Sunday, November 17, 2019

Điều kinh hoàng xảy ra khi mất điện toàn cầu


Đầu năm nay, các bệnh nhân ở Venezuela nhận ra rằng khi cả nước bị mất điện liên tục kéo dài năm ngày thì hóa ra mất điện gây ra nhiều vấn đề vô cùng chứ không chỉ là chuyện không có ánh đèn.

Các bác sĩ không thể làm được gì. Trong bóng tối dày đặc chỉ thỉnh thoảng lóe lên ánh sáng của đèn pin và từ điện thoại di động, các nhân viên y tế bất lực chứng kiến bệnh nhân chết dần ngay trước mắt họ. Một phụ nữ lớn tuổi bị hiện tượng máu đông trong phổi - một triệu chứng khá phổ biến, đe dọa tới tính mạng và chỉ có thể chữa lành bằng đúng loại thiết bị và đúng thuốc.

Mọi thứ mà các bác sĩ ở đây cần để cứu bà, trong đó có máy trợ thở, nằm ở rất gần trong khu vực chăm sóc đặc biệt, chỉ cách họ vài tầng lầu. Nhưng không có điện trong bệnh viện cao chín tầng ở Maracay, chẳng cách nào họ đến được với cái máy. Không có điện, thang máy không hoạt động.

Đó là tình trạng đã xảy ra ở nhiều bệnh viện trên khắp Venezuela hồi tháng Ba vừa qua, khi nước này có đợt mất điện toàn quốc kéo dài năm ngày do khủng hoảng chính trị và kinh tế.

Không được chuẩn bị để đối phó với tình trạng mất điện bất thần, máy phát điện dự phòng ở nhiều bệnh viện không hoạt động, trong khi một số bệnh viện khác chỉ có đủ nhiên liệu để duy trì hoạt động một vài khu vực quan trọng nhất.

Đến ngày thứ năm, ước tính đã có 26 người thiệt mạng ở nhiều bệnh viện tại quốc gia này vì mất điện, theo số liệu của tổ chức Bác sĩ vì Sức khỏe (Doctors for Health), nhóm bác sĩ theo dõi tình trạng khủng hoảng y tế ở Venezuela.

Trong số những người thiệt mạng có các bệnh nhân suy thận không được lọc máu khi cần và bệnh nhân bị trúng đạn mà bác sĩ không thể nào phẫu thuật trong đêm.

Cùng với người chết là chuyện về những sản phụ sinh con ngay trong phòng bệnh tối tăm ở bệnh viện, bác sĩ chữa trị cho bệnh nhân và bác sĩ phẫu thuật mổ bằng đèn pin từ điện thoại di động, và những em bé không thể tiếp tục sống trong lồng ấp. 

Bệnh viện ở Venezuela mất điện suốt 5 ngày cả quốc gia mất điện năm nay

"Những em bé này cần được chăm sóc đặc biệt và vì không có điện, nhân viên lồng ấp trong những phòng săn sóc trẻ sơ sinh đặc biệt đã phải tìm chăn để giữ ấm cho trẻ," Julio Castro từ Trường Y học Đại học Trung tâm Venezuela nói.

Ông đã tập hợp dữ liệu cho Tổ chức Bác sĩ vì Sức khỏe, mô tả một số câu chuyện mà nhân viên bệnh viện kể lại cho ông khi đợt mất điện toàn quốc xảy ra.

"Khi máy trợ thở không hoạt động, y tá và bác sĩ phải bóp thiết bị thở cao su bằng cách thủ công," ông kể lại. "Họ phải thay nhau để giúp bệnh nhân sống sót."

Vấn đề lan rộng ra ngoài phạm vi bệnh viện. Người già ở căn hộ cao tầng phải được đưa xuống bằng thang bộ. Mọi người nấu ăn bằng lửa và ăn trong ánh nến. Không có điện, thức ăn hư hỏng khi tủ lạnh nóng dần lên, đèn giao thông không hoạt động và hệ thống giao thông bị đình trệ. Bơm nước đến mọi nhà trong thành phố ngừng hoạt động, khiến cư dân khổ sở tìm kiếm nguồn nước ở sông lạch và thậm chí cả ở cống thải gần nơi sinh sống.

