Tết Sum Họp
Ông Benjamin Franklin, một trong những vị khai sinh ra Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, từng có câu nói nổi tiếng, “Tình bạn chân thật là tài sản quý giá nhất" (A true friend is the best possession), ngẫm lại quá đúng về trường hợp của vợ chồng nhà Steele với gia đình tôi.
Từ kẻ ban ân và người thọ ân chuyển sang tình bạn, bền vững thắm thiết đến mấy chục năm, tôi luôn cảm thấy sự nối kết của chúng tôi thật là “không bút mực nào tả xiết.” Bởi thế, dù đã từng kể về tình bạn đẹp đẽ này trong những bài trước, tôi vẫn còn nhiều điều để viết thêm.
Dịp lễ Thanksgiving vừa qua, Carol điện thoại thăm hỏi, chúc tụng chúng tôi và ngỏ ý muốn cùng John xuống San Jose ăn Tết với gia đình tôi.
Không thể nào diễn tả hết được nỗi vui mừng của tôi khi được tin này. Vùng ký ức của hơn bốn mươi năm trước lại thênh thang, sống động hiện ra trong đầu làm tôi bồi hồi xao xuyến. Khi Saigon hỗn loạn trong cơn thất thủ, gia đình tôi may mắn thoát nạn và đến được trại tỵ nạn Fort Chaffee, tiểu bang Arkansas nhưng trong lòng thật cô đơn và lo lắng vì không có bà con thân thuộc ở nước ngoài. Nhờ Trời run rủi, tình cờ một người Mỹ làm việc trong trại đã giúp tôi liên lạc được với Carol Steele, người xếp cũ của tôi lúc làm việc ở Saigon, dù tôi chỉ biết cô ấy ở Virginia mà không có địa chỉ và số điện thoại.
Ngày thứ sáu, 13 tháng 6 năm 1975, Carol và John đã bảo lãnh gia đình chúng tôi bẩy người gồm hai vợ chồng tôi, ba đứa con nhỏ và hai đứa em, từ trại tỵ nạn về ở với họ tại thành phố McLean, Virginia. Họ đã tận tình giúp đỡ, bảo bọc gia đình tôi trong những ngày đầu bỡ ngỡ nơi đất lạ và yêu thương chúng tôi cho đến ngày nay.
Đón chúng tôi về, vợ chồng họ và đứa con trai nhỏ dọn lên tầng trên, nhường cho gia đình tôi hai phòng ngủ và phòng gia đình dưới nhà có một buồng tắm rưỡi. Mỗi sáng, bẩy người chúng tôi chia phiên dùng phòng vệ sinh, hai vợ chồng tôi phải dậy sớm tắm buổi sáng để tỉnh táo đi làm, sau đó là hai đứa em, còn ba đứa nhỏ phần buổi chiều.
Từ ngày về ở chung, tôi lãnh việc nấu ăn, dĩ nhiên là toàn món Việt Nam vì mới chân ướt chân ráo không biết gì hơn, thế mà Carol và John rất thích, ngay cả thằng bé Chris mới gần hai tuổi cũng đã bỏ luôn thức ăn Mỹ. Carol thường bảo: “Nấu món Việt vừa ngon vừa rẻ, tiền đi chợ cho mười người ăn không còn là mối lo toan như ban đầu của chúng tôi nữa mà chỉ tốn bằng trước kia tôi nấu kiểu Mỹ cho ba người.” Họ cũng không bao giờ khó chịu vì mùi nước mắm khi tôi kho thịt hay cá và không hề phiền toái về những gì họ phải làm cho chúng tôi, ngay cả chuyện họ phải lấy ngày nghỉ phép và bỏ những chuyến du lịch đã định sẵn để ở nhà ân cần lo cho chúng tôi trở thành công dân mới, như dẫn đi làm đủ thứ giấy tờ, khám sức khỏe, ghi tên học, xin việc làm, tập lái xe…
Bẩy người chúng tôi tá túc trong nhà họ bốn tháng mới dọn ra ở riêng khi vợ chồng tôi đã có việc làm tạm ổn. Sau khi thấy chúng tôi đã “an cư”, Carol và John lại tiếp tục công tác với Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại nhiều nơi trên thế giới như Kenya, Jordan, Swaziland và El Salvador nên chúng tôi mất liên lạc một thời gian.
