Ông Trump đã đúng khi quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria?
Hôm thứ Hai (7/10, giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rằng ông đã đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc Mỹ sẽ rút quân khỏi Syria, đổi lại việc chánh quyền Ankara sẽ nhận giam giữ toàn bộ phần tử khủng bố IS đã bị bắt trong hơn 2 năm qua.
Quyết định này của ông Trump thực ra đã được trù liệu từ cuối tháng 12/2018, vốn dĩ đã gây nên nhiều tranh cãi ở thời điểm đó. Một trong những người phản đối ông Trump mạnh mẽ nhứt là Tướng James Mattis, người sau đó đã từ chức Bộ trưởng Quốc phòng.
Còn lần này, ông Trump cũng đã phải hứng chịu nhiều phê bình gay gắt từ các chánh trị gia của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Những người chỉ trích ông Trump lập luận rằng họ tin người Kurd xứng đáng được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vì họ đã nỗ lực chiến đấu chống IS trong nhiều năm qua.
Viết trên Twitter, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley hoàn toàn không tán đồng thỏa thuận mà ông Trump vừa đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ:
“Chúng ta phải luôn ủng hộ các đồng minh của mình, nếu chúng ta mong muốn họ ủng hộ chúng ta. Người Kurd là chìa khóa trong cuộc chiến đấu chống IS thành công của chúng ta tại Syria. Việc để họ phải chết là một sai lầm lớn. Thổ Nhĩ Kỳ không là bạn của chúng ta."
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, đã gọi quyết định của ông Trump là “thảm họa”, và thậm chí còn so sánh nó với quyết định sai lầm trong quá khứ của Obama: "Nếu tôi không nhìn thấy cái tên "Donald Trump" hiện trên tweet, tôi cứ nghĩ đó là lý lẽ của Obama khi rút quân khỏi Iraq."
Vậy thì ông Trump đã đúng hay sai trong quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria?
Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu về chiến trường Syria. Dư địa chánh trị của Syria rất phức tạp. Nước này hiện tại là một nồi lẩu thập cẩm với rất nhiều phe phái đang tranh quyền đoạt lợi, với rất nhiều mâu thuẫn về tôn giáo, sắc tộc giữa đa số người Arab theo Hồi Giáo dòng Sunni, người Thổ, thiểu số người Kurd (chủ yếu cũng theo Hồi giáo Sunni), người Arab theo Kitô giáo...
Chế độ cầm quyền al-Assad từ đời cha tới đời con đã làm lụn bại quốc gia và đẩy mâu thuẫn xã hội lên cao trào, để rồi bùng nổ vào năm 2010, bắt đầu từ những cuộc biểu tình phi bạo lực đã biến thành cuộc nội chiến vũ trang đẫm máu giữa các phe phái khác biệt về ý thức hệ và chống lại cả chính quyền al-Assad. Chính điều đó đã tạo thời cơ cho ISIS nổi dậy và bành trướng tại Syria. Chiến trường Syria rối rắm như một mớ bòng bong, thập nhị sứ quân giong cờ khởi nghĩa, chiêu binh mãi mã và đánh nhau ở khắp nơi, nhưng tựu chung lại, có thể chia làm 4 phe chính:
1. Chánh quyền Syria của al-Assad với sự hậu thuẫn của Nga, Iran, Trung cộng và Bắc Hàn.
2. Các phe đối lập chống chính quyền Syria (thực tế họ không thống nhất mà chia rẽ rất phức tạp, dù cùng chống chế độ độc tài al-Assad nhưng họ theo đuổi nhiều xu hướng và lý tưởng khác nhau, và đánh lẫn nhau. Các phe này được sự ủng hộ tương đối của Mỹ và Arab Saudi tùy theo chiến lược và hoàn cảnh.
3. Nhóm người Kurd, có gốc gác thuộc sắc dân Ba Tư, chủ yếu theo Hồi giáo dòng Sunni. Họ chiến đấu vì lý tưởng ly khai và thành lập quốc gia riêng cho người Kurd. Nhóm dân quân này nhận được sự ủng hộ của Mỹ - cũng theo chiến lược và hoàn cảnh - để tiêu diệt ISIS.
4. Tổ chức khủng bố ISIS, những kẻ muốn xây dựng một Nhà nước Hồi giáo để áp đặt luật Sharia và phủ bóng ngọn cờ Allah lên khắp Syria và Trung Đông. Hiển nhiên, nó chống lại chính quyền Syria và tất cả các phe khác.
Tình hình phức tạp là vậy nhưng suốt 6 năm tại nhiệm của mình từ sau cuộc nội chiến Syria bùng nổ, Barack Hussein Obama chỉ biết vạch ra "lằn ranh đỏ" (red line) rồi... để đó, không giải quyết vấn đề một cách rốt ráo, nhu nhược với chính quyền al-Assad và quá mềm yếu với ISIS, tạo điều kiện dung dưỡng tổ chức khủng bố này.
Khi ông Trump lên làm Tổng thống thì bị dính ngay vũng lầy Syria do Obama để lại, Quốc hội Hoa Kỳ thì liên tục gây áp lực lên ông. Nhưng với bản lãnh của một nhà lãnh đạo tài năng và chiến lược quân sự đúng đắn, chỉ trong vòng một năm thì Liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu đã "hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn" ISIS, thu hồi đến 97% lãnh thổ của tổ chức này. Song song với đó là 2 màn "trình diễn" hỏa tiễn đầy ngoạn mục vào các cơ sở nghiên cứu vũ khí hóa học của chính quyền al-Assad, dằn mặt các đồng minh của chính quyền này là Nga, Trung cộng, Iran và Bắc Hàn.