Trong suốt năm, Venezuela đã gặp phải tình trạng mất điện thường xuyên. Một số đợt mất điện ngắn và chỉ diễn ra ở vài địa phương, kéo dài vài phút đến vài giờ cho đến khi có điện trở lại, nhưng một số đợt mất điện kéo dài nhiều ngày.

Khi mất điện tiếp tục, Castro và đồng nghiệp của ông nhận thấy nhiều người chết hơn.

"Nếu bạn thậm chí chỉ có bốn giờ mất điện trong bệnh viện thì điều đó cũng là quá mức bất thường," Castro giải thích. "Tình trạng mất nước còn tệ hơn. Có một số bệnh viện buộc phải yêu cầu bệnh nhân tự mang theo nước của họ vì bệnh viện không có đủ nước cung cấp."

Đợt mất điện kéo dài ở Venezuela đã tác động đến mọi nhà, khiến máy bơm nước ngừng hoạt động và thức ăn ôi thiu trong tủ lạnh

Tình huống ông mô tả nghe có vẻ như tận thế ở nơi chỉ vài năm trước còn là một trong những quốc gia giàu nhất ở Nam Mỹ và có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Dù chính phủ Venezuela đổ lỗi cho sự phá hoại và khủng bố gây ra tình trạng mất điện, nhưng nhiều người cho rằng nguyên nhân là vì trong nhiều năm quốc gia này đã bỏ bê, hầu như không đầu từ gì vào lưới điện quốc gia.

Nhưng tình trạng mất điện lan rộng và kéo dài như vậy, được gọi là sự cố bầu trời đen tối, không chỉ xảy ra ở quốc gia bên bờ vực sụp đổ này.

Mỗi năm, hàng triệu người ở Mỹ và Canada bị rơi vào tình trạng tăm tối vì bão tố đi qua khiến hệ thống lưới điện bị phá hủy.

Trong tháng Sáu năm nay, hầu hết toàn bộ Argentina, Uruguay và Paraquay bị đợt mất điện toàn bộ khiến 40 triệu người không có điện sử dụng.

Trong tháng Tám, gần một triệu người ở Anh Quốc bị mất điện, nhiều hành khách đi tàu mắc kẹt khi sét đánh khiến một nhà máy điện bốc cháy và một nhà máy điện gió ngoài khơi phải đồng thời ngưng hoạt động.

Tuy nhiên, những sự kiện trên đây chỉ là quy mô nhỏ so với tình trạng mất điện mà các chuyên gia lo sợ sẽ xảy ra trong tương lai.

Nhu cầu về điện ngày càng tăng vì dân số tăng và những công nghệ mới như xe hơi điện sẽ phải đối mặt với tình trạng bất ổn tăng dần khi ta dần chuyển qua những nguồn năng lượng tái tạo nhưng không ổn định như điện gió và điện mặt trời.

Điều kiện thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu sẽ gia tăng rủi ro tác động lên nguồn cung cấp điện.

"Phần lớn cuộc sống của con người và gần như mọi thứ ta làm giờ đây lệ thuộc vào năng lượng, cụ thể là nguồn điện," Juliet Mian, giám đốc kỹ thuật của tổ chức Chuyển đổi Khả năng Hồi phục (Resilience Shift), một sáng kiến giúp các tổ chức và cá nhân chuẩn bị cho sự sụp đổ của những cơ sở vật chất quan trọng trong tương lai, nói.

"Chúng ta thường sử dụng cụm từ 'mất điện, tối om', nhưng ánh đèn chiếu sáng chỉ là mối lo lắng thấp nhất với ta ngày nay."