Năm 1995, được tin Carol và John đã trở về Mỹ nghỉ hưu tại Nehalem, một thành phố rất nhỏ bé, hiền hòa lúc đó chỉ có khoảng 200 cư dân, ở tiểu bang Oregon, vợ chồng tôi lập tức đi thăm gia đình người bảo trợ sau nhiều năm xa cách.
Từ đó đến nay, ngoài những cuộc điện thoại kể lể với nhau chuyện buồn vui trong gia đình, chúng tôi thường xuyên gặp nhau. Lễ Tạ Ơn năm ngoái, toàn gia đình tôi bay lên Oregon thăm họ, năm nay Carol và John xuống San Jose ăn Tết với chúng tôi và cũng để nhớ lại hương vị ngày Tết ở Việt Nam nơi họ đã từng đến làm việc hơn ba năm.
Vợ chồng tôi hân hoan lập ngay ra một chương trình đón tiếp hai người bạn quý thật chu đáo. Chúng tôi muốn Carol và John Steele, hai người Mỹ chính gốc được thật sự hưởng không khí Tết Việt Nam, nghe tận tai và thấy tận mắt những tục lệ tốt đẹp và đầy ý nghĩa của văn hóa truyền thống Việt dù sống lưu vong vẫn không bị quên lãng, mai một.
Để Carol và John được thưởng thức những món ăn thuần túy Việt Nam, tôi đã làm sẵn tất cả các món nào có thể làm sớm được cho ngày Tết, nhất là chả giò vì nó đòi hỏi nhiều công phu và thì giờ. Đặc biệt năm nay, ngoài phần chả giò để cúng ông bà, chúng tôi còn phải gói thêm 200 cuốn làm quà cho vợ chồng nhà Steele đem về Oregon để họ chia sẻ cùng gia đình và bạn bè món ăn truyền thống bất hủ của người Việt.
Như thường lệ, Liêm, chồng tôi phụ trách việc lau dọn bàn thờ, anh đánh bóng mấy chân lư đồng, chùi sạch tất cả những khung hình của người thân đã khuất, chuẩn bị nhang, đèn để thắp trong ngày Tết.
Vườn trước nhà tôi, cây mai vàng và mai tứ quý nở rộ, đó là kết quả của những ngày tôi chịu khó chăm lo tuốt lá cho cây mãi được tươi thắm trổ bông. Đằng sau cũng có đủ bộ mai, lan, cúc, trúc và bốn cây đào sum sê. Liêm đã cắt mấy cành đào đầy nụ, tỉa gọn gàng cắm vào bình lớn đặt trên bàn ở góc phòng khách. Cận ngày tôi mới mua một bó lay ơn chưng tại bàn giữa. Thế là nhà cửa đã tươm tất sẵn sàng đón Tết và khách phương xa.
Tiếng chuông cửa ngân vang lúc 2 giờ, chiều 30 Tết, vợ chồng tôi ra đón Carol và John, bốn chúng tôi tay bắt mặt mừng, ôm nhau chào hỏi rồi chuyện trò nổ như bắp rang. Chúng tôi phụ đem hành lý vào phòng dành cho hai người. Tới gần 6 giờ, các con cháu mới đến được vì là ngày thứ năm, chúng nó phải đi làm và đi học. Các cháu vội chạy đến ôm ông bà Steele và hỏi thăm ríu rít, khiến căn nhà trở nên náo nhiệt vô cùng.
Trong khi mọi người tiếp tục chuyện trò, Thụy Hằng con gái của tôi và April, bạn gái của cậu trai út, có hai dòng máu Mỹ và Phi Luật Tân, xuống bếp giúp mẹ sửa soạn thức ăn để cúng đón ông bà.
Trên bàn thờ gia tiên, tôi đã bày đầy đủ, đèn, nến, trầm, hương, đĩa ngũ quả, bình hoa tứ sắc, hộp mứt sen trần, xôi vò, chè hoa cau và những món mặn.
John ngỏ ý muốn quay phim ghi lại những diễn biến trong mấy ngày Tết để làm kỷ niệm và khoe với con cháu và bạn bè.
Mọi người đều đóng bộ chuẩn bị đón xuân. John, Liêm, hai cậu rể và con trai út đều quần tây, áo sơ mi thẳng thớm chỉnh tề, còn con gái, các cháu và tôi đều mặc áo dài màu rượu chát. Carol diện cái áo sơ mi đỏ tươi, cô ấy nói rằng cũng muốn mặc áo dài lắm nhưng khổ người cao lớn đẫy đà không thích hợp nên lại thôi.
