Phiếm của Song Thao
Tết
Nói tới “tết” người ta nghĩ ngay tới Tết Nguyên Đán. Nhưng tết đâu phải chỉ là thời gian giao mùa giữa năm mới và năm cũ. Ngoài Tết Nguyên Đán, chúng ta còn có Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu. Vậy tết là một ngày hội, một ngày vui được dân gian đón nhận. Những khi năm cùng tháng tận, tôi thường ôn lại dĩ vãng, nhớ lại những gì mình làm được cũng như chưa làm được trong năm cũ. Nhưng, từ bao năm nay, nỗi nhớ dằng dai hơn nhiều, từ ngày được tha khỏi cái gọi là trại cải tạo của Việt cộng. Đối với những người đã bước chân vào vòng tù mà không có tội, án cũng chẳng có, ngày tháng mênh mông như trong những đám mây, thời gian như một thách đố không có lời giải đáp, chuyện được thả cho về với gia đình là chuyện chết đi sống lại.
Đó mới là ngày vui, ngày hội, ngày tết đích thực. Ngày về là…tết!
Thường trong các dịp tết, trại cho một số trại viên về, như một trình diễn về cái gọi là nhân đạo của chế độ. Dù chẳng ai tin vào sự nhân đạo của một chế độ lấy chuyên chế làm kim chỉ nam, nhưng cứ được bước ra ngoài vòng cương tỏa của tù tội là tết rồi. Chuyện về là chuyện trúng số. Thần tài gõ vào đầu anh nào, anh ấy hưởng. Tôi may mắn được gõ đầu vào ngay cái tết đầu tiên trong tù. Trong truyện ngắn “Tết Trước Tết”, tôi đã tả lại giây phút…thiêng liêng đó. Sau ba chục ngày vô cũi, chuyện ra về là chuyện canh cánh bên lòng của chúng tôi. Cán bộ cứ ra rả tuyên truyền: “Về hay không là tùy các anh có học tập tốt không thôi!”. Chẳng ai nhét được câu dối trá này vào trong đầu. Rồi ngày định mệnh cũng tới. “ Sáng hôm sau, 26 tết, cán bộ tất tưởi tay cầm cuộn giấy lên kêu họp nhà. Mọi người vội vàng vào hàng ngũ. Chưa bao giờ anh em lại tập họp nhanh nhẹn đến như vậy. Tôi nhìn quanh. Mọi khuôn mặt đều căng lên hồi hộp. Bụng tôi đánh lô tô. Đang ngồi tôi đứng lên nói với đám bạn quen ngồi cạnh:“Đứng lên một cái lấy hên!”.
Chẳng ai cười. Người nào cũng còn đang bận đội một thúng chì trên đầu. Mọi cặp mắt đều dồn vào tờ giấy trên tay cán bộ. Tôi thấy trang giấy đen kịt chữ. Chắc cũng phải vài chục tên. Có tên tôi trong đó không? Tôi nhấp nhổm như muốn soi thủng những con chữ trên tờ giấy. Cán bộ lên tiếng yêu cầu im lặng. Căn phòng lặng ngắt tức thì. Cán bộ giáo đầu cà kê về chính sách khoan hồng của nhà nước. Tim tôi nhảy loạn xạ. Được về hay ở lại? Hai tình huống xa nhau như Thiên Đàng- Địa Ngục. Tai tôi hững hờ với những sáo ngữ rỗng tuếch đang phát ra từ cái miệng bôi mỡ. Rồi giây phút định mệnh cũng đến. Tên người đầu tiên được xướng lên. Kẻ diễm phúc đứng phắt dậy mặt mũi ngơ ngác tái mét. Tôi bấm đốt ngón tay đếm từng tên. Ngón tay cái chạy gần hết bốn ngón tay kia thì tên tôi được đọc lên. Tôi đứng phắt dậy. Có phải chân tôi đang chạm đất đây không? Đầu tôi lỏng le như chẳng có gì ở trong. Mặt mũi tôi tê rần. Tai tôi lùng bùng nghe tiếng quản giáo hỏi: “Anh ở nhà này à? Sao tôi ít thấy mặt anh?”. Lạy trời đừng có gì trục trặc. Môi tôi như gắn hàm thiếc không nói năng được gì. Tai tôi lại lùng bùng nghe: “Anh ngồi xuống!”. Tôi ngồi phịch xuống. Chiều nay mình sẽ ở nhà mình. Tôi cố làm quen với ý nghĩ mới mẻ này. Những khuôn mặt quanh tôi nhũn ra khi cán bộ gấp tờ giấy lại. Tôi nhìn thấy nét bàng hoàng hoảng hốt, tôi nhìn thấy những giọt nước mắt vội vã, tôi nhìn thấy những khuôn mặt nặng nề cố nuốt nỗi thất vọng. Và tôi cũng nhìn thấy nỗi mừng vui cố giấu kín của những người có tên”.