Đèn giao thông chỉ là một yếu tố trong cơ sở vật chất giao thông bị ảnh hưởng nếu mất điện ở quy mô lớn

Bà nói đúng.

Trong lúc cụm từ tình trạng "bầu trời đen tối" có vẻ mô tả tác động rõ ràng nhất của tình trạng mất điện trên diện rộng, thì cụm từ này vẫn không thể mô tả quy mô của tác động mà mất điện gây ra.

Trong thế giới hiện đại, hầu như mọi hoạt động, từ hệ thống tài chính, mạng lưới thông tin liên lạc đều hoàn toàn lệ thuộc vào điện. Những cơ sở hạ tầng quan trọng khác như nguồn nước và hệ thống nước thải cũng hoạt động nhờ vào bơm nước chạy bằng điện.

Không có điện, bơm nhiên liệu tại cây xăng cũng ngừng hoạt động, biển chỉ đường, đèn giao thông và hệ thống tàu điện cũng bị đình trệ. Cả mạng lưới giao thông rơi vào tình trạng ngừng hoạt động.

Hệ thống cung cấp thức ăn phức hợp của chúng ta cũng nhanh chóng hỏng hóc nếu không có máy tính phối hợp ở những khâu sản xuất cần đến, hoặc không có nhiên liệu để vận tải thực phẩm hay cấp đông bảo quản. Máy điều hòa nhiệt độ, lò đun bằng ga và hệ thống sưởi cũng phụ thuộc vào điện.

Chỉ mới hơn 100 năm trước, các thành phố của con người còn hoạt động nhờ vào sức người và sức động vật để vận tải hàng hóa và chất thải. Cơ sở vật chất hiện đại giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào năng lượng điện.

"Trong thế giới ngày nay, hệ thống của chúng ta cực kỳ lệ thuộc lẫn nhau và rất khó tìm ra nhiều hệ thống mà không chủ yếu dựa vào điện năng," Mian nói. "Kịch bản mất điện toàn cầu sẽ gây tác động tới tất cả mọi người."

Có rất nhiều nguyên nhân gây mất điện toàn bộ.

Chúng có thể do thảm họa tự nhiên như bão hay động đất đến những cơn bão cảm ứng địa từ do những tia lửa điện khổng lồ từ Mặt Trời gây ra, hay những đợt phóng vật chất cực quang lớn giải phóng hàng loạt các phân tử nhiễm điện ra khắp Hệ Mặt Trời và khiến lưới điện bị quá tải.

Một đợt nhiễu cảm ứng địa từ mạnh đã gây ra tình trạng mất điện suốt chín giờ khắp một vùng rộng lớn ở Canada vào năm 1989.

Hội đồng An ninh Lưới Điện, một tổ chức quốc tế tìm hiểu các nguy cơ xảy ra với lưới điện, cũng liệt kê một số nguy cơ từ phía con người có thể gây mất điện trên diện rộng.

Trong số các nguy cơ này gồm có hành động khủng bố trên mạng, hay những đợt tấn công phối hợp nhắm tới cơ sở hạ tầng năng lượng như nhà máy điện, hoặc xung điện từ có thể vô hiệu hóa lưới điện.

Một số người sử dụng điện thoại để chiếu sáng lên hàng hóa trong siêu thị ở Bueno Aires, Argentina trong đợt mất điện

"Lưới điện quốc gia là kỳ quan khổng lồ về kỹ thuật và hoạt động hỗ trợ sự phát triển kinh tế nhanh chóng ở khắp nơi trên thế giới," Melissa Lott, nhà nghiên cứu từ Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Columbia ở New York, nói.

"Nhưng ta cần đầu tư nhiều hơn để lưới điện quốc gia theo kịp tốc độ chuyển đổi công nghệ nhanh chóng và những hiện tượng thời tiết ngày càng khắc nghiệt."