Bẩy giờ tối, mọi người trong gia đình đều lễ cúng đón ông bà. Muốn tỏ lòng tôn trọng và quý mến gia đình tôi, cả John, Carol và April cùng thắp nhang vái và cắm trên bàn thờ mặc dù họ đều theo Thiên Chúa giáo. Mùi hương trầm tỏa ra thơm dịu cả căn nhà. Các cháu ngoại đã quen lệ là mỗi khi cúng, bốn cháu thay phiên nhau lạy chào và rót trà mời ông bà tổ tiên.
Liêm giải thích cho mọi người nghe rằng: “Lễ đón ông bà, tổ tiên về vui với con cháu trong ba ngày Tết là một phong tục, truyền thống và đạo lý sâu xa lâu đời của người Việt để nhắc nhở con cháu nhớ đến cội nguồn và công đức của ông bà đã sinh ra, nuôi dưỡng và dạy dỗ mình nên người.”
Sau khi nhang tàn, tôi lạy tạ và thức ăn được chuyển từ ban thờ xuống bàn ăn, cả gia đình mười ba người, tóc bạc có, đen có, vàng có, quây quần vừa ăn vừa chuyện trò rổn rảng bên mâm cơm cúng cuối năm.
Chúng tôi đã mời Carol và John ăn những món tiêu biểu của Tết trộn lẫn cả ba miền, như chả giò, xôi vò với chả quế, thịt kho tàu với dưa giá và dưa chua, thịt gà luộc chấm nước mắm gừng, miến gà, bóng (da heo) xào bông cải xanh, su hào và cà rốt, món nào họ cũng thấy lạ và khen ngon, ngay cả món thịt kho tàu có mỡ và da. John và Carol lúc nào cũng “kết” nhất món chả giò, họ ăn chả giò như làm một nghi lễ, John lấy một lá xà lách loại lá cong và mềm (butter lettuce), nhón mấy cọng ngò và rau thơm đặt vào giữa, rồi dùng hai ngón tay kẹp một cái chả giò lúc lắc lúc lắc chiêm ngưỡng nó rồi để lên trên rau và cuốn lại. Cắn một miếng dòn tan, nhắm mắt lại như để trọn vẹn thưởng thức hương vị dòn dòn, béo béo, thơm thơm và nói “Uh, uh, my favorite food!” nhìn họ ăn ai cũng phải thèm.
Trong lúc ăn, John tò mò chỉ lên bàn thờ và xin phép hỏi: “Cái bát cơm đẹp đẹp hình quả núi kia chắc có ý nghĩa gì phải không? Và sao lại có 3 bát cơm nhỏ nhỏ nữa?” và tôi đã giải thích rằng “Người Bắc gọi là ‘cơm úp’ do hai bát cơm đầy úp vào nhau, bát phía trên khi lấy ra sẽ để lộ phần cơm trắng ngần vun lên như một cái tháp trông rất đẹp mắt, bát cơm úp gọn gàng, đỡ tốn chỗ, để thay thế cho một tộ cơm, còn ba bát nhỏ là cho ba người ăn, chủ nhà và khách.”
Bữa cơm tất niên đã xong, trong khi Thụy Hằng và April phụ tôi dọn chén bát xuống bếp, thì các cháu đã xếp hàng ngoài phòng khách để chờ chúc Tết ông bà Steele, ông bà ngoại, bố mẹ và cậu. Bốn đứa đồng thanh nói: “Chúng con kính chúc......” Lời chúc ngọng nghịu bằng tiếng Việt của các cháu nhỏ, nhất là từ cửa miệng của hai đứa cháu da trắng tóc vàng nghe ngộ nghĩnh, buồn cười và thật đáng yêu Carol và John phát bao mừng tuổi. Sau khi được tiền mừng tuổi, chúng hớn hở cầm phong bì ra khoe với nhau.
Carol và John rất cảm động chứng kiến tình cảm đầy yêu thương trìu mến của các cháu đối với ông bà, cha mẹ và người thân vừa nghe Liêm giải thích: “Mừng tuổi là một phong tục rất có ý nghĩa, luôn ngự trị trong lòng của người Việt Nam mỗi khi Tết đến Xuân về, là sự khởi đầu cho mọi điều tốt lành trong suốt một năm. Chiếc phong bao nho nhỏ có lá cờ màu vàng và ba sọc đỏ, điểm hoa mai vàng rực rỡ và chùm pháo hồng đang nổ, người cho cầm phong bao bên trong có đồng tiền còn mới tinh, tượng trưng cho sự thịnh vượng, mỉm cười trao tặng người nhận, cả hai cùng hân hoan chúc nhau những điều may mắn, bình an cho năm mới.”