Và có lẽ như thế là đủ! Quân đội Hoa Kỳ không thể ở lại mãi Syria và thực tế là sẽ không bao giờ có thắng lợi cuối cùng, chiếu theo dư địa chánh trị và tình hình chiến sự phức tạp ở quốc gia này. Việc rút quân khỏi Syria lần này không thể so sánh với hồi Obama rút quân khỏi Iraq để lại khoảng trống quyền lực. Syria nói riêng và Trung Đông nói chung xưa nay là lò lửa, là miền đất dữ, nên để các phe phái đấu đá và tiêu diệt nhau một cách tự nhiên, nếu như diệt phe này thì chỉ tạo ưu thế cho phe kia xưng hùng xưng bá, và thời gian sau nó cũng quay lại chống Mỹ. Thực tế, Mỹ không thể hiểu hết sự phức tạp về sắc tộc, tôn giáo và càng không có đồng minh đúng nghĩa ở Syria.
"…Tôi đã trì hoãn cuộc chiến này gần 3 năm, nhưng bây giờ là lúc chúng ta phải thoát khỏi Những cuộc Chiến tranh Không hồi kết vô lý này – nhiều cuộc chiến trong đó là chiến tranh bộ tộc – và mang binh lính của chúng ta về nhà." - ông Trump viết trên Twitter.
Đó là chưa kể những tổn thất lớn lao về nhân mạng và chiến phí. Chỉ trong năm 2019, ít nhất 5 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng ở Syria, chưa kể vô số thường dân vô tội khác. Còn chiến phí thì đã lến đến hơn 54 tỷ Mỹ kim tính đến thời điểm hiện tại.
Nói Mỹ bỏ rơi người Kurd cũng không đúng. Dân quân người Kurd là đồng minh theo hoàn cảnh và giai đoạn với Mỹ để chống lại ISIS, nhưng lý tưởng ly khai và lập quốc trên một vùng lãnh thổ giao nhau giữa 3-4 nước của họ là bất khả thi trong bối cảnh hiện tại. Chưa kể, động thái điều quân của ông Trump không phải là “bật đèn xanh” hoặc tán thành Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự chống lại lực lượng người Kurd, như ông đã nói rất rõ, là sẽ “phá hủy và xóa sổ hoàn toàn” nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ có hành động tại Syria mà ông coi là “vượt giới hạn”.
“Như tôi đã từng tuyên bố mạnh mẽ trước đây, và nay tôi khẳng định lại, nếu Thổ Nhĩ Kỳ làm bất cứ điều gì mà tôi, với trí tuệ tuyệt vời và vô song của mình, coi là vượt giới hạn, thì tôi sẽ phá hủy và xóa sổ hoàn toàn nền Kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ (Tôi đã từng làm điều này trước đây rồi!)”, ông Trump viết trên Twitter hôm 7/10, và vừa mới tái khẳng định một lần nữa:
"Chúng ta có thể là đang trong quá trình rời khỏi Syria, nhưng không đời nào chúng ta bỏ rơi người Kurd, những người đặc biệt và là những chiến binh tuyệt vời. Tương tự như vậy, mối quan hệ của chúng ta với Thổ Nhĩ Kỳ, một đối tác NATO và Thương mại, là rất tốt. Thổ Nhĩ Kỳ đã có một dân số người Kurd đông đảo và hoàn toàn hiểu rằng trong khi chúng ta chỉ còn 50 binh sĩ ở khu vực đó của Syria, và họ đã được điều đi, bất kỳ cuộc chiến chủ động hoặc không cần thiết nào của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tàn phá nền kinh tế và đồng tiền rất mong manh của họ. Chúng ta đang giúp đỡ người Kurd vũ khí về mặt tài chánh!"
Điều cuối cùng, nhiều lần ông Trump đã nói thẳng "Mỹ không nên làm cảnh sát của thế giới", vì vấn đề nội tại của bất kỳ quốc gia nào cũng phải nên được giải quyết bởi người dân của chính quốc gia đó, vì đó mới chính là con đường mang lại tự do, thịnh vượng và bền vững dài lâu.
"Có phải Hoa Kỳ muốn trở thành Cảnh sát ở Trung Đông? KHÔNG ĐƯỢC GÌ mà lại đánh đổi sanh mạng quý giá và hàng ngàn tỷ Mỹ kim chỉ để bảo vệ những người khác, mà trong hầu hết các trường hợp, còn không cảm kích những gì chúng ta đang làm? Chúng ta có muốn ở đó mãi mãi không? Đã đến lúc để những người khác chiến đấu..."
- Ông Trump lý giải quyết định rút quân khỏi Syria hồi tháng 12/2018 và giờ vẫn giữ vững lập trường đó: "Chúng ta giống như một lực lượng cảnh sát ở đó. Chúng ta đang không chiến đấu. Chúng ta đang làm cảnh sát."
Một nhà lãnh đạo giỏi, ngoài tài năng thì cần có trực giác nhạy bén, phải quyết đoán trong hành động và chịu trách nhiệm về những quyết định cuối cùng của mình. Trump hoàn toàn hội tụ đủ những điều đó, và hãy tin một lần nữa, Tổng thống Trump - Tổng tư lệnh tối cao của quân đội Mỹ - đã thực thi một quyết định đúng đắn!
(Fb Minh Pham)
No comments:
Post a Comment