Bà cho biết dù hiện tượng mất điện toàn bộ hiếm khi xảy ra, nhưng những ảnh hưởng sâu rộng mà chúng gây ra với doanh nghiệp và con người khiến cho chúng ta cần cập nhật liên tục hơn nữa cho công nghệ quản trị lưới điện, và cần phải có sự cải tiến cơ sở hạ tầng để hệ thống vững chắc hơn trước các đe dọa vật lý như lụt lội.

"Trong mùa hè năm 2012, tình trạng mất điện ở Ấn Độ đã gây ảnh hưởng đến hơn 600 triệu người trong suốt hai ngày. Ở Puerto Rico, bão Maria đã làm tê liệt toàn bộ cơ sở hạ tầng trên đảo, khiến mọi người chìm trong bóng tối và gây ra thảm họa nhân đạo."

"Trong năm 2018, một trận động đất ở Đảo Hokkaido ở Nhật đã khiến 5 triệu người không có điện."

"Để tránh tình trạng này ngày càng xảy ra phổ biến và giảm thiểu tác động, chúng ta cần phải đầu tư vào lưới điện."

Đưa ra giải pháp chống lại những nguy cơ tiềm ẩn này là khó khăn và đắt đỏ. Những hệ thống quan trọng cần được bảo vệ để đối phó với tình trạng bị tấn công, và chúng có thể được xây dựng để chống lại xung điện từ nếu ta có đủ tài lực chi trả.

Xây dựng hệ thống mới nhằm bảo vệ ứng phó với những đợt phóng vật chất cực quang cũng có thể giúp hệ thống an toàn.

Nhưng có một số tình huống không thể lên kế hoạch trước và bản chất phức tạp cũng như liên kết lẫn nhau trong mạng lưới điện cũng cực kỳ dễ bị tác động.

Hãy quay lại một sự kiện xảy ra vào tháng 9/2003, khi một cái cây đổ khiến đường dây điện ở Đèo Lukmanier ở Thụy Sĩ đi qua dãy núi Alps vào nước Ý hỏng, và 24 phút sau đó một cái cây khác đổ lên một đường dây điện gần đèo Great St Bernard.

Hai đường dây trọng yếu thình lình bị hỏng này đã khiến những liên kết khác trong lưới điện Châu Âu hư hỏng và nhiều nhà máy điện ở Ý dừng hoạt động.

Toàn bộ nước Ý bị mất điện chỉ vì hai cái cây đổ gây ra hiệu ứng sụp đổ hàng loạt.

Các mạng lưới điện hiện đại ngày càng liên kết và phức tạp, khiến những đợt hư hỏng như vậy khó mà lường được.

Hầu hết Châu Âu giờ đây hoạt động nhờ lưới điện liên kết - có lẽ là lưới điện lớn nhất thế giới - cấp điện cho 400 triệu khách hàng từ 24 quốc gia.

Nước Mỹ sử dụng năm lưới điện khác nhau.

Nhưng cũng có một số người đang tìm kiếm giải pháp dự đoán tình trạng mất điện và dùng trí tuệ nhân tạo giúp họ cùng xử lý vấn đề cực kỳ phức tạp này.

Chẳng hạn khi một nhà máy điện ngừng hoạt động, nó gây ra một đợt tăng tải bất thường với các nhà máy khác trong cùng mạng lưới, dẫn đến tình trạng máy phát điện ở các nhà máy này hoạt động chậm lại, khiến giảm tần số trên lưới điện.

Nguy cơ mất ổn định với sự cân bằng mỏng manh trên lưới điện có thể ngăn cản được nhờ vào việc bộ phận vận hành đưa ra giải pháp xử lý nhanh chóng - thường là trong phần triệu giây - để tránh các phần trên lưới điện bị ngắt mạch.

Một số nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Fraunhofer Gesellschaft ở Ilmenau, Đức gần đây tiết lộ họ đang phát triển một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động phát hiện những trục trặc và lần lượt xử lý chúng.