Sau đó, hai sòng bầu cua và xâm hường mở ra, sòng nào cũng la hét ồn ào như vỡ chợ mỗi khi trúng lớn, nhất là khi có người cướp trạng. Các cháu bé học thật nhanh và chơi rất thạo. Thiếu sòng bài vui nhộn thì hương vị Tết không thể trọn vẹn được.
Sau khi các con cháu ai về nhà nấy, tôi sửa soạn cúng giao thừa. Liêm giải thích với Carol và John rằng: “Theo phong tục Việt Nam, mỗi năm có một vị thần cai quản việc nhân gian vì vậy vào thời khắc chuyển từ năm cũ sang năm mới, dân gian làm lễ tiễn ông thần cũ và đón ông thần mới. Theo quan niệm của người xưa, lễ Cúng Giao Thừa hay còn gọi là lễ Trừ Tịch là để gạt bỏ những muộn phiền, không may trong năm cũ và đón một năm mới với hy vọng mọi điều sẽ được viên mãn hơn.”
Mâm cúng rất đơn giản, đặt trên cái bàn nhỏ ngoài hiên ở vườn sau, gồm có hương đèn, hoa, một đĩa ngũ quả, chè hoa cau, xôi vò, và một con gà trống miệng ngậm bông hoa cúc như đang nghênh đón năm mới. Vừa thắp nhang là nghe pháo nổ đì đùng vang động cả một khu, tôi cầu mong những người hàng xóm thông cảm và tha thứ cho việc làm phiền giấc ngủ nửa đêm của họ.
Suốt tuần nay, tất cả các đài truyền thanh, truyền hình Việt Nam đều mở những bản nhạc Tết vui tươi. Tiếng hát Thái Thanh rộn rã, tưng bừng từ trong nhà vọng ra:
“Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do. Nước non thanh bình. Muôn người hạnh phúc chan hòa…
Bản nhạc Ly Rượu Mừng của Phạm Đình Chương làm ấm lòng người tha hương khiến tâm hồn tôi lâng lâng bay bổng.
Ngay sau khi cúng giao thừa, vợ chồng tôi dẫn Carol và John đi ra ngoài một vòng rồi quay trở về xông đất nhà mình và giải thích với họ rằng: “Xông đất hay đạp đất, là tục lệ đã có từ lâu đời ở Việt Nam. Tổ tiên tôi cho rằng vào ngày đầu năm này, nếu mọi việc diễn ra suông sẻ, cả năm cũng sẽ được tốt lành, thuận lợi, may mắn, hạnh phúc và bình an. Ngay sau thời khắc giao thừa, bất cứ người đầu tiên nào bước từ ngoài vào nhà với lời chúc năm mới được coi là đã xông đất cho gia chủ, Người ta tin rằng xông đất có ảnh hưởng đến sự may mắn, hạnh phúc và thành công của gia đình trong suốt năm mới, vì thế mà người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm rất quan trọng. Cho nên cứ cuối năm, nhiều người cố ý tìm xem những người trong bà con, bạn bè hay láng giềng có tính tình vui vẻ, đạo đức và thành công, nhất là hợp tuổi với chủ nhà để mời đến xông đất.”
Tôi nói với Carol và John:
- Năm nay cái may mắn đã đến với gia đình tôi là được hai người có lòng độ lượng và trái tim nhân ái đến thăm, còn ai hợp với vợ chồng tôi hơn là Carol và John, người ơn của gia đình?”
Nghe thế hai người rất cảm động vì chúng tôi đã tin tưởng nên chọn họ mở đầu cho năm mới.
Sau những lời chúc tụng, chúng tôi ăn mứt, uống trà, nghe nhạc xuân tưng bừng và nói chuyện dông dài.
John hỏi:
- Khi còn ở Việt Nam, các bạn đón Tết như thế nào?
