Saturday, April 6, 2019

Chết Dưới Tay Xi, Ai Tình Nguyện Chết Trước?

Nguyễn Thị Cỏ May


Chủ tịch Xi của Trung quốc đã kết thúc chuyến viếng thăm chánh thức Pháp cấp Nhà nước vào ngày 26/03/2019 để lại cho giới báo chí Pháp hai nhận xét đáng ghi nhận. Trong lễ duyệt binh cùng với TT Macron, ông Xi đi khập khiểng. Và mỗi lần đứng lên, ông phải chống tay xuống thành ghế. Phải chăng đây là dấu hiệu không tốt về tình trạng sức khỏe của ông? Và  nhận xét thứ hai đáng lưu ý dân Pháp hơn: thái độ của ông Macron đối với ông Xi nay không giống như hồi đầu năm rồi, nhơn chuyến ông viếng thăm Bắc kinh lần đầu tiên. Theo New York Times, thái độ của ông Macron đối với ông Xi vừa rồi là “nhiệt tình, thận trọng và cảnh giác”.

Sau cuộc đàm phán đặc biệt hơn một giờ tại Điện Élysée, cả với Thủ tướng Đức, Bà Merkel, và Chủ tịch Âu châu, ông Juncker, TT. Macron vẫy tay tiễn ông bà Xi trong tiếng nhạc quân đội. Không biết trên đường ra về, Xi có suy nghĩ về thông điệp cuả TT. Macron gởi cho ông là Âu châu đoàn kết để đối phó với sách lược bá quyền của ông hay không?

Từ Huê kỳ, Bắc kinh từng bước mở rộng vòng tay xâm lược qua nhiều nước Âu châu bằng hàng hóa, tình báo và tham vọng quân sự, nhằm tìm cách khuynh đảo trật tự thế giới được thiết lập từ sau Thế chiến để thay thế bằng thứ trật tự mới nhãn hiệu «Made in China».

Như vậy Trung quốc ngày nay là mối nguy cho thế giới. Nhưng thật sự có đúng không?

Trung quốc đáng sợ?

a/Với Huê kỳ

Nhiều người cho rằng trong mười lăm năm nữa nền kinh tế Trung quốc sẽ vượt qua Huê kỳ để chiếm ngôi vị đệ nhứt cường quốc thế giới. Trái lại, cũng có nhiều nhà kinh tế học, cả người Tàu, phủ nhận con số hơn 6% mức tăng trưởng của Trung quốc là không đúng vì được thổi phồng. Thực tế, mức tăng trưởng không quá 1%, có khi dưới nữa.

Nói Trung quốc thổi phồng con số tăng trưởng cho mục đích tuyên truyền có thể tin được vì trong chuyến viếng thăm nước Pháp vừa qua, Xi cho biết đã đặt mua của Pháp 300 chiếc Airbus, trị giá 35 tỷ đô-la cũng không đúng. Việc mua bán chỉ mới thỏa thuận, và con số 300 này bao gồm cả số máy bay của lần mua trước, lúc Macron qua thăm Bắc kinh vào tháng giêng năm 2018. Cụ thể để bác bỏ con số 300 Airbus của Xi đưa ra là 10 chiếc Airbus 350 trong số đó đã mua rồi từ năm 2017 nay được tính chung luôn.

Nhưng, thực tế, Huê kỳ đã nhận thấy tham vọng thực hiện giấc mơ bá chủ thế giới của Xi sẽ không tránh khỏi làm tổn thương nghiêm trọng đến quyền lợi của Huê kỳ. Tướng Joseph Dunford, tham mưu trưởng quân lực Huê kỳ, xác nhận «Bắc kinh thật sự là mối nguy lớn vào năm 2025.” Trong Cẩm nang Chiến lược quốc phòng 2018, Huê kỳ liệt kê «Trung quốc và Nga là hai cường quốc «xét lại» đang tìm cách xây dựng một thế giới phù hợp với khuôn mẫu độc tài của họ». Ông Christopher  Wray, Giám đốc FBI, nhận xét «sự hăm dọa của Tàu không chỉ liên hệ đến vấn đề chiến lược và chánh phủ mà nó còn bao trùm lên toàn xã hội nên tôi tưởng chúng ta cần có đáp án tương tợ, cũng trên qui mô toàn xã hội».