Một đợt mất điện nghiêm trọng khiến người tham gia giao thông và đi tàu điện ngầm ở Manhattan mắc kẹt trong bóng tối đầu năm nay

Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cũng đang tài trợ 7 triệu đô la Mỹ cho nghiên cứu sử dụng trí tuệ nhân tạo không chỉ để dự đoán trước nguy cơ mất điện và phát hiện những bất thường có thể gây ra trỡ ngai  lớn hơn, mà còn đồng thời để tìm ra cách giúp nguồn cấp điện hoạt động liên tục trong trường hợp có sự cố.

Tập đoàn General Electric đang sử dụng kỹ thuật máy tính học [machine learning] để giúp phân tích dự báo thời tiết trong những vụ mất điện lịch sử và thông tin trên mặt đất từ đội phản ứng nhanh để dự đoán tác động từ các cơn bão sắp tới gây ra trên lưới điện.

Công ty này cũng sử dụng thông tin đó để dự đoán những vị trí mà đội sửa chữa phải có mặt để sửa chữa đường dây hỏng hóc nhanh chóng.

Lưới điện cũng có thể tự bảo vệ bằng cách tăng cường tích trữ năng lượng như sử dụng pin cỡ lớn để có thể cấp điện tạm thời khi các máy phát điện bất thần ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, việc bảo vệ lưới điện tránh khỏi mất điện hoàn toàn gần như là không thể, Mian nhận định.

"Ta không thể thiết kế hệ thống mà chẳng có lỗi gì xảy ra," bà nói.

"Có quá nhiều yếu tố phức hợp trong hệ thống đến mức những lỗi này có thể xảy ra dây chuyền và lan rộng hơn nhiều, khiến cho chuyện mất điện vào lúc nào đó là điều không thể tránh khỏi."

"Nhưng những gì ta có thể làm là thiết kế hệ thống để chúng có thể phản ứng và hồi phục nhanh chóng."

Đây chính là điều mà tổ chức Chuyển đổi Khả năng Hồi phục đang cố gắng cải thiện.

Tổ chức này đã tổ chức nhiều buổi diễn tập liên kết với Hội đồng An ninh Cơ sở Hạ tầng Điện (EIS) để giúp các tổ chức lớn, trường đại học, trường học, nhóm cộng đồng và gia đình chuẩn bị sẵn cho sự cố có thể dẫn tới tình trạng cắt điện trên diện rộng nhiều ngày một lúc.

Các bài Diễn Tập Xuyên Quốc gia về Phản ứng Khẩn cấp ở Mọi Bộ phận trong Tình trạng Nguy hiểm, còn được gọi là Earth Ex, là các bài tập trên mạng cho phép người thực hành tập dượt ra quyết định khi cần và thực hiện những kế hoạch cần thiết khi tình huống tồi tệ nhất xảy ra (Bạn có thể thử học các bài diễn tập này tại đây để xem mình đã sẵn sàng tới mức nào => LINK: https://www.eiscouncil.org/EarthEx.aspx)

"Chúng tôi muốn mọi người nghĩ về điều này một thời gian dài trước khi vấn đề xảy ra," John Heltzel, giám đốc kế hoạch hồi phục tại EIS, nói.

"Quan trọng là vì khi lưới điện hỏng hóc, sẽ có rủi ro xảy ra tác động dây chuyền từ một sự việc ban đầu tưởng chừng như là khá nhỏ."

Sự cố dây chuyền này gây ra những thiệt hại thực sự. Như người dân ở Venezuela đã phát hiện ra, ngay cả những dịch vụ cơ bản như cấp nước cũng ngừng hoạt động khi mất điện.

"Việc này gần giống như quay trở về thời tăm tối," Heltzel nhận xét.

Mọi người có thể mắc kẹt trong thang máy hay các tòa nhà cao tầng khi mất điện

Một báo cáo do các nhà khoa học từ trường Đại học University College London thực hiện đã phác ra khả năng cho thấy tình trạng mất điện có thể tác động tới cộng đồng, từ việc mất dịch vụ chăm sóc y tế đến dịch vụ vệ sinh cho tới tình trạng cư dân mắc kẹt trong thang máy và hệ thống giao thông đình trệ.