Tôi đáp:
- Thưở xa tít mù khơi khi còn ở Hà Nội, trước Tết khoảng vài ngày, Mẹ tôi gói bánh chưng, bà chọn lựa kỹ càng từng vuông lá, từng xâu lạt, từng viên đậu xanh vo tròn và từng miếng thịt heo ba chỉ vừa đủ mỡ để béo nhưng không ngấy, vì thế bà làm rất khéo và ngon. Anh chị em chúng tôi ngồi quanh bếp vừa giữ lửa, tiếp nước cho nồi bánh chưng sôi sùng sục, than hồng reo tí tách, vừa nghe anh cả tôi kể chuyện ma… Tôi nhát gan nên lúc nào cũng ngồi giữa anh và chị tôi. Khi bánh chín, chúng tôi được chia nhau cái bánh đầu tiên thơm ngát hương lá chuối, quyện với mùi đậu xanh và thịt mỡ, ngon không thể tả được! Rồi ngày mồng một Tết, chúng tôi được bố mẹ dẫn đi chúc Tết bà con nội ngoại và được rất nhiều tiền mừng tuổi.
- Lớn lên chút nữa, tôi theo đám bạn học, đèo nhau trên những chiếc xe đạp “cà cộ” về Phong Niên ở tỉnh Phú Yên ăn Tết miền quê, chúng tôi cười nói vang vang trên những chiếc xe nghiêng qua ngoặt lại như muốn quăng chúng tôi xuống con đường đất gồ ghề khúc khuỷu và nghe văng vẳng tiếng hô bài chòi từ đình làng xa xa.
Nói đến đây tôi bỗng thấy ngậm ngùi:
- Những kỷ niệm Tết thuở xưa tưởng như gần gũi mà lại rất đỗi xa xôi, vời vợi. Chúng tôi ra đi mà ai cũng mang theo một quê hương Việt Nam trong lòng. Những năm mới đến Mỹ, mỗi lần Tết đến là nhớ nhà quặn thắt ruột gan, nuốt nước mắt khóc thầm.
Carol tiếp lời:
- À, Hằng còn nhớ cái Tết đầu tiên ở Virginia, khi số người Việt định cư ở đây chỉ đếm trên đầu ngón tay, có một chàng thanh niên thấy Hằng đi trên đường đoán là đồng hương, đã mừng quá dừng xe lại và hai người không hề quen biết đã đứng ôm nhau khóc giữa đường vì nhớ nhà và tủi thân, có bao giờ Hằng gặp lại anh chàng đó không?
Tôi đáp:
- Rất tiếc là không, nhưng cứ mỗi lần Tết đến, khi nhớ đến kỷ niệm khó quên với người đồng hương lạ mặt, không biết tên ấy, tôi lại rất xúc động và cầu mong cho anh ta được đoàn tụ với gia đình và có một cuộc sống hạnh phúc.
Bốn người tôi ngồi ôn lại chuyện xưa cho đến gần hai giờ đêm mới đi ngủ. Sáng hôm sau, mùng một Tết, ai cũng thức dậy trễ, tôi đùa nói rằng: “Các cụ xưa bảo thế là ‘dông’, cả năm sẽ dậy trễ đấy.”
Sau khi ngồi kiên nhẫn ngắm từng giọt cà phê chảy qua cái phin xuống ly sữa đặc mà John rất thích, anh bảo: “Đây mới đích thực là cà phê. Cà phê phải có màu nâu sánh đậm, mùi thơm chay cháy và đăng đắng, chứ không phải lạt nhách như nước rửa bát”, rồi chúng tôi ăn sáng với bánh chưng chiên và dưa món tôi làm trước đó hơn một tuần, hai vợ chồng họ thích quá, ăn nhiều rồi ôm bụng diễu rằng “trông tôi như có bầu sắp đẻ nè.”
Ăn sáng xong, chúng tôi rủ Carol và John đi hái lộc đầu năm, họ hưởng ứng ngay. Liêm giải thích: “Hái lộc có nghĩa là gặt hái tài sản thiên nhiên trời ban cho, đem cành lộc tươi non vào nhà. Mỗi người chỉ cần một cành lá nhỏ bé tượng trưng, nhưng tâm hồn bao dung hướng thiện, thì cũng là đem đầy phước lộc về nhà rồi.”
Thay vì đi hái cành non đơm nụ ngoài đường, chúng tôi đến chùa Từ Lâm lễ Phật và cũng để vái những người thân của gia đình tôi để di ảnh trong chùa. Lễ xong, thầy trụ trì phát lộc cho mỗi người một quả quýt và một phong bao mừng tuổi trong đó có đồng tiền 25 xu.
