BBC
Cựu Tổng thống Peru Alan García tử vong sau khi tự bắn vào đầu lúc cảnh sát tới nhà bắt ông với các cáo buộc nhận hối lộ.
Ông García được vội vã đưa vào bệnh viện ở thủ đô Lima.
Cái chết của ông được Tổng thống đương nhiệm Martín Vizcarra xác nhận.
Một đám đông các ủng hộ viên tụ tập bên ngoài bệnh viện và bị một hàng cảnh sát chặn lui.
Ông García bị cáo buộc nhận hối lộ từ công ty xây dựng Brazil, Odebrecht - điều mà ông phản bác.
Cảnh sát được cử tới bắt giữ ông do các cáo buộc trên.
Bộ trưởng Nội vụ Morán nói với các phóng viên rằng khi cảnh sát tới nơi, ông García đã yêu cầu được thực hiện một cuộc điện thoại, rồi đi vào một căn phòng, đóng kín cửa.
Vài phút sau, một tiếng súng vang lên, ông Morán nói.
Cảnh sát phá cửa phòng xông vào, thấy ông García ngồi trên ghế, đầu bị bắn một phát đạn.
Ông García được đưa vào phẫu thuật khẩn cấp tại bệnh viện Casimiro Ulloa ở Lima, nhưng không qua khỏi.
Trong một tin đăng trên Twitter, ông Vizcarra nói ông bị "sốc" về cái chết của cựu tổng thống, và gửi lời chia buồn tới gia đình ông.
Ông García giữ chức tổng thống từ 1985 đến 1990, và một lần nữa trong thời gian từ 2006 đến 2011.
Những người ủng hộ ông García tụ tập bên ngoài bệnh viện ở Lima
Tin tức về cái chết của ông García gây sốc và đau buồn cho những người ủng hộ ông
Các điều tra viên nói ông nhận hối lộ từ Odebrecht trong nhiệm kỳ hai tại vị, có liên quan tới một dự án xây dựng đường tàu metro ở thủ đô.
Odebrecht thừa nhận đã chi gần 30 triệu đô la đưa hối lộ tại Peru kể từ 2004.
Nhưng ông García luôn nói rằng ông là nạn nhân của tình trạng đàn áp chính trị.
Hôm thứ Ba, ông viết trên Twitter rằng "không có manh mối hay bằng chứng nào" chống lại ông.
Alan García - 'Kennedy của Mỹ Latin'
Ông García sinh ngày 23/5/1949 tại Lima. Ông theo học ngành luật và xã hội học, và trở thành tổng thống trẻ nhất của Peru từ trước đến nay, khi đắc cử vào năm 1985, khi ông 36 tuổi.
Là một nhà diễn thuyết giỏi, ông được một số người coi như "Kennedy của Mỹ-Latin".
'Tham nhũng tràn lan'
Odebrecht là công ty xây dựng khổng lồ của Brazil, đứng đằng sau các dự án cơ sở hạ tầng lớn trên thế giới.
Trong số những công trình họ từng làm có dự án xây các địa điểm thi đấu Olympics 2016 và World Cup 2014 tại Brazil.
Tuy nhiên, dưới sự điều tra của các thanh tra chống tham nhũng, công ty thừa nhận đã trả hối lộ tại hơn một nửa số quốc gia tại Mỹ-Latin, cũng như tại Angola và Mozambique ở châu Phi.
Các nhà điều tra nói Odebrecht đã hối lộ các quan chức hoặc các ứng viên tranh cử để đổi lấy các hợp đồng xây dựng béo bở.
Bê bối tham nhũng đã khiến nhiều chính trị gia 'ngã ngựa' tại Mỹ-Latin.
Tại Peru, bốn tổng thống gần đây nhất của Peru đều đang bị điều tra về các cáo buộc tham nhũng. Tổng thống thứ năm, Alberto Fujimori, hiện đang thụ án tù về tội tham nhũng và vi phạm nhân quyền.
Cựu lãnh đạo Pedro Pablo Kuczynski hôm thứ Tư được đưa vào bệnh viện do cao huyết áp, chỉ vài ngày sau khi ông bị bắt liên quan tới các cáo buộc dính đến Odebrecht.
Tin tức nói ông hiện đang được chăm sóc y tế đặc biệt.
Lãnh đạo đối lập hiện nay, Keiko Fujimori, cũgn đang bị giam giữ trước khi đưa ra xét xử với cáo buộc nhận 1,2 triệu đô la hối lộ từ Odebrecht.
Hồi tháng Mười, một cuộc thăm do dư luận do Datum thực hiện cho thấy 94% người dân Peru tin rằng mức độ tham nhũng tại nước họ là cao hoặc rất cao.
No comments:
Post a Comment