Monday, October 14, 2019

Những ngày xưa thân ái

Tôi thi đậu vào trường Nguyễn-Đình-Chiểu đúng vào dịp Mỹ-Tho được vinh-dự tổ chức ‘’cuộc đấu xảo nông nghiệp cho toàn quốc ‘’

Thành phố Mỹ-Tho vốn nổi tiếng là đẹp, lại được chỉnh-trang để đón du khách nên càng thêm lộng-lẩy .

Thiên hạ từ khắp nơi, nhất là từ các tỉnh lân-cận Kiến-Hoà, Long-An, Vĩnh-Long ...nườm nượp đổ về để xem đãu xảo các đặc sản : cam Cái-Bè, bưởi Biên-Hoà, quít Sa-Đéc, vú sửa Cần-Thơ, bòn bon Cái-Mơn, mãng cầu Gò-Công, sầu riêng, măng cụt Thủ-Dầu-Một, mận Trung-Lương, dừa Bến-Tre, khóm Bến-Lức ..v.v .
Đặc biệt , năm đó một số voi từ Tây-Nguyên được đưa về để giúp vui cho cuộc triển lảm và 100 em đổ đầu vào Nguyễn-Đình-Chiểu ( trong đó có tôi ) được thưởng cho cởi voi.

đàn voi Tây Nguyên

Cứ 10 chú nhóc được chất lên bành bằng mây đặt trên lưng voi. Cuộc đua voi bắt đầu từ khán đài Hùng-Vương, đến đài Chiến-Sĩ Trận Vong thì trở về khởi điểm. Voi tuy to lớn nhưng chạy cũng rất nhanh. Tôi đã từng chứng kiến voi của người bán cù-là dạo dùng chân dẩm nát gáo 1 trái dừa khô, nên thoạt đầu cũng hơi ngán, nhưng rồi nhờ thích thú, pha chút niềm hảnh-diện nên điều lo rồi cũng qua đi.

Tôi vốn từ Xứ Cam lần đầu tiên xuống tỉnh học, nên gì cũng lạ. So với trường ở quê tôi thì trường Nguyễn-Đình-Chiểu thật khang-trang, vĩ-đại.

Trước kia, ở bậc tiểu-học, mỗi lớp do một Thầy hay Cô phụ trách tất cả, nay thì mỗi môn học lại do một Giáo-Sư riêng giảng dạy.
trường Nguyễn Đình Chiểu

Đến nay, đã gần nửa thế-kỷ tôi chỉ còn nhớ được vài vị Giáo-Sư như:Thầy Hoành thật hiền dạy Pháp-văn. 

Thầy Thuận tuy nghiêm-nghị nhưng dạy Việt-văn thật hay, chỉ sau một niên học với Thầy, chúng tôi hầu như không còn trật chính tả.

Thầy Hoá dạy toán, bắt học sinh phải viết những con số thật kỹ-lưỡng, dẩu làm toán đúng mà viết số hơi ẩu ( Thầy gọi là số anh-em ) thì vẫn lảnh con số không.

Đặc biệt nhất phải nói là Thầy Ninh dạy nhạc, Thầy có nét chữ đẹp như rồng bay, phượng múa, ngoài ra ở Thầy luôn toát ra cái gì thật gần-gủi nhưng cũng thật đáng tôn kính.

Tôi vừa giả từ chiếc quần xà lỏn để thay bằng bộ đồng phục quần tây, áo sơ-mi với phù hiệu Trung Học Nguyễn-Đình-Chiểu và đôi giày Bata trắng, tự cảm thấy mình có vẻ lơn lớn nên trong những giờ chơi không còn nô đùa như khi còn ở Tiểu-Học.

Dù vậy, ở lớp học cũng có những lúc thật vui nhộn, như một lần học giờ Lý-Hoá, Thầy K. có lẻ gốc người Quảng-Bình, Quảng Trị gì đó, có lối phát âm thật nặng. Thầy gọi kiểm bài bạn tôi :’’ Thái-Văn- A đem vở lên ‘’, nhưng thay vì vở Thầy phát âm là vợ. Thế là xóm nhà lá ở cuối lớp nhao nhao lên :’’nó chưa có vợ Thầy ‘’ , Thầy đỏ mặt tía tai cố phát âm chữ vở nhưng không thành công, cuối cùng phải cầm quyển vở của một anh ở đầu bàn quơ quơ lên, trong khi đó tiếng cười hí hí, hố hố ...vang lên trong lớp.