Sau đó về nhà, tôi sửa soạn dọn lên món phở Hà Nội nấu sẵn hôm qua để ăn trưa. Tuy phở không phải là thức ăn của ngày Tết nhưng là một món vợ chồng nhà Steele mê chỉ sau chả giò nên tôi muốn làm vui lòng bạn. Carol và John đã từng đòi ăn phở nhà tôi hai, ba ngày liên tiếp mà không ngán. Ăn xong, nghỉ ngơi một lúc, hai giờ chiều các con cháu đã về tụ họp để sửa soạn đi Hội Chợ Tết. Ở San Jose, trong mỗi dịp Tết đều có vài hội chợ diễn ra ở những địa điểm khác nhau.
Không khí chợ Tết thật tưng bừng náo nhiệt, trai thanh gái tú, ngựa xe như nước, áo quần như nêm. Những tà áo dài thướt tha đầy màu sắc rực rỡ bay lượn làm không khí Tết thêm phần lộng lẫy và trang trọng. Có múa lân đốt pháo, có hoa mai hoa đào hoa cúc, có bánh tét bánh chưng và đủ thứ kẹo mứt. Khu giải trí có hoa hậu Việt Nam của tiểu bang California hiện diện, có văn nghệ giúp vui, trình diễn thời trang, biểu diễn võ thuật và tiếng hô lô tô inh ỏi…
Có cả những gian hàng của hãng bảo hiểm, địa ốc, trường học, nhà thương Stanford… Những cơ sở thương mại thi nhau tíu tít mời chào và tặng những quà quảng cáo cho sản phẩm của họ. Chỗ nào Carol và John cũng ghé xem và hỏi chi tiết một cách thích thú.
Đi loanh quanh thăm mấy chục gian hàng đã thấy mỏi chân trong khi mùi thức ăn quyện đầy trong không khí như mời gọi khiến chúng tôi đói bụng nên sà vào khu ăn uống đầy đủ các món ăn truyền thống Việt Nam, tha hồ lựa chọn.
Sau khi ăn uống no nê, ra khỏi Hội Chợ Tết, các con cháu đi về vì các cháu nhỏ đã có vẻ mỏi mệt. Chỉ còn Carol, John và hai vợ chồng tôi về nhà thảnh thơi tiếp tục nói chuyện… cổ tích.
Tôi ký tặng hai vợ chồng Steele cuốn Tuyển Tập Việt Bút 2017 và lật cho họ xem bài Tạ Ơn Người, Tạ Ơn Đời cùng bản dịch tiếng Anh mà tôi đã viết lên lòng biết ơn đối với Carol và John. Hai người bạn thiết đã rất cảm động, họ rưng rưng ôm xiết vợ chồng tôi, chúng tôi cảm được cái ôm xiết này đã thầm nói lên rằng họ đã nhận ra lòng biết ơn này từ trái tim chân thành mà không cần phải nói nên lời nữa.
Quà Tết của John và Caro1 cho chúng tôi là một chai rượu, một hộp bánh, đặc biệt là cái thiệp “Tân Xuân Vạn Phúc” với hàng chữ viết tay bằng tiếng Việt “Chúc các bạn năm mới thịnh vượng, an lành và hạnh phúc.” Chúng tôi biết rằng họ phải lái xe hai tiếng đồng hồ xuống Portland và mất nhiều thì giờ đi tìm mua cho được một cái cạc Tết Việt Nam và chắc chắn phải ngồi nắn nót viết câu chúc Tết bằng tiếng Việt lâu lắm mới xong, thật cảm động vô cùng!
Trao quà xong, John vừa xoa hai tay vào nhau vừa nói với giọng cảm động:
- Trải qua hai ngày Tết với gia đình bạn, tôi càng thấy ngưỡng mộ tinh thần dân tộc của người Việt. Qua biến cố long trời lở đất năm 1975, biết bao đau thương cho những người vượt biên, vượt biển, đem sinh mạng đánh đổi lấy tự do, hằng triệu người phiêu bạt khắp nơi trên thế giới, vất vả mưu sinh với muôn vàn khó khăn, khổ cực nơi xứ lạ, thế mà vẫn lặng lẽ âm thầm nuôi dưỡng và bồi đắp cội nguồn trên đất mới. Dù ở chân trời góc biển nào và qua bao nhiêu năm vật đổi sao dời, những tục lệ cổ truyền tổ tiên để lại từ nghìn năm vẫn giữ một chỗ đứng cao vời vợi trong lòng con cháu giòng giống Việt Nam. Các bạn đã phấn đấu bằng ý chí, bằng tin tưởng để làm lại từ đầu cho tương lai các con và đất nước, chứ không ngồi ôm quá khứ mà khóc than, mà trách móc, mà đổ lỗi, mà buồn phiền, rồi buông xuôi. Quả đáng khâm phục!