Tết đến với tôi, tết đến với nhiều anh em khác trại, khác thời gian. Nhưng có đang là mùa hè nóng cháy, được kêu tên ra về vẫn…tết! Tác giả Phạm Đăng Quỳnh kể lại về ngày “tết” của người cha. “Ba nói sáng đó vẫn đi làm bình thường thì ba bất ngờ được tách ra, cho nên anh em bạn tù ai cũng không biết ba được về mà tâm sự hay gửi nhắn gì cho gia đình. Các chỉ huy trại bỗng dưng nhỏ nhẹ lạ thường:“Anh đã biết lao động sản xuất. Lao động là vinh quang anh có biết không? Bác Hồ kính yêu đã dạy như thế. Từ một người chỉ biết ăn bơ thừa sữa cặn của đế quốc, lười biếng lao động, có nợ máu với nhân dân, nhờ cách mạng khoan hồng, giáo dục , bây giờ anh đã được trở về với nhân dân. Hãy nhớ hăng say lao động sản xuất để đền đáp công ơn của cách mạng. Những gì anh đã trải qua mấy năm nay ở đây, khi về anh không được kể lại với bất cứ ai. Đã có nhiều người không làm như vậy phải quay lại trại. Chính quyền cách mạng sẽ đưa họ trở lại đây cho chúng tôi. Anh phải nhớ là chúng tôi không muốn gặp lại anh ở đây một lần nữa, anh nhé! Anh nhớ đấy!”. Ba nói , dù đã quen với cuộc sống tù tội ở đây, nhưng khi nghe các nhà quản giáo nói đến chuyện quay trở lại ” địa ngục trần gian” này ba không khỏi nổi da gà. Đó là lý do ba tôi và hầu hết những “con trời’ khác khi thoát nạn , trở về ai hỏi gì cũng không dám kể lại. Họ chỉ tập trung làm lụng nuôi sống gia đình, im lặng , khép kín, có vài người còn trầm cảm”.
Một trường hợp được tha về khác, cũng đúng vào dịp Tết Nguyên Đán, do một tác giả không ghi tên kể lại: “Mọi bữa, sắp hàng xong là ra cổng. Bữa nay sao lại dềnh dàng? Hóa ra đợi nghe đích thân trại trưởng tuyên đọc “lệnh tha” nhân dịp Tết Nguyên Đán sắp tới! Cả mười mấy đội, sáu bảy trăm nhân mạng đều nhốn nháo. Tiếng là thiếu tá mà coi bộ trại trưởng đọc chữ không rành. Trong khi thiên hạ nhấp nha, nhấp nhổm, ông ê a đánh vần thật là sốt ruột. Tiếng ông thì nhỏ mà gã tù tui thì điếc lác sợ không nghe được nên mới nhờ anh bạn đứng kế bên nhắc chừng dùm. Quả nhiên lát sau bỗng thấy anh bạn nắm áo vừa giật vừa hô: có tên rồi kìa! Tôi nghe rồi ngẩn ngơ như lạc vào trong mơ ! Ngơ ngẩn hồi lâu mới giật mình, tỉnh lại bèn chạy u về phòng giam lo thu xếp đồ đạc. Bao nhiêu đồ dồn vô sac marin, chiếc thùng sắt để lại cho thiếu tá Huấn,chánh sở tạo tác NQS như đã hứa. Thiếu tá Tú, thường trực thi đua mới hướng dẫn qua Khu B tạm trú qua đêm. Buổi cơm chiều mới thật là hào hứng. Trại khoản đãi giã biệt bằng cơm trắng thay sắn dui. Lại gặp anh Nguyễn Mỹ, trưởng ty thuế vụ Biên Hòa cùng được thả. Hai anh em chén cơm trắng thịt kho thả cửa. Nôn nao, không sao ngủ được bèn làm đêm không ngủ. Bịch thuốc lào tới sáng đã khuyết một phần tư! Đêm dài rồi cũng trôi qua. Sáng lại đã thấy cán bộ tới làm thủ tục ra tù. Lần cuối cùng lăn tay, nhận lãnh giấy ra tù. Cầm tấm giấy vàng úa mà nâng niu như lịnh thiên tào tha mạng!”.