Ý nghĩ này đã phổ biến rộng, thuyết phục cả những người ôn hòa nên khi TT. Trump khai chiến thương mại với Trung quốc liền được chánh giới Huê kỳ đông đảo ủng hộ.

Huê kỳ có hai mối lo trước Bắc kinh. Thứ nhứt về kinh tế. Trung quốc có thể có khả năng làm cho Huê kỳ suy yếu nhờ những mánh khóe thương mại bất chánh, luôn luôn đòi hỏi đối tác chuyển giao công nghệ, đánh cắp sở hũu trí tuệ và đặt để những rào cản làm cho nhiều xí nghiệp ngoại quốc không vào được thị trường Trung quốc. Điều lo ngại thứ nhì thuộc chánh trị. Kinh tế tăng trưởng nhưng chế độ Bắc kinh vẫn không thay đổi theo dân chủ tự do như các nước Tây âu và Huê kỳ mong đợi. Trái lại, Bắc kinh còn tỏ ra hung hăng hơn trong quan hệ với các nước. Nhà chánh trị học Graham Allison nghĩ một cuộc xung đột võ lực giữa hai cường quốc sẽ khó tránh (Vers la guerre entre la chine et l’Amérique, Odile Jacob, Paris, 2019). 

Hung hăng nhưng Trung quốc chưa trang bị võ lực đủ để có thể đối đầu với Huê kỳ nên chưa dám can thiệp vào nội bộ Huê kỳ và cũng chưa dám hô hào tiêu diệt nền thương mại Huê kỳ. Về phía Huê kỳ, TT. Trump cũng muốn tìm giải pháp dung hòa hơn là làm chiến tranh, nếu giải pháp ấy có đụng chạm đến quyền lợi của Huê kỳ không nặng lắm vẫn có thể chấp nhận được.

Cái sai lầm nghiêm trọng của TT. Clinton trước kia là nghĩ đưa Trung quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (OMC), Trung quốc có cơ hội phát triển và sau đó, sẽ trở thành nước dân chủ. Như con rắn, khi bò đi, cái đuôi phải cử động nhịp nhàng theo cái đầu!

b/ Với Âu châu

Hôm 25/03/2019, gặp TT. Macron ở Nice xong, Xi lên Paris để hội kiến với cả Đức và Âu châu là điều chẳng đặng đừng đối với Xi. Đang nín thở chịu đựng trận chiến thương mại với Huê kỳ vì những thương thảo giữa hai bên chưa có gì khởi sắc, Xi muốn thuyết phục Âu châu ngã về với Trung quốc. Không bắt tay được Âu châu thì Trung quốc bị cắt đứt với những thị trường béo bở và cũng không lợi dụng được những công nghệ tiên tiến Âu châu để giúp cho kỹ nghệ Trung quốc có thể vươn lên như giấc mơ của Xi về chiến lược «Made in China 2025». Hơn lúc nào hết, Xi lo sợ Trump sẽ tái lập quan hệ mật thiết với Âu châu thì lúc ấy Trung quốc sẽ bị loại mà không còn chỗ đứng.

Mối lo sợ của Xi chưa xảy ra nhưng Âu châu, từ Berlin tới Bruxelles, đã từ từ ý thức rõ mối hiểm họa Tàu. Ủy Hội Âu châu vừa vạch trần một chiến lược mới của Xi nhắm tấn cống các nước, gọi đó là thứ «đối thủ có hệ thống».

Thấy khó khăn trước sự cảnh giác của Âu châu, Xi bèn xoay qua thuyết phục Rome và những nước ở Đông Âu, gốc cộng sản cũ, như Ba-lan bằng công thức «16 + 1».

Để chống lại chiến thuật này nhằm chia rẽ Âu châu để khai thác nguồn lợi của Âu châu, ông Macron chọn cách kết hợp Âu châu thành một khối.

Xi trở lên Paris hội kiến với TT. Macron, Thủ tướng Merkel và Chủ tịch Âu châu Juncker, giữ thái độ vui vẻ và biết rằng mình phải nhận một thông điệp cứng rắn với nội dung nhận định rõ Trung quốc chỉ biết tôn trọng sức mạnh mà thôi. Ông Macron còn nhấn mạnh thêm “Điều mà chúng tôi cùng muốn, đó là một cái khung bang giao đa phương đổi mới, công bình hơn, hài hòa hơn vì ai cũng biết rõ hợp tác có lợi hơn là đối đầu, và mở cửa có lợi hơn là đóng cửa”.