Lời nói chân tình của John đã vực dậy trong chúng tôi niềm tự hào dân tộc lâu nay bị ru ngủ, Liêm gật đầu:
- Trong đầu chúng tôi, hình ảnh đất nước Việt Nam, lượn một đường cong chữ S thon thả tuyệt đẹp bên bờ Thái Bình Dương, luôn bị chiến tranh xâu xé, nhưng tổ tiên tôi bao giờ cũng anh dũng đứng lên đánh đuổi quân xâm lược. Lịch sử Việt Nam cho thấy rất nhiều vị anh hùng tài giỏi làm nghiêng trời lệch đất, nên hôm nay nhân dịp Tết, tôi sẽ kể cho hai bạn nghe chuyện xảy ra cũng trong dịp Tết, hơn 200 năm trước đây của một vị anh hùng áo vải, vua Quang Trung Nguyễn Huệ.
Tôi xen vào:
- Tôi rất hãnh diện là khi còn bé ở Tuy Hòa, tôi đã theo học một trường công lập mang tên vị anh hùng dân tộc này, “Trường Trung Học Nguyễn Huệ.”
Liêm tiếp tục:
- Ông Nguyễn Huệ sinh năm 1752, cùng hai người anh em là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ phất cờ khởi nghĩa năm 1771 từ ấp Tây Sơn, Bình Định. Ông là một tướng thiện chiến, siêu việt với thiên tài bài binh bố trận cũng như mưu lược điều binh chớp nhoáng, đánh đâu được đấy và được vua Lê Hiển Tông gả con gái là công chúa Ngọc Hân.
Tôi tiếp lời:
- Suốt 20 năm, trải qua hàng chục trận đánh lớn lẫy lừng, ông đã đánh bại chúa Nguyễn đàng trong và chúa Trịnh chuyên quyền đằng ngoài, đuổi bạt quân Xiêm ở phía nam và đại phá quân Thanh xâm lược phía bắc, ông còn là vị hoàng đế có tài cai trị, đã đề ra nhiều kế hoạch cải cách kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự… nhằm xây dựng bảo vệ xã tắc và lê dân.
Và tôi ngậm ngùi tiếp:
- Song chưa được bao lâu, căn bệnh hiểm nghèo đã đột ngột cướp đi mạng sống của ông vua mới 40 tuổi, đầy tài năng và tham vọng đuổi quân xâm lược, mở mang bờ cõi. Thật là một mất mát vô cùng lớn lao cho đất nước và con dân Việt Nam!
Liêm nói:
- Điều tôi muốn nhấn mạnh là trên đường vào Thăng Long, ông Nguyễn Huệ vừa tuyển mộ vừa huấn luyện binh sĩ để củng cố lực lượng thế mà với 10 vạn lính ô hợp đã tiêu diệt 29 vạn lính thiện chiến của quân Thanh bằng hàng loạt trận đánh tập kích, mai phục, thần tốc và chớp nhoáng trong vòng 10 ngày như đã hứa. Nguyễn Huệ chỉ là một người anh hùng áo vải, ông đã học ở đâu những chiến thuật, chiến lược siêu việt như thế?
Thấy hai bạn nghe câu chuyện một cách thích thú, Liêm hăng hái nói tiếp:
- Thường thì những vị tướng vừa thành công trong những trận lớn luôn thừa thắng xông lên, riêng ông Nguyễn Huệ ngoài đảm lược, dàn binh bố trận, ông còn khôn ngoan và thương dân như con nên biết dừng lại đúng lúc. Ông đã nói: “Ta nghĩ nước Thanh lớn hơn nước ta gấp mười lần, quân Thanh bị thua tất lấy làm hổ thẹn, chắc phải tìm cách rửa hờn. Nếu cứ để binh lửa kéo dài mãi, thì thật không phải là phúc cho trăm họ, lòng ta không nỡ!” Rồi ông cử Ngô Thời Nhiệm đi sứ sang cầu hòa với vua Thanh. Từ cổ chí kim, đã có bao nhiêu tướng trên thế giới làm được như ông Nguyễn Huệ là dừng lại đúng lúc để bảo toàn lực lượng và con dân của mình?
John gật đầu:
- Liêm nói đúng, các ông tướng thường say men chiến thắng, không phải ai cũng có thể tự chế, biết lúc nào phải ngừng, nhất là những ông tướng thắng những trận lừng danh, thử nhìn các ông Hitler, Napoleon, Alexander The Great mà xem.
