Phim điều tra về Viện Khổng Tử được công chiếu tại Australia
Bộ phim điều tra về các Viện Khổng Tử (Confucius Institutes) của Trung Quốc từng gây chấn động Bắc Mỹ gần đây đã được công chiếu tại Australia.
Theo The Epoch Times, bộ phim “In the name of Confucius” (tạm dịch: Dưới danh nghĩa Khổng Tử) đã được công chiếu tại Nhà thờ Scot ở Melbourne vào hôm 31/10, bởi các nhà tổ chức gồm Hiệp hội Liên kết Australia – Hồng Kông và Cộng đồng người Việt Nam tại Australia.
Bộ phim chỉ ra những điều bất thường và cảnh báo mối đe dọa từ các Viện Khổng Tử, một hệ thống giáo dục tiếng Hoa mà chính quyền Trung Quốc rải khắp trên thế giới. Được tài trợ bằng ngân sách nhà nước Trung Quốc, các Viện Khổng Tử có vẻ ngoài là các trung tâm giáo dục tiếng Hoa và giao lưu văn hóa, tuy nhiên các chuyên gia tình báo và các nhà điều tra nhìn nhận rằng các Viện Khổng Tử thực chất là công cụ gián điệp và truyền bá tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bộ phim nêu chi tiết về trường hợp của cô Sonia Zhao, người từng là giáo viên của Viện Khổng Tử ở Đại học McMaster tại Canada. Cũng như các giáo viên khác làm việc cho Viện Khổng Tử, cô bị cấm đề cập đến các chủ đề như Thảm sát Thiên An Môn 1989, Tây Tạng và Pháp Luân Công, môn khí công được tự do tập luyện ở Canada và nhiều nước khác nhưng bị đàn áp đẫm máu tại Trung Quốc từ năm 1999 đến nay.
Cô Zhao đã quyết định từ bỏ công việc ở Viện Khổng Tử và bắt đầu công bố những điều bất thường trong chương trình này, dẫn đến việc đóng cửa Viện Khổng Tử đầu tiên tại Bắc Mỹ, mở đầu cho làn sóng tẩy chay tổ chức này trên toàn thế giới. Là một học viên Pháp Luân Công, cô Zhao được cấp quy chế ty nạn ở Canada sau khi rời khỏi Viện Khổng Tử.
Một trong các quan khách tham gia buổi công chiếu bộ phim tại Melbourne, ông Daniel Wild, Giám đốc Nghiên cứu tại Viện Các vấn đề Công cộng, nói rằng các Viện Khổng Tử không nên được phép hoạt động bên trong các cơ sở đại học và trường học của Australia.
Ông Wild nói các Viện Khổng Tử “không phù hợp với các giá trị của chúng ta về tự do và quyền tiếp cận thông tin tự do trong các trường đại học”.
Ông Wild bình luận rằng phương Tây từng nghĩ rằng việc tạo điều kiện cho Trung Quốc phát triển kinh tế sẽ “mang lại tự do hóa chính trị ở Trung Quốc”. Ông nói tiếp: “Nhưng thực tế diễn ra là phương Tây đang trở nên giống Trung Quốc hơn. Trung Quốc thật sự đang thay đổi chúng ta”.
Có chung bình luận tương tự, ông Paul Monk, cựu chuyên gia phân tích tình báo cấp cao của Tổ chức Tình báo Quốc phòng thuộc Chính phủ Liên bang Australia, nói: “Gần 35 năm qua, ở đây và trên thế giới, mọi người đều muốn Trung Quốc mở cửa, mọi người đã muốn thấy họ phát triển và thịnh vượng, muốn họ hòa hợp vào thể chế của Australia”.
“Những tưởng rằng khi điều đó xảy ra, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ dần dần tự do hóa và trở nên thân thiện hơn, thu hút hơn”, ông Monk giải thích. Tuy nhiên, ông cho rằng giờ đây chính Australia lại đang có nguy cơ bị xâm hại bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc và các ý đồ của họ.
Vào ngày 22/8, Sở Giáo dục Tiểu bang New South Wales (NSW) của Australia tuyên bố loại bỏ các Viện Khổng Tử tại các trường công lập ở tiểu bang. Làn sóng tẩy chay Viện Khổng Tử cũng đang diễn ra tại các nước khác.
Cũng trong tháng 8, tỉnh New Brunswick của Canada đã công bố kế hoạch đóng cửa các học viện Khổng Tử của Trung Quốc tại các trường học của mình.
Hồi tháng 9, Tiểu Bang Florida, Mỹ đã đóng cửa toàn bộ Viện Khổng Tử của Trung Quốc. Theo The Epoch Times, đã có khoảng 100 Viện Khổng Tử bị đóng cửa trong các trường đại học ở Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sớm nhận thấy mối đe dọa từ các Viện Khổng Tử. Đầu năm 2018, Tổng thống Trump đã ký duyệt Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cho năm tài khoá 2019, yêu cầu các trường đại học và cao đẳng Mỹ, nếu muốn nhận tài trợ từ chính phủ Liên Bang cho chương trình tiếng Hoa của trường, thì “bắt buộc không có Viện Khổng Tử tại trường, hoặc phải chứng minh được Viện Khổng Tử và các nhân viên của viện này không tham gia vào chương trình tiếng Hoa do chính phủ Liên Bang tài trợ. Trường được nhận tài trợ đồng thời phải công khai mọi hợp đồng, thoả thuận liên quan hoặc đã ký với Viện Khổng Tử trước đó."
No comments:
Post a Comment