Bà Thanh Minh, một vợ tù cải tạo, mòn mỏi trông chờ chồng về. Như có sự sắp đặt của trời đất, một bữa bà thấy ông lù lù xuất hiện ở cửa nhà. “ Buổi tối, ngày 30-4-1980, tôi và đứa con đang ngồi ăn cơm, thì chồng tôi bước vô nhà. Trông chồng tôi gầy ốm, đen đúa, quần áo lếch thếch, lưng đeo ba lô. Đâu còn phong độ của thời huy hoàng ngày xưa. Tôi sững sờ, đánh rơi đũa chén, líu lưỡi, không nói nên lời. Chồng tôi cho biết, anh ấy đã được trả tự do vài ngày trước đây. Ra trại Vĩnh Phú, anh ấy về Hà Nội, ngủ ngoài trời một đêm tại sân ga xe lửa. Ngay khi tới Hà Nội, anh ấy đã đến bưu điện, gởi điện tín báo tin mừng, một ngày trước lên xe lửa về Nam. Xe chạy từ Hà Nội vô Sài Gòn mất thêm hai ngày nữa. Thế mà, điện tín lại đi chậm hơn xe lửa. Do đó, sự xuất hiện của chồng tôi đã đem lại cho tôi một sự mừng rỡ, một hạnh phúc bất ngờ, tưởng chỉ có trong giấc mơ mà thôi. Tôi đề nghị hai đứa ra phố ăn cơm tiệm để mừng ngày thoát cảnh tù đày. Chồng tôi nói: “Thôi! Ăn cơm tù nhiều năm quen rồi, bây giờ có ăn cơm nguội cũng sướng như tiên rồi”. Đúng là bị méo mó nghề nghiệp ở tù”.
Đường về có năm bảy lối, lối nào cũng là…tết. Tùy theo những năm tháng ở tù dài hay ngắn, những người về như lạc về cõi thiên thai. Những ngày trong tù, chúng tôi sống như thời tiền sử. Quần áo vá chằng vá đụp, thân hình mốc thếch ghẻ lở trơ xương. Chỉ vài tháng trong trại đã biến những sĩ quan hào hoa, những cấp chỉ huy quần dài áo rộng trong các công sở thành những vật-người. Chúng tôi lượm từng mảnh kim khí, tấm cạc tông, chiếc đinh rỉ hay những thứ ngày xưa chúng tôi coi là rác rưởi. Bất cứ thứ gì cũng có lúc dùng tới. Những chiếc dép cao su ngày đi mới tinh, qua ngày tháng, đứt quai, mòn đế, chúng tôi buộc lại bằng những sợi ni lông đủ màu, trông cứ như phường chèo tất cả. Về lại chốn phố phường, chúng tôi trông chằng giống con giáp nào.
Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
Mười năm mặt sạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ …
(Tô Thùy Yên)
Ngày về, ngày tết của riêng chúng tôi, lòng chúng tôi như mềm đi vì tình nghĩa đồng bào. Những người dân miền Nam, quen hay không quen, đã đón chúng tôi như những người thân từ địa ngục trần gian trở về. Một đoạn trong nhật ký của ông Vương văn Ba kể lại ngày về: “Hôm nay là một trong những ngày vui nhất của đời mình: ngày ra Trại, ngày được phóng thích. Có phải chăng đây là một sự ngẫu nhiên hay sự an bài của đấng thiêng liêng: 15.6.1975 ngày đi học tập cải tạo, 15.6.1983 ngày bước ra khỏi trại, đúng 8 năm tròn không thiếu hay dư một ngày nào. Hôm ấy, 14.6.1983, tức trước một ngày ra Trại, đang ngồi ăn cơm trưa thì anh Oanh làm nhà bếp kề tai nói nhỏ : “Anh Ba hãy bình tĩnh nghe tôi nói, anh có tên trong danh sách về”. Mình yên lặng nhìn anh ấy xem coi có nói chơi hay thật và nói cám ơn. Buổi chiều cả Trại ra sân tập hợp để đi làm. Trước khi đi làm có lệnh đọc danh sách tha. Đợt phóng thích này có tất cả 30 người về : bọn này 22 người, có 1 chính trị địa phương và 7 người trại khác. Ngay chiều hôm đó lên trên cơ quan làm thủ tục về, sáng hôm sau có xe của Trại đưa ra huyện Tân Kỳ, tại đây đáp xe đò ra Vinh. Vinh là thị xã tỉnh Nghệ Tĩnh, chiều ngày 15.6.1983 có mặt tại ga Vinh, nhờ một số các em trẻ tuổi từ Huế ra đây ký hợp đồng với chính phủ xây cất nhà ga giúp đỡ.
Các em này hầu hết có gia đình đi cải tạo, nên các em rất thông cảm bọn này, dành chỗ cho nghỉ ngơi để đợi tàu hỏa. Đêm ấy tại Vinh mình ăn ở uống tợn quá, gặp gì ăn nấy, ăn từ 19g00 đến 21g00. Lúc 21g30 loa phóng thanh báo tàu Thống Nhất từ Hà Nội đi Sàigòn đến. Các bạn trẻ người Huế hướng dẫn cả bọn 22 người đi chui ngõ ngách đặc biệt để vào chỗ tàu đậu, xong họ lên năn nỉ với các anh em Kiểm soát viên vé tàu để cho đi. May mắn thay, bọn này gặp các Kiểm soát vé người trong Nam nên họ cho đi tàu khỏi mua vé, dĩ nhiên bọn này phải ngồi nhờ hai đầu lên xuống của toa và chia ra mỗi toa vài người.. Tàu chạy đến Quảng Trị thì trời đã sáng, từ đó trở đi mình ăn uống lu bù, gặp ga lớn ăn theo ga lớn, ngừng ga nhỏ ăn theo ga nhỏ. Thật là khủng khiếp cho kiếp tù đày : đói và thèm. Đến ga Nha Trang lúc 23g00 ngày 16.6.1983, xuống ga tôi và bạn Tuệ, hai người thuê một chiếc xích lô về nhà mẹ Khoa ở đường Nguyễn Thái Học”.