Sau đó, nhiều hệ lụy xã hội cũng kéo theo.

Tỷ lệ tội phạm thường tăng vọt trong thời gian mất điện vì tình hình tạo cơ hội cho trộm cắp và lừa đảo.

Nguồn cung cấp tiền mặt và tín dụng - đặc biệt là trong xã hội hiện đại quá lệ thuộc vào hệ thống chi trả qua máy móc và dùng thẻ - khi nguồn điện cạn cũng là lúc mọi người phải dựa vào số lượng tiền mặt họ họ vô tình ki cóp được khi ấy.

Mạng lưới thông tin liên lạc và khả năng liên lạc với người thân yêu cũng biến mất, trong khi những người yếu đuối như người già thường bị mắc kẹt trong nhà.

Các doanh nghiệp hầu hết không thể hoạt động gì, gây ra tác động kinh tế khủng khiếp.

Năm 2004, Bộ Năng lượng ước tính chi phí vì mất điện ở Mỹ là khoảng 80 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

Khi hai triệu khách hàng ở California bị cắt điện trong hai ngày vào tháng 10 năm nay, chuyên gia ước tính cái giá phải trả cho nền kinh tế là 2,5 tỷ đô la Mỹ.

Heltzel là người đầu tiên biết những thông tin mất điện ở quy mô lớn có thể gây hỗn loại ra sao.

Ông đã nghỉ hưu ở cấp bậc chuẩn tướng sau 33 năm phục vụ trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia Kentucky và cũng là chỉ huy phó ở Trụ sở Liên Quân Kentucky.

Trong năm 2009, tiểu bang này bị một loạt các cơn bão băng tuyết tấn công khiến đường dây điện đứt vì sức nặng của băng đá và tuyết bám trên đường dây.

"Có một hôm chúng tôi gặp bão băng, sau đó là bão tuyết, rồi sau đó lại là bão băng," Heltzel nhớ lại.

Lượng băng đá dồn lên quá nhiều đến mức khiến nhiều cấu trúc bằng thép được thiết kế để chống chịu gió trong bão cũng sụp đổ và cột điện bằng gỗ bị bẻ gãy "như mấy cây tăm", theo thông tin từ một buổi điều trần tại Quốc hội sau đó.

"Chúng tôi mất điện toàn bộ miền tây tiểu bang Kentucky,"Heltzel nói. "Từ góc độ tiểu bang, đó là 120 đia hạt, chúng tôi có 114 điểm rơi vào tình trạng khẩn cấp. Điều đó có nghĩa là mọi người mắc kẹt trong nhà và không thể ra cửa hàng mua thực phẩm. Vì vậy chúng tôi có những người bị đói và có những người có nước giếng bị đóng băng. Họ không thể lấy nước từ hệ thống cấp nước địa phương. Cùng thời điểm, mạng lưới thông tin liên lạc cũng không hoạt động, vì vậy họ không thể gọi tìm sự giúp đỡ."

Lực lượng Vệ binh Quốc gia Kentucky đã huy động 12.000 binh sĩ và phi công cung cấp thực phẩm đến từng nhà cho mọi người.

Họ cũng đề nghị sử dụng máy phát điện khẩn cấp để đưa hệ thống cấp nước dự phòng vào hoạt động. Các trạm liên lạc khẩn cấp được các tieu bang khác đưa đến, giúp mạng lưới điện thoại và radio hoạt động trở lại.

Ngay cả như vậy, những khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất là những khu vực mất điện trong nhiều tuần.

"Chúng tôi đưa những người quản lý lưới điện lên xuống mạng lưới bằng trực thăng để họ có thể kiểm tra xem bao nhiêu cột điện và cáp điện họ cần," Heltzel cho biết. "Nhưng dù tất cả mọi nguồn lực chúng tôi huy động, chúng tôi cũng mất đến bốn tuần rưỡi mới phục hồi được nguồn điện cho tất cả mọi nhà."