Ngày nay, có nhiều nước ở Âu châu gặp khó khăn kinh tế nên phải chấp nhận Trung quốc đầu tư xây dựng hạ từng cơ sở trong chương trình “Một vòng đai, một con đường” của Trung quốc nhưng nhiều nước khác vẫn lo ngại, chống Trung quốc vì Trung quốc không tôn trọng sự đối xử bình đẳng với các nhà đầu tư ngoại quốc tại Trung quốc.

Âu châu tôn trọng Trung quốc và cũng muốn Trung quốc phải biết tôn trọng sự thống nhứt của Âu châu.

Bà Merkel cho rằng «Con đường tơ lụa mới là một dự án quan trọng và, chúng tôi, Âu châu, muốn có vai trò và điều đó phải dẫn tới sự tương ứng, tức có Trung quốc mà cũng có chúng tôi nữa, nhưng rất tiếc, chúng tôi vẫn chưa thấy sự lương thiện đó ở phía Trung quốc».  Ông Juncker ủng hộ quan điểm của bà Merkel, tiếp lời «Tôi muốn xí nghiệp Âu châu được Trung quốc đối xử cởi mở như Âu châu đối xử với xí nghiệp Trung quốc ở Âu châu».

Sau cùng, Xi tuyên bố «Chắc chắn là có những dị đồng do tranh chấp với nhau nhưng là tranh chấp tích cực. Chúng ta đang cùng nhau đi tới. Đừng để nghi kỵ làm cho chúng ta nhìn trở lại. Đứng trên tháp Eiffel, người ta mới nhìn rõ Paris hơn và nên lấy tầm cao mà phán xét công việc cùng làm chung».

Chết dưới tay Xi

Lời của Xi rất đẹp, rất hiền hòa, tại sao không tin được? Nhiều người hãy còn nhớ khi Xi bồi đắp các đảo của Việt nam ở Biển Đông mà Xi ngang ngược chiếm cứ, Xi quả quyết tại Nhà Trắng, với TT. Obama, năm 2015, là không có ý biến những đảo này trở thành căn cứ quân sự. Nhưng ngay khi hoàn tất việc bồi đắp, Xi lập tức quân sự hóa các đảo một cách hùng hậu và nhanh chóng. Vậy những lời nói đẹp của cộng sản, nhứt là cộng sản Tàu và cộng sản ở Việt nam, khó có thể tin được.

Nhưng trong trường hợp này, nếu muốn tin Xi nay nói thật vì bị áp lực của Âu châu, thì trước hết, tưởng nên biết con người thật của Xi như thết nào?

Trong ứng xử, Xi luôn luôn áp dụng «chiến thuật chuyện đã rồi». Xi không bao giờ biết sợ phải sử dụng nói dối.

Xi lúc nhỏ là một thứ Hoàng tử đỏ, sống trong cung điện cho tới ngày cha của Xi bị Mao thanh trừng vì bị nghi ngờ  phản Mao. Năm 13 tuổi, Xi nghỉ học vì cách mạng văn hóa đóng cửa các trường học. Cha của Xi bị khép vào thành phần có «hồ sơ đen» và Xi cũng bị «hồ sơ đen», thành phần có thể bị Vệ binh đỏ hành hình vì tội chống Mao.

Không bị xử tử, Xi phải tụng lớn lời dạy của Mao từ sáng tới khuya. Tuy còn nhỏ, Xi vẫn bị đưa ra trước nhơn dân để nhận tội trong lúc cha của Xi bị nhơn dân đấu tố. Trong đám quần chúng đấu tố cha của Xi và Xi, có bà mẹ của Xi cũng dơ nắm tay, hô đả đảo Xi. Chính vào lúc này, Xi thề không bao giờ để bị sỉ nhục như cha của mình, mà phải trở thành con người mạnh.