Năm đầu của bậc Trung-Học, tôi ở trọ nhà một người bà con ở đường Trưng-Trắc, một con đường thật sầm uất với nhiều tiệm đồng hồ, tiệm làm răng, tiệm vải, tiệm đóng giày, tiệm may nổi tiếng và nhất là những kiosques dọc bờ sông Bảo-Định bán đủ loại thức ăn về đêm như bánh tiêu, dầu-cháo-quẩy, bánh bò, bánh gan, phở, bánh cuốn, hủ tiếu, cháo Tiều, nem nướng, nước giải khát ... .

Ngoài ra đường Trưng-Trắc còn có rạp chiếu bóng Định-Tường thật tối tân trang bị máy điều hoà không khí, chuyên chiếu những phim Âu-Mỹ.

Nơi tôi ở trọ là một căn nhà thật lớn, mặt tiền nằm trên đường Trưng-Trắc, mặt sau thì nằm trên đường Phan Văn Hùm có quán bóng bàn Châu-Diều.

Mặt trước của nhà dùng làm tiệm trồng răng và tiệm bán đồng hồ. Chủ nhà là một nha công hành nghề theo lối cha truyền con nối. Những khi rảnh rổi, tôi cũng giúp ông đôi chút việc lặt vặt như đạp ống bể, đánh bóng răng ... .bù lại thỉnh-thoảng ông đải tôi khi thì ly sinh tố, ly chè sâm bổ lượng, khi thì dĩa bánh cuốn hay tô hủ tiếu. Đôi khi còn cho tôi tháp tùng đi câu cá bông lau ở gần cù lao Rồng.

Cùng ở trọ với tôi còn có 3 người đẹp. Một cô trạc tuổi tôi, học trường Bán Công Thiên-Hộ-Dương, 2 chị lớn hơn thì học đệ nhị cấp Lê-Ngọc-Hân. Cô trẻ thì ngủ chiếc ghế bố riêng, còn hai bà chị thì cùng ngủ trên một chiếc giường thật lớn và bắt tôi làm cục nhưn.

Số là, nghe nói nhà có ma vì trước kia có người treo cổ tự tử, thế là các bà hơi sợ ma. Chuyện đời nghĩ cũng lạ, đã sợ ma nhưng lại ham coi phim ma: ma cà rồng, người mặt sáp, con quỷ ở đường nhà xác, quỷ nhập tràng ... v . v . các bà chị đều đi coi, dỉ nhiên là bao cả cho tôi 1 vé để theo làm thần hộ mạng. Tối về còn hối lộ cho tôi chè, cháo ăn để cùng thức cho đở sợ, nhưng tôi vốn vô tư nên ăn xong cứ ngủ chỏng cẳng, báo hại mấy bà chị chắc lúc nào cũng nơm nớp về cô ma treo cổ.

Tội nghiệp mấy Chị học thật chăm, nhưng khi tôi mò lên đến đại học, vẫn chưa ai qua được cái ải tú tài ( có lẻ học không vô vì sợ ma chăng ?) .

Tôi vốn hiếu động, hồi còn ở quê thì có vô số thú tiêu khiển: đi săn chim, chồn, chuột; câu cá, câu tôm, câu rắn; thả diều; đá dế; đá cá lia thia; đá banh; học vỏ; chia phe đánh nhau kiểu cờ lau tập trận nhưng với vũ khí gươm, súng bằng cây ...

Sống ở Mỹ-Tho, tôi phải từ giả hầu hết những thú vui trên mà chỉ còn tiếp tục được chơi đá banh, nhưng hơi khác là đá bằng banh da thiệt chớ không bằng những trái bưởi như hồi còn ở quê.