Tôi phụ họa:
- Hơn nữa ông còn có khả năng thu phục nhân tâm nên đã chinh phục được quả tim của Công Chúa Ngọc Hân, cành vàng lá ngọc, tài sắc vẹn toàn, một người ở giai cấp vượt trội hơn ông. Bất cứ người nào đọc bài điếu văn Ai Tư Vãn của bà Ngọc Hân viết cho ông Nguyễn Huệ, đều công nhận đó là một áng văn rất đáng được trân trọng, là một báu thư trong kho tàng văn học Việt Nam và đều cảm nhận được tình yêu và sự kính trọng của bà dành cho người chồng anh hùng, tài cao mà đoản mệnh.
Liêm kết luận:
- Rõ ràng ông Quang Trung Nguyễn Huệ là kết hợp hai đặc điểm, thiên tài quân sự của ông Napoléon Bonaparte người Pháp và chính trị gia lỗi lạc của ông George Washington, người Mỹ.
Nói chuyện say sưa, quay đi quay lại đã quá nửa đêm, chúng tôi phải để Carol và John đi nghỉ vì sáng mai họ phải bay trở về Oregon.
Tôi rất hài lòng vì chúng tôi đã cho họ thấy được cái hay cái đẹp của tập tục nước ta vàcó dịp vinh danh người anh hùng tuyệt luân của trang sử Việt.
Trong giấc ngủ muộn, tôi lan man với vùng trời kỷ niệm, nhớ lại những ngày cuối cùng ở Saigon, đầu óc hoang mang, rối loạn và sợ hãi; những hình ảnh thân thương, những giọt nước mắt nghẹn ngào, những cái ôm xiết chặt, bịn rịn không muốn rời, những cái vẫy tay tưởng là vĩnh biệt, nghĩ đến là mềm lòng. Rồi ưu tư lo lắng lúc ở trại tỵ nạn, không biết tương lai sẽ đi về đâu hay có thể bị trả về Việt Nam, bỗng nhiên Carol và John hiện ra như hai ngôi sao sáng trong đêm tăm tối nhất của cuộc đời, thể hiện lòng từ tâm, nhân ái trong cách hành xử đời thường, chúng tôi đã cảm nhận được đâu là niềm hạnh phúc người tặng và trời ban. Nước Mỹ và người dân Mỹ đã giúp chúng ta xây dựng lại một cuộc đời mới và nhóm lên ngọn lửa tin yêu, rực rỡ tình người. Món nợ ân tình này gia đình tôi luôn khắc ghi và không bao giờ xem nước Mỹ là nơi tạm dung mà lúc nào cũng biết ơn người Mỹ và yêu nước Hoa Kỳ như quê hương thứ hai.
Chúng tôi đã hưởng một cái Tết trọn vẹn, tràn trề niềm vui, quần tụ cùng tất cả con cháu và hai ân nhân thân quý nhất. Một gia đình Việt-Mỹ ăn một cái Tết hoàn toàn Việt trên đất Mỹ, một cuộc sum họp chan hòa yêu thương, ấm áp tình người không kể màu da và tôn giáo.
Ngày mồng ba Tết, lúc từ biệt trong quyến luyến, John nói rằng: “Đây là một cái Tết đặc biệt trong đời Carol và tôi, vợ chồng tôi sẽ luôn luôn ấp ủ, nuôi dưỡng trong lòng những kỷ niệm ấm áp của mấy ngày qua. Chúng tôi vững tin rằng con cháu nhà Việt Nam sẽ mãi mãi bảo tồn, vun đắp những truyền thống tốt đẹp này và một ngày không xa sẽ ăn Tết trên quê hương Việt Nam yêu dấu.”
Lê Nguyễn Hằng
Tài liệu tham khảo:
http://www.phunutoday.vn/le-cung-moi-ong-ba-to-tien-ve-an-tet-can-chu-y-nhung-gi-d133068.html
http://kienthuc.net.vn/giai-ma/li-xi-the-nao-de-sung-tuc-va-may-man-tron-nam-630783.html
http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/cung-giao-thua-va-nhung-dieu-can-biet-353911.html
https://www.baomoi.com/hai-loc-dau-nam-va-cach-thay-the-de-dan-may-man-tai-loc-vao-nha/c/21414694.epi
http://vanhoaquangtrung.com/tieusu/tieusuquangtrung.html
https://vi.wikipedia.org/wiki/Quang_Trung
No comments:
Post a Comment