Tác giả Phạm Đăng Quỳnh kể chuyện về của người cha. “Mãn hạn tù cải tạo, ba được ban chỉ huy trại dặn dò cả buổi, rồi phát cho ít tiền. Số tiền ít ỏi này không đủ để đón xe từ trại về nhà, nhưng không sao. Dù cơ thể chỉ còn bộ xương dính da, nhưng niềm vui bất ngờ được ra tù như liều thuốc kích thích, làm cho con người ba hưng phấn hẳn, ba cảm thấy khỏe như thanh niên, xách tay nải ba rời trại. Bước ra đường, ba nghĩ mình đủ sức đi bộ về tới nhà, dù đoạn đường gần vài trăm cây số. Hoặc đi bộ đến khi nào kiệt sức thì sẽ đón xe đò, nhưng không, không bao giờ mình kiệt sức. Chắc chắn vậy. Hoặc chỉ đón xe đi hết địa phận tỉnh Bình Định thôi, rồi xin đi nhờ xe về Quảng Ngãi. Không được, đời mình có lúc như đã tận cùng có thèm xin xỏ ai đâu. Thôi cứ đi bộ. Rồi một chiếc xe đò đột ngột dừng lại phía trước. Anh lơ xe nhảy xuống: “ Mời ông “con trời” lên xe”. “Chú đi bộ được rồi em ơi”. “Ông cứ lên xe, tụi tui không lấy tiền đâu. Chưa kịp suy nghĩ, chú thanh niên to khỏe ôm ba bỏ lên chiếc xe cũ kỹ, ba như chưa kịp định thần, cảm giác vừa vui vui vừa buồn buồn pha chút xấu hổ. Ba hỏi: “Sao mấy em gọi tui là “con trời?”. “ Ông nhìn cái lưng áo của ông có hai chữ CT tổ bố, không phải con trời thì là cái gì? Tụi tui chở nhiều rồi, không lấy tiền ai hết, mà có lấy thì mấy ông tiền đâu đưa? Ông yên tâm, lát nữa tụi tui gửi xe quen cho ông về tận Quảng Ngãi luôn. Mà ông có tự đón xe thì cũng không ai lấy tiền của ông đâu, đừng lo”.
Tôi về từ Long Thành, xe tải bộ đội chạy thẳng về Sài Gòn, đổ xuống vườn Tao Đàn. Xe vừa vào tới thành phố, đồng bào chạy theo reo hò. Cứ như đoàn quân chiến thắng trở về. Chúng tôi chỉ là những tên chiến bại nhưng được chào đón như những người thân yêu về lại quê hương. Chỉ có tình người của những người cùng chia nhau chiến bại mới òa lên được niềm vui rộng rãi như vậy. “Đoàn xe bộ đội đưa chúng tôi về bò ra khỏi con đường đất bụi mịt mù gặp Quốc lộ 15 quẹo mặt. Đường về Saigon. Nỗi bàng hoàng chưa rời khỏi chúng tôi. Ôm nỗi vui mừng quá lớn lao mà chúng tôi ngồi im thin thít không dám nói năng gì. Gió lồng lộng tung hồn tôi lên cao. Tôi nhắm mắt tận hưởng nỗi sung sướng tưởng chừng như nổ tung người ra. Cầu Xa Lộ. Ngã tư Hàng Xanh. Saigon đây rồi. Đoàn xe chạy qua chợ Bến Thành, vào vườn Tao Đàn. Dân chúng đổ xô chạy theo. Khi xe ngừng cho chúng tôi xuống thì con đường nhựa giữa vườn nối liền hai cổng đường Nguyễn Du và đường Hồng Thập Tự đã đầy nhóc người. Những câu hỏi tíu tít trả lời không kịp. Mọi người, nhất là các bà có chồng đi học tập, muốn níu chúng tôi lại hỏi chuyện. Chúng tôi thì muốn bay về nhà ngay. Tôi vất vả luồn lách ra được tới đường Hồng Thập Tự. Một anh xe ôm trờ tới: “Thầy lên xe em chở về”. Tôi leo lên xe. Anh xe ôm vui tính bắt chuyện suốt đoạn đường về tới Thị Nghè. Tới nhà tôi bước xuống bảo chờ tôi vào lấy tiền ra trả. Anh khoát tay: “Tiền nong gì thầy! Em là lính cũ. Các thầy về là mừng rồi. Thôi, chào thầy em đi”.