Hồi này , do đường lối của Bộ Giáo-Dục, trường Nguyễn-Đình-Chiểu lại được Thầy Dậu phụ trách nên phong trào thể dục, thể thao phát triển thật rầm-rộ. Lớp nào cũng có đội banh thao dượt ráo riết để tranh giải cuả từng cấp ( đệ I và đệ 2 cấp ) .
Tôi cũng có chân trong đội bóng của lớp, nhưng sau mẹ tôi cấm vì sợ tôi bị gảy chân nên chỉ còn biết hò hét, vổ tay cổ vỏ gà nhà ở mỗi trận đãu.

Không được đá banh thiệt, tôi bèn xoay qua đá banh bàn, thục bi-da và đánh bóng bàn ở quán bóng bàn Châu-Diều.

Quán bóng bàn Châu-Diều cách nhà tôi trọ học chỉ vài mươi thước. Ông chủ và 2 cô gái đều là cao thủ bóng bàn, nhất là cô út vừa xinh, vừa giỏi nên thu hút vô số chàng trai đến giải trí và mong rắp ranh bắn sẻ. Riêng tôi, chỉ mê chơi thôi nhưng cũng đã nướng hết tiền 1 năm học bổng. 
Mẹ tôi thật buồn bảo :’’mày không thương tao, nhà mình nghèo ... ... ... ‘’. 
Tôi hối hận, giả từ bi-da , banh bàn từ đó.
Tuy nhiên , tôi vẫn thường xuyên có mặt ở quán Ông Châu-Diều, vì hồi này, trước khi đi dự Á Vận Hội ở Mả-Lai, các danh thủ như Mai-Văn-Hoà, Đức, Inh ...đều phải dự cuộc tuyển chung kết ở quán C.D và năm đó Việt-Nam đã xuất sắc ở Á Vận Hội với những chiếc huy chương về bóng tròn và bóng bàn.

Tuổi trẻ của tôi thật hiếu động, nên khó chấp nhận chỉ học võ hàm thụ ( luyện chưởng ) hoặc dự khán các trận đãu, do đó tôi lại xoay sang môn thể dục miễn phí khác: tắm sông.

Ở quê tôi, có một nhánh của sông Tiền chảy ngang nên chúng tôi biết bơi rất sớm. Lúc đầu thì ôm bộp dừa nước, cây chuối, trái dừa điếc, lội trong ao, trong lạch, rồi mò dần ra sông và bơi tuốt qua sông.
tắm sông

Việc bơi lội lúc đầu cũng không suông-sẻ lắm, phải lén lút và mỗi lần bị bắt quả tang đều ‘quíu đít ‘, vì tôi là con trai duy nhất, Mẹ tôi sợ tôi bị chết chìm không ai nối dỏi tông đường. 

Tuy nhiên, dù ăn đòn cũng khá nhưng tự ái của con trai ‘’đâu thể thua chúng bạn ‘’nên tôi luôn nhập cuộc trong các lần tắm sông hái bần, cút bắt, bơi đua ...và trở thành tay bơi có hạng.

Rồi dịp may đến, một hôm Mẹ tôi đải đậu ở bờ sông, không biết lo nghĩ gì mà lơ đểnh để thúng đậu trôi đi, Mẹ tôi luống cuống vì không biết bơi, may thay tôi ở cạnh bèn phóng xuống sông lội theo vớt thúng đậu lại cho Mẹ tôi. Thế là từ đó tôi được phép tắm sông.

Ở Mỹ-Tho, lúc đầu tôi tắm ở công viên có chiếc tàu Nhật bị Đồng Minh đánh chìm trong thời đệ 2 thế chiến, về sau nơi này bị Toà Tỉnh Trưởng cấm tắm, chúng tôi phải lên tận Cầu Dầu để tìếp tục. Tôi có thằng bạn học giỏi nhất lớp, đẹp trai, con nhà khá giả, gì cũng hơn tôi nhưng 2 đứa luôn như hình với bóng, do đó suốt bậc Trung Học, 2 đứa sáng nào cũng vui đùa với sóng nước.