Năm 16 tuổi, Xi bị đưa về nhà quê. Đời sống ở quê thiếu vệ sinh tối thiểu và thiếu mọi thứ khác nữa nên con người ta bị cơ cực vô cùng. Tuy đã ở tận nhà quê, Xi vẫn phải thường xuyên đấu tố cha bằng cách đọc lớn những điều ông đã làm bị cach mạng qui là tội ác. Cách làm này nhằm biến Xi trở thành công cụ giúp mình có khả năng tẩy não chính mình. Nhờ được cải tạo, con người ta sẽ trở thành người mới, người thấm nhuần cách mạng.

Với quyết tâm phải trở thành người mạnh, Xi xin vào đảng cộng sản. Bị từ chối 9 lần. Xi vẫn không nản. Sau cùng, nhờ người bạn giúp, Xi được kết nạp năm 1974.

Được gia nhập đảng, Xi hiểu từ nay phải thật sự từ khước gia đình của mình để đổi lấy tình yêu đảng. Chỉ có dám phủ nhận gia đình, cha mẹ, mới biểu hiện đúng mức sự trung thành cao độ đối với Mao Chủ tịch. Xi đã làm để đạt cho được mục tiêu trở thành người mạnh.

Năm 1975, Xi xung phong thánh lập một tổ lấy phân cung cấp chất đốt. Nhờ thành tích «Ông Méthane”, Xi được nhận vào học Ban Hóa học của Đại học Bắc kinh. Thanh niên ở nhà quê không bao giờ được bước chơn vào Đại học ở Bắc kinh nếu không có điều kiện đặc biệt.

Trong vụ Thiên An môn năm 1989, Xi cực lực chống lại cha vì cha của Xi phản đối sự đàn áp đẫm máu sinh viên biểu tình đòi dân chủ một cách ôn hòa. Xi đưa vợ, người vợ hiện tại, tới Công trường Thiên An môn hát ủy lạo đám quân đội đang đóng giữ ở đây.

Năm 2007, Xi được bí mật đề cử Chủ tịch nước, Chủ tịch đảng, Chủ tịch Quân Ủy Trung ương. Tại sao chọn Xi?

Xi là Hoàng tử đỏ, con của thế hệ cách mạng đầu tiên. Nhưng theo sử gia Zhang Lifan, Xi được chọn theo tiêu chuẩn người không nguy hiểm, không bản lãnh để có thể được sai khiến dễ dàng. Chẳng bao lâu sau đó, những người đã đề cử Xi đều ngao ngán vì Xi đã không ngại ra tay hạ tất cả các phe ủng hộ Xi. Bằng chiến dịch chống tham nhũng, Xi đã hạ không thương tiếc 1,5 triệu cán bộ đảng viên, 170 Tổng Bộ trưởng, đối thủ chánh trị và 4000 sĩ quan của Hồng quân.

Thanh trừng nội bộ vì quyền lợi riêng tư, Mao sử dụng chiêu bài ý thức hệ (cách mạng), còn Xi vận dụng chiến dịch chống tham nhũng. Cả hai cũng đều chỉ nhằm tập trung quyền lực. Và giữ quyền lực suốt đời.

Một con người sẵn sàng đấu tố cha để tỏ ra đã thật sự được tẩy não rồi, hết lòng hết dạ trung thành với Mao, từng bước thực hiện ý muốn trở thành con người mạnh, và khi nắm quyền, thẳng tay thanh trừng mọi người đã từng đưa mình lên để bảo vệ quyền lực riêng cho mình, con người đó, liệu có thể tin ở lời nói của họ được không?

Vậy về phe với Xi không có nghĩa gì khác hơn là tự chọn cho mình cái chết dưới tay Xi mà thôi. Âu châu đang né tránh bàn tay Xi tuy vậy vẫn có không ít nước vì kinh tế khó khăn hoặc vì cùng phe xhcn chấp nhận ngã vào vòng tay Xi trong đó nổi bật là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam với Nguyễn Phú Trọng và đảng cộng sản cầm quyền.

Người ta nói năm 2020 là tới hạn thi hành mật ước Thành đô, Việt nam sẽ chánh thức trở thành một tỉnh lẻ của Trung quốc. Nếu đúng như vậy, có phải đảng cộng sản Hà nội đã chọn cho Việt nam cái chết dưới tay Xi hay không? 

Nguyễn Thị Cỏ May

No comments:

Blog Archive