Người dân miền Nam cùng chung một tấm lòng với những người trở về nhưng mỗi chúng tôi gặp một cách đón mừng riêng. Cách nào cũng làm chúng tôi rớt nước mắt. Vị tác giả vô danh ghi lại một cách đón khác khi hỏi mua thuốc lá của một cô gái trên lề đường. “Hắn sực nhớ lúc nãy cô gái có liếc mắt xuống đôi chân hắn. Hắn chợt thoáng “lý đoán” ra nguyên nhân. Nhìn thẳng vào mặt cô bán thuốc, với vẻ nghiêm trang, hắn nói:“Anh vừa từ trại cải tạo ra, đang trên đường về, nên đành phải mang đôi dép này”. Khi hắn vừa mới nói đến “Anh vừa từ trại cải tạo ra”, cặp mắt cô gái sáng lên và đôi má cô ửng hồng, nhếch lên để lộ ra cái lúm đồng tiền. Hình như cô muốn nói điều gì mà không cất lên được. Cô luống cuống lấy trong hộc ra gói thuốc Hoa Mai còn nguyên rồi bằng hai tay đưa lên sát ngực hắn, với ánh mắt thương cảm trìu mến: “Anh cầm lấy, em biếu anh. Rất tiếc bây giờ không còn thuốc trước 75”.
Tác giả Nguyễn Minh Châu, trong hồi ký “Cuộc Đời Đổi Thay”, cũng nhận được những yêu thương của đồng bào khi từ Yên Bái trở về Nam. Khi xe ghé Huế để ăn trưa, anh được đồng bào o bế nồng hậu. “Ðến thành phố Huế, hai anh bộ đội cho chúng tôi xuống xe để ăn trưa. Ðồng bào hay tin tù cải tạo được về Nam từ các trại tù miền Bắc đã đổ xô tới bao vây chúng tôi. Các bà cụ già và các phụ nữ nhìn thấy chúng tôi mặt mày xanh xao hốc hác, bơ phờ và ốm gầy nên động lòng khóc nức nở. Chúng tôi bị cấm không cho tiếp xúc với đồng bào, nhưng khi nhìn qua ánh mắt của mấy bà tôi hiểu là các bà rất thương cảm chúng tôi và họ hình dung bóng dáng chồng con hay anh em của họ cũng tiêu điều như chúng tôi vậy, nên họ mủi lòng không cầm được nước mắt. Có một bà cụ chửi khe khẽ rằng: “Ðồ quân khốn nạn! Chúng bay đày đọa mấy người cải tạo ra nông nỗi này!”. Một điều làm cho tôi luyến tiếc là phố Huế ngày xưa thanh bình thơ mộng, nay sao tôi thấy tiêu điều buồn tênh! Có lẽ phố Huế cũng buồn theo vận nước? Anh em chúng tôi chia ra từng toán vào các quán ăn cạnh nhau trên một đường phố. Các người chủ quán đều không tính tiền và còn cho uống beer và nước ngọt thật ngon lành vì mấy năm nay đâu được có những thứ này”.
Ông bạn nhà thơ Quan Dương được ra về vào năm 1981, đu theo xe đò tới Ninh Hòa thì nhảy xuống, cuốc bộ hai cây số về nhà.
Chiếc xe đò rùng mình nín thở
Quẳng xuống đường một nhúm xương khô
Gã lính “ngụy” lưu đầy ngơ ngác
Chưa dám tin mình đã trở về.
Những người về từ ngục tù Cộng sản chúng tôi ấm lòng khi được đồng bào miền Nam đón tiếp nồng hậu. Hình như họ nhìn thấy chính họ trong cái tiều tụy của chúng tôi. Đồng bào, hai chữ thật thân thương. Nhưng cũng thật rắc rối. Chúng tôi vừa thoát khỏi bàn tay nghiệt ngã của một thứ “đồng bào”, để được đón nhận thân tình từ một thứ “đồng bào” khác. Vận nước tới lúc như vậy, vận nước cũng sẽ tới lúc khác vậy. Để cho hai chữ “đồng bào” trở về đúng nghĩa của nó. Dù sao, những con người rách nát cả thể xác lẫn tinh thần chúng tôi cũng lê được cái thân tàn về với đồng bào miền Nam thân yêu. Và chúng tôi đã được đón nhận như những đứa con hẩm hiu tìm về được căn nhà cũ. Vậy là vui rồi. Vui như tết!
Song Thao
No comments:
Post a Comment