Hội đồng An ninh Cơ sở Hạ tầng Điện đề xuất nên có lượng nước đóng chai tương đương lượng nước sử dụng trong hai tuần tại nhà, phòng trường hợp mất điện

Khoảng 35 người ở tiểu bang Kentucky và 30 người ở các tiểu bang gần đó thiệt mạng. Ít nhất tám người chết vì bị nhiễm độc khí carbon monoxide vì máy phát điện bằng dầu máy diesel và máy sưởi chạy bằng kerosene sử dụng trong nhà mà không có hệ thống thông khí phù hợp.

Đó là lý do tại sao Heltzer tin rằng chuẩn bị trước cho sự việc mất điện trước khi chúng xảy ra là điều quan trọng.

Những cơ quan như bệnh viện, nhà cung cấp nước và các công ty lớn có thể đảm bảo họ thường xuyên kiểm tra máy phát điện dự phòng và có đủ nhiên liệu cho máy chạy.

Nhà thờ và trường học có thể đảm bảo họ có chăn mền sẵn sàng và các cơ sở vật chất khác để giúp những người bị mắc kẹt và cần nơi trú thân.

Ở cấp độ cá nhân, chúng ta cần thực hiện tất cả mọi bước. Từ những điều đơn giản như có sẵn đèn pin với nhiều pin tại nhà, đảm bảo có đủ lượng nước đóng chai sẵn có khi cần - EIS đề xuất ta trữ sẵn trung bình hai lít nước cho mỗi người và một lít cho thú nuôi mỗi ngày, đủ dùng cho hai tuần. Trữ sẵn trong tủ các loại thực phẩm không hư hỏng như gạo, mì ống và rau củ đóng hộp cũng là việc nên làm.

Nhưng Heltzel và nhóm của ông cũng có những lời khuyên khác thường cho những gia đình chuẩn bị cho tình trạng mất điện. Các loại sữa công thức cho bé sơ sinh là nguồn dinh dưỡng tốt ngay cả khi bạn không có con nhỏ. Một số lượng túi đựng rác nhất định cũng quan trọng, chúng có thể được dùng để đặt trong bồn cầu nếu hệ thống cấp nước đình trệ, giúp bạn có thể chôn chất thải bên ngoài.

Một khoản tiền mặt dùng cho tình trạng khẩn cấp cũng có thể cứu mạng ta.

"Một trong những thứ chúng tôi bàn bạc về các cá nhân và gia đình đó là biến bản thân bạn từ người sống sót trở thành người giúp hồi phục," Heltzel nói.

"Chúng tôi muốn mọi người trở thành một phần của giải pháp thay vì là một phần của vấn đề. Đó có thể là một phần của nỗ lực cộng đồng lớn hơn trong hồi phục hoặc đơn giản là để giúp những ai chưa chuẩn bị sẵn sàng."

Ở Venezuela, đội ngũ nhân viên y tế là ví dụ hoàn hảo của điều này.

Sau đợt mất điện toàn quốc lần đầu, số lượng người chết giảm dần sau mỗi lần mất điện sau đó.

Julio Castro từ tổ chức Bác sĩ Hỗ trợ cho rằng một phần là vì các lần mất điện sau có thời gian ngắn hơn, một phần là vì các nhân viên bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng.

"Giờ đây họ biết vấn đề có tồn tại họ đã đưa các quy trình vào hoạt động," Castro nhận định.

"Họ đảm bảo có đủ nhiên liệu và máy phát điện dự phòng hoạt động. Họ cũng phân công sẵn sàng để khi cần sẽ thực hiện thông khí bằng cách thủ công và các phương pháp dự phòng thủ công cho thiết bị.

"Điều đó giúp mọi người sống sót."

Richard Gray

No comments:

Blog Archive