Cũng trong thời bơi lội nơi có chiếc tàu Nhật chìm, tôi có dịp quan sát một đơn vị Hải-Quân ( Hải-Đoàn 21 Xung Phong ), cộng thêm hình ảnh Thầy Hải-Quân Trung-Uý Vũ-Xuân-An đi dạy toán ở N.Đ.C với bộ quân phục short trắng thật đẹp, cùng hình ảnh những người lính thuỷ dạo phố trắng phố phường, trông cũng hay hay ...mà sau này tôi đã khước từ Quân Y, bỏ Quốc Gia Hành Chánh, giả biệt giảng đường Khoa Học để chọn ‘’một ngành học uyên-bác, một nếp sống hải hồ ‘’.
TTHL/HQ/NT

Không biết đây có phải là một sự chọn lựa đúng vì tôi đã được thoả mộng đi khắp cùng đất nước hay đây là sự lầm nghề như trong đêm đầu của 1 tháng huấn nhục khoá đàn anh bắt chúng tôi gào thật to :

’’ôi bể cả giờ đây ta mới biết , 
mộng hải hồ giết chết cuộc đời ta ‘’ 
hay đây chỉ là sự an bày của mệnh số, để sau này khi đi tù cải tạo ra, dù trắng tay tôi cũng có phương tiện sang được xứ người .

Năm đầu của N.Đ.C, việc học chưa có gì gấp rút nên tôi có được thật nhiều thời giờ rảnh rổi để đi thăm viếng đó đây.
Khi thăm vườn mận Trung-Lương, tôi được bà chủ vườn thật tốt bụng cho ăn thử mỗi gốc mận chỉ 1/4 trái thôi, tưởng bở, nhưng chỉ sau mươi phút tôi đành chịu thua vì bụng không còn chỗ chứa.
Cồn Phụng và Ông Đạo Dừa 

Rồi qua Cồn Phụng viếng nơi tu hành của Ông Đạo Dừa Nguyễn-Thành-Nam, nơi có chiếc thuyền bát nhả kiến trúc thật độc đáo với những cây kiểng hình nai, phụng ... ...cắt tỉa thật công phu, những chiếc đỉnh chạm trổ bằng sành, sứ tuyệt đẹp.

Đôi lần tôi viếng chùa Vĩnh-Tràng, một ngôi chùa cổ có cổng tam quan kiến trúc thật tinh xảo với pho tượng Hoà Thượng Minh-Đàm người có công trùng tu kiểng chùa.
Chùa Vĩnh Tràng

Tôi đã từng có dịp viếng một số ngôi chùa khác, nhưng chùa Vĩnh-Tràng vừa là một tuyệt tác của ngành kiến trúc, vừa có cảnh trí rất u-nhả, quả xứng đáng là một thắng tích nên được du khách vô cùng mến mộ.

Rồi những buổi trưa hè nóng nực, chúng tôi dăm đứa bạn, khi thì bằng xe đạp, khi thì thuê 1 chiếc đò nhỏ thả dọc theo dòng sông Bảo-Định ( con sông mà dưới triều Gia-Long năm 1819, hai Ông Bửu-Thiện-Hầu Nguyễn-Văn-Phong, Vân-Trường-Hầu Nguyễn-Hữu-Vân cùng 9.679 dân, quân đã ra công đào, vét để con sông được lưu thông tốt như ngày nay ) sang vườn mía phía bên kia sông đối diện với xưởng đóng xe Á-Đông của Thầy Hài để thưởng thức những cây mía tây ngọt lịm.
mía tây

Dòng đời lặng-lẻ trôi, đã gần 1/2 thế kỷ qua, bạn bè của năm đầu N.Đ.C chỉ còn liên lạc được dăm ba đứa: đứa còn ở V.N, đứa tận xứ Úc xa xôi, đứa ở Hoa-Kỳ, và tôi ngụ ở xứ có cái tháp Eiffel. Đứa nào nay cũng là Nội, Ngoại cả, nhưng vẫn mày, tao thân thiết như thủa nào của những ngày xưa thân ái.
Tôi đã xa quê hương khá lâu, không biết nền giáo dục nhân bản ‘’trọng Sư, mến Bạn, phát triển trí tuệ song hành với đạo đức ...’’giờ có còn tồn tại không?. Tôi nghĩ có lẻ nhờ được trui rèn, un đúc trong nền giáo dục đó mà ngày nay, dù ở phương trời nào chúng ta cũng không bao giờ quên Thầy xưa, Bạn cũ cùng những kỹ-niệm êm đềm của tuổi học trò.

Paris, Thu 2004.
T.K.D

No comments:

Blog Archive