kéo dài đến 22 giờ 30, là thời điểm mà anh ta giao phi cơ lại cho các kỹ thuật viên, để dự cuộc họp cuối cùng trong ngày. Anh chỉ có thể thư giãn, nghỉ ngơi sau 12 giờ đêm!

Một sự yên tĩnh tương đối trên Hàng không mẫu hạm vì ban đêm cũng là thời gian bảo dưỡng các thiết bị phục vụ bay và mọi người được khuyên sử dụng nút bịt lỗ tai nếu muốn được hoàn toàn yên tĩnh nghỉ ngơi.

Trên Hàng không mẫu hạm, những thủy thủ, các phi công không bay và những nhân viên không trong ca trực hưởng thụ những tiện nghi trên Hàng không mẫu hạm: chơi thể thao, xem phim trong phòng chiếu cạnh nhà hàng, hoặc ngồi quanh bàn chơi bài hay nhâm nhi ly nước không cồn tại Texan Café. Quy định của Hải quân Hoa Kỳ là không được uống thức uống có cồn trên tàu. Chuỗi nhà hàng trên Hàng không mẫu hạm George H. W. Bush là nơi giải trí của khoảng 3,700 thủy thủ, phi công và nhân viên.
https://baotreonline.com/tre_assets/uploads/2019/10/mot-ngay-tren-hang-khong-mau-ham.jpg
Giải trí trên tàu

ĐDH
Lewisham NSW
(Theo L’édition du soir – nguồn ảnh: internet)

No comments:

Blog Archive